Khóa luận Hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

pdf 105 trang thiennha21 16/04/2022 3750
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_hanh_vi_bat_nat_tai_noi_lam_them_cua_sinh_vien_mot.pdf

Nội dung text: Khóa luận Hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH KHOA TÂM LÝ HỌC NGUYỄN THỊ NGỌC THƯ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM CỦA SINH VIÊN MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành: Tâm lý học Thành phố Hồ Chí Minh, 2019
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH KHOA TÂM LÝ HỌC HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM CỦA SINH VIÊN MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Người thực hiện: Nguyễn Thị Ngọc Thư Người hướng dẫn: Th.S Đào Thị Duy Duyên Thành phố Hồ Chí Minh, 2019
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi, dưới sự hướng dẫn của Th.S Đào Thị Duy Duyên. Các số liệu và kết quả nghiên cứu trình bày trong luận văn này là trung thực, chưa được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. TpHCM, ngày 25 tháng 04 năm 2019 Nguyễn Thị Ngọc Thư
  4. DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT BN Bắt nạt BBN Bị bắt nạt CK Chứng kiến ĐTB Điểm trung bình NLT Nơi làm thêm SVBBN Sinh viên bị bắt nạt SVCK Sinh viên chứng kiến TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh TT Thứ tự
  5. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM CỦA SINH VIÊN MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 6 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm. 6 1.1.1. Nghiên cứu ngoài nước về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm 6 1.1.2. Nghiên cứu tại Việt Nam về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm 8 1.2. Một số vấn đề lý luận liên quan đến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên 12 1.2.1. Lý luận về hành vi 12 1.2.2. Lý luận về hành vi bắt nạt 15 1.2.3. Lý luận về hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên 22 CHƯƠNG 2 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM CỦA SINH VIÊN MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 32 2.1. Tổ chức nghiên cứu 32 2.1.1. Địa bàn nghiên cứu 32 2.1.2. Khách thể nghiên cứu. 32 2.1.3. Quá trình nghiên cứu. 34 2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn TPHCM. 40 2.2.1.Phần dành cho sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm 40 2.2.2. Phần dành cho sinh viên chứng kiến vụ bắt nạt tại nơi làm thêm 63 2.2.3. So sánh về mức độ ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến sinh viên, đến công việc làm thêm của sinh viên theo giới tính, theo kinh nghiệm làm thêm và theo trường học. 69 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 73 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG ĐỀ TÀI 78 PHỤ LỤC 1 - BIỂU ĐỒ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG ĐỀ TÀI 82
  6. PHỤ LỤC 2 - BẢNG HỎI DÙNG TRONG KHẢO SÁT ĐỀ TÀI 84 PHỤ LỤC 3 - BẢNG HỎI PHỎNG VẤN CHO SINH VIÊN CHỨNG KIẾN HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM 94
  7. DANH MỤC BẢNG BIỂU TRONG LUẬN VĂN SỐ TÊN BẢNG TRANG Bảng 2.1 - Đặc điểm của khách thể nghiên cứu 32 Bảng 2.2 - Mã hóa các thang đo 40 Bảng 2.3 - Quy điển trung bình các thang đo 40 Bảng 2.4 - Sinh viên tự đánh giá chung về trải nghiệm bị bắt nạt tại 41 nơi làm thêm Bảng 2.5 - Tần số, tỉ lệ % mức độ bị bắt nạt tại nơi làm thêm của SV toàn mẫu dựa trên thang đo biểu hiện hình thức bắt nạt tại nơi 42 làm thêm. Bảng 2.6 - Xếp loại các nhóm hình thức bắt nạt 43 Bảng 2.7 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng công việc 43 Bảng 2.8 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách tẩy chay 46 Bảng 2.9 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách tấn công cá nhân 47 hoặc cuộc sống cá nhân Bảng 2.10 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách đe dọa bằng lời nói 48 Bảng 2.11 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách lan truyền tin đồn 49 Bảng 2.12 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng bắt nạt thể chất 50 Bảng 2.13 - Đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi 51 làm thêm Bảng 2.14 - Nhận thức của sinh viên về đặc điểm của đối tượng dễ 52 bị bắt nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.15 - Cách phản ứng của sinh viên với tình trạng bị bắt nạt 54 tại nơi làm thêm Bảng 2.16 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến tâm lý của sinh 56 viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.17 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến 57
  8. cảm xúc của sinh vên Bảng 2.18 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến 58 thái độ của sinh viên Bảng 2.19 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến 60 hành vi của sinh viên Bảng 2.20 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến 61 tâm lý và thể chất của sinh viên Bảng 2.21 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến 62 công việc của sinh viên Bảng 2.22 - Thống kê về số sinh viên đã từng chứng kiến vụ bắt 63 nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.23 - Các trường hợp sinh viên từng chứng kiến vụ bắt nạt 64 tại nơi làm thêm Bảng 2.24 - Đối tượng bắt nạt sinh viên qua chứng kiến của sinh 65 viên chứng kiến vụ bắt nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.25 - Cách phản ứng của sinh viên khi chứng kiến vụ bắt 66 nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.26 - Khác biệt về ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến sinh 70 viên, công việc của sinh viên theo giới tính Bảng 2.27 - Khác biệt về ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến sinh 70 viên, công việc của sinh viên theo kinh nghiệm làm thêm Bảng 2.28 - Khác biệt về ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến sinh 71 viên, công việc của sinh viên theo trường học
  9. DANH MỤC BIỂU ĐỒ TRONG LUẬN VĂN TÊN BIỂU ĐỒ SỐ TRANG 1. Tần số và tỉ lệ % SVBBN khi đi làm thêm 83 2. Ảnh hưởng của bắt nạt đến tâm lý của sinh viên 83 3. Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến sinh viên 84
  10. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Tại Việt Nam, hành vi bắt nạt đang dành sự quan tâm lớn từ các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu lẫn sự quan tâm của bậc phụ huynh và báo chí. Vì hiện nay tại Việt Nam, nhắc đến bạo lực, đa số nghĩ ngay đến bắt nạt học đường với nhiều hành vi bắt nạt từ thể chất (đánh nhau) đến bắt nạt bằng lời nói, thái độ để đàn áp tâm lý đối phương. Trong thời gian gần đây, bắt nạt học đường xuất hiện hình thức bắt nạt mới là bắt nạt qua mạng, qua truyền thông. Trước tình hình đó có nhiều cuộc nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước xem xét, khảo sát tình trạng bắt nạt học đường. Và bằng chứng là có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố, nhiều luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu về tình trạng này. Có thể kể đến như công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Duyên, “Học sinh bắt nạt học sinh: Thực trạng và giải pháp” (2016) được tiến hành trên 303 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 112 của tỉnh Bắc Ninh. Các báo chí hay các tin tức thời sự trực tiếp đều ưu tiên cho các vụ việc về bắt nạt học đường và tác hai của nó. Như vậy, tại Việt Nam, nhắc đến bắt nạt, người ta bị “đóng khung” suy nghĩ vào tình trạng bắt nạt tại môi trường học đường thay cho các môi trường khác. Tuy nhiên, trong thực tế, bắt nạt có thể diễn ra tại bất kỳ môi trường nào, trong đó, có cả môi trường làm việc. Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, tình trạng bắt nạt tại nơi làm việc đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu và tìm hướng giải quyết tình trạng của nhiều nhà nghiên cứu về tâm lý học, về nhân sự. Kể từ năm 1990, khái niệm “bắt nạt công sở” được nhắc đến đầu tiên bởi bác sĩ người Thụy Điển Heinz Leymann, nó đã trở thành đề tài nghiên cứu của những năm 1990 (dẫn theo tác giả Nguyễn Ngọc Anh, 2016). Thế nhưng, các nghiên cứu trong nước chưa có nhiều những nghiên cứu theo hướng nghiên cứu về hành vi bắt nạt tại nơi làm việc. Về báo chí, có rất nhiều những bài báo viết về lý do bị bắt nạt tại công sở, về những dấu hiệu của kẻ bắt nạt công sở hay dấu
  11. 2 hiệu bản thân đã bị bắt nạt, có những bài báo sẽ tập trung viết về các giải pháp phòng chống lại tình trạng bị bắt nạt tại công sở. Nhưng, đến nay, vẫn chưa có nhiều những công trình nghiên cứu về hiện tượng bắt nạt tại nơi làm việc và ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần của người lao động trong môi trường có bắt nạt. Một nghiên cứu về mức độ chấp nhận bắt nạt tại nơi làm việc trên qui mô cả 6 châu lục được thực hiện năm 2013 của tác giả David Holman và cộng sự đã chỉ ra, Việt Nam là một trong quốc gia chấp nhận hành vi bắt nạt tại nơi làm việc như một hành vi thông thường. Điều này đã phần nào lý giải vì sao, đến thời điểm hiện tại, có rất ít các nghiên cứu hay bài báo tại Việt Nam tập trung khảo sát, tìm hiểu về hành vi bắt nạt trong môi trường làm việc. Sinh viên trong thời đại hiện nay không chỉ dành thời gian cho việc học trên trường, mà đa số sinh viên dành thời gian để đi làm thêm và dần sống tự lập hơn. Môi trường làm thêm của sinh viên vẫn là một dạng môi trường làm việc đúng nghĩa. Do đó, có thể có tình trạng bắt nạt diễn ra trong môi trường làm thêm của sinh viên. Đã có nhiều những luận văn tốt nghiệp, những thống kê do sinh viên thực hiện về đề tài sinh viên với việc làm thêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu hay thống kê này chỉ tập trung vào lợi ích - tác hại của việc làm thêm đối với hiệu quả học tập của sinh viên. Có rất nhiều những bài báo viết về đề tài sinh viên và việc làm thêm, nhưng nội dung chính vẫn xoay quanh những lợi ích - tác hại có thể có của việc đi làm đối với việc học của sinh viên. Như vậy, tình trạng bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên đang thiếu hụt về mảng nghiên cứu, thống kê. Có ý kiến cho rằng: đi làm thêm của sinh viên là việc làm không chính thức, nếu sinh viên bị bắt nạt và không thể tiếp tục, có thể xin nghỉ tại nơi đó, không nhất thiết phải cần nghiên cứu về vấn đề này. Thế nhưng, người nghiên cứu nhận ra rằng, việc sinh viên nghỉ làm tại nơi có hành vi bắt nạt đối với mình chỉ là giải pháp tạm thời, vì tùy theo tính cách và mức độ của hành vi bắt nạt, mà hậu quả sẽ khác nhau. Sẽ có những sinh viên dễ dàng vượt qua tác động của hành vi bắt nạt, nhưng ngược lại, có sinh viên sẽ bị tác động mạnh mẽ từ hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm và có sự thay
  12. 3 đổi sau khi bị bắt nạt (có nhiều nghiên cứu ngoài nước đã cho thấy hành vi bắt nạt tại nơi làm việc có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân bị bắt nạt). Nhận thấy được một tình trạng đang diễn ra trong giới sinh viên và thiếu hụt các nghiên cứu khoa học về tình trạng này, xuất phát từ sự quan tâm của bản thân người nghiên cứu, nên đề tài “Hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” được chọn thực hiện. 2. Mục đích nghiên cứu. Tìm hiểu thực trạng sinh viên của một số trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt nạt tại nơi làm thêm. Trên cơ sở đó một số kiến nghị nhằm hỗ trợ sinh viên hạn chế tình trạng bị bắt nạt tại nơi làm thêm. 3. Đối tượng nghiên cứu - Khách thể nghiên cứu: 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm. 3.2. Khách thể nghiên cứu: Sinh viên có đi làm thêm hiện đang học tại 2 trường đại học: Khoa học Tự nhiên TpHCM và Đại học Sư phạm TpHCM. 4. Giả thuyết nghiên cứu. 4.1. Sinh viên một số trường ĐH trên địa bàn TPHCM khi đi làm thêm thỉnh thoảng bị bắt nạt tại nơi làm thêm 4.2. Các hình thức bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm chủ yếu trên phương diện bắt nạt tâm lý của sinh viên. 4.3. Bắt nạt tại nơi làm thêm có ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân sinh viên bị bắt nạt và công việc của sinh viên đó. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu 5.1. Hệ thống các vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài
  13. 4 5.2. Khảo sát thực trạng sinh viên của 2 trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Sư phạm TpHCM bị bắt nạt khi đi làm thêm. Và đề xuất một số kiến nghị hỗ trợ sinh viên hạn chế tình trạng bị bắt nạt khi đi làm thêm. 6. Phạm vi nghiên cứu: 6.1. Về nội dung: Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu về hành vi bắt nạt thông qua nghiên cứu các biểu hiện bắt nạt từ nhóm sinh viên bị bắt nạt và nhóm người chứng kiến hành vi bắt nạt. Đề tài chưa tập trung nghiên cứu về nhóm chủ thể thực hiện bắt nạt. 6.2. Về thời gian: Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11/2018 đến đầu tháng 04/2019. 6.3. Về mẫu nghiên cứu: Nghiên cứu khảo sát trên 247 sinh viên các năm 1, năm 2, năm 3 và năm 4 có đi làm thêm thuộc 2 trường trên địa bàn TPHCM là: Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Sư phạm. 7. Phương pháp nghiên cứu 7.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận: Phân tích, tổng hợp các tài liệu lý luận có liên quan để xây dựng khung lý thuyết cho đề tài như: bắt nạt, các biểu hiện của bắt nạt, bị bắt nạt, người chứng kiến. Bắt nạt tại nơi làm thêm, biểu hiện bắt nạt tại nơi làm thêm . 7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn 7.2.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Mục tiêu phương pháp: Đây là phương pháp chính của đề tài nhằm mục đích khảo sát thực trạng bị bắt nạt khi đi làm thêm của sinh viên thuộc 2 trường đại học trên địa bàn thành phố.
  14. 5 Đối tượng khảo sát: Sinh viên năm 1, 2, 3 và năm 4 thuộc 2 trường đại học Khoa học Tự nhiên TpHCM và đại học Sư phạm TpHCM và có đi làm thêm. 7.2.2. Phương pháp phỏng vấn: Mục tiêu phương pháp: Tìm hiểu cụ thể hơn về thực trạng bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm và nguyên nhân dẫn đến cách phản ứng của nhóm sinh viên chứng kiến vụ băt nạt. Đối tượng được phỏng vấn: Sinh viên tham gia khảo sát và có câu trả lời là chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm. 7.2.3. Phương pháp thống kê toán học: Sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 20.0 để xử lý thống kê như: tần số, tỉ lệ phần trăm, trung bình, phương sai, kiểm định T-test, kiểm định ANOVA, làm cơ sở để bình luận số liệu thu được từ phương pháp điều tra bằng bảng hỏi.
  15. 6 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM CỦA SINH VIÊN MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm. 1.1.1. Nghiên cứu ngoài nước về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm Vấn đề về bắt nạt tại nơi làm việc là đối tượng nghiên cứu của nhiều tác giả tại nước ngoài. Cụ thể như: Khái niệm “bắt nạt công sở” hay bắt nạt tại nơi làm việc được đề cập đầu tiên bởi bác sĩ tâm thần người Thụy Điển Heinz Leymann vào những năm 1990 (Namie, 2003). Kể từ đó khái niệm về bắt nạt tại nơi làm việc đã nhận nhiều sự quan tâm trong giới học thuật. Một loạt những sách và bài báo cũng như nghiên cứu khoa học viết về nó đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng châu Âu. (Einarsen, 2011). Hướng nghiên cứu đo lường vấn đề bắt nạt tại nơi làm việc: Công trình nghiên cứu mang tên “Measuring workplace bullying” (Tạm dịch: Đo lường về bắt nạt tại nơi làm việc) của tác giả Helen Cowie và cộng sự tiến hành năm 2002 đã chỉ ra thực tế rằng, khó khăn trong nghiên cứu về bắt nạt trong các tổ chức là thiếu kỹ thuật đo lường thích hợp. Nhóm tác giả đã xem xét các phương pháp nghiên cứu hiện tại đang được sử dụng để nghiên cứu về hành vi bắt nạt trong các tổ chức. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả chỉ ra rằng, phương pháp tiếp cận đa phương pháp (bao gồm cả nghiên cứu trường hợp) có thể là phương pháp nghiên cứu hữu ích cho các nhà nghiên cứu về tình trạng bắt nạt. Nghiên cứu “Workplace bullying: measurements and metrics to use in the NHS” (Tạm dịch: Bắt nạt tại nơi làm việc: Các phép đo lường và số liệu để sử dụng trong NHS) của nhóm tác giả Prof Jan Illing, Mr Neill Thompson, Dr Paul Crampton, Mrs Charlotte Rothwell, Ms Amelia Kehoe, Dr Madeline Carter tiến hành vào vào
  16. 7 năm 2015 - 2016 đã cố gắng xác định hành vi bắt nạt tại nơi làm việc làm thế nào có thể tồn tại theo thời gian, từ đó chỉ ra các biện pháp để thay đổi thực trạng bắt nạt tại nơi làm việc và cung cấp số liệu có thể phục vụ cho các ngành khác tại Anh và quốc tế. Hướng nghiên cứu về bản chất của bắt nạt và các yếu tố liên quan đến bắt nạt tại nơi làm việc Trong một bài báo khoa học có tên “Automatic sources of aggression” (Tạm dịch: Nguồn gốc tự động hóa của sự gây hấn) năm 2002 của tác giả Alexander Todorov và cộng sự, đã nghiên cứu mối liên hệ đặc biệt giữa tính tự động trong vô thức được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường và tính gây hấn ở con người. Một nghiên cứu khác của tác giả Jane Goodman và cộng sự vào năm 2007 có tên gọi “Defining workplace bullying behaviour professional lay definitions of workplace bullying” (Tạm dịch: Xác định hành vi bắt nạt công sở chuyên nghiệp đặt trong việc định nghĩa về hành vi bắt nạt công sở). Đây là cuộc nghiên cứu với mục đích xác định một định nghĩa mới cho thuật ngữ bắt nạt tại nơi làm việc, các biểu hiện của chúng tại môi trường làm việc chuyên nghiệp và tác động tiêu cực của hành vi này đến nhân viên. Nghiên cứu “Workplace bullying and its relation with work characteristics, personality, and post-traumatic stress symptoms: an integrated model” (Tạm dịch: Bắt nạt tại nơi làm việc và mối quan hệ của nó với tính chất công việc, cá tính và triệu chứng cẳng thẳng sau chấn thương: một mô hình tích hợp) của nhóm tác giả Cristian Balducci, Franco Fraccaroli và Wilmar B. Schaufeli được tiến hành vào khoảng năm 2009 - 2010, đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa hành vi bắt nạt tại nơi làm việc với tính chất công việc, cá tính và các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương. Nghiên cứu này còn đưa ra một mô hình thử nghiệm tích hợp, trong đó, yếu tố về môi trường và cá tính được xem là tiền đề của hành vi bắt nạt và triệu chứng stress sau chấn thương.
  17. 8 Nhóm tác giả D.Zapf, Hole, Einarsen, Cooper đã cho xuất bản tập sách “Bullying and Harassment in the Workplace” (Tạm dịch: Bắt nạt và Quấy rối tại nơi làm việc) vào năm 2011. Đây là tập sách tập hợp các nghiên cứu của chính nhóm tác giả về hành vi bắt nặt tại nơi làm việc tại các môi trường làm việc ở châu Âu và Bắc Mỹ, các nghiên cứu về hành vi quấy rối tại nơi làm việc, các lý giải nguyên nhân của hành vi bắt nạt tại nơi làm việc, các bằng chứng thực nghiệm về hiện tượng bắt nạt tại nơi làm việc. Cuộc nghiên cứu “Acceptability of workplace bullying: A comparative study on six continents” (Tạm dịch: Việc chấp nhận bắt nạt tại nơi làm việc: Một so sánh trên sáu châu lục) được tiến hành bởi David Holman và 21 cộng sự khác năm 2013. Nghiên cứu được tiến hành trên phạm vi 6 châu lục để khám phá lần đầu tiên mối liên hệ giữa yếu tố văn hóa và khả năng chấp nhận bắt nạt tại nơi làm việc. Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng nền văn hóa châu Á dễ chấp nhận hành vi bắt nạt liên quan đến công việc hơn là cụm quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh và các quốc gia châu Phi thuộc vùng cận Sahara. Như vậy, các nghiên cứu về tình trạng bắt nạt tại nơi làm việc luôn thu hút sự quan tâm của số đông những nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu về bắt nạt không chỉ quan tâm tìm hiểu về tình trạng bắt nạt đang diễn ra trong các tổ chức làm việc, mà còn quan tâm đến tác động của nó đến đời sống tinh thần của nhân viên, mối quan hệ của nó với môi trường của tổ chức. Một số nghiên cứu cố gắng tìm kiếm một phương pháp thích hợp để đo lường về hiện tượng này. Các nghiên cứu đã góp phần giúp người nghiên cứu có cái nhìn trọn vẹn hơn về hiện tượng bắt nạt tại nơi làm việc. Trong đó, có một vài nghiên cứu đã giúp người nghiên cứu thêm ý tưởng cho đề tài này, chẳng hạn, việc hình thành định nghĩa mới trong đề tài, nhìn nhận các ảnh hưởng của bắt nạt đến phương diện tâm lý của nạn nhân. 1.1.2. Nghiên cứu tại Việt Nam về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm
  18. 9 Hiện nay, các nhà nghiên cứu trong nước đang đang dành nhiều sự quan tâm về bắt nạt, nhưng chủ yếu là hướng nghiên cứu hiện tượng bắt nạt diễn ra trong môi trường học đường. Hướng nghiên cứu bắt nạt xảy ra trong học đường Nguyễn Thị Nga ( 2011) với luận văn thạc sĩ “Tìm hiểu hiện tượng bị bắt nạt ở học sinh phổ thông”, được tiến hành trên học sinh cả 3 cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh trung học phổ thông bị bắt nạt chiếm tỉ lệ khá lớn, và hình thức biểu hiện lẫn mức độ của hiện tượng bị bắt nạt thay đổi theo từng độ tuổi, cấp học. Nguyễn Thị Duyên với đề tài “Học sinh bắt nạt học sinh: Thực trạng và giải pháp” được tiến hành trong vòng 1.5 năm trên học sinh cấp 2. Kết quả nghiên cứu tìm hiểu mức độ và hình thức của hành vi bắt nạt học sinh; địa điểm các em bị bắt nạt và cảm xúc - thái độ - phản ứng của các em khi đối diện với hành vi bắt nạt. Một nghiên cứu khác của Nguyễn Thị Duyên “Nghiên cứu mối liên hệ giữa đặc điểm nhân cách và hiện tượng bắt nạt ở học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”, được tiến hành trong vòng 6 tháng (từ 09/2011 đến 02/2012) trên khách thể nghiên cứu là 303 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nghiên cứu cho thấy hiện tượng bắt nạt bao gồm cả bắt nạt và bị bắt nạt có tương quan với nhân cách học sinh, có sự khác nhau giữa nhân cách thủ phạm và nhân cách học sinh. Nghiên cứu này không dừng lại ở mức độ mô tả thực trạng mà bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về bắt nạt thông qua tìm hiểu mối liên hệ giữ bắt nạt với đặc điểm nhân cách. Trần Văn Công và cộng sự (2015) tìm hiểu mối quan hệ giữa bắt nạt trực tuyến và cách ứng phó của học sinh trung học khi các em bị bắt nạt trực tuyến được trình bày trong bài báo khoa học “Chiến lược ứng phó của học sinh với bắt nạt trực tuyến”. Nghiên cứu được thực hiện trên 736 học sinh của 8 trường THCS và THPT ở Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Kết quả cho thấy 183 học sinh (chiếm 24% tổng số khách thể nghiên cứu) là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trực tuyến. Mức độ và hình thức bị bắt nạt ở nạn nhân có sự khác biệt xét về mặt giới tính, khu vực sống, độ
  19. 10 tuổi và cấp học. Nạn nhân thường ít chia sẻ việc mình bị bắt nạt, và lảng tránh vấn đề này, tuy vậy các em nhận thức được sự nghiêm trọng của bắt nạt trực tuyến, coi đó không phải chuyện bình thường chỉ xảy ra trên mạng. Lê Thị Hải Hà và cộng sự ( 2016) với nghiên cứu “Giá trị và độ tin cậy của thang đo bị bắt nạt học đường và qua mạng: Kết quả nghiên cứu với học sinh đô thị Hà Nội và Hải Dương”. Nghiên cứu khảo sát bằng bảng hỏi tự điền với 1.424 học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học ở Hà Nội và Hải Dương năm 2014, bảng hỏi được tham khảo từ bộ câu hỏi của Olweus và Ybarra. Kết quả khẳng định bảng hỏi đảm bảo chất lượng Trần Văn Công (2017) thực hiện nghiên cứu “Thực trạng bắt nạt học sinh ở Việt Nam” trên 955 học sinh của 7 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn nội và ngoại thành Hà Nội, độ tuổi trung bình là 11,3. Kết quả cho thấy 344 học sinh (chiếm 36% tổng số khách thể nghiên cứu) thường xuyên bị bắt nạt bởi ít nhất một loại hình. Trong đó, có 122 em (chiếm 12,8% tổng số khách thể nghiên cứu) bị bắt nạt bởi 2 đến 5 hình thức. Đề tài cũng nêu ra một số yếu tố có ý nghĩa dự đoán mức độ học sinh khi bị bắt nạt ở từng loại hình khác nhau. Tóm lại, hướng nghiên cứu về bắt nạt học đường tập trung nghiên cứu về mức độ bị bắt nạt, hình thức biểu hiện của bắt nạt, phản ứng với hành vi bắt nạt, mối liên hệ giữa hành vi bắt nạt với nhân cách học sinh, đã cung cấp một số hiểu biết về bắt nạt học đường về lý luận và thực trạng bắt nạt học đường hiện nay. Những nghiên cứu này cũng giúp người nghiên cứu tham khảo về cơ sở lý luận và một số biểu hiện của bắt nạt để xây dựng cơ sở lý luận về bắt nạt nói chung cho đề tài, đồng thời giúp tham khảo ý tưởng để soạn thang đo về bắt nạt tại nơi làm thêm. Hướng nghiên cứu về bắt nạt công sở, nơi làm việc, làm thêm Khi tìm hiểu hướng nghiên cứu về bắt nạt tại nơi làm việc hoặc nơi làm thêm, trong giới hạn tìm hiểu, người nghiên cứu chưa thấy nhiều nghiên cứu một cách bài bản về vấn đề này trong nước. Mà chỉ tìm thấy một số kết quả là những bài viết liên quan đến bắt nạt công sở. Điển hình như: Nguyễn Thị Ngọc Anh (2016) “Workplace
  20. 11 Bullying (Bắt nạt công sở ) - Liệu bạn có đủ can đảm để làm điều đúng?”. Trong bài viết này, tác giả trình bày những lĩnh vực nghề nghiệp hay xảy ra bắt nạt, khái niệm bắt nạt công sở, các hình thức của bắt nạt công sở, đặc điểm của bắt nạt cộng sở, đặc điểm của nạn nhân bị bắt nạt công sở, định nghĩa chủ thể bắt nạt, nguyên nhân gây bắt nạt công sở, ảnh hưởng của bắt nạt công sở và đối phó với bắt nạt công sở. Ngoài ra, khi tìm kiếm trên google với từ khóa “ bắt nạt nơi làm việc ” người nghiên cứu tìm được 1.020 kết quả bài viết về vấn đề này. Các bài viết dưới cung cấp nhiều thông tin, hiểu biết liên quan đến bắt nạt tại nơi làm việc, công sở. Điển hình như: Bài viết “Những dấu hiệu bắt nạt nơi công sở” trên trang NCBlog – NanaPet Community Blog (2015) đã nêu khái niệm bắt nạt nơi công sở, nêu 20 dấu hiệu chung cho biết bắt nạt đang diễn ra tại nơi làm việc, 11 dấu hiệu công khai cho thấy bắt nạt đang diễn ra rõ ràng hơn Báo Dân trí có bài đăng ngày 12/04/2008 với tựa đề “Bạn đang bị bắt nạt nơi công sở?” đã chỉ ra tác hại của việc bị bắt nạt nơi công sở và 10 dấu hiệu chứng tỏ một các nhân bị bắt nạt tại nơi làm việc của họ. Bài đăng của báo Thanh niên ngày 2/12/2018 có tựa đề “Nạn nhân của baọ lực, lạm dụng dễ bị đau tim, đột quỵ” đã đề cập đến kết quả của một cuộc nghiên cứu đăng trên chuyên san European Heart Journal. Theo đó, bài báo viết rằng “nếu loại bỏ được tình trạng bị bắt nạt tại nơi làm việc có thể giúp chúng ta tránh được 5% nguy cơ mắc bệnh tim”. Lê Thương (2008) trong bài viết tiêu đề “ Kiệt sức nghề nghiệp” đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng nghề nghiệp với bắt nạt công sở “bạn đang bị bắt nạt công sở, bạn cảm thấy bị tổn thương bởi các cộng sự hoặc sếp quản lý quá khắt khe. Điều này có thể góp phần vào căng thẳng nghề nghiệp” Như vậy, có thể thấy bắt nạt tại nơi làm việc là một lĩnh vực được đề cập đến nhiều dưới dạng những thông tin phổ thông, nhưng chưa phổ biến các nghiên cứu bài
  21. 12 bản khoa học về vấn đề này ở nước ta, nó cần phải được quan tâm hơn để bổ sung những kết quả nghiên cứu mang tính khoa học về vấn đề này ở nước ta. Hướng nghiên cứu về bắt nạt trên khách thể là sinh viên Nguyễn Thị Hường ( 2014) với luận văn “ Tìm hiểu thực trạng sinh viên nữ bị bạo hành” tìm hiểu trên 250 sinh viên nữ ở hai trường cao đẳng, đại học đã cho kết quả: tỷ lệ sinh viên bị bạo hành tương đối cao. Sinh viên bị bạo hành nhiều nhất là bạo hành về tinh thần, sau đó là bạo hành về thể chất. Bạo hành về tình dục và bạo hành về kinh tế có tỷ lệ thấp hơn. Sinh viên có nguy cơ bị bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục là nhóm sinh viên sống cùng người yêu/ chồng, sống ở kí túc xá hoặc nhà trọ, kết hôn, có người yêu hơn nhóm sinh viên sống cùng cha mẹ, chị em ruột, bạn bè, sống trong nhà của cha mẹ. Bài viết của tác giả Âu Việt (2018) “Sinh viên đi làm thêm: Lương đã thấp rồi còn dễ bị bắt nạt vì thiếu kinh nghiệm sống” đăng trên trang docbao.vn, đã đề cập đến những tình huống mà sinh viên đi làm thêm bị o ép, bắt nạt về lương bổng, về cách ứng xử với đồng nghiệp, vấn đề thiếu kinh nghiệm dẫn đến bị bắt nạt. Những bài viết này là nguồn tư liệu để giúp người nghiên cứu có những ý tưởng nghiên cứu cụ thể về những vấn đề liên quan đến việc sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm cho đề tài này. Tóm lại, trong giới hạn tìm hiểu của người nghiên cứu chưa thấy có nhiều nghiên cứu về bắt nạt ở sinh viên, đặc biệt là bắt nạt tại nơi làm thêm. Do đó, đề tài nghiên cứu tập trung vào vấn đề là một hướng nghiên cứu mới và cần thiết ở nước ta để khái quát cơ sở lý luận và cung cấp kêt quả thực trạng bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên để làm phong phú thêm kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này. 1.2. Một số vấn đề lý luận liên quan đến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên 1.2.1. Lý luận về hành vi 1.2.1.1. Khái niệm về hành vi
  22. 13 Hiện nay, thuật ngữ hành vi chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và dứt khoát. Tùy vào từng trường hợp sử dụng mà thuật ngữ hành vi, hoạt động, cách ứng xử, cách phản ứng được dùng thay thế nhau . Theo tác giả Hoàng Phê (2000) thì hành vi được định nghĩa là: “là toàn bộ nói chung những phản ứng hay cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài, có thể quan sát được của một người trong một hoàn cảnh cụ thể nhất định”. Như vậy, tác giả Hoàng Phê nhìn nhận hành vi là cách ứng xử được thể hiện ra bên ngoài, diễn ra trong một hoàn cảnh cụ thể và người khác có thể quan sát được hành vi đó. Theo tác giả Vũ Dũng (2000) thì hành vi là sự tác động qua lại giữa cơ thể sống và môi trường xung quanh, do tính tích cực bên ngoài (kích thích) và bên trong (nhu cầu) thúc đẩy. Trong cách nhìn nhận của trường phái Tâm lý học hành vi do nhà tâm lý học người Mỹ J.B.Watson khởi xướng, thì hành vi được xem là tổng số các phản ứng (Response) của cơ thể đáp lại các kích thích (Stimulus) từ môi trường bên ngoài. Trường phái tâm lý học hành vi còn nổi tiếng với công thức về mối quan hệ tương ứng giữa hành vi và môi trường sống : S → R. Về sau, nhà tâm lý học Skinner đã bổ sung thêm vào công thức trên một yếu tố C (Consequence), là kết quả của hành vi được thực hiện. Lúc này công thức được phát triển thành: S → R → C. Như vậy, tâm lý học hành vi đã máy móc hóa hành vi của con người, xem nó đơn thuần là cách phản ứng của con người trước các tác nhân của môi trường, mà không xem xét đến các yếu tố bên trong của tâm lý người. Theo tác giả Huỳnh Văn Sơn (2014), khi phân tích sơ đồ cấu trúc hoạt động của A.N.Leontiev, đã chỉ ra hoạt động cụ thể được hợp thành bởi nhiều hành động. Nói cách khác, một hoạt động được thực hiện bởi một chuỗi các hành động. Mỗi phương tiện sẽ qui định cách thức hành động khác nhau ứng với những thao tác cụ thể khác nhau. Có hai dạng phương tiện chính ứng với thao tác của con người là vật chật và ngôn từ. Vì vậy, hành động được cấu tạo từ hai dạng chính là hoạt động với vật chất và hoạt động với ngôn từ.
  23. 14 Theo tác giả Nguyễn Thị Diễm My (2014) thì hành vi đươc định nghĩa “là mặt bên ngoài của hoạt động, bao gồm một chuỗi các hành động được biểu hiện ra bên ngoài nhưng lại thống nhất với cấu trúc tâm lý bên trong của nhân cách, là sự thống nhất giữa hình thức bên ngoài và nội dung tâm lý bên trong. Các hành động cấu thành nên hành vi tồn tại dưới hai hình thức là hành động vật chất và hành động ngôn từ. Hành vi là biểu hiện của một đời sống tâm lý bên trong và được điều chỉnh bởi cấu trúc tâm lý bên trong của nhân cách”. Như vậy, tác giả Nguyễn Thị Diễm My nhìn nhận hành vi là mặt bên ngoài của hoạt động, có thể quan sát được và có sự thống nhất với nội dung tâm lý bên trong của con người. Sau khi tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau về hành vi, trong phạm vi đề tài này, người nghiên cứu đồng ý với cách định nghĩa của tác giả Nguyễn Thị Diễm My về hành vi và chọn cách định nghĩa này cho định nghĩa về hành vi được sử dụng trong đề tài này. Như vậy, định nghĩa hành vi trong phạm vi đề tài này như sau: “Hành vi là mặt bên ngoài của hoạt động, bao gồm một chuỗi các hành động được biểu hiện ra bên ngoài nhưng lại thống nhất với cấu trúc tâm lý bên trong của nhân cách, là sự thống nhất giữa hình thức bên ngoài và nội dung tâm lý bên trong. Các hành động cấu thành nên hành vi tồn tại dưới hai hình thức là hành động vật chất và hành động ngôn từ. Hành vi là biểu hiện của một đời sống tâm lý bên trong và được điều chỉnh bởi cấu trúc tâm lý bên trong của nhân cách”. 1.2.1.2. Phân loại hành vi: Theo tác giả Nguyễn Thị Diễm My (2014), có nhiều cách phân loại hành vi. Phân loai theo khía cạnh giá trị thì hành vi được chia thành hai loại sau: - Hành vi tiêu cực: Theo tác giả Nguyễn Thị Diễm My, hành vi tiêu cực xuất hiện trong các hành động đối lập với những nhu cầu của cá nhân hoặc các nhóm xã hội, do sự chối bỏ hoặc chống lại các quan hệ vốn đã hình thành trong tập thể.
  24. 15 - Hành vi tích cực: Là hành vi chủ thể có thể làm được và mong muốn làm điều đó. Hành vi tích cực được thực hiện cũng phải đáp ứng sự mong đợi của người khác. Phân loại hành vi theo tiêu tính chất của hành vi: - Hành vi công khai: Là hành vi được chủ thể tiến hành trong một môi trường cụ thể, trước sự chứng kiến của người khác. - Hành vi che giấu: Là hành vi được chủ thể thực hiện mà không để người khác chứng kiến. Phân loại hành vi theo phạm vi tác động của hành vi: - Hành vi hướng vào chính mình: Là những hành vi ảnh hưởng trực tiếp lên chính chủ thể. - Hành vi hướng đến người khác: Là những hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến những mối quan hệ xung quanh, thông qua đó tác động trở lại chính chủ thể. Phân loại hành vi theo chuẩn mực hành vi: - Hành vi hợp chuẩn: là hành vi phù hợp với chuẩn mực của một nhóm, một cộng đồng xã hội; cũng có thể hành vi hợp chuẩn là hành vi mà mọi người mong đợi từ một cá nhân nào đó. - Hành vi lệch chuẩn: Là những hành vi không đáp ứng được sự mong đợi của một nhóm người nào đó và bị lệch so với chuẩn mực của một nhóm, một cộng đồng. 1.2.2. Lý luận về hành vi bắt nạt 1.2.2.1. Khái niệm hành vi bắt nạt a. Khái niệm hành vi bắt nạt : Theo tác giả Hoàng Phê (2003), bắt nạt là “cậy quyền, cậy thế, doạ dẫm để làm cho phải sợ. Bắt nạt trẻ con. Ma cũ bắt nạt ma mới”. Theo tác giả Nguyễn Thị Duyên (2016) thì: “Bắt nạt là hành vi hay lời nói nào đó lặp đi lại một cách cố tình gây tổn thương về cơ thể hoặc tâm lý của người khác”.
  25. 16 Theo tác giả Milton (1989): “Bắt nạt là một hành động lặp đi lặp lại một cách hiếu chiến để cố ý làm tổn thương về tinh thần hoặc thể xác cho người khác. Bắt nạt là đặc trưng của một cá nhân hành xử theo một cách nào đó để đặt quyền lực trên người khác”. Trong tiếng Anh, bắt nạt được có từ mang nghĩa tương đương là “bullying”. Theo trang web dictionary.cambrigde.org, khái niệm “bullying” được định nghĩa là “Ai đó làm đau (về thể lý) hoặc gây tổn thương (về tinh thần) cho người khác, thường diễn ra trong 1 khoảng thời gian và thường bắt ép người khác làm việc gì đó mà người đó không muốn làm)” Trong cuốn “BullingCompendium - a”, thì “Bắt nạt là hành vi gây tổn thương một cách cố ý. Nó có thể là về thể chất hoặc tâm lý. Nó thường được lặp đi lặp lại và được đặc trưng bởi một sự bất bình đẳng về quyền lực, vì vậy nó gây ra khó khăn đối với các nạn nhân trong việc tự bảo vệ mình” Theo tổ chức Act to Change “Bullying (bắt nạt) là sự gây hấn hay hành vi làm hại nhằm vào một người với mục đích tạo ra cảm giác bị cô lập. Việc bắt nạt có thể xảy ra dưới nhiều hình thức và với các loại hành vi phổ biến” Như vậy, khi đề cập đến khái niệm bắt nạt, các định nghĩa trên thường nhắc đến các yếu tố sau: Thứ nhất, để thực hiện hành vi bắt nạt, thì quyền lực đã bị lạm dụng bởi cá nhân nào đó. Thứ hai, mục đích của hành vi bắt nạt là gây tổn thương về mặt tâm lý hay làm đau về thể lý của đối tượng mà chủ thể thực hiện hành vi bắt nạt hướng đến. Thứ ba, tần suất diễn ra hành vi bắt nạt là lặp đi lặp lại và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Từ sự phân tích các định nghĩa khác nhau về bắt nạt, kết hợp với định nghĩa về hành vi nói chung, trong phạm vi đề tài này, người nghiên cứu đưa ra định nghĩa về
  26. 17 bắt nạt như sau: Bắt nạt là hành vi xuất phát từ động cơ nhất định, thể hiện ra bên ngoài bằng hành động vật chất hay hành động ngôn từ, nhằm gây tổn thương tâm lý và thể lý của người khác, được đặc trưng bởi sự mất cân bằng quyền lực, vì vậy nó gây khó khăn cho người khác trong việc tự bảo vệ mình. Liên quan đến khái niệm hành vi bắt nạt, cần làm rõ các khái niệm như chủ thể bắt nạt, người bị bắt nạt và người chứng kiến bắt nạt. b. Chủ thể thực hiện hành vi bắt nạt: Theo định nghĩa về hành vi bắt nạt ở mục trên, khái niệm chủ thể thực hiện hành vi bắt nạt được hiểu là một cá nhân hoặc nhóm người lạm dụng quyền lực với một động cơ nhất định, để thực hiện hành động vật chất hay hành động ngôn từ nhằm tổn thương người khác, gây khó khăn cho người khác trong việc tự bảo vệ mình. c. Người bị bắt nạt: Khái niệm người bị bắt nạt: Khái niệm người bị bắt nạt, trong đề tài này, được hiểu là người gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình trước hành động vật chất hay hành động ngôn từ của người bắt nạt, dẫn đến bị tổn thương về tâm lý hay thể lý. Đặc điểm của người bị bắt nạt: Theo tác giả Nguyễn Thị Nga (2010), thì bị bắt nạt có những đặc điểm sau: Thứ nhất, về giới: Tác giả chỉ ra rằng có sự khác biệt về giới trong hiện tượng bị bắt nạt. Nữ giới thường bị bắt nạt ẩn nhiều nam giới. Trong khi đó, nam giới bị bắt nạt về thể chất nhiều hơn nữ. Thứ hai, về độ tuổi: Tác giả cho thấy rằng tỷ lệ trẻ em bị bắt nạt giảm đi theo độ tuổi. Trẻ càng lớn càng ít bị bắt nạt. Học sinh bị bắt nạt trong quá trình đi học bởi các học sinh học lớp lớn hơn.
  27. 18 Thứ ba, về gia đình: Nhiều nghiên cứu chỉ ra những trẻ bị bắt nạt thường có cha mẹ mang phong cách giáo dục độc đoán. Những trẻ gái có xu hướng giao tiếp ít với các thành viên khác trong gia đình thường bị bắt nạt nhiều hơn là đi bắt nạt. Ngoài ra, gia đình của trẻ bị bắt nạt thường có rắc rối trong cấu trúc gia đình. Người nghiên cứu đồng ý với góc nhìn nhận về đặc điểm bị bắt nạt của tác giả Nguyễn Thị Nga, tuy nhiên, để phù hợp hơn với nội dung nghiên cứu của đề tài, người nghiên cứu đặc biệt chú ý đến đặc điểm thứ nhất, về giới. Không chỉ trong môi trường học đường, ngay cả môi trường làm việc, nữ giới thường bị bắt nạt về lời nói trực tiếp và bắt nạt qua mạng nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, theo tổ chức Act to Change có một số đặc điểm khiến một người có nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt: + Có khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa về vẻ bề ngoài, tôn giáo và văn hóa, người mới gia nhập nhóm, tập thể, không có khả năng kinh tế + Có thể trạng yếu hay không thể tự bảo vệ được bản thân + Bị trầm cảm, lo âu, hay có ý thức tự tôn về bản thân thấp + Ít được quan tâm hơn những người khác và có ít bạn bè + Không hòa nhập tốt với những người khác, bị coi là dễ khiến người khác bực bội hay nổi cáu, hay gây hấn với người khác để được chú ý d. Người chứng kiến hành vi bắt nạt Khái niệm người chứng kiến hành vi bắt nạt Trong tiếng Anh, người chứng kiến vụ bắt nạt có từ tương đương là “bystander in bullying”. Theo từ điển dictionary.cambridge.org, thì bystander được hiểu là: Một người đứng gần và xem điều gì đó diễn ra nhưng không tham gia vào đó.
  28. 19 Như vậy, sau khi tham khảo định nghĩa trên về người chứng kiến vụ bắt nạt, trong đề tài này, khái niệm người chứng kiến vụ bắt nạt có thể được hiểu là: Người quan sát vụ bắt nạt và không tham gia vào cuộc bắt nạt. Người chứng kiến hành vi bắt nạt được người nghiên cứu xem như “phe thứ ba” trong cuộc bắt nạt giữa người bắt nạt và người bị bắt nạt. Người chứng kiến có thể biết đến cuộc bắt nạt thông qua các trường hợp sau: Một là, người chứng kiến gián tiếp nghe người khác kể lại vụ bắt nạt. Trong trường hợp này, họ chỉ nắm về thông tin của vụ bắt nạt và thông tin này có thể bị nhiễu, do họ chỉ được nghe kể lại. Hai là, người chứng kiến có mặt ngay lúc vụ bắt nạt diễn ra, nghĩa là họ thấy diễn biến của vụ bắt nạt, nhưng nguyên nhân hay các chi tiết liên quan có thể họ không biết. Ba là, người chứng kiến trực tiếp biết đến các chi tiết liên quan đến vụ bắt nạt và có mặt lúc vụ bắt nạt diễn ra. Vai trò của người chứng kiến bắt nạt Theo tài liệu của tổ chức Act to change thì khi thấy ai đó đang bị bắt nạt thì người chứng kiến cần giúp đỡ họ với những việc làm cụ thể như sau: + Làm bạn với người đó: như nói chuyện, tỏ ra thân thiện và ủng hộ người bị bắt nạt, cho họ biết rằng bạn biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề và bạn có mặt tại đây để sẵn sàng giúp họ, hỏi về nhu cầu giúp đỡ của họ. + Giúp họ lánh đi: trong trường hợp việc can thiệp là an toàn, bạn hãy giúp người bị bắt nạt lánh khỏi tình huống này bằng cách đánh lạc hướng hay cho họ lý do để rời khỏi hiện trường + Không làm khán giả xem bắt nạt: Có tiếng nói hoặc hành vi cho kẻ bắt nạt biết rằng những gì người đó đang làm không phải trò đùa và không chấp nhận được, ngăn chặn hành vi bắt nạt chứ không cổ vũ, ủng hộ bắt nạt bằng cách có thể rời đi hay lờ hành động đó đi và vì thế kẻ bắt nạt sẽ không có khán giả
  29. 20 + Hãy làm gương tốt: Giúp chống lại nạn bắt nạt bằng cách tham gia vào các hoạt động và dự án chống việc bắt nạt + Kể với những người đáng tin tưởng: Báo cáo việc bắt nạt cho những người đáng tin cậy và có khả năng hỗ trợ giải quyết vấn đề 1.2.2.2. Đặc điểm của hành vi bắt nạt Sau khi tham khảo từ tác giả Nguyễn Thị Nga (2010), các đặc điểm của hành vi bắt nạt được kể đến như sau: Thứ nhất, về độ tuổi: bắt nạt có xu hướng thay đổi theo độ tuổi, phổ biến ở học sinh tiểu học đến học sinh học trung học phổ thông. Trẻ mẫu giáo cũng có xuất hiện hành vi bắt nạt nhưng ít phổ biến. Thứ hai, về giới tính: bắt nạt xuất hiện ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, nữ giới thường chịu hành vi bắt nạt về lời nói, trong khi nam giới thường chịu các hành vi bắt nạt về thể chất hơn. Thứ ba, về yếu tố hành vi: Những đứa trẻ đi bắt nạt người khác thường có xu hướng quấy rối và sử dụng các kiểu bạo lực khác nhau để dành lấy vị thế xã hội so với bạn bè cùng trang lứa. Bên cạnh đó, những đứa trẻ đi bắt nạt thường có xu hướng chỉ huy nhiều hơn bạn bề cùng trang lứa và có cảm giác tự mãn hơn nhiều. Thứ tư, về yếu tố gia đình: Những đứa trẻ đi bắt nạt người khác thường đến từ các gia đình thiếu sự có mặt của người bố và ít có sự quan tâm chăm sóc về mặt tâm lý từ gia đình mình. Mặc dù, những đặc điểm bắt nạt này được khái quát trên khách thể là học sinh. Nhưng trong phạm vi đề tài nghiên cứu về hành vi bắt nạt diễn ra trên đối tượng là sinh viên, thì các kiến thức trên về đặc điểm của hành vi bắt nạt cũng có thể được tham khảo phần nào. Để phù hợp hơn với nội dung nghiên cứu của đề tài này, người nghiên cứu xin được chọn lọc các đặc điểm của hành vi bắt nạt để phù hợp hơn với đề tài nghiên cứu trên khách thể nghiên cứu là sinh viên đi làm thêm.
  30. 21 Thứ nhất, về giới tính. Người nghiên cứu đồng ý rằng bắt nạt có thể diễn ra ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, hình thức bắt nạt diễn ra ở hai giới này có thể khác nhau. Nữ giới có thể gặp phải các hình thức bắt nạt qua lời nói, qua truyền thông nhiều hơn nam giới. Và nam giới có thể gặp nhiều hơn các kiểu bắt nạt về thể chất như đánh đấm, các tác động mạnh dẫn đến sự tổn thương về cơ thể nhiều hơn nữ. Thứ hai, về hành vi. Người nghiên cứu đồng ý với tác giả Nguyễn Thị Nga rằng, người đi bắt nạt người khác thường có xu hướng chỉ huy nhiều hơn so với người khác, và họ thường sử dụng hành vi quấy rối nào đó để dành lấy địa vị xã hội cao hơn người khác trong môi trường mà họ sinh sống hay làm việc. Đây là đặc điểm điển hình dựa trên khái niệm của bắt nạt đó là sự mất cân bằng về quyền lực Các đặc điểm liên quan đến độ tuổi và gia đình, người nghiên cứu không đề cập đến trong đề tài này vì chưa phải là mục tiêu tìm hiểu trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, người nghiên cứu cùng quan điểm rằng: Yếu tố gia đình cũng có tác động lớn đến xu hướng hành vi đi bắt nạt kẻ khác. 1.2.2.3. Hình thức của hành vi bắt nạt Bắt nạt diễn ra với rất nhiều hình thức khác nhau. Nhưng các kiểu hình thức bắt nạt thường gặp như: Bắt nạt bên ngoài: Đây là kiểu bắt nạt công khai, thể hiện ra bên ngoài, thường là các kiểu tác động đến thể chất của người bị bắt nạt. Bao gồm các hành động đánh đấm, ngoéo tay chân, cố ý làm đau người khác, cố ý làm người khác vấp ngã, . Bắt nạt ẩn: Đây là kiểu bắt nạt tinh vi, không dễ gì để người bên ngoài có thể quan sát và nhận biết, trừ người bắt nạt và người bị bắt nạt. Bắt nạt ẩn bao gồm các kiểu bắt nạt dùng lời nói trực tiếp như trêu chọc, xúc phạm, bình phẩm, tạo tin đồn, thậm chí là hăm dọa người bị bắt nạt; hoặc người bắt nạt dùng mạng xã hội như facebook để trêu chọc, xúc phạm, mỉa mai người khác. (Dẫn theo Time for Tolerance, 2008)
  31. 22 Theo cách phân loại các hình thức bắt nạt theo nguồn tài liệu của tổ chức Act to Change thì có các hình thức bắt nạt như: + Bắt nạt bằng lời nói là việc nói hay viết những điều độc địa. Những việc này bao gồm: Trêu chọc, chửi bới, hay chế nhạo; Bình luận về tình dục không thích hợp; Ðe dọa gây hại + Bắt nạt về mặt xã hội là làm tổn hại đến danh dự hay các mối quan hệ của ai đó. Những việc này bao gồm: Chủ ý gạt một người ra ngoài; Bảo người khác không chơi với một người nào đó; Truyền tin đồn về một người nào đó; Chủ ý làm một người nào đó phải xấu hổ trước đám đông + Bắt nạt bằng vũ lực là gây đau đớn lên cơ thể một người hay giật đồ của người đó. Bao gồm: Ðấm, đá hay cấu véo; Nhổ nước bọt; Ngáng chân cho ngã hay xô đẩy; Lấy hay làm hỏng đồ của người khác + Cyberbullying (bắt nạt trực tuyến trên mạng) là việc bắt nạt được thực hiện trực tuyến thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, tin nhắn, trò chuyện, và các trang web. Những việc này bao gồm: Các tin nhắn hay email không mong muốn hay có nội dung độc địa; Những lời đồn gửi qua email hay đăng trên các trang mạng xã hội; Đăng các hình ảnh, video, trang web phản cảm, hay các trang hồ sơ giả. Cyberbullying (bắt nạt trực tuyến) rất khác biệt vì các tin nhắn và hình ảnh có thể được đăng nặc danh và được phát tán rất nhanh chóng đến một số lượng lớn người xem. 1.2.3. Lý luận về hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên 1.2.3.1. Khái niệm hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên. a. Khái niệm về hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên Bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm được người nghiên cứu nhìn nhận như bắt nạt tại nơi làm việc (từ tiếng Anh có nghĩa tương đương là “workplace bullying”). Hiện nay, có khá nhiều cách hiểu khác nhau về bắt nạt công sở.
  32. 23 Tổ chức ACAS (2014) nhìn nhận bắt nạt tại nơi làm việc như là: Hành vi tấn công, đe dọa, xúc phạm hoặc lạm dụng quyền lực thông qua các phương tiện nhằm làm suy yếu, làm nhục, chê bai hoặc gây thương tích cho người nhận lấy những hành vi ấy. The Workplace Bullying Institute định nghĩa bắt nạt (bullying) như sau: “Những hành động tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe và lặp đi lặp lại đối với một hay nhiều người (nạn nhân) bởi một hay nhiều người khác dưới nhiều hình thức khác nhau: lạm dụng lời nói, hành động mang tính xúc phạm như đe dọa, chế giễu, áp đảo hoặc xem vào công việc, bỏ việc, những hành động này ngăn chặn người khác hoàn thành công việc của mình” (Dẫn theo NCBlog – NanaPet Community Blog) Theo nhóm tác gỉa Einarsen, Hoel, Zapf and Cooper (2003) trong nghiên cứu “Bullying and Emotional in the workplace”, thì bắt nạt tại nơi làm việc là quấy rối, xúc phạm hoặc loại trừ xã hội hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của nạn nhân bị bắt nạt. Để áp dụng bắt nạt cho một hoạt động, tương tác hoặc quy trình cụ thể, hành vi bắt nạt phải xảy ra liên tục và thường xuyên (ví dụ: hàng tuần) và trong khoảng thời gian (ví dụ: khoảng sáu tháng). Bắt nạt là một quá trình leo thang và kết quả khiến người bị đối diện với hành vi bắt nạt kết thúc ở vị trí thấp kém hơn và trở thành mục tiêu của các hành vi xã hội tiêu cực có hệ thống. Xung đột và bắt nạt khác nhau ở điểm: xung đột xảy ra là một sự kiên biệt lập, khi cả hai bên xảy ra xung đột đều có sức mạnh hay quyền lực ngang nhau. Như vậy, sau khi tham khảo các định nghĩa về bắt nạt công sở hay bắt nạt tại nơi làm việc, có thể thấy, bắt nạt tại nơi làm việc có các đặc điểm của bắt nạt thông thường, bao gồm tính chủ đích được thực hiện bởi cá nhân hay nhóm người đã lạm dụng quyền lực để đàn áp hay gây tổn thương ở người khác và tần suất lặp lại là thường xuyên, kéo dài. Nhưng bắt nạt tại nơi làm việc diễn ra trong một môi trường cụ thể hơn, đó là môi trường làm việc. Trong đề tài này, hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm được hiểu như sau: Bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm là hành vi xuất phát từ động cơ nhất định, thể
  33. 24 hiện ra bên ngoài bằng hành động vật chất hay hành động ngôn từ trong môi trường làm thêm, nhằm gây tổn thương tâm lý và thể lý của sinh viên, được đặc trưng bởi sự mất cân bằng quyền lực, vì vậy nó gây khó khăn cho sinh viên trong việc tự bảo vệ mình và gây ảnh hưởng đến công việc của sinh viên đó. b. Chủ thể bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên Theo định nghĩa về hành vi bắt nạt ở mục trên, khái niệm chủ thể thực hiện hành vi bắt nạt được hiểu là một cá nhân hoặc nhóm người lạm dụng quyền lực tại môi trường làm thêm với một động cơ nhất định, để thực hiện hành động vật chất hay hành động ngôn từ nhằm tổn thương sinh viên, gây khó khăn cho sinh viên trong việc tự bảo vệ mình. c. Sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm Khái niệm sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm Trong phạm vi đề tài này, dựa trên phần lý luận về người bị bắt nạt, sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm được hiểu là “sinh viên gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình tại nơi làm thêm trước những hành động hay lời nói được thực hiện một cách dai dẳng, dẫn đến sinh viên bị tổn thương về tâm lý hay thể lý”. Đặc điểm của sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm Kế thừa phần nội dung trong phần “Đặc điểm của người bị bắt nạt”, trong phần này, người nghiên cứu xin đưa ra một số các đặc điểm của sinh viên dễ bị bắt nạt khi đi làm thêm sau khi có sự tham khảo các tài liệu có liên quan đến bắt nạt, kết hợp với quan sát cá nhân của người nghiên cứu: Thứ nhất, đặc điểm liên quan về giới: Sinh viên là nữ giới khi đi làm thêm dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt bằng lời nói, chịu tác động tiêu cực của lời nói gây hấn hay nhận xét mỉa mai của người khác tại nơi làm thêm. Sinh viên thuộc giới thứ 3 khi đi làm thêm dễ trở thành đối tượng bị công kích, trêu chọc nhiều hơn do khác biệt về giới.
  34. 25 Thứ hai, đặc điểm liên quan đến tính cách: Sinh viên có tính cách nhút nhát, quá hiền lành tại nơi làm thêm hoặc có tính cách trầm, ít nói cũng dễ trở thành mục tiêu cho những săm soi và bàn tán, trêu chọc từ người khác khi đi làm thêm. Thứ ba, đặc điểm liên quan đến ngoại hình: Những sinh viên có ngoại hình quá khác biệt so với đồng nghiệp hay quản lý tại chỗ làm (quá đẹp hay quá xấu) cũng dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt. Cuối cùng, thường thấy nhất tại các nơi làm việc, là hiện tượng “ma cũ bắt nạt ma mới”: Khi sinh viên là nhân viên mới vào làm, thường sinh viên dễ bị những nhân viên cũ hay quản lý tại nơi làm bắt nạt. Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến sinh viên Theo tác giả Jane Goodman (2007), bắt nạt tại nơi làm việc có tác hại tiêu cực đến phương diện thể chất và tâm lý của cá nhân bị bắt nạt. Họ có thể bị căng thẳng, lo lắng cho công việc, hay gặp căng thẳng trong cuộc sống, mất tự tin, sợ hãi, giảm sự hài lòng trong công việc và sự gắn bó với tổ chức. Tác giả cũng trình bày một số nghiên cứu khác về ảnh hưởng của bắt nạt, trong đó, có nghiên cứu đã chỉ ra, hành vi bắt nạt có thể làm thay đổi cuộc sống của cá nhân bị bắt nạt theo hướng tiêu cực hơn, cụ thể, một cá nhân bị bắt nạn có thể gặp các triệu chứng hồi hộp, hung hăng, mất ngủ, lãnh đạm. (Bjorkqvist et al, 1994) Theo nghiên cứu của tác giả Einarsen (1994), những ảnh hưởng của bắt nạt đã được nhắc đến trên khía cạnh tâm lý của nhân viên bị mất việc và cả những nhân chứng cho cuộc bắt nạt đó. Cụ thể, với nhân viên trải qua cuộc bắt nạt, họ có sức khỏe mạnh về tâm lý thấp, mức độ hài lòng với công việc giảm, trải nghiệm nhiều triệu chứng liên quan đến stress như mất ngủ, thiếu tập trung, kiệt sức. Với các nhân chứng của cuộc bắt nạt công sở, mức độ hài lòng với công việc của họ cũng giảm sút; khi chứng kiến vụ bắt nạt, họ cũng trải nghiệm sự bất lực thực sự trong việc không giúp đỡ được nạn nhân cuộc bắt nạt. Ngoài ra, công trình nghiên cứu của tác giả Einarsen và Mikelsen (2003) cho thấy rằng, nếu các vụ bắt nạt công sở diễn ra trong thời gian dài, nhiều khả năng các nhân chứng cũng tham gia vào bắt nạn lại nạn nhân.
  35. 26 Như vậy, các tài liệu mà người nghiên cứu tham khảo đều khái quát các ảnh hưởng của hành vi bắt nạt lên người bị bắt nạt trên hai phương diện chính: ảnh hưởng đến cá nhân bị bắt nạt và ảnh hưởng đến công việc của họ. Trong phạm vi đề tài này, người nghiên cứu sẽ khảo sát về mức độ ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến sinh viên trên hai khía cạnh: ● Ảnh hưởng đến bản thân sinh viên, trong đó có hai phương diện được xem xét là: ⮚ Ảnh hưởng về mặt tâm lý của sinh viên (cảm xúc - thái độ - hành vi). ⮚ Ảnh hưởng đến thể chất của sinh viên. ● Ảnh hưởng đến công việc làm thêm của sinh viên đó, gồm: ảnh hưởng đến hứng thú làm việc, mức độ gắn bó của sinh viên với nơi làm thêm, mối quan hệ của sinh viên với đồng nghiệp, quyền lợi mà sinh viên được hưởng tại nơi làm, sự công nhận những đóng góp và thực lực của sinh viên thể hiện trong công việc làm thêm. d. Sinh viên chứng kiến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm Khái niệm sinh viên chứng kiến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm Trong phạm vi đề tài này,căn cứ vào phần lý luận chung về người chứng kiến bắt nạt (bystander in bullying) sinh viên chứng kiến vụ bắt nạt tại nơi làm thêm được hiểu là “sinh viên quan sát vụ bắt nạt diễn ra tại nơi làm thêm và không tham gia vào cuộc bắt nạt”. Tương tự như trường hợp của người chứng kiến hành vi bắt nạt, sinh viên chứng kiến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm có thể biết đến vụ bắt nạt thông qua các trường hợp sau: ● Nghe người khác kể lại vụ bắt nạt. ● Có mặt lúc vụ bắt nạt diễn ra.
  36. 27 ● Trực tiếp biết đến các chi tiết có liên quan đến vụ bắt nạt và có mặt lúc vụ bắt nạt diễn ra. Vai trò của sinh viên chứng kiến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm Tương tự như vai trò của một người chứng kiến hành vi bắt nạt, sinh viên chứng kiến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm có thể: + Làm bạn với sinh viên bị bắt nạt: trò chuyện thân tình với người bị bắt nạt, cho SV đó biết rằng bạn biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề và bạn có mặt tại đây để sẵn sàng giúp SV ấy, hỏi về nhu cầu giúp đỡ của SV. + Giúp SV lánh đi: trong trường hợp việc can thiệp là an toàn, bạn hãy giúp SV bị bắt nạt lánh khỏi tình huống này bằng cách đánh lạc hướng hay cho SV lý do để rời khỏi hiện trường + Không làm khán giả xem bắt nạt: Có tiếng nói hoặc hành vi cho kẻ bắt nạt biết rằng những gì người đó đang làm không phải trò đùa và không chấp nhận được, ngăn chặn hành vi bắt nạt chứ không cổ vũ, ủng hộ bắt nạt bằng cách có thể rời đi hay lờ hành động đó đi và vì thế kẻ bắt nạt sẽ không có khán giả + Hãy làm gương tốt: Giúp chống lại nạn bắt nạt bằng cách tham gia vào các hoạt động và dự án chống việc bắt nạt + Kể với những người đáng tin tưởng: Báo cáo việc bắt nạt cho những người đáng tin cậy và có khả năng hỗ trợ giải quyết vấn đề 1.2.3.2. Hình thức của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên. Theo NCBlog – NanaPet Community Blog (2015), đã chỉ ra 11 dấu hiệu của bắt nạt nơi công sở như: Gây hấn (Mắng mỏ, thể hiện sự giận dữ hoặc bạo lực trong hành động hay lời nói). Tấn công (Tấn công qua giao tiếp bằng những lời báng bổ, sỉ nhục, hoặc quấy rối, tạo tin đồn). Đe dọa (Đe dọa trừng phạt nhân viên một cách vô căn cứ, lạm dụng hình phạt, nội quy, hay thể xác, tâm lý, tình cảm nhân viên). Xâm phạm (Xáo trộn đồ đạc của người khác, xen vào công việc của người khác một cách không cần thiết hoặc làm phiền họ). Ép buộc (Ép buộc người khác phải nói hoặc làm điều họ không muốn). Trừng phạt (Trừng phạt không đáng với luật lệ thép, vũ lực thụ
  37. 28 động hoặc cô lập). Hạ nhục (hạ thấp ý kiến, ý tưởng, công việc hoặc hoàn cảnh riêng tư của người khác với hành động thô lỗ). Gây lúng túng (hạ thấp, chế giễu người khác trước tập thể, làm họ xấu hổ). Trả thù (Có hành động thù hằn; trả đũa nhân viên khi có lỗi xảy ra). Vận động tẩy chay (Kêu gọi ngấm ngầm hoặc công khai một chiến dịch để đẩy ai đó ra khỏi tổ chức). Ngăn trở sự phát triển (Cản trở sự tiến bộ và trưởng thành hoặc thăng tiến của nhân viên một cách không công bằng) Theo một nghiên cứu của tác giả Zapf (Mobbing in Organisationen, 1999) về hành vi bắt nạt công sở, các hình thức chủ yếu của bắt nạt công sở được phân loại theo các nhóm lớn sau ( Dẫn theo Nguyễn Ngọc Anh, 2016) : - Bắt nạt bằng công việc (Work-Related Bullying): bao gồm việc thay đổi công việc của nhân viên bị bắt nạt theo chiều hướng tiêu cực (như giao những công việc vô nghĩa hoặc dưới khả năng) hoặc theo hướng khiến họ không thể thực hiện được. - Tẩy chay (Social Isolation): không giao tiếp với nhân viên bị bắt nạt hoặc loại bỏ họ khỏi các sự kiện xã hội. - Tấn công cá nhân hoặc cuộc sống cá nhân của họ (Personal Attacks & Private Life Attacks): bằng cách đem những nhân viên bị bắt nạt ra làm trò cười hoặc chỉ trích các vấn đề cá nhân của họ. - Đe dọa bằng lời nói (Verbal Threats): chỉ trích, la mắng hoặc làm nhục những nhân viên bị bắt nạt khi có nhiều người khác. - Lan truyền tin đồn (Spreading Rumours), nghĩa là tạo ra những thông tin sai lệch, không đúng sự thật về con người, cuộc sống riêng của nhân viên bị bắt nạt. Ngoài ra, bạo lực thể chất và de dọa bạo lực thể chất, tấn công vào niềm tin tôn giáo, chính trị của nhân viên tại nơi làm việc cũng có thể được xem là một hình thức bắt nạt. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Einarsen và cộng sự, thì các hình thức bắt nạt diễn ra theo kiểu này ít xảy ra hơn, chủ yếu bắt nạt trên phương diện tâm lý được sử dụng nhiều hơn. (Einarsen, 2003).
  38. 29 Như vậy, dựa theo nghiên cứu của nhóm tác giả D.Zapft và Einarsen về bắt nạt tại nơi làm việc, các hình thức bắt nạt có thể được chia thành 6 nhóm hình thức, bao gồm 5 hình thức được liệt kê ở trên và 1 hình thức bắt nạt về thể chất và đe dọa thể chất. Theo tác giả Jane Goodman (2007) các hình thức của hành vi bắt nạt tại nơi làm việc bao gồm: hành vi bắt nạt bằng lời nói và hành vi bắt nạt không lời (sử dụng hành động). Trong đó, tác giả chỉ ra rằng, nhân viên bị bắt nạt thường phải chịu đựng các hành vi bắt nạt bằng lời nói một cách tinh vi, ít bị phát hiện với tần suất thường xuyên hơn là các hành vi bắt nạt bằng hành động. Trong bài báo khoa học của mình, tác giả đã kể ra các biểu hiện của hành vi bắt nạt bằng lời nói như: gây hấn, khiêu khích bằng lời nói, bình phẩm hay nói xấu sau lưng nhân viên bị bắt nạt. Với các hành vi bắt nạt bằng hành động, nhân viên bị bắt nạt thường chịu đựng những kiểu tấn công như bị ném vật phẩm vào người, đe dọa về thể chất của họ. Sau khi tham khảo các hình thức bắt nạt có thể xảy ra tại nơi làm việc trong các công trình nghiên cứu và bài báo khoa học, người nghiên cứu xin được chọn cách phân loại các hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của tác giả D.Zapft và cộng sự làm các hình thức của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên. Theo đó, các hình thức bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm bao gồm: - Bắt nạt bằng công việc (Work-Related Bullying): bao gồm việc thay đổi công việc của sinh viên bị bắt nạt theo chiều hướng tiêu cực. Các biểu hiện cụ thể như: Không hợp tác với sinh viên trong quá trình làm thêm, đùn đẩy công việc khó khăn cho sinh viên làm, lợi dụng chức vụ để bắt buộc sinh viên làm những công việc riêng bên ngoài. - Tẩy chay (Social Isolation): không giao tiếp với sinh viên bị bắt nạt hoặc loại bỏ sinh viên khỏi các sự kiện xã hội. Cụ thể các biểu hiện như: Người khác coi thường và phớt lờ những đóng góp của sinh viên vào công việc.
  39. 30 - Tấn công cá nhân hoặc cuộc sống cá nhân của họ (Personal Attacks & Private Life Attacks): bằng cách đem những sinh viên bị bắt nạt ra làm trò cười hoặc chỉ trích các vấn đề cá nhân của sinh viên. Biểu hiện có thể như: Bình phẩm sau lưng sinh viên về những đóng góp của nhân viên cho công việc, sử dụng mạng xã hội để “nói xéo” sinh viên đó, gửi tin nhắn đe dọa sinh viên. - Đe dọa bằng lời nói (Verbal Threats): chỉ trích, la mắng hoặc làm nhục những sinh viên bị bắt nạt khi có nhiều người khác. Các biểu hiện có thể kể đến như: Vu oan để hạ uy tín của sinh viên tại nơi làm thêm, chê cười/ chế nhạo sinh viên đó. - Lan truyền tin đồn (Spreading Rumours), nghĩa là tạo ra những thông tin sai lệch, không đúng sự thật về con người, cuộc sống riêng của sinh viên bị bắt nạt. - Bắt nạt về thể chất hoặc đe dọa tấn công thể chất của sinh viên. Các biểu hiện cụ thể như: ngán đường sinh viên, cố ý làm sinh viên ngã/ bị đau. Như vậy, liên quan đến hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm ở sinh viên có các thành phần như chủ thể của hành vi bắt nạt, sinh bị bắt nạt, sinh viên chứng kiến bắt nạt. Nhưng trong giới hạn nghiên cứu của một khóa luận, người nghiên cứu chưa thể tiếp cận để xác định và nghiên cứu về hành vi bắt nạt của chính chủ thể bắt nạt mà chỉ có thể nghiên cứu về hành vi bắt nạt với những biểu hiện của hành vi này theo sự nhìn nhận, đánh giá của sinh viên bị bắt nạt và sinh viên chứng kiến. Do đó, thực chất đề tài nghiên cứu về thực trạng bị bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên, qua đó phản ánh về hành vi bắt nạt đã biểu hiện như thế nào tại nơi làm thêm TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 Trong chương 1, người nghiên cứu đã trình bày những nội dung chính sau: ● Tổng quan tình hình nghiên cứu ngoài nước và tại Việt Nam về tình trạng bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm.
  40. 31 ● Nêu những vấn đề lý luận cơ bản về hiện tượng bắt nạt nói chung và hiện tượng bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm nói riêng. Trong phần lý luận này, có những nội dung trọng tâm của đề tài như sau: Thứ nhất, khái niệm công cụ được sử dụng cho đề tài này: hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm, sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm, sinh viên làm chứng vụ bắt nạt tại nơi làm thêm. Thứ hai, các hình thức bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm. Gồm 6 nhóm hình thức: bắt nạt bằng công việc, tẩy chay, tấn công cá nhân/ cuộc sống cá nhân của sinh viên, đe dọa bằng lời nói, lan truyền tin đồn và bắt nạt về thể chất - đe dọa bằng thể chất. Thứ ba, ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến sinh viên. Mức độ ảnh hưởng được xem xét trên các khía cạnh như: ảnh hưởng đến tâm lý và thể lý của sinh viên, ảnh hưởng đến công việc làm thêm của sinh viên.
  41. 32 CHƯƠNG 2 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG HÀNH VI BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM THÊM CỦA SINH VIÊN MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2.1. Tổ chức nghiên cứu 2.1.1. Địa bàn nghiên cứu Đề tài được tiến hành tại hai trường đại học trên địa bàn TPHCM: Một là, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, tại cơ sở 2 đặt tại địa chỉ 227 Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5, TPHCM. Hai là, trường ĐH Sư phạm TPHCM có cơ sở chính đặt tại số 280 An Dương Vương, phường 4, quận 5, TPHCM. Riêng với trường ĐH Sư phạm TPHCM, nghiên cứu được thực hiện tại 2 cơ sở sau: Cơ sở chính tại 280 An Dương Vương, phường 4, quận 5 và khu tự học trong khuôn viên ký túc xá của trường tại số 351 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11. 2.1.2. Khách thể nghiên cứu. Khách thể nghiên cứu trong đề tài này là sinh viên có đi làm thêm (đã từng đi làm thêm hoặc đang đi làm thêm) đang theo học tại hai trường đại học trên. Như vậy, nghiên cứu được tiến hành trên cả sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba và năm tư; trên cả sinh viên nữ, sinh viên nam và sinh viên có giới tính khác. Thế nhưng, để có thể tham gia vào khảo sát của đề tài, yêu cầu sinh viên đó có đi làm thêm. Việc chọn mẫu nghiên cứu theo cách thức chọn mẫu ngẫu nhiên nhưng cần đáp ứng được tiêu chí có đi làm thêm. Đề tài có cỡ mẫu là 247 sinh viên của 2 trường. Cụ thể đặc điểm của khách thể nghiên cứu được trình bày ở bảng sau: Bảng 2.1 - Đặc điểm của khách thể nghiên cứu Sinh viên trường Tổng Tự nhiên Sư phạm 46 (38.7%) 80 (32.4%) Nam 34 (26.6%) Giới tính Nữ 61 (51.3%) 90 (70.3%) 151(61.1%)
  42. 33 12 (10.1%) 4 (3.1% 16 (6.5%) Khác ) Năm 1 22 (18.5%) 21 (16.4%) 43 (17.4%) Năm 2 7 (18.4%) 31 (24.2%) 38 (15.4) Năm học Năm 3 45 (37.8%) 20 (15.6%) 65 ( 26.5%) Năm 4 45 (37.8%) 56 (43.8%) 101 (40.9%) TG < 1 năm 46 (38.7%) 46 (35.9%) 92 (37.2%) 1 ≤ TG < 2 30 (25.2%) 31 (24.2%) 61 ( 24.7%) năm Thời gian đi làm 2 ≤ TG < 3 28 (23.5%) 26 (20.3%) 54 (21.9%) thêm năm 3 ≤ TG < 4 9 (7.6%) 14 (10.9%) 23 (9.3%) năm TG ≥ 4 năm 6 (5.0%) 11 (8.6%) 17 (6.9%) Chưa thay đổi 45 (37.8%) 47 (36.7%) 92 (37.2%) Đổi 1 lần 25 (21.0%) 20 (15.6%) 45 (18.2%) Số lần đổi việc Đổi 2 lần 25 (21.0%) 27 (21.1%) 52 (21.1%) làm thêm Đổi từ 3 lần trở 24 (20.2%) 34 (26.6%) 58 (23.5%) lên 119 128 247 Tổng (48.2%) (51.8%) ( 100%) Nhìn vào bảng trên có thể thấy, số lượng sinh viên Tự nhiên và Sư phạm tham gia khảo sát không chênh lệch nhau nhiều. Trường Tự nhiên có 119 sinh viên khảo sát, chiếm 48.18%; trường Sư phạm có 128 sinh viên tham gia khảo sát, chiếm 51.82%. Về thành phần giới tính, sinh viên nữ có số lượng tham gia khảo sát nhiều nhất: 151 phiếu, chiếm tỉ lệ 61.13%; kế đến là sinh viên nam với 80 phiếu khảo sát, chiếm
  43. 34 tỉ lệ 32.39% và sinh viên có xu hướng giới tính “Khác” chiếm tỉ lệ khảo sát nhỏ nhất 6.48%, với 16 phiếu thu được. Xét theo năm học thì SV năm 4 chiếm số lượng đông nhất 40.9%, sau đó là năm 3, năm 2, năm 1 có số lượng gần tương đương nhau. Số lượng sinh viên các năm của 2 trường cũng không quá chênh lệch. Về tổng thời gian đi làm thêm thì số sinh viên có thời gian đi làm thêm dưới 1 năm chiếm tỉ lệ cao nhất là 37.2%, tiếp theo là trên 1 năm, dưới 2 năm chiếm 24.7%, số còn lại có thời gian đi làm thêm trên 2 năm có tổng số tỉ lệ là 38.1%. Về số lần đổi công việc đi làm thêm: Số SV chưa thay đổi công việc là 37.2%, số SV đổi công việc 1-2 lần là 39.3%, số SV đổi trên 3 lần là 23.5%. 2.1.3. Quá trình nghiên cứu. 2.1.3.1. Giai đoạn nghiên cứu lý luận làm cơ sở xây dựng công cụ nghiên cứu a. Mục đích: - Xây dựng khung lý thuyết cho đề tài, chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp cho đề tài. Trên cơ sở khung lý thuyết thiết kế công cụ khảo sát cho nghiên cứu. b. Nội dung: - Tổng hợp các nghiên cứu của các tác giả trong nước và tại Việt Nam về hiện tượng bắt nạt và hiện tượng bắt nạt tại nơi làm việc. - Tổng hợp, khái quát hóa, và đưa ra định nghĩa cho khái niệm được sử dụng trong đề tài này: bắt nạt, bị bắt nạt - người bị bắt nạt, bắt nạt tại nơi làm thêm, sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm; người chứng kiến vụ bắt nạt - sinh viên chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên khác tại nơi làm thêm. - Hệ thống lại một số vấn đề lý luận cơ bản về hành vi bắt nạt tại nơi làm việc, hình thức bắt nạt tại nơi làm việc làm cơ sở xây dựng công cụ nghiên cứu thực trạng bị bắt nạt tại nơi làm thêm c. Cách thức tiến hành:
  44. 35 - Người nghiên cứu sử dụng các phương pháp tư duy như: phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa các kiến thức khác nhau để xây dựng nên khung lý thuyết cho riêng đề tài này. - Nguồn tài liệu được sử dụng trong đề tài là các công tình nghiên cứu về hiện tượng bắt nạt - bị bắt nạt được công bố, các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học, các sách được xuất bản có chủ đề liên quan đến bắt nạt, các trang web tin cậy cung cấp kiến thức về bắt nạt, bắt nạt nơi làm việc, và kiến thức pháp luật 2.1.3.2. Giai đoạn thiết kế công cụ khảo sát. a. Mục đích: - Xây dựng bảng khảo sát để điều tra về tình trạng sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm trên hai nhóm khách thể nghiên cứu là sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM và trường ĐH Sư phạm TPHCM. - Một bảng câu hỏi phỏng vấn ngắn dành cho nhóm sinh viên chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên khác tại nơi làm thêm. b. Nội dung: - Bảng khảo sát dành cho sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm: Gồm thông tin cá nhân; các câu hỏi điều tra về thực trạng bị bắt nạt đang diễn ra tại nơi làm thêm. - Bảng hỏi phỏng vấn dành cho sinh viên đã từng chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm: Gồm thông tin cá nhân; câu hỏi yêu cầu sinh viên mô tả lại một trường hợp sinh viên khác bị bắt nạt tại nơi làm thêm; cách phản ứng trước trường hợp đó và nguyên nhân dẫn đến cách phản ứng đó. c. Cách thức tiến hành: - Bước 1: Tham khảo cơ sở lý luận của đề tài và một số công cụ khảo sát đo lường về bắt nạt được sử dụng trong một số nghiên cứu khác Người nghiên cứu đã tham khảo mục D1. Bully Survey cuốn “Bullying Compendium - a” - một xuất bản của The National Center for Injury Prevention and Control of The Centers for Disease control and Prevention năm 2011 để xác định nội dung chính của bảng hỏi sẽ dành cho ba đối tượng sau:
  45. 36 Thứ nhất, dành cho sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm, bao gồm 7 câu hỏi để điều tra thực trạng như sau: Bạn đã từng trải qua việc bị bắt nạt tại nơi làm thêm chưa?, đặc điểm của người dễ trở thành đối tượng của việc bị bắt nạt tại nơi làm thêm, hình thức và đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm, mức độ ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến bản thân sinh viên và công việc làm thêm của sinh viên, cách phản ứng của sinh viên trước hành vi bắt nạt. Thứ hai, dành cho sinh viên chứng kiến cho vụ bắt nạt sinh viên khác tại nơi làm thêm, bao gồm 4 câu hỏi sau: Bạn đã từng chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm của mình chưa? Nếu có, bạn đã chứng kiến nó qua trường hợp nào? Trong trường hợp bạn chứng kiến, ai đã thực hiện hành vi bắt nạt sinh viên? Cách phản ứng của bạn trước tình huống ấy là gì? Bên cạnh đó, người nghiên cứu cũng tham khảo đề tài “Học sinh bắt nạt học sinh - Thực trạng và giải pháp” (2016) của tác giả Nguyễn Thị Duyên về bảng hỏi khảo sát cảm xúc của học sinh khi bị bắt nạt. Từ bảng hỏi này, người nghiên cứu áp dụng vào câu hỏi điều tra về mức độ ảnh hưởng về của hành vi bắt nạt đến sinh viên về mặt cảm xúc. Ngoài ra, để hoàn thiện thêm các biểu hiện của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm, người nghiên cứu đã tham khảo từ thang đo về những hành động tiêu cực nơi làm việc. Ví dụ như thang đo: Negative Acts Questionnaire – Revised NAQ-R. Tuy nhiên, các câu hỏi trong các thang đo trên chỉ là tham khảo, gợi ý cho người nghiên cứu tự xây dựng cho nghiên cứu này một bảng hỏi hoàn chỉnh. - Bước 2: Xây dựng bảng hỏi khảo sát chi tiết và khảo sát thử nghiệm. Từ khung lý thuyết đã được xây dựng trước đó và sự tham khảo bảng hỏi trong hai tài liệu trên, người nghiên cứu xác định cấu trúc 2 phần của bảng hỏi như sau: Một là, thông tin chung, bao gồm: xu hướng giới tính, sinh viên trường nào, sinh viên năm mấy, cách liên hệ với sinh viên khi cần hỗ trợ lấy thêm thông tin phục vụ nghiên cứu, công việc làm thêm hiện tại - thời gian làm, số lần đổi việc, kinh nghiệm làm thêm trong quãng thời gian làm sinh viên.
  46. 37 Hai là, nội dung hỏi để khảo sát thực trạng sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm (dành cho hai nhóm đối tượng đã liệt kê). Người nghiên cứu đã phát phiếu hỏi thử nghiệm cho 80 sinh viên của cả hai trường đại học nhằm mục đích kiểm tra về mức độ tin cậy của bảng hỏi và các sai sót có thể có trong diễn đạt, chính tả. - Bước 3: Hình thành bảng hỏi đóng chính thức cho đề tài. Từ phản hồi của 80 sinh viên thực hiện khảo sát thử nghiệm, người nghiên cứu quyết định bố trí lại cấu trúc của bảng hỏi gồm 4 phần như sau ( Phụ lục 2):  Một là, thông tin chung của sinh viên thực hiện khảo sát gồm các câu 1,2,3,4,5,6  Hai là, một số kiến thức cơ bản trong đề tài này, như: định nghĩa về hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm, hình thức bắt nạt tại nơi làm thêm, định nghĩa về người thực hiện hành vi bắt nạt sinh viên.  Ba là, nội dung hỏi để khảo sát thực trạng sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm (dành cho hai nhóm đối tượng đã liệt kê). Gồm các tiểu mục sau: + Tìm hiểu nhận thức về đặc điểm đối tượng bị bắt nạt: câu 7 + Tự đánh giá của sinh viên về việc đã từng bị bắt nạt hay chưa: câu 8 + Thực trạng những biểu hiện hành vi bị bắt nạt ở nơi làm việc: câu 9 + Đối tượng có hành vi bắt nạt, hành vi tiêu cực với sinh viên tại nơi làm thêm: câu 10 + Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt, hành vi tiêu cực đến sinh viên: câu 11, câu 12 + Phản ứng của sinh viên khi bị bắt nạt: câu 13 + Thực trạng chứng kiến bắt nạt: câu 14, câu 15, câu 16, câu 17 Việc bổ sung thêm một số kiến thức cơ bản trong đề tài giúp sinh viên thực hiện khảo sát định hình rõ hơn về hiện tượng bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm theo cách tiếp cận của đề tài, hình thức bắt nạt diễn ra như thế nào, từ đó, thực hiện khảo sát có hiệu quả hơn. Khi khảo sát thử nghiệm trên 80 sinh viên người nghiên cứu cũng xác định độ tin cậy cho bảng hỏi với hệ số Cronbach alpha. Kết quả cho thấy tất cả hệ số alpha
  47. 38 đều trong ngưỡng giá trị cho phép và đặt chuẩn tin cậy để khảo sát trên phần lớn sinh viên. Phần phỏng vấn riêng dành cho sinh viên đã từng chứng kiến vụ bắt nạt được thực hiện qua bảng hỏi ngắn gồm 3 câu hỏi sau: Mô tả lại một tình huống sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm mà bạn đã chứng kiến, cách phản ứng của bạn trước tình huống đó, giải thích điều gì khiến bạn có cách phản ứng như vậy. 2.1.3.3. Giai đoạn điều tra thực tiễn. a. Mục đích: Khảo sát thực trạng trong số các sinh viên có đi làm thêm thuộc hai trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Sư phạm, có bao nhiêu sinh viên trải qua tình trạng bị bắt nạt và hình thức, mức độ của hành vi bắt nạt ấy như thế nào. b. Cách thức tiến hành: - Người nghiên cứu sử dụng bảng hỏi chính thức để khảo sát số liệu trên 260 sinh viên, thu về được 247 phiếu hợp lệ khi sử dụng cả hai hình thức để phát phiếu hỏi: dùng biểu mẫu của Google và dùng phiếu hỏi giấy phát trực tiếp cho sinh viên. Cả hai loại phiếu hỏi này đều kèm theo hướng dẫn trả lời mỗi câu hỏi để khách thể làm khảo sát không mắc phải những lỗi không đáng có như trả lời sai quy cách bảng hỏi, - Trước khi cho sinh viên tiến hành khảo sát, người nghiên cứu có sự chọn lựa khách thể, tức là, người nghiên cứu sẽ hỏi trước sinh viên và chỉ những sinh viên nào đã từng/ đang đi làm thêm và đang theo học tại hai trường được chọn khảo sát mới tham gia vào khảo sát của đề tài được. Riêng với loại bảng hỏi trên biểu mẫu của Google, người nghiên cứu ghi chú thêm dòng điều kiện được làm khảo sát. - Phỏng vấn sinh viên chứng kiến vụ bắt nạt sẽ được thực hiện sau quá trình phát phiếu hỏi. Người nghiên cứu sẽ căn cứ vào câu trả lời của sinh viên đã từng chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên để liên hệ phỏng vấn. 2.1.3.4. Giai đoạn xử lý số liệu. a. Mục đích:
  48. 39 Sử dụng các phép phân tích, thống kê của phần mềm SPSS phiên bản 20.0 trên hệ điều hành Windows để tính toán số liệu thu được, từ đó, kiểm tra lại các giả thuyết khoa học được đề ra ban đầu. b. Cách tiến hành: - Người nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để xử lý số liệu thu được. Các loại thống kê được sử dung trong nghiên cứu này là: thống kê mô tả và thống kê suy diễn. - Thống kê mô tả gồm các thông số: điểm trung bình cộng, tần số - tỉ lệ phần trăm, độ lệch chuẩn. Dùng để thống kê số lượng SV bị BN khi đi làm thêm, hình thức - đối tượng thực hiện bắt nạt SV, cách phản ứng của SV với BN, cách phản ứng của SV chứng kiến vụ bắt nạt SV khác. - Thống kê suy diễn, người nghiên cứu đã sử dụng các phép phân tích so sánh bằng kiểm định T - test, kiểm định Anova. Dùng so sánh sự khác nhau trong hiện tượng SV bị BN tại nơi làm thêm theo giới tính, theo trường học, theo kinh nghiệm làm thêm. c. Độ tin cậy của bảng hỏi Để đo độ tin cậy của bảng hỏi, người nghiên cứu dùng hệ số Alpha, với mức chấp nhận là hệ số α ≥ 0,6. Bảng dưới đây sẽ mô tả cụ thể hệ số Alpha của từng yếu tố được khảo sát: DÀNH CHO SV BỊ BN Thứ Các yếu tố được khảo sát Hệ số Alpha tự 1 Đặc điểm của đối tượng dễ BBN 0.652 2 Hình thức BNSV tại NLT 0.652 3 Đối tượng thực hiện BNSV 0.736 4 Ảnh hưởng của BN đến SV 0.885 5 Ảnh hưởng của BN đến công việc của SV 0.848 6 Cách phản ứng của SV với HVBN 0.720 DÀNH CHO SV CHỨNG KIẾN VỤ BN 7 Cách phản ứng của SV với HVBN SV khác 0.971
  49. 40 d. Mã hóa số liệu và quy điểm đánh giá Trong nghiên cứu này, sử dụng thang đo 3 mức độ. Với cách mã hóa và quy đổi điểm như sau: Bảng 2.2 - Mã hóa các thang đo Nội dung Mức độ thang đo Thang đo mức độ đồng ý 1 = Không 2 = Khá đồng ý 3 = Rất đồng ý đồng ý Thang đo mức độ biểu hiện các 1= Chưa 2= Thỉnh 3 = Thường hành vi liên quan đến bắt nạt, bị bao giờ thoảng ( vài xuyên (nhiều bắt nạt. lần) lần) Thang đo mức độ chứng kiến bắt 1 = Chưa 2 = Thỉnh 3 = Thường nạt chứng kiến thoảng chứng xuyên chứng kiến kiến Bảng 2.3 - Quy điểm trung bình các thang đo Mức điểm Mức độ đồng ý Mức độ biểu hiện Mức độ chứng kiến 1 ≤ Điểm TB < 1.67 Không đồng ý Chưa bao giờ Chưa chứng kiến 1.67 ≤ Điểm TB < 2.34 Khá đồng ý Thỉnh thoảng Thỉnh thoảng 2.34 ≤ điểm số ≤ 3 Rất đồng ý Thường xuyên Thường xuyên 2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn TPHCM. 2.2.1. Phần dành cho sinh viên bị bắt nạt 2.2.1.1. Thực trạng chung của tình trạng sinh viên một số trường đại học trên địa bàn TPHCM bị bắt nạt tại nơi làm thêm. Để đánh giá được thực trạng bị bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên, đề tài đã mô tả rõ trong bảng khảo sát về khái niệm bắt nạt và bị bắt nạt là gì để sinh viên có thể hiểu đúng về bắt nạt, sau đó dùng 2 câu hỏi để khảo sát là: Bạn có bao giờ bị bắt
  50. 41 nạt tại nơi làm thêm?; Trong quá trình đi làm thêm hiện tại, những người khác tại nơi làm thêm đã có những hành vi tương tác như thế nào với bạn và ở mức độ nào? Kết hợp câu hỏi tự xác định việc bản thân sinh viên có từng bị bắt nạt với việc xem xét những biểu hiện hành vi tiêu cực/ bị bắt nạt trong quá trình tương tác với người khác tại nơi làm thêm ( thực chất là các hình thức bắt nạt) để đánh giá sinh viên đã trải nghiệm những hành vi bắt nạt nào cụ thể ở nơi làm thêm sẽ giúp đề tài có được kết quả khái quát nhất về thực trạng sinh viên bị bắt nạt. Kết quả nghiên cứu của 2 câu hỏi này được trình bày ở các bảng dưới đây: Bảng 2.4 -Sinh viên tự đánh giá chung về trải nghiệm bị bắt nạt tại nơi làm thêm Tự đánh giá trải nghiệm bị bắt nạt tại nơi làm thêm Tần số Tỉ lệ Tôi chưa từng bị bắt nạt ở nơi làm thêm của tôi 139 56.3 Tôi đã/đang bị bắt nạt ở nơi làm thêm hiện tại của tôi 24 9.7 Tôi bị bắt nạt ở MỘT nơi làm thêm trước đây của tôi 63 25.5 Tôi bị bắt nạt ở HƠN MỘT nơi làm thêm trước đây của tôi 16 6.5 Tôi đã bị bắt nạt ở TẤT CẢ những nơi làm thêm của tôi 5 2.0 TỔNG 247 100% Kết quả bảng 2.4 cho thấy trong có 108 SV ( chiếm 43.7%) tự đánh giá đã có trải nghiệm bị bắt nạt ít nhất 1 lần ở nơi làm thêm hiện tại hoặc trước kia, và có 139 SV cho rằng mình chưa từng bị bắt nạt tại nơi làm thêm ( chiếm 56.3%). Đánh chú ý có 6.5% SV cho rằng mình bị bắt nạt nhiều hơn 1 nơi làm thêm và 5 SV ( 2%) cho rằng mình bị bắt nạt ở tất cả các nơi làm thêm đã làm. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ dừng lại ở sự tự đánh giá của SV mà chưa thấy được những biểu hiện cụ thể của việc bị bắt nạt tại nơi làm thêm như thế nào, do đó kết quả biểu hiện cụ thể các hình thức bắt nạt tại nơi làm thêm sẽ giúp xác định rõ hơn sinh viên có thật sự trải nghiệm bị bắt nạt tại nơi làm thêm hay không vì có thể có trường hợp bản thân sinh viên bị bắt nạt mà không biết như vậy là bị bắt nạt do nhận thức chưa rõ ràng về vấn đề bắt nạt tại nơi làm thêm.
  51. 42 Với câu hỏi thứ 2, để xác định cụ thể biểu hiện bị bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên toàn mẫu như thế nào, đề tài đã xây dựng một thang đo gồm 26 items (mục hỏi) mô tả về các biểu hiện hành vi bắt nạt/ tiêu cực ở nơi làm thêm dựa trên 6 nhóm hình thức bắt nạt thường có ở nơi làm thêm. Sau đó tính tổng điểm của 26 mục hỏi, tính trung bình tổng điểm của toàn thang đo theo từng SV để đánh giá được điểm trung bình chung mức độ biểu hiện của việc bị bắt nạt của từng sinh viên trong mẫu nghiên cứu. Sau đó dùng SPSS để mã hóa lại biến điểm trung bình bày thành các số quy ước 1 = ĐTB ở khoảng 1 đến 1.66; 2 = ĐTB ở khoảng 1.67 đến 2.33; 3= ĐTB ở khoảng 2.34 đến 3. Sau đó đếm được tần số phân bố các điểm trung bình ở mức độ biểu hiện nào. Kết quả được trình bày ở bảng sau: Bảng 2.5 - Tần số, tỉ lệ mức độ bị bắt nạt tại nơi làm thêm của sinh viên toàn mẫu dựa trên thang đo biểu hiện hình thức bắt nạt tại nơi làm thêm Giá trị Tần số Tỉ lệ phần trăm (%) Chưa bao giờ BBN 172 69.6 Thỉnh thoảng BBN 69 27.94 Thường xuyên BBN 6 2.4 Tổng 247 100 Nhìn vào bảng trên ta thấy, trong tổng số 247 phiếu khảo sát, có 172 SV có ĐTB biểu hiện mức độ hành vi bắt nạt thuộc mức chưa từng bị bắt nạt tại NLT, chiếm tỉ lệ 69.6%. Đồng thời có 75 SV đã từng/ đang BBN tại NLT, chiếm tỉ lệ 30.34%. Với mức độ thỉnh thoảng xảy ra BN có 69 sinh viên gặp phải, chiếm tỉ lệ 27.94%. Với mức độ thường xuyên BBN tại NLT, có 6 sinh viên gặp phải, chiếm tỉ lệ 2.4%. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đánh giá khái quát nhất về thực trạng chung mức độ biểu hiện bị bắt nạt tại nơi làm thêm của SV. Phần trình bày kết quả ở bảng dưới đây sẽ cung cấp một kết quả định lượng cho các nhóm biểu hiện hành vi bắt nạt/hành vi tiêu cực tại nơi làm thêm mà SV đã trải nghiệm.
  52. 43 Bảng 2.6 - Xếp loại các nhóm hình thức bắt nạt Nhóm hình thức bắt nạt Điểm trung bình Thứ hạng 1. Bắt nạt bằng công việc 1.53 2 2. Tẩy chay 1.52 3 3. Tấn công cá nhân hoặc cuộc sống cá nhân 1.30 5 4. Đe dọa bằng lời nói 1.46 4 5. Lan truyền tin đồn 1.58 1 6. Bắt nạt thể chất 1.26 6 Nhìn vào bảng trên có thể nhận thấy, nhóm hành vi lan truyền tin đồn có điểm trung bình cao nhất là 1.58, đứng thứ hai là nhóm hành vi bắt nạt bằng công việc có điểm trung bình là 1.53, thứ ba là nhóm hành vi tẩy chay với điểm trung bình là 1.52. Nhóm hành vi có điểm trung bình thấp nhất là hành vi bắt nạt bằng thể chất với điểm trung bình là 1.26. Qua đó, người nghiên cứu đưa ra nhận xét là, trong 6 nhóm hành vi bắt nạt SV tại NLT, thì các nhóm hành vi bắt nạt SV bằng lời nói, làm tổn thương về tâm lý của sinh viên là chủ yếu. Hành vi bắt nạt bằng thể chất ít diễn ra hơn. 2.2.1.2. Thực trạng chi tiết của tình trạng sinh viên của một số trường đại học trên địa bàn TPHCM bị bắt nạt tại nơi làm thêm a. Các nhóm biểu hiện của hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm Bảng 2.7 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng công việc CBG TT TX Thứ hạng Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ ĐTB theo số (%) số (%) số (%) nhóm Nhóm 1: BẮT NẠT BẰNG CÔNG VIỆC 1. Lợi dụng chức vụ 160 64.8 74 30 13 5.3 1.4 7
  53. 44 để bắt buộc SV làm thêm việc riêng ở bên ngoài. 2. Gây áp lực không đáng có để ép SV hoàn 143 57.9 92 37.2 12 4.9 1.47 5 thành công việc. 3. Giữ bí mật thông tin công việc không cho SV biết, gây ảnh hưởng đến 159 64.4 81 32.8 7 2.8 1.38 8 hiệu quả công việc của SV. 4. Người khác buộc SV, phân công cho SV 151 61.1 88 35.6 8 3.2 1.42 6 những việc dưới mức khả năng, năng lực. 5. Người khác lấy đi những nhiệm vụ quan trọng mà SV đang đảm nhận, thay thế bằng những 162 65.6 76 30.8 9 3.6 1.38 8 nhiệm vụ tầm thường hơn, hoặc nhiệm vụ SV không sẵn lòng làm. 6. Giao nhiệm vụ mà 129 52.2 107 43.3 11 4.5 1.52 4 không có thời hạn rõ ràng. 7. Không hợp tác, hỗ trợ SV trong quá trình làm 87 35.2 140 56.7 20 8.1 1.73 2 thêm. 8. Đùn đẩy công việc 78 31.6 139 56.3 30 12.1 1.81 1 khó khăn cho SV làm. 9. Phân chia khối 113 45.7 111 44.9 23 9.3 1.64 3
  54. 45 lượng công việc không đồng đều giữa các nhân viên. Và SVBBN thường làm nhiều hơn. Nhóm 1: Bắt nạt bằng công việc. Nhóm này gồm 9 biểu hiện cụ thể. Trong đó, biểu hiện “Đùn đẩy công việc khó khăn cho SV làm.” có thứ hạng trong nhóm cao nhất với ĐTB 1.81, tiếp theo là “ Không hợp tác hỗ trợ SV trong quá trình làm việc”, thứ 3 là “ Phân chia công việc không đồng đều và SV thường bị làm nhiều hơn”, cả 3 biểu hiện này ở mức độ Thỉnh thoảng. Các biểu hiện “người khác lấy đi những nhiệm vụ quan trọng mà SV đang đảm nhận, thay thế bằng những nhiệm vụ tầm thường hơn, hoặc nhiệm vụ SV không sẵn lòng làm” và “giữ bí mật thông tin công việc” ít xảy ra nhất (có tỉ lệ % chưa bao giờ xảy ra là 65.6%, điểm trung bình thấp nhất là 1.38. Khi xem xét tần số và tỉ lệ biểu hiện của từng hành vi bắt nạt trong nhóm 1, thì đều có ít nhất 34.4% đến dưới 50% sinh viên thỉnh thoảng đến thường xuyên trải qua 6 biểu hiện trong nhóm. Có 3 biểu hiện có trên 50% SV gặp phải, trong đó cao nhất là 68.4% SV “bị người khác đẩy việc khó khăn cho làm”, 64.8% SV gặp biểu hiện “Không hợp tác, hỗ trợ SV trong quá trình làm thêm”, 54.2% SV bị “Phân chia khối lượng công việc không đồng đều giữa các nhân viên. SV thường làm nhiều hơn”. Những biểu hiện này rất đặc trưng mà SV thường hay gặp phải khi đi làm thêm, chính những hành vi này khiến SV cảm thấy gặp nhiều khó khăn trong công việc. Nhóm 2: Tẩy chay. Nhóm này bao gồm 4 biểu hiện cụ thể ( Bảng 2.8) Trong đó, biểu hiện “coi thường hoặc phớt lờ những đóng góp của sinh viên cho công việc” có tỉ lệ % diễn ra là 53.8% và điểm trung bình cao nhất so với các biểu hiện còn lại của cùng nhóm: 1.65. Biểu hiện “gây áp lực để SV phải từ bỏ một số quyền lợi mà SV đáng được hưởng như nghỉ ốm, những kỳ nghỉ” có thứ hạng thấp nhất nhưng cũng có 34% SV thỉnh thoảng đến thường xuyên gặp biểu hiện này.
  55. 46 Đáng chú ý biểu hiện liên quan đến việc phớt lờ hoặc có thái độ thù địch với SV cũng như là không cho SV tham gia vào các cuộc nói chuyện cũng là các biểu hiện có tỉ lệ SV gặp phải từ 44.2% đến 49.8%. Như vậy, đa số SV trải nghiệm hành vi bị tẩy chay nơi làm việc dưới hình thức phớt lờ và không cho tham gia nhóm nhiều hơn là việc bị tước đi một số quyền lợi chính đáng. Nhưng với những con số tỉ lệ cũng khá cao thì cho thấy việc SV bị cô lập khi đi làm thêm cũng cần phải được quan tâm để hỗ trợ. Bảng 2.8 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách tẩy chay CBG TT TX Thứ Tỉ hạng Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ Tần ĐTB lệ theo số (%) số (%) số (%) nhóm NHÓM 2: TẨY CHAY 1. Coi thường và phớt lờ những đóng góp của 103 41.7 128 51.8 16 6.5 1.65 1 SV cho công việc. 2. Người khác phớt lờ, có vẻ mặt không thân 138 55.9 93 37.7 16 6.5 1.51 3 thiện, có thái độ thù địch khi SV tới. 3. Người khác nói những câu chuyện mà SV 124 50.2 107 43.3 16 6.5 1.56 2 không có tham gia vào. 4. Gây áp lực để SV phải từ bỏ một số quyền lợi mà SV đáng được 163 66 77 31.2 7 2.8 1.37 4 hưởng như nghỉ ốm, những kỳ nghỉ. Nhóm 3: Tấn công cá nhân và cuộc sống cá nhân của sinh viên ( Bảng 2.9)
  56. 47 Trong nhóm này có 4 biểu hiện cụ thể, trong đó biểu hiện “vu oan/ tạo tình huống hiểu lầm để hạ uy tín của sinh viên tại nơi làm thêm” có điểm trung bình cao nhất là 1.36 và tỉ lê % xảy ra là 31.9%. Xếp thứ hai là biểu hiện “sử dụng mạng xã hội để nói xéo, chửi xéo” có điểm trung bình cao thứ hai với tỉ lệ % diễn ra là 30%. Các biểu hiện “người khác lăng mạ, sỉ nhục SV, có những nhận xét khiêu khích về con người, thái độ sống của riêng SV” và “gửi tin nhắn hăm dọa” lần lượt có số điểm trung bình cao thứ 3 và thứ 4 trong nhóm là 1.33 và 1.17. Trong nhóm có 4 biểu hiện này, biểu hiện có tỉ lệ % ít xảy ra nhất là biểu hiện “gửi tin nhắn hăm dọa” với tỉ lệ % chưa bao giờ là 84.2%. Bảng 2.9 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách tấn công cá nhân/ cuộc sống cá nhân CBG TT TX Thứ Tỉ hạng Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ Tần ĐTB lệ theo số (%) số (%) số (%) nhóm NHÓM 3: TẤN CÔNG CÁ NHÂN/ CUỘC SỐNG CÁ NHÂN CỦA SINH VIÊN 1. Vu oan/ tạo tình huống hiểu lầm nhằm hạ 168 68 70 28.3 9 3.6 1.36 1 uy tín của SV tại nơi làm thêm. 2. Sử dụng mạng xã hội để “nói xéo”, “chửi 173 70.0 63 25.5 11 4.5 1.35 2 xéo”. 3. Gửi tin nhắn hăm 208 84.2 35 14.2 4 1.6 1.17 4 dọa. 4. Người khác lăng mạ, sỉ nhục, có những 173 70 66 26.7 8 3.2 1.33 3 nhận xét khiêu khích về
  57. 48 con người, thái độ, đời sống riêng của SV. Điều này cho thấy, với hành vi tấn công cá nhân và cuộc sống cá nhân của SV tại nơi làm thêm có những biểu hiện thường xảy ra là vu oan cho SV đó hoặc tạo tình huống hiểu lầm để làm mất uy tín của SV tại NLT, hoặc dùng lời nói để mỉa mai, châm chọc SV đó. Việc người khác tại NLT gửi tin nhắn hăm dọa là biểu hiện ít khi xảy ra với SV khi đi làm thêm. Bảng 2.10 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách đe dọa lời nói CBG TT TX Thứ Tỉ hạng Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ Tần ĐTB lệ theo số (%) số (%) số (%) nhóm NHÓM 4: ĐE DỌA BẰNG LỜI NÓI 1. Phê bình, chỉ trích liên tục về những sai sót 110 44.5 118 47.8 19 7.7 1.63 1 của SV. 2. Chê cười, chế nhạo 167 67.6 72 29.1 SV hoặc công việc mà SV 8 3.2 1.36 4 đang làm. 3. Người khác ám chỉ hoặc phát tín hiệu rằng SV 161 65.2 74 30 12 4.9 1.40 3 nên bỏ công việc hiện tại. 4. Người khác la hét và xem SV là mục tiêu 156 63.2 77 31.2 14 5.7 1.43 2 của sự trút giận từ những cơn giận tự phát của họ. Nhóm 4: Đe dọa bằng lời nói Nhóm này có 4 biểu hiện cụ thể.
  58. 49 Trong đó, biểu hiện “phê bình, chỉ trích liên tục về những sai sót của sinh viên” có điểm trung bình cao nhất là 1.63, có tỉ lệ % có xảy ra là 55.5%. Biểu hiện “người khác ám chỉ hoặc phát tín hiệu rằng sinh viên nên từ bỏ công việc hiện tại” có điểm trung bình cao thứ hai 1.40, có tỉ lệ % xảy ra là 34.9%. Trong khi đó, biểu hiện “chê cười, chế nhạo sinh viên hoặc công việc sinh viên đang làm” có điểm trung bình thấp nhất là 1.36, có tỉ lệ % chưa bao giờ xảy ra là 67.6% - cao nhất trong các biểu hiện cụ thể cùng nhóm. Như vậy, khi một người tại nơi làm thêm đe dọa SV bằng lời nói, họ sẽ tập trung vào những sai sót của SV tại nơi làm thêm, có thể sai sót đó không đáng kể. Việc SV bị chê cười, chế nhạo tại nơi làm thêm hiếm khi xảy ra. Nhóm 5: Lan truyền tin đồn ( Bảng 2.11) Nhóm này chỉ có hai biểu hiện cụ thể được nêu ra, trong đó biểu hiện “bình phẩm sau lưng những đóng góp của SV cho công việc” có điểm trung bình cao hơn với biểu hiện còn lại (điểm trung bình của biểu hiện này là 1.67, có tỉ lệ % xảy ra là 57.5%). Bảng 2.11 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng cách lan truyền tin đồn CBG TT TX Thứ Tỉ hạng Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ Tần ĐTB lệ theo số (%) số (%) số (%) nhóm NHÓM 5: LAN TRUYỀN TIN ĐỒN 1. Người khác ngồi lê đôi mách và có những tin 142 57.5 91 36.8 14 5.7 1.48 2 đồn về SV. 2. Bình phẩm sau lưng những đóng góp của 105 42.5 119 48.2 23 9.3 1.67 1 SV cho công việc Biểu hiện “người khác ngồi lê đôi mách và có những tin đồn về bạn” có điểm trung bình thấp hơn biểu hiện trước: 1.48, có tỉ lệ % xảy ra là 42.5%.
  59. 50 Như vậy, có thể nhận xét rằng, khi SV BBN tại NLT bằng cách lan truyền tin đồn, thì người bắt nạt sẽ có biểu hiện là bình phẩm sau lưng SV về những đóp góp của SV cho công việc, điều này dẫn đến những đóng góp đó không được công nhận. Và biểu hiện này thỉnh thoảng xảy ra với tỉ lệ % là 48.2. Biểu hiện “người khác ngồi lê đôi mách và có tin đồn về SV” có tỉ lệ % chưa bao giờ xảy ra khá cao 57.5%, qua đó, có thể nói rằng, người kahsc bắt nạt SV sẽ ít khi dành thời gian để tạo ra tin đồn không đáng cho SV, thay vào đó, họ thỉnh thoảng bình phẩm về đóng góp của SV cho công việc hơn. Bảng 2.12 - Nhóm hình thức bắt nạt bằng bắt nạt thể chất CBG TT TX Thứ Tỉ hạng Tần Tỉ lệ Tần Tỉ lệ Tần ĐTB lệ theo số (%) số (%) số (%) nhóm NHÓM 6: BẮT NẠT THỂ CHẤT 1. Người khác có những hành động đáng sợ với SV như chỉ trỏ ngón 193 78.1 45 18.2 9 3.6 1.26 1 tay, xâm phạm vào không gian cá nhân, xô dẩy thô bạo, chặn đường SV. 2. Có dấu hiệu bạo 188 76.1 53 21.5 6 2.4 1.26 1 lực, lạm dụng thể chất Nhóm 6: Bắt nạt thể chất Nhóm này cũng có hai biểu hiện cụ thể, và cả hai biểu hiện này đều có mức điểm trung bình ngang nhau là 1.26 điểm. Khi xét đến tỉ lệ % có xảy ra thì biểu hiện “có dấu hiệu bạo lực, lạm dụng thể chất” có tỉ lệ % là 23.9. Với biểu hiện còn lại, tỉ lệ % xảy ra là 21.8%.
  60. 51 Như vậy, trên thực tế, bắt nạt thể chất SV tại NLT thường là những biểu hiện có dấu hiệu bạo lực, lạm dụng thể chất sinh viên hơn là những hành động xô đẩy, hay bạo lực công khai. Điều này có kết quả tương đồng với một nghiện cứu của tác gỉa Jane Goodman về hình thức bắt nạt tại công sở. Kết quả nghiên cứu của tác giả chỉ ra rằng, các biểu hiện bắt nạt tại nơi làm việc thường diễn ra tinh vi và khó phát hiện. Các biểu hiện hung hăng như ném vật phẩm, đồ dùng vào nhân viên bị bắt nạt rất hiếm khi xảy ra. Tóm lại, phần trên người nghiên cứu đã cố gắng phân tích và chỉ ra trong từng nhóm hình thức bắt nạt, biểu hiện nào là có xảy ra với tỉ lệ % cao nhất, biểu hiện ít khi xảy ra với tỉ lệ % thấp nhất, và so sánh điểm trung bình của từng biểu hiện trong nhóm với nhau. b. Về đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt sinh viên tai nơi làm thêm Bảng 2.13 - Đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt sinh viên tại nơi làm thêm Chưa bao Thỉnh Thường Thứ Đối tượng thực ĐTB giờ thoảng xuyên hạng TT hiện hành vi bắt nạt Tần Tỉ Tần Tỉ Tần Tỉ số lệ % số lệ % số lệ % 1 Quản lý 119 48.2 115 46.6 13 5.3 1.57 3 2 Đồng nghiệp 103 41.7 128 51.8 16 6.5 1.65 2 Đối tượng phục vụ trong công 3 103 41.7 125 50.6 19 7.7 1.66 1 việc của SV
  61. 52 Đối tác hợp tác 4 trong công việc 161 65.2 79 32 7 2.8 1.38 5 Người trả thù 5 139 56.3 98 39.7 10 4.0 1.48 4 lao cho SV Dựa vào bảng số liệu trên, có thể thấy, hai nhóm đối tượng thường xuyên thực hiện hành vi bắt nạt sinh viên là: đối tượng phục vụ trong công việc của SV và đồng nghiệp của SV tại NLT (lần lượt có điểm trung bình là 1.66 và 1.65, cao thứ nhất và thứ hai trong bảng điểm trung bình). Có đến 58.3% số sinh viên tham gia khảo sát trả lời rằng họ có BBN bởi đối tượng mà họ phục vụ trong công việc. Cùng tỉ lệ 58.3% số sinh viên tham gia khảo sát trả lời rằng họ có BBN bởi đồng nghiệp của mình tại NLT. Nhóm đối tượng khác cũng có hành vi BNSV là quản lý của SV tại NLT (điểm trung bình cao thứ ba và có 51.9% sinh viên thừa nhận là quản lý đã có hành vi BN họ tại NLT). Sinh viên ít BBN tại NLT bởi đối tác trong công việc (điểm trung bình thấp nhất: 1.38 và có tỉ lệ % diễn ra thấp, 34.8%). c. Nhận thức của sinh viên về đặc điểm của đối tượng dễ bị bắt nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.14 - Nhận thức của sinh viên về đặc điểm của đối tượng dễ bị bắt nạt tại nơi làm thêm Đối tượng dễ bị Không Thứ TT Khá đồng ý Rất đồng ý ĐTB bắt nạt đồng ý hạng
  62. 53 Tần Tỉ Tần Tỉ Tần Tỉ số lệ % số lệ % số lệ % Người mới vào 1 18 7.3 162 65.6 67 27.1 2.2 1 làm Người nhút nhát, 2 26 10.5 145 58.7 76 30.8 2.2 1 hiền lành Người có đặc điểm ngoại hình 3 77 31.2 129 52.2 41 16.6 1.85 4 đặc biệt Người thuộc giới 4 tính thứ 3 118 47.8 106 42.9 23 9.3 1.62 6 Người có tính 5 cách đặc biệt so 101 40.9 115 46.6 31 12.6 1.72 5 với số đông Người làm trong lĩnh vực công việc 6 74 30 116 47 57 23.1 1.93 3 có tính cạnh tranh cao Theo bảng số liệu trên, có thể nói những sinh viên nào có đặc điểm như: - Là nhân viên mới tại NLT (có điểm trung bình cao nhất: 2.2 và tỉ lệ % có BBN là 92.7%). - Là người có tính cách nhút nhát, quá hiền lành (có điểm trung bình cao nhất: 2.2 và tỉ lệ % có BBN là 89.5%).
  63. 54 Sẽ có nguy cơ trở thành đối tượng BBN tại NLT của mình. Ngoài ra, sinh viên nào làm thêm trong những môi trường có tính cạnh tranh cao như các lĩnh vực về thương mại, dịch vụ cũng có nguy cơ trở thành đối tượng BBN tại NLT (tỉ lệ có BBN là 70.1%). Theo bảng số liệu trên cho thấy, những sinh viên thuộc giới tính thứ 3 sẽ có ít nguy cơ trở thành nạn nhân BBN tại NLT hơn (chiếm tỉ lệ 52.2%, và điểm trung bình thấp nhất so với các đặc điểm khác: 1.62). d. Cách phản ứng của sinh viên với tình trạng bị bắt nạt tại nơi làm thêm Bảng 2.15 - Cách phản ứng của sinh viên với tình trạng bị bắt nạt tại nơi làm thêm Không Khá đồng Cách phản ứng Rất đồng ý T đồng ý ý Thứ của SV trước ĐTB T hạng hành vi bắt nạt Tần Tỉ Tần Tỉ Tần Tỉ số lệ % số lệ % số lệ % Cố gắng chịu đựng và chờ cho 1 104 42.1 130 52.6 13 5.3 1.63 7 mọi chuyện lắng xuống Tranh cãi ngay lập tức với người 2 bắt nạt để dành 134 54.3 96 38.9 17 6.9 1.53 8 lấy công bằng cho mình
  64. 55 Cố gắng chống trả người bắt nạt nếu 3 83 33.6 131 53 33 13.4 1.8 5 đó là bắt nạt thể chất Im lặng ngay lúc bị bắt nạt, nhưng sau đó lưu trữ các 4 85 34.4 129 52.2 33 13.4 1.79 6 bằng chứng để lần tranh cãi sau thuyết phục hơn. Trình bày sự việc 5 với cấp trên để họ 52 21.1 158 64 37 15 1.94 4 giải quyết Tìm lời khuyên từ bạn bè, từ các 6 43 17.4 162 65.6 42 17 2 2 chuyên gia về nhân sự Tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng 7 nghiệp bằng cách 39 15.8 177 71.7 31 12.6 1.97 3 trò chuyện, tâm sự với họ. Cố gắng làm việc tốt hơn nữa để 8 41 16.6 150 60.7 56 22.7 2.06 1 không bị bắt bẻ hay chỉ trích
  65. 56 9 Nghỉ việc 162 65.6 67 27.1 18 7.3 1.42 9 Căn cứ vào bảng số liệu trên, người nghiên cứu nhận thấy rằng, trong tất cả 8 cách phản ứng khi chứng kiến vụ bắt nạt sinh viên khác tại NLT, nhiều sinh viên chọn cách phản ứng là: sẽ không trực tiếp bênh vực cho sinh viên đó khi cuộc bắt nạt đang diễn ra, nhưng lại theo an ủi, động viên sinh viên sau đó (tỉ lệ % có diễn ra là 39.3%; có điểm trung bình cao nhất 0.99). Các cách phản ứng khác thường được diễn ra khi SVCK sinh viên khác bị BN là: - Chuyển thông tin vụ việc bắt nạt đến đối tượng có khả năng xử lý (có tỉ lệ % diễn ra là 38.5%, có điểm trung bình cao thứ hai 0.97). - Tìm kiếm nguồn lực hoặc thiết lập liên minh để bảo vệ cho SVBBN (có tỉ lệ % diễn ra là 25.1%, có điểm trung bình cao thứ ba 0.88). 2.2.1.3. Thực trạng mức độ ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến sinh viên a.Thực trạng mức độ ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến sinh viên bị bắt nạt. Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến tâm lý của sinh viên. Bảng 2.16 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt đến tâm lý của sinh viên bị bắt nạt tại nơi làm thêm Không đồng Khá đồng ý Rất đồng ý Biểu hiện ảnh ý Thứ ĐTB hưởng Tần Tỉ Tần Tỉ Tần Tỉ hạng số lệ % số lệ % số lệ % 1. Ảnh hưởng 110 44.4 112 45.6 25 10 1.66 2 đến cảm xúc
  66. 57 2. Ảnh hưởng 135 54.6 96 38.9 16 6.6 1.52 3 đến thái độ 3. Ảnh hưởng đến hành vi sau 101 40.9 109 43.9 37 15.2 1.74 1 này Nhìn vào bảng trên ta thấy, trong các ảnh hưởng đến tâm lý sinh viên, ảnh hưởng đến hành vi sau này của sinh viên chiếm tỉ lệ % cao nhất là 59.1% (tổng % số phiếu trả lời đồng ý và rất đồng ý). Điều này cho thấy, hành vi BN SV tại NLT có ảnh hưởng đến sự thay đổi hành vi sau này của sinh viên. Yếu tố tiếp theo có tổng số % trả lời đồng ý và rất đồng ý cao thứ hai là cảm xúc (chiếm tỉ lệ 55.6%) điều này cho thấy, trên thực tế, hành vi BN SV có ảnh hưởng đến cảm xúc của SVBBN. Yếu tố thái độ của SV bị bắt nạt là ít chịu ảnh hưởng bởi hành vi BN tại nơi làm thêm (chiếm 54.55% phiếu Không đồng ý, điều này trên thực tế có nghĩa là, có ít SV BBN tại nơi làm thêm bị ảnh hưởng thái độ bởi hành vi BN của người khác). Các ảnh hưởng cụ thể của hành vi bắt nạt đến cảm xúc - thái độ - hành vi của sinh viên được thể hiện qua các bảng dưới đây: Bảng 2.17 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến cảm xúc của sinh viên Không Khá đồng Rất đồng ý đồng ý ý Thứ Biểu hiện ảnh hưởng ĐTB Tần Tỉ Tần Tỉ Tần Tỉ hạng số lệ % số lệ % số lệ % CẢM XÚC CỦA SINH VIÊN 1. Cảm thấy buồn 40 16.2 165 66.8 42 17 2.01 1 2. Cảm thấy thất vọng 101 40.9 129 52.2 17 6.9 1.66 4 về bản thân. 3. Cảm thấy tức giận 48 19.4 158 64 41 16.6 1.97 2 4. Cảm thấy hoang 97 39.3 121 49 29 11.7 1.72 3
  67. 58 mang, lo lắng 5. Cảm thấy sợ hãi 129 52.2 101 40.9 17 6.9 1.55 5 6. Cảm thấy không 203 82.2 37 15 7 2.8 1.21 7 muốn sống nữa 7. Cảm thấy muốn trả 150 60.7 77 31.2 20 8.1 1.47 6 thù người bắt nạt Theo bảng số liệu 2.17, có thể nhận xét: Cảm xúc buồn có thứ hạng cao nhất với ĐTB là 2.01, với tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý của SV là 83.8%. Cảm xúc tức giận có ĐTB cao thứ hai là 1.97, có tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý của SV là 80.6%. Cảm xúc hoang mang, lo lắng có ĐTB cao thứ ba trong nhóm là 1.72, có tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý là 60.7%. Cảm xúc “không muốn sống nữa” có ĐTB thấp nhất nhóm là 1.21, có tỉ lệ % không đồng ý của SV cao nhất là 82.2%. Như vậy, khi xem xét về tần số và tỉ lê % cho thấy, hầu như các SV khi bị bắt nạt tại nơi làm thêm đều cảm thấy buồn, phần lớn SV được khảo sát cảm thấy tức giận trước hành động bắt nạt của người khác tại nơi làm thêm và nhiều SV sẽ thấy hoang mang, lo lắng khi rơi vào tình trạng bị bắt nạt. Tuy nhiên, có rất ít SV sẽ thấy “không muốn sống nữa” khi bản thân bị bắt nạt khi đi làm thêm. Bảng 2.18 - Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến thái độ của sinh viên Không Khá đồng Rất đồng ý đồng ý ý Thứ Biểu hiện ảnh hưởng ĐTB Tần Tỉ Tần Tỉ Tần Tỉ hạng số lệ % số lệ % số lệ % THÁI ĐỘ CỦA SINH VIÊN 1. Tôi thấy bản thân 122 49.4 107 43.3 18 7.3 1.58 1 kém cỏi 2. Tôi trở nên nhút 145 58.7 88 35.6 14 5.7 1.47 3
  68. 59 nhát hơn sau khi bị bắt nạt tại nơi làm thêm 3. Tôi bị ám ảnh với những lời nhận xét tiêu 130 52.6 96 38.9 21 8.5 1.56 2 cực 4. Tôi mất niềm tin vào năng lực, khả năng 142 57.5 93 37.7 12 4.9 1.47 3 của bản thân. Theo bảng số liệu 2.18 cho thấy, có 125 SV (chiếm tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý là 50.6%) “cảm thấy bản thân kém cỏi” nếu họ bắt nạt tại nơi làm thêm. Có 117 SV (chiếm tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý là 47.4%) “bị ám ảnh với những nhận xét tiêu cực” từ những người bắt nạt tại nơi làm thêm. Và số SV còn lại tham gia khảo sát sẽ “trở nên nhút nhát hơn sau lần bị bắt nạt” và “mất niềm tin vào năng lực, khả năng của bản thân” (có tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý lần lượt là 41.3% và 42.6%). Tuy nhiên, “mất niềm tin vào năng lực, khả năng của bản thân” có tỉ lệ khá đồng ý và rất đồng ý của SV cao hơn “trở nên nhút nhát hơn sau lần bị bắt nạt”, điều này cho thấy, trên thực tế, có nhiều SV có thái độ “mất niềm tin vào năng lực, khả năng của bản thân” sau khi bị bắt nạt hơn là thái độ “nhút nhát hơn sau lần bị bắt nạt”. Như vậy, các thái độ thường xuất hiện ở sinh viên khi bị bắt nạt tại nơi làm thêm qua khảo sát là: thấy bản thân kém cỏi, bị ám ảnh bởi những nhận xét tiêu cực của người khác, mất niềm tin vào năng lực bản thân. Ảnh hưởng của hành vi bắt nạt tại nơi làm thêm đến hành vi sau này của sinh viên Theo bảng số liệu 2.19 có thể nhận xét: Có 188 SV (chiếm tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý là 76.1%) sẽ “rút kinh nghiệm sau lần bị bắt nạt/ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ người khác. Và không để điều đó tái diễn”. Có 104 SV (chiếm tỉ lệ % khá đồng ý và rất đồng ý là 42.1%) sẽ “sống thu mình lại” sau lần bị bắt nạt tại nơi làm thêm.