Khóa luận Biên soạn hệ thống lý thuyết và bài tập phần đạo hàm và vi phân của hàm nhiều biến cho giáo trình Giải tích 2

pdf 118 trang thiennha21 16/04/2022 5210
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Biên soạn hệ thống lý thuyết và bài tập phần đạo hàm và vi phân của hàm nhiều biến cho giáo trình Giải tích 2", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_nhan_thuc_ve_viec_su_dung_hoa_do_nghe_trong_cong_t.pdf

Nội dung text: Khóa luận Biên soạn hệ thống lý thuyết và bài tập phần đạo hàm và vi phân của hàm nhiều biến cho giáo trình Giải tích 2

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHOA TÂM LÝ HỌC Giang Thiên Vũ NHẬN THỨC VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH ĐỀ TÀI KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành: Tâm lý học NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC NCS. Lê Duy Hùng TP. HỒ CHÍ MINH, 2018
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả trong luận văn là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình khác nào. Tác giả luận văn Giang Thiên Vũ
  3. DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT TRONG ĐỀ TÀI Chữ viết tắt Nội dung viết tắt CTHN Công tác hướng nghiệp GDHN Giáo dục hướng nghiệp HN Hướng nghiệp HS Học sinh NĐTV Người được tư vấn NTV Người tư vấn PHHS Phụ huynh học sinh THPT Trung học phổ thông TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh TV Tư vấn TVHN Tư vấn hướng nghiệp
  4. DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ Biểu đồ 1.1. Miền chọn nghề tối ưu 10 Sơ đồ 1.1. Sơ đồ tam giác hướng nghiệp và các hình thức hướng nghiệp 23 Bảng 2.1. Mục đích công tác hướng nghiệp trong nhà trường 41 Biểu đồ 2.1. Nội dung tư vấn hướng nghiệp được triển khai tại các trường THPT 42 Biểu đồ 2.2. Các công cụ tư vấn hướng nghiệp đang được sử dụng hiện nay 44 Bảng 2.2. Tính hiệu quả của các công cụ tư vấn hướng nghiệp hiện hành 44 Bảng 2.3. Nhận thức chung của đội ngũ tư vấn hướng nghiệp về họa đồ nghề 46 Bảng 2.4. So sánh mức độ nhận thức của đội ngũ tư vấn hướng nghiệp về họa đồ nghề với lựa chọn nội dung “Cung cấp họa đồ nghề vào tư vấn hướng nghiệp” ở biểu đồ 2.1 46 Bảng 2.5. Những nội dung của họa đồ nghề 48 Bảng 2.6. Mức độ hiểu về các nội dung họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác tư vấn hướng nghiệp 51 Biểu đồ 2.3. Nhu cầu của đội ngũ tư vấn hướng nghiệp về tập huấn cách sử dụng các công cụ hướng nghiệp 55 Bảng 2.7. Đánh giá của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp khi đưa họa đồ nghề vào sử dụng trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh THPT 55 Bảng 2.8. Mối liên hệ giữa chức vụ người làm công tác hướng nghiệp và sự đánh giá mức độ hiệu quả của họa đồ nghề 56 Bảng 2.9. Kiểm nghiệm sự khác biệt giữa chức vụ người làm công tác hướng nghiệp về việc đánh giá mức độ hiệu quả của họa đồ nghề 56 Bảng 2.10. Những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến hành vi sử dụng họa đồ nghề trong tư vấn hướng nghiệp 57 Bảng 2.11. Những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hành vi sử dụng họa đồ nghề trong tư vấn hướng nghiệp 58
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 2 3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 3 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU 3 5. GIỚI HẠN VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3 6. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU 4 7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4 8. CẤU TRÚC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU 5 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ NHẬN THỨC VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ CỦA ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 6 1.1.LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VỀ NHẬN THỨC VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 6 1.1.1.Một số nghiên cứu trên thế giới về sử dụng họa đồ nghề trong tư vấn hướng nghiệp 6 1.1.2.Một số nghiên cứu ở Việt Nam về sử dụng họa đồ nghề trong tư vấn hướng nghiệp 9 1.2.LÍ LUẬN VỀ NHẬN THỨC VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 14 1.2.1.Khái niệm “Nhận thức” 14 1.2.2.Lí luận về “Họa đồ nghề” 17 1.2.3.Lí luận về “Tư vấn hướng nghiệp” 22 1.2.4.Khái niệm “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp” 28 1.3.NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHẬN THỨC VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ CỦA ĐỘI NGU LÀM CÔNG TÁC HƯỚNG 31 1.3.1.Yếu tố khách quan 32 1.3.2.Yếu tố chủ quan 33 TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 36
  6. CHƯƠNG 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ NHẬN THỨC CỦA ĐỘI NGŨ HƯỚNG NGHIỆP VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 37 2.1. VÀI NÉT VỀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU 37 2.2. KẾT QUẢ KHẢO SÁT THỰC TRẠNG NHẬN THỨC VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH THPT 39 2.2.1. Thể thức và phương pháp nghiên cứu 39 2.2.2. Kết quả nghiên cứu 40 TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 62 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 63 1.KẾT LUẬN 63 2.KIẾN NGHỊ 65 3.ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP 67 TÀI LIỆU THAM KHẢO 68
  7. MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Ở Việt Nam, vấn đề hướng nghiệp đã được một số tác giả bàn đến từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng thực sự được quan tâm nghiên cứu phải đến những năm 80 của thế kỷ XX khi Quyết định 126/CP ngày 19/3/1981 có hiệu lực. Tuy vậy, theo các nhà tâm lý học và giáo dục học, hoạt động tư vấn hướng nghiệp được đánh giá đạt vinh quang trong những năm 1983 – 1996. Từ 1997 trở lại đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT dường như chưa được quan tâm thỏa đáng [32]. Đối với các ban ngành trong xã hội, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT thường được thực hiện chủ yếu trước mỗi mùa tuyển sinh, thực hiện như là theo phong trào. Các thông tin về nghề mà học sinh thu nhận được trước khi quyết định chọn nghề phần lớn từ kênh ngoài nhà trường như cha mẹ, bạn bè, mạng thông tin đại chúng điều đó nói lên hạn chế trong công tác hướng nghiệp hiện nay ở các trường phổ thông. Trước nhu cầu lớn về tư vấn hướng nghiệp ở nước ta hiện nay, một số trung tâm tư vấn hướng nghiệp đã được thành lập tại trường phổ thông ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế Những cố gắng ban đầu của các nhà tư vấn đã được học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà quản lý giáo dục đón nhận rất nhiệt tình. Song, do mới được thành lập trong mấy năm gần đây, các trung tâm phát triển theo hình thức tự phát là chủ yếu, thiếu cơ chế quản lý mang tính pháp lý, phần lớn cán bộ tư vấn chưa được đào tạo một cách bài bản đúng chuyên ngành, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, thời gian và kinh phí cho hoạt động tư vấn còn hạn hẹp [41]. Do vậy, cần thiết phải có những công trình nghiên cứu sâu về vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu giáo dục phổ thông được thể hiện trong luật giáo dục: “Học sinh có những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động” [36]. Mặt khác, công tác hướng nghiệp ở phần lớn các trường phổ thông đều do đội ngũ làm công tác hướng nghiệp (bao gồm chuyên viên tâm lý, giáo viên, cán bộ hướng nghiệp, ) phụ trách. Do vậy, việc đảm bảo chất lượng đào tạo, phổ cập cho đội ngũ 1
  8. hướng nghiệp những mô hình hướng nghiệp mới, những bộ công cụ hướng nghiệp mới để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp là điều cần thiết. Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự chi phối của các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến quá trình tư vấn hướng nghiệp của người làm công tác hướng nghiệp, đặc biệt là yếu tố nhận thức. Nhận thức của người thực hiện hướng nghiệp về việc áp dụng các mô hình tư vấn hướng nghiệp và sử dụng các công cụ hướng nghiệp đã thật sự phù hợp với nhu cầu, năng lực, của học sinh? Hiện nay, bộ công cụ hướng nghiệp nào được các chuyên viên đánh giá cao nhất và hiệu quả nhất trong công tác tư vấn hướng nghiệp? Không chỉ vậy, theo nhiều chuyên gia làm công tác tư vấn/tham vấn hướng nghiệp, họa đồ nghề là một trong những bộ công cụ mang lại tính hiệu quả nhất, nhưng rất ít khi được sử dụng trong công tác TVHN [44]. Lý do dẫn đến việc hạn chế sử dụng là do số lượng các bản họa đồ nghề rất ít, không phổ quát được các ngành nghề trong xã hội; công tác tìm kiếm và phác thảo họa đồ nghề tốn kém nhiều thời gian và chi phí; Trong khi đó, những công cụ khác như trắc nghiệm nhân cách, trắc nghiệm nghề nghiệp phù hợp, được sử dụng phổ biến hơn, thời gian được rút gọn và kinh phí ít tốn kém. Nhưng từ thực tế, những bộ trắc nghiệm này vẫn chưa thật sự hiệu quả, nhiều HS thực hiện xong vẫn không xác định được nghề nghiệp phù hợp với mình sau này [13]. Từ đó cho thấy, việc phân tích nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề khi TVHN cho học sinh có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta có thể định hướng và đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng TVHN trong trường phổ thông. Với ý nghĩa lý luận, thực tiễn và mong muốn nghiên cứu chuyên sâu như trên, tôi lựa chọn đề tài “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông địa bàn TP. Hồ Chí Minh” làm đề tài nghiên cứu. 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Khảo sát và đánh giá mức độ nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong công tác TVHN cho HS THPT. Đề xuất nâng cao nhận thức việc sử dụng họa đồ nghề vào công tác TVHN cho HS THPT để đạt kết quả cao hơn. Từ đó so sánh, đánh giá, phân tích vấn đề nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp về họa đồ nghề với mức độ hiệu quả khi sử dụng họa đồ nghề trong 2
  9. TVHN, đề xuất những phương án nâng cao hiệu quả sử dụng họa đồ nghề trong TVHN cho các chuyên viên, nhằm giúp HS nhận thức tốt hơn về năng lực bản thân, yêu cầu nghề nghiệp và lập kế hoạch nghề nghiệp phù hợp. 3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU - Xác định cơ sở lý luận về họa đồ nghề, tư vấn hướng nghiệp và nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp: Các khái niệm công cụ như: họa đồ nghề, tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, nhận thức, nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp, đặc điểm tâm lý của học sinh THPT - Phân tích và đánh giá mức độ nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong công tác TVHN. Đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề cho đội ngũ hướng nghiệp, phục vụ công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn. 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU 4.1. Khách thể nghiên cứu Đề tài tiến hành nghiên cứu trên khách thể là 50 chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp/ giáo viên kiêm nhiệm công tác HN tại một số trường THPT địa bàn TP.HCM (quận 1, quận 3, quận 4, quận 6, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, quận Bình Tân). 4.2. Đối tượng nghiên cứu Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác TVHN cho HS THPT. 5. GIỚI HẠN VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Địa bàn nghiên cứu: TP. Hồ Chí Minh. Thời gian: từ tháng 10 - 2017 đến tháng 4 - 2018. Nội dung nghiên cứu: xác lập các chỉ báo về nhận thức của người làm công tác hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác TVHN; từ đó đánh giá hiệu quả của họa đồ nghề trong công tác TVHN và đề xuất những biện pháp nâng cao hiệu quả TVHN cho học sinh THPT. Giới hạn nghiên cứu: hoạt động hướng nghiệp là lĩnh vực khoa học ứng dụng trong thực tiễn. Vì thế, hiệu quả của hoạt động này bao hàm rất nhiều khía cạnh liên quan đến mức độ nắm vững các nội dung TVHN, kỹ năng TVHN, qui trình TVHN, thái độ và phẩm chất của nhà tư vấn Trong đề tài này, chỉ tập trung nghiên cứu về nhận thức của 3
  10. đội ngũ làm công tác hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề trong hoạt động TVHN. 6. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU Nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác TVHN cho học sinh THPT còn đơn giản và chưa chuyên sâu, chưa đáp ứng được nhu cầu TVHN của học sinh. Nếu xác định được mức độ nhận thức của đội ngũ hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề trong hoạt động TVHN sẽ xây dựng được các biện pháp nâng cao hiệu quả TVHN cho học sinh thông qua công cụ hướng nghiệp là họa đồ nghề. 7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 7.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận 7.1.1. Quan điểm hệ thống - cấu trúc Vận dụng quan điểm hệ thống - cấu trúc để xây dựng cơ sở lý luận như định nghĩa, lý luận về họa đồ nghề, tư vấn, tham vấn, hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, nhận thức, nhận thức của đội ngũ hướng nghiệp, đặc điểm tâm lý của học sinh THPT. Nghiên cứu đề tài “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT địa bàn TP. Hồ Chí Minh” được tiến hành trên cấu trúc đã được xác lập. 7.1.2. Quan điểm lịch sử Việc thực hiện quá trình nghiên cứu đề tài đòi hỏi người nghiên cứu phải tham khảo các quan điểm về hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, họa đồ nghề trong suốt chiều dài phát triển của nền giáo dục thế giới nói chung, nền giáo dục Việt Nam nói riêng. Đồng thời khảo sát mức độ nhận thức của đội ngũ hướng nghiệp về họa đồ nghề, 7.1.3. Quan điểm thực tiễn Hiện nay, công tác TVHN trong trường THPT chưa mang lại hiệu quả cao, nhiều học sinh vẫn không thể xác định được nghề nghiệp phù hợp cho mình thông qua các giờ giáo dục hướng nghiệp hoặc tư vấn hướng nghiệp. Đội ngũ làm công tác hướng nghiệp chưa áp dụng hiệu quả họa đồ nghề trong công tác tư vấn, dẫn đến việc nhiều học sinh chưa có được cái nhìn bao quát về nghề nghiệp và khó khăn trong việc ra quyết định chọn nghề. Xuất phát từ mong muốn phân tích sự ảnh hưởng từ nhận thức của chuyên viên tham vấn hướng nghiệp về việc sử 4
  11. dụng họa đồ nghề, đề tài: “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT địa bàn TP. Hồ Chí Minh” được tiến hành. 7.2. Các phương pháp nghiên cứu đề tài 7.2.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận Tham khảo các công trình nghiên cứu, sách, báo, tạp chí chuyên ngành và thu thập thông tin trên internet về nhận thức, họa đồ nghề, tư vấn hướng nghiệp, đặc điểm nhận thức của đội ngũ hướng nghiệp, Trên cơ sở đó, hệ thống hóa, khái quát hóa các khái niệm công cụ căn bản làm cơ sở lý luận cho đề tài. 7.2.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn 7.2.2.1. Phương pháp điều tra bằng phiếu thăm dò ý kiến (phương pháp chủ yếu) Sử dụng phiếu thăm dò ý kiến (phiếu thăm dò ý kiến mở và phiếu thăm dò ý kiến đóng) đối với 50 người làm CTHN tại một số trường THPT TP.HCM (quận 1, quận 3, quận 4, quận 6, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, quận Bình Tân). 7.2.2.2. Phương pháp phỏng vấn Gặp gỡ trò chuyện, trao đổi với các chuyên gia, giáo viên tâm lý, chuyên viên TVHN, giáo viên kiêm nhiệm công tác TVHN về các vấn đề liên quan đến đề tài. 7.2.2.3. Phương pháp toán thống kê Dùng phần mềm thống kê SPSS for win phiên bản 20.0 để xử lý dữ liệu. 8. CẤU TRÚC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU Đề tài nghiên cứu bao gồm các phần, chương sau: - Mở đầu - Chương 1: Cơ sở lý luận về nhận thức việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT. - Chương 2: Kết quả nghiên cứu về nhận thức của đội ngũ hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT. - Chương 3: Đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức của đội ngũ hướng nghiệp về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT. - Kết luận và kiến nghị. - Tài liệu tham khảo. - Phụ lục. 5
  12. CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ NHẬN THỨC VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ CỦA ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 1.1. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VỀ NHẬN THỨC VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 1.1.1. Một số nghiên cứu trên thế giới về sử dụng họa đồ nghề trong tư vấn hướng nghiệp Theo các nhà tâm lý học, hiện nay có ba cách thức phân loại cơ bản nhất về tư vấn hướng nghiệp. Phân loại dựa trên các đặc điểm nhân cách, phân loại dựa trên các giai đoạn phát triển của con người, phân loại dựa trên quá trình xử lý thông tin và ra quyết định [7]. - Tư vấn hướng nghiệp dựa trên những đặc điểm nhân cách, bao gồm lý thuyết của Frank Parsons mang tên Nhân cách và yếu tố, lý thuyết của Jonh Holland và lý thuyết nhu cầu của Ann Roes [23] và K.K Platonop. Đại diện đầu tiên của trường phái này là F.Parsons (1909), ông cho rằng, nhà tư vấn giúp những cá nhân nhận thức về đặc điểm từng nghề của thế giới nghề, sau đó kết hợp những đặc điểm nhân cách cá nhân với đặc điểm của nghề, từ đó có hành vi lựa chọn được nghề phù hợp. E.G. Williamson (1939, 1965) tiếp tục lý thuyết của F.Parson và phát triển một thang đo có tên là thang đánh giá nghề nghiệp (Minnesota Occupational Rating Scales) nhằm phục vụ cho việc đo lường. Theo các tác giả trên, việc tiến hành làm các trắc nghiệm được coi là một việc làm quan trọng và cơ bản nhất, từ kết quả trắc nghiệm, nhà tư vấn đưa ra lời khuyên cá nhân nên chọn nghề nào phù hợp. J.Holland (1959, 1985) [43] cho rằng đặc điểm nhân cách của một con người cần được xem xét trong sự thống nhất với môi trường nghề nghiệp. Do đó, theo Holland khi lựa chọn một nghề nào, con người có xu hướng sẽ tìm kiếm những môi trường làm việc mà ở đó người ta được thể hiện các đặc điểm của nhân cách, thể hiện cái tôi của mình và có xu hướng tránh những môi trường làm việc không phù hợp với đặc điểm nhân cách. Xuất phát từ lý thuyết của Holland, một thang tự đo trong định hướng nghề nghiệp có tên là Self- Directed Search (SDS) đã được ra đời. 6
  13. Ann Roe (1956) dựa trên cách tiếp cận nhu cầu của Maslow (1954) được coi là đại diện thứ ba của trường phái này. Roe nhấn mạnh sự tương tác giữa con người và môi trường trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp. Xuất phát từ quan điểm của trường phái phân tâm học nên bà cho rằng những kinh nghiệm từ thuở ấu thơ sẽ liên quan chặt chẽ đến việc lựa chọn nghề nghiệp sau này, và vô thức có vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định nghề nghiệp. Việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ giúp mỗi cá nhân thoả mãn nhu cầu của bản thân mình [23]. K.K.Platonop (1960) [23] với quan niệm về “Tam giác hướng nghiệp”. Ba cạnh của hướng nghiệp được xác định là (1) đặc điểm, yêu cầu của các ngành nghề trong xã hội, (2) nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, (3) đặc điểm về nhân cách, tâm sinh lý của cá nhân. Khi cá nhân tìm được sự phù hợp cả ba cạnh của tam giác, khi đó tìm được sự lựa chọn nghề tối ưu. Tóm lại, cách tiếp cận dựa trên lý thuyết đặc điểm nhân cách xem như là một lý thuyết tĩnh, quá trình tư vấn là chỉ dẫn cho cá nhân lựa chọn một nghề dựa trên sự phù hợp giữa đặc điểm nhân cách với yêu cầu công việc. Lý thuyết này chưa giải thích về những đặc điểm như hứng thú, giá trị, năng lực, thành tích cá nhân, tính cách phát triển và thay đổi như thế nào có ảnh hưởng gì đến quá trình học tập, tìm việc, làm việc của cá nhân (Sharf. 1996) [43]. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội Việt Nam chưa có hoạt động TVHN chuyên nghiệp và người được TVHN là học sinh THPT, tôi nhận thấy lý thuyết TVHN dựa trên sự phù hợp những đặc điểm nhân cách của cá nhân với đặc điểm, yêu cầu nghề và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động là phù hợp. Cơ sở lý luận cũng như bộ công cụ đo đạc (bao gồm cả họa đồ nghề), đánh giá thực trạng TVHN cho học sinh THPT được xây dựng dựa trên quan điểm của lý thuyết này. Thế nhưng, việc sử dụng họa đồ nghề trong TVHN vẫn còn là một khâu bỏ ngõ do tính phức tạp và đòi hỏi nhà TVHN phải am hiểu kiến thức nghề nghiệp của rất nhiều lĩnh vực khác nhau. - Tư vấn hướng nghiệp dựa trên quá trình phát triển đời người Lý thuyết về quá trình phát triển tập trung vào tìm hiểu các giai đoạn thay đổi trong cuộc sống con người và ảnh hưởng của những thay đổi trong giai đoạn phát triển của con người đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân. Ví dụ như Eli Ginzberg (1951, 1972) cho rằng quá trình lựa chọn nghề nghiệp là một quá trình mở và kéo dài suốt cuộc đời, việc thay đổi có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời. Donald Super 7
  14. không nhấn mạnh khái niệm lựa chọn nghề nghiệp mà tập trung nhấn mạnh khái niệm phát triển nghề nghiệp. Các tác giả của trường phái này rất coi trọng “cái tôi” trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của mỗi cá nhân, cái tôi của cá nhân đó sẽ được thể hiện một cách rõ rệt trong các giai đoạn của cuộc đời [37]. Lý thuyết này đã khắc phục được điểm “tĩnh” trong lý thuyết đặc điểm nhân cách, tức là chỉ ra được sự thay đổi, phát triển các đặc điểm tâm lý cá nhân có ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề và sự phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, với lý thuyết phát triển đòi hỏi ở đất nước có hoạt động TVHN chuyên nghiệp, nhà TVHN luôn đồng hành với cá nhân từ khi cá nhân bước vào trường phổ thông, đến khi họ đi làm, nghỉ hưu và đến hết cuộc đời. Khi đó, quan niệm về việc làm và được làm việc là hạnh phúc là công bằng với mọi người. - Tư vấn hướng nghiệp dựa trên quá trình xử lý thông tin, lựa chọn Những người theo lý thuyết này tập trung vào cách thức mỗi cá nhân ra quyết định trong lựa chọn nghề nghiệp. Đại diện là David Tiedeman, Krumbolt, và H.B.Gelatt [23]. Lý thuyết về mô hình cá nhân hoá của D.Tiedeman. Ông đưa ra hai khái niệm và cũng là hai giai đoạn chính trong quá trình lựa chọn và phát triển nghề nghiệp, giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện, điều chỉnh. Tiedeman cho rằng mỗi cá nhân hoàn toàn có năng lực lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân mình. Việc lựa chọn nghề, tuy là một quá trình liên tục và có thể được diễn ra ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, nhưng mỗi cá nhân phải tự đưa ra những quyết định liên quan đến nghề nghiệp tại những thời điểm cụ thể trong cuộc đời. Lý thuyết học tập của Krumbolt (1969, 1976), trong hoạt động hướng nghiệp, Krumbolt tin rằng việc ra quyết định là một kỹ năng có thể học hỏi. Điểm nổi bật trong lý thuyết của Krumbolt là việc khuyến khích những người đang trong quá trình tìm hiểu và quyết định nghề nghiệp đến thăm và làm việc thực tế tại các cơ sở hoạt động, điều này sẽ giúp cho họ được kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là việc chăm chỉ học hỏi, nghiên cứu, hay tư vấn tại văn phòng [23]. Lý thuyết của Gelatt được coi là mô hình ra quyết định. Theo Gelatt, việc lựa chọn nghề nghiệp có thể coi là một hệ thống có thể dự đoán được và thông tin đóng vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống này, Gelatt gọi thông tin là năng lượng của quyết định. 8
  15. Tóm lại, từ khi TVHN được xem xét dưới góc độ khoa học cho đến nay đã có rất nhiều lý thuyết xuất hiện và đi kèm với những lý thuyết là những bộ công cụ giúp cho hoạt động này có hiệu quả. Lý thuyết TVHN dựa trên quá trình phát triển đời người chỉ ra rằng, quá trình lựa chọn nghề nghiệp là quá trình mở và kéo dài suốt cuộc đời, việc thay đổi nghề diễn ra ở bất cứ lúc nào trong cuộc đời. Lý thuyết TVHN dựa vào đặc điểm nhân cách giúp cá nhân tại một thời điểm cần xác định những nội dung tư vấn cơ bản để lựa chọn một nghề phù hợp. Và lý thuyết TVHN dựa trên quá trình xử lý thông tin, lựa chọn tập trung làm rõ cách thức cá nhân thu thập thông tin và ra quyết định lựa chọn nghề. Như vậy, những mục tiêu ưu tiên của từng lý thuyết bổ sung cho nhau làm cho hoạt động TVHN đạt hiệu quả cao trong thực tế ứng dụng. Trong đó, việc sử dụng họa đồ nghề cũng như nhận thức của nhà TVHN về họa đồ nghề được xem như là một thao tác của quy trình TVHN, nhưng vì tính phức tạp, tốn nhiều thời gian tìm kiếm thông tin và mức độ thông tin dàn trải nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của “họa đồ nghề” nên các nhà TVHN vẫn chưa sử dụng triệt để hiệu quả mà “họa đồ nghề” mang đến cho quá trình TVHN. 1.1.2. Một số nghiên cứu ở Việt Nam về sử dụng họa đồ nghề trong tư vấn hướng nghiệp 1.1.2.1. Hướng nghiên cứu về đặc điểm nhân cách cá nhân TVHN (tư vấn chọn nghề) được hiểu là hệ thống biện pháp tâm lý – giáo dục và y học nhằm phát hiện và đánh giá nhân cách của HS, giúp các em chọn nghề một cách khoa học. Tư vấn chọn nghề là việc đối chiếu yêu cầu của nghề, yêu cầu của thị trường lao động với hứng thú, khuynh hướng và năng lực của học sinh, rồi cho các em lời khuyên nên chọn nghề nào phù hợp (Đặng Danh Ánh, 2005). Người học sinh phải tìm hiểu, đánh giá đúng các đặc điểm nhân cách của bản thân như: xu hướng nghề nghiệp (bao gồm nguyện vọng, hứng thú, động cơ), năng lực (khả năng) phù hợp nghề, tính cách. Người học sinh phải có nhận thức về thế giới nghề nghiệp, về nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, của đất nước, nhu cầu nhân lực của các ngành nghề trong xã hội, từ đó xác định sự phù hợp nghề [2]. Để giúp cá nhân dễ dàng hiểu mình và lựa chọn được nghề phù hợp, nhóm tác giả Hoàng Kiện, Nguyễn Thế Trường, Phạm Tất Dong [1], cho rằng tư vấn hướng nghiệp là phải giúp học sinh tìm được “Miền chọn nghề tối ưu”. Khi chọn nghề, học sinh phải trả lời được ba câu hỏi: Tôi thích làm nghề gì? (hứng thú), Tôi có thể làm nghề gì? (năng 9
  16. lực), Tôi cần phải làm nghề gì? (yêu cầu xã hội, thị trường lao động đối với nghề). Đó chính là “Miền chọn nghề tối ưu” (biểu đồ 1.1). Tôi có thể (năng lực) Miền năng lực của Miền chọn nhân cách phù hợp nghề tối ưu với yêu cầu của xã hội Tôi cần Tôi thích phải (nhu (hứng thú) cầu xã hội) Miền hứng thú của cá nhân phù hợp với xã hội Biểu đồ 1.1. Miền chọn nghề tối ưu Hứng thú, năng lực của cá nhân là những đặc điểm của nhân cách, đây là những yếu tố cơ bản để chỉ ra sự cần thiết của mỗi cá nhân với yêu cầu của một nghề nào đó. Song, để tìm được một nghề phù hợp thật sự, thì chỉ ba yếu tố đó là chưa đủ, nhà tư vấn cần phải tính đến những đặc điểm khác của nhân cách như lý tưởng, định hướng giá trị, tính cách, nhận thức của cá nhân, bên cạnh đó yêu cầu của nghề với tình trạng sức khỏe của cá nhân, điều kiện gia đình cũng cần được xem xét. Một cách tiếp cận mới trong hướng nghiên cứu về đặc điểm nhân cách, nhưng ở góc độ kết hợp Tâm lý học và Giáo dục học, tác giả Trần Khánh Đức (2010) đã xây dựng mô hình nhân cách nghề nghiệp có tính đến vấn đề công nghệ đào tạo và phân hóa các giai đoạn phát triển nghề trong quá trình vận động và phát triển của nhân cách nghề thích ứng với từng giai đoạn đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục liên tục [18]. Theo tác giả, đây là cách tiếp cận theo quan điểm nhân cách phát triển và giáo dục suốt đời, do vậy mô hình nhân cách thích ứng với các giai đoạn: Tiền nghề nghiệp, đào tạo nghề và giai đoạn thích ứng phát triển nghề. Quá trình phát triển nhân cách qua các giai đoạn này là quá trình hoàn thiện dần các đặc trưng cấu trúc nhân cách bằng việc hình thành những đặc trưng mới, bổ sung thêm vào những đặc trưng đã có hoặc phát triển chúng đến trình độ cao hơn. 10
  17. Tóm lại, hướng nghiên cứu về đặc điểm nhân cách cá nhân được quan tâm ngay từ những năm đầu khi khoa học hướng nghiệp ra đời, đến nay vẫn được đông đảo các nhà TVHN trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu. Trong quá trình tư vấn, người TVHN được tư vấn tìm hiểu về những đặc điểm nhân cách cá nhân, đối chiếu với những đặc điểm, yêu cầu của nghề và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động rồi lựa chọn lấy một nghề phù hợp với mình. Nói theo cách khác, người được TVHN được hướng dẫn phác thảo bản mô tả nghề để tìm hiểu rõ hơn về nghề nghiệp mình lựa họn. Tuy nhiên, thuật ngữ “họa đồ nghề”, hay “bản mô tả nghề” không được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu. Thuật ngữ này chỉ được tìm thấy trong các sách chuyên khảo về khoa học hướng nghiệp. Dựa trên lý thuyết đặc điểm nhân cách, chúng tôi xác định cơ sở lý luận của đề tài, theo đó, trong hoạt động TVHN cho học sinh THPT được thiết lập bởi các nội dung tư vấn như: TV cho học sinh nâng cao nhận thức về nghề, TV cho học sinh nâng cao nhận thức về thị trường lao động phù hợp với nghề và TV cho học sinh nâng cao hiểu biết đặc điểm tâm lý bản thân phù hợp với nghề. Trong quá trình tư vấn, người tư vấn nâng cao nhận thức của học sinh về ba thành tố kể trên, từ đó họ có hành vi tự lựa chọn được nghề phù hợp, và công cụ được sử dụng chính trong quá trình TVHN này là họa đồ nghề. 1.1.2.2. Hướng nghiên cứu sử dụng công cụ trắc nghiệm Sử dụng các trắc nghiệm tâm lý, bảng kiểm, bảng tự đánh giá cá nhân như là những công cụ đắc lực cho TVHN đã được các nhà TVHN quan tâm từ lâu. Nhà tâm lý học Mĩ F.Parsons đã dùng test và anket để nghiên cứu năng lực HS nhằm mục đích HN, F.Galton (Anh) đã dùng test chẩn đoán nhân cách để phục vụ cho việc tư vấn nghề [2]. Ở Việt Nam, đây không phải là hướng nghiên cứu chính thống, song nó như “mốt”, phong trào trong giai đoạn hiện nay. Hầu hết các trang web của Việt Nam về TVHN đều có sự hướng dẫn làm các trắc nghiệm để tìm hiểu xem mình có phù hợp với nghề nào trong thế giới nghề nghiệp. Trong thực tế công tác, các nhà TVHN cũng nhận thấy các em đều hứng thú với việc được làm các bài trắc nghiệm đánh giá HN để tìm hiểu xem mình là người như thế nào, có điểm mạnh điểm yếu nào và phù hợp với ngành, nghề nào trong thế giới nghề nghiệp. Việc sử dụng trắc nghiệm khách quan có thể giúp người được tư vấn biết được về cơ bản cá nhân có hợp (hay không hợp) với nghề định chọn. Kết quả trắc nghiệm là cơ 11
  18. sở khoa học để TVHN, góp phần hỗ trợ cho HS tự hiểu mình một cách khách quan hơn, từ đó biết chọn học ngành nghề nào cho phù hợp, đồng thời tránh chọn lầm nghề. Một số trắc nghiệm được các nhân viên TVHN khuyên dùng là IQ test (chỉ số trí tuệ - Intelligence Quotient), EQ test (đo chỉ số cảm xúc - Emotion Quotient), AQ test (đo chỉ số vượt khó - Adversity Quotient), CQ test (đo chỉ số sáng tạo – Creation Quotient) Cùng với các trắc nghiệm chuyên biệt như: Trắc nghiệm nghiên cứu kiểu nhân cách của H.J.Eysenck, trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn của J.C.Raven, trắc nghiệm đánh giá trí tuệ tổng quát của David Wechsler, V.P. Zakharov với trắc nghiệm giao tiếp, M. Luscher với phương pháp nghiên cứu nhân cách, A.E.Golomstoc nghiên cứu hứng thú học sinh bằng anket, E.A.Klimop với “Bản xác định kiểu nghề cần chọn trên cơ sở tự đánh giá”, John Holland với trắc nghiệm RIASEC [10] Theo các nhà tư vấn tâm lý, việc sử dụng trắc nghiệm trong TVHN cho học sinh THPT được xem như là một công cụ hỗ trợ và tạo tính thuyết phục cao hơn trong công tác hướng nghiệp, giúp các em tìm hiểu và khám phá bản thân một cách kỹ lưỡng hơn. Tuy trắc nghiệm có rất nhiều ưu điểm và hiệu quả cao, nhưng cũng không thể coi đó là một nhân tố duy nhất và quan trọng nhất trong TVHN cho HS. Việc TVHN còn phải tính đến rất nhiều yếu tố như hoàn cảnh cá nhân, gia đình, môi trường sống, điểm số học tập trên lớp, điểm chuẩn của các trường đại học 1.1.2.3. Hướng nghiên cứu về giá trị của nghề Khi nghiên cứu hoạt động TVHN ở học sinh THPT, nhà tư vấn tâm lý Dương Diệu Hoa nhận thấy [33], nếu cho rằng công tác HN là chủ yếu hướng tới việc định hướng chọn nghề trong tương lai của thanh niên, thì chưa đúng với chức năng của HN. Trong thực tế, “Hướng nghiệp là làm cho cá nhân nhận ra chân giá trị của nghề và tìm thấy hạnh phúc khi tận tâm cống hiến tinh thần và sức lực cho nghề đó”. Hướng nghiệp là làm cho cá nhân lấy việc hành nghề làm lẽ sống chứ không phải là phương tiện kiếm sống [35]. Khi cá nhân hiểu được giá trị nghề để cống hiến thì những động cơ khác như chọn nghề vì dễ xin việc làm, thu nhập cao, nghề danh giá sẽ không phải là cơ bản. Do vậy, TVHN không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà sâu xa hơn, đó là những giá trị nhân văn vì sự phát triển bền vững của xã hội. Trong một dự thảo về khung giáo dục hướng nghiệp được đăng tải trên mạng Internet [62], do ThS. Nguyễn Ngọc Tài (Viện Nghiên cứu giáo dục làm chủ nhiệm) cũng đồng quan điểm khi nhận định rằng: Người được HN cũng phải biết đến giá trị 12
  19. nghề, “Giá trị nghề sẽ có nguy cơ bị bôi bẩn hoặc có triển vọng được thăng hoa khi bản thân người hành nghề đã lấy nghề đó làm phương tiện để thực hiện mục đích gì, với động cơ gì”. Mỗi người trước khi chọn nghề nào đó, ngoài việc xác định nó phù hợp với ta không, để xét xem tương lai ta có triển vọng trong nghề đó không, còn phải tính đến việc ta đóng góp gì cho nghề đó và sự đóng góp của ta có vì xã hội không? Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhận thức của đa phần người dân (học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà tuyển dụng ) luôn ưu ái việc học đại học, chọn ngành nào dễ xin việc, có thu nhập cao hay “danh giá” , thì quan điểm của các nhà tâm lý giáo dục trên vô cùng có giá trị. Trong quá trình này, học sinh THPT phải có thời gian tìm hiểu và những trải nghiệm cảm xúc với những nghề trong xã hội, do vậy công việc này tốn khá nhiều thời gian nhưng kết quả đạt được sẽ bền vững và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tóm lại, với các hướng tiếp cận nghiên cứu khác nhau, các nhà tâm lý học Việt Nam nhận thấy TVHN là một lĩnh vực khoa học ứng dụng mới và cần thiết đối với học sinh THPT. Các hướng nghiên cứu về TVHN nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý thuyết và thực hành của lĩnh vực này trong cuộc sống. Trong khi TVHN còn “non trẻ” với đời sống của người Việt, lĩnh vực này cần có cơ sở lý thuyết chắc chắn và những người thực hành chuyên môn một cách thành thục. Do vậy, khi nghiên cứu về TVHN cho học sinh THPT, chúng tôi nhận thấy cơ sở lý thuyết của hoạt động này ở góc độ đặc điểm nhân cách cá nhân phù hợp với nghề là chủ yếu và cần thiết. Bên cạnh đó cần tính đến cách tiếp cận của các hướng nghiên cứu khác như bổ sung cho hoạt động này có hiệu quả trong thực tiễn. Từ thực tế trên cho thấy hoạt động TVHN được nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau nhằm nâng cao hoat động TVHN cho HS. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và ứng dụng họa đồ nghề vào công tác TVHN vẫn chưa được quan tâm, đầu tư. Phần lớn các công trình nghiên cứu đều liên quan đến mô hình TVHN, nhu cầu được TVHN của HS, kĩ năng TVHN dành cho chuyên viên HN và giáo viên kiêm nhiệm Qua đó, ta có thể thấy, việc sử dụng công cụ HN là họa đồ nghề trong quy trình TVHN vẫn chưa được các nhà TVHN quan tâm và chưa có một đề tài nào nghiên cứu rõ về vấn đề này. Họa đồ nghề có tác dụng như thế nào đến quá trình TVHN? Các nhà TVHN nhận thức như thế nào về họa đồ nghề? Giải pháp sử dụng họa đồ nghề hiệu quả trong TVHN là gì? 13
  20. 1.2. LÍ LUẬN VỀ NHẬN THỨC VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 1.2.1. Khái niệm “Nhận thức” Có rất nhiều định nghĩa về nhận thức, ở đây xin nêu ra một số định nghĩa thường được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Theo từ điển Tiếng Việt, “nhận thức” là kết quả của quá trình phản ánh và tái hiện hiện thực trong tư duy, kết quả con người nhận biết, hiểu biết thế giới khách quan [49]. Theo định nghĩa này có thể thấy nhận thức vừa là một quá trình phản ánh có mở đầu, diễn tiến và kết thúc của tư duy con người với hiện thức khách quan vừa là kết quả của sự phản ánh đó. Theo từ điển triết học, nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào trong đầu óc con người trên cơ sở thực tiễn [49]. Như vậy, để cải tạo thực tiễn hướng đến việc phục vụ cho cuộc sống, con người không ngừng tìm hiểu, tác động vào thế giới khách quan để có được những nhận thức nhất định về hiện thực khách quan. Theo từ điển tâm lý năm 2011 do tác giả Nguyễn Khắc Viện chủ biên, “nhận thức” (tiếng Pháp: Connaisance) là quá trình hoặc kết quả phản ánh và tái hiện hiện thực vào trong tư duy, nhận biết là hiểu biết thế giới khách quan. Quá trình ấy đi từ cảm giác đến tri giác, từ tri giác đến tri thức, diễn ra ở các mức độ [49]: - Kinh nghiệm hàng ngày về các đồ vật và người khác, mang tính tự phát, thường hỗn hợp với tình cảm, thành kiến, thiếu hệ thống. - Khoa học, các khái niệm được kiến tạo một cách chặt chẽ, có hệ thống với ý thức về phương pháp và những bước đi của tư duy để chứng nghiệm đúng – sai. Trong quá trình nhận thức này, những cái sai sẽ dần dần được loại bỏ để con người có được nhận thức đúng đắn về hiện thực khách quan. Tác giả Phạm Minh Hạc xem nhận thức là một trong ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người, hai mặt còn lại là tình cảm và hành động. Trong khi hoạt động để tồn tại trong thế giới tự nhiên và môi trường xã hội, con người phải nhận thức, phản ánh hiện thực xung quanh và cả hiện thực của bản thân mình, để trên cơ sở đó con người tỏ thái độ, tình cảm và hành động. Kết quả nhận thức có thể cho ra sản phẩm là nhận thức đúng hoặc nhận thức sai, nhận thức từng bộ phận hay nhận thức cái tổng thể, nhận thức 14
  21. một phần hay nhận thức trọn vẹn sự vật hiện tượng, nhận thức thuộc tính bên ngoài hay đi sâu vào bản chất bên trong, dẫn đường tìm ra quy luật và chân lý [22]. Như vậy, theo định nghĩa này cần xác định ba yếu tố: - Thứ nhất, nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan. Nếu con người có nhận thức tốt là quá trình phản ánh hiện thực khách quan đúng đắn, đầy đủ. - Thứ hai, nhận thức có mối quan hệ với tình cảm, thái độ. Tức là khi con người nhận thức tốt sẽ chỉ đạo, định hướng, điều khiển tình cảm, và giúp con người tỏ thái độ phù hợp. - Thứ ba, nhận thức có mối quan hệ với hành động. Nghĩa là nhận thức tốt sẽ làm động lực thúc đẩy con người hành động và đạt kết quả tốt. Theo từ điển Tâm lý học do tác giả Vũ Dũng chủ biên (2008) thì nhận thức là hiểu được một điều gì đó, tiếp thu được những kiến thức về điều nào đó, hiểu biết những quy luật về những hiện tượng, quá trình nào đó [15] Những quan điểm nêu trên đều có những điểm tương đồng khi định nghĩa về nhận thức. Cụ thể đều xem nhận thức là một quá trình phản ánh hiện thực khách quan thông qua sự nhận biết và các bước của tư duy. Sản phẩm của quá trình nhận thức có thể là nhận thức đúng đắn và sai lầm nhưng thông qua sự tích cực và tự giác con người sẽ dần dần loại bỏ cái sai và có nhận thức đúng đắn để cải thiện hiện thưc khách quan làm cho nó ngày càng phục vụ cuộc sống con người ngày một tốt hơn. Với mục đích nghiên cứu của đề tài, người nghiên cứu xin lựa chọn định nghĩa của tác giả Vũ Dũng để làm cơ sở nghiên cứu vì sự phù hợp của nó với đối tượng nghiên cứu của đề tài. Các mức độ của nhận thức Nhận thức là một quá trình tâm lý hết sức đa dạng, phức tạp và được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Hiện nay, trong tâm lý học việc phân chia các mức độ của quá trình nhận thức cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Nhưng quan niệm phổ biến và được dùng rộng rãi nhất là các quan niệm sau: a. Quan niệm thứ nhất: Nhận thức được chia làm hai mức độ là nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. - Nhận thức cảm tính: quá trình nhận thức cảm tính là giai đoạn thấp của hoạt động nhận thức, tuy đơn giản nhưng nó mang lại những tài liệu đầu tiên cho nhận thức của con người. Nhận thức cảm tính bao gồm quá trình cảm giác và tri giác [24]. 15
  22. - Nhận thức lý tính: là quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bên trong, bản chất của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Nhận thức lý tính gồm có quá trình tư duy và tưởng tượng [24]. b. Quan niệm thứ hai: Benjamin Bloom chia lĩnh vực nhận thức thành 6 mức độ hoạt động tri thức, theo một tiến trình liên tục từ dễ đến khó [24]: - Biết: chủ yếu là sự ghi nhớ và tái hiện được các sự kiện, khái niệm cơ bản và các câu trả lời. - Hiểu: hiểu nghĩa, có thể tóm tắt nội dung hoặc diễn giải khái niệm, có thể biến đổi tương đương, hoặc chứng minh sự hiểu biết về các sự kiện và ý tưởng. - Vận dụng: có thể sử dụng thông tin hay khái niệm trong tình huống mới, biết thiết lập, thực hiện, tạo dựng, mô phỏng thao tác và các quy tắc theo một cách khác dựa trên dữ kiện đã có. - Phân tích: biết phân chia thông tin, khái niệm thành những bộ phận, nhận ra mối quan hệ giữa những bộ phận ấy, biết xem xét động cơ hoặc nguyên nhân của sự vật, hiện tượng. - Tổng hợp: biết chắp ghép các thành phần với nhau, khái quát hóa để tạo nên nội dung mới, biết tái cấu trúc để tạo thành tổng thể mới. - Đánh giá: có thể nhận xét, nhận định, phê bình ý nghĩa hoặc giá trị của sự vật, hiện tượng. Cách phân chia này của Bloom được biết đến rộng rãi vì tính ứng của nó đặc biệt là trong lĩnh vực dạy học. c. Quan niệm thứ ba: chia các mức độ nhận thức thành 3 mức độ như sau: nhận biết, thông hiểu, vận dụng [28]. - Nhận biết: tức là có thể nhận lại, thậm chí nhắc lại các tài liệu, các tri thức theo trình tự nhất định đã được tiếp nhận. Ở mức độ này con người hiểu được hình thức của tài liệu chứ chưa hiểu được nội dung tài liệu hoặc hiểu một cách hời hợt. - Mức độ thông hiểu: Ở mức độ này tức là nắm được nội dung tài liệu, có thể trình bày được nội dung của tài liệu nhưng chưa vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể. - Mức độ vận dụng: là khả năng vận dụng tài liệu đã tiếp thu vào hoàn cảnh điều kiện cụ thể. Để đạt được mức độ này mỗi người cần phải: Say mê với công việc mình đang làm, có trình độ và kiến thức văn hóa nhất định; có lòng thương yêu đối với con người. 16
  23. Do đối tượng nghiên cứu của đề tài là một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ nên trong ba quan niệm nêu trên, người nghiên cứu đánh giá mức độ nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp đối với việc sử dụng họa đồ nghề dựa theo quan niệm thứ ba. Việc lựa chọn quan điểm ngoài việc phù hợp với nhận thức của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp đối với một vấn đề khá mới mẻ này còn tạo ra những thuận lợi cho người nghiên cứu trong việc xây dựng nội dung của phiếu điều tra và trong quá trình phân tích các số liệu thu được từ phiếu điều tra. 1.2.2. Lí luận về “Họa đồ nghề” 1.2.2.1. Thuật ngữ “họa đồ nghề” Theo quan niệm thông thường, “họa đồ nghề” là bản mô tả nội dung, tính chất, phương pháp, đặc điểm tâm sinh lý cần phải có, những điều cần tránh khi lao động trong một nghề nghiệp nhất định [44]. Theo Từ điển Tâm lý học, “họa đồ nghề” là sự mô tả một cách chi tiết, tỉ mỉ một nghề nào đó thông qua việc xác lập một hệ thống các yêu cầu đối với chủ thể hoạt động nghề: các yêu cầu về phẩm chất nhân cách, các phẩm chất tư duy, kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen để có thể thành thạo nghề [15]. Theo tác giả Phạm Mạnh Hà, “hoạ đồ nghề nghiệp” là một bản mô tả khách quan những điểm quan trọng nhất của nghề. Trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu của lao động: đối tượng lao động, mục đích lao động, công cụ lao động, điều kiện lao động, các yêu cầu đối với nghề Những đặc điểm này được thể hiện một cách ngắn gọn, cô đọng, những chỉ tiêu về cấu trúc yêu cầu của nghề, cấu trúc tâm lý của hoạt động nghề đã được khái quát hoá. Họa đồ nghề vừa là căn cứ vừa là phương tiện để đối chiếu với năng lực của HS trong quá trình TVHN [44]. Trong phạm vi đề tài, chúng tôi quan niệm, “họa đồ nghề” là bức tranh tổng thể, mô tả một cách chung nhất và đầy đủ nhất thông tin về một ngành nghề nào đó, bao gồm: đối tượng lao động, mục đích và nội dung lao động, công cụ lao động, điều kiện lao động, yêu cầu lao động, môi trường lao động, 1.2.2.2. Ý nghĩa – mục đích – yêu cầu của “họa đồ nghề” a. Ý nghĩa – mục đích Mục đích sử dụng của hoạ đồ nghề rất rộng, với hình thức thông tin nghề, hoạ đồ nghề cung cấp những đặc điểm, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của nghề, tiền lương, triển vọng của nghề nhắm cung cấp cho HS những thông tin cần thiết về các nghề và nhóm nghề. 17
  24. Với lĩnh vực TVHN, hoạ đồ nghề cung cấp những yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần thiết để cán bộ tư vấn nghề nghiệp đối chiếu với học sinh nhằm xác định sự phù hợp nghề. Với tuyển chọn nghề, hoạ đồ nghề cung cấp những thông tin để tuyển chọn người học nghề về: trình độ văn hoá; yêu cầu về thể lực; về kỹ năng cơ bản; về năng lực nghề. Hoạ đồ nghề cũng giúp ta những thông tin để tuyển chọn người lao động cho các hoạt động nghề khác nhau, bao gồm các yếu tố: - Yêu cầu về thể lực - Yêu cầu về năng lực - Thị trường lao động Hoạ đồ nghề còn là tài liệu hữu ích giúp cho giáo viên, các nhà giáo dục, phụ huynh học sinh và học sinh muốn tìm hiểu về nghề nghiệp. b. Yêu cầu Hoạ đồ nghề phải đảm bảo: - Dễ dàng đối chiếu, so sánh với những đặc điểm về phẩm chất, năng lực của người có nhu cầu chọn nghề. - Tài liệu đầy đủ các thông tin cần thiết đối với việc lựa chọn nghề. - Tài liệu phải ngắn gọn, mang tính khắc hoạ. Hoạ đồ nghề không phải là một bài giới thiệu về nghề, trình bày dài dòng tất cả các yếu tố có liên quan đến nghề như: + Quá trình hình thành và phát triển nghề. + Những điều hấp dẫn, lý thú của nghề. + Những chống chỉ định đối với người có ý muốn tham gia lao động trong nghề. + Nội dung kỹ thuật, mô tả thiết bị. Những yếu tố trên sẽ được trình bày tỉ mỉ trong bản phân tích và mô tả của mỗi nghề. 1.2.2.3. Phương pháp xây dựng “họa đồ nghề” Để xây dựng được văn bản mô tả nghề, người ta thường sử dụng một số phương pháp cơ bản sau: + Phương pháp phân tích tư liệu: Bao gồm việc phân tích các văn bản, các công trình nghiên cứu, các chuyên khảo, báo cáo khoa học, các bài báo, các biên bản, văn bản của các cơ sở sản xuất về: công nghệ, vật tư, thời gian, về quản lý tổ chức, về y tế, an toàn lao động. + Phương pháp chuyên gia: 18
  25. Người biên soạn hoạ đồ sau khi nghiên cứu và đề xuất nội dung của hoạ đồ sẽ gửi lại cho đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề trong cùng lĩnh vực để xin ý kiến nhận xét, phản biện. Những người có thể xin ý kiến đóng góp cho 1 bản hoạ đồ nghề gồm: Các cán bộ quản lý; Các chuyên gia vềcác lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế ; Các công nhân, nhân viên trực tiếp lao động; Các đối tượng khác có liên quan đến nghề nghiệp và chuyên môn đào tạo: khách hàng, người sử dụng, quản lý, các cơ quan pháp lý, y tế Hình thức thu thập ý kiến bằng phương pháp phỏng vấn sâu hoặc bằng bảng hỏi. + Phương pháp quan sát quá trình làm việc: Người nghiên cứu quan sát, ghi chép và nhận xét nhân viên làm việc theo một kết hoạch đã dự kiến về các mặt; công cụ lao động, vật tư, giao tiếp, ứng xử. Ngoài việc thu thập thông tin còn xác định được các yếu tố tâm lý, các phẩm chất do nghề đặt ra với người lao động. Đối với phương pháp này cần phải có những phương tiện kỹ thuật hiện đại để ghi chép và đo đạc cẩn thận để mô tả chính sách các nội dung, yêu cầu của nghề Ngoài phương pháp quan sát tự nhiên nêu trên người ta còn tiến hành phương pháp quan sát có chủ ý quá trình lao động sản xuất. Quan sát có chủ ý có hai hình thức: Người làm việc (chuyên gia, người lao động) vừa làm việc vừa giải thích, vừa nhắc các công việc, các công đoạn, thao tác cho người quan sát ghi chép. Người quan sát tự nguyện tham gia vào hoạt động nghề nghiệp, qua đó tự học hỏi về kỹ thuật và tự nghiên cứu, ghi chép. Phương pháp này tốn nhiều công sức, thời gian nhưng kết quả đảm bảo độ tin cậy hơn các phương pháp nêu trên. 1.2.2.4. Nội dung của một bản họa đồ nghề Một bản hoạ đồ nghề bao gồm các nội dung cụ thể như sau: 1. Tên nghề và các chuyên môn 2. Đặc điểm hoạt động của nghề + Đối tượng lao động + Mục đích lao động của nghề + Công cụ lao động + Điều kiện lao động 3. Các yêu cầu đối với người làm nghề + Thể lực + Các phẩm chất tâm lý + Kiến thức, trình độ, kĩ năng 19
  26. 4. Những chống chỉ định cần thiết 5. Các cơ sở đào tạo nghề 6. Triển vọng nghề và mức thu nhập 7. Đơn vị tuyển dụng 1.2.2.5. Xây dựng bản mô tả nghề Để xây dựng được một bản HĐN, chúng ta cần phải tìm hiểu cách lập công thức nghề. Công thức của mỗi nghề được lập ra bởi 4 dấu hiệu cơ bản của nghề, đó là: a. Dấu hiệu thứ nhất: Đối tượng lao động Đối tượng lao động là hệ thống những thuộc tính, những mối quan hệ qua lại của các sự vật, các hiện tượng, các quá trình mà ở cương vị lao động nhất định, con người phải vận dụng và tác động vào chúng [44]. Ví dụ: đối tượng lao động của nghề Y là người bệnh, của nghề thợ xây là các vật liệu xây dựng, với người nông dân là cây lúa, Căn cứ vào đối tượng lao động, ta chia các nghề thành 5 kiểu. Đó là: - Nghề “Người tiếp xúc với thiên nhiên” (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ rừng, ). Kiểu nghề này được kí hiệu là Nt. - Nghề “Người tiếp xúc với kĩ thuật” (thợ nề, thợ tiện, thợ nguội, lắp ráp vô tuyến, máy tính, thợ sửa chữa công cụ, ). Kiểu nghề này được kí hiệu là Nk. - Nghề “Người tiếp xúc với người” (nhân viên bán hàng, nhân viên khách sạn, nhân viên giao dịch ngân hàng, thầy thuốc, thầy giáo, ). Kiểu nghề này được kí hiệu là N2. - Nghề “Người tiếp xúc với các dấu hiệu” (chế bản vi tính, ghi tốc kí, lập trình máy tính, ). Kiểu nghề này được kí hiệu là Nd. - Nghề “Người tiếp xúc với nghệ thuật” (họa sĩ, nhạc sĩ, trang trí nội thất, thợ sơn, ). Kiểu nghề này được kí hiệu là Nn. b. Dấu hiệu thứ hai: Mục đích và nội dung lao động Mục đích lao động là kết quả mà xã hội đòi hỏi, trông đợi ở người lao động. Mục đích và nội dung lao động trả lời cho câu hỏi: “Làm được gì?” và “Làm như thế nào?” [44]. Ví dụ: mục đích, nội dung của nghề làm vươn là gieo trồng, chăm sóc các loại cây để chúng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đem lại rau xanh, quả ngọt cho con người và làm môi trường trở nên xanh, đẹp; của nghề dạy học là cung cấp kiến thức, hình thành các kĩ năng cần thiết và học vấn cho con người, giúp con người hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực nhất định 20
  27. Căn cứ vào mục đích, nội dung lao động, ta chia các nghề thành 3 dạng sau đây: - Nghề có mục đích, nội dung là nhận thức đối tượng (thanh tra chuyên môn, điều tra vụ án, kiểm tra kho hàng, kiểm kê tài sản, ). Dạng nghề này được kí hiệu là N. - Nghề có mục đích, nội dung là biến đổi đối tượng (dạy học, chữa bệnh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp ). Dạng nghề này được kí hiệu là B. - Nghề có mục đích, nội dung là tìm tòi, phát hiện, khám phá những cái mới (nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật, tạo giống mới, thiết kế thời trang, ). Dạng nghề này được kí hiệu là T. c. Dấu hiệu thứ ba: Công cụ lao động Công cụ lao động bao gồm các thiết bị kĩ thuật, các dụng cụ gia công, các phương tiện làm tăng năng lực nhận thức của con người hoặc làm tăng sự tác động của con người đến đối tượng lao động. Những máy móc để biến đổi năng lượng, xử lí thông tin, đo lường chất lượng sản phẩm, những công thức và quy tắc tính toán cũng được coi là công cụ lao động [44]. Ví dụ: Công cụ lao động của nghề dạy học là ngôn ngữ (nói, viết) và các phương tiện đồ dùng dạy học như bảng, phấn, mực, thước, Công cụ lao động của nghề bác sĩ là máy nghe, máy đo huyết áp, tim mạch, máy siêu âm, Căn cứ vào công cụ lao động, ta chia các nghề thành 4 loại sau đây: - Nghề với những hình thức lao động chân tay (bốc vác hàng hóa, vệ sinh môi trường, lắp đặt đường ống nước, giúp việc nhà, ). Loại nghề này được kí hiệu là Lt. - Nghề với những công việc bên máy (tiện, phay, xây dựng, lái xe, ). Loại nghề này được kí hiệu là Lm1. - Nghề làm việc bên máy tự động (làm việc ở bàn điều khiển, các loại máy dệt, máy in hoa trên vải, tiện hoặc phay các chi tiết theo chương trình máy tính, ). Loại nghề này được kí hiệu là Lm2. - Nghề lao động bằng những công cụ đặc biệt như ngôn ngữ, cử chỉ (dạy học, làm thơ, múa hát, nghiên cứu lí luận, ). Loại nghề này được kí hiệu là Lđ. d. Dấu hiệu thứ tư: Điều kiện lao động Điều kiện lao động ở đây được hiệu là những đặc điểm của môi trường làm việc [44]. Căn cứ vào điều kiện lao động, ta chia các nghề thành 4 nhóm sau đây: - Nghề cần phải tính đến môi trường đạo đức, chính trị là chủ yếu (xử án, chữa bệnh, dạy học, quản giáo tội phạm, ). Nhóm nghề này được kí hiệu là Đ. 21
  28. - Nghề được tiến hành trong không gian sinh hoạt bình thường (kế toán, đánh máy, trực điện thoại, lưu trữ tài liệu, thợ may, ). Nhóm nghề này được kí hiệu là Ks. - Nghề làm trong khoảng không gian khoáng đạt, gần gũi với thiên nhiên (chăn nuôi gia súc, bảo vệ rừng, trồng rừng, ). Nhóm nghề này được kí hiệu là Kk. - Nghề được tiến hành trong điều kiện đặc biệt (du hành vũ trụ, thám hiểm đáy biển, xây dựng dưới nước, hóa dầu, ). Nhóm nghề này được kí hiệu là Kđ. Tổ hợp các dấu hiệu Kiểu, Dạng, Loại, Nhóm của một nghề, ta được công thức của nghề đó. Ví dụ: - Công thức của nghề dạy học là: N2BLdĐ - Công thức của nghề lái xe là: NkBLm1Kk Trong thực tế, có một số nghề chung nhau công thức nghề hoặc gần giống nhau về công thức nghề. Những nghề có cùng công thức được xếp vào một loại. Nếu ai đó phù hợp với một nghề thì có khả năng sẽ phù hợp với những nghề cùng loại. Biết cách xác định công thức nghề hoặc biết được công thức nghề của các nghề, khi chọn nghề, ta sẽ chọn những nghề chung nhau hoặc gần giống nhau về công thức nghề. Không chọn những nghề có sự khác biệt quá lớn về công thức nghề. Như vậy, 4 dấu hiệu cơ bản của nghề được chi tiết hóa, cụ thể hóa tạo nên “bức tranh” của từng nghề hay còn gọi là “họa đồ nghề”. 1.2.3. Lí luận về “Tư vấn hướng nghiệp” 1.2.3.1. Hướng nghiệp Khái niệm hướng nghiệp (career guidance) đã được truyền bá rộng rãi sau Hội nghị Quốc tế 1921 ở Barcelona. Phòng hướng nghiệp đầu tiên được thành lập ở Boston (Hoa Kỳ) từ năm 1908. Từ 1916, những cơ quan chuyên môn về hướng nghiệp đã được thành lập ở Đức, Pháp, Anh, Ý và các nước khác trên thế giới. Khái niệm hướng nghiệp được đông đảo các học giả quan tâm nghiên cứu [57]. Có tác giả dùng khái niệm hướng nghiệp theo nghĩa phát triển nghề nghiệp, quá trình đó trang bị cho chính mình hiểu biết về khát vọng, giá trị, năng lực của mình; khai thác các cơ hội học tập, đào tạo nghề nghiệp có thể có được; xây dựng chiến lược gắn kết năng lực, kiến thức của mình với đòi hỏi của công việc (John Stewart) [52]. Theo K.K. Platonop, “Hướng nghiệp là một hệ thống các biện pháp tâm lý - giáo dục, y học, nhằm giúp cho con người đi vào cuộc sống thông qua việc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa phù hợp với hứng thú năng lực 22
  29. của bản thân. Những biện pháp này sẽ tạo nên sự thống nhất giữa quyền lợi của xã hội với quyền lợi của cá nhân" [59]. Từ định nghĩa trên, K.K. Platonop đưa ra sơ đồ tam giác hướng nghiệp. Định hướng nghề Đặc điểm yêu cầu của Nhu cầu nhân lực của thị các nghề trong xã hội trường lao động (1) (2) Tư vấn nghề Tuyển chọn Đặc điểm tâm lý và sinh nghề lý của cá nhân (3) Sơ đồ 1.1. Sơ đồ tam giác hướng nghiệp và các hình thức hướng nghiệp Tam giác hướng nghiệp được tạo thành từ ba cạnh: (1) Đặc điểm, yêu cầu của các ngành/ nghề trong xã hội; (2) nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; (3) đặc điểm tâm lý và sinh lý của cá nhân. Sự kết hợp khác nhau của các cạnh tạo nên các hoạt động khác nhau trong hướng nghiệp [55]. - Hoạt động định hướng nghề, trong quá trình này, giáo viên cung cấp cho HS những hiểu biết về thế giới nghề và đặc điểm, yêu cầu của những nghề học sinh định chọn. - Hoạt động tư vấn nghề, thông qua các hoạt động học tập, hoạt động ngoại khóa, học nghề làm cho HS bộc lộ năng lực, sở trường, năng khiếu về một ngành nghề nào đó. - Hoạt động tuyển chọn nghề, trong quá trình này, GV cung cấp các thông tin về nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và giúp HS tự nhận ra những hứng thú, năng lực về thể chất và tinh thần, tính cách phù hợp hợp với nghề. Sự hợp nhất của ba hoạt động này giúp cho HS trong hoạt động hướng nghiệp có thể chọn được một nghề nào vừa phù hợp với khả năng và nghề đó đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Như vậy, từ việc phân tích những quan niệm ở trên, theo chúng tôi, “hướng nghiệp” được hiểu là: Một hệ thống các biện pháp tác động của xã hội (gia đình, nhà 23
  30. trường, xã hội) đến nhận thức, thái độ và hành vi lựa chọn nghề của cá nhân. Kết quả của hoạt động hướng nghiệp là làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi chọn nghề (chọn trường học) của đối tượng theo chiều hướng phù hợp giữa sự lựa chọn của cá nhân với các yêu cầu của nghề được lựa chọn. 1.2.3.2. Tư vấn hướng nghiệp a. Khái niệm Mục đích cuối cùng của TVHN là HS lựa chọn được ngành, nghề phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của bản thân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Để trợ giúp HS đạt được mục tiêu đó, thì hoạt động tư vấn phải bắt đầu từ người được tư vấn. Người được tư vấn (học sinh) đến với nhà tư vấn vì họ đang gặp khó khăn để lựa chọn một nghề. Có thể họ chưa có hiểu biết gì về bản thân, về nghề nghiệp hay về thị trường lao động; hoặc họ có hiểu một chút nhưng chưa đúng và đầy đủ; hoặc là họ đang gặp mâu thuẫn giữa năng lực và hứng thú, giữa cái bản thân muốn nhưng gia đình không cho phép, giữa nghề họ hứng thú nhưng lại khó xin việc Từ đó, có nhiều quan điểm khác nhau về TVHN cho HS từ các nhà tâm lý học trong và ngoài nước. Theo Frank Parsons (1909), Tư vấn hướng nghiệp là việc trợ giúp một cá nhân lựa chọn một nghề. F.Parson quan niệm công thức 3 phần như sau: Thứ nhất, bạn phải có sự hiểu biết rõ ràng về bản thân bạn, năng khiếu, năng lực, hứng thú, khả năng xoay sở, những hạn chế và những phẩm chất khác. Thứ 2, kiến thức về những yêu cầu, điều kiện thành công, thuận lợi hay không thuận lợi, cơ hội và những hoàn cảnh khác nhau trong công việc. Thứ 3, lập luận sâu sắc về mối quan hệ giữa những đặc điểm của hai nhóm trên trong thực tế [56]. Tiếp tục mở rộng công thức của F. Parson, Edmund G.Williamson (1939, 1965) cho rằng TVHN là một quá trình gồm 6 bước: phân tích, tổng hợp, chẩn đoán, tiên lượng, tư vấn và theo dõi. Cách tiếp cận của Williamson về TV được biết đến là tư vấn có chỉ dẫn (hay tư vấn có hướng dẫn, cho lời khuyên). Trong quá trình TV, NTV sử dụng trắc nghiệm tâm lý để đo những đặc điểm nhân cách (hứng thú, tài năng, trí tuệ). Theo Dick Bolles (2007) hiểu một cách đơn giản, TVHN là những gì liên quan tới thị trường lao động, với những gì thuộc về cá nhân và đồng thời mối quan hệ giữa thị trường lao động và nhu cầu cá nhân. Tư vấn hướng nghiệp là nỗ lực của nhà tư vấn để chia sẻ với thân chủ về những “công cụ” đó là sự hiểu biết, kiến thức, thông tin. Và “lập 24
  31. kế hoạch công viêc/ cuộc sống” bằng cách trợ giúp họ ứng dụng những công cụ đó trong lĩnh vực công việc và cuộc sống [51]. Một số tác giả Việt Nam đồng ý với quan niệm của F.Parson và K.Platonov khi cho rằng, trong hoạt động TVHN phải chú ý đến ba yêu tố đó là đặc điểm nghề, đặc điểm tâm lý cá nhân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Trong quá trình tư vấn, nhấn mạnh đến vai trò chỉ dẫn, trọng tâm của nhà tư vấn. Chẳng hạn như Phạm Tất Dong (2000) chỉ ra: “Tư vấn hướng nghiệp là hệ thống những biện pháp tâm lý – giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của thanh thiếu niên, đối chiếu các năng lực đó với những yêu cầu do nghề đặt ra đối với người lao động, có cân nhắc đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội, trên cơ sở đó có những lời khuyên về nghề có căn cứ khoa học, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn trong khi chọn nghề [12]. Như vậy, từ tất cả các định nghĩa về TVHN được nêu ở trên, chúng tôi đồng ý rằng: Tư vấn hướng nghiệp là một hoạt động nhằm giúp cho các cá nhân nâng cao nhận thức về đặc điểm nghề, nhu cầu xã hội đối với nghề và hiểu biết về đặc điểm tâm lý bản thân để lựa chọn nghề phù hợp. Trong định nghĩa này, TVHN có những đặc điểm cụ thể sau: - Mục đích của TVHN là giúp cá nhân nâng cao nhận thức để tự chọn được nghề phù hợp nhất với bản thân. - Giữa người tư vấn và người được TVHN có mối quan hệ tương tác, tin cậy. - Nội dung tâm lý của hoạt động tư vấn: Nâng cao nhận thức về đặc điểm nghề, nhu cầu xã hội đối với nghề và hiểu biết đặc điểm tâm lý bản thân để lựa chọn nghề phù hợp. b. Phân loại tư vấn hướng nghiệp Với mỗi tác giả, dựa trên căn cứ khác nhau có các cách phân loại TVHN khác nhau: - Căn cứ vào nội dung, hoạt động tư vấn hướng nghiệp gồm có 4 loại [17] + Tư vấn thông tin hướng dẫn: Nhằm giới thiệu với HS về họa đồ nghề, đặc điểm nghề định chọn. Ở đây, người cán bộ tư vấn sẽ giới thiệu về những yêu cầu do nghề đối với những phẩm chất cá nhân của con người, đồng thời chỉ ra con đường để đạt được nghề nghiệp và triển vọng nâng cao tay nghề. 25
  32. + Tư vấn chẩn đoán: Đo đạc những đặc điểm tâm lý cá nhân nhằm bộc lộ hứng thú, thiên hướng, năng lực và những phẩm chất nghề nghiệp chuyên biệt của con người trên cơ sở nghiên cứu và đo đạc nhân cách con người một cách toàn diện. Mục đích của tư vấn chẩn đoán là xác định trong những lĩnh vực hoạt động nào con người có thể lao động thành công nhất, tức là đem lại lợi ích tối đa cho xã hội, đồng thời đưa lại niềm vui và sự hài lòng cho bản thân người lao động + Tư vấn y học: Nhằm làm bộc lộ sự phù hợp giữa trạng thái sức khỏe của con người với yêu cầu của nghề mà con người lựa chọn. Nếu như con người mắc một trong những chứng bệnh thuộc loại chống chỉ định của nghề thì người cán bộ tư vấn sẽ khuyên nên chọn một nghề khác gần gũi với thiên hướng và hứng thú, đồng thời phù hợp với trạng thái sức khỏe của người đó. + Tư vấn hiệu chỉnh: Được tiến hành trong trường hợp ý định nghề nghiệp của con người không phù hợp với khả năng và năng lực thực tế của họ. - Căn cứ vào mức độ chuyên sâu (chuyên nghiệp) của hoạt động tư vấn được chia làm hai loại [19]. + Tư vấn sơ bộ: Loại tư vấn này đơn giản có thể thực hiện ở nhiều trường vì không đòi hỏi phải có thiết bị, các phương tiện kỹ thuật. Chẩn đoán những phẩm chất nhân cách của học sinh cũng không cần đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn có tay nghề cao, am hiểu sâu sắc các lĩnh vực tâm – sinh lý, giáo dục học, y học, kinh tế học. + Tư vấn chuyên sâu: Loại này phức tạp vì việc tư vấn được tiến hành trên cơ sở khoa học thực sự, đảm bảo độ chính xác cao nhờ một số máy móc hiện đại. NTV là những chuyên gia tư vấn được đào tạo một cách bài bản, có kiến thức về tâm lý học phát triển, tâm lý học lao động, tâm lý học trẻ có tật, kiến thức về thế giới nghề nghiệp, về yêu cầu của các nghề, về các đặc điểm nhân cách (hứng thú, khuynh hướng, động cơ, năng lực nghề nghiệp) của HS và nhu cầu phát triển nhân lực của các ngành nghề kinh tế quốc dân và địa phương. NTV có phương pháp và kĩ năng tư vấn, có những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đảm bảo hành nghề có hiệu quả. - Căn cứ vào số lượng người tham gia có tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm. + Tư vấn cá nhân: Là quá trình tương tác tích cực giữa nhân viên tư vấn và học sinh đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn nghề. + Tư vấn nhóm: Là quá trình tư vấn một bên là NTV với một nhóm. Nhóm người được tư vấn có thể từ hai người trở lên, họ có thể là học sinh, phụ huynh, giáo viên. 26
  33. Tóm lại: Sự phân chia các loại TVHN chỉ có tính tương đối, bởi lẽ dù là tư vấn cá nhân hay tư vấn nhóm, thì đó đều là quá trình tương tác tích cực giữa NTV có kiến thức về thế giới nghề nghiệp, đặc điểm của từng nghề, kiến thức về tâm lý HS và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. NTV phải có kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp và tuân thủ theo các giá trị đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình đó, NTV phải làm các công việc như cung cấp thông tin, chẩn đoán tâm lý, sinh lý, trao đổi giải đáp và giải tỏa những thắc mắc, khó khăn của HS trong quá trình tìm hiểu và quyết định chọn một nghề để học và làm việc. Như vậy, việc sử dụng họa đồ nghề trong TVHN thuộc loại tư vấn thông tin hướng dẫn, được thực hiện bởi chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp được đào tạo bài bản, có quy trình, vừa giúp HS hiểu rõ về bản thân, vừa có sự hình dung khái quát nhất về nghề nghiệp lựa chọn. 1.2.3.3. Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông TVHN cho HS THPT là một khái niệm khá mới ở Việt Nam. Các nghiên cứu về khái niệm này chưa nhiều. Chúng tôi xin tập hợp một số quan điểm về TVHN cho học sinh để làm rõ nội hàm của nó. Nhóm tác giả Đoàn Chi, Phạm Tất Dong, Nguyễn Thế Trường (1996) cho rằng: “Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là hệ thống những biện pháp tâm lý – giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của học sinh, đối chiếu các năng lực đó với những yêu cầu do nghề đặt ra đối với người lao động, có cân nhắc đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội, trên cơ sở đó cho các em những lời khuyên về chọn nghề có căn cứ khoa học, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn khi chọn nghề”. Mục đích của công tác TVHN là giúp cho HS “tìm ra mình”, chú ý tới những nhân tố chủ quan và khách quan khi chọn nghề, tạo điều kiện cho các em phát huy tối đa năng khiếu, năng lực của cá nhân trong thời gian học nghề cũng như trong bước đường hoạt động nghề trong tương lai [4]. Theo tác giả Đặng Danh Ánh: “Tư vấn hướng nghiệp là hệ thống các biện pháp tâm lý – giáo dục – y học nhằm phát hiện và đánh giá toàn diện năng lực của thanh thiếu niên với mục đích giúp họ chọn nghề trên cơ sở khoa học”. Kết quả của TVHN là giới thiệu cho HS chọn được một nghề phù hợp với nguyện vọng, năng lực của cá nhân và nhu cầu nhân lực của các thành phần kinh tế [7]. 27
  34. Từ những định nghĩa nêu trên cho thấy, các tác giả đã nhấn mạnh đến ba khía cạnh như: đặc điểm, yêu cầu nghề; thị trường lao động; đặc điểm tâm lý cá nhân. TVHN là giúp HS tìm được sự phù hợp của 3 cạnh nói trên. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng TVHN cho HS THPT là bằng hệ thống các biện pháp tâm lý giáo dục giúp HS nâng cao nhận thức về nghề và đặc điểm nghề định chọn, hiểu biết về tâm lý bản thân và nhu cầu xã hội về nghề, rồi từ đó tìm ra nghề phù hợp. Vì vậy, chúng tôi đề xuất khái niệm TVHN cho HS THPT như sau: Tư vấn hướng nghiệp cho HS THPT là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về nghề, về nhu cầu xã hội đối với nghề và nâng cao hiểu biết cho học sinh về tâm lý bản thân, qua đó HS có thể lựa chọn được một nghề phù hợp. Trong khái niệm này, TVHN cho học sinh THPT có những đặc điểm cụ thể sau: - Mục đích của TVHN là TV nâng cao hiểu biết của HS về nghề, nhu cầu xã hội với nghề và hiểu biết về đặc điểm tâm lý cuả bản thân phù hợp với nghề. Trên cơ sở HS có hiểu biết đúng, đủ, chính xác về “ba cạnh” nói trên, HS sẽ có hành vi tự quyết định lựa chọn được nghề phù hợp với đặc điểm tâm lý của bản thân và nhu cầu xã hội. - Tư vấn nâng cao nhận thức cá nhân về thế giới nghề nói chung và tìm hiểu về đặc điểm, yêu cầu của nghề sẽ chọn. - Tư vấn nâng cao hiểu biết của HS về đặc điểm tâm lý cá nhân, xét xem mình thật sự hứng thú với nghề nào, năng lực và tính cách cá nhân phù hợp với nghề nào trong xã hội. - Tư vấn để HS có hiểu biết đúng, đầy đủ nhu cầu xã hội về nghề, từ đó có lựa chọn nghề phù hợp. - Trong quá trình tư vấn, NTV và HS THPT tích cực, cởi mở trao đổi, thảo luận, phân tích , sau khi phân tích đặc điểm tâm sinh lý cá nhân, HS sẽ đối chiếu với yêu cầu của nghề để tìm ra sự phù hợp nghề, từ đó các em tự quyết định lựa chọn nghề nào đó phù hợp với mình. 1.2.4. Khái niệm “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp” 1.2.4.1. “Đội ngũ làm công tác hướng nghiệp” Người tư vấn là người có những hiểu biết, năng lực chuyên môn phù hợp, có khả năng cung cấp thông tin phù hợp hoặc giải pháp kỹ thuật mang tính khả thi cho những 28
  35. ai có nhu cầu (khách hàng) nhằm giúp cho họ giải quyết một vấn đề chuyên môn hay một nhiệm vụ thực tế xác định [31]. TVHN có 2 mức độ, tư vấn sơ bộ và tư vấn chuyên sâu [6]. Ở mức độ đầu tiên, người tư vấn thường cung cấp thông tin cho học sinh, đó là thông tin nghề, nhu cầu xã hội với các nghề và khám phá bản thân ở mức chung nhất. Do đó, người tư vấn có thể là giáo viên, cán bộ đoàn, cha mẹ hay những người có uy tín với học sinh. Thông thường, ở môi trường học đường chưa có phòng tư vấn chuyên nghiệp hay trên địa bàn sinh sống chưa có dịch vụ TVHN, thì học sinh được TVHN ở mức độ này là chủ yếu. TVHN chuyên sâu chỉ có thể được thực hiện ở những cơ sở tư vấn chuyên nghiệp, ví dụ như ở phòng hay trung tâm tư vấn học đường (tư vấn tâm lý) trong nhà trường, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp hay các trung tâm dịch vụ tư vấn tâm lý ngoài xã hội. Ở đây, người được tư vấn là những nhân viên tư vấn được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, thái độ đạo đức và kỹ năng tư vấn được chuẩn hóa theo quy định. Hoạt động tư vấn được thực hiện nghiệm túc có giám sát chuyên môn và theo khuôn khổ pháp luật. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy đội ngũ làm công tác hướng nghiệp (người tư vấn hướng nghiệp) cho học sinh THPT là cha mẹ, thầy cô giáo, nhân viên tư vấn và chuyên viên tâm lý học đường là chủ yếu. Một số yếu tố thuộc về người tư vấn như trình độ chuyên môn, thái độ đạo đức và kỹ năng tư vấn có ảnh hưởng đến hiệu quả tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Mặt khác, trong hệ thống giáo dục nước ta chưa có chương trình đào tạo chính thức cho vị trí TVHN trong các trường trung học và cũng chưa có vị trí chính thức (biên chế) dành cho người đảm nhiệm vai trò TVHN cá nhân trong trường học. Do vậy, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có NTV mà thường chỉ có ở một số trung tâm Kĩ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và một số trường phổ thông quan tâm đến việc TVHN cho HS. Vai trò này được thực hiện một cách tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu tham vấn về việc lựa chọn hướng học, chọn nghề của HS hoặc cha mẹ HS. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tin rằng, các giáo viên, cán bộ đảm nhận nhiệm vụ TVHN có thể làm tốt công tác này, nếu: - Có tâm huyết với công việc TVHN; - Nắm vững những kiến thức cơ bản của các lí thuyết HN; - Có kiến thức và có khả năng thực hiện tốt những kĩ năng cơ bản của TVHN cá nhân; 29
  36. - Chịu khó tìm hiểu để có kiến thức cập nhật về thị trường tuyển dụng trong nước, về các doanh nghiệp, các làng nghề truyến thống và thủ công mĩ nghệ, các cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa trong vùng; - Có kiến thức về giới và nhạy cảm với các định kiến giới, phân biệt đối xử giới. Bên cạnh những yêu cầu trên, người làm CTHN còn là người hiểu rõ thực trạng CTHN ở cơ sở giáo dục của mình, luôn cộng tác chặt chẽ với GV chủ nhiệm lớp để có được những thông tin cần thiết về HS cần được tư vấn và có những kĩ năng cần thiết của người làm TVHN, nhất là kĩ năng thực hiện hành vi quan tâm và kĩ năng lắng nghe, chia sẻ. 1.2.4.2. Hành vi sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp Để sử dụng họa đồ nghề trong CTHN đòi hỏi đội ngũ làm CTHN phải có kiến thức và luôn cập nhật những kiến thức mới nhất về nghề nghiệp hiện nay, phải có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực TVHN, được đào tạo một cách bài bản cách sử dụng, thiết lập họa đồ nghề (GV tự nghiên cứu và phát thảo họa đồ nghề hoặc HS dựa theo hướng dẫn của GV để phác thảo họa đồ nghề). Ngoài ra, để sử dụng họa đồ nghề hiệu quả, công cụ này phải được chuẩn hóa theo quy chuẩn nhất định, có độ tin cậy và độ hiệu lực cao, phù hợp với môi trường học đường, văn hóa học đường ở Việt Nam. Có như vậy, đội ngũ làm CTHN mới tin tưởng và đưa công cụ vào sử dụng trong TVHN. Từ đó, ta có thể hiểu, hành vi sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp là hoạt động lặp đi lặp lại, sử dụng liên tục họa đồ nghề vào quá trình TVHN, mục đích để nâng cao chất lượng TVHN. 1.2.4.3. Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp Trên cơ sở khái niệm về “nhận thức”, “họa đồ nghề”, “tư vấn hướng nghiệp”, “đội ngũ làm công tác hướng nghiệp”, “hành vi sử dụng họa đồ nghề” chúng tôi đưa ra kết luận: Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm CTHN cho HS THPT là sự phản ánh trình độ chuyên môn của đội ngũ làm CTHN trong hoạt động TVHN. Trong đó, NTV vận dụng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cuộc sống và kĩ năng TVHN vào việc lựa chọn một bản họa đồ nghề của một ngành nghề nào đó phù hợp nhất với năng lực, sở thích và nhu cầu của HS. Kết quả của quá trình TVHN bằng họa đồ nghề là NĐTV có được cái nhìn tổng quát nhất, chi tiết nhất về nghề nghiệp tương lai của bản thân và tự xây dựng được cho mình kế hoạch hướng tới nghề nghiệp đó. Biểu hiện: 30
  37. - NTV nhận thức về nội dung của họa đồ nghề của đội ngũ làm CTHN cho HS THPT, có sự am hiểu về khung nội dung cơ bản cần có của một bản họa đồ nghề (tên nghề và các hướng chuyên môn; đặc điểm lao động; yêu cầu lao động; những chống chỉ định lao động; cơ sở đào tạo; triển vọng ngành nghề; cơ hội việc làm; ) và biết cách vận dụng những kiến thức, kĩ năng TVHN cần thiết của NTV giúp HS phác thảo được một cách hoàn chỉnh nhất bức tranh nghề nghiệp tương lai của các em. - NTV nhận thức về lợi ích của việc sử dụng họa đồ nghề trong TVHN, có khả năng sử dụng bộ công cụ linh hoạt và hướng dẫn HS phác thảo bản họa đồ nghề phù hợp nhất với năng lực, nhu cầu và sở thích của các em. Từ đó, từng bước đưa họa đồ nghề trở thành một công cụ chính trong quá trình TVHN, rút ngắn thời gian TVHN cho HS và vẫn đảm bảo chất lượng TVHN. - NTV nhận thức về cách thức sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm CTHN, có kĩ năng xác lập, xây dựng công thức nghề nghiệp phù hợp của từng nhóm ngành nghề với năng lực, nhu cầu và sở thích của HS. Công thức nghề phải đảm bảo đủ 4 dấu hiệu: đối tượng lao động; mục đích và nội dung lao động; công cụ lao động; điều kiện lao động. - NTV có hành vi sử dụng họa đồ nghề trong TVHN là thao tác vận dụng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của NTV vào quá trình TVHN nhằm giúp HS phác họa ra được bức tranh tổng quát về nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân trong tương lai. Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm CTHN cho HS THPT là: - Kiến thức chuyên môn về tâm lý học hướng nghiệp. - Kinh nghiệm cuộc sống của NTV về nhu cầu nghề nghiệp của HS và của thị trường trong, ngoài nước. - Kĩ năng TVHN của NTV (bao gồm việc sử dụng các công cụ hỗ trợ và năng lực tư vấn tâm lý cá nhân, nhóm, ) Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi tập trung nghiên cứu, khảo sát về mức độ nhận thức của đội ngũ làm CTHN (giáo viên, PHHS, chuyên viên tâm lý) về việc sử dụng công cụ hướng nghiệp là họa đồ nghề trong quá trình TVHN cho HS THPT. Từ đó, thực nghiệm sử dụng họa đồ nghề vào CTHN cho HS và đánh giá mức độ hiệu quả, tính khả thi của công cụ hướng nghiệp này. 1.3. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHẬN THỨC VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ CỦA ĐỘI NGU LÀM CÔNG TÁC HƯỚNG 31
  38. 1.3.1. Yếu tố khách quan 1.3.1.1. Tính hiệu quả của công cụ họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp Bao gồm độ xác thực và độ tin cậy của công cụ: Độ xác thực (validity) cho thấy khả năng của một công cụ đánh giá có thể thực sự đo lường được đối tượng của mình hay không [26]. Cụ thể trong trường hợp này, với một họa đồ nghề bao quát được tất cả những thông tin về chuyên môn, đối tượng lao động, điều kiện lao động, công cụng lao động, môi trường lao động, thị trường lao động, tính chính xác được yêu cầu rất cao và gần như là 99% (vì mục tiêu của họa đồ nghề là người được tư vấn phải hiểu rõ tất tần tật về nghề đó). Vì vậy, độ xác thực của công cụ được đảm bảo. Độ tin cậy (reliability) cho thấy tính nhất quán của bài đánh giá. Nếu bài đánh giá được thực hiện nhiều lần với cùng một người, với khoảng thời gian giữa các lần đánh giá không quá lớn, thì kết quả không nên có sự thay đổi [26]. Với tiêu chí này thì họa đồ nghề đáp ứng rất tốt vì muốn sử dụng họa đồ nghề vào TVHN, NTV trước hết cần cập nhật những thông tin mới nhất, chuẩn nhất về nghề nghiệp đó vào họa đồ nghề (vì họa đồ nghề nhìn chung chỉ là một bản mô tả khái quát nghề chưa có nội dung trong đó). 1.3.1.2. Tính khả thi khi áp dụng vào môi trường học đường ở Việt Nam Tính khả thi cho thấy mức độ phù hợp và hiệu quả khi ứng dụng ở một thời điểm, một nơi chốn cụ thể nào đó của bộ công cụ. Cụ thể trong trường hợp này là ở Việt Nam, môi trường học đường còn mang nặng tính lí thuyết, quy trình TVHN còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức và đào tạo. Hơn nữa, đặc điểm tâm lý của học sinh Việt Nam là muốn được xác định nghề nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác. Với độ tin cậy và độ xác thực cao của công cụ họa đồ nghề, khi ứng dụng vào môi trường học đường còn mang tính “bị động” như Việt Nam, tính khả thi - ứng dụng ở mức tương đối cao. 1.3.1.3. Sự quan tâm, đầu tư của Ban giám hiệu, cơ sở giáo dục Là sự đầu tư bằng vật chất, nhân lực cho công tác TVHN. Để quá trình TVHN thu được nhiều kết quả tốt, cũng như ứng dụng thành công bộ công cụ TVHN vào trong thực tế, nếu được sự quan tâm phát triển của Ban giám hiệu, các bộ, ban ngành sẽ là một động lực lớn, hỗ trợ và đẩy mạng phát triển mạng lưới TVHN cũng như nâng cao chất lượng của quy trình TVHN. 32
  39. Họa đồ nghề là một công cụ mới, mang tính hiệu quả và ứng dụng cao, nếu được Ban lãnh đạo, Ban giám hiệu, các cơ sở giáo dục đầu tư phát triển, sẽ là một bộ công cụ hiệu quả cho đội ngũ làm CTHN trong nhà trường. 1.3.2. Yếu tố chủ quan 1.3.2.1. Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của người tư vấn Trình độ chuyên môn của NTV phản ánh trình độ nhận thức của cá nhân về lĩnh vực TVHN. Trình độ chuyên môn của NTV có được một cách bài bản và chắc chắn khi họ được đào tạo hay tập huấn về TVHN. NTV được cung cấp thông tin để tư vấn và được hướng dẫn cách khai thác thông tin như một nguồn lực để thực hiện trong hoạt động tư vấn. Điều này đòi hỏi NTV cần phải cập nhật kiến thức, thông tin cho hoạt động thực tiễn của mình. - Thông tin về “thế giới nghề nghiệp” theo phân loại nghề. Có nhiều cách phân loại khác nhau, nhà tư vấn có thể áp dụng cách phân loại nghề nghiệp theo đối tượng lao động. Theo cách này có 5 loại: người – người, người – tự nhiên, người – kỹ thuật, người – dấu hiệu, người – nghệ thuật. Đồng thời phải biết thông tin về các đặc điểm và yêu cầu của một nghề cụ thể, trong đó đặc biệt lưu ý đến các yêu cầu về tâm – sinh lý và các chống chỉ định y học. - Thông tin về hệ thống trường đào tạo từ dạy nghề đến trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Phải lưu ý tới số lượng tuyển sinh hàng năm cho từng khối trường, dự báo kế hoạch đào tạo dài hạn 5 năm, 10 năm sau (chiến lược giáo dục), đồng thời phải nắm được mục tiêu đào tạo, nội dung, thời gian đào tạo của từng ngành nghề trong trường, bậc lương và nơi sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp. - Thông tin về thị trường lao động: Đây là những thông tin về nhu cầu sử dụng nhân lực của các loại của địa phương và cả nước; nhu cầu sử dụng nhân lực cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất và cho các loại doanh nghiệp và liên doanh của các thành phần kinh tế. - Thông tin về học sinh THPT – chủ thể chọn nghề: Tên, tuổi, giới tính, kết quả học tập, chỗ ở, hoàn cảnh gia đình (bố mẹ, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế), bạn bè thân thích, đặc biệt phải nắm được thông tin về nhân cách của học sinh trước hết là hứng thú, khuynh hướng, năng lực Kinh nghiệm sống hay kinh nghiệm nghề nghiệp đã tạo cho NTV một nền tảng kiến thức để họ vận dụng vào trợ giúp đối tượng. Bài học tích lũy trong cuộc sống và 33
  40. trong công việc không những tạo nên nền tảng kinh nghiệm cho NTV, mà nó còn là yếu tố trợ giúp đối tượng tìm thấy sự tin tưởng ở NTV để chia sẻ [48]. Thái độ của nhà tư vấn được thể hiện rõ trong việc hiểu và thực hiện các quy điều đạo đức của NTV. Đạo đức trong tư vấn là thước đo quyết định xem hành vi của NTV trong quá trình tư vấn có đúng, có tốt, có làm sai, làm hại đến thân chủ hay không [28]. Người làm công việc tư vấn phải tuân theo những quy tắc đạo đức hành nghề bắt buộc, có như vậy mới nâng cao được uy tín và vị thế nghề nghiệp trong xã hội. Đạo đức của NTV được thể hiện đối với chính mình, với học sinh, với đồng nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, những người thực hành TVHN chỉ tồn tại những quy tắc riêng lẻ do các trung tâm tư vấn tự ban hành và chỉ áp dụng với các thành viên của họ. Thực tế này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của NĐTV và vị thế của ngành trong xã hội. Khi thực hành tư vấn, các nhà tư vấn phải tuân theo các nguyên tắc đạo đức của nghề. Các chuyên gia trong ngành trợ giúp tâm lý đều thống nhất một số nguyên tắc đạo đức nhà tư vấn phải thực hiện trong quá trình tư vấn đó là giữ bí mật, thân chủ trọng tâm, chấp nhận thân chủ, tôn trọng thân chủ, tin tưởng vào khả năng tự quyết của thân chủ, nhà tư vấn không gắn mình vào mối quan hệ cá nhân với thân chủ, bảo vệ phúc lợi của thân chủ. 1.3.2.2. Kĩ năng của người tư vấn Kĩ năng tư vấn là sự vận dụng kinh nghiệm, tri thức hiểu biết chuyên môn và giá trị nghề nghiệp của người trợ giúp vào hoàn cảnh tư vấn cụ thể nhằm tạo lập mối quan hệ tương tác, qua đó giúp đối tượng tự nhận thức được bản thân và vấn đề đang tồn tại, từ đó tự xác định giải pháp để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả [40]. Howard Figler (2007) cho rằng kĩ năng của nhà tư vấn giúp cho thân chủ có những sự lựa chọn khác nhau và họ sẵn sàng với sự lựa chọn đó. Theo H. Figler, kĩ năng TVHN là những phản xạ mà “nhà tư vấn có sẵn khi tư vấn cho một thân chủ”, trong quá trình tư vấn “chính nhu cầu của thân chủ sẽ là những gợi ý tốt nhất cho nhà tư vấn lựa chọn tiếp những kĩ năng nào” [42]. Trong hoạt động TVHN, khi làm việc với cá nhân thì NTV phải có tất cả các kĩ năng mà cán bộ tư vấn cần phải có. Tuy nhiên do đối tượng tư vấn là học sinh THPT và họ có nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp, do đó có một số kĩ năng đặc thù như: Kỹ năng lắng nghe, đó là kĩ năng cơ bản đầu tiên để NTV làm tư vấn và xây dựng mối quan hệ. Lắng nghe giúp NTV thu thập thông tin của học sinh, họ cần thông tin gì, 34
  41. thiếu thông tin gì hay thông tin đó được hiểu chưa chính xác, cũng như họ có những khó khăn gì khi lựa chọn một nghề phù hợp. Kĩ năng lắng nghe là công cụ quan trọng cho việc tạo nên môi trường tương tác giữa người tư vấn và học sinh, hay là sự khích lệ học sinh tìm thấy những giá trị. Kĩ năng đặt câu hỏi mở, NTV đặt những câu hỏi để khuyến khích HS có thể đưa ra những thông tin đầy đủ nhất cả thông tin bề nổi liên quan đến sự kiện và những gì ẩn chứa đằng sau nó). Câu hỏi mở thường khuyến khích các em nói về mình nhiều hơn, bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của mình về một nghề nào đó trong xã hội. Câu hỏi mở giúp NTV khai thác vấn đề ở mức độ sâu hơn và cũng tạo điều kiện cho NTV giúp học sinh đi sâu vào các tình huống của vấn đề. Ví dụ thân chủ nói, “Tôi thật sự thích nghiên cứu”. Bằng cách hỏi, “Anh biết như thế nào về nghiên cứu?” bạn đã giúp anh ấy suy nghĩ sâu sắc hơn [47]. Kĩ năng cung cấp thông tin, theo Howard Figler (2007), kỹ năng cung cấp thông tin trong TVHN là cung cấp những thông tin cần thiết về một công việc hay nghề nghiệp để thân chủ có thể hiểu hơn về công việc hay nghề nghiệp đó hoặc những bước đi cụ thể của quá trình tìm việc. Cung cấp thông tin cho thân chủ phải rất cô đọng và có hệ thống, buổi làm việc không thể mắc lỗi và trở thành quá trình cung cấp thông tin một chiều. Điều đó làm giảm hiệu quả của buổi tư vấn và học sinh sẽ mất đi cơ hội nói về những kĩ năng, nhu cầu, giá trị nghề nghiệp của bản thân. Kĩ năng làm trắc nghiệm, NTV biết lựa chọn những trắc nghiệm phù hợp với mục đích chọn nghề của cá nhân, biết cách tiến hành làm trắc nghiệm, đọc trắc nghiệm và biết cách diễn giải trắc nghiệm đó, phân tích trắc nghiệm đó, rồi tư vấn cho học sinh. Ngoài một số kĩ năng cơ bản kể trên, trong nhà trường phổ thông, NTV cần có kĩ năng phối hợp với giáo viên trong trường. Người làm tư vấn cần thiết lập mối quan hệ với các giáo viên, ban giám hiệu nhà trường để xây dựng kế hoạch làm việc với học sinh. Việc phối hợp với giáo viên tốt sẽ là kênh thông tin quan trọng để hiểu hơn về học sinh đến tư vấn. Mối quan hệ tốt giữa nhân viên tư vấn trong các phòng tư vấn và giáo viên trong nhà trường sẽ tạo niềm tin ở học sinh đối với hoạt động tư vấn. Nhìn chung, trong TVHN, sự chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác hướng nghiệp sẽ giúp cho họ chạm được vào sâu bên trong những nhận thức, cảm xúc của học sinh, từ đó khơi dậy tiềm năng và tự họ có những hành vi quyết định chọn nghề phù hợp với bản thân. 35
  42. TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 Hướng nghiên cứu về đặc điểm nhân cách cá nhân được quan tâm ngay từ những năm đầu khi khoa học TVHN ra đời. Trong quá trình tư vấn, người TVHN được tư vấn tìm hiểu về những đặc điểm nhân cách cá nhân, đối chiếu với những đặc điểm, yêu cầu của nghề và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động rồi lựa chọn lấy một nghề phù hợp với mình. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ hướng nghiệp là họa đồ nghề vẫn chưa được quan tâm do tính khó sử dụng và đòi hỏi cao về mặt chuyên môn của NTV. Họa đồ nghề là bức tranh tổng thể, mô tả một cách chung nhất và đầy đủ nhất thông tin về một ngành nghề, bao gồm: đối tượng lao động, mục đích và nội dung lao động, công cụ lao động, điều kiện lao động, yêu cầu lao động, môi trường lao động, Tư vấn hướng nghiệp cho HS THPT là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về nghề, về nhu cầu xã hội đối với nghề và nâng cao hiểu biết cho học sinh về tâm lý bản thân, qua đó học sinh có thể lựa chọn được một nghề phù hợp. 36
  43. Đội ngũ làm CTHN (người tư vấn hướng nghiệp) là cha mẹ, thầy cô giáo, nhân viên tư vấn và chuyên viên tâm lý học đường là chủ yếu. Một số yếu tố thuộc về người tư vấn như trình độ chuyên môn, thái độ đạo đức và kỹ năng tư vấn của họ có ảnh hưởng đến hiệu quả TVHN cho học sinh. Đặc điểm nhận thức của đội ngũ làm CTHN bao gồm những đặc điểm về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và các kĩ năng tư vấn của NTV. Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề của đội ngũ làm CTHN cho HS THPT là sự phản ánh trình độ chuyên môn của đội ngũ làm CTHN trong hoạt động TVHN. Trong đó, NTV biết vận dụng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cuộc sống và kĩ năng TVHN vào việc xây dựng một bản họa đồ nghề cho một ngành nghề nào đó phù hợp nhất với năng lực, sở thích và nhu cầu của HS. Kết quả của quá trình TVHN là NĐTV có được cái nhìn tổng quát nhất, chi tiết nhất về nghề nghiệp tương lai của bản thân và tự xây dựng được cho mình kế hoạch hướng tới nghề nghiệp đó. CHƯƠNG 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ NHẬN THỨC CỦA ĐỘI NGŨ HƯỚNG NGHIỆP VỀ VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 2.1. VÀI NÉT VỀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU Khảo sát nhận thức của đội ngũ làm CTHN, người nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn khách thể nghiên cứu là các chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp và các giáo viên kiêm nhiệm CTHN ở một số trường THPT quận 1, 3, 4, 6, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Tân, địa bàn TP.HCM nhằm thực hiện mục đích nghiên cứu của đề tài. Các trường THPT trên đều đã triển khai mô hình TVHN cho học sinh trong nhiều năm nên người nghiên cứu quyết định chọn để khảo sát nhằm thực hiện mục đích nghiên cứu của đề tài. Mẫu nghiên cứu 37
  44. Tổng số: 50 khách thể. Giới tính Tần số Tỉ lệ (%) Nam 18 36,0 Nữ 32 64,0 Tổng cộng 50 100 Chức vụ Tần số Tỉ lệ (%) Chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp 36 72,0 Giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng 14 28,0 nghiệp Tổng cộng 50 100 Thâm niên Tần số Tỉ lệ (%) Dưới 5 năm 27 54,0 Từ 6 đến 10 năm 20 40,0 Từ 11 đến 15 năm 2 4,0 Từ 16 đến 20 năm 1 2,0 Trên 20 năm - 0,0 Tổng cộng 50 100 Nhìn chung, đội ngũ làm CTHN hiện nay ở phần lớn các trường THPT là các chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp, được đào tạo bài bản về các quy trình tư vấn, tham vấn, hướng nghiệp (chiếm 72%). Bên cạnh đó, công tác TVHN vẫn còn được giao cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm (chiếm 28% số lượng khách thể nghiên cứu). Về thâm niên công tác, phần lớn, đội ngũ TVHN hiện nay có thâm niên dưới 5 năm chiếm chủ yếu – 54% số khách thể. Thâm niên từ 6 đến 10 năm chiếm 40% số khách thể. Thâm niên từ 11 đến 15 năm chiếm 4% số khách thể, từ 16 đến 20 năm chiếm 2% số khách thể. Thâm niên trên 20 năm không có khách thể nào. Qua đó, ta thấy được rằng, TVHN là một lĩnh vực mới manh nha phát triển trong những năm gần đây ở nước ta, đặc biệt là ở TP.HCM. Không những thế, vì tính chất “trẻ” của đội ngũ hướng nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi để họ tham gia những khóa tập huấn nâng cao chuyên môn, được tiếp cận với sự phát triển của công nghệ thông tin, phục vụ công tác TVHN tốt hơn. 38
  45. 2.2. KẾT QUẢ KHẢO SÁT THỰC TRẠNG NHẬN THỨC VIỆC SỬ DỤNG HỌA ĐỒ NGHỀ TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH THPT 2.2.1. Thể thức và phương pháp nghiên cứu Cách soạn thang đo - Dựa trên sự tham khảo những đề tài có liên quan được nghiên cứu trước đây. - Dựa vào cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu. - Người nghiên cứu tiến hành soạn thảo dụng cụ nghiên cứu như sau: * Khảo sát sơ khởi: “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho HS THPT địa bàn TP.HCM”. Để soạn thang khảo sát, người nghiên cứu đã đưa ra 7 câu hỏi mở cho các giáo viên làm công tác HN của 4 trường THPT trên như sau: Câu 1: Theo Thầy/Cô, mục đích của công tác hướng nghiệp trong nhà trường là gì? Câu 2: Thầy/Cô thường triển khai tư vấn hướng nghiệp cho học sinh như thế nào? Câu 3: Thầy/Cô có thể chia sẻ những công cụ mà mình sử dụng trong công tác hướng nghiệp tại nhà trường? Câu 4: Thầy/Cô hiểu biết như thế nào về công cụ hướng nghiệp là họa đồ nghề? Xin ghi rõ Câu 5: Theo Thầy/Cô, họa đồ nghề gồm những nội dung nào? Câu 6: Theo Thầy/Cô, những yếu tố nào tác động đến hành vi sử dụng những công cụ hướng nghiệp trong công tác hướng nghiệp? Câu 7: Theo Thầy/Cô, việc áp dụng họa đồ nghề vào công tác hướng nghiệp có hiệu quả không? Vì sao? * Lập thang khảo sát: Sau khi nghiên cứu nội dung, người nghiên cứu xây dựng thang khảo sát trên cơ sở những ý kiến thu thập được từ các giáo viên và soạn thang: “Nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT địa bàn TP.HCM”. Đây là công cụ nghiên cứu chủ yếu của đề tài. Mô tả thang khảo sát: - Bảng hỏi chính thức gồm 10 câu hỏi, được soạn thảo với nhiều hình thức khác nhau, có câu được chọn nhiều phương án, có câu chỉ được chọn một. - Bảng câu hỏi chính thức gồm những thành phần cơ bản sau: + Mục đích của CTHN trong nhà trường (Câu 1). 39
  46. + Hình thức triển khai CTHN trong nhà trường (Câu 2). + Những công cụ TVHN đang được sử dụng trong CTHN (Câu 6, 7). + Mức độ nhận thức của đội ngũ làm CTHN về họa đồ nghề (Câu 3, 4, 5, 9). + Những yếu tố tác động đến hành vi sử dụng công cụ HN trong CTHN (Câu 10). + Nhu cầu đào tạo chuyên môn, cách sử dụng các công cụ HN của người làm CTHN (Câu 8). - Các phần trong bảng hỏi đều có liên quan với nhau nhằm tìm hiểu sâu hơn trong nhận thức về việc sử dụng họa đồ nghề trong CTHN của khách thể nghiên cứu. * Cách tiến hành: Liên hệ với khách thể nghiên cứu là những giáo viên, chuyên viên đang làm CTHN tại một số trường THPT quận 1 (THPT Bùi Thị Xuân, THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Lương Thế Vinh, THPT Trưng Vương), quận 3 (THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Marie Curie, THPT Á Châu, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Nguyễn Thị Diệu), quận 4 (THPT Nguyễn Hữu Thọ), quận 6 (THCS – THPT Phan Bội Châu, THPT Bình Phú, THPT Mạc Đỉnh Chi), quận Phú Nhuận (THPT Phú Nhuận, THPT Hàn Thuyên, THPT Hồng Hà, THPT Quốc tế), quận Tân Phú (THPT Lê Trọng Tấn, THPT Tây Thạnh, THPT Nguyễn Trãi, THPT Hồng Đức, THPT Trần Phú), quận Bình Tân (THPT Việt Anh, THPT Phan Châu Trinh, THPT An Lạc) để khảo sát và chia làm 2 đợt: - Đợt 1: Khảo sát sơ khởi để trưng cầu ý kiến. - Đợt 2: Khảo sát chính thức để xử lí kết quả. 2.2.2. Kết quả nghiên cứu Ghi chú: Tùy theo thang đo, điểm trung bình cộng sẽ thay đổi. Theo kết quả này, có thể quy định về các mức như sau (Tính theo thang đo Likert 3): Giá trị khoảng cách = (Maximum – Minimum) / n = (3 - 1)/3 = 0.67 Mức Biểu hiện Mức độ nhận Mức độ hiệu quả Mức độ ảnh thức hưởng > 1,67 Không cần có Hoàn toàn không Không hiệu quả Không ảnh hiểu hưởng 1,68 – 2,35 Có cũng được, Hiểu một ít Khá hiệu quả Ít ảnh hưởng không có cũng được 40
  47. 2,36 – 3,00 Cần có Hiểu rõ Rất hiệu quả Ảnh hưởng nhiều Do đó, khi nhìn vào trung bình cộng của các câu, ta sẽ biết việc đánh giá ở mức độ nào so với trung bình cộng. 2.2.2.1. Các hình thức triển khai công tác hướng nghiệp trong trường THPT hiện nay a. Mục đích TVHN trong nhà trường Khi được hỏi về mục đích của CTHN trong nhà trường, kết quả nghiên cứu thu được như sau: Bảng 2.1. Mục đích công tác hướng nghiệp trong nhà trường Nội dung ĐTB ĐLTC Thứ bậc 1. Giúp HS biết về lĩnh vực nghề nghiệp. 2,90 0,303 3 2. Giúp HS biết được về cơ hội việc làm. 3,00 0,000 1 3. Giúp HS biết về chuyên môn nghề nghiệp. 2,54 0,503 9 4. Giúp HS biết thông tin về đối tượng lao động. 2,62 0,490 7 5. Giúp HS biết về mục đích lao động. 2,60 0,495 8 6. Giúp HS biết về những phẩm chất, yêu cầu lao 2,66 0,479 6 động của nghề. 7. Giúp HS biết về xu hướng phát triển của nghề. 2,72 0,454 5 8. Giúp HS biết về thông tin của thị trường lao 2,54 0,503 10 động. 9. Giúp HS biết đánh giá năng lực, tự nhận thức bản 2,90 0,303 3 thân học sinh. 10. Giúp HS đưa ra các quyết định lựa chọn nghề 2,98 0,141 2 nghiệp phù hợp. Trung bình chung 2,74 0,11 Từ bảng 2.1, ta thấy rằng, điểm trung bình chung cho toàn thang đo là 2.74, thuộc mức cao nhất, điều này chứng tỏ dù là giáo viên kiêm nhiệm hay chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp, tất cả đều nhận định mục đích cần phải có trong CTHN (tất cả các nội dung đều có điểm trung bình nằm trong khoảng từ 2,36 – 3,00) là: Giúp HS biết về lĩnh vực nghề nghiệp (ĐTB = 2,90); biết được về cơ hội việc làm (ĐTB = 3,00); biết về chuyên môn nghề nghiệp (ĐTB = 2,54); biết thông tin về đối tượng lao động (ĐTB = 2,62); biết về mục đích lao động (ĐTB = 2,60); biết về những phẩm chất, yêu cầu lao 41
  48. động của nghề (ĐTB = 2,66); biết về xu hướng phát triển của nghề (ĐTB = 2,72); biết về thông tin của thị trường lao động (ĐTB = 2,54); biết đánh giá năng lực, tự nhận thức bản thân học sinh (ĐTB = 2,90); giúp HS đưa ra các quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp (ĐTB = 2,98). Trong đó, mục đích “Giúp HS biết được về cơ hội việc làm” xếp thứ bậc 1, “giúp HS đưa ra các quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp” xếp bậc 2, “giúp HS hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp” và “biết đánh giá năng lực, tự nhận thức bản thân” xếp đồng bậc 3. Ngoài ra, khách thể nghiên cứu còn đồng ý ở mức cần có với những mục đích: giúp HS biết về xu hướng phát triển của nghề (hạng 5); biết về những phẩm chất, yêu cầu lao động của nghề (hạng 6); biết thông tin về đối tượng lao động (hạng 7); biết về mục đích lao động (hạng 8); biết về chuyên môn nghề nghiệp (hạng 9); biết về thông tin thị trường lao động (hạng 10). b. Nội dung triển khai CTHN trong nhà trường Biểu đồ 2.1. Nội dung tư vấn hướng nghiệp được triển khai tại các trường THPT Cung cấp Họa Khuyên HS nên Chỉ cung cấp đồ nghề cho chọn 1 nghề phù thông tin, giúp các HS, 26.0% hợp, 10.0% em khám phá bản thân, 8.0% Mời các chuyên gia, chuyên viên TVHN về trường báo cáo, 58.0% Cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, thị Trao đổi với HS trường lao động về nguyện vọng cho HS, 70.0% chọn nghề và cung cấp thông tin về thế giới nghề nghiệp với các em, 88.0% Hướng dẫn HS làm trắc nghiệm tâm lý, 88.0% 42
  49. Từ biểu đồ 2.1 cho thấy, khi được hỏi về những nội dung hướng nghiệp đang được triển khai tại các trường, 2 nội dung được chọn nhiều nhất là “Trao đổi với người được tư vấn về nguyện vọng chọn nghề, cung cấp thông tin về thế giới nghề và đặc điểm của nghề mà học sinh định chọn”; và “Hướng dẫn học sinh làm các trắc nghiệm tâm lý (trắc nghiệm đo năng lực, đo hứng thú, đo tính cách )” với tỉ lệ – 88,0%. Nội dung “Cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cho học sinh (cơ hội việc làm và nơi làm việc sau khi tốt nghiệp một ngành học)” xếp thứ 3 với 70,0% lựa chọn. Tiếp đến là nội dung “Mời các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, chuyên viên hướng nghiệp, tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng về trường báo cáo sân cờ” xếp thứ 4, 58,0% lựa chọn. Các nội dung còn lại được chọn với tỉ lệ như sau: - Cung cấp cho học sinh họa đồ nghề (thông tin về đối tượng lao động, điều kiện lao động, nội dung lao động, công cụ lao động, ) của những ngành nghề khác nhau để học sinh có cái nhìn tổng quát và chi tiết về thế giới nghề nghiệp, từ đó đi đến quyết định chọn nghề - thứ bậc 5, 26,0% lựa chọn. - Khuyên học sinh nên chọn một nghề cho phù hợp với các em – thứ bậc 6, 10,0% lựa chọn. - Chỉ cung cấp thông tin, giúp các em tự khám phá bản thân và để các em tự chọn nghề - thứ bậc 7, 8,0% lựa chọn. Qua đó cho thấy, nội dung hướng nghiệp ở các trường THPT trong phạm vi nghiên cứu của đề tài là khá giống nhau, khá thống nhất trong khung nội dung. c. Những công cụ TVHN đang được sử dụng trong CTHN và tính hiệu quả Khi được hỏi về các công cụ hướng nghiệp đang được sử dụng ở các trường THPT và tính hiệu quả của chúng, kết quả thu được như sau: 43
  50. Biểu đồ 2.2. Các công cụ tư vấn hướng nghiệp đang được sử dụng hiện nay 100.0% 94.0% 92.0% 90.0% 80.0% 70.0% 60.0% 50.0% 40.0% 30.0% 18.0% 20.0% 20.0% 10.0% 6.0% 2.0% 0.0% Trắc nghiệm Trắc nghiệm tính Trắc nghiệm trí Trắc nghiệm tính Sinh trắc học vân Họa đồ nghề nghề nghiệp cách MTBI tuệ 9 loại hình cách Big Five tay nghiệp Jonh Holland thông minh Bảng 2.2. Tính hiệu quả của các công cụ tư vấn hướng nghiệp hiện hành Mức độ Nội dung ĐTB ĐLTC Không Khá Rất hiệu hiệu quả hiệu quả quả Trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland. - 10,0 90,0 2,90 0,303 Trắc nghiệm tính cách MBTI. - 36,0 64,0 2,64 0,485 Trắc nghiệm trí tuệ 9 loại hình thông - 56,0 44,0 2,44 0,501 minh. Trắc nghiệm tính cách Big Five 30,0 56,0 14,0 1,84 0,650 Sinh trắc học vân tay. 16,0 42,0 42,0 2,26 0,723 Họa đồ nghề. 42,0 58,0 - 1,58 0,499 Trung bình chung 2,27 0,28 Từ biểu đồ 2.2 và bảng 2.2, có thể thấy rằng, hiện nay tại các trường THPT, để phục vụ CTHN, các chuyên viên tâm lý – hướng nghiệp/ giáo viên kiêm nhiệm sử dụng 6 công cụ sau: Trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland, trắc nghiệm tính cách MBTI, trắc nghiệm trí tuệ 9 loại hình thông minh, trắc nghiệm tính cách Big Five, sinh trắc học vân tay, họa đồ nghề. Tính hiệu quả của 6 công cụ này được đánh giá ở mức khá hiệu quả (điểm trung bình chung = 2,27). 44
  51. Trong đó, công cụ được sử dụng phổ biến nhất là trắc nghiệm nghề nghiệp John Holand (94% sự lựa chọn, ĐTB tính hiệu quả là 2,90) và trắc nghiệm nhân cách MBTI (92% sự lựa chọn, ĐTB tính hiệu quả là 2,64), với tính hiệu quả được đánh giá của 2 công cụ này là “Rất hiệu quả”, 90% khách thể đánh giá trắc nghiệm John Holland rất hiệu quả, 64% khách thể đánh giá trắc nghiệm MBTI rất hiệu quả. Bên cạnh đó, những công cụ khác như trắc nghiệm 9 loại hình thông minh (18% lựa chọn, ĐTB tính hiệu quả là 2,44), trắc nghiệm tính cách Big Five (6% lựa chọn, ĐTB tính hiệu quả là 1,84), sinh trắc học vân tay (20% lựa chọn, ĐTB tính hiệu quả là 2,26) cũng được sử dụng ở một số trường, tuy nhiên sự phổ biến không rộng vì điều kiện kinh tế (sinh trắc vân tay rất tốn kém, chi phí cho một lần đo là 3.600.000 VND – chi phí điều tra được bẳng cách phỏng vấn sâu tại một trường tư thục) cũng như tính hiệu quả tương đối của những công cụ này. 3 công cụ trên được đánh giá mức độ “Khá hiệu quả”, lần lượt tỉ lệ đánh giá mức độ “Khá hiệu quả” của 3 công cụ trên là 56%, 56% và 42%. Với công cụ họa đồ nghề, hầu hết các trường đều không sử dụng đến (chỉ 2% lựa chọn, tương đương 1/50 khách thể), vì tính chất không phổ biến của nó cũng như những yêu cầu cao về mặt chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của công cụ này. Chính vì lí do không được các trường sử dụng, nên khách thể nghiên cứu đánh giá mức độ hiệu quả của công cụ này ở mức “Không hiệu quả”, ĐTB là 1,58. Trong đó, số khách thể đánh giá họa đồ nghề không hiệu quả chiếm 42%, số còn lại đánh giá mức khá hiệu quả - 58%. Vì vậy, các chuyên viên/ giáo viên kiêm nhiệm rất hoài nghi về tính hiệu quả của công cụ này. Như vậy, đội ngũ làm CTHN hiện nay sử dụng chủ yếu 2 công cụ: trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland và trắc nghiệm tính cách MBTI trong quá trình TVHN vì theo họ đây là 2 công cụ có độ chuẩn xác, tính hiệu quả cao, tiện ích khi sử dụng. Ngoài ra, họ vẫn sử dụng một số công cụ khác để hỗ trợ như trắc nghiệm tính cách Big Five, trắc nghiệm 9 loại hình thông minh, sinh trắc học vân tay để phục vụ CTHN tốt hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên, tính hiệu quả của 3 công cụ này chỉ ở mức khá. Trong khi đó, họa đồ nghề hầu như không được sử dụng trong TVHN, các khách thể nghiên cứu không sử dụng công cụ này, cũng như đánh giá không cao tính hiệu quả của nó. 2.2.2.2. Nhận thức của đội làm CTHN về sử dụng họa đồ nghề trong TVHN cho HS a. Nhận thức về những nội dung của họa đồ nghề Khi được hỏi về sự hiểu biết về họa đồ nghề, kết quả thu được như sau: 45
  52. Bảng 2.3. Nhận thức chung của đội ngũ tư vấn hướng nghiệp về họa đồ nghề Mức độ nhận thức về họa đồ nghề Tần số Tỉ lệ (%) Hoàn toàn không biết 14 28,0 Biết một ít 29 58,0 Biết khá rõ 7 14,0 Biết rõ ràng và đầy đủ - - Tổng 50 100 Bảng 2.4. So sánh mức độ nhận thức của đội ngũ tư vấn hướng nghiệp về họa đồ nghề với lựa chọn nội dung “Cung cấp họa đồ nghề vào tư vấn hướng nghiệp” ở biểu đồ 2.1 Mức độ nhận thức Biết rõ Hoàn toàn Biết một Biết khá Tổng ràng, đầy không biết ít rõ đủ Những nội dung khác 11 22 4 - 37 Cung cấp cho học sinh họa đồ nghề (thông tin về đối tượng lao động, điều kiện lao động, nội dung lao động, công cụ Nội dung lao động, ) của những 3 7 3 - 13 TVHN ngành nghề khác nhau để học sinh có cái nhìn tổng quát và chi tiết về thế giới nghề nghiệp, từ đó đi đến quyết định chọn nghề. Tổng 14 29 7 50 Từ bảng 2.3, ta thấy được rằng, hầu hết đội ngũ làm CTHN ở các trường, không phân biệt chức vụ và thâm niên, có sự nhận thức về họa đồ nghề ở mức “Biết một ít” – chiếm 58,0%, “Biết khá rõ” ở mức thấp – 14,0%, hoàn toàn không có khách thể nghiên 46
  53. cứu nào hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về họa đồ nghiệp (0%). Hơn thế nữa, mức độ “Hoàn toàn không biết” về họa đồ nghề là 28,0%. Kết hợp so sánh với bảng 2.4 – việc sử dụng họa đồ nghề trong TVHN tại các trường THPT được lựa chọn đến 26,0% (13/50 khách thể lựa chọn), trong đó 3 khách thể chọn “Hoàn toàn không biết”, 7 khách thể chọn “Biết một ít”, 3 khách thể chọn “Biết khá rõ”. Từ đó suy ra, việc các chuyên viên trên sử dụng họa đồ nghề vào TVHN chưa mang tính chuyên môn, chưa khai thác hết tính năng, hiệu quả sử dụng của họa đồ nghề. Để làm rõ thêm về kết quả này, chúng tôi tiến hành phỏng vấn một vài khách thể nghiên cứu: Theo cô T.T.H (thâm niên 4 năm TVHN, trường THPT Trần Phú): “Hồi còn đi học, cô có tìm hiểu và thuyết trình về họa đồ nghề. Khi ra trường đi làm, ban đầu cô có thử sử dụng để TVHN cho HS, thực hiện được 2 – 3 buổi tư vấn, nhưng kết quả không đâu ra đâu, HS vẫn hoàn toàn không hiểu về nghề nghiệp. Ngay cả cô cũng gặp khó khăn khi nhìn bảng họa đồ nghề mà HS phác thảo, cũng như khi cô tự tìm những thông tin về nghề, cung cấp cho HS để phác thảo họa đồ nghề cho các em, cô cũng gặp khó khăn trong khâu giải thích, phân tích. Chính vì vậy, trong 3 năm qua, cô không sử dụng nữa”. Theo cô T.N.T.N (thâm niên 12 năm TVHN, trường THPT An Lạc): “Cô là giáo viên dạy Giáo dục công dân, kiêm nhiệm công tác tâm lý – hướng nghiệp cho trường khoảng 12 năm rồi, cô thường cho HS sử dụng các bài trắc nghiệm Holland, MBTI trên internet, sau đó cô dựa vào kết quả các bài trắc nghiệm này tư vấn cho các em. Cô chưa từng được học qua các lớp rèn luyện chuyên môn nào về TVHN. Tất cả cô đều tìm hiểu thông tin trên mạng, và đọc sách. Họa đồ nghề là gì không cô biết, vì vậy cô không thể đánh giá mức độ hiệu quả của nó được”. Như vậy, có thể hiểu rằng, đội ngũ làm CTHN có mức độ nhận thức về họa đồ nghề chưa cao, còn nhiều thiếu sót và công cụ này chưa được quan tâm trong TVHN. Tiếp theo, chúng tôi tiếp tục phân tích rõ hơn về nhận thức của đội ngũ TVHN về họa đồ nghề: 47