Luận án Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- luan_an_nhan_vat_nu_trong_tac_pham_cua_ernest_hemingway_tu_g.doc
Nội dung text: Luận án Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI LÊ LÂM NHÂN VẬT NỮ TRONG TÁC PHẨM CỦA ERNEST HEMINGWAY TỪ GÓC ĐỘ NỮ QUYỀN LUẬN LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI, NĂM 2015
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI LÊ LÂM NHÂN VẬT NỮ TRONG TÁC PHẨM CỦA ERNEST HEMINGWAY TỪ GÓC ĐỘ NỮ QUYỀN LUẬN Chuyên ngành : Lí luận Văn học Mã số : 62.22.01.20 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: GS.TS LÊ HUY BẮC HÀ NỘI, NĂM 2015
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Tư liệu trong luận án là trung thực và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu của luận án chưa từng được công bố trong bất cứ công trình khoa học nào khác. Hà Nội, tháng 10 năm 2015 Tác giả luận án Lê Lâm
- LỜI CẢM ƠN Sau một thời gian học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đến nay tôi đã hoàn thành luận án với đề tài Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận. Tôi xin chân thành gửi tới GS.TS Lê Huy Bắc, người thầy đã trực tiếp hướng dẫn khoa học, giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành bản luận án này lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn Lí luận Văn học, tổ bộ môn Văn học Nước ngoài, khoa Ngữ văn; Phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thiện luận án. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn đã tạo mọi điều kiện cho tôi được học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án. Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết đã dành cho tôi những chia sẻ, động viên, ủng hộ cả tinh thần và vật chất giúp tôi học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án này. Hà Nội, tháng 10 năm 2015 Tác giả luận án Lê Lâm
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU1 1. Lí do chọn đề tài1 2. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu3 3. Phương pháp nghiên cứu5 4. Đóng góp của luận án6 5. Cấu trúc của luận án7 Chương 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU8 1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước về Ernest Hemingway8 1.2. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài về Ernest Hemingway 19 Tiểu kết 37 Chương 2: KHÁI NIỆM NỮ QUYỀN LUẬN VÀ NHÂN VẬT NỮ CỦA ERNEST RHEMINGWAY TRONG TRUYỀN THỐNG NỮ QUYỀN VĂN HỌC MỸ 38 2.1. Khái niệm “nữ quyền luận” 39 2.2. Nữ quyền và hình tượng nhân vật nữ trong văn học Mỹ 46 2.3. Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền với phương thức thể hiện nhân vật nữ của Ernest Hemingway 64 Tiểu kết 67 Chương 3: TƯƠNG QUAN NHÂN VẬT NỮ - NAM 69 3.1. Nhân vật nữ - nam nhìn từ số lượng 69 3.2. Mối quan hệ nam nữ và những bất thường về tình dục, giới tính 72 3.2.1. Khổ dâm, chứng bất lực và sự sụp đổ quyền thống trị tình dục của nam giới 73 3.2.2. Sự phức tạp của giới tính 87 3.2.2.1. Xu hướng nữ tính và sự hoán đổi giới tính 87
- 3.2.2.2. Đồng tính nữ như là biểu hiện của nữ quyền 99 3.3. Bản thể nữ 106 3.3.1. Cái nhìn ngoại diện và quyền uy của cơ thể nữ 106 3.3.2. Xu hướng nam hóa trong hành động của nhân vật nữ 115 Tiểu kết 118 Chương 4: NỮ QUYỀN QUA ĐỊNH DẠNG KIỂU NHÂN VẬT NỮ 119 4.1. Người đàn bà “vết thương” và cô đơn 120 4.2. Người đàn bà “lăng loàn” 128 4.2.1. Những người đàn bà hành hạ, thống trị, gây ra cái chết và rắc rối cho đàn ông 129 4.2.2. Những người đàn bà ngoại tình 131 4.3. Người đàn bà suy thoái thiên chức 134 4.4. Người đàn bà “nguồn sáng của thế giới” 136 4.5. Brett - người đàn bà “lưỡng tính” 138 Tiểu kết 145 KẾT LUẬN 147 CÁC BÀI BÁO ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151 THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 1 162 PHỤ LỤC 2 165
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài E. Hemingway (1899 - 1961) là nhà văn lớn của nhân loại thế kỉ XX. Ông đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc không chỉ ở các sáng tác văn chương mà còn qua chính cuộc đời mình. E. Hemingway luôn có những tìm tòi, khám phá để phản ánh lên trang viết sự đa dạng của cuộc sống con người. Để lại cho nhân loại một di sản văn học tuy không nhiều về số lượng, không phong phú về thể loại nhưng tác phẩm của E. Hemingway đã chuyển tải được nhiều vấn đề bức thiết, có tính muôn thuở của nhân loại. Sáng tác của E. Hemingway trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả. Giá trị tư tưởng nghệ thuật trong tác phẩm của ông liên tục được phát hiện. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những điểm chưa được nghiên cứu, luận giải một cách thỏa đáng. Bởi vậy mà có ý kiến nhận định rằng tác phẩm của Hemingway luôn gây nên sự tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Ở ông có sự giao thoa giữa mới và cũ, giữa cổ điển và hiện đại, giữa dễ hiểu và khó hiểu Việc nghiên cứu về E. Hemingway vì thế chưa bao giờ dừng lại. Tại Việt Nam, E. Hemingway là một trong số ít những nhà văn nước ngoài được đầu tư dịch thuật, nghiên cứu kỹ nhất. Con số đầu sách xuất bản và đặc biệt là số lần dịch lại tác phẩm của ông đã cho thấy mối quan tâm của độc giả, của những người làm công tác nghiên cứu, phê bình, dịch thuật đối với nhà văn này. Nhiều ý kiến nhận định về một “thế giới đàn ông không có đàn bà” trong tác phẩm của E. Hemingway. Quả thực, có thể thấy những điểm bất thường trong mối tương quan giới tính nam nữ và ở nhân vật nữ của E. Hemingway. Số lượng nhân vật trung tâm là nữ trong sáng tác của ông không nhiều, thậm chí có thể không bằng những người vợ và người tình của ông (ngoài tư cách là một nhà văn, chúng ta còn biết về E. Hemingway như một người đàn ông đào hoa bậc nhất).
- 2 Có ý kiến cho rằng E. Hemingway có ác cảm với phụ nữ. Một số nhà phê bình nữ quyền lên án ông về điều đó. Quả thực số phận của những nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway đầy đa đoan trắc trở. Nhiều người cứ ngày một mất dần thiên chức. Nặng nề hơn, còn xuất hiện quan niệm nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway là những đối tượng tàn hại đàn ông Những nhận định này cho thấy nhân vật nữ của E. Hemingway chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, chưa được coi như một khách thể văn học độc lập để nghiên cứu. Triển khai đề tài, chúng tôi mong muốn mang tới một cái nhìn đầy đủ hơn về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway. Chứng minh một khía cạnh khác: trong thế giới hình tượng mà E. Hemingway xây dựng, nữ nhân vật vẫn chiếm một vị trí quan trọng như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhân vật nữ đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật độc đáo của E. Hemingway. Việc tìm hiểu hình tượng nhân vật nữ trong các sáng tác của E. Hemingway là cơ hội cho chúng tôi khám phá tư tưởng và nghệ thuật cũng như tâm hồn của nhà văn. Trong nửa thế kỉ qua, các học viện trên thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Học thuyết về nữ quyền đã ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật, từ triết học, ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật nhưng cơ bản học thuyết nữ quyền có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn nhất tới phê bình văn học, đã làm thay đổi lớn lao cách đọc văn bản, việc bình giảng văn chương, cảm thụ văn học của công chúng Ở Việt Nam, phê bình văn học nữ quyền thực sự chưa có bề dày về lịch sử phát triển, trưởng thành. Việc vận dụng lí thuyết phê bình này trong nghiên cứu tác phẩm văn học chưa được chú ý đúng mức. Các công trình có liên quan đến
- 3 phê bình văn học nữ quyền không nhiều. Việc vận dụng nó trong nghiên cứu tác gia tác phẩm văn học nước ngoài lại càng là điều mới. Tất nhiên phê bình văn học nữ quyền không phải là phương pháp phê bình duy nhất hay tiến bộ nhất. Nhưng nữ quyền luận với tư cách một bộ môn học thuật đang được nghiên cứu dạy và học trong hầu hết các trường đại học trên thế giới đã có những đóng góp quan trọng không cần bàn cãi trên con đường chiếm lĩnh tác phẩm nghệ thuật. Với Hemingway, các nhà nghiên cứu nước ngoài đã vận dụng lí thuyết phê bình văn học nữ quyền để nhìn nhận về nhân vật nữ trong tác phẩm của ông, đặc biệt là những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI phương thức này được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng. Nó tạo nên cách nhìn mới, tranh luận mới trong việc nghiên cứu tác phẩm Hemingway đối với cả những vấn đề tưởng như đã an bài. Ở luận án này, chúng tôi vận dụng lí thuyết văn học nữ quyền như là một cơ sở lí thuyết để nghiên cứu nhân vật nữ của E. Hemingway. Đồng thời cũng mong muốn chứng minh rằng lí thuyết này thực sự hữu dụng trong quá trình nghiên cứu E. Hemingway nói riêng và nghiên cứu văn chương nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xác định tầm ảnh hưởng của phê bình văn học nữ quyền tới phương thức xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong các tác phẩm của E. Hemingway. 2. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án nghiên cứu nhân vật nữ của E. Hemingway trong truyện ngắn và tiểu thuyết, để làm nổi bật các hình tượng nhân vật nữ đặc thù của E. Hemingway. Những yếu tố chi phối đến phương thức thể hiện hình tượng nhân vật nữ. Vai trò của nhân vật nữ trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật của nhà văn. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án khái lược, tổng hợp lại những nét chính của lí thuyết nữ quyền
- 4 (Feminism). Từ lí thuyết “phê bình nữ quyền”, chúng tôi lý giải một số đặc điểm về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway. Sau khi xác định hệ thống nhân vật nữ và vai trò của chúng trong tác phẩm của E. Hemingway, luận án góp phần định dạng nhân vật nữ của E. Hemingway trong truyền thống văn học Mỹ. 2.3. Phạm vi nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu những tác phẩm của E. Hemingway đã được dịch ở Việt Nam, có đối chiếu nguyên bản khi cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết những tác phẩm quan trọng của nhà văn đã được dịch, kể cả những thể loại thuộc dạng nhật kí, hồi kí. Ngoài 07 tiểu thuyết quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả: Ông già và biển cả (bản dịch đầu tiên 1954), Có và không (bản dịch đầu tiên 1957), Chuông nguyện hồn ai (bản dịch đầu tiên 1963), Thiên đường đã mất (bản dịch đầu tiên 1963), Giã từ vũ khí (bản dịch đầu tiên 1967), Mặt trời vẫn mọc (bản dịch đầu tiên 1973), Những hòn đảo giữa dòng nước ấm (bản dịch đầu tiên 1988), thời gian gần đây còn có hai tác phẩm được dịch là Từ ánh sáng đầu tiên (năm 2002), Hội hè miên man (năm 2009) cùng với hơn 50 truyện ngắn được tuyển dịch. Đề tài Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận có thể dịch ra tiếng Anh là: Female characters in Ernest Hemingway’s works from feminism perspective. Khái niệm Nhân vật nữ: Qua các tư liệu tham khảo tiếng Anh và tiếng Việt chúng tôi thấy rằng nhân vật nữ không phải là một thuật ngữ văn chương riêng biệt. Từ nữ ở đây chỉ mang tính chất định dạng về giới của nhân vật. Tham khảo một số từ điển thuật ngữ văn chương, chúng tôi thấy có thuật ngữ Heroine dùng để chỉ nữ nhân vật trung tâm hoặc nhân vật nữ chính. Đối tượng mà chúng tôi nghiên cứu rộng hơn nội hàm của thuật ngữ này, nên chúng tôi sử dụng cụm từ Female character.
- 5 3. Phương pháp nghiên cứu 3.1. Phương pháp hệ thống: Khảo cứu, hệ thống lại nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway ở hai mảng tiểu thuyết và truyện ngắn. Xây dựng một cái nhìn toàn cảnh về nhân vật nữ của E. Hemingway. 3.2. Phương pháp so sánh đối chiếu: Đối chiếu với một số tác phẩm có những hình tượng nhân vật nữ tiêu biểu để tìm ra những nét đặc sắc và khác lạ trong phương thức thể hiện của E. Hemingway. 3.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ kiến thức về nhân vật văn học, nhân vật trung tâm, những nhận định về nhân vật nữ nói riêng và nhân vật trong tác phẩm của E. Hemingway nói chung có những kiến giải về hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của ông, từ đó chỉ ra những đặc điểm trong việc thể hiện hình tượng nhân vật nữ. 3.4. Phương pháp lịch sử-xã hội: Nghiên cứu sơ bộ về hình tượng nhân vật nữ trong các giai đoạn phát triển của văn học Mỹ. Nhân vật nữ qua các giai đoạn sáng tác của E. Hemingway. Những điểm chung và riêng trong cách thể hiện hình tượng nhân vật nữ của Hemingway. 3.5. Phương pháp liên ngành: Để có cái nhìn toàn vẹn về hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway, căn cứ một số công trình của các nhà nghiên cứu phương Tây và Mỹ, chúng tôi mạnh dạn đề xuất và vận dụng lý thuyết một số ngành khoa học có liên quan như nhân học, phân tâm học, xã hội học. Cụ thể như sau: - Nhân học (Anthropology), đặt sự quan tâm đến những đặc điểm về tâm lí sinh lí, tính cách, khí chất, số phận con người trong một bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể. Đây là một trong những cơ sở để lí giải các đặc điểm tâm lí, hành động của nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. - Tâm phân học (Psychanalysis) giúp nhận thấy đặc điểm tâm lí sáng tạo biểu hiện không chỉ ở cảm hứng, cảm xúc, mà còn ở hồi ức và mộng tưởng, ý thức và vô thức, tiềm thức và trực giác Đây là cơ sở để nhìn nhận hoặc phản
- 6 biện về các nhận định về sự chi phối trong quan điểm của Hemingway trong quá trình xây dựng hình tượng nhân vật nữ. Thực tế nhiều nhà nghiên cứu Hemingway ở nước ngoài trong quá trình nghiên cứu Hemingway đã hơi cực đoan khi cho rằng Hemingway là nạn nhân của những ẩn ức tâm lí thời thơ ấu dẫn đến sự chán ghét phụ nữ. Chúng tôi muốn vận dụng lí thuyết này để nhìn nhận lại vấn đề một cách công bằng hơn. - Xã hội học (Sociology: khoa học về quy luật và tính quy luật xã hội chung) nêu đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử; là khoa học về cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc Đây là cơ sở để kiến giải những tác động đến tâm lí sáng tác của Hemingway, chi phối cái nhìn nhân vật nữ của nhà văn. - Ngoài ra chúng tôi dựa trên những kiến giải khoa học về sex và giới tính (sex and gender), về đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay) để làm cơ sở nghiên cứu nhân vật nữ, các mối quan hệ giữa nam nhân vật và nữ nhân vật. 4. Đóng góp của luận án 4.1. Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway một cách hệ thống. Phương pháp nghiên cứu và kết luận được rút ra sẽ là cơ sở để nghiên cứu toàn diện về nhân vật trong tác phẩm của E. Hemingway. 4.2. Hệ thống hóa một số nét về hình tượng nhân vật nữ trong tiến trình văn học Mỹ. Tạo căn cứ để nhìn nhận nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway nói riêng và của các tác giả văn học Mỹ đã được dịch ở Việt Nam nói chung. 4.3. Làm rõ vấn đề nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway: Về số lượng, về ngôn ngữ, tâm lí, phương thức thể hiện và vai trò của nhân vật nữ của Hemingway. 4.4. Cung cấp thêm một cách tiếp cận tác phẩm của E. Hemingway. Việc
- 7 vận dụng lí thuyết phê bình văn học nữ quyền không bó hẹp trong việc nghiên cứu nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway mà còn là cơ sở để nghiên cứu các tác giả tác phẩm khác. 5. Cấu trúc của luận án Thực hiện đề tài, ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, chúng tôi triển khai luận án theo bốn chương như sau: Chương một: Tổng quan vấn đề nghiên cứu Chương hai: Khái nhiệm Nữ quyền luận và nhân vật nữ của Ernest Hemingway trong truyền thống nữ quyền văn học Mỹ Chương ba: Tương quan nhân vật nữ - nam Chương bốn: Nữ quyền qua định dạng kiểu nhân vật nữ Ghi chú: Chúng tôi đã thống kê tên tác phẩm (tiếng Anh và tiếng Việt) ở phần phụ lục 1. Trong luận án, chúng tôi chỉ dẫn tên tác phẩm của Hemingway bằng tiếng Việt đối với những tác phẩm được thống kê trong bảng danh sách này. Những tác phẩm chưa được dịch, chúng tôi trích cả tên tiếng Anh.
- 8 Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Trong lời giới thiệu cuốn Hướng dẫn về tiểu sử E. Hemingway (Historical Guide to E. Hemingway), một trong những công trình tiếp tục mạch nghiên cứu về E. Hemingway khi bước sang thế kỉ XXI (được xuất bản năm 2000), Linda Wagner - Martin đã nêu: “Trên thực tế, có thể nói rằng tác phẩm của Hemingway sang thế kỷ 21 vẫn tồn tại nguyên giá trị của nó qua các bài phê bình cùng với văn phong tác phẩm. Những lời phê bình hay nhất đã làm thay đổi cái nhìn của độc giả và qua đó đưa ra các phương pháp đọc, quan sát và mường tượng về nghệ thuật. Đó là sự tương tác lẫn nhau giữa văn học và phê bình văn học mà các tác phẩm của Hemingway vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất” [102;3]. Sáng tác của Hemingway qua thời gian vẫn thu hút nhiều thế hệ độc giả và các nhà nghiên cứu văn học. Cũng bởi vậy, những công trình nghiên cứu về Hemingway ngày càng đồ sộ và vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Thật khó có thể xây dựng được một hệ thống thư mục đầy đủ, trọn vẹn. Chúng tôi chỉ có thể điểm qua những công trình thu thập được liên quan đến nội dung của đề tài ở trong nước và nước ngoài về Hemingway. 1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước về Ernest Hemingway Chúng ta đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỉ tiếp nhận và nghiên cứu tác phẩm của Hemingway. Ông là một trong số những tác giả văn học nước ngoài được nghiên cứu nhiều nhất tại Việt Nam. Những luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ và các công trình nghiên cứu khác về Hemingway đã được triển khai và công nhận đủ để chứng minh điều đó. Điều đặc biệt, đã có hẳn một luận án tiến sỹ tập trung nghiên cứu về Hemingway ở Việt Nam của tác giả Bùi Kim Hạnh từ tình hình dịch thuật, tình hình nghiên cứu, vấn đề dạy và học tác phẩm Hemingway trong nhà
- 9 trường. Tác giả đã thống kê chi tiết các công trình nghiên cứu Hemingway và tác phẩm của ông: bài báo khoa học, giáo trình văn học nước ngoài, sách chuyên khảo Bùi Kim Hạnh khảo sát Hemingway từ góc độ người tiếp nhận (bạn đọc) qua các thời kỳ. Tất nhiên, đây không thể là bản tổng kết về nghiên cứu Hemingway ở Việt Nam. Văn học là một dòng chảy không bao giờ cạn, việc nghiên cứu văn học cũng như vậy, không có cái đích cuối cùng. Đúng như tác giả xác định, chỉ lấy mốc từ năm 1954 đến năm 2000. Từ 2000 đến nay, tình hình nghiên cứu Hemingway đã có nhiều đổi khác, đặc biệt là ở nước ngoài (chúng tôi sẽ trình bày rõ ở phần sau). Nhiều nội dung trong tác phẩm của Hemingway đã được đề cập, tuy nhiên vấn đề nhân vật nữ trong tác phẩm của ông chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thỏa đáng. Có thể điểm qua những công trình nghiên cứu về E. Hemingway để thấy được điều này: Các luận án tiến sỹ: Tiểu thuyết viết về chiến tranh của Hemingway (Lê Đình Cúc, 1985), Kiểu nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Hemingway (Lê Huy Bắc, 1998), Hemingway ở Việt Nam (Bùi Kim Hạnh, 2002), Thi pháp tiểu thuyết và sáng tác của Ernest Hemingway (Đào Ngọc Chương, 2003); các luận văn thạc sỹ: “Chuông nguyện hồn ai” và sự phát triển trong phương pháp sáng tác hiện thực của Hemingway (Lê Tây, 1983), Vấn đề thời gian trong tác phẩm “Ông già và biển cả” (Đoàn Thị Minh Chi, 1985), Một vài đặc điểm đối thoại của Hemingway qua “Chuông nguyện hồn ai” (Phan Thu Hiền, 1986), Ngôn từ nghệ thuật trong “Giã từ vũ khí” (Nguyễn Đăng Vũ, 1986), Truyện ngắn Hemingway, nghệ thuật xây dựng cốt truyện (Trần Thị Thuận, 1986), Nguyên lí tảng băng trôi và thực tiễn sáng tác của Hemingway (Hoàng Thị Thập, 1998), Cái chết trong truyện ngắn của Hemingway (Nguyễn Thị Ngọc Hà, 2000) Các bài báo: Đọc “Ông già và biển cả” (Phong Lê, 1962), Hemingway và những tác phẩm tiêu biểu của ông (Lê Đình Cúc, 1977), Bi kịch Hemingway (Lê Đình Cúc, 1983), Nghệ thuật tiểu thuyết Hemingway (Lê
- 10 Đình Cúc, 1985), Hemingway với biển cả (Phương Mai, 1985), Nghệ thuật truyện ngắn Hemingway (Trần Thị Thuận, 1994), loạt bài của Lê Huy Bắc: Thế giới nhân vật Hemingway, Đặc trưng không gian, thời gian và các hình ảnh tượng trưng huyền thoại trong tiểu thuyết Hemingway, Nguyên lí tảng băng trôi và cách khai thác trong “Ông già và biển cả” (1995,1996), Về nguyên lí tảng băng trôi của Hemingway (Đào Ngọc Chương, 1997), “Ông già và biển cả” và sự cách tân của Hemingway đối với thể loại văn xuôi thế kỉ XX (Huy Liên, 1998), Mảng truyện Châu Phi trong sáng tác của Hemingway (Lê Nguyên Cẩn, 1999), Một vài phương diện về thi pháp nhân vật của Hemingway (Đào Ngọc Chương, 1999), Mạch ngầm văn bản và vấn đề người xa lạ trong “Con mèo dưới mưa” và “Rặng đồi tựa đàn voi trắng” (Đỗ Hải Phong, 1999), Tiếp cận tác phẩm của Hemingway từ tính đồng dạng của nhân vật (Nguyễn Hữu Hiếu, 1999), Đoạn trích “Đương đầu với đàn cá dữ” và cảm hứng con người thiên nhiên trong văn học (Lê Lưu Oanh, 1999) Sách, chuyên luận: Văn học phương Tây (tái bản lần thứ nhất năm 1997), Tiểu thuyết Pháp hiện đại, những tìm tòi đổi mới (Phùng Văn Tửu, 1990), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại (Đặng Anh Đào, 1995), Ernest Hemingway - Núi băng và hiệp sĩ (Lê Huy Bắc, 1999), Hemingway những phương trời nghệ thuật (Lê Huy Bắc, 2001), Văn học Mỹ (Lê Huy Bắc, 2003), Tác gia văn học Mỹ (Lê Đình Cúc, 2004) Có thể thấy ở giai đoạn đầu, giới nghiên cứu tập trung giới thiệu về thân thế, cuộc đời, các tác phẩm tiêu biểu của Hemingway. Giai đoạn sau, tập trung vào các nội dung: Nguyên lí Tảng băng trôi, nghệ thuật đối thoại, nghệ thuật độc thoại nội tâm, nghệ thuật tượng trưng, nghệ thuật thể hiện nhân vật, nghệ thuật sử dụng không gian, thời gian Chưa có công trình nào lựa chọn nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway như một khách thể độc lập để nghiên cứu. Dưới đây, chúng tôi điểm qua một số nội dung có liên quan:
- 11 Năm 1985, ở phần lời giới thiệu cuốn Ernest Hemingway - Một ngày chờ đợi do Hội Văn nghệ Nghĩa Bình xuất bản, Mai Quốc Liên đã nói về khuynh hướng xã hội thể hiện qua nhân vật Magaret (Magot) trong tác phẩm Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber: “Thông báo về Magaret Macomber mở ra một ý nghĩa bên trong sâu sắc. Đấy là sự buôn bán sắc đẹp và cương vị xã hội, điều này xác định tính chất giả dối của quan hệ vợ chồng Macomber ”, hay: “Ở đây, Hemingway đã nhấn mạnh một sự tương phản có ý nghĩa. Cũng giống như vẻ đẹp bên ngoài của cô vợ mâu thuẫn với đạo đức trong tính cách của cô ta, vẻ ngoài “đàn ông” mạnh khỏe, thể thao của Macomber tương phản với tính chất không dũng cảm trong tính cách của anh ta” [42;12,13]. Người viết đã lưu tâm đến mối quan hệ nam nữ trong tác phẩm của Hemingway nhưng đáng tiếc chỉ dựa trên cái nhìn chính trị - xã hội để đánh giá nhân vật của Hemingway, chưa chú ý tới tính đa âm trong tác phẩm của ông nên kết luận có phần chưa thỏa đáng về nhân vật. Sớm được giới thiệu tại Việt Nam, tuy nhiên việc đưa tác phẩm của Hemingway vào chương trình giảng dạy lại tương đối muộn. Năm 1992, giáo trình Văn học phương Tây (tập 3) ra đời, Hemingway mới chính thức được giảng dạy ở nhà trường Việt Nam. Phần Ernest Hemingway do Đặng Anh Đào viết. Tác giả đã phác thảo những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hemingway, giới thiệu và phân tích ba tiểu thuyết của Hemingway: Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả dưới cái nhìn thi pháp học. Nhà nghiên cứu nêu những nét đặc sắc nhất về đặc trưng sáng tác của E. Hemingway như nguyên lí tảng băng trôi, kiểu con người của “thế hệ vứt đi” Không trực tiếp bàn về vấn đề nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway nhưng những nhận định về nhân vật trong Giã từ vũ khí và Chuông nguyện hồn ai của Đặng Anh Đào có những gợi ý thiết thực để chúng tôi dựa vào khi đánh giá nhân vật nữ. Ta thấy được cái bi kịch lớn của cả một
- 12 thế hệ người trong và sau chiến tranh. Tình cảm con người, kể cả tình yêu nam nữ đều mang những dư vị chua xót: “Số phận tình yêu của lứa đôi ở đây đã dựng trên một tấm phông khốc liệt và u ám của chiến trường” [26;711], hay: “Song dư vị cuối cùng vẫn là nỗi đau vô phương cứu chữa, sự bất lực và cô đơn của con người ngay khi tìm thấy một tình yêu mãnh liệt” [26;713]. Chiến tranh không cấp thẻ miễn trừ cho bất kỳ đối tượng nào. Cả đàn ông và đàn bà đều là nạn nhân của nó. Những vết thương (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) có ở cả hai giới. Năm 1995, Đặng Anh Đào tiếp tục viết cuốn Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Tác giả tập trung khái quát những hiện tượng đổi mới trong nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây thế kỉ XX. Cũng giống cuốn sách nêu trên, Đặng Anh Đào không đề cập đến nhân vật nữ trong sáng tác của Hemingway, nhưng bằng việc lấy dẫn chứng cho sự đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây, tác giả đã viện dẫn một số đặc điểm trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Hemingway. Những nội dung này là gợi ý quan trọng cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway khi bàn tới vấn đề nhân vật, tâm lí và tính cách, di động điểm nhìn: sự vắng bóng người kể chuyện, nhân vật hành động thay cho tâm lí, tác giả nêu: “Cũng như vậy, rất khó hiểu hành động cuối cùng của nhân vật trong Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber. Nếu theo dõi kỹ đối thoại và toàn bộ hành động của nhân vật chuẩn bị cho kết thúc truyện, vẫn có thể có những kết luận khác nhau; có bạn đọc lên án vợ Macomber, có bạn đọc cho rằng Wilson hiểu sai cô ta về nhân vật vợ của Macomber, chỉ có lời đối thoại nhắc đi nhắc lại, và đối với bạn đọc nông nổi, có thể hiểu như một sự thoái thác, sự day dứt và hối hận [25;34,35]. Phần phụ lục về văn học đương đại trong cuốn sách này, tác giả còn trích dịch phần phê bình của Kundera về Những rặng đồi tựa đàn voi trắng - một
- 13 trong những truyện ngắn thể hiện rõ những nét đặc sắc nghệ thuật của Hemingway, ở đó nhân vật nữ đóng một vai trò là nhân vật trung tâm. Năm 1997, Phan Quang Định viết cuốn Cuộc đời sôi động đam mê của Hemingway. Cuốn sách giới thiệu cuộc đời nhà văn, tái hiện hành trình từ thơ ấu, trưởng thành đến cái chết của Hemingway. Tuy nhiều chỗ tác giả để cảm xúc và ý kiến chủ quan tác động quá mạnh mẽ đến những nhận định về cuộc đời của văn hào với một lối viết mang tính phóng tác nhưng cuốn sách đã cung cấp một số nội dung quan trọng, đặc biệt là thông tin về các mối quan hệ của Hemingway với phụ nữ. Chẳng hạn về mối tình giữa Hemingway với Agnes, ông viết: “Chàng là người hùng. Chàng được đề nghị thưởng Anh dũng bội tinh của nước Ý. Chàng trẻ tuổi, đẹp trai, chàng toát ra mùi tình dục mạnh mẽ của một thương binh. Mười tám nàng điều dưỡng xinh đẹp chờ chàng si mình và chàng đã yêu một cách tuyệt vọng nàng Agnes Hannah Von Kurowsky, một người đẹp tóc nâu đến từ thủ đô Washington. Nàng đáp lại bằng một cảm tình e ấp vì đã gần ba mươi, nàng muốn tránh sự vướng mắc tình cảm quá sâu với một thanh niên còn chưa đến đôi mươi. Nàng thấy chàng hấp dẫn - và không chỉ mình nàng mà thôi - điều đó thì có thể kiểm chứng được. Ngoài vẻ điển trai lịch lãm, còn có cái dáng già dặn, một thứ sinh lực đầy uy quyền phát xuất từ những nguy cơ từng trải. Chàng đã được lửa đạn thử thách ” [27;39]. Về tương quan giữa nguyên mẫu và nhân vật trong Mặt trời vẫn mọc, tác giả viết: “Lady Duff (một người bạn gái của Hemingway thời niên thiếu) trở thành Lady Brett, Hemingway trở thành Jake Barnes, một nhà báo do một vết thương chiến tranh, đã làm cho anh ta không còn khả năng thực hiện động tác tình yêu thân xác Sự giả định hoán vị về tình trạng liệt dương này cũng khá thú vị: vết thương chiến tranh bi kịch hóa lòng thiếu tự tin về tình dục hay sự tù hãm về tâm lí, nó là mặt trái tấm huy chương của một con người hành động
- 14 lúc nào cũng muốn tỏ ra cứng cựa, tua tủa những chiếc lông cứng sắc nhọn của con nhím xù” [27;75]. Lê Đình Cúc được coi là người “khởi đầu cho một giai đoạn mới nghiên cứu về Hemingway” [3;115]. Theo chúng tôi, ông còn là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam bàn luận một cách trực tiếp về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway. Trong cuốn Tiểu thuyết của Hemingway do nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1999, Lê Đình Cúc viết: “Có điều lạ là nhà văn danh tiếng này, một trong nhà văn xây dựng rất thành công những câu chuyện tình yêu say đắm lòng người lại không hề xây dựng được một nhân vật nữ nào trọn vẹn trên phương diện nghệ thuật. Vĩnh biệt vũ khí được người ta gọi “Romeo và Juliet” nhưng Catherine không phải là một nhân vật nữ có bản sắc, cá tính riêng biệt mà là một nhân vật lãng mạn và lí tưởng hóa của nhà văn. Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Hemingway hoặc ở cực này hoặc ở cực kia của cá tính. Một dạng mà ông yêu mến và say sưa ca ngợi là những người đàn bà dịu dàng xinh đẹp, thùy mị, nữ tính cao. Hiến dâng tất cả cho người mình yêu. Đó là Catherine (Giã từ vũ khí), Maria (Chuông nguyện hồn ai), Renata (Qua sông vào rừng). Một dạng là những cô gái ương bướng, có phần, như là một “con cái”, luôn hành hạ “con đực”. Đó là Brett (Mặt trời vẫn mọc), Pilar (Chuông nguyện hồn ai). Nhân vật nữ loại thứ hai của Hemingway ăn nói bốp chát, cộc cằn, đến ăn mặc cũng lố lăng, kệch cỡm. Hemingway rất khó chịu với những cô gái từ cái cặp tóc đến cái cốt xu chiêng đều bằng sắt. Trong số các nhân vật nữ của Hemingway có lẽ chỉ có Pilar là khá hơn cả. Chị này sắc sảo đanh đá nhưng thẳng thắn thông minh và lắm lúc cũng rất tế nhị và duyên dáng. Qua các nhân vật nữ của Hemingway chúng ta dễ dàng tìm thấy bóng dáng và những mối tình của cuộc đời thực Hemingway trong đó” [18;194,195]. Ở đây, Lê Đình Cúc chỉ ra hai phương diện về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway như một số học giả phương Tây đã nhận định (chúng tôi sẽ
- 15 điểm qua ở phần tiếp theo). Ông cũng đã nêu mối tương quan giữa việc xây dựng nhân vật nữ trong tác phẩm và cuộc đời thực của nhà văn. Tuy nhiên, việc xếp Pilar vào dạng “con cái” tàn hại “con đực” cũng cần phải bàn thêm. Theo cách phân loại của ông, Pilar nằm ở cả hai dạng nhân vật. Nhân vật nữ của Hemingway có sự không trọn vẹn về cuộc đời hơn là “không hề xây dựng được một nhân vật nữ nào trọn vẹn trên phương diện nghệ thuật”. Ngoài ra, khi bàn về chủ nghĩa tượng trưng (Symbolism) trong tiểu thuyết của E. Hemingway, Lê Đình Cúc đã lấy dẫn chứng mái tóc người phụ nữ trong tác phẩm Hemingway như một trong những hình ảnh quan trọng mang ý nghĩa tượng trưng: “Hemingway đã phát triển tinh thần của chủ nghĩa tượng trưng ở một đề tài khác. Đó là mái tóc phụ nữ. Đề tài này ám ảnh ông trong cả ba cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Mái tóc của cô Brett (Mặt trời vẫn mọc), mái tóc của Catherine (Giã từ vũ khí), mái tóc của Maria (Chuông nguyện hồn ai). Mái tóc tượng trưng cho nữ tính: dịu dàng, duyên dáng, quyến rũ, vì thế ông để tâm nhiều về mái tóc. Ca ngợi về mái tóc dài của Catherina hay để cho nàng Brett cắt tóc ngắn đi đều cùng một chủ đích là ca ngợi nữ tính” [21;678]. Lê Huy Bắc tiếp tục khái quát nội dung này trong cuốn Ernest Hemingway - Núi băng và hiệp sỹ, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999: “Từ mái tóc đen nhánh mượt mà của Catherine đến mái tóc cắt cụt của Maria, qua ước muốn mái tóc dài của cô gái trong Con mèo trong mưa và kiểu tóc tự để ngắn của Brett, tất cả đều mang ý nghĩa riêng như ý kiến của một chuyên gia đã nhận xét về Hemingway ” [3;197]. Ở cuốn sách này, Lê Huy Bắc có những phát hiện đáng lưu ý về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu “nhân vật trung tâm” của tác giả nên hình tượng nhân vật nữ không được nhìn nhận một cách độc lập và hệ thống. Chủ yếu ở vai trò là nhân vật trung tâm hoặc
- 16 trong mối quan hệ với các nhân vật trung tâm. Tác giả đã chỉ rõ nhân vật trung tâm là nữ trong các tác phẩm của Hemingway chỉ chiếm khoảng độ một phần mười. Từ hiện tượng này tác giả kết luận: “Con số này biểu hiện sự khập khiễng âm (nữ) dương (nam) trong hệ thống nhân vật trung tâm. Nó là dấu hiện đầu tiên của sự bất thường: Nỗi đau hay cũng chính là niềm cô độc” [3;195]. Từ đó, tác giả kiến giải về lí do vắng bóng phụ nữ trong tác phẩm của Hemingway: “Hemingway, như nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, trước sau trong sáng tác vẫn kể về cuộc đời mình. Ông dùng trải nghiệm bản thân như chất liệu để kiến tạo tác phẩm. Nhân vật trung tâm của ông hầu hết là những mảnh hóa thân từ tác giả khi đối sánh với tiểu sử. Do đó, thế giới của Hemingway luôn là thế giới của đàn ông. Điều này cho phép chúng ta khẳng định kiểu Con người thống nhất trong quan niệm nghệ thuật của Hemingway. Nó chính xác cho hệ thống nam nhân vật trung tâm và cũng logic cho cả thế giới đàn bà Với nét thi pháp đó, nữ nhân vật trung tâm của Hemingway ít xuất hiện hơn khi so với nam giới. Song không có nghĩa thế giới ấy chỉ là những bóng mờ mà vẫn có sức sống, nét khu biệt, thấm đượm lòng nhân hậu và khát vọng của tác giả về một tương lai tốt đẹp” [3;200]. Tương tự, trong phần giới thiệu cuốn Tác phẩm Ernest Hemingway, truyện ngắn và tiểu thuyết, Lê Huy Bắc viết: “Hemingway ý thức rất sâu sắc bi kịch trí tuệ. Có lẽ ông cảm nhận rằng hễ tri thức càng phát triển thì nguy cơ diệt vong của nhân loại càng cao Vậy nên có lẽ Hemingway hướng đến khẳng định sức mạnh cơ bắp như là hành vi phủ nhận cái xã hội phi nhân bản làm biến chất, tha hóa con người” [39;14]. Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra một số đặc trưng cơ bản khi thể hiện hình tượng nhân vật trung tâm là nữ trong tác phẩm của Hemingway: Vị trí và tình cảm mà Hemingway dành cho nhân vật nữ trong tác phẩm của mình, số phận chung của các nhân vật nữ. Ví dụ: “Chính vì mang thanh gươm, phụng sự điều chân thực nên “tôi” (P. Young cho là Nick) đã không ngần ngại phong một cô điếm lên làm nguồn sáng của thế giới.
- 17 Hiện tượng này đã cho thấy hơn hai lần Hemingway tôn trọng phụ nữ” [3;197], “qua hệ thống nhân vật nữ, ta nhận thấy Hemingway không thật bình thường khi khắc họa tính cách nữ. Trừ số ít các nhân vật trung tâm, ông dùng họ như thể chỉ làm nổi rõ những đặc tính nhân vật trung tâm. Nhưng khi họ là nhân vật trung tâm thì tính chất nữ và cuộc đời họ đa đoan, không trọn vẹn; Brett không phải là đàn bà. Giới tính nàng biến chuyển theo nhịp bất thường của thời đại. Thế giới của Hemingway đầy rẫy những đàn ông. Đàn bà thì thường là những con người bất hạnh. Sẽ chẳng dễ tìm thấy nhà văn nào trên thế giới độc đáo bằng Hemingway ở phương diện này” [3;199]. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của nhân vật nữ nói chung và nhân vật trung tâm là nữ nói riêng trong các sáng tác của Hemingway. Chính Lê Huy Bắc cũng đã nhận định: “Đàn ông không đàn bà - nhan đề tập truyện ngắn của ông (Hemingway) - chỉ là cách nói ẩn dụ. Qua đó, chúng tôi đi đến kết luận rằng phái yếu cũng được Hemingway chú trọng tái hiện. Nên, thế giới Đàn ông không đàn bà không có nghĩa là sáng tác của Hemingway vắng bóng đàn bà mà trong thế giới ấy cả đàn ông và đàn bà đều bất thường. Họ mang nhiều vết thương” [3;195]. Năm 2001, nhà xuất bản Giáo dục phát hành cuốn Hemingway những phương trời nghệ thuật. Đây là cuốn sách tập hợp nhiều công trình nghiên cứu về Hemingway qua các giai đoạn. Khi bàn về vấn đề “người xa lạ” trong truyện ngắn Con mèo trong mưa, Đỗ Hải Phong đã chú ý đến tâm trạng cô đơn, lạc lõng của nhân vật nữ: “Nếu như người vợ thể hiện nhu cầu hướng ngoại, bất chấp “trời mưa”, thì người chồng hướng nội, muốn thu mình lại cho khỏi “ướt”. Người vợ muốn giao tiếp, nói chuyện, chia sẻ với những “người khác”, còn người chồng không muốn nói, sợ “người khác” gợi ra những điều mình không muốn nghĩ ”, tác giả chỉ rõ tâm lí xa lạ ở người phụ nữ ngay cả với bản thân mình: “Đau xót nhất là thấy mình không còn là mình nữa, không còn cả mái tóc dài như một người phụ nữ nữa” [6;102,103].
- 18 Lê Tây khi bàn về tính khắc kỉ ở các nhân vật trong tác phẩm của Hemingway đã có nói đến tính khắc kỉ ở những nhân vật nữ: “Họ chịu đựng đau khổ, những bất hạnh tạm thời nhưng họ không giấu giếm, che đậy những tâm tư, tình cảm của mình mà đem trao đổi, bộc lộ với bạn bè, đồng chí, Maria, Pilar đã kể hết chuyện đời với Jordan ” [6;243]. Điều này củng cố thêm nhận định Hemingway không khu biệt những địa hạt về giới cho các nhân vật theo kiểu đã là nữ thì phải làm thế này, là nam thì phải làm thế khác. Lê Nguyên Cẩn trong bài viết Mảng truyện châu Phi trong sáng tác của Hemingway tiếp tục nói về những khoảng trống cô đơn trong mối quan hệ nam nữ. Cụ thể là giữa cặp vợ chồng Francis Macomber và Margot trong truyện ngắn Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber: “Lúc đó, trong thời điểm mà nỗi sợ do tiếng gầm sư tử mang lại đang dâng trào khắp mọi đường gân thớ thịt của ông thì bên cạnh ông vợ ông vẫn ngủ yên với tiếng thở đều đặn. Sự so sánh ngầm giữa tiếng gầm của sư tử với tiếng thở đều đặn của người vợ cho thấy Macomber thất vọng và cô đơn đến nhường nào” [6;60]. Mỗi nhân vật trong tác phẩm Hemingway đều có một ốc đảo cho riêng mình. Nhiều khi ngay cả trong tình yêu, tình vợ chồng, cho dù có cố gắng xích lại gần nhau con người cũng không sao thoát khỏi được cái ốc đảo định mệnh đó. Lê Nguyên Cẩn chỉ rõ: “Như vậy, trong cuộc sống riêng tư của họ, mỗi người đều có con đường vận động riêng nhằm hướng đến một mục đích chung mà cho đến lúc đó, hai con người ấy cũng chưa gặp nhau. Họ không phải xa lạ với nhau nhưng họ không hiểu nhau. Họ thuộc hai mặt phẳng khác nhau. Tiền của Macomber cũng chỉ toát ra hơi lạnh tanh nồng, còn vẻ đẹp của Margot thì mang tính ích kỉ tàn nhẫn. Tuy nhiên cả hai cô độc trên con đường của mình, họ vẫn cố gắng đi tìm điểm chung” [6;64]. Ngay cả tiếng khóc của Margot ở cuối truyện cũng được coi là thể hiện “sự bất hạnh của con người cô đơn” [6;65].
- 19 Nhìn nhận ý nghĩa biểu trưng qua hình tượng nhân vật nữ ở tác phẩm của Hemingway, trong luận văn thạc sỹ Cái chết trong truyện ngắn Ernest Hemingway, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà coi nhân vật nữ là một trong những hình ảnh đại diện cho cái chết: “Hình tượng người phụ nữ cũng đại diện cho cái chết trong con mắt của nhà văn. Sự xuất hiện của người phụ nữ cũng gợi lên cái chết đối với các nhân vật” [29;37]. Tác giả này đã viện dẫn một số tác phẩm tiêu biểu mà ở đó nhân vật nữ là nguyên nhân gây nên cái chết hoặc chí ít cũng liên quan đến cái chết như Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber, Người mùa hạ Chẳng hạn về Kate trong Người mùa hạ: “Kate là biểu tượng của nỗi đam mê mù quáng với Nick, là cái chết không thể cưỡng lại được của Odgar. Nàng tượng trưng cho sức mạnh mù quáng dẫn dắt con người ta tới ngưỡng cửa sống chết, biết vậy mà vẫn không thể làm gì khác” [29;38]. Khái lược một số công trình nghiên cứu nêu trên, có thể thấy không có một công trình độc lập nào về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Qua khảo sát, chúng tôi cũng chưa thấy có công trình nào nghiên cứu về Hemingway, tác phẩm cũng như nhân vật trong tác phẩm của ông từ cơ sở nữ quyền luận. Nhân vật nữ thường được nhìn nhận chung với những đặc điểm của một nhân vật trong tác phẩm văn học hoặc để chứng minh cho những luận điểm trong quá trình nghiên cứu của các tác giả như đã nêu trên. Dẫu còn sơ lược nhưng một số nhận xét đã nêu đúng những đặc điểm về nhân vật nữ trong các tác phẩm của Hemingway. Đặc biệt, hai nhà nghiên cứu Lê Đình Cúc, Lê Huy Bắc đã có những kiến giải cụ thể, chính xác, khoa học về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Chúng tôi sẽ tiếp thu và đối thoại khi triển khai đề tài. 1.2. Các công trình nghiên cứu nước ngoài về Ernest Hemingway Tuy không có khả năng bao quát toàn bộ mảng tư liệu tiếng Anh do gặp
- 20 khó khăn trong việc sưu tầm tài liệu ở Việt Nam nhưng với những gì chúng tôi được tiếp cận ở một số nhà nghiên cứu Hemingway như: Robert O. Stephens, Jame Nager, Roger Fowler, Carlos Baker, P. Young, Gary Caray, Harold Bloom, Richard Fantina có thể thấy việc nghiên cứu nhân vật nữ trong các tác phẩm của E. Hemingway ở nước ngoài đã được chú trọng hơn nhiều so với Việt Nam. Mặc dù, chúng tôi chưa tìm thấy những công trình độc lập về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway nhưng có rất nhiều bài viết, nhận định về nội dung này. Bàn đến nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway ở những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ trước, phải kể đến cuốn Tuyển tập các tiểu luận phê bình về Hemingway (Hemingway: A Collection of Critical Esays) do Robert P. Weeks biên soạn, Prentice - Hall xuất bản năm 1962. Ở hai bài Đàn ông không đàn bà (Men without Women) của Leslie Fiedler và Tình chết trong “Mặt trời vẫn mọc” (The Death of love in “The Sun also Rises”) của Mark Spilka, các tác giả đã đề cập đến một số đặc điểm xây dựng nhân vật trong tác phẩm của Hemingway. Lí giải cách thức thể hiện nhân vật nữ qua hình tượng nhân vật Brett ở Mặt trời vẫn mọc, Leslie Fieder nhận định: “Hemingway rất thoải mái khi giải quyết vấn đề đàn ông không đàn bà, như mối quan hệ cha và con trai, tình bằng hữu, những gã găngxtơ ” [124;86]. Bài viết nhận định trực tiếp về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway: “Với Hemingway, phụ nữ hầu hết mềm yếu, sống phụ thuộc, được sinh ra là để duy trì nòi giống” [124;87]. Tác giả đề cập đến hai kiểu phụ nữ: Người Mỹ, người Anh trong tác phẩm của Hemingway: “Khi những người đàn bà là người Mỹ, họ sống lẳng lơ, không có niềm tin đàn bà người Anh thì không hoàn toàn lẳng lơ ” [124;88,89]. Cả Leslie Fieder và Mark Spilka đều có những điểm tương đồng khi nhận định về Brett, nhân vật nữ trung tâm đầu tiên và duy nhất ở tiểu thuyết của Hemingway. Leslie Fieder nêu nhận xét về sự suy thoái thiên chức, một
- 21 dạng “vết thương” của Brett: “Brett không bao giờ trở thành đàn bà theo đúng nghĩa cô không trở thành đàn bà dù có cố gắng thế nào đi nữa” [124;89]. Mark Spilka viết: “Brett mang những đặc tính của đàn ông. Uống rượu và chung chạ bừa bãi” [124;130]. Tác giả này còn đối chiếu Brett với Catherine, nữ nhân vật trong Giã từ vũ khí - cuốn tiểu thuyết tiếp theo Mặt trời vẫn mọc, chỉ ra những điểm tương đồng giữa họ: “Đều là y tá và mất người yêu trong chiến tranh”, những người phụ nữ này dưới cái nhìn của Mark Spilka đều là những con người nạn nhân. Bài viết này còn được chọn đăng ở cuốn Hemingway và những nhà phê bình của ông (Hemingway and His Critics) do Carlos Baker biên soạn và giới thiệu. Cuốn Ernest Hemingway: Tiếp nhận phê bình (Ernest Hemingway: The Critical Reception), do Robert O. Stephens biên tập, ấn hành năm 1977, trong khi nhận định về cốt truyện, cách thức xây dựng nhân vật, quan hệ giữa các nhân vật trong Mặt trời vẫn mọc, người viết đã có những kiến giải đáng lưu ý. Về tình yêu của Brett và Jake, tác giả cho rằng: “Tình yêu của họ là kiểu tình yêu thuần khiết” [117;43]. Nhận định này mang hàm ý mỉa mai bởi nhân vật Jake mắc chứng bất lực do bị thương trong chiến tranh. Từ nhận định này cũng cho thấy bi kịch của nữ nhân vật này nói riêng và các nhân vật trong Mặt trời vẫn mọc nói chung. Ở cuốn sách này, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về nhân vật trong Mặt trời vẫn mọc. Chẳng hạn khi bàn về cách thức xây dựng nhân vật của Hemingway và sự chi phối của tác giả đến nhân vật trong tác phẩm. Brett được coi là kẻ cuồng dâm (nymphomaniac), Rorbert Cohn là cao thủ đểu cáng (cad) và đương nhiên, Jake bất lực (impotent). Chưa bàn đến sự cực đoan, chúng tôi chỉ muốn nói nhận định này đã cung cấp thêm một cách nhìn về Brett. Năm 1983, A. Robert Lee biên soạn cuốn Ernest Hemingway: Những tiểu luận mới (Ernest Hemingway: New Critical Essays). Cuốn sách tập hợp một số tiểu luận về những tác phẩm tiêu biểu của Hemingway như Trong thời
- 22 đại chúng ta (In Our Time), Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai Cũng giống như ở một số công trình chúng tôi đã đề cập, nhân vật nữ không phải là đối tượng chính để nghiên cứu nhưng trong quá trình phân tích tác phẩm, các nhà nghiên cứu đã điểm qua những đặc điểm về nhân vật nữ. Đặc biệt là hai nhân vật: Brett trong Mặt trời vẫn mọc và Catherine trong Giã từ vũ khí. Một năm sau đó, năm 1984, Đại học Wisconsin ấn hành cuốn Ernest Hemingway - Nhà văn trong bối cảnh (Ernest Hemingway - The Writer in Context) do James Nagel biên soạn. Đáng chú ý là bài Phụ nữ và đánh mất vườn địa đàng, huyền thoại của Hemingway (Women and the Loss of Eden Hemingway’s Mythology) của Carol H. Smith. Tác giả nói về vai trò không thể phủ nhận của nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway: “Khi nhìn nhận về nam nhân vật trung tâm của Hemingway như Henry, Jack Barnes, chúng ta có cảm tưởng rằng họ là những người đàn ông một mình chống lại vũ trụ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những người phụ nữ bên cạnh họ như Catherine, Maria, thậm chí là cả Brett” [106;129]. Điểm qua một số nhân vật nữ tiêu biểu của Hemingway như Catherine, Maria, Brett, Pilar, Carol H. Smith đã phân loại họ thành hai dạng giống như nhiều nhà nghiên cứu đã làm. Tuy nhiên ông đã chỉ ra một “mã chung” cho nhân vật nữ trong tác phẩm Hemingway: Tất cả đều bất hạnh, khổ đau. “Những người phụ nữ tốt và xấu đều mang những vết thương của chiến tranh, tình yêu” [105;131]. Carol H. Smith đặc biệt chú ý đến Brett, bà cho rằng: “Brett trung thực hơn so với phần còn lại” [106;133]. Mặc dù vẫn khẳng định Brett là một loại “gái hư” trong số các nhân vật nữ của Hemingway: “Cô là một người phụ nữ xấu của Hemingway khác biệt cơ bản so với những mẫu phụ nữ tích cực của Hemingway Brett không hề tốt cho những người đàn ông có mối quan hệ với cô” [106;132], nhưng quan trọng hơn, Carol H. Smith đã chỉ ra bi kịch của nữ nhân vật này. Những
- 23 hành động bất thường khó có thể chấp nhận đối với một phụ nữ của Brett được coi như là sự vẫy vùng để che giấu bi kịch: “Brett nỗ lực để che giấu nỗi đau của mình bằng những cơn say hoặc đi cặp kè với một ai đó” [106;134], hoặc: “Brett coi tình dục như là một liều thuốc an thần để quên đi quá khứ, hiện tại, tương lai” [106;133]. Đồng thời tác giả này còn coi tình yêu như là phương thuốc xoa dịu những nỗi đau thương của nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Chẳng hạn qua hành động Maria tìm đến với Robert Jordan: “Sau khi được Pilar và nhóm du kích cứu thoát, nếu bất cứ ai chạm vào, cô ấy (Maria) sẽ run như cầy sấy (nguyên văn là một con chó bị ướt nước). Nhờ tình thương yêu bảo bọc của Pilar vết thương của cô dần được chữa lành. Được sự động viên của Pilar, cô tìm đến với Robert Jordan giống như Catherine Barkley, hành động này như một minh chứng tình yêu có thể chữa lành vết thương cho những người phụ nữ” [106;136]. Năm 1990, Jackson J. Benson biên soạn cuốn Những cách tiếp cận phê bình mới với truyện ngắn của Ernest Hemingway (New Critical Approaches to the Short Stories of Ernest Hemingway). Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết thể hiện những điểm nhìn nhận mới trong tiếp nhận truyện ngắn của Hemingway như: Chủ nghĩa cấu trúc và diễn giải: “Con mèo trong mưa” của Ernest Hemingway (Structuralism and Interpretation: Ernest Hemingway’s “Cat in the rain”) của Oddvar Holmesland, “Thực sự, tôi cảm thấy tiếc cho con sư tử”: đọc “Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber” của Hemingway (“Actually, I Felt Sorry for the Lion”: Reading Hemingway’s “The Short Happy Life of Francis Macomber”) của Nina Baym, Chuẩn bị cho cái kết: Sửa đổi của Hemingway ở “Chim bạch yến cho ai” (Preparing for the End: Hemingway’s Revisions of “A Canary for One”) của Scott Donaldson, Nick Adams và sự kiếm tìm ánh sáng (Nick Adams and the Search for Light), của Howard L. Hannum, Đến với Vịnh Hortons Age: “Trên miệt Michigan” của Hemingway (Coming of Age Hortons Bay: Hemingway’s “Up
- 24 in Michigan) Sở dĩ chúng tôi viện dẫn tương đối nhiều bài viết bởi đây là những truyện ngắn của Hemingway có nhân vật nữ đóng vai trò quan trọng. Từ cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá của các nhà nghiên cứu trên về truyện ngắn của Hemingway, chúng tôi rút ra được một số nhận định về nhân vật nói chung và nhân vật nữ nói riêng. Chẳng hạn, khi bàn vấn đề cấu trúc trong Con mèo trong mưa, Oddvar Hlmesland đã nêu: “Ở Con mèo trong mưa, hình ảnh người vợ thu mình sau cánh cửa mong chờ một sự đồng cảm đã gợi lên nhiều điều” [72;67]. Hay khi nhận định về truyện ngắn Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber, Nina Baym cũng đã phần nào phân loại nhân vật nữ: “Margot Macomber và Brett Ashlay ở Mặt trời vẫn mọc là ví dụ nổi bật về kiểu đàn bà lăng loàn trong tác phẩm của Hemingway” [72;112]. Trong cuốn Chú giải “Mặt trời vẫn mọc” (“The Sun Also Rises” Notes), xuất bản tại New York năm 1991, Gary Carey đã tóm lược về tiểu sử nhân vật Brett và nêu một số đặc trưng về ngoại diện cũng như tính cách của nhân vật này. Tuy nhiên với yêu cầu của một sách tham khảo ngắn (hơn 70 trang) dành cho các đối tượng học sinh, tác giả chỉ nhìn nhận nhân vật một cách chung chung trong hệ thống nhân vật của Mặt trời vẫn mọc. Carey tái hiện nhân vật theo kiểu giới thiệu qua cách miêu tả của nhà văn: “Brett kết hôn hai lần nhưng không có tình yêu Brett sở hữu một thân hình quyến rũ, hấp dẫn đàn ông quãng thời gian sống cùng Romero không dài nhưng đẹp và cô quyết định giữ gìn điều đó” [83;62]. Tình hình nghiên cứu nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway và những vấn đề có liên quan thật sự khởi sắc trong những năm cuối thế kỉ XX và thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI. Dưới cái nhìn của phê bình văn học Nữ quyền, phân tâm học, sex và giới tính, nhiều học giả đã có những kiến giải mới lạ tạo nên cái nhìn đa chiều về nhân vật nữ của Hemingway. Năm 1996, Đại học Cambridge phát hành cuốn Cẩm nang Cambridge về Ernest Hemingway (The Cambridge Companions to Ernest Hemingway) do
- 25 Scott. Donaldson chủ biên. Đáng chú ý là bài Brett và những người đàn bà khác trong “Mặt trời vẫn mọc” (Brett and the Other Women in “The Sun Also Rises”) của James Nagel và Hemingway và lịch sử giới tính (Hemingway and Gender History) của Rena Sanderson. Nhân vật nữ trung tâm đầu tiên trong tiểu thuyết của Hemingway được nhìn nhận ở nhiều phương diện: Tính cách, những sang chấn tinh thần, nhân vật trong mối quan hệ với hoàn cảnh xã hội, tương quan giữa Brett và một số nhân vật nữ khác trong các tác phẩm văn học đương thời Về vai trò của Brett, James Nagel đánh giá: “Brett không chỉ là một phụ nữ mà còn là một phụ nữ rất đặc biệt ở thời kỳ đó. Điều này được thể hiện rõ khi đặt nhân vật này vào bối cảnh lịch sử. Nhìn từ phương diện này, người phụ nữ trong Mặt trời vẫn mọc được đánh giá thú vị hơn những người đàn ông” [84;92]. Ông coi Brett như là một nữ nhân vật kiểu mới: “Chắc chắn Brett không phải là đại diện đầu tiên của những người phụ nữ tự do quan hệ hay tự do suy nghĩ trong văn chương Mỹ nhưng cô là hiện thân của những gì được gọi là người phụ nữ mới” [84;92]. James Nagel đồng thời tổng kết chặng đường đổi thay của nữ nhân vật này qua sự thay đổi của hoàn cảnh sống và trong mối quan hệ với các nhân vật nam. Cũng giống như nhiều nhận định khác, ông nói về nỗi đau của Brett sau chiến tranh ẩn sau vẻ ồn ã của cuộc sống: “Jake miêu tả Brett ở Paris là một phụ nữ duyên dáng, hóm hỉnh và rất gợi tình. Dưới vẻ bề ngoài đó, anh ám chỉ đến nỗi đau trong cuộc sống của họ, những vết thương mà họ đem về từ chiến tranh” [84;99]. Ngoài ra, James Nagel còn chỉ ra nhiều điểm thú vị ở các nhân vật nữ khác trong Mặt trời vẫn mọc. Rena Sanderson trong bài Hemingway và lịch sử giới tính (Hemingway anh Gender History) đã tổng hợp, phân tích các ý kiến về vai trò, những cách đánh giá về giới tính, nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway cũng như cái
- 26 nhìn, quan điểm của ông về phụ nữ của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau qua các giai đoạn. Đồng quan điểm với James Nagel, Rena Sanderson cho rằng: “Brett là sự thu nhỏ của hình ảnh người phụ nữ hiện đại” [84;177], Rena Sanderson đồng thời viện dẫn những nhận xét của nhiều học giả về vấn đề nhìn nhận cách thức thể hiện nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway: “Các nhà phê bình tiểu thuyết Hemingway cho rằng ông không thể xây dựng thành công nhân vật nữ. Ông chỉ thành công khi xây dựng thế giới đàn ông không có đàn bà” [84;171]. Rena Sanderson còn đưa ra định dạng về nhân vật nữ: “Các nhà phê bình chia nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway thành hai loại. Loại suy giảm thiên chức, nô lệ trong tình yêu và loại phụ nữ lăng loàn. Từ cách phân chia này đã cho thấy sự phân biệt giới tính trong tác phẩm Hemingway” [84;171]. Tác giả cũng chỉ ra những cơ sở lí thuyết mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá cái nhìn phụ nữ của Hemingway cũng như nhân vật nữ trong tác phẩm của ông. Rena Sanderson đã dẫn lại ý kiến của Ammons: “Hemingway là người thể hiện rõ sự lo lắng về sức mạnh của phụ nữ trong giới văn chương. Trong thư từ của ông, thường xuyên cho thấy sự tự vệ hoặc thái độ thù địch với những người phụ nữ cạnh tranh” [84;183]. Những ý kiến xuất phát từ lí thuyết phân tâm học Freud cho rằng sự thù địch của Hemingway đối với phụ nữ như là một hành động vô thức chống lại sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của phụ nữ. Chẳng hạn nhận xét về những người phụ nữ trong Chuông nguyện hồn ai: “Hemingway giải quyết nỗi sợ hãi phụ nữ bằng cách chia tách người phụ nữ từ những tiểu thuyết trước đó thành hai nhân vật là Pilar và Maria” [84;187]. Có thể nói đây là một bài viết công phu đã tổng hợp được nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu qua các giai đoạn về vấn đề giới tính trong tác phẩm của Hemingway. Ở dạng sách tham khảo như của Gary Carey đã nêu ở trên, năm 2000
- 27 James L. Roberts biên soạn cuốn Chú giải truyện ngắn Hemingway (Hemingway’s short stories notes). Tác giả đã điểm qua những truyện ngắn tiêu biểu của Hemingway và những nhân vật chính ở các tác phẩm này. Hầu như người viết chỉ điểm danh và giới thiệu nhân vật nhưng qua cách thức này ta vẫn thấy được phần nào quan điểm của tác giả về các nhân vật nữ. Chẳng hạn khi nói về Magaret Macomber (Margot) trong Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber, ông viết: “Người vợ của Macomber xinh đẹp và độc đoán. Cô từ chối li dị anh ta vì tiền của anh ta, anh ta cũng không thể li dị vì nhan sắc của cô. Margot cảm thấy vui mừng khi Macomber trốn chạy con sư tử, điều này làm cho cô cảm thấy trên cơ chồng mình” [112;17]. Hay như nhân vật Hellen trong Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, vợ của Harry: “Anh ta kết hôn với Hellen bởi vì anh ta nghĩ mình yêu cô ta. Tuy nhiên trên thực tế anh ta kết hôn vì tiền của cô ấy. Hellen là một người phụ nữ trung thành, đằm thắm và đa cảm” [112;19]. Người phụ nữ trong Rặng đồi tựa đàn voi trắng được nhìn nhận là một kẻ lệ thuộc đàn ông Cũng trong năm 2000, Linda Wagner-Martin biên soạn cuốn Hướng dẫn biên niên về Ernest Hemingway (Historical Guide to Ernest Hemingway). Cuốn sách tiếp tục cung cấp một số thông tin về cuộc đời Hemingway và tình hình nghiên cứu phê bình những tác phẩm của ông. Một số bài viết đề cập đến vấn đề giới tính trong tác phẩm của Hemingway như: Thời trang của nam tính (The fashion of Machismo) của Marilyn Elkins, Đào tạo giới tính của Hemingway (Hemingway’s Gender Training) của Jamie Barlowe Jamie Barlowe không trực tiếp bàn luận về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway nhưng bài viết của bà cung cấp nhiều nội dung quan trọng, chỉ ra những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc đời của Hemingway và phong cách sáng tác của ông, đặc biệt là cái nhìn của Hemingway đối với phụ nữ: Cuộc đấu tranh đòi quyền lợi (đặc biệt là quyền bầu cử) của phụ nữ Mỹ (bà ngoại Hemingway tham gia), sự thống trị của những người đàn bà trong gia đình
- 28 Hemingway, những cuộc hôn nhân của Hemingway Tuy nhiên theo chúng tôi, Jamie Barlowe hơi cực đoan khi thể hiện Hemingway như là một nạn nhân của sự vươn lên nữ quyền để từ đó kết luận những thù hằn của ông với phụ nữ, đặc biệt là với mẹ của mình. Tiếp tục ở dạng sách tham khảo rút gọn như của Gary Carey và James L. Roberts, cuốn Chú giải “Giã từ vũ khí” (Hemingway’s “A Farewell to Arms” notes) do Adam Sexton biên soạn, được xuất bản năm 2001. Khi giới thiệu về Catherine, nhân vật nữ chính trong Giã từ vũ khí tác giả nêu nhận xét: “Catherine là nhân vật tĩnh trong cuốn tiểu thuyết này. Cô không trải qua nhiều biến động lớn Có lẽ Hemingway sử dụng Catherine như một sự tương phản để phản ánh quá trình trưởng thành của Henry. Cô ấy giống như một hằng số trong khoa học thực nghiệm. Tất nhiên điều này không làm mất đi sự thú vị ở nhân vật này” [115;92]. Nhận định của Adam Sexton gợi mở một phần nào đó cách thức xây dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Nhận định này có điểm tương đồng với nhận định đã nêu của Lê Huy Bắc. Không thể không kể đến cuốn Hemingway và phụ nữ - Phê bình nữ và tiếng nói nữ (Hemingway and Women - Female Critical and the Female Voice), do Lawrence R. Broer và Gloria Holland biên soạn, Đại học Alabama ấn hành năm 2002. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu nữ về Hemingway và các tác phẩm của ông. Ở cuốn sách này, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự tác động của nữ quyền đến cuộc sống cũng như phương thức sáng tác và cách thể hiện hình tượng nhân vật nữ của Hemingway. Phần giới thiệu, Lawrence R. Broer và Gloria Holland đã khái quát về tình hình nghiên cứu Hemingway nói chung, nghiên cứu về nhân vật nữ, giới tính trong tác phẩm Hemingway nói riêng của các nhà nghiên cứu nữ: “Trong thập kỉ sau cái chết của Hemingway, trong số mười bảy phụ nữ viết về ông chỉ có Naomi Grant, sinh viên tốt nghiệp năm 1968 là có bàn đến vấn đề
- 29 nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Tuy nhiên số lượng nữ nghiên cứu về Hemingway tăng gấp đôi trong những năm bảy mươi, tăng gấp đôi một lần nữa sau khi công bố tác phẩm Vườn địa đàng (The Garden of Eden) vào năm 1986 Để tiếp cận được Hemingway theo cách khác, các nhà phê bình đã đào sâu và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta thông qua các nhân vật nữ ở tiểu thuyết của ông” [81;xix]. Cuốn sách này đã đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của nữ quyền luận đến phương thức thể hiện hình tượng nhân vật nữ của Hemingway. Có nhiều bài viết đề cập một cách trực tiếp đến vấn đề phụ nữ cũng như nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway như Đối thoại nam nữ trong truyện ngắn “Con mèo trong mưa” và “Biển đổi thay” (Women and Man in Conversation in “Cat in the Rain” and “The Sea Change”), Cơ sở nữ tính và “Vùng chưa được khám phá” trong “Chuông nguyện hồn ai” (Female Foundations and “The Undiscovered Country” in “For Whom the Bell Tolls”), tác giả Lisa Tyler khi nhận xét về nhân vật nữ trong Con mèo trong mưa đã viết: “Có cuốn tiểu thuyết của Hemingway, nhân vật nữ hiện lên đầy sự bất thường, dường như là để phá hoại nhân vật nam” [81;72]. Ở bài Trong tình yêu với Papa (In Love with Papa) Linda Patterson Miller nhận xét: “Nhân vật nữ của Hemingway thường kiệm lời. Họ là hiện thân của phần chìm tảng băng trôi” [81;5]. Brett cũng là đối tượng được bàn luận nhiều trong cuốn sách này. Trong công trình Brett Ashley và tranh luận nhân vật Mã (Brett Ashley and Code Hero Debate) Kathy G. Willingham trích dẫn và phân tích nhiều nhận định khác nhau, thậm chí là trái chiều về nhân vật này. Là nhân vật trung tâm đầu tiên và duy nhất trong tiểu thuyết của Hemingway, mang những đặc điểm nổi trội đại diện cho kiểu nhân vật nữ của Hemingway nên Brett được nhiều nhà nghiên cứu phê bình viện dẫn khi bàn về vấn đề giới tính hay nhân vật nữ của Hemingway. Qua các nhận định ở trên và nhận định ở cuốn sách này, Brett hiện lên ở hai phương diện: Người
- 30 phụ nữ khổ đau và bất hạnh; người phụ nữ “phóng túng, tự do, có khả năng thống trị tất cả đàn ông cô ta gặp” [81;36], người phụ nữ được ví như phù thủy Circe, biến tất cả đàn ông thành lợn! Có thể nói cuốn sách này là công trình duy nhất và khá trọn vẹn khi bàn về vấn đề giới tính, nhân vật nữ của Hemingway và đặc biệt là kiến giải các quan điểm của Hemingway với phụ nữ, phụ nữ với Hemingway. Tất cả những điều đó đều được thể hiện qua cái nhìn của những người “trong cuộc” - các nhà nghiên cứu nữ. Tuy nhiên điều đáng tiếc là phần lớn những bài viết thiên về cảm tưởng, hồi ức về Hemingway nên theo chúng tôi chúng chỉ thực sự có ý nghĩa về mặt cung cấp tư liệu về cuộc đời Hemingway. Cũng bàn về vấn đề giới tính trong tác phẩm Hemingway, cuốn Cái nhìn phê bình hiện đại về Ernest Hemingway của Bloom (Bloom’s Modern Critical Views Ernest Hemingway) do nhà xuất bản Chelsea House ấn hành năm 2005 có tổng hợp bài Santiago và người phụ nữ bất diệt: Xác định giới Biển trong “Ông già và biển cả” (Santiago and the Eternal Feminine: Gendering La Mar in “The Old Man and the Sea”) của Susan F. Beegel. Bài này thu hút được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu. Bằng chứng là nó được chọn đăng ở nhiều cuốn chuyên khảo khác nhau về Hemingway như: Hemingway và phụ nữ (Hemingway and Women) do Lawrence R. Broer và Gloria Holland tổng hợp, Diễn giải phê bình hiện đại của Bloom về “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway (Bloom’s Modern Critical Interpretations Ernest Hemingway’s “The Old Man and the Sea”) do Đại học Yale (Mỹ) ấn hành năm 2008 Ở bài viết này, tác giả có những kiến giải mới mẻ về một “nhân vật” trong tiểu thuyết Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea): “Biển cả”. Biển cả được nhìn nhận là một nhân vật chính, mang thiên tính nữ: “Hầu hết các nhà phê bình cuốn tiểu thuyết này đều không chú ý tới một chi tiết được đề cập ngay trong tựa đề của cuốn truyện đó là có một nhân vật nữ đầy quyền lực trong tác phẩm Ông già và biển cả. Hemingway cho chúng ta biết
- 31 rằng Santiago “luôn nghĩ về biển như la mar, đấy là cách người ta gọi biển bằng tiếng Tây Ban Nha khi họ yêu biển” [74;193]. Tác giả khẳng định cách nhìn của Hemingway về biển, về tự nhiên: “Hemingway cho rằng tội lỗi chính là cách coi tự nhiên là nam giới, là kẻ thù hoặc đối thủ cần giao chiến. Giải thích được vì sao tác giả luôn nghĩ về biển như nghĩ về một người phụ nữ điều này cho thấy tác phẩm Ông già và biển cả mang tính nhân văn tự nhiên mạnh mẽ hơn bất cứ tác phẩm nào trước đây” [74;194]. Biển được coi như một “mẫu gốc”, nằm trong vô thức tập thể của loài người. Về điểm này, Susan F. Beegel đã viện dẫn nhận định của Carson: “Carson thừa nhận rằng tình yêu của con người và niềm khao khát quay trở về với “biển mẹ”, việc thần thoại hóa và coi biển như một người phụ nữ bắt nguồn từ lịch sử tiến hóa và niềm khao khát về một “thế giới đã từ lâu nằm trong tiềm thức của ông ấy mà ông ấy không bao giờ quên được” [74;196]. Như vậy ở đây các nhà nghiên cứu đã chỉ ra quyền uy và sự hiện diện của nữ giới thể hiện ngay cả ở những tác phẩm vắng bóng đàn ông của Hemingway. Chúng tôi không coi biển là nữ nhân vật chính như quan điểm đã nêu trong bài viết này, tuy nhiên những ý tưởng mà tác giả đưa ra có ý nghĩa quan trọng trong việc kiến giải về phương thức xây dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway rộng hơn nữa là nhân vật trong tác phẩm của ông. Chẳng hạn, Carson viết: “Văn hóa của chúng ta chấp nhận bạo lực giữa nam giới với nhau, chẳng hạn như chọi gà và đấu tay miễn là nó tuân thủ các nguyên tắc của chiến tranh, tinh thần hiệp sĩ, hoặc tinh thần thể thao. Chúng tôi nhận thấy các hình thức bạo lực là kết quả “tự nhiên” về sự cạnh tranh của nam giới đối với lãnh thổ và đặc quyền tình dục, mặc dù về bản năng không đối chọi trực tiếp chống tự nhiên. Ngược lại, bạo lực giữa nam và nữ là điều cấm kỵ, “trái tự nhiên” bởi vì mục đích sinh học của mối quan hệ nam nữ là sinh sản, không phải cạnh tranh” [74;207]. Có thể thấy Hemingway đã tuân thủ triệt để quan điểm này. Nó chi phối
- 32 đến phương châm sống, hành động của các nhân vật mà ông xây dựng nên. Không thấy bất kỳ cuộc chiến nào giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông trong tác phẩm của Hemingway hầu như không bao giờ làm hại đàn bà (có lẽ trừ đàn ông phát xít). Một gợi ý nữa từ những nhận định trong bài viết này, đó là dường như có một “thiên tính nữ” trong các tác phẩm của Hemingway, kể cả những tác phẩm vắng bóng đàn bà. Những người đàn ông nam tính nhất nhưng vẫn được tái hiện theo kiểu “chứa những bông hoa lưu ly trong bụng”. Cuốn Ernest Hemingway: Nam tính và khổ dâm (Ernest Hemingway: Machismo and Masochism) của Richard Fantina do Palgrave Macmillan ấn hành năm 2005 đề cập nhiều đến vấn đề mã hóa và giải mã các hình ảnh đại diện cho man (đàn ông) và women (đàn bà) trong tác phẩm của Hemingway, lí giải sự vắng bóng phụ nữ và sự thống trị của các giá trị biểu trưng cho nam giới như đi săn, đấu bò, đấu quyền Anh Tuy nhiên lại có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề nữ tính hóa (feminization) được thể hiện ngầm ẩn trong miêu tả các hình ảnh thuộc địa hạt nam tính (masculinity). Trong bài Hemingway và phức cảm nữ tính (Hemingway and the Feminine Complex) tác giả đã sử dụng kiến thức về phân tâm học và phê bình nữ quyền để bình luận về nữ tính trong tác phẩm của Hemingway. Ông lí giải: “Hemingway đã chứng kiến sự thống trị của mẹ đối với cha và ông quyết tâm thoát khỏi số phận tương tự. Đó là một phần lí do tại sao ông tạo ra những nhân vật cực kỳ nam tính” [86;85]. Phải chăng đây là những ẩn ức tuổi thơ? Bài viết này còn đề cập đến vấn đề đồng tính (homosexual) cụ thể là cả đồng tính nữ (lesbian) và đồng tính nam (gay) theo kiểu đặt ra nghi vấn để khẳng định hoặc phủ định. Bản thân Hemingway cũng bị đặt trong nghi vấn đồng tính: “Một số đàn ông đã thực sự thu hút Hemingway nhưng chúng tôi không có bằng chứng rằng ông đáp lại trên mức độ tình dục Brenner kết luận rằng “Hemingway tiềm tàng sự đồng tính” [86;98]. Tác giả cũng nêu sự quan tâm
- 33 của Hemingway với đồng tính nữ cũng như sự thông cảm của ông đối với hiện tượng này: “Đồng tính nữ cuốn hút Hemingway, và ông viết về nó thường xuyên mặc dù với một sự thiếu rõ ràng ” [86;89]. Nhà nghiên cứu còn viện dẫn một số nhân vật như Catherine, Brett, Liz để chứng minh cho những nhận định của mình về cái nhìn của Hemingway với phụ nữ cũng như những yếu tố chi phối cách thức xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của ông: “Liz cảm thấy đau khổ ngay sau khi quan hệ tình dục với Jim. Được viết ở ngôi thứ ba, Trên miệt Michigan dường như trình bày quan điểm của Liz hơn là của Jim. Đồng thời cũng đã mô tả sự khác biệt của nam giới và nữ giới đối với tình yêu và tình dục” [86;91]. Đặc biệt, công trình này đã đề cập đề cập đến vấn đề “khổ dâm” (Masochism) trong tác phẩm của Hemingway: “Các yếu tố trong nhiều tác phẩm của Hemingway cho thấy một cảm giác khổ dâm” [86;2]. Tuy nhiên ngay từ phần giới thiệu, người viết cũng đã khẳng định điều này ít được mọi người thừa nhận. Khổ dâm là một hình thức quan hệ tình dục có tính chất bất thường thuộc nhóm lệch lạc tình dục. Có người cho đó là sinh hoạt tình dục lệch lạc hoặc biến thái. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một dạng, một thiểu số trong đa số thuộc thế giới tình dục phong phú của tạo vật. Người mắc chứng khổ dâm là người chỉ thỏa mãn và đạt được cực khoái về tình dục khi họ được bạn tình vừa làm tình vừa hành hạ. Trong tiếng Anh, khổ dâm là Masochism. Danh từ này bắt nguồn từ một văn sỹ Áo Sacher Masoch (1836 -1895). Trong một số tác phẩm của mình, nhà văn này đã mô tả các hoạt động tình dục không bình thường mang đặc điểm của hành vi khổ dâm. Do vậy, về sau người ta lấy tên ông để đặt tên cho hội chứng này. Từ những nhận định của tác giả trong cuốn sách có thể thấy khổ dâm có cả ở nhân vật nam và nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Mặc dù tác giả viện dẫn nhận định của Krafft rằng khổ dâm cơ bản “nữ tính” tuy nhiên điều đáng lưu ý là trong các tác phẩm của
- 34 Hemingway, biểu hiện khổ dâm ở nam giới nổi bật hơn. Ở bài Khổ dâm và nghệ thuật văn chương (Masochism and the Art of Fiction), tác giả cũng nêu triệu chứng khổ dâm như kiến giải ở trên: “Hemingway phơi bày lên trang viết sự đau khổ của các nhân vật của ông” [86;20]. Tác giả cho rằng biểu hiện khổ dâm của nhân vật nam trong tác phẩm của Hemingway là hành động “nộp mình cho phụ nữ” như Jake, Macomber : “Jake Barnes trong Mặt trời vẫn mọc và Frederic Henry trong Giã từ vũ khí là đại diện cho tiếng nói bị động” [86;22]. Trong bài Yếu tố khổ dâm trong tác phẩm của Hemingway (Elements of Masochism in Hemingway’s Work), tác giả nhận định trực tiếp: “Hemingway miêu tả khổ dâm tinh tế và ấn tượng ở rất nhiều tác phẩm của ông. Điều này đã được công nhận bởi các nhà phê bình, kể cả những người theo phân tâm học” [86;47]. Theo chúng tôi vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ hơn. Không thể phủ nhận những dấu hiệu của cái gọi là “khổ dâm” trong tác phẩm của Hemingway song lấy đó làm điểm nhìn để kiến giải về tất cả các nhân vật của ông là điều không hợp lí. Những nhân vật được một số nhà nghiên cứu khoác cho căn bệnh không ai muốn này phải được nhìn nhận ở nhiều mặt. Ngay cả khi lấy cái nhìn bệnh học để đánh giá nhân vật của Hemingway thì cũng chưa thể khẳng định những nhân vật trong tác phẩm của ông mắc chứng khổ dâm. Chúng tôi quan niệm đây chỉ là một trong những cách để nhìn nhận và đánh giá phương thức thể hiện nhân vật của Hemingway. Linda Wagner-Martin tiếp tục cho xuất bản cuốn Ernest Hemingway: Cuộc đời văn chương (Ernest Hemingway: A Literary Life) vào năm 2007. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết. Một số trong đó đã cung cấp những tư liệu quan trọng về cuộc đời cũng như vấn đề giới tính, nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Tiêu biểu là hai bài: Pauline Pfeiffer và Hadley Richardson Hemingway (Pauline Pfeiffer and Hadley Richards Hemingway) và bài Hôn nhân giữa “Đàn ông không đàn bà” (Marriage in the Midst of “Men Without
- 35 Women”). Tác giả nêu bất đồng của Hemingway với những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời ông như mẹ, vợ, lí giải vì sao Hemingway chỉ thực sự tin tưởng đàn ông. Năm 2011, Bloom biên tập cuốn Hướng dẫn của Bloom về “Mặt trời vẫn mọc" của Hemingway (Bloom’s Guides Ernest Hemingway’s “The Sun also ries”). Trong sách này có bài Mimi Reisel Gladstein nhìn nhận Brett như người đàn bà phá hoại bất diệt của Hemingway (Mimi Reisel Gladstein on Brett as Hemingway’s Destructive Indestructible Woman) và bài James Nagel nhìn nhận những người phụ nữ khác (James Nagel on the Other Women) thể hiện những đánh giá về nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc. Về Brett, Mimi Reisel Gladstein cho rằng: “Brett có lẽ là nhân vật phụ nữ phá hoại hấp dẫn nhất của Hemingway” [78;64]. “Cô ấy là người phụ nữ phải chịu đựng nhiều bất hạnh” [78;67]. James Nagel lại chú ý đến những nữ nhân vật phụ trong Mặt trời vẫn mọc là Geogrette, một cô điếm đã xuống cấp đến mức tàn tạ cả về ngoại diện lẫn tâm hồn. Hình ảnh Geogrette tiếp tục củng cố thêm cái bi kịch của cả một “thế hệ vứt đi”. James Nagel cho rằng: “Geogrette đã đóng góp rất nhiều cho cuốn tiểu thuyết. Không chỉ làm nổi bật cái bi kịch của Jake, Geogrette còn thể hiện sự mỉa mai chua xót về một thế hệ mất mát” [78;80]. Ngay cả nhân vật nữ thoáng qua như Enda cũng được nhìn nhận đánh giá là khá quan trọng trong tác phẩm. Ở cuốn sách mang tính chất tương tự - Hướng dẫn của Bloom về “Giã từ vũ khí” của Hemingway (Bloom’s Guides Ernest Hemingway’s A Farewell to Arms”). Bài Richard Fantina nhìn nhận Catherine như người đàn bà của Hemingway (Richard Fantina on Catherine as a Hemingway’s Woman) có những kiến giải tương đối cụ thể về nhân vật nữ chính trong Giã từ vũ khí. Những nỗi bất hạnh mà nhân vật nữ này phải gánh chịu: “Catherine mất mát và cô đơn sau cái chết của vị hôn thê. Cô gắn mình với Frederic để xoa dịu
- 36 buồn đau” [76;88]. So sánh Catherine với Brett: “Người yêu bị giết, lí tưởng sống không còn, cô cảm thấy không còn có quan hệ với quê hương của mình. Cô mang tâm trạng lạc loài giống Brett” [76;89]. Qua Catherine, ta thấy tính khắc kỉ, lòng can đảm không chỉ có ở nhân vật nam của Hemingway. Catherine đối mặt với cái chết mà không hề sợ hãi: “Catherine nói với Frederic đang khóc: Em không sợ. Em chỉ ghét nó (cái chết - chú thích của chúng tôi). Hemingway đã đảo ngược khuôn mẫu giữa hai giới tính. Lòng can đảm và nước mắt” [76;88]. Gần đây nhất, trong cuốn Cái nhìn phê bình hiện đại của Bloom về Hemingway - bản mới (Bloom’s Modern Critical Views Ernest Hemingway) Đại học Yale ấn hành năm 2011, ta cũng bắt gặp nhiều bài viết có đề cập đến giới tính hoặc nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Ngoài bài Santiago và người phụ nữ bất diệt: Xác định giới trong “Ông già và biển cả” như đã nêu ở trên còn có bài Brett không giữ được anh ta (Brett Couldn’t Hold Him) của Donald A. Daiker. Tác giả đã đánh giá tương đối cụ thể về nhân vật Brett trong Mặt trời vẫn mọc, đặc biệt là phân tích mối quan hệ của Brett với các nhân vật nam trong tác phẩm này, qua đó nổi bật tâm lí lạc loài của Brett nói riêng và của các nhân vật trong Mặt trời vẫn mọc nói chung. Điểm qua những công trình nghiên cứu về nhân vật nữ trong tác phẩm Hemingway qua mảng tư liệu tiếng Anh, có thể thấy các nhà nghiên cứu nước ngoài tập trung từ hai phương diện chính để nhìn nhận đánh giá nhân vật nữ: Xuất phát từ cái nhìn nữ quyền; xuất phát từ hoàn cảnh xuất thân và những dữ liệu mang dấu ấn phân tâm của Hemingway. Qua đó, chúng ta có thể thấy cái nhìn sâu sắc của Hemingway về thân phận người phụ nữ cũng như mối quan hệ phức tạp giữa hai giới đàn ông - đàn bà trong tác phẩm của ông. Với những luận điểm độc đáo và mang tính gợi mở của những người đi trước, chúng tôi có cơ sở để dựa vào và đối thoại khi triển khai đề tài.
- 37 Tiểu kết Tổng hợp tình hình nghiên cứu về nhân vật nữ trong các tác phẩm của Hemingway, có thể thấy đây là lĩnh vực được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, nó chưa được nghiên cứu một cách độc lập, tách biệt mà hầu hết chỉ được điểm qua trong các nội dung nghiên cứu khác về Hemingway như cốt truyện, đối thoại, độc thoại nội tâm, nhân vật, nhân vật trung tâm Việc nghiên cứu nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway từ góc độ lý thuyết nữ quyền luận hầu như không có ở các công trình nghiên cứu trong nước. Ở nước ngoài, việc vận dụng lý thuyết nữ quyền luận để nghiên cứu nữ nhân vật của Hemingway thực sự cũng chưa thành hệ thống. Qua một số nhận định của Lawrence R. Broer, Jame Barlowe , có thể thấy các nhà nghiên cứu sử dụng lý thuyết nữ quyền để kiến giải một số đặc điểm về nữ nhân vật cũng như phương thức xây dựng kiểu nhân vật này của Hemingway chứ chưa lấy nó làm hệ quy chiếu để nhìn nhận tổng thể về các phương diện xây dựng nên hình tượng nữ nhân vật trong tác phẩm của Hemingway. Theo chúng tôi, tuy còn có điểm cực đoan, nhiều ý kiến cần phải trao đổi, kiến giải thêm nhưng thực sự các nhà nghiên cứu đã cung cấp được cái nhìn đa chiều, những kiến giải khoa học về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Đặc biệt, giới nghiên cứu nước ngoài trong thời gian gần đây đã tiếp tục khẳng định vai trò, những đặc điểm nổi bật về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Không những thế, các công trình này giúp chúng tôi có một cái nhìn tổng thể hơn về tình hình nghiên cứu Hemingway cũng như những lí thuyết về phê bình, lí luận văn học và các ngành khoa học xã hội khác mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá, tiếp nhận tác phẩm của nhà văn tài ba này.
- 38 Chương 2 KHÁI NIỆM NỮ QUYỀN LUẬN VÀ NHÂN VẬT NỮ CỦA ERNEST HEMINGWAY TRONG TRUYỀN THỐNG NỮ QUYỀN VĂN HỌC MỸ Ở chương này, sau khi giới thuyết khái niệm nữ quyền luận, chúng tôi tập trung định dạng nhân vật nữ của Hemingway bằng cách điểm qua các hình tượng nữ tiêu biểu trong tác phẩm của các tác giả văn học Mỹ trước ông và cùng thời để cho thấy sự kế thừa và nét riêng biệt trong phong cách nghệ thuật Hemingway. Về tác giả Hemingway, như đã nêu, có thời điểm là mục tiêu phê phán hoặc ủng hộ của những nhà nữ quyền luận. Căn cứ họ dùng để phán xét hoặc ca ngợi ông chủ yếu dựa trên cách thức nhà văn thể hiện hình tượng nhân vật nữ trong các tác phẩm của mình. Cũng vì lí do này mà chúng tôi muốn vận dụng một vài quan điểm của nữ quyền luận để phần nào đó nhìn nhận các khía cạnh trong phương thức xây dựng nữ nhân vật và các vấn đề có liên quan đến giới tính ở nữ nhân vật của Hemingway. Có thể khẳng định rằng Hemingway không phải là tín đồ của nữ quyền luận. Những triết thuyết mang tính chính trị, xã hội dường như không thật phù hợp với “tạng” của nhà văn. Tuy nhiên, như một thành viên của cộng đồng tri thức thế kỉ XX, với thực tế đã trải qua, nữ quyền như một mảng của cuộc sống muôn màu đã tác động và phần nào chi phối đến sáng tác của Hemingway dù nhà văn có ý thức hay không. Theo quan điểm của chúng tôi, nữ quyền tác động đến Hemingway trên hai phương diện: như một thực thể xã hội, đời sống, đối tượng miêu tả của văn chương và như một nhân tố chi phối phương thức kiến tạo nhân vật nói chung và nhân vật nữ của Hemingway nói riêng.
- 39 2.1. Khái niệm “nữ quyền luận” Trước hết chúng tôi minh định một số khái niệm cơ bản: Feminist theory, Theory of Feminism hoặc Feminism tùy theo từng cách sử dụng khác nhau mà các khái niệm này có thể bao quát một nội hàm rộng hẹp khác nhau và cũng có thể có nhiều cách dịch sang tiếng Việt khác nhau. Để tiện theo dõi, ở luận án này, chúng tôi thống nhất một cách dịch là nữ quyền luận. Đây là khái niệm liên quan đến những vấn đề khái quát nhất mang tầm triết học và văn hóa về việc bất bình đẳng giới và cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của phụ nữ với nam giới, cũng như thiết lập những tiêu chuẩn riêng của phụ nữ trong cuộc sống Liên quan đến khái niệm này còn có các thật ngữ sau: Feminist: người theo thuyết nữ quyền, có khi gọi tắt là nữ quyền. Feminist criticism: phê bình nữ quyền là bộ phận của nữ quyền luận được sử dụng trong phạm vi hẹp và cụ thể hơn chẳng hạn như phương pháp nghiên cứu hoặc tiếp nhận trong văn học. Khi chúng tôi sử dụng trong luận án, nếu không có định ngữ nào kèm theo thì được hiểu là phê bình văn học nữ quyền. Tác phẩm của Hemingway được nghiên cứu dưới ánh sáng của phê bình nữ quyền này. Gill Plain và Susan Sellers trong Lời giới thiệu cuốn Lịch sử phê bình văn học nữ quyền ngay từ đầu đã khẳng định tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của nữ quyền luận đối với đời sống tinh thần con người: “Tác động của phê bình văn học nữ quyền hơn ba mươi lăm năm qua là sâu sắc và rộng khắp. Nó làm thay đổi lối nghiên cứu kinh viện về văn bản văn học, thay thế cơ bản những nguyên lí được giảng dạy và hình thành nên một hệ đề tài mới để bàn luận, cũng như ảnh hưởng toàn diện cùng lúc đến xuất bản, báo chí và tiếp nhận văn học. Một loạt các ngành liên quan đã bị ảnh hưởng bởi những đòi hỏi của văn học nữ quyền, bao gồm ngôn ngữ học, triết học, lịch sử, nghiên
- 40 cứu tôn giáo, xã hội học, nhân chủng học, nghiên cứu truyền thông và điện ảnh, nghiên cứu văn hóa, âm nhạc học, địa lí, kinh tế và luật” [111;i]. Cũng trong sách này, Gill Plain and Susan Sellers đã đưa ra khái niệm Phê bình văn học nữ quyền (Feminist Literary Criticism) và xác định khuynh hướng này “bắt đầu ngay từ hệ quả của “làn sóng thứ hai” của nữ quyền luận (Feminism) - một khái niệm thường được sử dụng đối với sự trỗi dậy của phong trào phụ nữ ở Mỹ và châu Âu trong các cuộc vận động Nhân quyền (Civil Rights) của thập niên 1960. Dẫu vậy, rõ ràng là Phê bình văn học nữ quyền không hoàn toàn được hình thành trọn vẹn từ phong trào này” [111;2]. Khái niệm này nhấn mạnh đến đối tượng của phê bình nữ quyền trong sách này là “văn học”. Trong chuyên luận Lí thuyết văn học hậu hiện đại [50], một trong những chuyên gia hàng đầu về lí luận là Phương Lựu đã đề cập đến các loại phê bình nữ quyền như: Phê bình về hình tượng phụ nữ, Phê bình lấy phụ nữ làm trung tâm và Phê bình nhận diện. Trong ba loại hình phê bình nữ quyền này, chúng tôi chọn loại thứ ba để tiếp cận tác phẩm Hemingway. Trong luận án này, khái niệm nữ quyền luận được chúng tôi giới hạn ở phạm vi phê bình văn học nữ quyền. Những nội dung dưới đây được chúng tôi tổng thuật từ các công trình của Phương Lựu, Lê Huy Bắc, các công trình nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và khảo cứu một số khái niệm về nữ quyền luận trong các từ điển và sách chuyên luận chuyên ngành. Trong số các trường phái phê bình mang tính chất xã hội, chính trị, phê bình nữ quyền (Feminist criticism) đã có chiều dài phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đến sáng tác và nghiên cứu văn học của nhiều tác giả trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở đây, chúng tôi chỉ điểm qua một số nội dung về lí thuyết nữ quyền đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra có liên quan đến sáng tác của Hemingway nói chung và vấn đề nhân vật nữ trong các tác phẩm của ông nói riêng.
- 41 Nữ quyền, hiểu một cách cơ bản nhất là “Quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục ”. Các nhà nghiên cứu thường thống nhất rằng nếu hiểu ở cấp độ rộng thì khái niệm nữ quyền là quyền lợi của người phụ nữ đặt trong mối tương quan với quyền lợi của nam giới để đạt đến cái gọi là nam nữ bình quyền. Ở cấp độ hẹp thì nữ quyền có liên quan đến các khái niệm như giới tính, phái tính trong văn học. Nếu giới tính, phái tính là những thuật ngữ nền tảng để khu biệt đặc tính giữa hai phái (nam, nữ) thì khái niệm nữ quyền hướng tới là sự bình đẳng nam nữ, đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng, khẳng định nét đặc thù của nữ giới. Nữ quyền luận là sản phẩm của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, một trong những phong trào đấu tranh lâu dài và rộng khắp nhất của lịch sử nhân loại. Dấu mốc quan trọng để khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa nữ quyền là các phong trào cách mạng tư sản cận đại. Gắn liền với nó là những phong trào đấu tranh của phụ nữ về việc đòi hỏi được hưởng các quyền và lợi ích như nam giới như: quyền được bầu cử, quyền được tự do hành nghề, quyền được hưởng lương như nam giới với cùng một công việc, quyền được bảo vệ Cho đến sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đều đã xác nhận nam nữ bình quyền trong hiến pháp. Người phụ nữ lúc đó được coi trọng, chí ít là về mặt lí thuyết. Các phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ đã tác động đến văn học. Nó góp phần thay đổi cái nhìn, cách bình luận về người phụ nữ trong tác phẩm văn học. Dấu ấn xác lập phê bình nữ quyền chính là nữ quyền luận hiện đại. Năm 1949 nữ văn sĩ Pháp Simon de Beauvoir công bố công trình Giới tính thứ hai (The second sex), công trình đã phân tích những khía cạnh người phụ nữ bị áp bức và yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Viện dẫn sự thống trị lâu đời của nền văn hóa phụ hệ, Beauvoir cực lực chỉ trích vì nền
- 42 văn hóa nam quyền đó đã đẩy phụ nữ ra vị trí ngoài lề của xã hội cũng như của văn học nghệ thuật. Trong bầu khí quyển văn hóa ấy, nam giới đồng nghĩa với nhân loại, đồng nhất với lịch sử, còn phụ nữ thì bị nhìn như một “cái Khác” (Other), lúc nào cũng ở vị thế phụ thuộc, phải dựa vào nam giới mới có thể tự định nghĩa được chính mình. Giới tính thứ hai được coi là đã thúc đẩy phong trào nữ quyền chuyển sang một giai đoạn mới, khiến thế giới phải nhìn nhận thẳng thắn vào vai trò của người phụ nữ và khẳng định nó. Bản thân Beauvoir đã kêu gọi các nữ văn sĩ dùng sức mạnh của ngôn từ và sử dụng văn chương làm vũ khí để đấu tranh chống lại sự áp đặt của nam giới. Theo Phương Lựu, các nhà nữ quyền luận sau này xuất phát từ rất nhiều giác độ khác nhau, với những phương pháp luận có khi khác hẳn nhau, đều cùng chia sẻ một số niềm tin chung, có thể khái quát như sau: Một, tất cả những cái gọi là chủ thể tính, bản ngã và bản sắc, bao gồm cả bản sắc của nữ giới - thường được gọi là nữ tính - không phải là những gì tất định và bất biến, hay nói như Beauvoir, “người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”. Hai, cơ chế tiêu biểu nhất trong việc đàn áp phụ nữ chính là nền văn hóa phụ quyền, hay thỉnh thoảng, với một số nhà nữ quyền, còn được gọi là nền văn hóa duy dương vật (phallocentric culture). Và ba, nhiệm vụ của các cây bút nữ không phải chỉ là chống lại mọi hình thức áp chế của nam giới mà còn phải cố gắng xác định một thứ mỹ học riêng của nữ giới, từ đó, thiết lập nên những điển phạm riêng, và cuối cùng, xây dựng những tiêu chí riêng trong việc cảm thụ và đánh giá các hiện tượng văn học. Trong lĩnh vực văn học, một số nhà nghiên cứu cho rằng phê bình nữ quyền nhắm đến bốn mục tiêu chính: một, cố gắng phát hiện và tái phát hiện các tác phẩm văn học của phụ nữ; hai, phân tích và đánh giá các khía cạnh hình thức văn bản của các tác phẩm ấy; ba, tìm hiểu xem những tác phẩm ấy đã phản ánh quan hệ nam nữ ra sao; và bốn, mô tả những sự phát triển của các yếu tố liên
- 43 quan đến huyền thoại và tâm lý liên quan đến người phụ nữ trong văn học. Như thế, có lẽ ngay từ khi nhà nước chiếm hữu nô lệ và nhà nước phong kiến hình thành sau đó và kéo dài cho đến tận lúc cáo chung, nữ giới đã có những bước đi để tranh đấu giành quyền bình đẳng. Các nhà nghiên cứu đã phân chia các bước phát triển của chủ nghĩa nữ quyền thành những giai đoạn: Giai đoạn tiên phong và nữ quyền nguyên sơ tương ứng với cao trào nữ quyền I, tính từ hậu thế chiến II trở về trước, với Minh chứng về quyền của phụ nữ (1792) của Mary Wollstonecraft, người được coi là “tổ mẫu” của chủ nghĩa nữ quyền. Bà phản đối thẩm quyền xác lập nữ tính của các tác giả nam. Bà coi nhà văn nữ là người có lý trí, đạo đức, nhân hậu, phản đề của thói ủy mị giả tạo. Luận điểm của Wollstonecraft là về bản chất, giới tính được kiến tạo như một lợi thế: viết và nghĩ không thể vượt khỏi thân xác, và không thể loại phụ nữ ra khỏi vị trí xã hội. Nối tiếp Wollstonecraft, Một căn phòng cho riêng mình (1929) của Virginia Woolf được coi như “sách vỡ lòng” của phê bình nữ quyền. Nhờ Woolf mà các tác giả nữ ngày nay có những khái niệm gợi mở về cách suy nghĩ “ngược dòng” thông qua người mẹ, về ý kiến của đàn bà, và về tinh thần song giới (dung hòa cả hai giới tính). Nhiều quan điểm lý thuyết mâu thuẫn của tư tưởng nữ quyền đương đại bắt nguồn từ trí tưởng tượng đột phá vượt giới hạn của Woolf và những xung đột sáng tạo của bà. Nhưng chính Simone de Beauvoir để lại cho chủ nghĩa nữ quyền một tự điển phong phú hình tượng và ý tưởng, đặc biệt là định nghĩa xác quyết “người ta không bẩm sinh là đàn bà, mà trở thành đàn bà” như đã nêu ở trên. Sự nhận thức về cấu trúc xã hội của giới tính và bản chất bị áp đặt của các chủ thể mang giới tính đã trở thành cốt lõi của lý thuyết văn học nữ quyền, khiến cho nó trở thành luận đề thách thức những giả định của con người về căn cước, tự nhiên và tiến bộ, và khảo sát thấu đáo sự hình thành có tính huyền thoại của nữ tính và nam tính.
- 44 Giai đoạn sáng tạo nền phê bình văn học nữ quyền tương ứng với cao trào nữ quyền II (thập niên 1960 và 1970) kéo dài đến cao trào III (thập niên 1980 và 1990). Đây là giai đoạn quan trọng, hình thành và phát triển những vấn đề chủ yếu của phê bình văn học nữ quyền, từ khẳng định các nhà văn và nhà phê bình nữ, xuyên qua sự tìm kiếm một truyền thống văn học nữ và ảnh hưởng của luận đàm mang tính tự truyện, đến những thách thức mà các nhà phê bình nữ quyền da đen, đồng tính, và đàn ông ủng hộ nữ quyền đề ra. Hành trình này cho thấy sự phát triển của khái niệm phê bình văn học nữ quyền đã từ sự phản kháng ban đầu chống lại lý tưởng “nam giới trung tâm” trong nghiên cứu văn học, đến một hệ thống đa dạng phức tạp những luận đề nhằm chất vấn những giả định không chỉ về giới tính, mà cả về chủng tộc, giai cấp, dục tính. Tính chính trị của cao trào nữ quyền II thể hiện đậm trong thực tế phê bình giai đoạn phát triển này. Lý tưởng nữ quyền ngấm vào văn chương và văn hóa đương thời, đồng thời phục hồi những tiếng nói đã bị dìm lấp của phụ nữ, một sự việc cách mạng nếu nhìn lại hàng bao thế kỷ trước đó ở các học viện Anh, Mỹ chỉ có tác phẩm của nam tác giả được coi là kinh điển để nghiên cứu giảng dạy. Cùng với nỗ lực làm sống lại những tiếng nói đã mất của các tác giả nữ, hình thành những cách tiếp cận văn học của các nữ tác giả da đen, đồng tính nữ, và khảo sát quan điểm tách biệt của sự hình thành nữ quyền mang tính học viện, trung lưu, da trắng và có xu hướng dục tính chính thống (nam - nữ). Các nhà phê bình nữ quyền cũng nhận ra những truyền thống cách viết nữ từng bị gạt ra rìa, khát vọng của họ được diễn tả qua những kinh nghiệm và những câu chuyện dị thường, cả nhu cầu tìm ra tiếng nói và vị trí để phát ngôn, từ đó xuất hiện những câu hỏi then chốt về bản ngã và chủ thể, phát triển thể loại tự truyện và phê bình cá nhân. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu cấu
- 45 trúc lan toả trong lý thuyết nữ quyền, đồng thời là ảnh hưởng giao thoa với chủ nghĩa hậu thuộc địa, thuyết phân tâm học, thuyết phi giới tính. Phê bình văn học nữ quyền biến chuyển đa dạng, phức hệ, đề ra những cách đọc mới những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong các lĩnh vực nêu trên. Một biến dạng khác của phê bình nữ quyền là từ khởi thuỷ phản kháng nam quyền chuyển qua nghiên cứu nam tính. Cuối giai đoạn này phê bình văn học nữ quyền đã tái kiến trúc thế giới và ngôn từ của con người nhưng vẫn không thoát ra những ý nghĩa về giới tính được xã hội xét duyệt. Giai đoạn tính từ đầu thiên niên kỷ thứ ba đến nay, có thể coi là chuyển đổi mô hình trong phê bình văn học nữ quyền với ảnh hưởng của hậu cấu trúc và hậu hiện đại. Tiến bộ khoa học kỹ thuật ảnh hưởng không ít đến ý thức về bản thân, giới tính, dục tính và sinh sản, hình tượng cyborg (người máy) ra đời biểu tượng cho sự kết hợp giữa con người và kỹ thuật. Ý nghĩa của từ “đàn bà”, “phụ nữ”, “nữ giới” không còn tầm quan trọng trong các nỗ lực cấp tiến phá thế bình ổn ở phương Tây nữa, do vậy chủ nghĩa nữ quyền và phê bình văn học nữ quyền trải qua những thay đổi quan trọng. Nhóm nữ quyền trung lưu da trắng vận động hướng ngoại để thừa nhận sự đa dạng trong đời sống, kinh nghiệm và sự sáng tạo của phụ nữ. “Đàn bà” như một thực thể văn hóa - xã hội mặc định đã bị rắc rối hoá, nghĩ tới đàn bà là nghĩ tới giới tính; xu hướng chuyển đổi là đặt vấn đề giới tính lên trên cả nữ tính, nam tính, đồng tính các loại. Nữ quyền bắt đầu đặt những câu hỏi căn bản về ngôn ngữ và chủ thể con người. Tuy vẫn tiếp tục khảo sát sự phức tạp của những đặc tính mang tính giới phái trong xã hội đương đại, nhưng từ nhiều hướng phát triển khác nhau, những hình thức lai tạp mới của phê bình văn học nữ quyền xuất hiện, đem lại nguồn năng lượng mới cho những tranh luận chất vấn khái niệm “đàn bà” có là một khởi điểm lý thuyết chặt chẽ hay không.
- 46 Trải qua một thời gian dài, cuộc đấu tranh bình quyền nam nữ vẫn chưa hề ngả ngũ. Margaret Walters trong công trình Nữ quyền luận - nhập môn ngắn (Feminisim - A Very Short Introduction) xuất bản năm 2005, đã trích lời Natasha Walter để bình luận về thực tiễn nữ quyền và đường hướng phát triển như sau: “Natasha Walter, trong cuốn Nữ quyền luận mới (The New Feminism,1998), trong lúc thừa nhận rằng phụ nữ “vẫn nghèo và ít quyền lực hơn đàn ông”, thì vẫn tranh luận rằng nhiệm vụ của nữ quyền luận đương đại là “tấn công vào nền tảng vật chất của sự bất công chính trị, xã hội và kinh tế”. Một luận điểm quan trọng - nhưng bà vẫn cực kì mơ hồ về đối tượng tấn công cụ thể ở đây là gì. Trong lần trả lời phỏng vấn, bà nhận xét, như thể bà đã có được ý tưởng mới thay vì cái mà cứ mãi luấn quấn trong nhiều thập kỉ, rằng chúng ta muốn làm việc với đàn ông để thay đổi xã hội và không chống lại: “Sau rốt, đặc biệt nếu những thứ sẽ thay đổi trong phạm vi gia đình, rằng đàn ông sẽ chia sẻ việc nhà như việc đàn bà ra khỏi nhà thường xuyên hơn”. Hoặc nữa, “chúng ta phải chung tay lẫn nhau và cả với đàn ông để tạo nên một xã hội bình đẳng hơn” [123;138]. Dường như quan điểm trên đây đã cho thấy phần nào cái kết cục chẳng thể kết cục của phong trào nữ quyền kể từ lúc nó khởi xuất cho đến tận bây giờ. Xuất thân từ các phong trào xã hội, gắn liền với những thay đổi của xã hội (về nhận thức, thể chế, quốc gia, dân tộc ), những vấn đề liên quan đến nữ quyền do vậy cũng luôn có những biến đổi. Có lẽ phương diện lý thuyết nữ quyền phù hợp nhất để xem xét vấn đề nhân vật nữ của Hemingway là phương diện mang tính khởi thủy của nữ quyền - Quyền của phụ nữ. 2.2. Nữ quyền và hình tượng nhân vật nữ trong văn học Mỹ Như đã nêu, Mỹ là một trong những nơi các phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ diễn ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhất. Cũng do đó, nơi đây được coi là điểm phát tích hoặc ủng hộ mạnh mẽ những vấn đề lí thuyết văn
- 47 học có liên quan đến nữ quyền: phê bình nữ quyền da đen; phê bình sự mô tả phụ nữ trong nghệ thuật thị giác và văn chương; phụ nữ và văn hóa đại chúng; cuộc tranh luận về quyết định luận sinh học chống lại cấu trúc xã hội về giới; sự lưỡng tính (androgyny); văn hóa đồng tính nữ và truyền thống Có thể khẳng định các triết thuyết về nữ quyền hiện đại ở Hoa Kỳ đều bắt đầu từ những phong trào dân quyền, hòa bình và những phong trào phản kháng khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới Anh - Mỹ từng chứng kiến hai bước nhảy vọt chính của nữ quyền luận thế kỉ 20: thứ nhất là trong sự kết nối với cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử phổ thông, thứ hai là phát sinh từ những trào lưu chính trị lan rộng vào thập niên 1960 khi phụ nữ thức nhận rằng những mục đích của cánh tả mới đã không chú ý đến nguyện vọng của họ. Sự hình thành các nhóm phụ nữ diễn ra cùng mối quan tâm lớn dần về các vấn đề của phụ nữ, với lời kêu gọi cho bình đẳng tính dục và cho các khóa học về văn học nữ trong trường đại học. Nghiên cứu văn chương nữ quyền Anh - Mỹ đánh dấu qua các giai đoạn chính: thời kì đầu tác phẩm nhấn mạnh vào sự vắng mặt của phụ nữ trong điển phạm văn chương và nỗ lực khôi phục, thúc đẩy truyền thống văn chương nữ; tiếp đó là sự thực hành phê bình rộng rãi hoặc giải cấu trúc các mô tả về phụ nữ trong các văn bản tác giả là nam giới, rồi dẫn đến khuynh hướng tìm sự mô tả “chính xác” cho phép “tái cấu trúc” về phụ nữ. Các nghiên cứu này tiếp cận những vấn đề nữ quyền về giai cấp, chủng tộc và khuynh hướng giới tính. Cuối cùng, các nhà nữ quyền bắt đầu tham gia vào việc phê bình chính các thực hành của họ, cho thấy sự phát triển tích cực của việc tự nhận thức mang tính phê phán. Nicholas Davidson trong bài Lược sử về nữ quyền Hoa Kỳ (bản dịch của Hồ Liễu) cho rằng ở đất nước này đã từng biết hai làn sóng về nữ quyền. Làn sóng đầu tiên bắt đầu từ nửa sau thế kỉ 19 đến hết Thế chiến I và việc hội nhập quyền phụ nữ đầu phiếu vào Hiến pháp năm 1920. Làn sóng thứ hai bắt
- 48 đầu năm 1969 như một trong nhiều đám cháy rừng bừng bừng trong xã hội của thập kỉ sáu mươi và vẫn tiếp tục tới nay. Làn sóng thứ nhất, nữ quyền trong thế kỉ 19 là một “phó sản” (hoặc sản phẩm bất ngờ) của chủ trương bài nô (bãi bỏ chế độ nô lệ). Giai cấp trung lưu, da trắng, chủ yếu là phụ nữ miền Bắc Hoa Kỳ khi tham gia chiến dịch chống lại việc nô lệ hoá những người da đen miền Nam đã thấy rằng khả năng tham gia vào những sự kiện công cộng bị bó hẹp bởi những hạn chế áp đặt lên giới tính. Cùng với vài nhà lãnh đạo nam giới bài nô, hai trong những người phụ nữ bài nô này thảo ra một Bản tuyên ngôn Tình tự (Declaration of Sentiments) mô phỏng Bản Tuyên ngôn Độc lập. Nó được lấy làm niên đại khai sinh cho nữ quyền Hoa Kỳ từ việc công bố của bản tuyên ngôn này trong cái năm xuất hiện nhiều sự kiện 1848 (sự ra đời bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels, và nhiều cuộc cách mạng chính trị, xã hội ở châu Âu). Phong trào này quan tâm tới những đề xuất rộng rãi như quyền sở hữu cho phụ nữ và sự kiến thiết bình đẳng giới giữa những thành viên cấp tiến hơn của phong trào này. Đến thập niên 1890, phong trào đã trở thành tâm điểm thu hẹp hơn vào việc tranh thủ quyền bỏ phiếu cho phụ nữ Hoa Kỳ. Làn sóng thứ hai cũng xuất phát từ phong trào đòi quyền công dân. Phong trào này chủ yếu bao gồm các thành viên của giai cấp trung lưu, do vậy, đã tiếp nhận phần nào tinh thần nổi loạn của thanh niên thuộc tầng cấp trung lưu trong thập niên 1960. Đạo luật Quyền Công dân đã được thông qua và đem lại cho phụ nữ một công cụ pháp lý giá trị. Hệ thống pháp lí ở Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều quy định để bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1972, Quốc hội Mỹ đã bổ sung sửa đổi Hiến pháp, quy định “Quyền bình đẳng theo luật định sẽ không bị Hoa Kỳ hay bất kỳ bang nào trên đất nước Hoa Kỳ phủ nhận vì lý do giới tính”. Các tòa án cũng ra tay để mở rộng quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1973, Tòa án Tối cao đã thừa nhận phụ nữ có quyền phá
- 49 thai trong những tháng đầu mang thai. Tuy nhiên chung quanh năm 1969 tại Hoa Kỳ cũng ghi nhận những phong trào nữ quyền theo xu hướng bảo thủ, đối ngược. Một số nhóm cho rằng chính những yếu tố gọi là nữ quyền đã làm rạn nứt mối quan hệ gia đình, thể hiện ở tỉ lệ li dị của các cặp vợ chồng tăng cao, dẫn đến đời sống bất ổn của một lớp thanh thiếu niên. Họ giận dữ tin rằng phụ nữ đang bị lừa mất những thứ đúng là thuộc quyền của họ. Những nhà nữ quyền mới tin rằng họ có quyền, bổn phận, và khả năng để tái tạo những vai trò nữ giới “truyền thống”, hay thậm chí hoàn toàn định nghĩa lại phái nữ. Quả thực là vô cùng phức tạp! Đến Hemingway, nhân vật nữ trong tiến trình văn học Mỹ đã trải qua một chặng đường dài để hoàn thiện. Có thể thấy được dấu ấn nữ quyền trong sáng tác của nhiều tác giả văn học Mỹ, nó kết tinh trong hệ thống nhân vật nữ mà họ thể hiện cho dù các nhà văn có thực sự bị chi phối bởi hệ thống lí thuyết đó hay không. Nhiều nhân vật nữ trong các giai đoạn văn học trước hoặc cùng thời với Hemingway đã trở thành những hình tượng nghệ thuật điển hình. Có thể điểm qua một số nét lược sử như sau: Nhân vật nữ xuất hiện một cách “tròn vai” đầu tiên trong văn học Mỹ phải kể đến người vợ của Rip trong truyện ngắn Rip Van Winkle của Washington Irving (1789 -1851), người được mệnh danh là nhà văn Mỹ mang “chất” Mỹ đầu tiên của tân thế giới. Truyện ngắn này nằm trong cuốn Kí sự của Geoffrey Crayon, Quý ông (The Sketch Book of Geoffrey Crayon, Gent), được Irving viết trong khoảng thời gian từ 1819 - 1820. Điều đặc biệt là khi chế độ nô lệ đang còn tồn tại, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội gần như là con số không, Irving lại xây dựng nên một “mô hình ngược”: Nữ giới ở địa vị thống trị. Người vợ của Rip trong truyện ngắn này hiện lên đầy hung dữ, là cơn ác mộng không chỉ với Rip mà với nhiều người khác, kể cả những người đáng kính trong ngôi làng mà Rip ở. Mọi người đều bị bà ta “khủng bố” mà không
- 50 một ai có thể chống lại nổi. Sự dữ tợn của bà vợ Rip còn tác động khủng khiếp tới cả loài vật. Con Sói (tên con chó mà Rip nuôi), rất thân cận với Rip, là một con vật dũng mãnh nhưng mỗi khi bà vợ Rip nổi cơn tam bành thì nó cũng chẳng khác gì một con mèo hen. Chính vì vậy mà mong ước được thoát khỏi bà vợ luôn là một mong ước cháy bỏng trong con người Rip. Nếu xét trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ, với tư cách một người vợ, có lẽ vợ của Rip không có được một “quyền năng” như thế. Tuy nhiên đây là nhân vật biểu tượng và được khắc họa theo kiểu phóng đại của bút pháp lãng mạn. Trong cái nền truyện thấm đẫm chất lãng mạn bay bổng diệu kỳ, tác giả đặt vào một nhân vật quá ư trần tục nhưng chính vì vậy mà tác phẩm của ông trở nên sống và đời hơn. Khi xây dựng hình tượng nữ nhân vật này, có lẽ Washington Irving không có dụng ý về quyền phụ nữ. Cái mà nhà văn muốn thể hiện là ngụ ý phê phán xã hội. Người vợ của Rip như một biểu tượng cho một thế lực xấu xa. Nhiều ý kiến cho rằng Washington Irving muốn hướng tới nước Anh. Trong dáng vẻ của vợ Rip, nước Anh hiện lên như một mụ già lắm lời, khủng khiếp và đầy khủng bố. Tiếp nối là hình tượng nữ nhân vật trong các sáng tác của Nathaniel Hawthorne (1804 - 1864). Nhà văn này đã thể hiện một cách chân thực cuộc sống của người phụ nữ thời đó nhưng quan trọng hơn cả, ông đã thể hiện một quá trình vươn lên không mệt mỏi của những người phụ nữ để vượt qua những định kiến khắc nghiệt của xã hội. Tiêu biểu là nhân vật Hester Prynne trong tiểu thuyết Con chữ đỏ thắm (The Scarlet Letter). Hester Prynne là một người đàn bà xinh đẹp nhưng nàng lấy nhầm một gã chồng mọt sách, suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào sách vở, không ngó ngàng gì đến người vợ trẻ. Theo tiếng gọi con tim, nàng đã yêu và hiến thân cho một vị mục sư - Dimmesdale. Họ có con với nhau. Trước những luật lệ hà khắc, độc đoán, cùng với kế
- 51 hoạch trả thù thâm hiểm của người chồng, Hester Prynne đã phải chịu vô vàn cay đắng, tủi cực. Cô bị đưa lên đài bêu với một chữ A (Adultery - ngoại tình) màu đỏ đeo trước ngực. Sự việc sẽ là bi kịch nếu Hester Prynne cam chịu. Tuy nhiên cô không hề cam chịu. Hester Prynne sống một cách quyết liệt, ngoan cường với mục đích nuôi dạy con nên người. Mọi sự xa lánh, kỳ thị của xã hội không làm cho cô nao núng. Hester Prynne tự xác định cho mình một lối sống và cô tin vào đó. Bất chấp sự ghẻ lạnh của mọi người, cô vẫn sống một cuộc sống đàng hoàng, kiếm sống bằng chính bàn tay lao động của mình và sẵn sàng hòa đồng với mọi người xung quanh. Để sống, Hester Prynne với tài khâu vá của mình đã kiếm được rất nhiều tiền. Cô sẵn sàng giúp đỡ người khác. Thái độ sống của Hester dần thuyết phục được mọi người, kể cả những người ghét bỏ cô nhất. Mọi người dần yêu mến cô. Sự ghẻ lạnh với con chữ oan nghiệt kia dần được gỡ bỏ, đến mức mọi người xem đấy như là dấu hiệu thiêng liêng của thánh thần: "Tại nơi đó, ánh lên chữ A màu đỏ thêu trên ngực chị, với một nguồn an ủi toát ra từ những ánh sáng tự nhiên của nó. Ở mọi nơi khác, nó là biểu tượng của tội lỗi, còn ở đây nó là ngọn nến nhỏ trưng trong buồng người bệnh. Thậm chí nó còn rọi ánh sáng qua bên kia bờ vực của thời gian, trong khi người bệnh khổ đau lâm vào giờ phút tận cùng khắc nghiệt. Nó soi cho người ấy thấy chỗ đặt chân đi, trong khi mà ánh sáng của trần gian đang tối sập xuống và trước khi ánh sáng của cõi tương lai chiếu được đến kẻ lìa trần. Trong những tình huống khẩn thiết như vậy, bản chất của Hester Prynne bộc lộ ra nồng hậu và dồi dào tình cảm vô tận - một nguồn suối nhân tình hiền dịu, không bao giờ cạn đối với mọi yêu cầu chính đáng và không bao giờ biết mệt mỏi trước những đòi hỏi to lớn nhất. Bộ ngực mang dấu hiệu ô nhục chỉ còn là chiếc gối mềm dịu để kê đầu người bệnh cần chỗ gối êm" [12;131]. Đức cha Dimmesdale dẫu biết mình phạm tội tày trời trước Chúa và sự ăn năn sám hối có lớn đến mức nào đi nữa cũng không thể chuộc lỗi được