Khóa luận Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh

pdf 60 trang thiennha21 16/04/2022 4440
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_thoi_gian_va_khong_gian_nghe_thuat_trong_tieu_thuy.pdf

Nội dung text: Khóa luận Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN ====== NGUYỄN THẢO MY THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĐÔI BẠN CỦA NHẤT LINH KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam HÀ NỘI, 2018
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN ====== NGUYỄN THẢO MY THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĐÔI BẠN CỦA NHẤT LINH KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Người hướng dẫn khoa học TS. THÀNH ĐỨC BẢO THẮNG HÀ NỘI, 2018
  3. LỜI CẢM ƠN Em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy cô trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, khoa Ngữ Văn, tổ Văn học Việt Nam đã tạo điều kiện trong suốt thời gian em học tập và nghiên cứu tại trường. Đặc biệt em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo - TS. Thành Đức Bảo Thắng, người đã hướng dẫn, động viên và tận tình giúp đỡ em hoàn thành khóa luận này. Em xin chân thành cảm ơn! Hà Nội, ngày 1 tháng 5 năm 2018 Sinh viên Nguyễn Thảo My
  4. LỜI CAM ĐOAN Em xin cam đoan: Khóa luận “Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh” là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, có sự tham khảo ý kiến của những người đi trước, dưới sự giúp đỡ khoa học của TS. Thành Đức Bảo Thắng. Khóa luận không sao chép từ một tài liệu, công trình có sẵn nào. Hà Nội ngày 1 tháng 5 năm 2018 Sinh viên Nguyễn Thảo My
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Lịch sử nghiên cứu 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 6 4. Đối tượng nghiên cứu 6 5. Phạm vi nghiên cứu 6 6. Phương pháp nghiên cứu 7 7. Đóng góp của khóa luận 7 8. Cấu trúc khóa luận 7 NỘI DUNG 8 CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 8 1.1. Tác giả Nhất Linh và vị trí của tiểu thuyết Đôi bạn 8 1.1.1. Tác giả Nhất Linh 8 1.1.2. Vị trí của tiểu thuyết Đôi bạn 11 1.2. Thời gian và không gian nghệ thuật 13 1.2.1. Thời gian nghệ thuật 13 1.2.2. Không gian nghệ thuật. 20 1.3. Vai trò của thời gian và không gian nghệ thuật 29 CHƯƠNG 2. BIỂU HIỆN CỦA THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĐÔI BẠN CỦA NHẤT LINH 30 2.1. Biểu hiện của thời gian nghệ thuật 30 2.1.1. Thời gian hiện thực hàng ngày 30 2.1.2. Thời gian hồi tưởng 34 2.1.3. Thời gian tương lai 37
  6. 2.2. Biểu hiện của không gian nghệ thuật 40 2.2.1. Không gian đời thường 40 2.2.2. Không gian thiên nhiên 44 KẾT LUẬN 49 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1
  7. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 chịu sự tác động mạnh mẽ của hoàn cảnh xã hội, đã thay đổi nhanh chóng, toàn diện và hòa nhập được văn học hiện đại thế giới. Đây là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt của lịch sử văn học với sự ra đời của nhiều trào lưu, khuynh hướng, đa dạng và phong phú. Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học, đồng thời cũng là tổ chức văn hóa xã hội ra đời trong bối cảnh này. Với chủ trương, ý thức và khát vọng đổi mới (quan niệm nhân sinh, quan niệm xã hội, quan điểm thẩm mĩ), các nhà văn trong văn đoàn đã đẩy nhanh quá trình phát triển của văn học trên con đường hiện đại hóa. Khẳng định vai trò quan trọng của văn học lãng mạn nói chung và Tự lực văn đoàn nói riêng, trên Tạp chí Sông Hương số 37 (tháng 4 năm 1989) nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Nhóm Tự lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của văn học hiện đại”. [12, tr.74.]. Nghiên cứu về nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại với các yếu tố cấu thành, không thể không chú ý tới những thành tựu nghệ thuật quan trọng của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Hơn nữa, mỗi nhà văn trong văn phái lại có một giọng điệu riêng tạo nên một phong cách khác nhau. Các cây bút trong văn đoàn góp phần làm phong phú, đa dạng và phát triển nhanh chóng các thể loại văn xuôi nghệ thuật trong những năm 30 của thế kỉ XX. Chủ bút Nhất Linh là người có con mắt tinh đời, đã nhìn nhận và hướng mỗi tác giả trong văn đoàn trở thành một cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại. Khái Hưng, chuyển từ lối viết luận thuyết sang viết tiểu thuyết. Tú Mỡ chuyển sang làm thơ trào phúng. Trọng Lang phải là tác giả tiêu biểu cho phóng sự còn Thế Lữ phải là người mở đầu cho “thơ mới” Các tác phẩm của Nhất Linh đã thể hiện toàn diện đường lối cũng như tôn chỉ của văn phái, nhằm đổi mới văn chương và cải 1
  8. cách xã hội. Lựa chọn nghiên cứu tiểu thuyết của Nhất Linh là hướng đi đúng đắn để hiểu hơn về tác phẩm, tác giả và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. 1.2 Như chúng ta đã biết, tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XX mang hơi thở của thời đại mới. Để đạt được thành tựu đó chính là nhờ có sự giao lưu văn hóa phương Tây, phương Đông và sự kết tinh của hơn mười thế kỉ văn học dân tộc. Sau 1932, tiểu thuyết ở Việt Nam phát triển mạnh. Các nhà văn tiến bộ chủ trương cải cách xã hội, hạ bệ chế độ đại gia đình, mê tín dị đoan, đạp tan luân lí Khổng Mạnh. Nhất Linh cũng từng du học ở phương Tây nên sự ảnh hưởng này rất rõ ràng. Qua các nhân vật, nhà văn đã thể hiện khát vọng tự do cá nhân của mình, vì vậy cuộc đấu tranh cũ - mới diễn ra rất quyết liệt. Đôi bạn đặt một cột mốc quan trọng trong tiến trình tư tưởng và nghệ thuật của Nhất Linh. Đôi bạn cùng với Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Bướm trắng đã góp phần khẳng định giá trị tiểu thuyết của Nhất Linh. Ngôn ngữ trong tác phẩm nhẹ nhàng, giản dị, trong sáng, từng được đánh giá cao. Xuất phát từ thực tế đó, nghiên cứu về đề tài Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh để thấy rõ tài năng, vị trí, của ông trên con đường hiện đại hóa văn học. Đồng thời cho thấy sự thay đổi về tư tưởng cũng như nghệ thuật viết tiểu thuyết của ông. 1.3 Tìm hiểu về Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh không những thấy được tâm huyết, tài năng của tác giả mà giúp cho người viết rèn luyện ý thức tự chủ, khả năng nghiên cứu văn học và xử lí kiến thức trong bước đầu nghiên cứu khoa học. Đây là một công việc cần thiết với một người học văn và một giáo viên tương lai. 2. Lịch sử nghiên cứu 2.1. Tình hình nghiên cứu về thời gian và không gian nghệ thuật Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, thời gian và không gian bên cạnh việc cho thấy cách nhìn, cách đánh giá của tác giả về vũ trụ, về con người đồng thời còn được xử lí “như một hình thức để kiến tạo nên tác phẩm cụ thể” 2
  9. [34, tr.87]. Lí thuyết thi pháp học hiện đại cho rằng “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật” [6, tr.322]. Và không gian nghệ thuật là bối cảnh để các nhân vật trong tác phẩm xuất hiện. Thời gian và không gian nghệ thuật tựu chung lại trong tác phẩm ngôn từ, qua đó cho thấy điểm nhìn mà tác giả lựa chọn để sáng tác đồng thời hé mở tư duy cá nhân của tác giả. Pospelov khẳng định: “Văn học nghệ thuật thì trái lại chủ yếu thể hiện các quá trình đời sống diễn ra trong thời gian, tức là hoạt động sống của con người gắn liền với chuỗi cảm thụ, suy nghĩ, ý định, hành vi, sự kiện”. Quan niệm của Pospelov đã cho rằng thời gian trong văn học là một hiện tượng khách quan mà con người sống, hành động, thể hiện tâm trạng, suy nghĩ trong khoảng thời gian đó. Ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã mở ra hướng nghiên cứu mới cho thi pháp học. Trong công trình Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Trần Đình Sử đã nói đến thời gian và không gian nghệ thuật như sau: - “Khó mà hiểu được con người nếu không hiểu được không gian tổn tại của nó” [27, tr.178]. - “ ý thức về thời gian là ý thức về sự tồn tại của con người, phát hiện về thời gian giúp người ta nhận thức sâu hơn về cuộc sống” [27, tr.208]. Trong thời buổi hiện đại, thời gian và không gian nghệ thuật tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu nó như một hướng đi mở ra cách tiếp cận tác phẩm từ góc độ thi pháp học, giúp độc giả đón nhận tác phẩm đa chiều hơn. 2.2. Một số ý kiến về tiểu thuyết Nhất Linh Mấy năm qua trong trào lưu đổi mới, một số vấn đề tác giả trong giai đoạn 1932 - 1945 cũng được bàn nhiều trong đó có nhóm Tự lực văn đoàn và Nhất Linh. Song mới chỉ nghiên cứu phần lớn ở vấn đề tác giả và hình tượng nhân vật. Với tiểu thuyết Đôi bạn, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về tác 3
  10. phẩm, thời gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm này vẫn chưa được phân tích, đánh giá cụ thể. Ở bài nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra đưa ra những đánh giá nổi bật về tiểu thuyết của Nhất Linh. Trước năm 1945 Nhất Linh được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến với tư cách là một nhà cải cách xã hội theo xu hướng dân chủ tư sản, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, chính trị, văn học. Tiêu biểu như các bài nghiên Dưới mắt tôi (1939) (Trương Chính), Việt Nam văn học sử yếu (1942) (Dương Quảng Hàm), Nhà văn hiện đại, tập 2 (1942) (Vũ Ngọc Phan), Thời kì này giới nghiên cứu đề cao sáng tác của Nhất Linh. Các tác phẩm của Nhất Linh với tư tưởng chống lễ giáo phong kiến, chống hủ tục lạc hậu, đòi giải phóng cá nhân. Vì vậy tiểu thuyết của ông được đánh giá là tiến bộ về tư tưởng, đổi mới ở ngôn từ, lời văn. Trần Thanh Mại đã dành lời khen cho Nhất Linh: "Văn tài uyển chuyển, mạnh mẽ, không có chỗ nào đáng bỏ, không có chỗ nào phải thêm" trên tạp chí Sông hương (1937). Khẳng định về những giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm của Nhất Linh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã phát biểu: "Nếu đọc Nhất Linh từ Nho phong cho đến những tiểu thuyết gần đây nhất của ông người ta thấy tiểu thuyết của ông biến đổi rất mau. Ông viết từ tiểu thuyết tình ái, tiểu thuyết tình cảm, qua đến tiểu thuyết luận đề, đến tiểu thuyết tâm lí, sự tiến hóa đấy chứng tỏ rằng mỗi ngày ông muốn đi sâu vào tâm hồn con người ta" [23, tr. 234]. Với tác phẩm Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Nguyễn Lương Ngọc khẳng định: "Cũng như phần nhiều tác phẩm của ông, cái tiểu thuyết mới này cũng là một luận đề tiểu thuyết. Nghĩa là nó vẫn đề xướng một vấn đề triết lí, xã hội, vẫn muốn đánh đổ một quan niệm mà hoài bão một quan niệm khác. Ông Nhất Linh đã tự gánh vác cái trọng trách của một nhà cải tạo xã hội, và sao ta lại chẳng dám nói đứt đi cho rồi – ông đã là một nhà cách mệnh" [11, tr.50]. 4
  11. Sau năm 1945, có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm hơn tới các sáng tác của ông, đặc biệt là tiểu thuyết. Có thể kể đến công trình nghiên cứu: Lược thảo lịch sử của văn học Việt Nam tập 3 (từ giữa thế kỉ XX đến năm 1945, 1957) (Lê Quý Đôn), Bài giảng về Tự lực văn đoàn (1958) (Nguyễn Văn Xung), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 3 (1960) (Phạm Thế Ngũ), Văn học Việt Nam 1930 – 1945, tập 1 (1961) (Bạch Năng Thi - Phan Cự Đệ), Những đóng góp của Tự lực văn đoàn cho văn xuôi Việt Nam hiện đại (1997) (Trịnh Hồ Khoa) đã đánh giá đúng đắn về những đóng góp mới của tiểu thuyết Nhất Linh cho văn xuôi nước nhà. Tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh được nghiên cứu, đánh giá chủ yếu ở giai đoạn này. Nhận xét về đổi mới nghệ thuật của nhóm Tự lực văn đoàn có ý kiến cho rằng: "Với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, cả một thế giới tâm tình trước kia hé mở một cách rụt rè, e lệ, bây giờ mới được phơi bày, mổ xẻ tinh vi" [4, tr.296] mà Nhất Linh là người có công đi đầu. Khi so sánh Nhất Linh với Khái Hưng, Nguyễn Văn Xung phát biểu: "Nhất Linh không phải tả cảnh như Khái Hưng nhưng để móc vào đấy những biến đổi uyển chuyển trong nhân vật" [32, tr.65] (Bình giảng về Tự lực văn đoàn). Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét: "Chính vì những cái đó mà nghệ thuật, kĩ thuật tiểu thuyết Đôi bạn có tính mới mẻ khác hẳn trước, điềm tĩnh mà tinh tế, nhiều dư vị" (Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945). Với giáo sư Phan Cự Đệ, khi viết lời giới thiệu cho tiểu thuyết Đôi bạn đã nhận xét: "Ở tiểu thuyết Đôi bạn luận đề xã hội được trình bày một cách nhuần nhụy, kín đáo hơn, ngòi bút của Nhất Linh tinh tế đi sâu vào thế giới nội tâm bên trong của con người. Tuy nhiên cả Đoạn tuyệt và Đôi bạn đều là những cuốn tiểu thuyết lãng mạn tiến bộ, các tác phẩm trong sáng nhất trong cả quãng đời sáng tác của Nhất Linh" [15, tr.3]. Hơn nửa thế kỉ qua, việc đánh giá tiểu thuyết Nhất Linh là một quá trình phức tạp, nhưng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu mới đi dần 5
  12. đến sự xứng đáng hơn với đóng góp của ông. Các tác phẩm mà Nhất Linh để lại ngày càng làm giàu thêm cho nền văn học nước nhà. Với tác phẩm Đôi bạn, Nhất Linh đã mở ra bước ngoặt về việc khắc họa thời gian, không gian nghệ thuật bằng ngôn từ trong sáng, giản dị, giàu chất thơ. Không – thời gian đã giúp cho nhân vật thể hiện tâm trạng, cảm xúc của mình chứ không đơn thuần chỉ là thế giới để nhân vật tồn tại nữa. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi tiếp tục bổ sung, tiếp tục đi sâu nghiên cứu để hoàn thành đề tài và khẳng định tiếng nói của tác giả. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Trong thời đại hiện nay, Tự lực văn đoàn cũng như văn học lãng mạn được nghiên cứu nhiều hơn. Việc nghiên cứu Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh đã cho thấy được tài năng, đóng góp của Nhất Linh cho văn học và giá trị trong các tác phẩm của ông. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Ở đề tài này, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu và tìm hiểu + Cơ sở lí luận cho việc tìm hiểu Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh. + Khảo sát Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh. + Phân tích, đánh giá hiệu quả của Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh. 4. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là toàn bộ Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh. 5. Phạm vi nghiên cứu Trong đề tài này, chúng tôi tìm hiểu tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh. Song trong quá trình thực hiện để thấy được sự độc đáo, sự vận động có tính 6
  13. qui luật trong tư tưởng, nghệ thuật một cách khách quan, khoa học, chúng tôi so sánh với các tác phẩm khác của Nhất Linh, một số tác giả cùng trào lưu, hoặc tác phẩm trong giai đoạn văn học trước 6. Phương pháp nghiên cứu Chúng tôi đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: 6.1. Phương pháp lịch sử - xã hội 6.2. Phương pháp phân tích 6.3. Phương pháp so sánh đối chiếu 6.4. Phương pháp tổng hợp 7. Đóng góp của khóa luận Kế thừa các thành tựu về thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết. Qua đó, tìm hiểu thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đôi bạn, chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé vào việc tìm hiểu, nghiên cứu thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết nêu trên, xem nó như một thành phần quan trọng của toàn bộ hệ thống tác phẩm của Nhất Linh + Kết quả của việc nghiên cứu khóa luận giúp ích cho việc học tập và giảng dạy về tác phẩm văn học lãng mạn. + Có thể vận dụng kết quả nghiên cứu vào trong quá trình giảng dạy các tác phẩm văn học, đặc biệt là trong các sáng tác của Nhất Linh nói riêng và nhóm Tự lực văn đoàn nói chung. 8. Cấu trúc khóa luận Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, khóa luận gồm hai chương CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CHƯƠNG 2. BIỂU HIỆN CỦA THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĐÔI BẠN CỦA NHẤT LINH 7
  14. NỘI DUNG Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Tác giả Nhất Linh và vị trí của tiểu thuyết Đôi bạn 1.1.1. Tác giả Nhất Linh Nhất Linh tên khai sinh là Nguyễn Tường Tam, sinh ngày 25/7/1906 tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nguyên quán của ông là làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Gia đình ông có bảy anh em (sáu trai, một gái). “Ông nội Nhất Linh là Nguyễn Tường Tiếp, làm tri huyện Cẩm Giàng, gọi là Huyện Giám, rồi về hưu tại đây. Cha ông là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu) làm Thông phán, nên được gọi là Thông Nhu, hay Phán Nhu. Gia đình Nguyễn Tường Tam sống ở một huyện lị nhỏ, huyện Cẩm Giàng”. Cha mất sớm, gia đình Nhất Linh trở nên khó khăn. Do được tiếp xúc với cảnh bùn lầy nước đọng, nghèo cùng của nông dân, điều đó đã ảnh hưởng lớn đến các sáng tác của Nhất Linh và Thạch Lam sau này. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Cẩm Giàng, học trung học tại trường Bưởi ở Hà Nội. Bên cạnh đó, Nhất Linh cũng từng tham gia hoạt động chính trị. Ngoài năng khiếu về hội họa, là người rất yêu thích văn chương nên ngay từ năm 16 tuổi, ông đã có thơ đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi ông có bài "Bình Luận Văn Chương về Truyện Kiều" trên Nam Phong tạp chí. Nguyễn Tường Tam từng làm thư kí tại sở tài chính Hà Nội. Tại thời điểm này ông đã viết tiểu thuyết Nho phong, tác phẩm Thôn dã, Hai chị em, Người quay tơ. Sau khi bỏ làm thư kí, năm 1924, ông quay lại học ngành Y và Mỹ thuật, nhưng chỉ một năm rồi lại bỏ. Năm 1927, ông du học Pháp rồi lấy bằng Cử nhân khoa học Giáo khoa. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu nghiên cứu về chính trị, ấn loát, bào chế, hội họa. Đến năm 1930, ông về nước, cùng với hai người em của mình là Hoàng Đạo 8
  15. và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng Tiếng cười, nhưng vì chưa có giấy phép nên bị rút. Từ năm 1930 đến năm 1932 ông dạy ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long và cơ hội làm quen với Trần Khánh Dư – Khái Hưng. Năm 1932, Nhất Linh mua lại tờ tuần báo Phong Hóa, trở thành Giám đốc kể từ số 14. Bắt đầu từ 22/9/1923 báo Phong hóa ra tám trang lớn, chú trọng về văn chương, xây dựng nhân vật điển hình: Xã Xê, Lý Toét và Bang Bạch. Nhất Linh đã chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích các hủ tục phong kiến, hô hào “Âu hóa”, đề cao chủ nghĩa cá nhân. Cũng vào năm 1932, nhóm Tự Lực văn đoàn được thành lập trên nguyên tắc "dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà. Tổ chức không quá 10 người để không phải xin phép Nhà nước, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích tôn chỉ, anh em tự nguyện tự giác noi theo". Về sau, tổ chức này tuyên bố thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1934 (báo Phong Hóa số 87). Trong bài viết “Nhìn nhận về tiểu thuyết Nhất Linh hơn nửa thế kỉ qua”, Vũ Thị Khánh Dần khẳng định vai trò của Nhất Linh: “Nhất Linh là người khởi xướng và lãnh đạo Tự lực văn đoàn. Sáng tác của ông thể hiện rõ rệt đường lối văn đoàn, nhằm đổi mới văn chương và góp phần cải cách xã hội” [3, tr.1]. Với loạt bài Đi xem mũ cánh chuồn châm biếm Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, tháng 6 năm 1935, báo Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng. Phong Hóa tiếp tục cho in ấn các bài báo trong hơn một năm nữa, nhưng rồi sau cũng đóng cửa vĩnh viễn. Tờ tuần báo Ngày nay kế tiếp tờ báo Phong hóa. Tuy vậy, Nhất Linh cùng nhóm Tự Lực văn đoàn vẫn phát động phong trào Ánh Sáng, chống lại các nhà ổ chuột ở khu lao động. Ngoài văn chương, Nhất Linh còn hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Năm 1939, ông thành lập Đảng Hưng Việt, sau đổi tên là Đại Việt Dân chính Đảng. Nhóm Tự Lực văn đoàn hoạt động chống Pháp công khai. Đến tháng 9 9
  16. năm 1941, sau khi ra số 224, báo Ngày nay bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu bị đi tù mấy tháng. Từ năm 1945 – 1948, ông tiếp tục hoạt động chính trị, sau đó trong nước xảy ra một vài biến cố nên tờ báo Ngày nay bị phân tán, ông bỏ sang Trung Quốc 4 năm. Năm 1951, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội và tuyên bố không thuộc đảng phái nào, cũng không hoạt động chính trị nữa. Năm 1953, ông về Đà Lạt ở ẩn. Năm 1958, ông về Sài Gòn cho ra mắt tờ báo Văn hóa ngày nay, nhưng chỉ phát hành được 11 số thì bị đình chỉ. Ngày 11/11/1960, Nhất Linh bị chính quyền Ngô Đình Diêm gọi ra xử vì dính líu tới cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Trước ngày bị xử (8/7/1963), ông đã phản ứng bằng cách tự tử ngày 7/7/1963 để lại di chúc như sau: "Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả Tôi tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.” (7.7.1963 Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam). Nhất Linh - một con người có nhân cách, ông rất giản dị và khiêm tốn. Ông sống rất nhiệt thành và là một con người đa năng, đa tài. Cuộc đời ông có năm cái “sĩ” (văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhàn sĩ) và một cái “sĩ” mà có lẽ ông hãnh diện nhất là hàn sĩ! Ông sống nghèo, trong sạch, và rất kiêu hãnh về điều này. Là một trong những cây bút nòng cốt của nhóm Tự Lực Văn đoàn, văn chương của Nhất Linh là sự pha trộn hài hoà giữa văn phong lãng mạn với những đề tài đậm màu sắc hiện thực và mang tính thời đại. Điều này thể hiện rất rõ qua tiểu thuyết Đôi bạn. Trong suốt mười bốn năm sáng tác, các tác phẩm mà Nhất Linh để lại cho nền văn học Việt Nam khá lớn và nổi bật: Nho phong (1924), Người quay tơ (1926), Gánh hàng hoa (1934 – viết cùng Khái Hưng), Đời mưa gió (1934 – viết cùng Khái Hưng), Nắng thu (1934), Đoạn tuyệt (1934 – 1935), Đi Tây (1934 -1935), Lạnh lùng (1935 – 1936), Hai buổi chiều vàng (1934 – 1937), 10
  17. Đôi bạn (1936 – 1937), Bướm trắng (1938 – 1939), Xóm cầu mới (1949 – 1957), Viết và đọc tiểu thuyết (1952 – 1961), Giòng song Thanh Thủy (1960 – 1961) Trong cuộc đời mình, Nguyễn Tường Tam say mê hoạt động chính trị cũng như say mê sáng tác văn chương nghệ thuât. Tuy nhiên, đúng như di chúc Nhất Linh để lại, đời ông lịch sử đã phán xét. Thế nhưng ông đã nhận ra rằng: trong cuộc đời của mình, Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi làm chính trị, chỉ còn một nhà văn Nhất Linh sống mãi trên văn đàn Việt Nam. Cuộc đời Nguyễn Tường Tam trải qua nhiều thăng trầm song ông đã đạt được những thành công nhất định. Đặc biệt ông là người thành lập ra nhóm Tự lực văn đoàn. Những đóng góp của ông và văn đoàn có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với xã hội mà còn với văn học. Đó là những đóng góp vào việc cải tạo xã hội, xóa bỏ những cái cũ, lạc hậu, giải phóng phụ nữ, và phát triển phong trào thơ mới, đổi mới văn học. “Qua Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, chúng ta hãnh diện thấy tiếng Việt có đủ khả năng diễn tả thơ ca (văn vần) đến chỗ trác tuyệt, thì qua các tác phẩm của Tự lực văn đoàn mà công đầu là Nhất Linh đã chứng tỏ rằng tiếng Việt cũng có đủ khả năng diễn đạt văn xuôi đến chỗ hoàn mĩ.” 1.1.2. Vị trí của tiểu thuyết Đôi bạn Đôi bạn đã đặt một cột mốc quan trọng trong tiến trình tư tưởng và nghệ thuật của Nhất Linh. Mở ra từ tác phẩm, không phải ý hướng xã hội nhiều tham vọng và hứa hẹn, văn chương Nhất Linh đã dấn sâu hơn vào con đường hiện đại hóa, khi đào sâu vào ngõ ngách tâm hồn con người, mẫu người cá nhân cá thể đang tự định vị trong xã hội thị dân hiện đại. Đôi bạn là một truyện tình được viết với một nghệ thuật rất cao. Tác phẩm không trông cậy vào cốt truyện li kì, tình tiết lâm li để lôi cuốn người đọc như loại tiểu thuyết tình trước đó kiểu Tuyết hồng lệ sử, Vân lan nhật ký (Từ Trẩm Á), Lan 11
  18. và Hữu (Nhượng Tống). Nhất Linh cũng không hề triết lí về ái tình như Lê Văn Trương, mà ông đã tốn nhiều bút mực tả những cảm xúc, những diễn biến tâm lí một cách tinh tế của đôi lứa trong một cuộc tình đơn sơ, câm nín nhưng chân thật. Có thể nói tác phẩm là một thiên tâm lí ái tình xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Đọc Đôi bạn độc giả ít nhiều bắt gặp cảm xúc của chính mình khi dấn thân vào mối tình đầu. Nhất Linh đã tận dụng thuật dùng cảnh để tả tình. Những cảnh rất đơn sơ nhưng khắc họa tình cảm của nhân vật. Đôi bạn còn là một tác phẩm ghi dấu đỉnh cao đổi mới của văn học lãng mạn Việt Nam trước 1945, giúp cho Tự lực văn đoàn từ một nhóm phái văn nghệ trở thành diễn đàn trung tâm của cải biến văn hóa một thời nhưng rồi từng bước, văn chương trở thành đích đến của họ và nơi chốn mà họ thuộc về. Như là cách thức kiến tạo căn cước, và như là ký ức văn hóa về thế hệ trí thức Tây học đầu tiên tìm lẽ hành tàng giữa giao thời Á – Âu của dân tộc chứng nghiệm rõ rệt quá trình thuộc địa hóa đồng thời với quốc tế hóa. Tác phẩm được Nhất Linh viết năm 1938 và hoàn thành vào năm 1939, đây là thời điểm mà văn học lãng mạn đã thoái trào, nhường chỗ cho nền văn học hiện thực phê phán phát triển. Tìm thấy và khẳng định cảm quan thế giới trong văn học, bước ngoặt mà Đôi bạn tạo cho Tự lực văn đoàn và văn học hiện đại Việt Nam là hết sức ấn tượng. Ở Đôi bạn đã mở ra khát vọng ra đi, vươn tới thế giới hoàn toàn tự do của con người. Tác phẩm không chỉ là bức tranh xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ qua góc nhìn của một người trẻ. Đó còn là hành trình đoạn tuyệt với cái cũ để đến với cái mới của tầng lớp thanh niên tiến bộ, mà tiêu biểu ở đây là Dũng. Những tư tưởng tiến bộ ấy của Dũng còn được thể hiện rất rõ trong tình yêu (được gia đình mai mối với Khánh – cô tiểu thư danh giá nhưng Dũng lại một mực muốn theo đuổi Loan, người con gái đã làm trái tim chàng rung động). Đó là khát khao tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân cũng là một 12
  19. trong những tư tưởng mà Nhất Linh muốn đề đạt. Vì lí tưởng và khát khao tự do, Dũng đã từ bỏ tất cả, bỏ Loan ở lại. Sự ra đi không chỉ là hành động thể hiện tư duy tiến bộ của tầng lớp thanh niên thời đại mới mà nó còn thể hiện tính đột phá trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của Nhất Linh. Nhân vật của ông coi trọng tình yêu nhưng không coi tình yêu là tất cả như những nhân vật trong dòng tiểu thuyết lãng những năm 1930. Đôi bạn là sự tiếp nối hoàn hảo của Đoạn tuyệt về mặt tư tưởng. Nhân vật Loan (Đoạn tuyệt) hay nhân vật Dũng (Đôi bạn) đều đại diện cho tầng lớp thanh niên thế hệ mới với nhiều tư tưởng tiến bộ mang tính cách tân. Ở cả hai tác phẩm đều thể hiện rõ nét sự xung đột tư duy cũ - mới và quyết tâm đứng về phía cái mới của tác giả. Bản thân Nhất Linh cũng là cử nhân được đào tạo ở Pháp, được tiếp xúc nhiều với nền văn minh dân chủ phương Tây nên ông dùng văn chương để cổ vũ những cách tân tư tưởng quan trọng này. Cuộc xung đột này không chỉ xảy ra trong thời điểm mà Nhất Linh đang sống mà dường như nó là vấn đề của mọi thời đại. Bởi vì thế, câu chuyện về các tác giả trong Tự lực văn đoàn và các sáng tác của họ dường như luôn còn mới mẻ. 1.2. Thời gian và không gian nghệ thuật 1.2.1. Thời gian nghệ thuật 1.2.1.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật Trong một tác phẩm nghệ thuật con người luôn tồn tại, vận động trong không gian và thời gian. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng có một điểm nhìn nhất định. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật.” [6, tr.322]. “Khác với thời gian khách 13
  20. quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát lại vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp đi lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác tạo nên nhịp điệu tác phẩm” [6, tr.322]. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật có thể nhanh (khi nhà văn miêu tả diễn biến các sự kiện) hoặc chậm (khi nhà văn miêu tả chi tiết thiên nhiên, tạo vật, ), thậm chí có lúc thời gian như ngưng đọng. Thông qua thời gian nghệ thuật, con người có những cảm nhận khác nhau về thế giới. Có những tác phẩm thời gian gắn liền với các sự kiện, biến cố như cổ tích; có thể dựa theo dòng tâm lí nhân vật (tiểu thuyết). Có tác phẩm chỉ nói đến thời gian quá khứ, tương lai, có tác phẩm thời gian lại trải đều trong các sự kiện, hoặc gắn với sự vận động của thời đại, lịch sử. Ở mỗi thời kì con người lại có sự cảm thụ khác nhau về thời gian, đồng thời cho thấy sự cảm thụ của tác giả về sự tồn tại của con người trong thế giới. Trong văn học, thời gian là một chi tiết nghệ thuật để nhà văn miêu tả đời sống, con người, thông qua đó cho thấy cách thức tư duy của tác giả. Bằng những cách thức khác nhau văn học lại có những kiểu thời gian nghệ thuật khác nhau. Trong công trình Thi pháp thơ Tố Hữu, Giáo sư Trần Đình Sử đã khẳng định: “thế giới nghệ thuật trong văn học không phải giản đơn chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm” [27, tr.190]. Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, có thể coi nó là cơ sở thuận tiện cho việc nghiên cứu, phân tích tác phẩm văn học, đặc biệt cho thấy tài năng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của nhà văn. 14
  21. 1.2.1.2. Cấu trúc và biểu hiện của thời gian nghệ thuật a, Thời gian được trần thuật Thời gian được trần thuật là thời gian của các sự kiện được miêu tả trong tác phẩm nghệ thuật. Thời gian hiện lên qua sự vận động của tự nhiên (các buổi trong ngày, các mùa trong năm), lề lối sinh hoạt (các ngày lễ hội, các phiên chợ ), qua các giai đoạn trong đời người (sinh, lão, bệnh, tử), trong đời sống chính trị. Những biến đổi gợi ra những viễn cảnh, gây chờ đợi càng tạo thêm cảm xúc thời gian nhanh chậm. Khi sự kiện xong xuôi, không có cơ hội phát triển, không gây chờ đợi thì thời gian dừng lại. Nếu thời gian hiện thực tính bằng lịch, niên đại, thì thời gian tâm tưởng được tính bằng các sự kiện, các biến đổi (biến cố). Thời gian nghệ thuật được cảm nhận bằng con tim, bằng cảm giác, cảm xúc chủ quan của chủ thể, đối tượng tiếp nhận. Khi vui sướng, hạnh phúc con người cảm thấy thời gian thật ngắn ngủi: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang Trông ra ác đã nhậm gương non đoài.” (Truyện Kiều – Nguyễn Du) Hay khi nhớ nhung, chờ đợi, thì thời gian dài đằng đẵng: “Nhưng rồi người khách tình xuân ấy Đi biệt không về với bến sông Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.” (Cô lái đò – Nguyễn Bính) Vì thế, không ít nhà thơ, nhà văn của chúng ta rất sợ thời gian qua nhanh mà chưa được tận hưởng trọn vẹn vị ngọt cuộc đời. Tiêu biểu, Xuân Diệu là người luôn khát khao được yêu, được đắm mình trong tình yêu nên ông đã từng lo sợ, thảng thốt trước cảm giác ngắn ngủi của thời gian: 15
  22. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm Em vui đi, ráng nở ánh trăng rằm Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ! Em, em ơi, tình non sắp già rồi ” (Giục giã) Đó là trong thơ trữ tình. Trong văn xuôi tự sự thời gian tâm lí hiện lên qua những cung bậc cảm xúc của con người. Quá khứ hay tương lai đều hiện lên trong cái thực tại bởi quá khứ là tiền đề để dẫn đến kết quả của ngày hôm nay và cái hôm nay sẽ dự báo ngày mai. Trong Đôi bạn của Nhất Linh, thời gian tâm lí hiện lên rất rõ rệt qua các nhân vật Dũng, Loan Chúng ta thấy khoảng thời gian Dũng, Loan và các bạn sang nhà Cận chơi, họ vui vẻ biết chừng nào “Từ sáng, Loan làm những việc lặt vặt ấy giúp cụ Chánh một cách vui vẻ. Nàng tự nhiên thấy sung sướng vẩn vơ. Đời đối với nàng lúc đó đẹp quá, nên chưa chi nàng đã thấy cái lo sợ ngày chóng hết.” [17, tr.34]. Có thể nói, đó là chuỗi ngày êm đềm, vui vẻ, trong sáng đối với Dũng và Loan. Hay thời gian tương lai tươi đẹp cũng là biểu hiện của thời gian được trần thuật, ở đó tác giả đã gửi gắm ước mơ, niềm tin vào tương lai phía trước. Trong Đoạn tuyệt, chi tiết Loan đồng ý lấy Thân là chi tiết nghệ thuật biểu hiện cho thời gian tương lai, ở đây là một thời gian tương lai bế tắc, sầu muộn, chán chường của Loan. Bên cạnh đó, thời gian được trần thuật còn có thể là cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi thời gian quá khứ được miêu tả đan cài với thời hiện tại, đó là thời gian hoài niệm. Chắc hẳn đó là một quá khứ tươi đẹp nên con người mới nuối tiếc, mới hoài niệm, muốn níu kéo quá khứ và mong muốn giữ lại nó ở thì hiện tại. Còn ở thời hiện tại, cuộc sống của con người không như mong muốn vì vậy dự báo cho bạn đọc thấy một tương 16
  23. lai ảm đạm, lu mờ. Tuy nhiên, có những lúc thời gian hồi tưởng lại là những dĩ vãng đau buồn, bế tắc và thời gian hiện tại lại tươi đẹp. Những đau khổ trong quá khứ sẽ khiến con người cố gắng hết mình để có được cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Ngoài ra, thời gian đồng hiện cũng được điểm qua. Quá khứ, hiện tại, tương lai được miêu tả lồng ghép và cùng hiện lên ở hiện tại. Loại thời gian nghệ thuật này đã tạo nên tính phức điệu của tác phẩm. Ở loại thời gian này có mối quan hệ chằng chịt, lộn xộn với nhau làm cho người đọc khó có thể cảm nhận được nó một cách toàn diện. Trong văn chương, thời gian có thể hiện lên qua các trạng từ chỉ thời gian “ngày xửa ngày xưa”, “dạo ấy”, “cách đây không lâu” cùng với những từ ngữ chỉ các đoạn thời gian, cách tính thời gian hay hiện lên qua các dấu hiệu chỉ thời gian (đời người, các mùa, ). Đó không chỉ là những cách biểu thị thời gian, mà còn là cách hiểu thời gian của tác giả, cho thấy khả năng sáng tạo của nhà văn. Thời gian nghệ thuật có nhiều màu sắc, cách biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thể loại, thời kì văn học và quan niệm của tác giả. b, Thời gian trần thuật “Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể Nó có thể sắp xếp lại trật tự thời gian của sự việc vào trật tự trước sau của nó. Nó có thể đem cái xảy ra sau kể trước và ngược lại, đem cái xảy ra trước kể sau” [29, tr.65]. Thông qua thời gian trần thuật cho thấy khả năng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thời gian không chỉ là một cái phông nền để nhân vật hiện lên, chính thời gian đã là một đề tài lớn của văn học để các tác giả thỏa sức sáng tác. Tác giả có thể miêu tả thời gian dài hay ngắn, hoặc cũng có thể chỉ tái hiện lại những khoảnh khắc nhất định trong những tháng năm không thể quên. Các tác giả cảm nhận những sự kiện, những biến cố trong cuộc sống rồi đưa vào văn học tạo thành thời gian trần thuật. Thời gian được trần thuật là 17
  24. một hiện tượng vô hạn, liên tục, nhưng thời gian trần thuật thì có mở đầu, có kết thúc. Người ta có thể miêu tả thời gian đúng như tiến trình tự nhiên khách quan của nó, nhưng người ta cũng có thể miêu tả các đoạn thời gian cách quãng (bỏ qua những khoảng cách lớn về thời gian giữa các lớp, các màn kịch hoặc giữa các chương tiểu thuyết). Sự khác nhau giữa thời gian nghệ thuật trong văn học với thời gian thực tại (vật lí) ở chỗ thời gian nghệ thuật là cảm nhận của con người, tùy vào tâm trạng con người mà thời gian nhanh hay chậm. Thời gian nghệ thuật không chỉ được tạo thành bởi các quan hệ các sự kiện, các đoạn thời gian của sự kiện mà còn được tạo thành bởi sự tương quan của thời gian trần thuật. Thời gian trần thuật không có nhịp độ riêng: nhanh, chậm hay ngừng trôi đó chỉ là cảm giác chủ quan của con người. Theo Lê Thị Tuyết Hạnh: “Truyện xét về mặt sự kiện bao giờ cũng được xem là kết thúc, là đã thuộc về quá khứ so với hành vi kể (hành vi trần thuật). Do vậy, truyện bao giờ cũng là những truyện được kể lại. Rõ ràng phải có một người kể, một thời gian kể tồn tại để làm nên truyện. Thời gian người kể thực hiện hành vi kể chuyện, kể lại câu chuyện cho tất cả các thính giả hoặc độc giả của mình (tức là thời gian nói hoặc viết)” [7; tr.36]. Vì vậy, thời gian trần thuật không đảo ngược chỉ có một thời gian ở hiện tại, đó là thời gian nhà văn bỏ ra kể một câu chuyện mà bản thân sự kể chuyện đã là một nghệ thuật. Tuy việc trần thuật là không có nhịp độ, nhưng trong từng tác phẩm cụ thể, ta cũng dễ dàng nhận ra nhịp độ thời gian có lúc nhanh lúc chậm, lúc đều đặn, êm đềm hay biến động căng thẳng. Thời gian trong văn chương không giống với thời gian khách quan vì nó được chi phối bởi chủ quan của tác giả cho nên nó có thể được ép mỏng hay kéo căng thời gian ra tuỳ theo dụng ý nghệ thuật của mình. Có thể là một sự kiện nhỏ xảy ra trong một ngày nhưng nhà văn có thể miêu tả và kéo dài thời gian của sự kiện đó ra hàng chục trang giấy trong vài ba chương. Và 18
  25. ngược lại, có khi biến cố cả cuộc đời của nhân vật mà tác giả chỉ dồn nén trong một thời gian ngắn. Việc dồn nén hay kéo căng thời gian sự kiện trong văn chương tùy theo ý muốn chủ quan của tác giả. Điều đó mang lại một ý nghĩa thẩm mĩ, tạo cho bạn đọc có những cảm giác thật như chính bản thân mình cũng đang sống trong tác phẩm. Nhịp độ thời gian nhân vật thường phù hợp với nhịp điệu thời gian sự kiện. Khi thời gian sự kiện gấp khúc, dồn dập thì thời gian hành động của nhân vật luôn hối hả khẩn trương. Chẳng hạn, trong Vợ Nhặt của Kim Lân: sự kiện nạn đói năm 1945 ào ạt tràn đến đã làm thay đổi tính cách của các nhân vật. Chỉ với bốn bát bánh đúc và những lời đùa cợt, bông đùa mà Tràng và người phụ nữ không tên đã trở thành vợ chồng. Qua những chi tiết đó, đã cho chúng ta thấy một xã hội nghèo nàn, đói rách Ngược lại, khi sự kiện trì chậm thì nhịp điệu thời gian cũng thong thả và thư thái. Thời gian nhân vật trong một tác phẩm là rất quan trọng, nó làm cho người đọc ý thức được sự tồn tại của nhân vật. Sự kết hợp giữa thời gian được trần thuật và thời gian trần thuật đã làm nên chỉnh thể thời gian nghệ thuật trong tác phầm. Thời gian trần thuật chịu sự chi phối của tác giả, nó chỉ có thể ở hiện tại chứ không thể đảo ngược được. Thời gian trần thuật thường ngắn hơn thời gian được trần thuật. Tuy nhiên có lúc thời gian được trần thuật ít hơn thời gian trần thuật. Đó là những lúc nhà văn dừng lại miêu tả thiên nhiên, tâm trạng con người, thời gian dường như ngừng trôi nhưng thời gian kể chuyện thì cứ trôi đi. Nó cho thấy điểm nhìn của tác giả, có hiệu lực thẩm mĩ riêng. Điểm nhìn ở đây là cách lựa chọn thời gian phù hợp của tác giả khi kể chuyện. Điểm nhìn của tác giả (người kể) vừa mang tính chủ quan lại vừa mang tính khách quan. Vì vậy, người kể phải sắp xếp bố cục các sự kiện đó sao cho phù hợp nhưng ít nhiều có liên quan đến quan điểm lập trường chính trị xã hội của nhà văn, ngay từ 19
  26. điểm nhìn xuất phát của hiện thực được lựa chọn. Tất cả những gì mà người kể có thể cảm nhận, chứng kiến trong thế giới đều được họ thuật lại chi tiết. Qua điểm nhìn đã cho thấy vị trí mà người kể dựa vào để quan sát và thuật lại các sự kiện, các nhân vật trong tác phẩm của họ. Điểm nhìn thời gian là tác giả đứng ở thời hiện tại dõi theo những sự kiện đang diễn ra, hoặc có thể ngược dòng nhìn lại quá khứ rồi sau đó kể lại câu chuyện bằng điểm nhìn hiện tại. Điểm nhìn trần thuật gắn bó mật thiết với ngôi kể, nhưng rộng hơn ngôi kể. Bởi vì có khi truyện kể theo ngôi thứ ba, nhưng nhiều khi ngôi thứ ba kết hợp điểm nhìn của nhân vật. Có những lúc, thời gian xuất hiện trong tác phẩm không phải là thời gian nghệ thuật. Nó chỉ trở thành thời gian nghệ thuật khi được kết hợp với kết cấu, cốt truyện, qua đó cho thấy quan niệm của nhà văn về con người, về cuộc đời. Tóm lại, khi nghiên cứu thời gian nghệ thuật, cần quan tâm tới mối liên hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Chính sự so le của thời gian cho ta thấy tác giả tập trung phản ánh thời điểm nào của nhân vật hay sự kiện. Thời gian nghệ thuật đã góp phần làm cho tác phẩm trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. 1.2.2. Không gian nghệ thuật. 1.2.2.1. Khái niệm không gian nghệ thuật. Từ điển thuật ngữ văn học đã nêu lên: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hiện tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong những trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính 20
  27. chủ quan.” [6, tr.160]. “Không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lí. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hoá các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, phân giới (dùng để mô hình hoá các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng), có thể mang tính cản trở (để mô hình hoá các kiểu tính cách con người), có thể là không có tính cản trở (như trong cổ tích làm cho ước mơ, công lí được thực hiện dễ dàng). Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương rất đa dạng và phong phú. Các cặp phạm trù cao – thấp, xa – gần, rộng – hẹp, cong – thẳng, bên này – bên kia, vững chắc – bập bênh, ngay - lệch đều được dùng để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội. Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hiện tượng nghệ thuật.” 1.2.2.2. Các loại không gian nghệ thuật. a, Không gian bối cảnh. Không gian trong tác phẩm văn học được phân biệt rõ với không gian vật chất bên ngoài. Xuất hiện trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật là không gian bối cảnh. Đó là nơi mà các sự kiện, hoạt động diễn ra. Không gian bối cảnh có thể là bối cảnh thiên nhiên hay bối cảnh xã hội, mở hay khép, động hay tĩnh. Không gian thiên nhiên bao gồm núi, sông, cây cối, những sự vật đó vận động theo quy luật của tạo hóa, tuy nhiên nhờ có sự cải tạo của con người đã thành mái trường, con đường, bờ đê, Con người sống trong thế giới vì vậy thiên nhiên hiện lên gắn bó mật thiết với nhân vật từ cử chỉ, cách cảm, 21
  28. cách nghĩ đồng thời gây hứng thú cho người đọc, người kể. Thiên nhiên có thể rộng lớn như “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” hay cũng có thể nhỏ bé như “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Không chỉ là thiên nhiên rộng lớn bao la, trong văn chương nghệ thuật còn có không gian nhỏ hẹp như ao làng, giếng nước, hồ vườn, quán nước, bờ rào, Không gian không chỉ còn là cái phông nền cho tác phẩm mà nó đã mang tính nghệ thuật, biểu đạt chủ đề của tác phẩm. Thiên nhiên trong thơ trữ tình rất nên thơ “Thi trung hữu họa”, chỉ bằng vài dòng thơ thi nhân đã làm hiện lên thiên nhiên tươi đẹp: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng Sột soạt gió trêu tà áo biếc Trên giàn thiên lí bóng xuân sang” (Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử) Còn trong văn xuôi lãng mạn, thiên nhiên được vẽ bằng những nét bút tuyệt đẹp. Trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, thiên nhiên hiện lên “phía tây sau dãy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất, cùng cây, cùng cỏ. Khoảnh khắc, mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đồng một màu tím thẫm” [10, tr.11]. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp vừa có nét cổ kính rêu phong, vừa có nét hiện đại của tường vôi trắng. Khoảnh khắc thiên nhiên ở đây đang chuyển giao giữa ngày và đêm, sáng và tối; dường như Khái Hưng muốn giới thiệu cho bạn đọc biết chính nơi yên tĩnh đượm mùi thiền của Phật giáo này sẽ nảy sinh một mối tình đẹp đẽ thanh cao giữa chú tiểu Lan và Ngọc. Cảnh vật thiên nhiên hiện lên rất chân thực đồng thời nó còn giúp cho bạn đọc cảm nhận sâu sắc những diễn biến tâm lí của nhân vật. Nguyễn Thái Hòa đã rất có lí khi nhận xét “Thiên nhiên được giành vị trí ưu tiên cho các truyện kể với ngòi bút lãng mạn, 22
  29. những thiên tình sử hào hùng hoặc bi thảm v.v làm nên cái đặc trưng của bút pháp lãng mạn trong văn học” [9, tr.89]. Thiên nhiên dường như đã gắn bó mật thiết, thiết tha giao cảm với nhân vật và nó cũng có “ngôn ngữ riêng” (tả cảnh ngụ tình), dự báo một nhân vật hay một số sự kiện sẽ xuất hiện. Vì vậy, bối cảnh thiên nhiên là một chi tiết nghệ thuật không thể thiếu trong văn học. Bên cạnh bối cảnh thiên nhiên, trong văn học còn miêu tả bối cảnh xã hội. Con người xuất hiện trong văn xuôi vừa gắn bó với thiên nhiên, vừa có sợi dây liên hệ với những mối quan hệ khác. Đó là những mối quan hệ phức tạp, giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa thế hệ này với thế hệ khác. Bối cảnh đó đã tạo điều kiện cho tính cách cá nhân phát triển. Trong Tắt đèn, bằng lối “dùng điểm tả diện”, từ hình tượng chị Dậu, Ngô Tất Tố đã khái quát lên số phận chung của những người dân lương thiện nói chung lúc bấy giờ. Nhìn chung, không gian bối cảnh có thể xác thực, cụ thể hay mơ hồ, ước lệ. Trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc, theo Giáo sư Đặng Thai Mai, không gian bối cảnh mang tính ước lệ, mơ hồ “tất cả cái gì là vật chất, là thực thể, bao nhiêu màu sắc, thanh âm dường như đã bị tác giả xóa nhòa đi trong những nét bút mơ hồ mênh mông. Một con sông một đoạn đường, một nhịp cầu, một dòng nước, một cánh đồng và xa kia, nơi lớp mây đưa là một rặng núi Cả một khung cảnh bao la, đại thể Nhưng chốn ấy là chốn nào? Con sông đó, đoạn đường đó, nhịp cầu, dòng nước, và cánh đồng và rặng núi kia, tên nó là gì? Nó có gì đặc biệt? Tác giả không hề nói. Hơn thế nữa, cái cầu đã biến thành cầu Vị, và con đường là con đường Hán Dương, bến nước là bến Tiêu Tương thì chúng ở đâu thế này? Thi sĩ đã bố trí cảnh li biệt vào một khung cảnh Tàu, hồ mà thủ đô Tàu còn ở bến Hàm Dương! Bao nhiêu thực thể cụ thể, chính xác đều bị sa thải, hoặc gói ghém lại trong ước lệ, điển cố văn Tàu” [32, tr.48]. 23
  30. Xét về tính chất, không gian bối cảnh ở đây có thể là không gian mở (khoảng trời, cánh đồng, ) (Buổi sớm, Giải đi sớm, Trời hửng, ) hay không gian khép (ngôi nhà, căn phòng, ) (Cảnh chiều tối, Đến Quế Lâm, Nhà lao Nam Ninh, ) và cánh cửa là ranh giới giữa hai hình tượng đó. Không gian bối cảnh cũng có thể linh hoạt, vận động đa dạng hay đa hướng, không gian có sức sống mãnh liệt, ngông nghênh, vượt ra ngoài khuôn khổ như trong thơ Hồ Xuân Hương: “Cỏ xiên mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy hòn” (Tự tình I) Trái lại là không gian tĩnh, bất động trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long hoài cổ) Đó là không gian cổ xưa, âm u, tịch mịch, dường như thiếu sức sống. Khi sự vận động trong không gian có hướng thì xuất hiện một trong những hình tượng không gian quan trọng là con đường. Mô típ con đường là một mô típ mang tính nghệ thuật rất cao, đa nghĩa và đa diện: đó có thể là một hiện tượng cụ thể của một không gian được miêu tả (Tôi con đường nhỏ chạy lang thang, Tế Hanh), có thể là biểu tượng cho sự phát triển nội tâm của nhân vật (Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu, Xuân Diệu), có thể diễn đạt về sự vận động của lịch sử (Đường cách mạng dài theo kháng chiến, Tố Hữu). Như vậy, qua mô típ con đường đã cho thấy ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Trong các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật, mô típ con đường có thể giữ chức năng của một thực thể cụ thể, là nơi chốn diễn ra các sự kiện. Bên cạnh đó nó còn góp phần phát triển chủ đề về con đường đời của các nhân vật trong tác phẩm. Hình ảnh con đường thường đi xuyên qua ranh giới các chương sách và làm nổi bật ý nghĩa tác phẩm. 24
  31. b, Không gian sự kiện Không gian trong văn học thường miêu tả những diễn biến, biến cố xảy ra trong đời nhân vật. Nhà văn là người dựng lên các sự kiện để nhân vật bộc lộ tính cách và một vài sự kiện đã ảnh hưởng đến cuộc đời nhân vật. Trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, chi tiết cuối tác phẩm “Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quan mục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiếm lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run rum bưng chậu mực" [2, tr.105] là một không gian sự việc tiêu biểu. Hình tượng nhân vật Huấn Cao đã được Nguyễn Tuân khắc họa rõ nét qua hình ảnh "Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ" với phong thái đường hoàng đĩnh đạc, một chí khí của kẻ sĩ "uy vũ bất năng khuất", Huấn Cao không bao giờ bán chữ mà chỉ cho chữ người mình yêu quý, vì cảm động trước tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của người cai ngục nên ông đã cho chữ và mới có cảnh cho chữ lạ lùng đến thế. Còn hình ảnh viên quan ngục, thầy thơ lại thì đối lập hẳn với người tù Huấn Cao: viên quản ngục "vội khúm lúm cất những đồng tiền kẽm" và thầy thơ lại "gầy gò, run run bưng chậu mực". Huấn Cao đường hoàng đĩnh đạc còn viên quản ngục và thầy thơ lại vội vàng, khép nép. Thầy thơ lại, viên quản ngục hạ mình tôn trọng tâm hồn, nhân cách cao đẹp của Huấn Cao và cả ba người đều là những người tài hoa, họ có điểm chung đó là tấm lòng trân trọng, nâng niu, giữ gìn cái đẹp. Như vậy, nhờ có các sự kiện, tính cách, tâm trạng của nhân vật hiện lên rõ rệt. Trong tình huống phải lựa chọn cái này hay cái khác, tâm trạng nhân vật có sự đắn đo, suy nghĩ thậm chí là mâu thuẫn, giằng xé và không gian sự kiện càng góp phần làm tăng thêm kịch tính cho những mâu thuẫn đó. Trong Đời thừa, ở nhân vật Hộ có sự mâu thuẫn rõ rệt. Khi say Hộ đã chửi vợ, mắng 25
  32. con. Hành động đó không phải là bản chất của Hộ mà trái lại anh rất yêu thương vợ con. Câu nói mà Hộ thốt lên – “Chỉ khổ thằng này thôi" đã phần nào giải thích được hành động của anh. Hành động đó của Hộ xuất phát từ tâm trạng bế tắc, chán chường khi không tìm ra được lối thoát giữa bi kịch lẽ sống tình thương và quan niệm về nghề nghiệp chân chính. Vì vậy, tâm trạng Hộ bị giằng xé không tìm được cho mình một giải pháp. Bi kịch của Hộ còn là sự bất lực của biết bao trí thức trước Cách mạng. Họ tìm đến rượu, đến thuốc phiện, đến nhà hát với thú cô đầu để quên đi thực tại nhưng tất cả không tìm thấy niềm vui, một hướng đi cho đời mình. Có thể thấy, không gian sự kiện vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa khái quát. Không gian sự kiện thường gắn liền với không gian bối cảnh, chúng tập trung hỗ trợ cho nhau nhằm thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật đầy đủ, trọn vẹn. Ở các sáng tác, có nhiều kiểu loại không gian sự kiện khác nhau được sâu chuỗi và ít nhiều có liên quan, bổ sung cho nhau theo quan hệ nhân quả, hô ứng. Ở Đoạn tuyệt của Nhất Linh, sự kiện dẫn đến cái chết của Thân là một sự kiện quan trọng, có khả năng làm nổi bật chủ đề của tác phẩm "Loan vẫn lùi. Thân hục hặc nhìn quanh, rồi luôn tiện tay cầm ngay lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng. Loan thấy Thân đã đến gần mìn, trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ. Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đà cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao ấn mạnh lên tay nàng và Thân kêu lên một tiếng" [18, tr.174]. Sự kiện này đã giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữa cá nhân và gia đình phong kiến, giữa cái cũ đã lạc hậu và cái mới tiến bộ. Đó là cách giải thoát khỏi những đọa đầy cho Loan. Không gian sự kiện còn gắn liền với hoàn cảnh xuất thân của nhân vật. Nó như báo hiệu một cuộc đời phi thường (bà mẹ thấy rồng vàng bay lượn rồi 26
  33. sinh ra Sơn Tinh hay ướm thử vào dấu chân lạ mà sinh ra Gióng) hay đau khổ bất hạnh (Hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ không, thưa người qua lại, nơi Chí Phèo chào đời và được nhặt đem về nuôi rồi bị bán hết cho nhà này đến nhà khác phải chăng là tiền định báo hiệu cho một cuộc đời cô độc, không người thân, luôn bị mọi người xa lánh của Chí Phèo sau này) của con người. c, Không gian tâm lí Là một hiện tượng nghệ thuật, không gian nghệ thuật của văn chương còn là không gian tâm lí. Ở loại không gian này giúp bạn đọc khám phá chiều sâu nội tâm nhân vật "Gần nhau đây mà xa biết bao Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng" (Những người không chết - Tố Hữu) Không gian tâm lí cho thấy những suy nghĩ, nỗi niềm trong lòng người có khi rất gần về không gian địa lí nhưng lại rất xa về tâm hồn. Tùy vào tâm trạng con người mà không gian có thể trải rộng hay thu hẹp. Khi buồn thì con người ta nhìn đâu đâu cũng thấy không gian hiu hắt u sầu. Còn khi vui, không gian trở nên khoáng đạt tươi sáng. Dường như tâm trạng con người đã ảnh hưởng, đã lan sang cả cảnh vật. Thiên nhiên (bối cảnh) và tâm trạng con người khá gắn bó với nhau, vì vậy có người đã kết hợp hai kiểu không gian này và gọi là không gian tâm cảnh. Không gian tâm lí xuất hiện rất nhiều trong các thể loại văn học như thơ, khúc ngâm vì "bản sắc khúc ngâm là bày tỏ tình cảm nhớ nhung, mong đợi, oán sầu, hi vọng triền miên Người ta không thể hình dung cụ thể, chính xác không gian khúc ngâm. Bởi người chinh phụ hồi tưởng và ước hẹn đầy mơ hồ. Kí ức "thuở lâm hoành" khi thì "oanh chưa bén liễu" (mùa xuân), khi thì "mai chưa dạn gió" (mùa đông) ước ngày về khi lại "độ đào bông" (mùa xuân), chỗ hẹn gặp thì khi nói "Lũng Tây nham ấy", lúc lại bảo "Cầu nọ Hán 27
  34. dương"- Những địa điểm rời rạc, mơ hồ, vô địch như chỉ gợi lên những cảm xúc thất vọng, mịt mù nặng trĩu trong tâm hồn người chinh phụ mà thôi, phù hợp với nhiệm vụ phô diễn những tình cảm và tâm lí phổ biến của mỗi con người trong tình huống tương tự" [31, tr.50]. Ở văn học lãng mãn đó là sự khao khát được yêu, được sống trong tình yêu. Người ta luôn muốn được gần nhau, được hòa quyện vào nhau cả thể xác lẫn tâm hồn. "Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng: "Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm" (Xa cách- Xuân Diệu) Tình yêu cũng không có ý nghĩa nếu ở gần bên nhau về không gian địa lí nhưng lại không hiểu nhau nên con người vẫn cứ là "hòn đảo cô đơn". Khi hồi tưởng về quá khứ, lòng người thường có những suy tư, trăn trở. Những trăn trở, dằn vặt ấy có thể đang diễn ra rất dữ dội hay âm thầm le lói trong lòng người. Loan trong Đoạn tuyệt dù đã chấp nhận thực tại là mình đã lấy Thân nhưng nàng luôn nhớ tiếc về thời con gái, nhớ đến căn gác Dũng ở, nơi Loan không dám bày tỏ tình yêu của mình với Dũng khiến cô day dứt, băn khoăn không biết Dũng có hiểu cho lòng cô. Hay trong Hồn bướm mơ tiên nhà văn Khái Hưng đã để cho chú tiểu Lan và Ngọc đã chấp nhận yêu nhau dưới bóng Phật tổ từ bi. Tóm lại, không gian tâm lí hiện lên một cách cụ thể qua những hoài niệm về quá khứ của con người. Những diễn biến trong tâm trạng con người có thể vui hoặc buồn, có thể là những hoài bão, mơ ước hoặc những nỗi lo lắng, sợ hãi Điều đó không được thể hiện cụ thể qua hành động mà phải qua những suy nghĩ nội tâm của nhân vật và nhà văn là người đã chắp bút nói lên những hồi tưởng, những suy nghĩ đó. Người nghệ sĩ phải thật sự có tài năng, sự sáng tạo, những cảm nhận tinh tế thì mới có thể làm được điều này. 28
  35. 1.3. Vai trò của thời gian và không gian nghệ thuật Trong cuộc sống, con người tồn tại trong thế giới, còn với văn học, các nhân vật văn học cũng tồn tại trong thời gian, không gian nghệ thuật. Nhờ có hai yếu tố nghệ thuật này, từng thời khắc, sự kiện, con người, trong tác phẩm được thuật lại theo ý muốn chủ quan của cá nhân nhà văn. Đó là dụng ý nghệ thuật của người sáng tác. Trong thế giới nghệ thuật, các nhân vật hiện lên một cách sinh động, có đầy đủ tính cách, tâm lí, trạng thái phức tạp khác nhau. Thế giới ấy vừa là cái phông nền để con người tồn tại, vừa là chỗ để nhà văn thỏa sức sáng tác, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Bên cạnh đó, thời gian và không gian còn là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm văn học. Trên cái nền thời gian, những diễn biến tâm lí con người hiện lên tinh tế, rõ rệt (khi tâm trạng nhân vật buồn hay có sự chờ đợi thì thời gian trôi chậm rãi, khi tâm trạng nhân vật vui thì thời gian trôi nhanh). Và trong bối cảnh con người bộc lộ tính cách, tâm trạng của mình (không gian tù túng, chật hẹp thì lòng người buồn trĩu nặng, không gian bao la, khoáng đạt thì lòng người vui vẻ, đắm say). Thời gian và không gian nghệ thuật là hai yếu tố không thể tách rời nhau. “Khi nhà văn dừng lại khắc họa không gian thì thời gian bị hãm chậm hay triệt tiêu. Người ta có thể không gian hóa thời gian bằng cách miêu tả sự kiện, biến đổi theo trật tự liên tưởng, cái này bên cạnh cái kia” [28, tr.91]. Nhà thơ Huy Cận trong Suy nghĩ về nghệ thuật cũng cho rằng: “Không gian và thời gian là hai bề của sự vật, là kích thước của sự sống. Nghệ thuật biểu hiện sự sống làm sao không dựng cái khung không gian và thời gian lên được để chứa đựng sự vật, để cho sự vật có sự sống, sinh sôi, nảy nở” (Văn nghệ, số 48 -1979). Trong văn học, yếu tố thời gian và không gian rất quan trọng, vì vậy, đó là chi tiết nghệ thuật không thể thiếu góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm. 29
  36. Chương 2. BIỂU HIỆN CỦA THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĐÔI BẠN CỦA NHẤT LINH 2.1. Biểu hiện của thời gian nghệ thuật Khảo sát tác phẩm Đôi bạn, người viết nhận thấy Nhất Linh đã vận dụng cả ba bình diện thời gian hiện thực hàng ngày, thời gian hồi tưởng và thời gian tương lai cùng với dòng thời gian tâm trạng vào tác phẩm. 2.1.1. Thời gian hiện thực hàng ngày 2.1.1.1. Thời gian hiện thực hàng ngày ghi lại cuộc đời nhân vật Mở đầu chương truyện là quãng thời gian Dũng cùng bạn bè được nói chuyện, cười đùa vui vẻ và hơn hết là được gặp gỡ, gần gũi với Loan. Khoảng thời gian này họ nói với nhau đủ các câu chuyện, có cả việc thoát li của Thái. Thái muốn rủ Cận đi cùng anh, nhưng vì Cận còn có mẹ già nên không thể nào đi được. Điều đó, họ giấu cả cụ Chánh và Loan nhưng những ý tưởng ấy Loan đã đoán rõ. Cuộc đời của các nhân vật hiện lên đầy đủ, chi tiết trong khoảng thời gian này, ở đây tiêu biểu là nhân vật Dũng. Cuộc đời Dũng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của chàng, đó là ước mơ, là khát vọng sống cao cả của Dũng hay của thế hệ những thanh niên lúc bấy giờ. Cái chết của Phương, Thái và Tạo cũng là biểu hiện về thời gian hiện thực hàng ngày. “Phương bị bắt vì tình nghi là có dự vào mấy cuộc phiến động”, về nhà được ít lâu thì cô chết vì bệnh lao. Thời gian Thái và Tạo bị bắt, lòng mọi người đều buồn vì vậy mà thời gian cũng trôi thật chậm chạp. Họ càng mong ngóng để được thoát li thì thời gian dường như càng trôi lâu hơn. Thái và Tạo thì đều là những con người có đầu óc thoát li, muốn ra ngoại quốc nhưng đều bị bắt và kết cục là cái chết. “Cái chết của Thái đối với Dũng chỉ là một sự thoát ly” [17, tr.117]. Cái chết của Tạo có phần thảm thương hơn, chỉ có Dũng, Trúc và ông chủ đồn điền đến đưa đám “Biết là Tạo đã 30
  37. sống sung sướng nhưng vì cái chết của Tạo thảm thương quá nên lúc cầm mấy viên đất ném lên áo quan trước khi lấp huyệt, Dũng có cái cảm tưởng rằng Tạo vừa được thoát nợ, từ nay không phải băn khoăn đau khổ gì nữa, bình tĩnh ngủ một giấc ngàn năm” [17, tr.167]. Có lẽ đối với cả hai nhân vật Thái và Tạo thì cái chết là cách duy nhất để họ có thể thoát khỏi cuộc sống thực tại. Khi lòng người vui mừng thời gian ngưng đọng, khi lòng người buồn thì thời gian lại trở nên nặng nề, ì ạch. Khoảng thời gian ông hai phải đi Hà Giang, bà hai và Loan buồn biết mấy “Sáng hôm ấy ông hai phải từ biệt bà hai và Loan để lên Hà Giang dạy học ở nhà ông Bố, một người bạn học cũ; ông đi có lẽ vài năm mới về và có Quýnh đi theo ông để hầu hạ và giúp ông về việc bốc thuốc. Loan buồn khóc không phải vì cớ cha đi xa mà buồn vì cuộc đi mưu kế sinh nhai ấy tỏ ra rằng nhà nàng thật đã đến lúc khánh kiệt rồi. Mấy hôm trước, ông hai bà hai gọi nàng vào phòng và cho biết tin ấy. Ông hai nói nhẹ và ngượng ngập hình như rất lấy làm xấu hổ và có lỗi với con. Trong bóng tối mờ mờ, Loan thấy mẹ đưa vạt áo lên lau nước mắt.” [17, tr.144 – 145]. Bà hai buồn vì ông hai đi xa mấy năm mới về còn Loan buồn một phần vì cha đi dạy xa và phần nữa vì nàng biết gia đình mình đã khánh kiệt. Quãng thời gian ấy dài đằng đẵng như niên, lòng người lại buồn, lại mong ngóng, mong chờ thì thời gian lại càng kéo dài ra vô tận. Cũng trong quãng thời gian ấy, Loan đã nhận được sự giúp đỡ của Dũng, nàng sang nhà Dũng để dạy học cho lũ trẻ. Mặc dù không muốn nhận sự giúp đỡ nhưng trong hoàn cảnh này Loan biết nhờ vào việc dạy học mà Loan có thể phụ giúp gia đình. Về phía Dũng, giúp được Loan trước khi bỏ đi khiến Dũng thấy thoải mái, thấy yên tâm trong lòng. Từ nay, gia đình Loan và Loan sẽ đỡ vất vả hơn. Đó dường như là việc cuối cùng Dũng muốn cố gắng giúp đỡ Loan trước lúc đi xa. Đồng thời, khi Loan sang nhà Dũng dạy học, hai người sẽ thường xuyên có cơ hội gặp gỡ nhau, Dũng có thể ở bên Loan, ngắm nhìn Loan và càng yêu Loan hơn. 31
  38. 2.1.1.2 Thời gian hiện thực hàng ngày khơi gợi tình cảm, minh chứng cho quan niệm về tình yêu Nhất Linh là một nhà văn lãng mạn, cuộc tình tuy đơn sơ của Dũng và Loan cũng được tác giả đặc tả chi tiết. Cụ thể, ở Đôi bạn đó là thời gian Dũng và Loan thật vui vẻ khi được ở bên nhau, những lúc đó cả hai đều muốn thời gian trôi thật chậm lại. Dũng luôn mong được gặp Loan và có lẽ Loan cũng vậy “Một bóng trắng thoáng qua sau giậu tre. Dũng ngỡ là Loan nhưng lại mỉm cười thất vọng vì bóng đó đi thẳng về phía cánh đồng. Chàng lấy làm lạ rằng sao có thể mong Loan tha thiết như vậy, mong Loan như một người xa cách đã mấy năm. Muốn gặp Loan không khó gì cả, nhưng Loan phải tự ý đến và đến giữa lúc này thì sự gặp gỡ ấy mới quý. Mỗi một phút chờ đợi đối với Dũng là một phút hi vọng, cảnh trời đẹp quá mà lòng chàng lúc đó tự nhiên vui vẻ quá nên Dũng chắc rằng không thể nào thiếu được cái vui gặp mặt Loan. Nếu hết ngày hôm nay mà Loan không đến thì chàng sẽ ghé nhà Loan và trách Loan vì cớ sao lại không đến. Chàng mỉm cười vì cái ý trách ấy thật là vô lý.” [17, tr.72 - 73]. Dũng tha thiết mong muốn gặp Loan nhưng phải là một sự gặp tình cờ, cho nên khi chị giáo Thảo định cho người sang mời Loan thì Dũng đã ngăn lại. Chính sự chờ đợi, mong ngóng ấy đã làm cho Dũng cảm thấy thời gian như kéo dài ra vô tận. Loan cũng muốn gặp Dũng nhưng nàng lại không dám đi thẳng vào nhà chị giáo Thảo mà phải đi xe vượt qua trường xem có chắc Dũng ở trong đó không. Và sự gặp gỡ khi đó mới trở nên tự nhiên được. Vì vậy khi Loan đến nhà chị giáo Thảo chơi, Dũng và Loan đã gặp nhau ở đây thì thời gian dường như ngừng trôi, như ngưng đọng lại trong cái thời khắc ấy “Dũng có cảm tưởng rằng thời khắc ngừng hẳn lại” [17, tr.73]. Khoảnh khắc Dũng được gặp Loan tại nhà chị giáo Thảo, mọi sự vận động của tự nhiên cũng dường như ngưng lại. Mọi lần Dũng vẫn có thể gặp Loan nhưng lần này lại khác, niềm hạnh phúc khi được gặp Loan khiến con 32
  39. tim Dũng lạc nhịp, Dũng ngây ra nhìn Loan. Sự gặp gỡ tưởng như tình cờ ấy nhưng lại là cố ý vô cùng, Dũng sang chơi nhà vợ chồng chị giáo Lâm Thảo bởi chàng biết Loan hay sang đây chơi và Loan sang chơi nhà chị giáo Thảo lúc này cũng là vì đã nhìn thấy Dũng ở đó. Bởi vậy nên thời gian ngừng trôi trong thời khắc ấy, thời khắc hai người cố tình nhưng tỏ ra vô tình được gặp gỡ nhau. Khi nhà Dũng có tiệc mừng thọ cũ Bang, Dũng vui mừng khi được gặp Loan luôn, nhất là những lúc chỉ có hai người ở cạnh bên nhau. Những lúc Dũng cùng Trúc sang chơi nhà vợ chồng chị giáo Thảo, xuống bến đò Gió, ấp Quỳnh Nê, đều khiến Dũng và mọi người vui vẻ. Sự kiện bà huyện mất, Dũng, bà hai và Loan phải vội vàng sắm sửa đi ngay thì thời gian trôi qua thật nhanh. Ai nấy đều nhanh chóng, khẩn trương để cho kịp chuyến tàu. Đối với Dũng và Loan, vui hơn nữa có lẽ là lúc này, nhân việc bà Huyện ốm mất mà hai người có cớ để đi chơi xa cùng nhau lên Hà Nội. Hai người đi cùng nhau trên những con phố Hà Nội đã về đêm, cùng nhau nói chuyện vui vẻ. Những kí ức đó, có lẽ đối với cả Dũng và Loan sẽ chẳng thể nào quên được. Hay khi Dũng và Loan muốn tỏ rõ cho nhau thấy tình yêu của mình, quả tim chàng đập mạnh và thời gian ngưng đọng hẳn “Tình yêu hai người vẫn đã có từ trước nhưng sau cái phút đầu tiên tỏ ra cho nhau biết ấy lại quan trọng đến thế, không có gì cả mà sao Dũng lại như vừa thấy một sự thay đổi to tát trong đời, hình như tấm tái tình của chàng với Loan chỉ mới có thực, bắt đầu từ phút vừa qua” [17, tr.214]. Trước giờ cả Dũng và Loan đều biết người kia có tình cảm đặc biệt với mình, tuy nhiên chưa bao giờ họ thổ lộ ra cho nhau rõ đến thế. Bởi vậy cái giây phút “tỏ tình” nó thật quan trọng, nó khiến con tim như ngừng đập, thời gian như ngừng trôi, mọi sự vận động của tự nhiên dường như cũng dừng hẳn lại. Cả hai đều bồi hồi, lo lắng, và họ cảm nhận rằng tình yêu chỉ thực sự bắt đầu từ giây phút này, từ giây phút họ cho nhau biết rõ về tấm ái tình của mình. 33
  40. Sự kiện Dũng có ý định đi xa để mãi mãi được yêu Loan. Thời gian đó cũng là khoảng thời gian Dũng vờ chấp nhận lấy Khánh, chàng thấy thời gian trôi nhanh quá “Tháng sau rồi cơ à? Chóng quá. Thì giờ đi như bay” [17, tr.202]. Ngày đi càng đến gần tức là ngày xa Loan cũng càng đến gần, Dũng buồn và chàng dường như sống vội hơn. Vội yêu Loan nhiều hơn, vội giúp đỡ Loan nhiều hơn để Loan có được cuộc sống dễ chịu hơn dù không có Dũng bên cạnh. Thời gian hiện thực hàng ngày trong Đôi bạn là một thời gian nhẹ nhàng trôi, hết sự kiện này lại nối tiếp đến sự kiện khác. Thời gian có lúc nhanh, chậm, có lúc nhẹ nhàng. Ở đó, các nhân vật có thể thoải mái bộc lộ tính cách, hành động, tâm trạng, tình cảm của mình. 2.1.2. Thời gian hồi tưởng 2.1.2.1. Hồi tưởng khắc họa tâm trạng lo lắng, sợ hãi Mở đầu tác phẩm là sự hồi tưởng của nhân vật “tôi” về hai năm trước “Không viết, nhưng bao lâu nào có quên được: cả một thế giới rạo rực ở trong hồn tôi” [17, tr.21]. Dũng đã ngỏ lời để “tôi” “thử cố viết kể đời tôi ra”, và muốn có thể kể được cuộc đời Dũng ra thì tác giả phải sống lại khoảng thời gian hai năm trước. Hai năm – quãng thời gian ấy không ngắn cũng không dài so với đời người nhưng những kí ức ấy “không thể nào quên” trong lòng tác giả. Nhất Linh đã nhớ lại một cách chi tiết toàn bộ các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian đó. Chương đầu tiên của tiểu thuyết tác giả đã hồi tưởng lại sự kiện cái chết của Phương thông qua nhân vật cụ Chánh. Phương là con gái cụ Chánh, chị gái của Cận và là bạn của Loan. Cái chết ấy của Phương có lẽ người đau buồn nhất là cụ Chánh Mạc rồi tiếp đến là các thành viên trong gia đình và bạn bè của cô. Từ cái chết của Phương khiến cụ Chánh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ “Cụ Chánh Mạc ngửng đầu lên nhìn ngơ ngác. Từ ngày Phương bị bắt, hễ thấy các bạn Cận ở tỉnh về chơi với Cận là cụ sinh ra lo sợ. Cụ đã già lại có mỗi một người con trai nên cụ không muốn con cụ có nhiều 34
  41. bạn. Nhất là hôm nay lại có Thái, một người mà cụ Chánh chưa thấy đến chơi nhà lần nào” [17, tr.36]. Sự hồi tưởng về thời gian buồn đã qua như nhắc nhở con người về những nỗi buồn đau, vì thế trước những điều đã xảy ra, người ta lo sợ nó sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Bức thư của Tạo đã khiến Dũng nhớ lại thời gian mà chàng muốn quên đi hoàn toàn “Bức thư đột ngột gửi đến nhắc Dũng nhớ tới cả một thời kì mà chàng muốn quên đi. Trong lời thư pha giọng khôi hài vui vẻ, Dũng cảm thấy hết cả nỗi buồn của một người biết mình sắp chết, không có ai là bạn, không có một lời an ủi” [17, tr.162]. Bức thư ấy đã khiến Dũng nhớ lại cái chết của Thái, “ngày đưa đám Thái, không ai trông thấy Tạo”, Dũng không được tin gì về Tạo và cũng không nghĩ đến chàng nữa. Quá khứ đau buồn về cái chết của những người bạn khiến Dũng muốn quên hẳn đi, nhưng nay nhận được thư của Tạo, biết Tạo sắp chết, nỗi buồn như tăng lên gấp đôi. Lại một người bạn nữa của Dũng sắp ra đi. Tuy buồn nhưng Dũng biết, chết là cách duy nhất để Thái và Tạo có thể thoát li hoàn toàn với cuộc sống này, họ sẽ không còn đau khổ nữa. Dũng “nhớ lại cái cảm tưởng hôm cùng Trúc đi qua bến đò Gió sang thăm Thái ở nhà Hoạt. Chàng không ngờ đâu hôm nay lại ngồi ở trong căn nhà sàn này, nơi mà trước kia Thái đã có đi qua trước khi bị bắt. Chàng nhớ lại hôm tiễn Thái đi ở nhà Cận nhớ lại quán hàng nước bà Nhài, buổi chiều mờ sương thu chàng ngồi cạnh Loan và đêm mưa rào trời lạnh, dưới ánh đèn ” [17, tr.231]. Dũng đang bước tiếp con đường mà Thái và Tạo đã chọn, Thái và Tạo đã có kết cục không như mong muốn, liệu rằng tương lai của Dũng sẽ ra sao? Nhớ tới Loan dường như càng làm cho Dũng có thêm động lực bước tiếp con đường gian nan mà chàng đã chọn này. Dũng ra đi là vì muốn được thoát li và muốn được yêu Loan mãi mãi. Cái ý tưởng thoát li ấy không chỉ có ở Thái, Tạo, Dũng mà còn ở chính tác giả Nhất Linh và tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ. 35
  42. 2.1.2.2. Hồi tưởng khắc họa niềm vui của tuổi trẻ, tình yêu Dũng nhớ lại giấc mơ của chàng, khoảng thời gian Dũng thấy thật nhẹ nhõm khi đêm qua chàng đã có một giấc dễ chịu “vào quãng ba, bốn giờ sáng trời đổ cơn mưa to. Trong khi mơ màng nghe tiếng mưa rào rào ngoài nhà, Dũng đã có chiêm bao thấy một chuyện gì vui lắm. Chàng chỉ biết rằng lúc đó chàng đã có một cái cảm giác rất dễ chịu của một người vừa được thoát thân” [17, tr.198]. Thời gian đó khiến Dũng vui vẻ biết mấy, dù không biết rõ đó là giấc mơ gì nhưng nó khiến lòng Dũng nhẹ nhàng, êm ái khác hẳn mọi ngày. Trong toàn bộ tiểu thuyết, hầu như ta thấy Dũng chỉ thật sự vui vẻ khi ở bên Loan, ở bên các bạn; đã lâu lắm rồi Dũng mới vui vẻ, mới thoải mái đến thế trong chính căn nhà của mình vào một buổi sáng. Một buổi sáng êm ái, nhẹ dịu như thế có lẽ Dũng đã mong chờ từ rất lâu và bây giờ nó mới thành hiện thực. Tiếp đó nhân vật Dũng nhớ lại về quãng thời gian trước khi chàng bị bãi khóa “Chàng nghĩ lại cũng không hiểu vì sao mình đã bãi khóa. Sáng hôm ấy thấy Trúc và mấy người bạn rủ nhau nhảy qua hàng rào, chàng cũng nhảy theo. Suốt ngày đi lang thang, chàng thấy có một cái thú mới lạ. Lúc đó đương mùa hoa gạo nở. Lần đầu chàng thấy những cây gạo nở hoa lá đẹp và ngỏ ý ấy với Trúc: - Anh có thấy thế không? Trúc gật: - Đích thị. Rồi hai anh em nhặt những bông hoa thi nhau ném xuống hồ xem ai ném xa nhất. Bây giờ chàng còn như ngửi thấy mùi hăng và hơi ngọt của những bông hoa nhàu nát trong tay. Chiều đến, Trúc hỏi Dũng: - Bây giờ thì chúng mình nghĩ sao? Dũng cũng hỏi Trúc: - Chúng mình nghĩ sao bây giờ? 36
  43. Trúc bàn: - Hay ta lại nhảy vào? Dũng cho là phải: - Ta lại nhảy vào như ta đã nhảy ra. Nhưng ý kiến hay ho ấy không thể nào thi hành được vì đã có lệnh của ông Đốc đuổi hết những học trò nào đã nhảy qua hàng rào trốn ra.” [17, tr.59 – 60]. Quãng thời gian còn đi học với Dũng thật vui, hồn nhiên; từ ngày bãi khóa về nhà, chàng không còn cảm thấy cái niềm vui ấy nữa. Cuộc sống của Dũng trở nên nhàm chán, ngày nào cũng như ngày nào, “không làm gì cả”, “ngày nào cũng là ngày chủ nhật, ngày nghỉ ngơi” [17, tr.59] cả. Dũng nhớ lại khoảng thời gian được đứng nói chuyện với Loan hôm ở nhà Cận “Chàng nhớ đến lúc đứng nói chuyện với Loan hôm Thái đi. Chàng tưởng như mình đã phải xa Loan gần một năm rồi và muốn được thấy mùi hoa để nhớ lại Loan, sống lại cái giây phút thần tiên, đứng với nàng dưới gốc khế, mùa thu năm ngoái” [17, tr.169 – 170]. Mỗi lần nghĩ tới Loan, lòng Dũng lại êm ái, bình yên đến lạ kì. Những suy nghĩ về Loan luôn khiến trái tim Dũng rung động, vui tươi. Được gần Loan, yêu Loan và Loan yêu lại, Dũng thật hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, gần mà lại xa, yêu mà lại chẳng thể ở bên nhau khiến cả hai cùng rơi vào những nỗi đau khổ riêng. Tuy không đến được với nhau, nhưng những kí ức về Loan có lẽ sẽ luôn làm trái tim Dũng mỉm cười. Tình yêu của Dũng đối với Loan thật tươi đẹp, nó đối lập hoàn toàn với những kí ức buồn về gia đình mà Dũng mang trong lòng. Giá như Dũng có được Loan là người bạn đời của mình thì cuộc đời Dũng có lẽ sẽ êm đềm chảy trôi như bao con người khác, Dũng sẽ không phải ra đi, không phải tìm cách đi ngoại quốc để thoát li. 2.1.3. Thời gian tương lai Đôi bạn xoay quanh mốc thời gian hiện tại, các sự kiện chảy trôi trong diễn biến của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên trên cái nền hiện tại ấy, nhân 37
  44. vật của Nhất Linh thường quay về quá khứ với những hồi ức, kỉ niệm và còn hướng đến tương lai. Mở ra trong tác phẩm là thời gian tương lại tươi đẹp của Dũng và Loan trong khoảnh khắc tấm gương in hình chàng và Loan. Dũng yêu Loan và chàng cũng từng có hi vọng sẽ được lấy Loan làm vợ, hai người sẽ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi ở ấp Quỳnh Nê. Nhưng hi vọng ấy của chàng sẽ mãi chỉ là hi vọng bởi chàng biết gia đình chàng và gia đình Loan sẽ không chấp nhận cho hai người đến với nhau. Vì vậy, khi tấm gương in hình hai người Dũng đã tưởng tượng ra một viễn cảnh tươi đẹp về tương lai của chàng và Loan; dù biết tương lai đó là mơ mộng, hão huyền, chẳng thể nào xảy ra được nhưng Dũng vẫn tưởng tượng, vẫn hi vọng, mong ước. Dẫu sao, trong cuộc đời thực tế, họ không thể sống hạnh phúc bên nhau mãi thì ít nhất nó cũng xảy ra trong khoảnh khắc tương lai mà Dũng đang mơ tưởng tới. Nếu mở đầu tác phẩm là mơ ước về tương lai tươi đẹp của hai người là của Dũng thì ở cuối tác phẩm lại mơ ước đó lại là của Loan “nếu Dũng ngỏ lời tha thiết muốn nàng đi cùng thì chắc Loan sẽ có đủ can đảm ”, “Loan không sợ hãi gì khi nghĩ đến những sự trốn tránh ẩn núp, một cuộc đời sống biệt lập hẳn ra ngoài khuôn sáo tầm thường nếu lúc nào cũng có Dũng ở bên cạnh nàng” [17, tr.204]. Nhân vật Loan là điển hình cho mẫu người phụ nữ trong thời đại mới. Tuy gia đình nàng, cha nàng là nhà nho đã hết thời nhưng Loan vẫn được cắp sách tới trường Pháp học. Cũng bởi thế, những suy nghĩ của Loan táo bạo hơn hết thảy những cô gái cùng thời. Loan cũng yêu Dũng như Dũng yêu Loan, cả Loan và Dũng đều hi vọng về tương lai tốt đẹp, hạnh phúc của hai người, nhưng trớ trêu là họ vẫn yêu nhau và biết trước rằng sẽ chẳng thể đến được với nhau do quan niệm môn đăng hộ đối thời đó. Tuy nhiên, không vì thế mà tình yêu đối với người kia trong Dũng hay Loan giảm đi, trái lại họ càng yêu nhau hơn. Cái suy nghĩ sẽ bỏ trốn đi cùng Dũng trong 38
  45. Loan thật táo bạo, thật tân tiến. Và nếu Dũng ngỏ ý muốn nàng đi cùng thì chắc có lẽ Loan sẽ chẳng đắn đo suy nghĩ mà sẽ đồng ý đi cùng Dũng. Có Dũng bên cạnh Loan sẽ không còn lo sợ gì nữa. Ở quê nhà họ không thể đến được với nhau thì họ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn ở một nơi xa xôi khác. Đó là cái hi vọng về tương lai tươi đẹp đầy táo bạo của một cô gái tân thời. Dũng và Loan yêu nhau nhưng hai gia đình đều đã sắp đặt sẵn hôn nhân của hai người. Gia đình Dũng đã sắp xếp cho chàng lấy Khánh – một cô tiểu thư danh giá, con cụ Thượng Đặng ở trên tỉnh. Đó là tương lai mà gia đình đã vẽ sẵn ra cho Dũng. Dũng sẽ lấy vợ đẹp và lại làm quan như cha chàng. Tương lai ấy chàng không hề mong muốn, chàng chỉ có một hi vọng sẽ được lấy Loan làm vợ và sống hạnh phúc trọn đời bên Loan. Thậm chí, cái gia cảnh giàu sang của gia đình Dũng, đối với chàng, đó còn là một sự nhục. Vì gia cảnh ấy mà chàng và Loan sẽ chẳng thể đến được với nhau, vì gia cảnh ấy nó sẽ “là cái hàng rào ngăn không cho các bạn dễ dàng yêu mình” [17, tr.37]. Còn với Loan, gia đình nàng đã sắp đặt sẵn cho nàng sẽ lấy Thân, con bà Phán Lợi, một gia đình giàu có. Cũng như Dũng, tương lai đó nàng không hề mong muốn, nàng không có tình cảm gì đối với Thân (vì trong lòng Loan đã yêu Dũng) nhưng vì chữ hiếu mà nàng buộc phải lấy Thân (Đoạn Tuyệt). Thời gian tương lai ấy hai gia đình đã sắp đặt sẵn nhưng cả hai nhân vật đều không muốn vì trái tim họ đã hướng đến nhau, dành cho nhau. Ở tác phẩm các nhân vật khác như Thái, Tạo, Cận, đều muốn đi ngoại quốc để thoát li. Cái tâm lí đó của hầu hết thanh niên thời bấy giờ nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn mà họ hằng mong ước. Nhưng có lẽ tương lai ấy xa vời biết mấy khi Thái, Tạo đều lần lượt chết đi. Nó dường như dự báo chung cho số phận của những người như Dũng lúc ấy. Dù là thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lai, ở tiểu thuyết Đôi bạn luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn với thời gian tâm trạng. Nhờ có cách sắp 39
  46. xếp thời gian tài tình, hợp lí, Nhất Linh đã dẫn dắt bạn đọc đến với tác phẩm hết sức tự nhiên chứ không hề gượng ép. Cả ba bình diện thời gian này đều quy tụ, góp phần làm rõ thêm thời gian tâm trạng. Chúng hỗ trợ cho nhau, làm phông nền cho nhau trở nên nổi bật hơn. Thông qua thời gian nghệ thuật con người dễ dàng bộc lộ bản thân mình (tư tưởng, tình cảm, tâm trạng, cảm xúc) một cách rõ nét, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. 2.2. Biểu hiện của không gian nghệ thuật Một trong những yếu tố nghệ thuật không thể thiếu góp phần làm nên tính đặc sắc cho Đôi bạn là không gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật đã khắc họa sâu sắc tâm lí nhân vật. 2.2.1. Không gian khơi gợi cảm giác tù túng, buồn chán Xuất hiện ở ngay đầu chương truyện là không gian buồng giấy của tác giả để ông viết tiểu thuyết kể lại cuộc đời nhân vật Dũng. Tác giả không đủ can đảm để bắt đầu viết và trong không gian tù túng ấy, tác giả cũng không biết bắt đầu từ đâu. Trong toàn bộ tiểu thuyết, không gian đời thường hiện lên bao gồm không gian ban ngày, bóng đêm, những cuộc trò chuyện của con người. Những không gian gia đình (không gian gia đình vợ chồng anh M, không gian gia đình Dũng, Loan, Cận, Hoạt, ) dù vui hay buồn đều là không gian tù túng, chật hẹp, kìm hãm con người. Đó là không gian nhà Hoạt đã kìm hãm Thái lại. Thái vì trốn đi ngoại quốc rồi bị bắt nên mới phải lánh tạm ở nhà Hoạt, chờ cơ hội để trốn đi tiếp. Những con người như Thái luôn có tư tưởng thoát li, muốn đi ra ngoài không gian rộng lớn bên ngoài kia nên phải ở trong không gian gia đình khiến họ khó chịu, không yên. Đặc biệt, với nhân vật Dũng, không gian nhà Dũng càng ngột ngạt, tù túng hơn bởi Dũng luôn có tư tưởng khác hẳn mọi người trong nhà “Chàng đã bao lần xung đột ấy với gia đình và có những xung đột chính vì từng giây từng phút chàng đã không muốn nhận cái cảnh sống trong gia đình, chỉ muốn thoát ra khỏi thật 40
  47. mau ” [17, tr.195]. Dũng vốn đã có những bất bình với các thành viên trong gia đình, khó chịu về việc giàu có không chính đáng của gia đình mình, nay lại thêm tư tưởng muốn thoát li nên Dũng càng cảm thấy không gian gia đình mình thật tù túng, ngột ngạt. Chàng luôn có suy nghĩ rằng sẽ rời xa nơi đó “Người ta không thể sống mãi một cảnh đời trong khi người ta chỉ nghĩ đến việc thoát ra khỏi cảnh đời đó” [17, tr.195]. “Chàng muốn được như con bướm thoát khỏi cái kén tối tăm, bay lên nhẹ nhàng trong ánh sáng mặt trời, tự do đi tìm hoa trong các vườn xa lạ; bay đi và không nghĩ đến cái kén kia, không biết cái kén dính ở cành cây nào nữa.” [17, tr.196]. Không gian vườn sau nhà Loan đối với Dũng, không gian ấy vẫn thật nhẹ nhàng, êm ả “Một cơn gió nhẹ lướt qua mặt đất, các lá rau non, ướt nước rung động trước gió như muốn tỏ cái vui sướng được mát mẻ sau một ngày mong đợi khô khan. Ánh sáng buổi chiều đều đều và êm dịu: tiếng sáo diều ở đâu rất xa đưa lại, nhẹ như hơi gió. Dũng cảm thấy có một sự hòa hợp nhịp nhàng giữa cảnh chiều và lòng chàng lúc đó. Thấy bà hai nhìn về phía mình, Dũng mỉm cười yên lặng, cúi đầu chào; chàng không muốn cất tiếng nói to sợ làm tan mất sự hòa hợp rất mong manh của chàng và cảnh chiều êm ả” [17, tr.119]. Không gian nơi nhà Loan khác hẳn với không gian nhà Dũng. Nếu ở nhà Dũng có sự căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình thì không gian nhà Loan lại thật nhẹ nhàng, êm ái, bình thản. Khung cảnh khu vườn nhà Loan tươi đẹp với các thức rau và những giọt nước long lanh, êm đềm, yên ả đúng như cảnh vườn quê đồng bằng Bắc Bộ. Tuy không gian có đẹp, yên ả, thanh bình song vẫn không thể ngăn lại cái suy nghĩ muốn thoát li của con người. Ở các nhân vật Thái, Tạo, Dũng, tư tưởng thoát li đã rõ ràng nhưng còn Loan, Cận đã có tư tưởng thoát li song vẫn chưa rõ rệt, vẫn bị sợi dây gia đình níu kéo. 41
  48. Không gian bóng đêm trong tác phẩm được mở ra ngay từ đầu, đó là nơi buồng giấy của tác giả. Trong bóng đêm ấy, tác giả đọc lại bức thư của Dũng và bắt đầu viết tiểu thuyết kể về cuộc đời chàng. Đó là “cái thời quá vãng nặng nề” mà tác giả “muốn quên hẳn đi” “Bao nhiêu nỗi băn khoăn ngấm ngầm mà anh Dũng đã phải chịu bấy lâu, tất cả những nỗi đau khổ của một đời anh như thấm lọt vào hồn tôi” [17, 24]. Nỗi buồn đau của Dũng đã thấm sang cả Nhất Linh, nó như bóng đêm vô hình bao trùm lên tâm hồn tác giả và vì vậy ông muốn quên đi quá khứ ấy. Nhưng trớ trêu, điều mà tác giả muốn quên đi lại là điều chính ông mong ngóng, chờ đón. Nó luôn âm ỉ chảy trong từng mạch máu của Nhất Linh. Hình ảnh bóng đêm nơi gia đình Cận thật khiến người ta ám ảnh “Lúc đó trời chưa tối hẳn nhưng bóng người đã thấy in trên sân trăng. Bên cạnh cái bể nước con, mấy cái chĩnh sành trên úp những tấm mo cau cuộn tròn làm Trúc nghĩ đến những người con gái đội mấn yên lặng đi theo sau một chiếc áo quan.” [17, tr.177]. Bóng đêm ấy cho ta thấy được sự khánh kiệt của gia đình Cận, hơn nữa nó còn cho thấy nỗi buồn trong tâm hồn nhân vật Cận, hình ảnh bóng đêm hay chính là hàng rào ngăn cản không cho Cận thoát li. Trong lòng nhân vật Cận luôn muốn cùng bạn đi ngoại quốc để thoát li nhưng sợi dây huyết thống đã ngăn cản ý nghĩ ấy lại. Đó là tư tưởng từ bỏ cái cũ, cái lạc hậu để đến với cái mới, cái tiến bộ. Tuy nhiên, vì nhiều lí do mà con người chưa thể thực hiện được điều đó. Khác với Cận, Dũng là hình mẫu của con người tân thời, tiến bộ. Bóng đêm khi Dũng và Loan đi cùng nhau trên những con đường Hà Nội có phần sáng sủa hơn. Nó như gợi mở ra một một bầu trời mới, một viễn cảnh tươi đẹp cho con người dám nghĩ, dám làm. Qua đó, Nhất Linh đã gửi đến độc giả thông điệp cách tân, đổi mới là khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy nhưng sau đó sẽ là tương lai tốt đẹp. 42
  49. Nếu hình ảnh bóng đêm gợi nỗi buồn, bế tắc thì hình ảnh ban ngày là tương lai tươi đẹp hơn trong tác phẩm. Đó là những ngày Dũng được gặp gỡ, vui vẻ bên Loan, bên những người bạn của mình. Trong toàn bộ tiểu thuyết, đa phần là không gian ban ngày với những hoạt động của con người. Tư tưởng thoát li của con người ở đây hay cũng là tư tưởng cách tân, hiện đại hóa của Nhất Linh. Một chi tiết điển hình cho thấy không gian đời thường trong tác phẩm đó là bối cảnh mà các nhân vật trò chuyện với nhau: không gian Dũng trò chuyện với các bạn, với Loan, với các thành viên trong gia đình; Loan trò chuyện với cụ Chánh Mạc, với bố mẹ; Thông qua các cuộc trò chuyện, con người đã thể hiện cá tính, thái độ, cảm xúc của mình. Khi Dũng và Loan trò chuyện, cuộc nói chuyện vui vẻ, không gian cũng êm ái, nhẹ nhàng, tươi vui. Khi Dũng trò chuyện với các thành viên trong gia đình thì luôn có sự căng thẳng, không đồng nhất quan điểm, vì vậy mà chàng luôn buồn rầu, khó chịu. Khi trò chuyện với bạn bè tùy theo hoàn cảnh mà tâm trạng Dũng thay đổi, khi biết bạn bị bắt, bị xử, lòng Dũng đau buồn, thấp thỏm lo âu. Hay như nhân vật Loan khi trò chuyện với bố mẹ về việc ông hai đi Hà Giang thì lòng nàng buồn vì gia đình khánh kiệt, cha nàng phài đi kiếm ăn xa. Ở Đôi bạn còn xuất hiện bối cảnh xã hội. Ở chương 3 (phần 1) của cuốn tiểu thuyết, Dũng nhớ lại thời mình còn đi học. Hình ảnh hàng rào ngăn cách không gian bên trong với bên ngoài trường học hay chính là ngăn cách giữa không gian tù túng, chật hẹp kìm hãm con người với không gia bao la, khoáng đạt để con người thỏa sức vùng vẫy. Hai không gian hoàn toàn đối lập đã làm nên diện mạo, tính cách của từng con người. Hành động nhảy qua hàng rào để ra ngoài của Dũng, Trúc hay chính là hành động thoát li với cái cũ, mở ra khát vọng ra đi, vươn tới thế giới hoàn toàn tự do của con người cá nhân. Đó không phải tư tưởng của một người mà là của cả một thế hệ thanh 43
  50. niên lúc bấy giờ và Nhất Linh là người đã cất lên tiếng nói cho họ. Cái nhìn của Dũng với ông hai trước lúc ông hai lên đường đi Hà Giang càng khiến Dũng không bằng lòng về việc giàu có không chính đánh của gia đình mình: “Dũng nhìn ông hai, trên vẻ mặt hiền lành và lúc nào cũng buồn bã của ông, Dũng như thấy rõ hết cả những nỗi đau thương của các nhà nho lỡ vận chỉ còn sống để nhớ tiếc thời đại cũ và vẫn phải chật vật để mưu lấy cuộc sống thừa ấy” [17, tr.148]. Cái cuộc sống ấy của ông hai hay chính là của tầng lớp trí thức nho học nói chung thời bấy giờ. Xã hội đã thay đổi, các nhà nho đã lỡ vận, họ chỉ còn biết sống mà nhìn lại quá khứ để nuối tiếc. Hai cảnh đời hoàn toàn đối lập nhau giữa ông Tuần và ông hai càng cho ta thấy rõ điều này. Ở Đôi bạn, không gian đời thường hiện lên có đầy đủ các buổi (sáng, trưa, chiều, tối), có âm thanh (tiếng mưa, tiếng đĩa hát, tiếng người trò chuyện, ), màu sắc (màu xanh của vườn rau, màu đỏ của chăn, màu vàng của nắng, của hoa, ) cho ta thấy tác giả Nhất Linh đã khắc họa rất chân thực đời sống bình dị. Với ngòi bút lãng mạn, cuộc sống đi vào tác phẩm của ông êm đềm, yên ả. Không một sự kiện gay cấn nào nổi lên trong tác phẩm nhưng chỉ với từng đó thôi Đôi bạn đã đủ sức khiến độc giả say sưa, giữ một vị trí quan trọng trong trái tim bạn đọc. Nếu không gian ban đêm hay không gian gia đình là dạng không gian kìm hãm con người thì không gian ban ngày, trời, biển, lại bao la, rộng lớn, hướng con người tới tương lai tươi sáng, tốt đẹp để con người thỏa sức vẫy vùng, thoát khỏi những định kiến, lễ giáo lúc bấy giờ. 2.2.2. Không gian khơi gợi cảm xúc tươi mới, trong sáng và khát vọng tự do 2.2.2.1. Không gian khơi gợi cảm xúc tươi mới trong sáng Thiên nhiên là người bạn gần gũi của con người trong cuộc sống, là đối tượng miêu tả không thể thiếu trong văn học nghệ thuật. Qua việc miêu tả khung cảnh, nhà văn đã làm nổi bật tâm lí nhân vât. Có nhiều dạng không 44
  51. gian khác nhau trong văn chương nghệ thuật, với Đôi bạn, tác giả chọn miêu tả không gian làng quê bình lặng thay vì sự phồn hoa, náo nhiệt nơi thị thành. Nhất Linh là nhà văn lãng mạn vì vậy khung cảnh tự nhiên trong các sáng tác của ông lúc nào cũng đẹp kể cả khi con người có buồn. Nhưng qua lăng kính tâm trạng, thiên nhiên ngoại giới lại thêm phần đẹp và sinh động hơn. Bởi vậy việc miêu tả thiên nhiên là cách nhà văn dùng ngoại cảnh để tìm hiểu sâu hơn vào tâm trạng con người, đồng thời cho thấy sự tinh tế, nhạy cảm của tác giả. Thiên nhiên trong tiểu thuyết Đôi bạn được nhà văn miêu tả với tất cả vẻ đẹp tự nhiên, sinh động, có hình khối, đường nét, âm thanh, màu sắc, đặc biệt thiên nhiên giống như người bạn thân có thể nói hộ lòng người “Thiên nhiên ngoại giới chỉ là cái cớ, thế giới nội tâm, thế giới cảm giác mới là cái chủ thể” [33, tr45]. Không gian khi Dũng và Loan gặp nhau lúc nào cũng đẹp lạ thường: “Tới con đường lát sỏi trên có giàn cây, hai người tự nhiên cùng chậm bước lại, người nọ ý muốn nhường người kia tiến lên trước mình để khi ra đến sân nhà Dũng, người ta khỏi trông thấy hai người cùng đi với nhau. Nhưng vì không ai dám nói hẳn ra nên người nọ tưởng người kia muốn cùng đi chậm lại để nói một câu chuyện riêng, nhất là chỗ đó lại khuất, có cây che phủ kín. Loan cúi nhìn xuống, lấy mũi giầy ấn những hòn sỏi to nổi cao lên, đợi Dũng nói. Dũng cũng đợi Loan nên hai người cứ đi yên lặng như thế, không ai cất tiếng và cùng ngong ngóng đợi.” [17, tr.51 - 52]; “Hai người đứng lẩn sau giậu găng ta dưới một cây bồ kết dại. Những cành cây đầy hoa vàng rủ xuống chạm vào tóc hai người. Loan và Dũng cùng yên lặng. Tiếng giầy trên sàn gạch một lúc một xa và nghe như ở một thế giới khác đưa lại. Trên cành bồ kết, một con bọ ngựa non giơ hai càng tìm chỗ níu rồi đánh đu chuyền từ lá này sang lá khác. Mùi nước hoa và phấn ở đám người vừa đi qua thơm thoảng đến tận chỗ Loan, Dũng đứng” [17, tr.52 – 53]. Trong khi vừa tế xong hai 45
  52. tuần, Dũng tưởng tưởng “Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẩn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bãi cỏ rộng, trên đó có Loan và chàng, hai người cùng đi ngược lên chiều gió; nàng mặc một tấm áo lụa trắng, và gió mát thơm những mùi cỏ đưa tà áo nàng, phơ phất chạm vào tay chàng êm như những cánh bướm.” [17, tr. 57 – 58]. Không gian bầu trời, bãi cỏ rộng lớn có Dũng và Loan như là ước mơ của Dũng về tương lai tốt đẹp của hai người vậy. “Chàng quay đầu nhìn vào cái gương treo ở buồng khách; trong buồng tối, cái khung vuông của tấm gương in hình chàng và Loan với nền sàn gạch nắng, chàng tưởng như là một cái cửa sổ mở ra một thế giới trong sáng” [17, tr.56]. Ước mơ giản dị, chân thành đó của Dũng là hoàn toàn chính đáng. Họ sẽ vui vẻ, hạnh phúc đi bên nhau, sống bên nhau. Và có lẽ nếu Loan trở thành vợ Dũng thì tư tưởng thoát li của Dũng chắc sẽ không còn. Buổi đầu tiên gặp gỡ Loan, Dũng thấy thiên nhiên thật lạ: “Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa. Đó là một thứ hương lạ để đánh dấu một khoảng thời khắc quan trọng trong đời. Dũng thấy trước rằng độ mười năm sau, thứ hương đó sẽ khiến chàng nhớ đến bây giờ” [17, tr.39 - 40]. Hương hoa khế nhẹ nhàng, lên lỏi vào giữa Dũng và Loan, đánh dấu giây phút ban đầu được gặp gỡ và đánh dấu giây phút thật quý giá. Hay khi được gặp Loan một cách “tình cờ” tại nhà chị giáo Thảo, không gian cũng như bừng dậy tươi sáng một cách lạ thường và lòng Dũng vui sướng biết mấy “Dũng không mong ước gì nữa; chàng cố ngồi thật yên lặng để hoàn toàn nghĩ đến cái vui sướng của lòng mình. Trong đời chàng, chàng ước ao còn có nhiều lúc như lúc này, đương mong Loan lại được Loan đến với chàng, đến như một nàng tiên ở nơi xa xăm về an ủi chàng trong chốc lát rồi lại bay đi.” [17, tr.75]. Khi lòng người vui mừng, phấn khởi, không gian xung quanh dường như cũng tươi vui 46
  53. hơn bao giờ hết. Với Dũng lúc này, Loan như một nàng tiên đem đến niềm vui, hạnh phúc, sưởi ấm trái tim Dũng vậy. Tình yêu của Dũng và Loan luôn được tác giả chú ý đặt trong khung cảnh thiên nhiên rực rỡ, sinh động như tô điểm thêm tình yêu của đôi bạn trẻ. Người con gái ấy luôn khiến chàng xao xuyến và đợi chờ. Mỗi lần gặp Loan thiên nhiên như bị tan chảy ra hòa tan và ngừng vận động: “Ánh nắng lấp lánh trên lá cũng thôi không lấp lánh nữa”, “cảnh vật xung quanh như không có nữa” [17, tr.73]. Trong mắt chàng bây giờ chỉ có Loan thôi, khung cảnh tuyệt vời ấy như khúc nhạc êm dịu, như khúc ca không lời để nâng đôi cánh tình yêu bay lên. Với phần 2, chương 3 của tiểu thuyết, không gian mở ra cũng thật tươi đẹp bởi Dũng đã có một giấc mơ khiến chàng cảm giác rất dễ chịu. 2.2.2.2. Không gian thể hiện khát vọng tự do Không gian cánh đồng, bờ đê, sông, biển, là dạng không gian rộng lớn. Cánh đồng nơi mà Thái đã rẽ đường tắt để về tỉnh đã mở ra cơ hội được thoát li của con người. Trong văn học nghệ thuật, ta thường thấy không gian rộng mở thì tầm vóc của con người cũng lớn lao. Con người ở đây muốn thoát li, muốn ra ngoài không gian rộng lớn để hướng tới tương lai, hướng tới cuộc sống mà họ ao ước. Tiêu biểu trong cuốn tiểu thuyết đó là nhân vật Dũng. Không gian bao la, khoáng đạt càng cho ta thấy khát vọng từ bỏ cái cũ, hướng tới cái mới của Dũng. Dũng dám từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của con tim, của lí trí. Nhân vật Dũng là người anh hùng của thời đại với những lí tưởng tiến bộ. Những khi vui, khi buồn thiên nhiên luôn là người bạn để Dũng có thể giãi bày. Trong lúc lang thang Dũng đã đến nhà Loan lúc nào không biết, nhìn những luống rau tươi vừa được tắm mát, được gặp gỡ trò chuyện với Loan thì thiên nhiên lúc đó như một sự hòa hợp với tâm hồn chàng muốn tỏ sự vui sướng sau một ngày mong đợi: “Một cơn gió nhẹ lướt qua mặt đất, các lá rau 47
  54. non ướt rung động trước gió như muốn tỏ cái vui sướng được mát mẻ sau một ngày mong đợi khô khan” [17, tr.119]. Có lúc tâm trạng Dũng không vui, bị mâu thuẫn, ngột ngạt trong bốn bức tường gia đình, chàng muốn được giải thoát, được tự do thì thiên nhiên cũng như bị đè nặng của tâm trạng ấy. Ở Thanh Thủy, ánh trăng lúc này với chàng trông thật buồn bã như bị gò bó trong sự ngột ngạt, nhớ “những quãng rộng”, “những con đường vắng” có “gió thổi cát bay lên trắng mờ mờ như làn sương”, có “đom đóm bay lên”. Thiên nhiên không đơn giản chỉ là ngoại giới mà nó là khúc xạ tâm trạng của chàng. Bởi lẽ Dũng thấy cuộc sống đầy đủ đó nhưng tối tăm, u uất. Chàng muốn được tự do như ánh trăng có thể thả mình tự do bước trên con đường thênh thang. Như vậy, trong các tiểu thuyết lãng mạn của văn học Việt Nam, không gian thiên nhiên vừa chân thực gần gũi lại vừa thơ mộng, yên bình. Con người xuất hiện trong khung cảnh ấy cũng thường mơ ước, khao khát tình yêu sự tự do. Trái lại, không gian trong các tác phẩm hiện thực thường trần trụi, phũ phàng như những gì vốn có. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nhất Linh đã đưa thiên nhiên vào trang văn với tất cả vẻ đẹp kiều diễm. Thiên nhiên ở đây gắn bó với con người, biến đổi linh hoạt để phù hợp với diễn biến tâm trạng nhân vật, nó không tồn tại độc lập mà hòa vào bức tranh đời sống tâm lí cũng sống động, giàu nhạc điệu. 48
  55. KẾT LUẬN Đến thế kỉ XX, bối cảnh xã hội Việt Nam thay đổi mạnh mẽ, nền văn học nước nhà cũng có sự chuyển mình mau lẹ. Văn học trong nước đã có điều kiện để tiếp xúc với nhiều nền văn học trên thế giới, Tự lực văn đoàn là một nhóm văn phái đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ văn học phương Tây và là tổ chức đi tiên phong trong việc tiếp thu thể hiện những tiến bộ trong tư tưởng nghệ thuật. Nhất Linh – người khai sáng ra văn phái Tự lực cũng là người đi tiên phong. Du học Pháp trở về, cách viết văn của Nhất Linh đã có sự đổi mới rất rõ rệt cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Nhất Linh là cây bút chính của Tự lực văn đoàn, sự nghiệp sáng tác của ông đa dạng với các thể loại: truyện, tiểu luận, dịch phẩm nhưng thành công hơn cả là ở thể loại tiểu thuyết. Với Đôi bạn, nhà văn Nhất Linh đã phân biệt rạch ròi cũ – mới, đưa tiểu thuyết của văn phái Tự lực đi đúng hướng, đúng tôn chỉ. Vị thế của Nhất Linh ngày càng củng cố với: Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Bướm trắng, Các tác phẩm của ông làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú hơn và khiến trái tim bạn đọc rung động, yêu đời hơn. Nghiên cứu thời gian và không gian nghệ thuật đa chiều trong Đôi bạn của Nhất Linh cho thấy thời điểm cụ thể để nhân vật xuất hiện trong từng hoàn cảnh, không gian cụ thể. Thời gian ban đêm thường gắn với không gian gia đình, còn thời gian ban ngày thường gắn với bối cảnh đồng, biển rộng lớn mênh mông. Thời gian và không gian là hai yếu tố không thể tách rời nhau, hai chi tiết nghệ thuật này trở đi trở lại trong tác phẩm, cái này làm tiền để cho cái kia và tựu chung lại để thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Thời gian, không gian trong Đôi bạn vừa cho thấy khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ vừa thể hiện sâu sắc tâm lí, tính cách nhân vật. Đó còn là cái tài trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nhất Linh. Những tác phẩm đặc sắc của nhà văn đã làm đắm say biết bao độc giả. 49
  56. Đôi bạn – cuốn tiểu thuyết đã đi qua bao thăng trầm của thời gian, lịch sử nhưng nó vẫn luôn mới, vẫn chiếm giữ một vị trí trong trái tim độc giả, biết bao thế hệ bạn đọc đã tìm thấy chính mình trong cuốn tiểu thuyết ái tình này của Nhất Linh. Tác phẩm là cuốn tiểu thuyết tình yêu trong sáng, lãng mạn bậc nhất. Dũng và Loan dù không được sống hạnh phúc trọn vẹn bên nhau nhưng họ đã và sẽ mãi yêu nhau, trái tim họ luôn hướng về nhau. Lịch sử văn học đã sang trang mới, cái ta chung hay sự bó buộc của khuôn khổ gia đình dần bị triệt tiêu, thay vào đó là tư tưởng cá nhân ngày càng bộc lộ mạnh mẽ, con người thời đại mới sống, cống hiến hết mình và cũng yêu nồng nhiệt, đắm say. Họ sẽ chủ động tìm đến tình yêu, lên tiếng bảo vệ tình yêu chân chính. Tự lực văn đoàn đã góp phần vào quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX ở chỗ mở ra cho tiểu thuyết hướng đi sâu vào khai thác tâm lí nhân vật. Nhung (Lạnh lùng), Tuyết (Đời mưa gió), Dũng (Đôi bạn), Trương (Bướm trắng) phần lớn là những nhân vật tâm lí. Ở một con người luôn có hai con người song song tồn tại: bên trong và bên ngoài. Việc khám phá ra con người tâm lí, con người bên trong đã chi phối kết cấu cũng như mạch vận động của truyện. Không gian nghệ thuật thu gọn lại trong những “vòng tròn tâm lí hướng tâm”. Việc từ bỏ lối kết cấu chương hồi, chuyển sang lối kết cấu tâm lí, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã làm đảo lộn toàn bộ thi pháp tiểu thuyết của các nhà văn lớp trước, chi phối trong các khâu sáng tạo nghệ thuật, từ việc xây dựng cốt truyện, khắc họa tính cách nhân vật đến bố cục tác phẩm cũng như cách tổ chức không gian, thời gian. Để phù hợp với việc miêu tả con người bên trong, không gian và thời gian nghệ thuật thu hẹp dần từ hướng ngoại sang hướng nội. Trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn chủ yếu là không – thời gian thiên về những cảm xúc nội tâm, không gian thi vị, diễm lệ phù hợp với cái nhìn chủ quan, duy cảm. 50
  57. Thế giới nghệ thuật trong văn học chỉ có thể tồn tại khi có thời gian và không gian nghệ thuật. Hai yếu tố này không thể thiếu bởi nó làm nên tính xác định của một tác phẩm. Do vậy, nghiên cứu thời gian nghệ thuật là rất quan trọng giúp ta khám phá tác phẩm như là một thế giới, một chỉnh thể nghệ thuật được xác định trong không – thời gian. 51
  58. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nam Cao (2016), Đời thừa, Nhà xuất bản Văn học. 2. Nguyễn Đình Chú, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2000), Văn học 11, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục. 3. Vũ Thị Khánh Dần (1997), Tạp chí văn học số 3, “Nhìn nhận tiểu thuyết Nhất Linh hơn nửa thế kỉ qua”. 4. Phan Cự Đệ (2000), Tự lực văn đoàn con người và văn chương, Tuyển tập Phan Cự Đệ, tập 1, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 5. Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội. 6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 7. Lê Thị Tuyết Hạnh (2003), Thời gian nghệ thuật trong cấu trúc văn bản tự sự (Qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1995), Nhà xuất bản Đại học sư phạm. 8. Lê Cẩm Hoa (biên soạn) (2000), Nhất Linh – con người và tác phẩm, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 9. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nhà xuất bản Giáo dục. 10. Khái Hưng (2014), Hồn bướm mơ tiên, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. 11. Mai Hương (tuyển chọn) (2000), Nhất Linh cây bút trụ cột, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội. 12. Tạp chí sông Hương, tháng 4 năm 1989, Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn, (37). 13. Đoàn Thị Hương (2015), Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Hà Nội.
  59. 14. Trịnh Hồ Khoa (1997), Những đóng góp của Tự lực văn đoàn cho văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 15. Nguyễn Hoành Khung (1979), Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945, tập 1, Nhà xuất bản Khoa học – Xã hội, Hà Nội. 16. Mặc Lâm, 2007, Hai nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng của nhóm Tự lực văn đoàn. 17. Nhất Linh (2016), Đôi bạn, Nhà xuất bản Văn học. 18. Nhất Linh (2016), Đoạn tuyệt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 19. Phong Linh, 3/4/2017, Nhất Linh: Linh hồn của Tự lực văn đoàn. 20. Hoàng Yên Lưu, 22/12/2013, Đôi bạn của Nhất Linh. 21. Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Văn học 12, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 2001. 22. Nguyễn Thị Nga (2013), Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh, Khóa luận tốt nghiệp văn học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Hà Nội. 23. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư xuất bản Sài Gòn. 24. Thụy Oanh, 19/6/2016, Nhất Linh và những cách tân trong Đôi bạn. 25. Vũ Ngọc Phan (1994), Nhà văn hiện đại, tập 2, Nhà xuất bản Khoa học – Xã hội, Hà Nội. 26. Trần Đăng Suyền (2012), Văn học Việt Nam hiện đại tập 1, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội. 27. Trần Đình Sử (1987), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội. 28. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (1987), Lí luận văn học, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  60. 29. Trần Đình Sử (1988), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 30. Trần Đình Sử (1993), Thi pháp học hiện đại, tập 1, Nhà xuất bản văn học, Hà Nội. 31. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Tài liệu BDTX chu kì 1992 cho giáo viên Văn cấp 2 phổ thông, Nhà xuất bản Hà Nội. 32. Lê Thị Dục Tú (1997), Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn. 33. Nguyễn Đình Thi (1965), Công việc của người viết tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 34. Lý Hoài Thu (1998), Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám – 1945 (Thơ thơ và Gửi hương cho gió), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.