Báo cáo Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)

pdf 20 trang thiennha21 22/04/2022 7910
Bạn đang xem tài liệu "Báo cáo Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbao_cao_dao_duc_kinh_doanh_va_trach_nhiem_xa_hoi_cua_cong_ty.pdf

Nội dung text: Báo cáo Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI VIỆN KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ  BÁO CÁO MÔN HỌC VĂN HÓA KINH DOANH VÀ TINH THẦN KHỞI NGHIỆP Tên đề tài: Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Giáo viên hướng dẫn: Nguyễn Quang Chương Nhóm sinh viên thực hiện: Họ tên sinh viên MSSV Mã lớp học Nguyễn Thị Bích Ngọc 20185388 125504 Nguyễn Thị Quý 20185396 125504 Hồ Thị Tuyết 20185424 125504 Nguyễn Ngọc Thìn 20185408 125504 Hà Nội, Tháng 0/2021
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI VIỆN KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ  BÁO CÁO MÔN HỌC VĂN HÓA KINH DOANH VÀ TINH THẦN KHỞI NGHIỆP Điểm Nhận xét của giáo viên Tên đề tài: Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Giáo viên hướng dẫn: Nguyễn Quang Chương Nhóm sinh viên thực hiện: Họ tên sinh viên MSSV Mã lớp học Nguyễn Thị Bích Ngọc 20185388 125504 Nguyễn Thị Quý 20185396 125504 Hồ Thị Tuyết 20185424 125504 Nguyễn Ngọc Thìn 20185408 125504 Hà Nội, Tháng 0/2021
  3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 2 NỘI DUNG 3 PHẦN I: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP 3 1. Đạo đức kinh doanh 3 1.1. Khái niệm 3 1.2. Các nguyên tắc và chuẩn mực của đạo đức kinh doanh 3 1.2.1. Tính trung thực 3 1.2.2. Tôn trọng 3 1.2.3. Giá trị và sự công bằng 3 1.3. Ý nghĩa của việc thực hiện tốt đạo đức kinh doanh 4 1.3.1. Đạo đức trong kinh doanh góp phần điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh doanh 4 1.3.2. Đạo đức kinh doanh góp phần vào chất lượng của doanh nghiệp 4 1.3.3. Đạo đức kinh doanh góp phần vào sự cam kết và tận tâm của nhân viên 5 1.3.4. Đạo đức kinh doanh góp phần làm hài lòng khách hàng 5 1.3.5. Đạo đức kinh doanh góp phần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp 6 1.3.6. Đạo đức kinh doanh góp phần vào sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia 6 2.Trách nhiệm xã hội 6 2.1. Khái niệm 6 2.2. Các quan niệm về trách nhiệm xã hội 6 2.3. Các lý do phải thực hiện trách nhiệm xã hội 7 2.4. Một số vấn đề nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp có ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội 7 PHẦN II: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG CỦA CÔNG TY TNHH GANG THÉP HƯNG NGHIỆP FORMOSA HÀ TĨNH (FHS) 9 1. Giới thiệu về công ty 9 2. Ảnh hưởng của công ty tới môi trường 9 3. Một số sai phạm và sự cố của công ty qua các năm 10 4. Xả chất thải ra môi trường của công ty năm 2016 10 4.1. Nghi vấn xả thải ra biển 11 4.2. Xả thải trên bờ 12 5. Thiệt hại gây ra từ công ty năm 2016 12 5.1. Thủy sản 13 5.2. Du lịch 13 5.3. Con người 13 6. Giải pháp khắc phục 13 PHẦN III: BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA 15 KẾT LUẬN 17 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 18 1
  4. MỞ ĐẦU Đạo đức và trách nhiệm xã hội rõ ràng là những vấn đề không thể thiếu trong kinh doanh. Nhưng thực tế lại cho thấy rằng những vấn đề này chưa được doanh nghiệp chú ý. Thật khó mà thuyết phục doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề đạo đức và trách nhiệm bằng những luận cứ dựa trên lợi ích kinh tế trước mắt. Bài viết này muốn thuyết phục rằng việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích mang tính chiến lược cho các doanh nghiệp. Đạo đức và trách nhiệm xã hội không chỉ là những vấn đề gây tốn kém và bó buộc mà còn có thể là những cơ hội tiềm tàng trong kinh doanh cho những ai nhận ra và đón bắt được. Xem đạo đức và trách nhiệm xã hội là một phần thiết yếu của chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp cũng sẽ cảm thấy tự nguyện và chủ động hơn trong việc thực hiện. Khi đó, những vấn đề này không còn là một gánh nặng hay điều bắt buộc mà là nguồn và cơ sở của những thành công. Trong thời đại ngày nay, do sự phát triển ngày càng cao của nhận thức con người về những hậu quả khó lường của các tiến bộ kỹ thuật cũng như kinh tế, nhất là sau những thảm họa về môi trường do nền công nghiệp gây ra trong vài thập niên gần đây, các nhà doanh nghiệp ngày càng bị áp lực khi buộc phải giải trình và thuyết minh về các phương pháp sản xuất mà mình sử dụng. Người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi các nhà doanh nghiệp phải có “ý thức trách nhiệm công dân” nhiều hơn. Chính vì thế, gần đây người ta không chỉ nói tới “đạo đức kinh doanh”, mà còn đề cập thêm khái niệm “đạo đức quản trị” hiểu theo nghĩa là một nền đạo đức nằm ngay trong bản thân tổ chức của doanh nghiệp, trong việc quản lý các mối quan hệ nội bộ cũng như quan hệ với cộng đồng và môi trường sinh thái ở bên ngoài. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề rất yếu đi liền với kinh doanh, bởi nó mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích đáng kể: khẳng định thương hiệu doanh nghiệp trong làng khách hàng và tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đóng vai trò người kiến tạo lòng trung thành với khách hàng bằng những giá trị đạo đức rất “phong cách”, và nó sẽ đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu và gây được thiện cảm trong lòng dân chúng, họ sẽ bán hàng nhiều hơn gấp nhiều lần. Trong thời buổi mà thương hiệu mạnh được nhìn nhận như một công cụ tạo lợi thế cạnh tranh đặc thù cho doanh nghiệp, thì niềm tin càng trở nên cần thiết. Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trở thành nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu thật sự mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc có được sự sâu đậm trong việc “chia sẻ tâm trí” với người tiêu dùng song hành với sự “chiếm lĩnh thị phần”. 2
  5. NỘI DUNG PHẦN I: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP 1. Đạo đức kinh doanh 1.1. Khái niệm Đạo đức kinh doanh được hiểu là những chuẩn mực, nguyên tắc được xã hội cũng như giới kinh doanh thừa nhận, là những quy định về hành vi, quan hệ nghề nghiệp giữa các nhà quản trị với nhau, hay giữa các nhà quản trị với xã hội trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh doanh, giúp cho các nhà quản trị xử sự một cách trung thực và có trách nhiệm với cộng đồng và với nhau. 1.2. Các nguyên tắc và chuẩn mực của đạo đức kinh doanh 1.2.1. Tính trung thực Sự trung thực là một trong những chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Trong kinh doanh không những phải trung thực ở những việc lớn, mà còn phải trung thực cả trong những việc nhỏ nhất. Câu tục ngữ Việt Nam “một sự bất tín, vạn sự bất tin”, muốn nhắn gửi tới các nhà quản trị không nên “tham bát bỏ mâm”, vì những món lợi nhỏ trước mắt của riêng mình mà quên đi lợi ích của người khác, để rồi làm mất đi uy tín và sự tin cậy của cộng đồng đối với công việc làm ăn lâu dài. Thứ nhất, trung thực với các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Thứ hai, cải thiện ngày một tốt hơn tình hình nội bộ hãng bằng cách gia tăng tinh thần trách nhiệm và lợi ích của các nhân viên, giảm biến động đội ngũ cán bộ, tăng năng suất lao động Thứ ba, đánh bóng thương hiệu một cách chuyên nghiệp và thực chất. Cuối cùng, xử lý một cách bài bản những việc liên quan tới cổ phiếu và tài chính - chỉ có ứng xử thật đàng hoàng với luật pháp thì mới có thể tạo dựng tương lai lâu dài và bền chắc cho hãng. 1.2.2. Tôn trọng Đối với những người cộng sự và dưới quyền, nhà quản trị cần tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng, tôn trọng hạnh phúc, tôn trọng tiềm năng phát triển của nhân viên, quan tâm đúng mức, tôn trọng quyền tự do và các quyền hạn hợp pháp khác. Đối với khách hàng: Tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng. Đối với đối thủ cạnh tranh, tôn trọng lợi ích của đối thủ. Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, coi trọng hiệu quả gắn với trách nhiệm xã hội. Bí mật và trung thành với các trách nhiệm đặc biệt. Các thương hiệu nổi tiếng thường là những thương hiệu của các nhà quản trị biết tôn trọng đạo đức kinh doanh. 1.2.3. Giá trị và sự công bằng Trong mối quan hệ kinh doanh, sự khác biệt quan trọng gi ữa một quyết 3
  6. định qu ản trị thông thường với một quyết định hướng đạo đức thể hiện một mặt ở chỗ những thông lệ không còn được coi là cơ sở ra quyết định, mà người ra quyết định phải gánh vác trách nhiệm cân nhắc về giá trị và đảm bảo sự công bằng trong những hoàn cảnh không giống bất kỳ trường hợp nào đã gặp trước đó; mặt khác nhấn mạnh vào giá trị con người (giá trị tinh thần) khi ra quyết định. Vì vậy quan điểm về giá trị và triết lý đạo đức về sự công bằng luôn đóng vai trò cực kì quan trong trong các quyết định liên quan đến đạo đức. 1.3. Ý nghĩa của việc thực hiện tốt đạo đức kinh doanh 1.3.1. Đạo đức trong kinh doanh góp phần điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh bổ sung và kết hợp với pháp luật điều chỉnh các hành vi kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật và quỹ đạo của các chuẩn mực đạo đức xã hội. Không một pháp luật nào, dù hoàn thiện đến đâu chăng nữa cũng có thể là chuẩn mực cho mọi hành vi của đạo đức kinh doanh. Nó không thể thay thế vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc khuyến khích mọi người làm việc thiện, tác động vào lương tâm của doanh nhân. Bởi vì phạm vi ảnh hưởng của đạo đức rộng hơn pháp luật, nó bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần, trong khi pháp luật chỉ điều chỉnh những hành vi liên quan đến chế độ nhà nước, chế độ xã hội Mặt khác, pháp luật càng đầy đủ, chặt chẽ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, càng hạn chế được sự kiếm lời phi pháp. Tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại khi bị phát hiện sẽ bị pháp luật điều chỉnh, lúc này “hiện tượng kiện tụng buộc người ta phải cư xử có đạo đức”. Sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ do chất lượng của bản thân các sản phẩm dịch vụ cung ứng mà còn chủ yếu do phong cách kinh doanh của doanh nghiệp. Hành vi kinh doanh thể hiện tư cách của doanh nghiệp, và chính tư cách ấy tác động trực tiếp đến sự thành bại của tổ chức. Đạo đức kinh doanh, trong chiều hướng ấy, trở thành một nhân tố chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp. Chẳng phải vô cớ mà khoảng 15 năm nay một ngạn ngữ Ấn Độ được lưu truyền trong giới doanh nghiệp ở các nước phát triển: “gieo tư tưởng gặt hành vi, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tư cách, gieo tư cách gặt số phận”. 1.3.2. Đạo đức kinh doanh góp phần vào chất lượng của doanh nghiệp. Phần thưởng cho một doanh nghiệp có quan tâm đến đạo đức là được các nhân viên, khách hàng và công luận công nhận là có đạo đức. Phần thưởng cho trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm xã hội trong các quyết định kinh doanh bao gồm hiệu quả trong các hoạt động hàng ngày tăng cao, sự tận tâm của các nhân viên, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đưa ra quyết định đúng đắn hơn, sự trung thành của khách hàng và lợi ích về kinh tế lớn hơn. Các tổ chức phát triển được một môi trường trung thực và công bằng sẽ gây dựng được nguồn lực đáng quý có thể mở rộng cánh cửa dẫn đến thành công. 4
  7. Các tổ chức được xem là có đạo đức thường có nền tảng là các khách hàng trung thành cũng như đội ngũ nhân viên vững mạnh, bởi sự tin tưởng và phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ. Nếu các nhân viên hài lòng thì khách hàng sẽ hài lòng; và nếu khách hàng hài lòng thì các nhà đầu tư sẽ hài lòng. Các khách hàng có xu hướng thích mua hàng của các doanh nghiệp liêm chính hơn, đặc biệt là khi giá cả của doanh nghiệp đó cũng bằng với giá của các doanh nghiệp đối thủ. Khi các nhân viên cho rằng tổ chức của mình có một môi trường đạo đức, họ sẽ tận tâm hơn và hài lòng với công việc của mình hơn. Các doanh nghiệp cung ứng thường muốn làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp mà họ tin tưởng để qua hợp tác họ có thể xóa bỏ được sự không hiệu quả, các chi phí và những nguy cơ để có thể làm hài lòng khách hàng. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, trách nhiệm xã hội và uy tín của các doanh nghiệp mà họ đầu tư, và các doanh nghiệp quản lý tài sản có thể giúp các nhà đầu tư mua cổ phiếu của các doanh nghiệp có đạo đức. Hầu hết các doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới đều chú trọng vào phương pháp làm việc theo nhóm, quan tâm nhiều đến khách hàng, đề cao việc đối xử công bằng với nhân viên, và thưởng cho các thành tích tốt. 1.3.3. Đạo đức kinh doanh góp phần vào sự cam kết và tận tâm của nhân viên. Sự tận tâm của nhân viên xuất phát từ việc các nhân viên tin rằng tương lai của họ gắn liền với tương lai của doanh nghiệp và chính vì thế họ sẵn sàng hy sinh cá nhân vì tổ chức của mình. Môi trường đạo đức của doanh nghiệp rất quan trọng đối với các nhân viên. Đa số nhân viên tin rằng, hình ảnh của một doanh nghiệp đối với cộng đồng là vô cùng quan trọng . Sự cam kết làm các điều thiện, quan tâm đến nhân viên và tôn trọng nhân viên thường tăng sự tận tâm, trung thành của nhân viên đối với tổ chức và sự ủng hộ của họ với các mục tiêu của tổ chức. Các vấn đề có ảnh hưởng đến sự phát tri ển của một môi trường đạo đức cho nhân viên bao gồm một môi trường lao động an toàn, thù lao thích đáng, và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được ghi trong hợp đồng với tất cả các nhân viên. Các chương trình cải thiện môi trường đạo đức có thể là chương trình “gia đình và công việc” hoặc chia/bán cổ phần cho nhân viên. 1.3.4. Đạo đức kinh doanh góp phần làm hài lòng khách hàng. Các nghiên cứu và kinh nghiệm hiện thời của nhi ều quốc gia cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hành vi có đạo đức và sự hài lòng của khách hàng. Các hành vi vô đạo đức có thể làm giảm lòng trung thành của khách hàng và khách hàng sẽ chuyển sang mua hàng của các doanh nghiệp. Các khách hàng thích mua sản phẩm của các doanh nghiệp có danh tiếng tốt, quan tâm đến khách hàng và xã hội. Khách hàng nói rằng họ ưu tiên những thương hiệu nào làm điều thiện nếu giá cả và chất lượng các thương hiệu như nhau. Các doanh nghiệp có đạo đức luôn đối xử với khách hàng công bằng và liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm, cũng như cung cấp cho khách hàng các thông tin dễ tiếp cận và dễ hiểu, sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn và dành được nhiều lợi nhuận 5
  8. hơn. Điểm mấu chốt ở đây là chi phí để phát triển một môi trường đạo đức có thể có một phần thưởng là sự trung thành của khách hàng ngày càng tăng. 1.3.5. Đạo đức kinh doanh góp phần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp cam kết thực hiện các hành vi đạo đức và chú trọng đến việc tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp thường đạt được thành công lớn về mặt tài chính. Sự quan tâm đến đạo đức đang trở thành một bộ phận trong các kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp, đây không còn là một chương trình do các chính phủ yêu cầu mà đạo đức đang dần trở thành một vấn đề quản lý trong nỗ lực để dành lợi thế cạnh tranh. 1.3.6. Đạo đức kinh doanh góp phần vào sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia. Các thể chế xã hội, đặc biệt là các thể chế thúc đẩy tính trung thực, là yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển sự phồn vinh về kinh tế của một xã hội. Các nước phát triển ngày càng trở nên giàu có hơn vì có một hệ thống các thể chế, bao gồm đạo đức kinh doanh, để khuyến khích năng suất. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, cơ hội phát triển kinh tế và xã hội bị hạn chế bởi độc quyền, tham nhũng, hạn chế tiến bộ cá nhân cũng như phúc lợi xã hội. 2.Trách nhiệm xã hội 2.1. Khái niệm Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ, theo cách đó có lợi cho doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của xã hội. 2.2. Các quan niệm về trách nhiệm xã hội Quan niệm thứ nhất: • Chỉ có một trách nhiệm duy nhất, đó là giải quyết các vấn đề nguồn lực và năng lực hoạt động của tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động, hay là đạt được các mục tiêu mà nhà quản trị mong muốn đạt được trong phạm vi giới hạn của pháp luật cho phép. • Lợi ích xã hội được đảm bảo một cách tốt nhất gián tiếp qua hoạt động kinh tế, cụ thể là qua việc thu lợi ích và sử dụng (phân phối) lợi ích của tổ chức. Quan niệm thứ hai: • Trách nhiệm xã hội được thực hiện không phải chỉ bằng kinh tế, mà phải bằng hàng loạt các yếu tố ngoài kinh tế. • Quan điểm này coi trách nhiệm xã hội là sự thừa nhận một nghĩa vụ xã hội nằm ngoài phạm vi yêu cầu của luật pháp. Tổng hợp cả hai quan niệm trên, có thể rút ra kết luận sau đây: - Các tổ chức hoạt động trong nền kinh tế thì phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. - Các tổ chức phải thực hiện trách nhiệm xã hội trong các lĩnh vực như: 6
  9. • Bảo vệ môi trường sinh thái • Bảo vệ sức khỏe con người • An ninh, an toàn • Quyền công dân • Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng Như vậy, các nhà quản trị sẽ thực hiện trách nhiệm xã hội của bản thân mình và của tổ chức theo đòi hỏi, yêu cầu của pháp luật, trách nhiệm công dân, theo các chuẩn mực của đạo đức xã hội, theo tiếng gọi của lương tâm và theo truyền thống lịch sử văn hoá của dân tộc Có 2 mức thực hiện trách nhiệm xã hội: • Tuân thủ quy định, luật pháp của nhà nước (bắt buộc) • Thực thi một cách tự nguyện 2.3. Các lý do phải thực hiện trách nhiệm xã hội Mỗi tổ chức là một bộ phận, là tế bào của một xã hội rộng lớn hơn. Giữa các bộ phận, tế bào, các yếu tố của một tổng thể có tác động qua lại lẫn nhau. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội giúp nhà quản trị phát hiện và nắm bắt các thời cơ, cơ hội khi nó vừa mới xuất hiện, đồng thời phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro bất trắc xảy ra trong quá trình quản trị. Thực hiện trách nhiệm xã hội là vì chính quyền lợi của tổ chức nói chung và của nhà quản trị nói riêng. Những khó khăn của nhà quản trị khi thực hiện trách nhiệm xã hội: • Ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tổ chức • Các nhà quản trị thiếu năng lực hiểu biết xã hội để giải quyết những vấn đề xã hội • Làm phân tán và lỏng lẻo các mục tiêu chủ yếu của tổ chức nói chung và của nhà quản trị nói riêng • Việc tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà quản trị có thể không nhận được sự ủng hộ và chấp nhận của dư luận xã hội vì những lý do khác nhau. Tư tưởng cơ bản của vấn đề trách nhiệm xã hội là nhà quản trị phải lựa chọn cho mình một hệ thống ứng xử chiến lược và ứng xử tình thế để có thể: • Được môi trường chấp nhận • Đón được các cơ hội và hạn chế các rủi ro • Tạo ra các cơ hội từ sự biến động của môi trường 2.4. Một số vấn đề nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp có ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội. Thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam là sự cần thiết khách quan trong quá trình hội nhập; tuy nhiên trên thực tế nhiều khi sự nhận thức và vận dụng rất khác nhau. Bởi vậy, để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình cần thiết phải có nhận thức đúng và lưu ý các điểm sau: Một là, cần khẳng định rằng các bộ quy tắc ứng xử không thể thay thế và đứng trên luật quốc gia. Phần lớn các nội dung của bộ quy tắc ứng xử dựa 7
  10. trên các công ước là thông lệ quốc tế và luật quốc gia. Do vậy việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử ở bất cứ quốc gia nào phải phù hợp với luật quốc gia và hỗ trợ việc thực hiện luật quốc gia, vấn đề quan trọng là đưa ra cách thức quản lý, theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện những quy định này. Hai là, việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử là tự nguyện, hoàn toàn không mang tính bắt buộc. Ba là, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được quy định trong các bộ quy tắc ứng xử được hiểu là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với toàn xã hội thông qua sản phẩm của mình. Bốn là, việc thực hiện các quy định thể hiện trách nhiệm xã hội trong các bộ quy tắc ứng xử là một khoản chi phí mang tính chất đầu tư của doanh nghiệp, được thực hiện trước và trong khi làm ra sản phẩm, chứ không phải là một đóng góp của doanh nghiệp mang tính chất nhân đạo, từ thiện. Năm là, nếu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và bộ quy tắc ứng xử được hiểu đúng và thực hiện đúng, phù hợp với luật pháp quốc gia thì việc thực hiện trách nhiệm xã hội chính là một việc làm mà các bên đều có lợi. Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam là một công việc không thể bỏ qua trên con đường hội nhập, vừa lợi ích cho doanh nghiệp, vừa lợi ích cho xã hội, đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia và hỗ trợ thực hiện tốt hơn Luật pháp Lao động tại Việt Nam, cũng là nội dung quan trọng trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Để định hướng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, cần phải thực hiện một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu đúng bản chất của vấn đề “trách nhiệm xã hội” và các bộ quy tắc ứng xử, nhất là trong các doanh nghiệp, các nhà quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô. Thứ hai, cần có các nghiên cứu cơ bản, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp đã thực hiện và sẽ thực hiện các bộ quy tắc ứng xử, để phát hiện những thuận lợi cũng như các rào cản, khó khăn, thách thức, từ đó khuyến nghị các giải pháp xúc tiến thực hiện trong thời gian tới. Có thể thấy, trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội và các bộ quy tắc ứng xử, các doanh nghiệp phải chi phí khá lớn cho đầu tư để cải thiện các điều kiện vệ sinh lao động và môi trường. Trong điều kiện cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp không thể trang trải nổi những khoản chi này, bởi vậy có thể nhà nước phải hỗ trợ cho vay từ quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ xúc tiến thương mại với một chính sách ưu tiên, ưu đãi. Thứ ba, hình thành kênh thông tin về trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp, nhất là cung cấp các thông tin cập nhật về các bộ quy tắc ứng xử; tư vấn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội và các Bộ quy tắc ứng xử Ở đây vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp (Hội dệt may, Hội giày da, Hội xuất khẩu thuỷ sản ) của Hội Công Thương, Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, ngành là rất lớn. 8
  11. PHẦN II: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG CỦA CÔNG TY TNHH GANG THÉP HƯNG NGHIỆP FORMOSA HÀ TĨNH (FHS). 1. Giới thiệu về công ty Formosa có tên chính thức là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan. Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỷ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II). Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. FHS đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề, một số ngành nghề quan trọng như: chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất ximăng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước; xây dựng, lắp đặt, vận hành và kinh doanh nhà máy khí, bán các khí nén và các khí chất lỏng sử dụng trong công nghiệp như oxy, nitơ ; chế tạo, gia công, sản xuất, mua bán và xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan quá trình luyện than cốc, hắc ín, dầu thô nhẹ, và kinh doanh bất động sản. 2. Ảnh hưởng của công ty tới môi trường Formosa là một dự án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất nhiệt điện tự dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường lên tới hàng chục nghìn m³/ngày. 9
  12. Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan Nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà chủ đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Arsenic. 3. Một số sai phạm và sự cố của công ty qua các năm Ngày 11 tháng 7 năm 2014, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra thông báo không đồng ý đề xuất xây miếu thờ. Tuy nhiên, phía Formosa vẫn tiếp tục xây miếu thờ trong dự án và đã hoàn tất phần thô. Cuối cùng cũng chấp nhận tháo dỡ. Ngày 25 tháng 3 năm 2015, một vụ sập giàn giáo đã xảy ra tại đây khiến 13 người tử vong tại chỗ Ngày 8 tháng 12 năm 2015, Formosa Vũng Áng xây tòa tháp "biểu tượng tinh thần" cao 32m nhưng chưa được cấp phép. Tháp tại Ngã ba Formosa Ngày 25 tháng 4 năm 2016, thợ lặn Lê Văn Ngẩy (46 tuổi) tử vong sau khi lặn vùng nước bị ô nhiễm tại khu vực này 4. Xả chất thải ra môi trường của công ty năm 2016 10
  13. 4.1. Nghi vấn xả thải ra biển Vào tháng 4 năm 2016 xảy ra hiện tượng rất nhiều cá biển chết hàng loạt rồi trôi dạt vào bờ tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh).Hiện tượng này sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Có nơi mỗi ngày, ngư dân dọc bờ biển vớt được hàng tấn cá chết. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng trên là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi các nhà máy tại khu kinh tế Vũng Áng xả thải gây độc.Qua phân tích, cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô (Huế) đều bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước, nhiều khả năng đây là nguyên nhân làm cá chết hàng loạt. Ngoài ra tảo biển phát triển mạnh, cộng với khí độc ở đáy lồng khiến cá thiếu oxy. Từ kết quả phân tích, khả năng cá chết do dịch bệnh đã được loại bỏ. Ngày 25 tháng 4 năm 2016, ông Hoàng Giật Thuyên - GĐ Phòng An toàn Vệ sinh môi trường của Tập đoàn FHS ở Việt Nam - cho biết, Cty Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) có nhập 296 tấn hóa chất, gồm 45 loại, trong ba tháng đầu năm 2016 . Điều đáng nói là trong số này có nhiều loại hóa chất mà theo đánh giá của các nhà khoa học là thuộc dạng "độc và cực độc". Trả lời báo chí, Formosa thừa nhận dùng axit để súc rửa đường ống, đồng thời thừa nhận không thông báo cho chính quyền khi súc rửa “vì không biết quy định này”. 4.2. Xả thải trên bờ 11
  14. Hàng chục tấn chất thải của Công ty Formosa chôn lấp trái phép tại bãi rác thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên vào tháng 5/2015. Bãi rác của thị trấn Thiên Cầm chỉ được phép thu gom rác thải sinh hoạt ở 6 - 7 xã thuộc địa bàn huyện Cẩm Xuyên để xử lý. Do vậy, trước việc Hợp tác xã Dịch vụ sinh thái Thiên Cầm chở chất thải là mẫu bùn bánh được lấy từ xưởng xử lý nước thải sinh hoạt của Công ty Formosa Hà Tĩnh về thì dù độc hại hay không cũng là sai phạm. Ngày 13-7, ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh đã tiếp nhận, vận chuyển xử lý 267,83 tấn bùn từ Công ty Formosa, được chôn lấp ở trang trại tại phường Kỳ Trinh, Kỳ Anh. ông Lê Quang Hòa, giám đốc công ty cam kết toàn bộ chất thải này được chôn lấp ở trang trại, không có điểm nào khác. Formosa đã thừa nhận việc ký hợp đồng xử lý chất thải với Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh là sai phạm vì công ty này không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp. Chiều ngày 28/7/2016, người dân địa phương phát hiện 4 xe tải đang đổ trộm chất thải của Formosa gần khu dân cư, thuộc tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Được biết, sau khi bị nhà máy xử lý chất thải Phú Hà từ chối, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đã chỉ đạo: Cho xe đổ tạm chất thải ngay gần nhà dân tại phường Kỳ Trinh. 5. Thiệt hại gây ra từ công ty năm 2016 Khu vực miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay. Ước tính thiệt hại về lượng hải sản chết dạt vào bờ do thảm họa Formosa là hơn 100 tấn, bên cạnh đó là nhiều hậu quả khác về ô nhiễm môi trưởng ảnh hưởng đến việc làm và phát triển kinh tế tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đến 263.000 lao động chịu ảnh hưởng, trong đó 100.000 chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tỷ lệ 12
  15. thất nghiệp gia tăng rất lớn tại bốn tỉnh, trong đó lớn nhất là Hà Tĩnh (15,7 lần) rồi đến Quảng Bình (7,9 lần), Quảng Trị (2,8 lần) và Thừa Thiên Huế (1,6 lần). Số người đánh bắt thủy sản ở Hà Tĩnh giảm 74% còn ở Quảng Bình 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với thời điểm trước khi xảy ra sự cố. 5.1. Thủy sản Từ ngày 6 tháng 4 đến 8 tháng 4, trên địa bàn 3 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (thuộc thị xã Kỳ Anh) có tổng cộng 14 hộ nuôi cá bè, với 18 lồng nuôi các loại cá (cá hồng, cá bớp, cá giò, cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ ) bị chết hàng loạt với khoảng 37.200 con cá giống, 2.120 kg cá thương phẩm, thiệt hại trên 1 tỉ đồng. Chủ tịch xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết vào ngày 27 tháng 4 toàn xã có gần 100 tấn nghêu của hơn chục hộ dân đã chết sạch. 5.2. Du lịch Ngày 4 tháng 11 năm 2016, Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm cho thấy Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức thiệt hại vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng. Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cũng bị thiệt hại về du lịch. Cơ quan du lịch quốc gia cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%. 5.3. Con người Một thợ lặn (sinh năm 1970) tham gia lặn tại cảng Sơn Dương, Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để xây dựng đê chắn sóng cho công trình này, khi về cảm thấy tức ngực, khó thở, đã chết trên đường vào bệnh viện vào ngày 24 tháng 4.[131] Trong số 15 người thợ lặn được công ty Nibelc, một nhà thầu của Formosa, đưa vào kiểm tra sức khỏe tại BV Trung ương Huế, 3 người phải ở lại bệnh viện để theo dõi. 1 người trong số họ có tỷ lệ đồng trong máu cao gấp đôi so với chỉ số bình thường. Anh Hoàng Quang, thợ lặn Formosa, cho biết đã có 21 thợ lặn của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã có triệu chứng bị nhiễm độc nước biển ở khu vực Vũng Áng. Tuy vậy sau gần một tháng kiểm tra sức khỏe ở BV Trung ương Huế họ không nhận được kết quả và còn bị đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động. 6. Giải pháp khắc phục Với sự kiện gây ra thảm họa cá chết hàng loạt và làm ô nhiễm môi trường biển của công ty Formosa trên vùng biển cảng Vũng Áng lan rộng sang các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh buộc phải cam kết: 13
  16. • Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. • Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. • Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua. • Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. • Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam. Riêng đối với cơ quan quản lý nhà nước đã có các biện pháp khắc phục sự cố này như sau: • Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực hiện ngay bồi thường, hỗ trợ chuyển nghề cho dân theo đúng quy định, tinh thần là đảm bảo công khai, minh bạch, sát thực tế, có giám sát của dân, mặt trận tổ quốc, cơ quan báo chí. Cụ thể, Chính phủ nêu đã xuất cấp trên 4.000 tấn gạo cho dân. Đặc biệt, Chính phủ nêu sẽ cố gắng đến tháng 8-2016 sẽ đưa tiền đền bù đến cho người dân. Chính phủ khẳng định cũng đã chỉ đạo đánh giá lại quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải, quan trắc môi trường, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. • Yêu cầu Formosa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết. Đồng thời triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển ở 4 tỉnh và công khai số liệu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: “Liệu giải pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm này có thật sự khắc phục được không?” Thực tế, với hành vi vi phạm này của công ty thì sự khắc phục này vẫn chỉ là một phần và hoàn toàn không thể triệt để được. Tích cực mà nói thì công ty, đặc biệt là ban lãnh đạo, trước sức ép của dư luận và sự vào cuộc của chính quyền, họ đã dũng cảm đứng ra nhận lỗi sai của mình và trực tiếp họp báo để công khai điều này. Bên cạnh đó, họ còn cam kết bồi thường cho những người dân bị thiệt hại, hoàn thiện lại công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường và cam kết cải tạo môi trường. Tuy nhiên, hậu quả mà công ty để lại không phải là chuyện có thể bồi thường hoàn toàn được. Công ty có thể bồi thường về mặt vật chất cho người dân bị ảnh hưởng để họ chi trả cho những khoản sinh hoạt vào thời gian không thể thực hiện công việc mưu sinh do ô nhiễm môi trường biển nhưng không thể cải thiện hoàn toàn môi trường biển đã bị ô nhiễm được. Không những thế, khoản tiền bồi thường của công ty cho người dân liệu có thật sự thỏa đáng khi trong thời gian nhận được đền bù, người dân vẫn liên tục biểu tình? Đối với người dân sinh sống ở những nơi bị ảnh hưởng, thứ họ quan tâm không chỉ dừng lại ở khoản tiền bồi thường trước mắt này mà là biển phải sạch trở lại để họ còn “kiếm sống”. 14
  17. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có liên quan, sau sự cố, Formosa đã khắc phục được 51/53 lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường. Hoàn thành khoảng 96 % tiến độ kết quả thực hiện cam kết với Chính phủ và người dân Việt Nam. Điều này cho thấy nỗ lực từ phía chính quyền cũng như là công ty trong việc giải quyết hậu quả từ sự cố môi trường mà phía công ty Formosa đã gây nên và sự chủ quan, thiếu kiểm soát, chậm trễ của chính quyền. Tuy nhiên, sự khắc phục này vẫn chỉ là bề nổi và chỉ khắc phục được một phần sự cố họ đã gây ra. Nó chỉ giúp người dân được yên lòng tạm thời và tạo ra sự hy vọng về sự “hồi sinh”, về sự phát triển bền vững tại các vùng biển bị ảnh hưởng. Niềm tin của người dân về chính quyền, về phía công ty sau sự cố này vẫn là thứ không thể nào hoàn toàn khắc phục và lấy lại được. Nói tóm lại, nỗ lực khắc phục hậu quả từ phía công ty và chính quyền là các nỗ lực thực tế cần phải nhìn nhận, nhưng nỗi lo và niềm tin của người dân thì vẫn còn đó. Sự khắc phục này vẫn mãi mãi không thể nào khắc phục triệt để được bởi các hậu quả về môi trường vẫn là các hậu quả ảnh hưởng lâu dài và dai dẳng. Và niềm tin của người dân là thứ không thể khôi phục một sớm một chiều được. PHẦN III: BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA Formosa Hà Tĩnh đã vi phạm vấn đề đạo đức một cách nghiêm trọng. Không chỉ gây thiệt hại cho 4 tỉnh miền Trung, làm chết hàng trăm ngàn tấn cá, ô nghiễm nguồn nước trầm trọng nó còn làm ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, của người dân, ô nhiễm hệ sinh thái không những 1, 2 năm mà còn tới hàng chục năm về sau. Hành vi vi phạm này đã gây ảnh hưởng vô cùng to lớn cho 4 tỉnh thành nói riêng và cả Việt Nam nói chung. Sự cố môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về việc bảo đảm an toàn môi trường biển trong các dự án đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Formosa có lỗi khi gây ra thảm họa môi trường, qua cách thức đối phó với thảm họa, lại cho thấy họ chưa thực sự thể hiện hết trách nhiệm và sự quan tâm đến những người dân đang gặp khó khăn và môi trường đang bị đe dọa nặng nề. Chỉ với 500 triệu USD có lẽ vẫn còn quá nhỏ cho những thiệt hại mà công ty này đã gẩy ra cho biển cho, người dân, ngư dân và đất nước Việt Nam. Đứng ở trong vị trí của FHS, thì nhóm sẽ hoàn toàn ngưng mọi hoạt động của Formosa đầu tiên, đền bù cho các tỉnh cho đến khi vùng biển hồi phục lại như bình thường. Mua thiết bị xử lý nước thải, trả cho ngư dân những khoản tiền mà họ có thể sống được và chăm lo cho gia đình họ. Cố gắng mọi cách để hoàn toàn hồi phục vùng biển nhiễm độc, quan trọng hơn hết là sẽ chịu mọi hình phạt trước pháp luật và đền bù thõa đáng cho đất nước Việt Nam. 15
  18. Qua vấn đề đạo đức trong kinh doanh của công ty TNHH Gang thép Formosa Hà Tĩnh, nhóm đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình: Thứ nhất, việc thu hút đầu tư nhưng phải biết cân nhắc trước sự đánh đổi giữa công nghiệp hóa, phát triển kinh tế với sự tổn thương về môi trường, xã hội, phải đánh giá là liệu chúng ta có kiểm soát được vấn đề các dự án đó tác động xấu đến môi trường, đừng để tác động tiêu cực của dự án lớn hơn tác động tích cực của nó. Ngoài ra còn phải kiểm tra thường xuyên hạn chế các vi phạm tác động đến môi trường, xã hội tại các vụ Vedan (gây ô nhiểm sông Thị Vãi) - Huyndai – Vinashin. Thứ hai, bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của thế giới. Những hành vi gây ô nhiễm môi trường không những bị lên án và còn làm chất lượng cuộc sống giảm đi rất nhiều, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, nền kinh tế, Thứ ba, tôn trọng pháp luật cũng là một giá trị cốt lõi rất quan trọng để kinh doanh. Cuối cùng, trung thực, liêm chính là giá trị cốt lõi cực kỳ quan trọng của xã hội văn minh. Giá trị này giúp các thành viên trong xã hội kết nối nhau trong sự tin cậy, đồng lòng Những gì Formosa đã làm tại Việt Nam tạo cho người dân mối nghi ngờ rộng rãi rằng họ không những không tôn trọng các giá trị trung thực, liêm chính, mà còn đi ngược lại văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội mà họ đã tuyên bố. 16
  19. KẾT LUẬN Đạo đức và trách nhiệm xã hội là những vấn đề không thể thiếu trong kinh doanh. Rất nhiều cơ hội và lợi ích chiến lược sẽ đến khi doanh nghiệp xem đạo đức và trách nhiệm xã hội là trọng tâm của các hoạt động kinh doanh. Sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ đến từ chất lượng của bản thân các sản phẩm dịch vụ cung ứng mà còn chủ yếu từ phong cách kinh doanh của doanh nghiệp. Hành vi kinh doanh thể hiện tư cách của doanh nghiệp, và chính tư cách ấy tác động trực tiếp đến thành bại của tổ chức. Đạo đức kinh doanh trong chiều hướng ấy trở thành một nhân tố chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp. Thể hiện giá trị đạo đức tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam; thể hiện trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội không phải là điều quá khó mà trước hết phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của từng con người cụ thể. Điều này rất dễ, nếu mỗi người dù ở cương vị nào, làm việc trong lĩnh vực gì, chỉ cần hy sinh chút ít quyền lợi của cá nhân mình vì cái chung, vì cộng đồng, chắc hẳn chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc. Vì một xã hội tốt đẹp, vì sự hưng thịnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, tất cả đang phụ thuộc vào suy nghĩ, thái độ và hành động của mỗi người, mà trước hết là tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân. Tóm lại, trách nhiệm xã hội ở Việt Nam đã được nhận thức và bước đầu được thực hiện. Chắc chắn rằng, cùng với quá trình phát triển của đất nước, trách nhiệm đó sẽ được đề cao hơn cùng với sự hoàn thiện của khung pháp luật, bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường và các thể chế của xã hội dân sự. 17
  20. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. PGS. TS Dương Thị Liễu, Văn hóa kinh doanh, Nhà xuất bản đại học Kinh tế quốc dân, 2012. 2. PGS Nguyễn Ngọc Huyền, Khởi sự kinh doanh. Nhà xuất bản đại học Kinh tế quốc dân, 2012. 3. GS. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014. 4. Slide (Bài giảng) Văn hoá kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp, ThS. Nguyễn Quang Chương, đại học Bách khoa Hà Nội. 18