Luận án Trung ương cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích từ năm 1961 đến năm 1968

doc 222 trang Bích Hải 08/04/2025 260
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Trung ương cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích từ năm 1961 đến năm 1968", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docluan_an_trung_uong_cuc_mien_nam_lanh_dao_hoat_dong_cua_luc_l.doc
  • doc1 BÌA LUẬN ÁN.doc
  • doc2 BÌA TÓM TẮT TIẾNG VIỆT.doc
  • doc2 TÓM TẮT TIẾNG VIỆT.doc
  • doc3 BÌA TÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
  • doc3 TÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
  • doc4 THÔNG TIN MẠNG TIẾNG ANH.doc
  • doc4 THÔNG TIN MẠNG TIẾNG VIỆT.doc

Nội dung text: Luận án Trung ương cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích từ năm 1961 đến năm 1968

  1. LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan, đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tác giả. Số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có xuất xứ rõ ràng và không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố. Tác giả luận án NCS Nguyễn Thanh Hải
  2. MỤC LỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT MỞ ĐẦU 5 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 10 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 10 1.2. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan và những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu 24 Chương 2 TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN DU KÍCH (1961 - 1965) 30 2.1. Những yếu tố tác động đến Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích 30 2.2. Chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về hoạt động của lực lượng dân quân du kích 42 2.3. Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích 50 Chương 3 TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN DU KÍCH (1965 - 1968) 75 3.1. Những yếu tố mới tác động tới Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động của lực lượng dân quân du kích 75 3.2. Chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về đẩy mạnh hoạt động của lực lượng dân quân du kích 84 3.3. Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của lực lượng dân quân du kích 92 Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM 129 4.1. Nhận xét Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích (1961 - 1968) 129 4.2. Kinh nghiệm từ quá trình Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích (1961 - 1968) 145 KẾT LUẬN 168 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 171 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 172 PHỤ LỤC 197
  3. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TT Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt 1 Bộ đội chủ lực BĐCL 2 Bộ đội địa phương BĐĐP 3 Chủ nghĩa xã hội CNXH 4 Chiến tranh du kích CTDK 5 Chiến tranh nhân dân CTND 6 Dân quân du kích DQDK 7 Lực lượng vũ trang LLVT 8 Trung ương Cục miền Nam TƯCMN 9 Việt Nam cộng hòa VNCH 10 Xã hội chủ nghĩa XHCN
  4. 5 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài luận án Trên chiến trường B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng DQDK là một lực lượng chiến lược quan trọng, một trong ba thứ quân của LLVT nhân dân. Đây là lực lượng đảm nhiệm những chức năng chiến lược chủ yếu như tác chiến rộng rãi tiêu hao và tiêu diệt sinh lực, phương tiện chiến tranh của đối phương, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc; kết hợp với BĐĐP và BĐCL trong các đợt hoạt động tác chiến và chiến dịch, tham gia đánh phá bình định ở địa phương; vũ trang tuyên truyền, diệt ác, trừ gian, kết hợp với quần chúng nổi dậy bao vây bức hàng, bức rút đồn bốt giặc, phá bộ máy kìm kẹp của đối phương, phá ấp chiến lược và các khu dồn dân, giành quyền làm chủ cho nhân dân và chính quyền cách mạng ở nông thôn; cùng với quần chúng kết hợp ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) đánh giặc giữ ấp, xã, giữ dân, giữ đất, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ căn cứ kháng chiến, lực lượng DQDK còn là nguồn bổ sung lực lượng cho BĐĐP và. BĐCL. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng DQDK trên chiến trường B2 trong những năm 1961 - 1968 luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của TƯCMN, các Đảng bộ địa phương, theo một hệ thống thông suốt từ trên xuống dưới, nhất là bộ máy lãnh đạo của Đảng ở cơ sở ấp, xã đã thường xuyên quán triệt, cụ thể hóa đường lối chính trị và quân sự của Đảng gắn với yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động của lực lượng DQDK trên địa bàn mình. Đây là điều kiện hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến hoạt động của lực lượng DQDK, đồng thời đó cũng là nhân tố quyết định đến sự phát triển của lực lượng DQDK trong những năm 1961 - 1968. Thành tựu đạt được trong lãnh đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK là cơ bản và toàn diện, trong đó nổi bật là: TƯCMN đã nhận thức ngày càng đầy đủ và toàn diện về vai trò, nội dung hoạt động của lực lượng DQDK; kịp thời đề ra chủ trương về hoạt động của lực lượng DQDK phù hợp với diễn biến chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng; chỉ đạo hoạt động của lực lượng DQDK trên chiến trường B2 đạt nhiều kết quả trong củng cố, phát triển lực
  5. 6 lượng; hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng ấp, xã chiến đấu; phối hợp tác chiến với BĐĐP, BĐCL, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được, quá trình lãnh đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968 cũng không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể như: một số cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của lực lượng DQDK có thời điểm chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến; chỉ đạo củng cố phát triển lực lượng DQDK chưa thực sự toàn diện; chỉ đạo hỗ trợ nhân dân xây dựng ấp, xã chiến đấu, phối hợp với BĐĐP, BĐCL trong tác chiến có thời điểm chưa chặt chẽ. Thực tế này đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống, toàn diện nhằm đánh giá một cách khách quan ưu điểm, hạn chế, rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho giai đoạn hiện nay. Mặc dù đã có nhiều công trình khoa học liên quan đến vấn đề nghiên cứu được đề cập ở những cấp độ và phạm vi khác nhau, nhưng chưa có công trình nào trực tiếp bàn đến TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968. Với những lý do trên, tác giả chọn vấn đề: “Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân du kích từ năm 1961 đến năm 1968” làm đề tài luận án tiến sĩ, ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Làm sáng tỏ quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968. Trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm có giá trị tham khảo vận dụng vào lãnh đạo hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ hiện nay. Nhiệm vụ nghiên cứu Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án Làm rõ những yếu tố tác động đến quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK trong những năm 1961 - 1968.
  6. 7 Hệ thống hóa, phân tích làm rõ chủ trương và chỉ đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968, qua 2 giai đoạn 1961 - 1965 và 1965 - 1968. Nhận xét và đúc rút kinh nghiệm từ quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK (1961 - 1968). 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu chủ trương của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK qua 2 giai đoạn 1961 - 1965 và 1965 - 1968 trên các vấn đề chính: phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp. Làm rõ quá trình chỉ đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK trong từng giai đoạn, trên 3 nội dung: hoạt động củng cố, phát triển lực lượng; hoạt động hỗ trợ nhân dân xây dựng ấp, xã chiến đấu; hoạt động phối hợp tác chiến với BĐCL, BĐĐP. Về thời gian: Từ khi TƯCMN tổ chức Hội nghị lần thứ nhất (tháng 10- 1961) đến cuối năm 1968 khi quân và dân miền Nam Việt Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hệ thống và có sự so sánh đánh giá đầy đủ hơn, luận án đề cập thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động của lực lượng DQDK trước khoảng thời gian nói trên. Về không gian: Địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ thuộc chiến trường B2 [Phụ lục 2]. 4. Cở sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chiến tranh cách mạng và xây dựng LLVT nhân dân.
  7. 8 Cơ sở thực tiễn Dựa trên cơ sở thực tiễn lãnh đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968: thông qua các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, báo cáo tổng kết của TƯCMN và các cơ quan thuộc quyền lãnh đạo của TƯCMN. Đồng thời dựa vào các nghiên cứu và kế thừa một số kết quả nghiên cứu các công trình khoa học có liên quan. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng chủ yếu phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, đồng thời kết hợp với các phương pháp khác như so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê Phương pháp lịch sử được sử dụng chủ yếu làm rõ tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài theo trình tự thời gian, trình bày các yếu tố tác động tới sự lãnh đạo của TƯCMN; quá trình hoạch địch chủ trương và chỉ đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968. Phương pháp lôgic được sử dụng chủ yếu để làm rõ giá trị của các công trình liên quan đến đề tài; khái quát chủ trương của TƯCMN. Đồng thời, rút ra những ưu điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và đúc kết những kinh nghiệm từ quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK trong những năm 1961 - 1968. Phương pháp so sánh được sử dụng chủ yếu để so sánh sự lãnh đạo của TƯCMN về hoạt động của lực lượng DQDK giữa 2 giai đoạn 1961 - 1965 và 1965 - 1968. Phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê được sử dụng chủ yếu làm rõ những đánh giá có liên quan đến quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK. 5. Những đóng góp mới của luận án Luận án hệ thống, cung cấp một lượng tài liệu, tư liệu khá phong phú phục vụ nghiên cứu về hoạt động của lực lượng DQDK dưới sự lãnh đạo của TƯCMN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Góp phần phục dựng, tái hiện quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK từ năm 1961 đến năm 1968.
  8. 9 Đánh giá khách quan những ưu điểm, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và đúc kết kinh nghiệm từ quá trình TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK trong những năm 1961 - 1968 có thể tham khảo, vận dụng vào công tác lãnh đạo của Đảng về hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án Ý nghĩa lý luận Góp phần làm sáng tỏ hơn nữa về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, trực tiếp là TƯCMN lãnh đạo hoạt động của lực lượng DQDK trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Góp phần cung cấp cứ liệu khoa học cho việc bổ sung, phát triển chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ hiện nay. Ý nghĩa thực tiễn Luận án góp phần làm rõ vai trò, sự đóng góp của lực lượng DQDK; làm sáng tỏ hơn nguyên nhân thắng lợi của phương thức tiến hành CTND và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.. Luận án đóng góp thêm kinh nghiệm phục vụ trực tiếp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ hiện nay, nhất là trên địa bàn các tỉnh miền Nam. Là tài liệu tham khảo cho nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó còn làm tài liệu giảng dạy bộ môn Lịch sử nghệ thuật quân sự, Giáo dục quốc phòng và an ninh cho một số đối tượng. Là cơ sở để đấu tranh chống lại những tư tưởng và quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng về hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ hiện nay. 7. Kết cấu của luận án Luận án gồm: Mở đầu; 4 chương (10 tiết); kết luận; danh mục các công trình của tác giả đã công bố; danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
  9. 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến lực lượng dân quân du kích ở miền Nam Việt Nam của tác giả nước ngoài Lionel - GmacGarr (1961), Đường lối và chiến thuật chống du kích ở miền Nam [81]. Trong cuốn sách, khi bàn về sức mạnh của lực lượng DQDK cách mạng miền Nam Việt Nam, tác giả cho rằng: “Du kích là sức mạnh bắt nguồn từ sự huấn luyện lâu dài gian khổ về quân sự, về thể chất, kỷ luật sắt về tinh thần, và sự nhiệt thành tột độ đối với mục đích chính nghĩa của họ tin là sẽ thắng” [81, tr. 10]. Tác giả nhận xét về lực lượng DQDK Việt Nam: “Du kích quân cơ động chiến đấu cao và được theo dõi kỹ lưỡng, giỏi lý luận trước khi trở thành du kích tốt” [81, tr. 11]. Lực lượng DQDK ở miền Nam Việt Nam khác hẳn với bất cứ nơi nào trên thế giới. “Du kích Việt cộng hiểu rõ mối liên hệ giữa chính trị và quân sự mà họ thực hiện ở đây còn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, dùng những vũ khí khác nhau, còn biết đào bới tinh thần, đạo đức, thể xác, tâm lý con người của kẻ thù họ” [81, tr. 12]. Nhấn mạnh về sự khác biệt đó, tác giả còn cho rằng: “Tuy là một đạo quân du kích nhưng với lực lượng không chính quy Việt cộng vẫn có thể làm suy yếu được chính phủ miền Nam hiện nay mà không cần đến hành động quân sự của đạo quân chính quy” [81, tr. 72]. Bộ Quốc phòng Mỹ (1963), Phong trào chiến tranh du kích Việt cộng [28]. Trong cuốn sách, các tác giả đã chỉ ra điểm khác biệt căn bản trong hoạt động của lực lượng DQDK ở miền Nam với các nước khác, đó là: “Do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, lãnh đạo, có nhiều kinh nghiệm hơn các cuộc chiến tranh du kích trước nó” [28, tr. 7]. Về chiến thuật của DQDK: “Chiến thuật có tính lỏng, với nhiều hình thức chiến đấu ngoại lệ, luôn luôn di động, không thành mặt trận, không có giới tuyến, hoạt động luôn luôn nằm trong trạng thái khi công khai, khi bí mật, ở khắp nơi, nhưng lại rất khớp với nhau ở nhiều nơi khác nhau” [28, tr. 29]. Nhận xét về công tác lãnh đạo hoạt động lực lượng DQDK của cách mạng miền Nam, các tác giả cho rằng: “Yếu tố chính là họ rất coi trọng yếu tố con người, lãnh đạo chỉ huy là yếu tố rất quan trọng và căn bản, điều tuyệt đối là phải có sự giúp đỡ của dân chúng” [28, tr. 124]. Mai-cơn-Mac-Lia (1990), Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày [97]. Trong cuốn sách, tác giả đã dành hẳn một chương để mô tả về “chiến tranh ở làng xã” [97, tr. 158], trong đó chỉ ra rằng: “Du kích luôn sống lẫn trong dân
  10. 11 chúng, họ chia sẻ với nhân dân nỗi thống khổ, quan tâm tới nhân dân trong vùng và do đó họ được nhân dân che chở và cung cấp tin tức” [97, tr. 159]. Nhận xét về chương trình “bình định ở nông thôn”, tác giả chỉ rõ: “Giải pháp cũ dồn nhiều làng vào một khu chỉ giúp quân du kích chiếm thêm cảm tình với nhân dân. Chính vì du kích sống trong nhân dân nên nhân dân trung thành với họ” [97, tr. 160]. R.S. McNamara (1995), Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam [98]. Trong cuốn sách, tác giả đã ghi lại một số luận điểm của các học giả Mỹ về chống lực lượng DQDK ở miền Nam Việt Nam: “Quân Việt cộng trong cuộc chiến tranh du kích, họ có quyền lựa chọn chiến đấu ở đâu, khi nào, và bao lâu, họ có đủ số quân để ngăn chặn bất kỳ một sự mở rộng trọng yếu nào của chương trình bình định” [98, tr. 238]. Tác giả còn nhận xét rằng: “Mỹ phải đối phó với một lực lượng vô cùng đa dạng giữa quân Bắc Việt Nam vào với quân Nam Việt Nam, và với quân du kích ở miền Nam, họ đều là những lực lượng quân sự” [98, tr. 240 - 242]. Tom Bukley, Bernard.Fall, Seymair M.Hersh, Stanley Karnow, Robert Shaplen, Neil Sheehan, Peter Braestrup (2005), Những phóng sự về chiến tranh Việt Nam [176]. Nội dung của cuốn sách là tập hợp 7 bài viết của 7 cây bút nổi tiếng trong giới báo chí thông tấn của Mỹ. Trong đó tiêu biểu là bài viết “Không phải bồ câu nhưng không còn là diều hâu nữa” của nhà báo Neil Sheehan, đã chỉ ra rằng “Thật quá ngây thơ khi tin rằng bên Việt Nam không Cộng sản sẽ đánh bại phong trào du kích Cộng sản và xây dựng được một cấu trúc xã hội tiến bộ và đáng sống” [176, tr. 46]. Để minh chứng cho điều đó, tác giả đã dẫn chứng một câu chuyện qua lời kể của một viên tướng Mỹ về hành động chiến đấu của một du kích Việt cộng: “Anh ta bắn hết đạn của mình, đạn của các đồng đội đã chết, và ném trả lại người Mỹ những trái lựu đạn mà họ đã ném vào công sự. Sau cùng anh ta đã bị giết khi đang ném đá về phía quân thù như một hành động thách thức cuối cùng” [176, tr. 48]. Viên tướng Mỹ đã phải thốt lên rằng: “Nếu một trong những người lính của tôi chiến đấu như thế này, hẳn anh ta đã được tặng huy chương danh dự” [176, tr. 49]. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu về lực lượng dân quân du kích của tác giả trong nước 1.1.2.1. Nhóm công trình nghiên cứu chung về hoạt động của lực lượng dân quân du kích Võ Nguyên Giáp (1967), “Vai trò chiến lược của Dân quân tự vệ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta” [79]. Đây là
  11. 12 bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được t rình bày tại Hội nghị tổng kết công tác quân sự địa phương Quân khu 3, năm 1967, trong đó tác giả khẳng định: “Nói đến địa vị chiến lược của chiến tranh du kích cũng tức là nói đến vai trò chiến lược của dân quân du kích, vì dân quân du kích là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh du kích” [79, tr. 171]. Bàn về hoạt động của lực lượng DQDK trên chiến trường miền Nam, tác giả đã chỉ ra rằng: “Với ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần, dân quân du kích miền Nam có vũ khí thô sơ cũng đánh được Mỹ và ngụy, có vũ khí hiện đại càng đánh giỏi, càng tiêu diệt được nhiều Mỹ và ngụy hơn” [79, tr. 176]. Bàn về yêu cầu trong xây dựng lực lượng DQDK, tác giả chỉ rõ: Một là, “cần phải hết sức đẩy mạnh việc phát triển lực lượng dân quân du kích về mặt số lượng” [79, tr. 180]. Hai là, “đi đôi với phát triển hết sức mạnh mẽ về số lượng, phải ra sức củng cố và nâng cao chất lượng về mọi mặt” [79, tr. 180]. Ba là, “không ngừng tăng cường đội ngũ cán bộ dân quân” [79, tr. 181]. Tác giả còn khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng từ Trung ương cho đến các chi bộ cơ sở là bảo đảm chắc chắn nhất, làm cho lực lượng dân quân tự vệ, dân quân du kích lớn mạnh vượt bậc” [79, tr. 190]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1995), Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975 [33]. Trong cuốn sách, ở phần Tổng luận, các tác giả đã chỉ ra vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động phối hợp tác chiến của lực lượng DQDK với BĐCL trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường miền Nam: “Chiến tranh du kích với hoạt động rộng khắp của lực lượng dân quân du kích góp phần làm suy yếu, chia cắt, giam chân và phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tập trung lực lượng trên hướng trọng điểm, thực hành đánh lớn, đánh tiêu diệt” [33, tr. 733]. Bàn về sự phát triển của chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch, các tác giả chỉ ra thực tiễn đã diễn ra trong đấu tranh vũ trang ở Việt Nam rằng: “Một quân đội vũ khí, trang bị kém đánh với một quân đội hiện đại có vũ khí tối tân thì không thể dàn trận đánh chính quy ngay với địch được, mà phải đánh du kích kết hợp với đánh chính quy” [33, tr. 733 - 734]. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - thắng lợi và bài học [4]. Trong cuốn sách các tác giả đã chỉ rõ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước quân và dân Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều cách đánh rất độc đáo, phong phú,
  12. 13 linh hoạt, táo bạo, có hiệu lực cao làm cho đối phương bị thua đau, tổn thất nặng, mà LLVT cách mạng thì giành được thắng lợi với sự thiệt hại ít hơn. “Đó là cách đánh kết hợp các hình thức tác chiến du kích của bộ đội địa phương, dân quân du kích với các hình thức tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô khác nhau của bộ đội chủ lực” [4, tr. 165]. Kế thừa được những kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Pháp đã làm cho sự phát triển từ CTDK lên chiến tranh chính quy và hình thái kết hợp giữa CTDK với chiến tranh chính quy có những nét phát triển mới. Đặc biệt CTDK trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đạt đến trình độ cao cả về hình thức, nội dung và đạt hiệu lực chiến lược chưa từng thấy trong lịch sử các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam: “Trên chiến trường, chiến tranh du kích miền Nam thực sự và thường xuyên là nỗi kinh hoàng của đội quân xâm lược Mỹ và tay sai” [4, tr. 166]. Vũ Ba (2000), Tổng kết cách đánh của lực lượng dân quân du kích - tự vệ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975) [1]. Trong cuốn sách, tác giả đã làm rõ một số quan niệm về cách đánh du kích, CTDK và vị trí, vai trò của lực lượng DQDK. Tác giả cho rằng hoạt động của lực lượng DQDK: “Là hành động linh hoạt bất ngờ; đánh nhanh chuyển nhanh, khi phân tán, khi tập trung; đánh chỗ yếu tránh chỗ mạnh của địch; đánh địch ở tất cả mọi nơi, mọi lúc bằng tất cả mọi loại vũ khí” [1. tr. 46 - 47]. Mục đích làm tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận nhỏ sinh lực đối phương, làm cho đối phương bị hao mòn và tinh thần bị sa sút buộc chúng phải phân tán đối phó. Với tư tưởng chỉ đạo: “Bám sát nhân dân, bám sát bản làng, tích cực chủ động, mưu trí linh hoạt, bí mật bất ngờ” [1, tr. 50]. Trần Thị Thu Hương (2003), Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá “quốc sách” ấp chiến lược của Mỹ - ngụy ở miền Nam Việt Nam (1961 - 1965) [88]. Trong cuốn sách tác giả đã chỉ ra rằng: muốn phá ách kìm kẹp của đối phương trong các ấp chiến lược, quần chúng ở trong các ấp chiến lược là lực lượng cơ bản nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ. Tuy nhiên chỉ có hoạt động đấu tranh đơn lẻ của nhân dân thì không đủ sức để đối phó với đối phương: “Chỉ khi nào có sự tham gia mạnh mẽ của lực lượng vũ trang, khi đó phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược mới đủ sức mạnh tổng hợp để phá ấp chiến lược” [88, tr. 253]. Tác giả đã luận giải về sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh chống phá ấp chiến lược giai đoạn chống chiến lược “Chiến
  13. 14 tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961 - 1965) ở miền Nam Việt Nam bao gồm những yếu tố sau: Một là, lực lượng vũ trang hoạt động trong ấp chiến lược để vận động quần chúng, làm áp lực cho quần chúng và kết hợp quần chúng nổi dậy nhiều lần phá “ấp chiến lược”. Hai là, lực lượng vũ trang tiêu hao tiêu diệt lực lượng chính trị và vũ trang của địch, phá vỡ thế chiếm đóng, thế kìm kẹp của địch, đồng thời tác động đến tinh thần binh lính, phá rã lực lượng bán vũ trang của địch tại các thôn, ấp. Ba là, xây dựng ấp, xã chiến đấu, phát triển nhanh lực lượng du kích chiến tranh để đủ sức chống càn quét, chống địch tái lập ấp chiến lược [88, tr. 253 - 254]. Bộ Tổng Tham mưu, Cục Dân quân tự vệ (2007), Tổng kết làng xã chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946 - 1975) [53]. Trong cuốn sách, các tác giả chỉ ra: “Xây dựng, hoạt động của làng, xã chiến đấu, trong đó nòng cốt là xây dựng và hoạt động của dân quân du kích đã tạo nên tiền đề cho sự phát triển của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương, là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý giá” [53, tr. 55]. Các tác giả đã luận giải và đúc kết những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo làng, xã chiến đấu, trong đó chỉ ra rằng: “Đảng ủy, chi bộ không chỉ đơn thuần lãnh đạo phục vụ chiến đấu mà còn trực tiếp lãnh đạo nhân dân, dân quân du kích đánh giặc giữ làng, cấp ủy, đảng viên không chỉ ở cương vị lãnh đạo mà còn tham gia dân quân du kích trực tiếp cầm súng giết giặc” [53, tr. 127]. Các tác giả còn chỉ rõ những điểm sáng về chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo, đảng viên gương mẫu đi đầu thì hoạt động của lực lượng DQDK và chiến tranh nhân dân địa phương mới phát triển được, tiêu biểu như: “Các chi bộ ở huyện Củ Chi, Bác Ái đã hết sức quan tâm đến quyền lợi của nhân dân, dựa vào dân, tin dân, chăm lo củng cố xây dựng dân quân du kích, đảng viên bám quần chúng, đi đầu gương mẫu ở những nơi khó khăn nhất, từ đó luôn giữ vững và phát triển được làng, xã chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến” [53, tr. 128]. Bộ Tổng Tham mưu, Cục Dân quân tự vệ (2012), Lịch sử 65 năm ngành Dân quân tự vệ Việt Nam [54]. Nội dung cuốn sách chỉ rõ, trong thời gian từ năm 1955 đến tháng 6-1965, kết quả đạt được trong chỉ đạo hoạt động của lực lượng DQDK, tiêu biểu như: Thứ nhất, “cơ quan dân quân các cấp được tái lập từ Miền đến khu, tỉnh, huyện, xã” [54, tr. 469]. Thứ hai, “ra sức xây dựng lực lượng dân quân du kích vững
  14. 15 mạnh về mọi mặt, xây dựng làng xã chiến đấu [52, tr. 482]. Thứ ba, “đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương, kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công trong đấu tranh, đánh địch” [54, tr. 493]. Trong giai đoạn 1965 - 1968, các tác giả đã chỉ rõ những kết quả đạt được trong chỉ đạo hoạt động của lực lượng DQDK, tiêu biểu như: Một là, “đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân du kích, thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương phát triển lên một bước mới” [54, tr. 509]. Hai là, “vận dụng linh hoạt phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi, ba vùng”, thực hiện trụ bám, tiến công địch liên tục” [54, tr. 516]. Ba là, “chỉ đạo lực lượng dân quân du kích và toàn dân thực hiện nhiều phương thức tiến công và nổi dậy” [54, tr. 525]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2013), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Tập IX, Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử [40]. Trong cuốn sách các tác giả đã khẳng định: Cuộc đụng đầu lịch sử giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam là cuộc đọ sức giữa một bên lấy vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại để đạt mục đích xâm lược và một bên là dựa vào quần chúng cách mạng có giác ngộ chính trị cao, được tổ chức chặt chẽ, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sử dụng sáng tạo vũ khí thô sơ, tự tạo với vũ khí hiện đại, đánh đổ từng bộ phận, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, mà phần thắng cuối cùng thuộc về nhân dân Việt Nam [40, tr. 561 - 562] Vào tham chiến ở Việt Nam, quân Mỹ và đồng minh của Mỹ phải chiến đấu với cả một dân tộc với ý chí thống nhất, được tổ chức và vũ trang phù hợp với khả năng thực tế trong mỗi giai đoạn cụ thể, dám đánh, biết đánh và biết thắng theo đường lối chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao, chứ không phải chỉ đơn thuần tác chiến với quân đội thường trực. “Chính thế trận chiến tranh nhân dân và cách đánh kết hợp du kích với chính quy của quân và dân Việt Nam đã làm đảo lộn cả học thuyết và các quan điểm quân sự của Mỹ” [40, tr. 565]. Nguyễn Chí Thanh (2014), Tổng tập, Phần 3 [136]. Cuốn sách là tập hợp các bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong quá trình thực tiễn chỉ đạo cách mạng trên nhiều lĩnh vực công tác. Trong đó có một số bài viết thể hiện quan điểm về xây dựng lực lượng DQDK, điển hình như: Trong bài: “Quán triệt đường lối phương châm của Đảng trong việc xây dựng dân quân
  15. 16 tự vệ”, tác giả chỉ ra rằng: “Chiến tranh sau này dù trình độ chính quy hiện đại nhưng bản chất vẫn không có gì thay đổi Quân đội chủ lực có vai trò quan trọng, nhưng dân quân du kích cũng giữ vai trò quan trọng như trước đây không kém chút nào” [136, tr. 685]. Khi bàn đến vấn đề trong chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân, tác giả khẳng định: xây dựng dân quân phải lấy chính trị làm cơ sở. “Một dân quân có súng tốt, kỹ thuật bắn súng giỏi nhưng nếu khi thấy giặc lại hoang mang, dao động thì có kỹ thuật giỏi, có súng tốt cũng không dùng được” [136, tr. 688]. Trong bài: “Làm tốt công tác dân quân”, tác giả chỉ rõ: “Phải có sẵn cả hai quả đấm: quả đấm chính quy và quả đấm du kích. Rất rõ ràng là không ai đánh địch lại chỉ dùng có một tay, phải dùng cả hai tay mới tốt và mới thỏa” [136, tr. 692]. Trịnh Thị Hồng Hạnh (2014), Vành đai diệt Mỹ ở chiến trường miền Nam (1965 - 1973) [82]. Trong cuốn sách tác giả đã góp phần tái hiện sự ra đời và hoạt động của các “Vành đai diệt Mỹ” trên chiến trường miền Nam trong những năm 1965 - 1973. Trong đó, khi bàn về vai trò của LLVT đối với quá trình hoạt động và phát triển của các “Vành đai diệt Mỹ”, tác giả đã chỉ ra rằng: việc xây dựng LLVT tại chỗ vững mạnh và rộng rãi là vấn đề hết sức quan trọng, đảm bảo cho CTND trên “Vành đai diệt Mỹ” phát triển: “Lực lượng du kích, các lực lượng chuyên trách như pháo cối mang vác, các tổ săn máy bay, xe tăng, xe bọc thép là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào chiến tranh nhân dân trên vành đai” [82, tr. 323]. Đây là cơ sở để thực hiện phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”: tiến hành đấu tranh quân sự, chính trị bằng hai lực lượng, lực lượng chính trị và LLVT, kết hợp chặt chẽ tiến công đối phương cả quân sự, chính trị và binh vận. Tác giả còn luận giải về hoạt động đấu tranh vũ trang trên các “Vành đai diệt Mỹ” bao gồm: “các mặt hoạt động đánh địch của các lực lượng du kích và quần chúng có vũ trang, hoạt động của các lực lượng chuyên trách, hoạt động tăng cường hoặc phối hợp của chủ lực” [82, tr. 325]. Những hoạt động đấu tranh vũ trang trên đây luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, thể hiện sự kết hợp ba thứ quân trong CTND trên “Vành đai diệt Mỹ”. Ngô Anh Tuấn (2015), “Dân quân, tự vệ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Một số đặc điểm nổi bật về phương thức tổ chức, biên chế, trang bị” [203]. Trong bài viết, tác giả đã chỉ rõ về tổ chức lực lượng DQDK bao gồm: Lực lượng tập trung, bán tập trung, lực lượng cơ động tại
  16. 17 chỗ và lực lượng phục vụ chiến đấu. Về quy mô tổ chức: “Xã có một đến hai trung đội, ấp có tiểu đội, nhiều xã có hai trung đội đến một đại đội, ấp có hai tiểu đội đến trung đội” [203, tr. 368]. Về chất lượng chính trị: “Tiểu đội dân quân du kích có đảng viên, trung đội có tổ đảng, chi bộ, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với dân quân du kích ngày càng chặt chẽ hơn” [203, tr. 369]. Về trang bị: “Lấy vũ khí trang bị của địch đánh địch, tận dụng vật liệu, bom, pháo của địch để nghiên cứu sản xuất trang bị cho lực lượng dân quân du kích” [203, tr. 369]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2019), Lịch sử chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập I (1954 - 1965) [42]. Trong cuốn sách, các tác giả đã trình bày khá toàn diện về lực lượng DQDK và CTDK trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra trên chiến trường miền Nam những năm 1954 - 1965. Trong đó, đã phân tích, luận giải chỉ ra sự phát triển về hoạt động của lực lượng DQDK trong giai đoạn 1961 - 1965, bao gồm bốn nội dung cơ bản: 1) Hoạt động củng cố, phát triển lực lượng và xây dựng, mở rộng căn cứ kháng chiến. 2) Phối hợp với nhân dân địa phương tổ chức đấu tranh phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch. 3) Hỗ trợ cho đòn tiến công của lực lượng chủ lực trong các chiến dịch. 4) Đấu tranh chống lại âm mưu, biện pháp “phản du kích” của quân đội và chính quyền Sài Gòn [42, tr. 263]. Bên cạnh những công trình của các đồng chí cán bộ trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng DQDK trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội còn có các công trình nghiên cứu về lực lượng DQDK miền Nam bên phía quân đội VNCH: Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa (1961), Vấn đề chỉ đạo chiến lược trong chiến tranh Việt Nam [56]. Trong cuốn sách, các tác giả đã đánh giá về vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng đối với lực lượng DQDK của cách mạng miền Nam là: “Chi bộ đảng và cơ sở quần chúng của Việt cộng ở nông thôn và thành thị, nhất là ở nông thôn là lực lượng chiến lược, có giá trị quyết định của cuộc chiến tranh lật đổ, vì chính nó đã sản sinh ra du kích và lực lượng vũ trang Việt cộng” [56, tr. 192]. Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa (1962), Kỹ thuật đặc biệt chống du kích [57]. Trong cuốn sách, các tác giả đã nêu ra cách thức, thủ đoạn chống du kích của cách mạng miền Nam. Về mục tiêu chiến tranh tâm lý:
  17. 18 “Gây hoang mang cho cán bộ nằm vùng bằng ly gián giữa du kích với du kích, giữa du kích với cấp chỉ huy, giữa du kích với dân chúng để tạo sự rạn nứt đến đổ vỡ các cơ sở Việt cộng: “Lôi kéo du kích về với quốc gia” [57, tr. 55]. Về thủ đoạn: “Làm tăng lòng tin tưởng của dân chúng vào các chính sách của chính phủ (chính quyền Sài Gòn); thực thi chính sách khoan hồng của chính phủ để đưa du kích về với chính phủ; Tiến hành phải linh động chớp nhoáng, phá tan mọi ảnh hưởng của du kích tạo ra bất kỳ lúc nào” [57, tr. 66 - 67]. Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa (1971), Du kích Cộng sản và phương thức tác chiến của họ [58]. Trong cuốn sách, các tác giả đã chỉ ra quy luật và phương thức hoạt động tác chiến của lực lượng DQDK cách mạng miền Nam: “Bám chặt vào ấp, xã, tổ chức thành thế liên hoàn ấp xã; không tách rời khỏi dân chúng; thành thạo đánh du kích, tiêu hao đối phương, rút lui nhanh để bảo tồn lực lượng” [58, tr. 28]. Về hình thức và nguyên tắc hoạt động: “Phải có dân, dựa vào dân, thấm nhuần các nguyên tắc du kích chiến, có tinh thần chiến đấu tích cực. Nếu thiếu một trong các điều kiện ấy thì trở nên khập khiễng và khó có thể chiến đấu lâu dài” [58, tr. 30]. Về sự phát triển của phong trào CTDK: “Chiến tranh du kích ngày nay của họ (du kích Việt cộng) đã thay đổi rất nhiều, vì song song với sự trang bị tối tân, họ còn có sự hiểu biết sâu rộng của người cầm súng” [58, tr. 49]. 1.1.2.2. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến hoạt động của lực lượng dân quân du kích ở một số khu và tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định (1991), Bình Định lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945 - 1975) [23]. Trong cuốn sách, khi đánh giá về giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), các tác giả đã khẳng định: Tỉnh ủy Bình Định đã có nhiều chủ trương và sự chỉ đạo xây dựng phong trào CTDK phát triển khá đồng đều ở cả miền núi và đồng bằng. Có nhiều ấp chiến lược được nhân dân và DQDK cải tạo xây dựng thành làng chiến đấu, ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc đã xây dựng nhiều làng chiến đấu nổi tiếng, gắn liền với cả một trận địa liên hoàn chông, bẫy được giăng thành nhiều tuyến khắp núi rừng: Địch đi càn là gặp cả một núi chông: Chông lá lúa, chông dài, chông ngắn, chông thụt, chông thò, chổng lê, chông đòn, chông hom, chông bay bằng tre nứa, bằng sắt có ngạnh. Chông bao giờ cũng được bố trí kết hợp với mang cung, bẫy đá tự động liên hoàn. “Nhiều
  18. 19 khi bị một viên đạn của du kích bắn, địch không sợ bằng nhìn thấy mũi mang cung xuyên từ bên này sang bên kia bụng đồng bọn của chúng” [23, tr. 239]. Hãng thông tấn UPI đã đưa tin: “Trong thời đại vũ khí hạt nhân, du kích Việt Nam vẫn dùng loại vũ khí cổ xưa, thô sơ nhất của loài người, nhưng với họ loại vũ khí đó đã phát huy tác dụng rất lớn” [23, tr. 239]. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (1999), Một số kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa phương ở Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) [59]. Trong cuốn sách, các tác giả ghi lại các sự kiện Khu ủy Khu 5 (tháng 6 và tháng 7-1963) tổ chức hai cuộc họp quan trọng bàn về nhiệm vụ quân sự, đã chủ trương: “Ra sức phát triển du kích thôn xã, nơi nào có cơ sở chính trị, nơi đó phải xây dựng được du kích” [59, tr. 31]. Hội nghị cũng chỉ rõ: “Trong vùng địch kiểm soát, phải có du kích mật, cố gắng mỗi xã có từ 4 đến 5 tiểu đội du kích, phấn đấu để có số lượng ngang với dân vệ và nghĩa quân của địch” [59, tr. 32]. Về vấn đề xây dựng tổ chức đã chỉ rõ “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cốt cán trong các đoàn thể ở thôn, xã phải tham gia du kích. Chi bộ phải thực sự lãnh đạo mọi mặt chiến đấu ở thôn, xã” [59, tr. 33]. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng (2015), Tổng kết chiến tranh du kích trên chiến trường Đà Nẵng (1954 -1975) [22]. Trong giai đoạn 1961 - 1965, các tác giả đã làm rõ về sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng DQDK: “Trên địa bàn huyện Hòa Vang, từ một tổ vũ trang nòng cốt gồm 3 đồng chí năm 1961, đến cuối năm 1964, lực lượng du kích đã phát triển đến 2.000 người, gồm: 800 du kích xã, 1.100 du kích thôn, 100 du kích mật, mỗi xã có Ban Chỉ huy xã đội và có từ 1 đến 2 trung đội du kích tập trung” [22, tr. 119]. Các cấp ủy đảng luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng, phát triển lực lượng DQDK để chiến đấu, dựa vào sự đùm bọc của nhân dân để hoạt động, “đã tạo thành một thế trận thiên la địa võng của chiến tranh du kích giăng khắp thôn xóm chờ địch” [22, tr. 140]. Nguyễn Thị Thanh Hương (2015), “Tìm hiểu chiến tranh du kích ở Gia Lai những năm 1954 - 1965” [89]. Trong giai đoạn 1961 - 1965, tác giả đã làm rõ một số chủ trương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Lai: “Củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng mọi mặt, phát triển dân quân du kích, chống địch tập trung dồn dân lập ấp chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm” [89, tr. 33 - 34]. LLVT tập trung tỉnh, huyện được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ: “kèm cặp dân quân du kích làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh” [89,
  19. 20 tr. 34]. Thành quả trong tổ chức hoạt động của lực lượng DQDK những năm 1954 - 1965 đã đạt được: “Xây dựng lực lượng, cách đánh, xây dựng làng xã chiến đấu, sáng tạo trong sử dụng vũ khí thô sơ, tự tạo, lợi dụng địa hình sử dụng phương thức tiến công linh hoạt, hiệu quả” [89, tr. 35]. 1.1.2.3. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến hoạt động của lực lượng dân quân du kích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn do Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1988), Chiến dịch tiến công Bình Giã Đông - Xuân 1964 - 1965 [31]. Trong cuốn sách, các tác giả đã làm rõ vai trò to lớn của lực lượng DQDK trong chiến dịch, tiêu biểu ngay trong đợt một của chiến dịch: “Ngày 07-02-1964, du kích xã Long Hội Mỹ phối hợp cùng bộ đội địa phương huyện Long Đất diệt đồn Bờ Đập, du kích xã Phước Hải (Long Đất) đánh chiếm đồn Lớn, tạo điều kiện cho du kích các xã còn lại của huyện Long Đất hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ ấp, xã” [31, tr. 26]. Các tác giả cũng chỉ ra nhiệm vụ của lực lượng DQDK: “Chủ yếu là hoạt động tác chiến căng kéo, tiêu hao địch, giữ thế liên tục của chiến dịch, tích cực hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, khiến cho địch ở địa phương rơi vào tình trạng tê liệt, rối loạn” [31, tr. 40]. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1997), Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity [34]. Trong cuốn sách, các tác giả bàn đến vai trò của lực lượng du kích trong chiến dịch: “Hơn 2.000 cán bộ, nhân viên cơ quan Miền tổ chức thành các tiểu đội, trung đội du kích” [34, tr. 102]. Địch tiến tới đâu cũng bị đánh, phải để một lực lượng tương đối lớn để bảo vệ căn cứ và đường giao thông, vì thế số quân trực tiếp tiến công bị hạn chế. “Lực lượng du kích đánh tốt, tạo điều kiện cho chủ lực ta rảnh tay, đứng ngoài vòng càn quét của địch để tìm chỗ sơ hở của chúng mà đánh những trận tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ” [34, tr. 103]. Nguyễn Quý (Chủ biên, 2010), Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975) [133]. Trong cuốn sách, các tác giả đã phân tích, luận giải góp phần tái hiện lại quá trình lãnh đạo và chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ và TƯCMN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, có sự kiện Hội nghị tổng kết DQDK Nam Bộ lần thứ nhất (11-1962), đã khẳng định cuộc đấu tranh chống phá đối phương lập ấp chiến lược diễn ra giằng co và hết sức quyết liệt và,
  20. 21 do vậy kinh nghiệm đấu tranh đặt ra là: “Địch càn quét, địch lập lại ấp chiến lược, ta lại phá ấp chiến lược, địch lập lại, ta lại phá. Trong cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt đó, mỗi ngày ta tiến thêm một bước , địch suy yếu đi một bước, tiến tới ta mạnh hơn địch và giành thắng lợi hoàn toàn” [133, tr. 194]. Các tác giả đã phân tích luận giải các vấn đề do Hội nghị CTDK toàn Miền lần thứ ba đặt ra (10-1966), trong đó nhấn mạnh khả năng chiến đấu to lớn của lực lượng DQDK: Dân quân du kích đã cùng với nhân dân đánh bại những cuộc càn quét lớn, dài ngày của hàng chục ngàn quân Mỹ - ngụy đã sáng chế ra nhiều vũ khí thô sơ, lấy được vũ khí địch, chế tạo thành vũ khí đơn giản nhưng có uy lực lớn, hiệu quả kết hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và chủ lực hình thành một lực lượng ba thứ quân bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống [133, tr. 305 - 306]. Võ Minh Lương (2015), “Lực lượng du kích tự vệ miền Đông Nam Bộ trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” 196]. Trong bài viết, tác giả đã góp phần tái hiện công tác chuẩn bị của lực lượng DQDK miền Đông Nam Bộ trước giờ Tổng công kích: “Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng địa phương, tư tưởng bám trụ chiến đấu tại chỗ “một tấc không đi, một ly không rời” đã hằn sâu vào ý thức của mỗi người” [96, tr. 187]. Tác giả đã chỉ ra rằng: trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968: “Lực lượng dân quân du kích chỉ có thể phát triển và đứng vững trong chiến tranh ác liệt, lâu dài, khi được giác ngộ cách mạng, được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng” [96, tr. 192]. Lê Minh Hiền (2015), “Dân quân du kích Tây Nam Bộ trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975)” [83]. Trong bài viết, tác giả đã luận giải làm rõ sự phát triển mạnh mẽ lực lượng ở huyện, xã, ấp trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ giai đoạn 1961 - 1965: “Du kích chiến đấu ở đồng bằng sông Cửu Long từ 30.500 đồng chí năm 1961 tăng dần lên 61.689 vào năm 1965” [83, tr. 221]. Nhiều cách đánh linh hoạt, mưu trí, dũng cảm đầy sáng tạo được vận dụng như: “Làm hầm chiến đấu cặp đường lộ, rìa làng, bố trí chông mìn cạm bẫy, sử dụng cả ong vò vẽ, đào hầm chống xe bọc thép, cắm cọc ngoài đồng chống trực thăng đã tạo thành thế trận thiên la địa võng, khiến địch phải hành động dè dặt” [83, tr. 221]. Trong giai đoạn 1965 - 1968, tác giả đã chỉ rõ những điểm sáng trong hoạt động của lực lượng DQDK: “Dân quân du kích các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh