Luận án Thực hành văn hóa của cư dân vùng tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

pdf 178 trang Bích Hải 08/04/2025 370
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Thực hành văn hóa của cư dân vùng tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfluan_an_thuc_hanh_van_hoa_cua_cu_dan_vung_tai_dinh_cu_o_ky_a.pdf
  • pdfQD_NguyenMAiHuong.pdf
  • docTrichyeu_NguyenMaiHuong.doc
  • pdfTT Eng NguyenMaiHuong.pdf
  • pdfTT NguyenMaiHuong.pdf

Nội dung text: Luận án Thực hành văn hóa của cư dân vùng tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN MAI HƯƠNG THỰC HÀNH VĂN HÓA CỦA CƯ DÂN VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ Ở KỲ ANH, HÀ TĨNH Ngành: Văn hóa học Mã số: 9 22 90 40 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Đặng Thị Diệu Trang 2. TS. Đoàn Thị Tuyến Hà Nội, 2024
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả đạt được trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình khoa học nào.
  3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU .............................................................. 10 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu .................................................................. 10 1.1.1 Những nghiên cứu về tái định cư và văn hóa của các cộng đồng tái định cư .. 10 1.1.2. Những nghiên cứu về văn hóa của cư dân ven biển và cư dân TĐC Kỳ Anh, Hà Tĩnh .............................................................................................................................. 19 1.2. Cơ sở lý luận ................................................................................................ 26 1.2.1. Một số khái niệm liên quan tới vấn đề nghiên cứu của luận án........................ 26 1.2.2. Quan điểm tiếp cận lý thuyết của luận án ........................................................... 35 1.3. Bối cảnh tái định cư và địa bàn nghiên cứu ................................................. 39 1.3.1. Bối cảnh chính sách phát triển và sự ra đời của khu kinh tế Vũng Áng .......... 39 1.3.2. Sự hình thành các khu tái định cư ........................................................................ 43 Tiểu kết chương 1 ................................................................................................ 51 CHƯƠNG 2. THỰC HÀNH VĂN HOÁ SINH KẾ CỦA CƯ DÂN TÁI ĐỊNH CƯ Ở KỲ ANH, HÀ TĨNH ................................................................... 52 2.1. Thực hành văn hoá sinh kế liên quan tới biển ............................................. 52 2.1.1 Khai thác đánh bắt thủy hải sản ............................................................................ 53 2.1.2. Các thực hành văn hoá sinh kế gắn với chế biến thủy hải sản ........................ 64 2.2. Các thực hành buôn bán, dịch vụ ................................................................. 69 2.3. Các thực hành sinh kế khác .......................................................................... 73 Tiểu kết chương 2 ................................................................................................ 84 Chương 3. THỰC HÀNH VĂN HÓA THƯỜNG NGÀY VÀ VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG CỦA CƯ DÂN TÁI ĐỊNH CƯ Ở KỲ ANH, HÀ TĨNH ..... 86 3.1. Văn hoá thường ngày .................................................................................. 86 3.1.1 Thực hành văn hóa thường ngày gắn với không gian nhà cửa và điều kiện sinh hoạt ............................................................................................................................ 86
  4. 3.1.2 Thực hành văn hóa thường ngày gắn với ăn uống và tiêu dùng ........................ 90 3.1.3. Thực hành văn hóa thường ngày gắn với ứng xử .............................................. 94 3.1.4. Một số thực hành văn hóa mới ............................................................................. 99 3.2. Thực hành văn hoá tín ngưỡng .................................................................. 103 3.2.1. Thực hành văn hóa tín ngưỡng trong gia đình ................................................. 103 3.2.2. Thực hành văn hóa tín ngưỡng trong dòng họ ................................................. 107 3.2.3. Thực hành văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng ............................................ 111 Tiểu kết chương 3 .............................................................................................. 118 Chương 4. THỰC HÀNH VĂN HOÁ CỦA CƯ DÂN TÁI ĐỊNH CƯ Ở KỲ ANH, HÀ TĨNH: MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÀN LUẬN ............................... 120 4.1. Tái định cư: Thay đổi môi trường sống dẫn đến thay đổi thực hành văn hoá ..................................................................................................................... 120 4.2. Tái trật tự hóa không gian và mối quan hệ cộng đồng............................... 124 4.3. Thực hành văn hoá và sự thích ứng của người dân sau tái định cư ........... 129 4.4. Thực hành văn hoá của cư dân vùng tái định cư: thách thức và cơ hội ......... 139 KẾT LUẬN ...................................................................................................... 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 157
  5. DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT CNH - HĐH Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa KKTVA Khu Kinh tế Vũng Áng NXB Nhà xuất bản TĐC Tái định cư PV Phỏng vấn
  6. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tái định cư (TĐC) là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức và chính phủ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt trong những thập kỉ gần đây, khi các dự án phát triển được triển khai mạnh mẽ ở một số nước trong khu vực. Những tác động lớn của chương trình TĐC bắt buộc đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và các tổ chức trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, các công trình thủy điện, nhà máy, bến cảng, các khu công nghiệp được xây dựng với mục đích đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước . Nhiều dự án phục vụ cho phát triển được gắn với di dân TĐC. Việc TĐC trong các dự án phát triển được hiểu là để tạo ra lợi ích và điều kiện tốt hơn cho cuộc sống của người dân, vì vậy chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình TĐC bắt buộc ở những quy mô khác nhau, và cho dù ở cấp độ nào đều có những tác động rất lớn đến mọi khía cạnh cuộc sống của cộng đồng từ thực hành văn hóa sinh kế, tôn giáo tín ngưỡng đến các quan hệ xã hội... TĐC ở Kỳ Anh được thành lập là kết quả của dự án phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng. Đây là một chiến lược phát triển về kinh tế biển của vùng biển Hà Tĩnh nói riêng và của cả nước nói chung trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Người dân phải rời bỏ mảnh đất mà tổ tiên đã trao truyền và gắn bó qua bao nhiêu thế hệ để di dời đến sống ở khu TĐC, nhường đất cho dự án nhà máy khu công nghiệp, các cầu cảng vận tải đường biển...; điều này đã kéo theo những xáo trộn, thay đổi trong đời sống văn hóa sinh kế, không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng, không gian văn hóa tâm linh... Theo kế hoạch, khi các hộ dân được di dời đến nơi ở mới, họ được cấp đất đai, được xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo, được quy hoạch dân cư đô thị. Sau khi ổn định về đời sống, nhà ở, nguồn nước thì sẽ có chương trình phát triển sản 1
  7. xuất, thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhân dân lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình TĐC ở đây đã có nhiều bất cập nảy sinh, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, phục hồi sinh kế chưa thỏa đáng, việc đảm bảo đời sống cho người dân TĐC trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp hạn chế là một thách thức rất lớn cho người dân TĐC và cho cả các cấp chính quyền ở địa phương. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho đời sống người dân như quy hoạch xây dựng dân cư theo tiêu chí đô thị, nhà cửa xây dựng cao tầng, vùng TĐC nằm trong địa bàn thị xã Kỳ Anh thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nảy sinh do khu TĐC chưa phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng; thiếu nguồn nước để sinh hoạt và sản xuất; đất sản xuất vừa thiếu vừa cằn cỗi; thay đổi về sinh kế, về phương thức sản xuất trong không gian sinh tồn; sự bất hợp lý trong chính sách đất đai; xung đột lợi ích; thay đổi tập quán sản xuất... Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề về kinh tế, văn hoá xã hội phức tạp đã xuất hiện; những thay đổi trong hoạt động ngư nghiệp, nông nghiệp, quan hệ cộng đồng, quan hệ dòng họ, phong tục, tập quán, đời sống hằng ngày... Trong bối cảnh thực tiễn được nêu trên về TĐC ở Kỳ Anh, từ góc nhìn văn hoá, có rất nhiều câu hỏi nêu ra cần được giải đáp như: Bức tranh về thực hành văn hóa của người dân TĐC ở Kỳ Anh đang diễn ra như thế nào? Người dân đã gặp những thách thức và thích nghi ra sao trong điều kiện của không gian cư trú mới với những thay đổi về sinh kế, môi trường sống và các thực hành văn hoá hằng ngày? Để trả lời những câu hỏi đó, một nghiên cứu chuyên sâu về tác động của TĐC đối với thực hành văn hoá của người dân TĐC ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh là cần thiết. Việc này đồng thời góp phần làm phong phú thêm nhận thức về tác động của TĐC đối với đời sống văn hoá xã hội của người dân, một vấn đề cấp thiết và luôn mang tính thời sự trong bối cảnh phát triển và hiện đại hoá hiện nay. Từ những lí do 2
  8. nêu trên, nghiên cứu sinh đã lựa chọn: “Thực hành văn hóa của cư dân vùng tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh” để làm đề tài luận án tiến sĩ. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 2.1. Mục đích nghiên cứu Thông qua việc mô tả, phân tích các thực hành văn hóa của người dân TĐC ở Kỳ Anh trên các phương diện văn hóa sinh kế, văn hóa thường ngày và văn hoá tín ngưỡng, luận án tập trung làm rõ quá trình thích ứng trong thực hành văn hóa của người dân sau TĐC, chỉ ra cách thức tái cấu trúc văn hoá trong bối cảnh mới – bối cảnh CNH-HĐH ở địa phương. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Từ mục đích nghiên cứu trên, luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau: Thứ nhất, mô tả và phân tích thực trạng các thực hành văn hóa của cư dân TĐC ở Kỳ Anh trong không gian sinh tồn mới, bao gồm: văn hóa sinh kế, văn hóa thường ngày và văn hóa tín ngưỡng. Thứ hai: Nhận diện và bàn luận về những thay đổi đặt ra từ thực trạng các thực hành văn hóa của cư dân TĐC ở Kỳ Anh hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là các thực hành văn hóa của cộng đồng cư dân TĐC ở Kỳ Anh hiện nay. Để phục vụ cho việc tìm hiểu các thực hành văn hoá hiện nay, các thực hành văn hoá trong quá khứ của người dân trước khi họ chuyển tới khu vực TĐC cũng được quan tâm, tìm hiểu. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nội dung: Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu một số thực hành văn hóa tiêu biểu, đây cũng là những thành tố văn hoá nổi bật và bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình TĐC, bao gồm: Thực hành văn hóa sinh kế, thực hành văn hóa thường ngày và thực hành văn hoá tín ngưỡng. 3
  9. Phạm vi thời gian: Đề tài luận án tập trung nghiên cứu thực hành văn hóa của cư dân vùng TĐC ở Kỳ Anh, từ năm 2010 (thời điểm bắt đầu thực hiện di dời dự án TĐC) cho đến nay. Phạm vi không gian: Trước TĐC, xã Kì Lợi thuộc huyện Kỳ Anh, ngày 10/4/2015 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 903/NQ- UBTVQH về việc thành lập Thị xã Kỳ Anh và xã Kì Lợi trực thuộc Thị xã Kỳ Anh. Thực hiện chính sách di dân của Chính phủ, người dân xã Kỳ Lợi chuyển cư sinh sống tại các địa bàn: phường Kỳ Trinh, xã Kỳ Nam, xã Kỳ Phương. Xã Kỳ Lợi là địa bàn bị ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp bởi các dự án phát triển CNH-HĐH tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Trong luận án này, tác giả luận án tập trung nghiên cứu tại địa bàn khu TĐC Kỳ Lợi chuyển cư sinh sống tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh gồm 298 hộ dân thôn 1 Tân Phúc Thành và một phần của thôn 2 Tân Phúc Thành. Vì vậy, trong luận án tác giả sử dụng cách gọi khu TĐC Kỳ Lợi hoặc TĐC ở Kỳ Anh (Khu TĐC Kỳ Lợi ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh) trong những bối cảnh phù hợp. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án Đề tài luận án sử dụng hai phương pháp nghiên cứu chính đó là: (1) Phương pháp nghiên cứu định tính, trong đó ưu tiên cho điền dã dân tộc học với quan sát tham dự, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm; (2) phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu thứ cấp. Các phương pháp được lựa chọn giúp luận án có được thông tin từ thực tế đầy đủ, bao quát và đáng tin cậy. 4.1. Quan sát tham dự Quan sát tham dự được tác giả luận án sử dụng trong suốt quá trình thu thập tư liệu trên thực địa. Tác giả luận án đã sử dụng các kỹ thuật quan sát tham dự để thu thập thông tin liên quan đến các nội dung nghiên cứu, nắm bắt được địa bàn, không gian sống, cảnh quan môi trường,... Qua thực hiện quan sát tham dự tại địa bàn nghiên cứu, tác giả luận án có thể nắm bắt được cách 4
  10. thức tổ chức không gian sống, cuộc sống của người dân TĐC, từ đó có những đánh giá và nhận định sát với thực thế nhất có thể. Tác giả luận án đã có thời gian lưu trú tại nhà dân, ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt như một thành viên trong gia đình của họ. Tác giả luận án cũng đã theo chân các thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động tập thể tại cộng đồng như đánh cầu lông, cổ vũ tinh thần cho giải đấu thể thao, văn nghệ... Tác giả luận án cũng tham dự vào các hoạt động sinh kế trước hết là của các thành viên trong gia đình nơi tác giả lưu trú ví dụ cùng tham gia bán hàng, trao đổi nói chuyện về công việc với người chủ gia đình và hàng xóm của họ. Mỗi khi có điều kiện, tác giả luận án thường trao đổi sâu hơn về các hoạt động công việc của họ để tìm hiểu về các cách thức làm ăn cũng như những thay đổi mà họ trải qua từ sau khi chuyển cư. Quan sát tham dự cho phép tác giả luận án có nhiều cơ tìm hiểu đời sống, các mối quan hệ, mạng lưới xã hội và văn hoá giao tiếp của người dân địa phương...; Để tìm hiểu về các thực hành văn hoá tín ngưỡng, tác giả luận án đã dành thời gian tham dự một số lễ cúng của người dân được tổ chức vào ngày rằm, mồng một tại gia đình và đền thờ thần Ở những sự kiện này, bên cạnh việc quan sát, tác giả luận án còn chụp ảnh, ghi âm, quay video để ghi lại diễn biến của buổi lễ... Có thể nói rằng thực hiện quan sát tham dự trong quá trình nghiên cứu thực địa đã cung cấp cho tác giả luận án có một cái nhìn bao quát hơn về các vấn đề cần tìm hiểu đồng thời cho phép xác định những vấn đề quan trọng cần tiếp tục tìm hiểu ở các cuộc phỏng vấn sâu. 4.2. Phỏng vấn sâu Phỏng vấn sâu cũng là phương pháp được tác giả luận án thực hiện trong suốt quá trình nghiên cứu điền dã. Nội dung phỏng vấn xoay quanh các nội dung nghiên cứu trọng tâm nghiên cứu của luận án, đó là việc xây dựng và ổn 5
  11. định cuộc sống mới sau tái định cư, những thách thức và thuận lợi trong quá trình TĐC,... Cụ thể với chủ đề sinh kế, tác giả luận án tập trung làm rõ một số câu hỏi như: Các nghề nghiệp mới mà người dân có sau TĐC là gì? Các nghề nghiệp mới này do các thành viên nào trong gia đình đảm nhận? Liệu nó có ảnh hưởng/làm thay đổi nếp sinh hoạt của các thành viên trong gia đình? Cách thức liên kết/tổ chức các hoạt động của các nghề mới xuất hiện này có làm thay đổi mối quan hệ/ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng TĐC?... Để có cái nhìn khách quan và đa chiều về các vấn đề trong phạm vi tìm hiểu, tác giả luận án đã tiến hành phỏng vấn nhiều đối tượng khác nhau: Phỏng vấn cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ thôn: Đây là kênh quan trọng để tác giả luận án có được những thông tin về chính sách TĐC. Cụ thể là chủ trương và cách thức triển khai TĐC ở địa phương cũng như vai trò của chính quyền địa phương khi tham gia xây dựng cuộc sống mới của người dân tại địa bàn nghiên cứu. Phỏng vấn người dân trên địa bàn các khu tái định cư: Đây là đối tượng chiếm đa số trong các cuộc phỏng vấn được tác giả luận án lựa chọn với sự cân nhắc về giới tính, độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp... Tác giả luận án đã thực hiện phỏng vấn cả nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau, từ 18 đến 75 tuổi. Các đối tượng được phỏng vấn có nghề nghiệp khác nhau; họ có thể là thành viên cùng trong một gia đình hoặc dòng họ hoặc không. Tác giả luận án đã phỏng vấn các ngư dân – những người vẫn còn giữ nghề truyền thống liên quan tới biển và cả những người đã chuyển sang làm nghề dịch vụ buôn bán. Bên cạnh đó còn có những đối tượng là người làm nghề tự do, người nhà của những đối tượng đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân ở xa... Khi tiến hành phỏng vấn, tác giả luận án ngoài hỏi các thông tin của hiện tại còn đặt những câu hỏi để người được phỏng vấn hồi cố lại quá khứ, nhìn nhận những thay đổi của hiện tại đặt trong sự so sánh với quá khứ trước TĐC, nêu được những khó 6
  12. khăn và thuận lợi trong cuộc sống hiện nay. Các tư liệu thu thập được từ quan sát tham dự và phỏng vấn sâu đã được tác giả luận án chuyển thể thành nhật ký thực địa và ở dạng biên bản gỡ băng ghi âm. Tất cả các tư liệu này sau đó được sử dụng để phân tích và trích dẫn ở các chương viết của luận án. Đặc biệt, để tôn trọng ý kiến của những người được phỏng vấn tại địa bàn nghiên cứu và nhằm đảm bảo tính bảo mật cá nhân trong nghiên cứu khoa học, tác giả luận án đã mã hóa tên của người được phỏng vấn bằng những tên nhân vật khác nhau ở tất cả nội dung các chương của luận án. 4.3. Thảo luận nhóm Trong quá trình khảo sát thực địa, tác giả luận án cũng sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, tập trung vào các chủ đề đặt ra liên quan tới văn hoá sinh kế, văn hoá thường ngày và văn hoá tín ngưỡng. Các cuộc thảo luận nhóm đã thực hiện tại các địa điểm khác nhau như ở hội trường, ở chợ Đối tượng tham gia thảo luận nhóm đa dạng, ngoài các cán bộ xóm tại khu TĐC còn có các đại diện người dân thuộc thành phần và lứa tuổi khác nhau. Các cuộc thảo luận nhóm được thực hiện đã giúp tác giả luận án nhận thức đầy đủ, đa chiều hơn về quan điểm và suy nghĩ của người dân địa phương về cuộc sống sau TĐC. 4.4. Phân tích tài liệu thứ cấp Tác giả luận án coi việc sử dụng các kết quả nghiên cứu đi trước là nguồn tài liệu rất quan trọng để kế thừa, tiếp thu và làm cơ sở phát triển những ý tưởng mới trong nghiên cứu. Việc thu thập tài liệu từ các công trình nghiên cứu đi trước giúp cho tác giả thấy được khoảng trống nghiên cứu về chủ đề luận án quan tâm cũng như cho phép củng cố thêm các nhận định đặt ra. 7
  13. Các tài liệu thứ cấp được tác giả luận án sử dụng gồm các công trình nghiên cứu về TĐC nói chung và các văn bản báo cáo của một số ban ngành địa phương về TĐC ở Kỳ Anh nói riêng. Ví dụ: Báo cáo của Ban quản lí Khu Kinh tế Vũng Áng, Ủy ban nhân dân xã Kỳ Lợi, Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Kỳ Anh vv.. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Nghiên cứu về thực hành văn hóa sau TĐC ở Kỳ Anh là một nghiên cứu chuyên sâu, góp phần làm phong phú thêm hệ thống các nghiên cứu về TĐC ở Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đặc biệt là xây dựng khu công nghiệp ven biển. - Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp các phát hiện hữu ích về sự thay đổi và thích ứng văn hóa trong điều kiện chuyển cư, sinh sống ở một không gian sinh tồn mới, chịu ảnh hưởng của chính sách phát triển và quá trình CNH-HĐH. - Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án cung cấp tư liệu sinh động và những phân tích khoa học về những thay đổi về đời sống văn hoá của người dân TĐC ở một địa phương cụ thể. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1.Ý nghĩa lý luận của luận án Thông qua nghiên cứu về các thực hành văn hoá ở khu TĐC mà cụ thể là: thực hành văn hóa sinh kế, thực hành văn hoá thường ngày và văn hoá tín ngưỡng đề tài luận án góp phần làm phong phú thêm các nhận định về TĐC trong bối cảnh phát triển gắn với CNH, HĐH. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề TĐC. Đó có thể là các nhà nghiên cứu, các cán bộ dự án (phát triển) hay các các nhà quản lý, hoạch định chính 8
  14. sách. Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án còn cung cấp những cứ liệu cụ thể góp phần gợi mở, giúp các nhà quản lý văn hóa và các ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch chính sách, quản lý phù hợp với các chiến lược trong các dự án phát triển và việc xây dựng các khu TĐC. Cuối cùng, kết quả nghiên cứu của đề tài luận án cũng có thể sử dụng như một tài liệu nhằm nâng cao nhận thức người dân và chính quyền địa phương vùng TĐC ven biển về những giá trị văn hóa truyền thống, giúp phát huy xây dựng đời sống văn hoá ổn định và hài hoà ở khu TĐC trong thực tiễn. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Thư mục Tài liệu tham khảo, Phụ lục luận án được triển khai với 4 chương như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu Chương 2: Thực hành văn hóa sinh kế của cư dân tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh Chương 3: Thực hành văn hóa thường ngày và văn hoá tín ngưỡng của cư dân tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh Chương 4: Thực hành văn hoá của cư dân tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Một số vấn đề bàn luận 9
  15. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1 Những nghiên cứu về tái định cư và văn hóa của các cộng đồng tái định cư - Các nghiên cứu chung về tái định cư Theo cách hiểu thông thường, TĐC là sự di chuyển nơi ở của con người, từ nơi ở cũ đến nơi ở mới. Đây là một hiện tượng xã hội diễn ra thường xuyên và phổ biến trong lịch sử phát triển của nhân loại. Tuy nhiên TĐC, nhất là TĐC trong các dự án phát triển thì mới chỉ được quan tâm nghiên cứu thời gian gần đây, bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, khi hàng loạt các nước trên thế giới đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH với việc thực hiện những dự án phát triển quy mô lớn. TĐC được đặt trong mối quan hệ khăng khít với phát triển; nghiên cứu vận dụng các tiêu chí phát triển để định hướng việc hoạch định chính sách TĐC. Tiêu biểu nhất trong nhóm này có thể kể đến các nghiên cứu do ngân hàng Thế giới (World Bank) và ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Các nghiên cứu của World Bank gồm:“Operations Policy Issues in the Treatment of Involuntary Resettlement” (Tác động của chính sách trong TĐC không tự nguyện), “Sách hướng dẫn về TĐC không tự nguyện - việc hoạch định và thực hiện các dự án phát triển”,“Resettlement and Development” (TĐC và Phát triển) “Chính sách hoạt động đối với vấn đề TĐC không tự nguyện”:“Resettlement and development: The Bankwide review of projects” (Tái TĐC và phát triển: Việc xem xét các dự án của ngân hàng) Các nghiên 10
  16. cứu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) gồm:“Involuntary Resettlement Policy Review”,“Involuntary Resettlement, Operational Manual” (TĐC không tự nguyện, Sổ tay hoạt động), “Involuntary Resettlement Policy” (Chính sách TĐC không tự nguyện), “TĐC không tự nguyện” và “Sổ tay về TĐC - hướng dẫn áp dụng vào thực tiễn” Tất cả các nghiên cứu vừa nhắc đến ở trên đã tập trung phân tích, đánh giá các chính sách TĐC trong các dự án phát triển và từ đó đưa ra những quan điểm, nguyên tắc, đề xuất khuyến nghị cụ thể để các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn việc TĐC trong tương lai. Từ kết quả nghiên cứu thu được, nhóm các công trình này đã xác lập định hướng chung mang tính nguyên tắc trong hoạch định các dự án TĐC đó là: Nên tránh việc TĐC nếu dự án có thể; những người TĐC phải được đền bù thỏa đáng và công bằng cho những tài sản mà họ mất; TĐC bắt buộc cần được hiểu là cơ hội cải thiện mưu sinh cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án; những người bị ảnh hưởng do quá trình TĐC cần được tư vấn, giúp đỡ và tham gia vào quá trình hoạch định TĐC để chắc rằng lợi ích của họ được đảm bảo phù hợp và bền vững. Các công trình thuộc nhóm nghiên cứu này rất có ý nghĩa thực tiễn, được coi là những tài liệu cần thiết cho các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và thực hiện các dự án TĐC. Bên cạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng nêu trên, TĐC còn được xem xét tìm hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ phương pháp luận cho đến những bất cập/vướng mắc nảy sinh về mặt chính sách hoặc thực tiễn triển khai. Theo hướng này có thể kể đến hai công trình nghiên cứu của tác giả Christopher McDowell (2002) gồm: “Các phương pháp tiếp cận nhân học về TĐC - Chính sách, thực tiễn và lý thuyết” và “TĐC, nguy cơ nghèo hoá các vấn đề sinh kế bền vững”. Trong hai công trình này, tác giả đã làm rõ những vấn đề liên quan tới TĐC như quan điểm, bản chất của TĐC, sự khác biệt giữa TĐC tự nguyện và không tự nguyện và mối quan hệ giữa TĐC với biến 11
  17. đổi kinh tế - xã hội ở những cộng đồng di cư. Tác giả cũng đã đề cập đến nguy cơ bần cùng hoá sau TĐC, đồng thời đưa ra những định hướng để xây dựng các mô hình TĐC tốt hơn. Đi vào tìm hiểu một trường hợp cụ thể, Cao Thị Thu Yên (2003) có đề tài: Hướng tới sự bền vững của các đập (thuỷ điện) lớn của Việt Nam - Vấn đề TĐC và các dự án thuỷ điện. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy những bất cập trong công tác TĐC của các dự án thuỷ điện ở Việt Nam và tác động của chúng đến đời sống người dân trong vùng dự án. Theo tác giả có sự khác biệt lớn giữa chính sách và triển khai hoạt động TĐC trên thực tiễn và rất khó khăn để có thể khắc phục. Tương tự, cũng bàn về chính sách tái định cư, các tác giả Ulrika Bladh và Eva - Lena Nilsson (2005) đã có bài viết với tiêu đề “Xây dựng kế hoạch TĐC không tự nguyện như thế nào - trường hợp dự án thuỷ điện Sơn La ở Việt Nam”. Nội dung bài viết đã chỉ rõ những tác động của quá trình TĐC ở công trình thuỷ điện Sơn La đối với những người dân thuộc diện phải di dời. Các tác giả này chỉ ra nhiều vấn đề liên quan tới các chính sách quy định về sở hữu đất đai, đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng, xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng của quá trình TĐC ; và qua đó cho thấy sự tham gia của người dân địa phương vào quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch TĐC còn nhiều hạn chế. Một nghiên cứu khác cũng đưa ra đánh giá chính sách TĐC đó là công trình: “TĐC trong các dự án phát triển: Chính sách và thực tiễn” của hai tác giả Phạm Mộng Hoa và Lâm Mai Lan (2000). Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích và chỉ ra ưu/nhược điểm của các chính sách TĐC hiện hành ở Việt Nam; so sánh và chỉ ra những khác biệt giữa chính sách TĐC của Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á. 12
  18. Tương tự, Nguyễn Ngọc Tuấn (2004), cũng có một số bài viết nghiên cứu về TĐC được trình bày trong cuốn “Một số kinh nghiệm TĐC trong các dự án phát triển tại một số nước trên thế giới”. Ở đây tác giả đã khái quát tình hình thực hiện chính sách TĐC cho những người bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển, nhất là các dự án thủy điện ở các nước Châu Á. Sau khi tổng kết kinh nghiệm và đưa ra các chỉ dẫn trong những dự án phát triển ở khu vực, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn đã nêu đánh giá thực trạng TĐC ở Việt Nam. Cụ thể tác giả đã chỉ ra những thành công và những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách TĐC đối với các dự án phát triển ở Việt Nam và từ đó đề xuất những sửa đổi về chính sách nhằm khôi phục và cải thiện các điều kiện sống cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sau TĐC ở Việt Nam. Cùng đưa ra nhận định về TĐC, Võ Kim Cương (2007), trong bài viết TĐC- quá trình tất yếu để ổn định phát triển cho rằng: TĐC là một quá trình tất yếu, phổ biến đáp ứng yêu cầu của phát triển, nhất là trong bối cảnh CNH, HĐH đất nước hiện nay. Tác giả đi sâu phân tích sự phức tạp, đa diện của quá trình TĐC và đưa ra quan niệm rằng thực chất của quá trình phát triển đô thị là quá trình TĐC. Tác giả Võ Kim Cương đồng thời khẳng định chính sách TĐC không chỉ là chính sách hỗ trợ đền bù, giải tỏa mà cần phải đươc xem như một phương án phát triển đa ngành, đa cấp. Ngoài các công trình nêu trên có có rất nhiều các công trình nghiên cứu/bài viết/chuyên khảo khác thuộc nhóm nghiên cứu thứ hai này chẳng hạn “Nghiên cứu TĐC thủy điện ở Việt Nam thời kỳ Đổi mới” do Trần Văn Hà (chủ biên, 2011). Đây là công trình tập hợp những nghiên cứu liên ngành về vấn đề TĐC ở miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên và Trung bộ. Các công trình này do tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) thực hiện từ 2006 đến 2011. Các nghiên cứu trong chuyên khảo này đã cung cấp luận cứ về thực tế gắn kết giữa các không gian xã hội, sinh thái và sinh kế đồng thời 13
  19. nêu tác động của các công trình thuỷ điện đối với môi trường cảnh quan và văn hóa của các tộc người thuộc diện TĐC. Hay, một số nghiên cứu về TĐC ở các dự án thuỷ điện khác của các Đặng Nguyên Anh (2007), Tống Văn Chung (2005), Trương Thị Ngọc Lan (2004), Khúc Thị Thanh Vân (2007). Cụ thể tác giả Đặng Nguyên Anh (2007) có nghiên cứu “TĐC cho các công trình thủy điện ở Việt Nam”; Tống Văn Chung (2005) có: “Vấn đề TĐC người dân vùng lòng hồ thủy điện nhìn từ góc độ xã hội học quản lý”; Trương Thị Ngọc Lan, trong dư án VIE/95/2004 đã chắp bút cho báo cáo "Chính sách TĐC do kết quả của sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam”; và Khúc Thị Thanh Vân (2007) có nghiên cứu về “Ảnh hưởng của chính sách TĐC đối với cuộc sống người dân sau TĐC: Nghiên cứu trường hợp thuỷ điện Bản Vẽ” v.v.. Các công trình của các tác giả này đã nêu khái quát các vấn đề của TĐC, từ thực trạng công tác TĐC ở các dự án thủy điện ở Việt Nam cho đến các vấn đề nảy sinh khi thực hiện chính sách TĐC từ đó đưa ra những gợi ý chính sách để làm tốt hơn công tác TĐC và giúp hiểu đúng về TĐC đặc biệt là các nội dung liên quan tới sách đền bù, giải tỏa khi thực hiện TĐC trong giai đoạn hiện nay. Tóm lại, có thể nói, các nghiên cứu chung về TĐC đã đề cập đến các vấn đề cơ bản của TĐC, đi từ khái niệm cho đến cách thức triển khai thực hiện TĐC trên thực tế, đặt trong mối liên hệ với chính sách và các dự án TĐC cụ thể ở trong nước. Các nghiên cứu này hướng tới mục đích ứng dụng thực tiễn rất cao; một số nghiên cứu được thực hiện theo “đặt hàng” của tổ chức ví dụ các nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức ngân hàng World Bank và ADB. Nổi lên trong nhóm nghiên cứu chung về TĐC này là các nghiên cứu đánh giá chính sách TĐC. Đây từng là chủ đề nghiên cứu thu hút được nhiều học giả quan tâm, tìm hiểu. - Những nghiên cứu về thực hành văn hóa gắn với quá trình TĐC 14
  20. Bàn về mối quan hệ giữa văn hoá và TĐC từ lâu cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đề cập. Tuy nhiên, các nghiên cứu này thiên về đánh giá thực trạng. Hai công trình tiêu biểu có liên quan đến chủ đề này đó là các nghiên cứu của Nguyễn Đức Anh (2007): “Bước đầu đánh giá chất lượng cuộc sống người dân TĐC của dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế)”; và Đoàn Bổng (2009) “Đánh giá chất lượng cuộc sống và tiềm năng phát triển của người dân TĐC vùng lòng hồ công trình thuỷ điện A Vương - Quảng Nam”. Ở công trình thứ nhất tác giả đã khảo sát, tìm hiểu việc thực hiện TĐC theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đưa ra đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân trong các chương trình TĐC này. Mục đích của nghiên cứu là để nhận diện/đánh giá những bất cập về môi trường sống ở khu TĐC để từ đó đề ra giải pháp nhằm hoàn thiện tốt hơn cho công tác di dân TĐC của tỉnh. Bên cạnh hai công trình nêu trên, công trình do Phạm Quang Hoan chủ biên (2012), “Văn hóa các tộc người vùng lòng hồ và vùng TĐC thủy điện Sơn La” đề cập trực tiếp đến chủ đề văn hoá ở khu vực TĐC. Đây là một công trình nghiên cứu có quy mô, được thực hiện ở nhiều nhóm dân tộc thiểu số vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Ở công trình này, các tác giả đã đề cập đến nhiều khía cạnh của văn hoá bao gồm: Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội, tôn giáo tín ngưỡng và tri thức địa phương. Kết quả của công trình nghiên cứu này là nhằm xác định bản sắc đặc trưng của các tộc người ở vùng lòng hồ và vùng TĐC thủy điện Sơn La để trên cơ sở đó đề xuất một giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tộc người tại nơi TĐC. Lựa chọn nghiên cứu về sinh kế ở các khu TĐC là chủ đề được nhà nghiên cứu đề cập tới. Trên thực tế, đã có khá nhiều công trình/dự án được triển khai/thực hiện. Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển có dự án:“Sinh kế bền vững cho đồng bào TĐC (thực hiện trên khu TĐC dự án thuỷ 15