Luận án Quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015

pdf 218 trang Bích Hải 08/04/2025 10
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfluan_an_qua_trinh_khac_phuc_hau_qua_bom_min_vat_no_o_tinh_qu.pdf
  • pdfQĐCT_NCS Nam.pdf
  • pdfTHÔNG TIN LUẬN ÁN.pdf
  • pdfTÓM TẮT TIẾNG ANH.pdf
  • pdfTÓM TẮT TIẾNG VIỆT.pdf

Nội dung text: Luận án Quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI NGUYỄN VĂN NAM QUÁ TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 2015 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2024
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI NGUYỄN VĂN NAM QUÁ TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 2015 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 9.22.90.13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Duy Bính TS. Phạm Thị Tuyết HÀ NỘI - 2024
  3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan bản Luận án này là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả đề cập trong Luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Hà Nội, ngày tháng năm 2024 Tác giả Luận án Nguyễn Văn Nam
  4. ii LỜI CẢM ƠN Tác giả luận án trân trọng cảm ơn lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lãnh đạo Phòng Sau đại học và Khoa Lịch sử cùng toàn thể các thầy cô đã tham gia giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và thực hiện Luận án. Tôi chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Thầy, Cô hướng dẫn Luận án, PGS.TS. Nguyễn Duy Bính và TS. Phạm Thị Tuyết, những chuyên gia đã luôn theo sát, tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện Luận án. Tôi trân trọng cảm ơn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự, Cục thống kê, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm Hành động bom mìn (QTMAC), Thư viện, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ trên địa bàn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công tác điều tra, khảo sát và thực hiện Luận án. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Ban Giám hiệu, Phòng sau Đại học, Ban Chủ nhiệm Khoa, các thầy cô và đồng nghiệp trong Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu đề tài. Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình, người thân và bạn bè đã giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành đề tài Luận án. Hà Nội, ngày tháng năm 2024 Tác giả luận án Nguyễn Văn Nam
  5. iii MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ..................................................................................................... 1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................... 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .......................................................................... 4 4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu ............................................................ 4 5. Đóng góp của đề tài ................................................................................................. 6 6. Bố cục của luận án .................................................................................................. 6 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN VẤN ĐỀ ...... 8 1.1. Các công trình nghiên cứu về thực trạng bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị ......... 8 1.2. Các công trình nghiên cứu về hậu quả bom mìn, vật nổ và quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở Việt Nam (1975-2015) ............................ 13 1.3. Các công trình nghiên cứu về hậu quả bom mìn, vật nổ và quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị (1975-2015) .................. 18 1.4. Nhận xét về kết quả nghiên cứu mà luận án kế thừa và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu ................................................................................ 22 Chương 2: KHÁI QUÁT VỀ TỈNH QUẢNG TRỊ VÀ THỰC TRẠNG, HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 2015 ....................................................................................................... 27 2.1. Khái quát về tỉnh Quảng Trị ........................................................................... 27 2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ............................................................ 27 2.1.2. Địa giới hành chính .................................................................................. 30 2.1.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội ......................................................................... 32 2.2. Thực trạng bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ................................................ 33 2.2.1. Khối lượng ............................................................................................... 33 2.2.2. Chủng loại và địa bàn phân bố ................................................................. 37 2.3. Hậu quả bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015 ........................................................................................................... 41 2.3.1. Về xã hội .................................................................................................. 41
  6. iv 2.3.2. Về kinh tế ................................................................................................. 48 2.3.3. Về môi trường .......................................................................................... 53 Tiểu kết chương 2 .................................................................................................... 56 Chương 3: QUÁ TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 1995 ..................................... 57 3.1. Bối cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng, Nhà nước ................................... 57 3.1.1. Bối cảnh thế giới và trong nước ............................................................... 57 3.1.2. Bối cảnh tỉnh Quảng Trị ........................................................................... 63 3.1.3. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ............................................................. 66 3.2. Biện pháp, kết quả của quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ..... 69 3.2.1. Tổ chức các chiến dịch rà phá quy mô toàn tỉnh (1975-1986) ................ 69 3.2.2. Triển khai các dự án, hợp đồng rà phá bom mìn, vật nổ ở các vùng ưu tiên (1986-1995) ............................................................................................ 73 Tiểu kết chương 3 .................................................................................................... 78 Chương 4: QUÁ TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ TỪ NĂM 1996 ĐẾN NĂM 2015 ..................................... 79 4.1. Bối cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng, Nhà nước ................................... 79 4.1.1. Bối cảnh thế giới và trong nước ............................................................... 79 4.1.2. Bối cảnh tỉnh Quảng Trị ........................................................................... 82 4.1.3. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ............................................................. 84 4.2. Biện pháp, kết quả của quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ......... 88 4.2.1. Mục tiêu và lực lượng tham gia ............................................................... 88 4.2.2. Cách thức tổ chức, triển khai ................................................................... 91 4.2.3. Kết quả khắc phục .................................................................................... 94 Tiểu kết chương 4 .................................................................................................. 119 Chương 5: NHẬN XÉT VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM.................................. 120 5.1. Nhận xét .......................................................................................................... 120 5.1.1. Thành tựu ............................................................................................... 120 5.1.2. Hạn chế ................................................................................................... 129
  7. v 5.2. Bài học kinh nghiệm....................................................................................... 133 5.2.1. Bài học về tư tưởng ................................................................................ 133 5.2.2. Bài học về lực lượng .............................................................................. 135 5.2.3. Bài học về biện pháp tiến hành .............................................................. 138 Tiểu kết chương 5 .................................................................................................. 143 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 144 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ ........................................... 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 152 PHỤ LỤC ............................................................................................................. 1.PL
  8. vi DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Bom mìn, vật nổ BMVN Bộ chỉ huy quân sự BCHQS Dự án “Đơn vị Cơ sở Dữ liệu về Hoạt động Khắc phục hậu DBU quả chiến tranh tại Quảng Trị” Dự án “Phục hồi Môi trường và Khắc phục hậu quả chiến RENEW tranh” Dự án “Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh LWCC tỉnh Quảng Trị” Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ GDPTTNBMVN Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh Việt VNASMA Nam Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ KPHQBMVN Nhà xuất bản NXB Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy NPA Ủy ban Nhân dân UBND Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam PTVN Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam Hoa Kỳ VVAF Tổ chức dịch vụ cứu trợ Thiên chúa giáo CRS Tổ chức Đoàn kết quốc tế SODI Tổ chức nhóm Cố vấn bom mìn của Anh MAG Tổ chức phi chính phủ NGO Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn BOMICEN Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam VNMAC Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị QTMAC
  9. vii DANH MỤC CÁC BẢNG Trang Bảng 2.1. Số liệu nạn nhân BMVN theo năm ở tỉnh Quảng Trị ......................... 42 Bảng 2.2. Nạn nhân BMVN theo huyện thị (1975-2015) ................................... 43 Bảng 2.3. Số lượng và diện tích khu vực ô nhiễm BMVN theo từng huyện ............ 54 Bảng 3.1. Các khu vực còn BMVN chưa nổ có đường dây 500KV Bắc Nam đi qua thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị năm 1992 ................................. 75 Bảng 4.1. Tổng diện tích khảo sát BMVN tỉnh Quảng Trị (2011-2015) ............ 96 Bảng 4.2. Tổng diện tích khảo sát BMVN theo các huyện ................................. 96 Bảng 4.3. Tổng hợp diện tích rà phá BMVN nổ đợt 1, 2 (2008-2012) ............... 97 Bảng 4.4. Hoạt động GDPTTNBMVN của các NGO tại tỉnh Quảng Trị (2011-2015) ... 107 Bảng 4.5. Số người tiếp nhận hoạt động GDPTTNBMVN của các NGO theo các huyện (2011-2015) .............................................................. 108 Bảng 4.6. Số lượng dự án và kinh phí viện trợ của các NGO nước ngoài tại tỉnh Quảng Trị (1996-2015) .............................................................. 112
  10. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Các cuộc chiến tranh xâm lược trong lịch sử thế giới hiện đại kết thúc đều để lại những hậu quả nặng nề, nhiều mặt và tác động lâu dài đến các bên tham chiến. Hậu quả chiến tranh nặng nề nhất là ở khu vực chiến trường quốc gia bị xâm lược - nơi diễn ra nhiều chiến dịch, cuộc giao tranh quyết liệt giữa lực lượng vũ trang của các bên trong cuộc chiến. Sau khi chiến tranh kết thúc, để xây dựng và phát triển đất nước, các quốc gia đều phải huy động nhiều nguồn lực, tiến hành nhiều biện pháp và phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục những hậu quả chiến tranh để lại. Việt Nam là quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và hứng chịu nhiều hệ quả trầm trọng do chiến tranh gây ra. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước kéo dài 21 năm. Non sông thống nhất, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, do hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại đã tác động to lớn, là trở lực phát triển mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao của Việt Nam. Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của chiến tranh để lại là ảnh hưởng nặng nề của BMVN đến quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh. Vì vậy, để phát triển đất nước, Việt Nam phải đồng thời tiến hành xây dựng đất nước đi đôi với khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có KPHQBMVN còn sót sau chiến tranh. Trong số các địa phương, tỉnh Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BMVN còn sót sau chiến tranh ở Việt Nam. Trong thời gian từ năm 1975 đến năm 2015, BMVN còn sót đã trực tiếp hoặc gián tiếp để lại nhiều đau thương, mất mát và tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của địa phương. Vì vậy, KPHQBMVN là nhu cầu hết sức cần thiết của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị được sự giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã khắc phục được nhiều hậu quả BMVN, giảm thiểu những tác động tiêu cực, góp
  11. 2 phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng đến mục tiêu “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm của BMVN đối với người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị đạt nhiều thành tựu, là điểm sáng của cả nước và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Như vậy, nghiên cứu quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn sâu sắc và mang tính nhân văn. Nghiên cứu đề tài góp phần làm sáng tỏ hậu quả nặng nề của BMVN, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết hậu quả BMVN ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần tổng kết, hệ thống hóa các số liệu quan trọng, đúc rút kinh nghiệm của địa phương trong quá trình triển khai nhiều giải pháp để KPHQBMVN. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng góp tiếng nói quan trọng trong thức tỉnh lương tri nhân loại nhận diện hệ quả của chiến tranh, nâng cao trách nhiệm, thúc đẩy sự hợp tác của cộng đồng quốc tế để chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh. Bên cạch đó, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là tài liệu tham khảo bổ ích trong biên soạn lịch sử Việt Nam hiện đại ở các trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông, nhất là biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương ở tỉnh Quảng Trị. Xuất phát từ những lí do trên, tác giả quyết định chọn vấn đề “Quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015” làm đề tài luận án. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Về phạm vi không gian: Luận án tập trung nghiên cứu quá trình KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Về thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước kết thúc nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn phải tiếp tục KPHQBMVN sau chiến
  12. 3 tranh. Từ năm 1975 đến năm 2015, thực trạng BMVN đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị. Trong 40 năm, công tác KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến và thành tựu. 40 năm cũng là khoảng thời gian đủ dài cần thiết để nhận diện, đánh giá quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể quá trình KPHQBMVN sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tác giả chọn mốc năm 1996 làm mốc phân chia hai giai đoạn bởi vì: từ năm 1996, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị (lúc đó là Phòng Đối ngoại) được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao nhiệm vụ làm đầu mối, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh và các cơ quan liên quan điều phối các chương trình hoạt động BMVN nhân đạo quốc tế trong tỉnh. Năm 1996 cũng là năm đầu tiên có tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực KPHQBMVN hợp tác với chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị triển khai các hoạt động KPHQBMVN sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Năm 1996 đã mở đầu cho quá trình tỉnh Quảng Trị hợp tác quốc tế KPHQBMVN sau chiến tranh. Về nội dung: Luận án tập trung đi sâu nghiên cứu KPHQBMVN trong chiến tranh Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. Bom, mìn và vật nổ ở tỉnh Quảng Trị có hàng trăm loại khác nhau như bom, mìn, thủy lôi, lựu đạn, đạn cối, đạn pháo, rocket, đầu nổ Thuật ngữ “bom mìn, vật nổ” trong luận án dùng để chỉ chung tất cả các loại bom, mìn, đạn dược, vật nổ của nhiều bên tham chiến được sử dụng trong các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vẫn chưa phát nổ, còn tồn lưu trong môi trường đất và nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, hậu quả BMVN chủ yếu là BMVN của Mĩ trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn ác liệt nhất từ năm 1965 đến năm 1975. Với khả năng và nguồn tài liệu có được, luận án tập trung vào một số vấn đề sau: Về thực trạng BMVN sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phần lớn là BMVN của Mĩ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong giai đoạn 1965-1975. Về hậu quả BMVN luận án tập trung nghiên cứu hậu quả về xã hội, kinh tế và hậu quả về môi trường từ năm 1975 đến năm 2015.
  13. 4 Về quá trình quá trình KPHQBMVN, luận án tập trung nghiên cứu các hoạt động rà phá BMVN, nâng cao năng lực quản lý KPHQBMVN, giáo dục truyền thông, hỗ trợ người dân. Luận án chỉ nghiên cứu các chủ thể tham gia vào quá trình quá trình KPHQBMVN sau đây: Các tổ chức của chính quyền và BCHQS tỉnh Quảng Trị, Chính phủ một số nước và các NGO đang hoạt động trên lĩnh vực KPHQBMVN tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Luận án tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản của quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015, góp phần làm rõ hơn chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị về huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình KPHQBMVN trên địa bàn, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án tập trung làm rõ những vấn đề khoa học sau đây: - Thứ nhất, luận án làm rõ tầm quan trọng của công tác KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. -Thứ hai, luận án làm rõ các nhân tố tác động đến quá trình và kết quả của công tác KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. -Thứ ba, luận án làm rõ thực trạng KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. -Thứ tư, luận án rút ra những nhận xét về thành tựu, hạn chế của công tác KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác tham khảo, vận dụng. 4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nguồn tài liệu Tài liệu lưu trữ: Các báo cáo, tài liệu của Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mĩ ở Việt Nam, Ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III. Các báo
  14. 5 cáo của Bộ Quốc phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, BCHQS, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em, QTMAC tỉnh Quảng Trị. Tài liệu tham khảo: Các bài viết có liên quan đến đề tài nghiên cứu trên các tạp chí như: tạp chí Lịch sử Quân sự, tạp chí Lao động và Xã hội, tạp chí Quốc phòng toàn dân, tạp chí Tâm lý học. Các bài báo trên các website đã được công bố có liên quan đến luận án. Luận án cũng tham khảo các sách, luận án, công trình chuyên khảo có liên quan đến đề tài nghiên cứu ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quân đội, Thư viện tỉnh Quảng Trị, Cục Thống kê Quảng Trị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Công binh Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Trung tâm trưng bày KPHQBMVN tỉnh Quảng Trị là những bằng chứng khẳng định rõ hơn tính chân thực của những thông tin tác giả đã thu thập. Đề tài của luận án cũng sử dụng tư liệu điền dã, điều tra xã hội học: phỏng vấn các cán bộ chính quyền, cá nhân trong NGO nước ngoài đang hoạt động trên lĩnh vực KPHQBMVN, nạn nhân bị thương tích do BMVN ở tỉnh Quảng Trị. Đây là nguồn tư liệu quan trọng góp phần bổ sung tư liệu và xác minh rõ hơn về quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận: Luận án đã vận dụng phép biện chứng của chủ nghĩa duy vật lịch sử để nghiên cứu vấn đề quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị trong mối liên hệ với quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Trị sau chiến tranh. Dù chiến tranh đã kết thúc nhưng BMVN còn sót vẫn ảnh hưởng lâu dài trên nhiều lĩnh vực, tác động nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường tỉnh Quảng Trị. Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là phương pháp nghiên cứu chủ đạo. Trong đó, phương pháp lịch sử được sử dụng trong việc thu thập, khảo cứu tài liệu từ các nguồn khác nhau để tái hiện quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị qua hai giai đoạn từ năm 1975
  15. 6 đến năm 1995 và từ năm 1996 đến năm 2015 để thấy được sự chuyển biến trong quá trình KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh qua các giai đoạn. Phương pháp logic được sử dụng để rút ra những nhận xét về thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong quá trình KPHQBMVN sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị. Luận án cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học, phỏng vấn những cá nhân có liên quan về chỉ đạo hoạt động KPHQBMVN tại tỉnh Quảng Trị, thu thập thông tin, số liệu để tìm hiểu về quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị Ngoài ra, người viết cũng sử dụng một số phương pháp cụ thể khác như: tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh, đối chiếu, điền dã... để rút ra một số nhận xét về quá trình KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. 5. Đóng góp của đề tài Thứ nhất: Luận án tổng hợp các nguồn tư liệu liên quan về hậu quả và quá trình KPHQBMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. Thứ hai: Luận án làm rõ thực trạng, hậu quả BMVN sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị trên nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ ba: Luận án trình bày và làm rõ sự chuyển biến của quá trình KPHQBMVN qua hai giai đoạn 1975-1995 và 1996-2015. Qua đó, luận án làm rõ những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong quá trình KPHQBMVN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015. Thứ tư: Luận án góp phần giáo dục cho mọi người nhận thức đầy đủ về hậu quả của BMVN và có ý thức trách nhiệm trong việc khắc phục các hậu quả chiến tranh nói chung, BMVN nói riêng. Thứ năm: Luận án cung cấp những cơ sở thực tiễn cho các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị và các địa phương khác tham khảo để có chủ trương, chính sách, biên pháp đẩy mạnh quá trình KPHQBMVN, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, luận án bổ sung, cập nhật những tư liệu mới phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử địa phương. 6. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, phần nội dung của luận án gồm 5 chương:
  16. 7 Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan vấn đề Chương 2: Khái quát về tỉnh Quảng Trị và thực trạng, hậu quả BMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015 Chương 3: Quá trình khắc phục hậu quả BMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015 Chương 4: Quá trình khắc phục hậu quả BMVN ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2015 Chương 5: Nhận xét và bài học kinh nghiệm
  17. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN VẤN ĐỀ 1.1. Các công trình nghiên cứu về thực trạng bom mìn, vật nổ ở tỉnh Quảng Trị Các công trình nghiên cứu đề cập đến số lượng, chủng loại và địa bàn phân bố BMVN thông qua diễn biến các chiến dịch, trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cuốn sách “Vĩnh Linh kiên cường, bất khuất chiến thắng vẻ vang” do Trần Đồng viết được xuất bản năm 1974. Tác phẩm đề cập đến địa bàn Vĩnh Linh có vị trí tiền tiêu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là đầu cầu nối liền miền Bắc với miền Nam và là hậu phương gần gũi nhất của chiến trường Trị - Thiên. Với vị trí như vậy, không quân Mĩ đã giội xuống Vĩnh Linh một khối lượng bom đạn khổng lồ mang tính hủy diệt. Tác giả Marilyn B.Young là một cựu binh từng tham gia nhiều trận đánh của quân đội Mĩ trên các địa bàn của tỉnh Quảng Trị đã cuốn hồi ký xuất bản tại Mĩ vào năm 1991 với tên gọi “The Vietnam Wars 1945 – 1990” (Chiến tranh Việt Nam 1945-1990). Cuốn hồi ký đã tái hiện những trận đánh khốc liệt như chiến dịch Lam Sơn 719, Dốc Miếu, Ái Tử, La Vang mà tác giả đã trực tiếp tham chiến. Trong trận Ái Tử, tác giả mô tả chi tiết từ việc bố trí các loại mìn sát thương đến xây dựng các hàng rào dây thép gai kiên cố bao quanh để bảo vệ sân bay Ái Tử. Do tận mắt chứng kiến, tác giả cũng đề cập chân thực tâm trạng của lính Mĩ luôn lo lắng, ám ảnh với chính vũ khí sát thương họ tự cài đặt, bố trí trên xung quanh sân bay Ái Tử. Cuốn sách “Một số trận đánh lớn trên chiến trường Quảng Trị năm 1972” do Bộ Tư lệnh Quân đoàn I chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 1992 đã viết lại những trận đánh của các đơn vị trong Quân đoàn I trên rất nhiều địa bàn khác nhau tại chiến trường tỉnh Quảng Trị vào năm 1972. Trong các trận đánh tiến công cũng như phòng ngự, công trình đều phân tích tình hình hai bên tham chiến, diễn biến nhiều trận đánh và rút ra những kinh nghiệm chiến đấu. Các chủng loại BMVN khác nhau do không quân Mĩ sử dụng, trút xuống vùng đất tỉnh Quảng Trị được đề cập khi trình bày nhiều trận đánh.
  18. 9 Bùi Công Ái và Trần Tiến Hoạt với cuốn sách “Quảng Trị 1972” xuất bản năm 1992 đã trình bày diễn biến những trận đánh ác liệt tại thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Các tác giả lập nhiều bảng số liệu về số lượng pháo binh địch, máy bay địch và nhiều loại BMVN địch sử dụng để tái chiếm thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Cuốn sách “Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975)” của Viện lịch sử quân sự Việt Nam biên soạn, xuất bản năm 2001 đã trình bày khái quát 50 chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954-1975). Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 4 chiến dịch được đề cập đến gồm: Chiến dịch đường 9 – Khe Sanh, chiến dịch đường 9 – Nam Lào, chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Quảng Trị. Các chiến dịch trên diễn ra rất ác liệt, không quân Mĩ sử dụng rất nhiều bom đạn trút xuống nhiều địa bàn của tỉnh Quảng Trị. Các số liệu về số bom đạn trong các trận đánh, trong từng thời điểm của 4 chiến dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng được đề cập đến trong cuốn sách. Công trình “Một số trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Trị (1945-1975)” gồm 2 tập do BCHQS tỉnh Quảng Trị chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 2005 đã trình bày nhiều trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang nhân dân ở nhiều địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong các trận đánh, tác phẩm trình bày khái quát hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả các trận đánh và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế chiến đấu. Tác phẩm cũng trình bày âm mưu của đế quốc Mĩ khi sử dụng không quân ném bom xuống một số địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua đó, công trình đề cập đến thủ đoạn đánh phá của không quân Mĩ, sức công phá của các loại BMVN từ những loại có trọng lượng nhỏ đến các loại có trọng lượng lớn trên các vùng địa bàn của tỉnh Quảng Trị. Cuốn sách “Huyền thoại cầu Hiền Lương” do Lưu Vinh chủ biên xuất bản năm 2008 đã trình bày những câu chuyện huyền thoại về cầu Hiền Lương và những tư liệu lịch sử về cuộc đối đầu dưới nhiều hình thức của hai bên chiến tuyến. Tác giả nhận định vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh là nơi hứng chịu các cuộc đánh phá với mức độ ác liệt nhất, kẻ thù xác định là vùng đánh phá không hạn chế, vì thế số lượng bom đạn đề cập đến trong các cuộc đánh phá là rất lớn.
  19. 10 Nhóm các tác giả Nguyễn Thế Thanh, Đông Phong, Hoài Linh với công trình “Hồ sơ chiến tranh – 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị” xuất bản năm 2011 đề cập đến vấn đề dù chiến tranh đã kết thúc nhưng hậu quả chiến tranh để lại sẽ còn kéo dài nhiều thế hệ sau. Công trình cũng đề cập đến khối lượng BMVN mà đế quốc Mĩ trút xuống Thành cổ Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị trong 81 ngày đêm năm 1972 là rất khủng khiếp khi so sánh với bom nguyên tử do chính quân đội Mĩ ném xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945. NXB Lao động tổ chức biên soạn và cho xuất bản năm 2011 cuốn sách “Hồ sơ vĩ tuyến 17 (1954-1975)”. Cuốn sách tái hiện sự tồn tại vĩ tuyến 17 cùng với nhiều địa danh như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Cửa Tùng trở thành huyền thoại về khát vọng thống nhất đất nước của người dân Việt Nam. Nhiều trận đánh diễn ra rất ác liệt, khối lượng bom đạn khổng lồ mà kẻ thù ném xuống để hủy diệt mảnh đất Vĩnh Linh được tái hiện qua hồi ức của các tướng lĩnh, những cán bộ chỉ huy, các phóng viên chiến trường từng tham gia. Cuốn sách “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị” do Thường vụ Đảng ủy, BCHQS tỉnh Quảng Trị chỉ đạo biên soạn xuất bản năm 2012 đã khái quát những thành tích chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các đơn vị, địa phương và cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Số lượng máy bay và khối lượng BMVN Mĩ sử dụng trên nhiều địa bàn ở tỉnh Quảng Trị đã được đề cập đến như ở các xã Hải An, Hải Khê, Vĩnh Giang, Vĩnh Thủy, Vĩnh Quang, Vĩnh Chấp, Vĩnh Lâm, Vĩnh Khê, đảo Cồn Cỏ. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, Hướng Hóa, tác phẩm đề cập chi tiết hơn về bình quân khối lượng BMVN trên 1 km2 hay bình quân khối lượng BMVN trên một người dân Luận án Tiến sĩ Lịch sử “Hoạt động của bộ đội Hóa học trong các chiến dịch ở Trị -Thiên (1968-1973)” của Nguyễn Thành Hữu bảo vệ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam năm 2011. Qua công trình nghiên cứu, tác giả đề cập đến tầm quan trọng của tỉnh Quảng Trị trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu cũng đề cập đến việc Mĩ đã huy động nhiều vũ khí, nhiều loại BMVN đến tỉnh Quảng Trị để tàn phá, hủy diệt nơi đây.
  20. 11 Cuốn sách “Quảng Trị những ngày rực lửa” của Đặng Việt Thủy và Giang Tuyết Minh được biên soạn xuất bản năm 2012. Trong công trình, các tác giả giới thiệu khái quát về mảnh đất Quảng Trị anh hùng và những trận đánh ác liệt của quân và dân cách mạng bảo vệ vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Các tác giả cũng phân tích Mĩ có lực lượng không quân rất mạnh với đủ loại máy bay hiện đại nhất, mở các trận ném bom bắn phá lớn nhất để yểm trợ cho quân bộ trên chiến trường tỉnh Quảng Trị. Cuốn sách “40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ (1972-2012)” do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị, Bộ Quốc phòng xuất bản năm 2012 đề cập âm mưu của Mĩ và chính quyền Sài Gòn trong việc tái chiếm vùng giải phóng. Các trận đánh ác liệt để giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 cũng được đề cập đến trong tác phẩm. Những cuộc tập kích của máy bay B52 Mĩ dội bom xuống Quảng trị cũng được mô tả lại chi tiết trong một số trận đánh. Tác phẩm “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa- 1972)” do Tạp chí Trí thức và Phát triển phối hợp cùng Trung tâm truyền thông vì môi trường phát triển, Công ty Văn hóa trí tuệ Việt biên soạn hoàn thành năm 2013 đã trình bày khái quát điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành phát triển tỉnh Quảng Trị. Tác phẩm cũng liệt kê một số loại bom đạn, số lượng bom đạn Mĩ thả xuống và đề cập đến cuộc chiến đấu kiên cường anh dũng của quân và dân tỉnh Quảng trị trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972). Công trình “Thành cổ Quảng Trị địa danh máu và hoa” do nhiều tác giả biên soạn xuất bản năm 2015 đã trình bày cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ, nguy hiểm qua 81 ngày đêm chống lại chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt của kẻ thù vào mùa hè năm 1972. Tác phẩm nhận định trong lịch sử thế giới chưa từng có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chỉ đánh vào một tòa Thành cổ nhưng đối phương lại huy động lực lượng hùng hậu, khối lượng BMVN lớn như chiến dịch tái chiếm Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Công trình “Một thời hoa lửa, một thế hệ làm nên huyền thoại” của nhiều tác giả viết được xuất bản năm 2016 đã trình bày về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bên