Luận án Nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các Đảng ủy học viên, trường sĩ quan quân đội giai đoạn hiện nay

doc 210 trang Bích Hải 08/04/2025 310
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các Đảng ủy học viên, trường sĩ quan quân đội giai đoạn hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docluan_an_nang_cao_chat_luong_lanh_dao_cai_cach_hanh_chinh_cua.doc
  • doc1 BÌA LUẬN ÁN.doc
  • doc2 BÌA TÓM TẮT TIẾNG VIỆT.doc
  • doc2 TÓM TẮT TIẾNG VIỆT.doc
  • doc3 BÌA TÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
  • doc3 TÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
  • doc4 THÔNG TIN MẠNG TIẾNG ANH.doc
  • doc4 THÔNG TIN MẠNG TIẾNG VIỆT.doc

Nội dung text: Luận án Nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các Đảng ủy học viên, trường sĩ quan quân đội giai đoạn hiện nay

  1. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của riêng tôi. Các số liệu, tài liệu sử dụng trong luận án là trung thực, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hà nội, ngày tháng năm 2024 TÁC GIẢ LUẬN ÁN Lê Văn Cường
  2. 2 MỤC LỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT MỞ ĐẦU 5 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 10 1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài liên quan đến đề tài luận án 10 1.2. Các công trình nghiên cứu ở trong nước liên quan đến đề tài luận án 18 1.3. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan và những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu 28 Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LÃNH ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC ĐẢNG ỦY HỌC VIỆN, TRƯỜNG SĨ QUAN QUÂN ĐỘI 32 2.1. Cải cách hành chính và những vấn đề cơ bản về lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội 32 2.2. Quan niệm, những yếu tố quy định, tiêu chí đánh giá chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội 57 2.3. Quan niệm và những vấn đề có tính nguyên tắc nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội 68 Chương 3: THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG LÃNH ĐẠO VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LÃNH ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC ĐẢNG ỦY HỌC VIỆN, TRƯỜNG SĨ QUAN QUÂN ĐỘI 81 3.1. Thực trạng chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội 81
  3. 3 3.2. Nguyên nhân thực trạng chất lượng và những vấn đề đặt ra đối với nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội 108 Chương 4: YÊU CẦU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LÃNH ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC ĐẢNG ỦY HỌC VIỆN, TRƯỜNG SĨ QUAN QUÂN ĐỘI GIAI ĐOẠN HIỆN NAY 123 4.1. Những yếu tố tác động và yêu cầu nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội giai đoạn hiện nay 123 4.2. Những giải pháp nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội giai đoạn hiện nay 133 KẾT LUẬN 169 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 171 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 172 PHỤ LỤC 188
  4. 4 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TT Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt 1. Bộ Quốc phòng BQP 2. Cải cách hành chính CCHC 3. Chuyển đổi số CĐS 4. Giáo dục và Đào tạo GD&ĐT 5. Học viện, trường sĩ quan HV, TSQ 6. Nâng cao chất lượng NCCL 7. Quân ủy Trung ương QUTW 8. Tổ chức đảng TCĐ 9. Trường sĩ quan TSQ 10. Vững mạnh toàn diện VMTD
  5. 5 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài luận án Trong quá đổi mới toàn diện đất nước, qua các kỳ đại hội, CCHC luôn được Đảng ta khẳng định là một chủ trương nhất quán, nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá để “xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch” [41, tr.57]. CCHC trong BQP nằm trong tổng thể CCHC nhà nước, gắn với hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và cơ yếu, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành của chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp trong quân đội, góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao. Các HV, TSQ quân đội là những trung tâm GD&ĐT, nghiên cứu khoa học của quân đội và quốc gia. CCHC là nhiệm vụ chính trị trung tâm, khâu đột phá, giải pháp quan trọng nhằm xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” [155, tr.57], xây dựng tổ chức, bộ máy của các nhà trường tinh, gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, đội ngũ cán bộ, nhân viên phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn cao, phương pháp làm việc khoa học; qua đó góp phần NCCL công tác GD&ĐT, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy của nhà trường. Các đảng ủy HV, TSQ quân đội là hạt nhân chính trị, lãnh đạo mọi mặt công tác của các HV, TSQ quân đội. Sự lãnh đạo của các đảng ủy HV, TSQ quân đội là nhân tố có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả CCHC, xây dựng các HV, TSQ quân đội vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Những năm qua, các đảng ủy HV, TSQ quân đội đã lãnh đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của QUTW, quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS Bộ Quốc phòng, của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng cấp trên về CCHC, nên chất lượng lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội đã đạt được kết quả toàn diện, góp phần quan trọng NCCL giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng các HV, TSQ quân đội VMTD “Mẫu mực, tiêu biểu”.
  6. 6 Tuy nhiên, một số chủ thể, lực lượng nhận thức về tầm quan trọng của CCHC và lãnh đạo CCHC chưa đầy đủ; nội dung lãnh đạo CCHC ở một số đảng ủy HV, TSQ quân đội còn dàn trải, chưa sát thực tiễn, chưa có trọng điểm; phương thức lãnh đạo CCHC của một số đảng ủy HV, TSQ quân đội chậm đổi mới, vận dụng trong thực tiễn có lúc còn dập khuôn, máy móc, chưa sát nội dung lãnh đạo CCHC. Kết quả CCHC của các HV, TSQ quân đội ở một số nội dung chưa cao; nhất là, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, thiếu liên thông; chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan còn có sự chồng chéo; khả năng sử dụng, khai thác công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, nhân viên còn hạn chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành công việc của cơ quan, khoa, đơn vị còn hạn chế. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước đang lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử, CĐS và coi trọng “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” [39, tr.136]. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại tiếp tục đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu mới cao hơn đối với CCHC trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Quán triệt, thực hiện quan điểm “xây dựng các học viện, nhà trường quân đội thông minh, hiện đại, chất lượng cao, theo mô hình trường đại học nghiên cứu; đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường” [143, tr.7]. Điều đó đòi hỏi các đảng ủy HV, TSQ quân đội càng phải NCCL lãnh đạo CCHC, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để xây dựng các đảng bộ trong sạch, vững mạnh, các HV, TSQ quân đội VMTD “Mẫu mực, tiêu biểu”. Từ những lý do trên, tác giả chọn vấn đề “Nâng cao chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội giai đoạn hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước.
  7. 7 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn chất lượng và NCCL lãnh đạo CCHC để đề xuất những giải pháp NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ nghiên cứu Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, rút ra giá trị lý luận, thực tiễn của các công trình khoa học đã tổng quan, xác định những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu. Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về lãnh đạo, chất lượng lãnh đạo CCHC và NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội. Đánh giá đúng thực trạng chất lượng lãnh đạo CCHC, chỉ rõ nguyên nhân và khái quát, luận giải những vấn đề đặt ra đối với NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội. Phân tích những yếu tố tác động, xác định yêu cầu và đề xuất những giải pháp NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội giai đoạn hiện nay. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Chất lượng lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội. Phạm vi nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn chất lượng lãnh đạo và NCCL lãnh đạo CCHC quân sự ở các HV, TSQ quân đội. Tập trung điều tra, khảo sát tại 11 đảng bộ HV, TSQ quân đội: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Quân y, Học viện Phòng không - Không quân, Học viện Hậu cần, TSQ Lục quân 1, TSQ Lục quân 2, TSQ Chính trị, TSQ Pháo binh, TSQ Công binh, TSQ Thông tin. Các tư liệu, số liệu sử dụng trong luận án được giới hạn chủ yếu từ năm 2015 đến nay; các giải pháp có giá trị vận dụng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
  8. 8 4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; về CCHC và tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị; về Đảng lãnh đạo quân đội; về tổ chức và hoạt động của quân đội; về CCHC và lãnh đạo CCHC trong quân đội. Cơ sở thực tiễn Hiện thực hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của QUTW, BQP về CCHC trong Quân đội nhân dân Việt Nam; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, báo cáo của cấp ủy, TCĐ, cơ quan chức năng các cấp về CCHC và lãnh đạo CCHC ở các đảng ủy HV, TSQ quân đội; kết quả điều tra, khảo sát thực tế của nghiên cứu sinh. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu của khoa học ngành và khoa học liên ngành, trong đó chủ yếu sử dụng kết hợp các phương pháp: phân tích và tổng hợp, lôgíc và lịch sử, thống kê và so sánh, điều tra xã hội học, tổng kết thực tiễn. 5. Những đóng góp mới của luận án Xây dựng quan niệm chất lượng lãnh đạo CCHC; xác định, làm rõ những yếu tố quy định chất lượng lãnh đạo CCHC và xây dựng, làm rõ quan niệm NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội. Khái quát, luận giải những vấn đề có tính nguyên tắc; những vấn đề đặt ra đối với NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội. Đề xuất một số biện pháp cụ thể, khả thi trong những giải pháp NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội giai đoạn hiện nay.
  9. 9 6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án Luận án góp phần làm rõ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn về lãnh đạo, chất lượng lãnh đạo CCHC và NCCL lãnh đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của các đảng ủy HV, TSQ quân đội giai đoạn hiện nay. Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy ở các học viện, nhà trường quân đội. 7. Kết cấu của luận án Luận án gồm: Mở đầu, 4 chương (10 tiết), kết luận, danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
  10. 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về hành chính, cải cách hành chính nhà nước và lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước Phoxay Xaynha Sone (2011), Cải cách bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào [149]. Trên cơ sở làm rõ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và Đảng Nhân dân cách mạng Lào về bộ máy nhà nước và CCHC nhà nước; luận án đưa ra quan niệm, cải cách bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện là “những cải cách về cơ cấu tổ chức bộ máy, xác định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Văn phòng huyện, các phòng ban chức năng gắn với đổi mới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chế độ phân cấp tài chính công bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước” [149, tr.62]. Nêu rõ, cải cách bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện cần tập trung vào các nội dung chủ yếu: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, TCĐ các cấp; nghiên cứu cải cách, sắp xếp lại một số phòng của ngành dọc tại cấp huyện; xác định cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện; xác định lại chức năng, thẩm quyền các bộ phận của bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện; xác định biên chế nhân sự bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện. Hoàng Văn Hổ (Chủ biên, 2014), Cầm quyền khoa học [126]. Cuốn sách làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, bản chất của cầm quyền khoa học và đề xuất các giải pháp để xây dựng Đảng cầm quyền, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Một trong những giải pháp được đề cập đó là: hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và cải cách thể chế hành chính; theo đó, để nâng cao năng lực cầm quyền khoa học của Đảng, cải cách thể chế hành chính có vai trò quan trọng, “bố trí một cách khoa học cơ cấu hành chính, thực hiện hiện đại hóa thể chế hành chính là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy cầm quyền
  11. 11 khoa học, nâng cao hiệu quả hành chính” [126, tr.570]. Khẳng định, để bố trí cơ cấu hành chính khoa học, phải nắm và thực hiện các nguyên tắc: Nguyên tắc nhu cầu; nguyên tắc tinh giản; nguyên tắc hiệu năng; nguyên tắc thống nhất; nguyên tắc pháp trị; nếu có thể bố trí chức năng, cơ cấu và nhân viên chính phủ theo các nguyên tắc trên, có thể “bảo đảm được một chính phủ với chức năng đầy đủ, kết cấu hợp lý, vận chuyển hài hòa, linh hoạt, hiệu quả, từ đó thực hiện quản lý hành chính khoa học hóa, tạo điều kiện cho sự trong sạch, hiệu quả của chính phủ” [126, tr. 571]. Khăm Mon Chăn Thạ Chít (2016), Cải cách bộ máy hành chính nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào [34]. Luận án cho rằng, cải cách bộ máy hành chính nhà nước được hiểu là “quá trình thay đổi, điều chỉnh, bố trí lại bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan” [34, tr.36]. Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là một vấn đề phức tạp, là công việc cần thiết, là nội dung then chốt không thể thiếu trong CCHC, liên quan đến hệ thống chính trị, phải làm thận trọng, có bước đi vững chắc và tuân thủ các nguyên tắc: một là, nguyên tắc Đảng lãnh đạo; hai là, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; ba là, nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào cải cách bộ máy hành chính nhà nước; bốn là, nguyên tắc tập trung dân chủ; năm là, nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ [34, tr.49-55]. Trong đó, nguyên tắc Đảng lãnh đạo là nguyên tắc tiên quyết, có vai trò quan trọng hàng đầu; được thể hiện thông qua các hình thức hoạt động của Đảng: thứ nhất, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng; thứ hai, vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong công tác tổ chức cán bộ; thứ ba, Đảng lãnh đạo bộ máy hành chính nhà nước bằng hình thức kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước [34, tr.49-50]. Lương Bảo Hoa (2017), Đường đến thành công: Tiên phong là sức mạnh [105]. Cuốn sách khẳng định, để đẩy nhanh phát triển tỉnh Giang Tô, cần thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề quan trọng, nhưng trước hết phải tập trung sức lãnh đạo
  12. 12 cải cách các lĩnh vực trọng điểm: thứ nhất, hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản xã hội; thứ hai, đi sâu thúc đẩy cải cách thể chế hành chính; thứ ba, mở đầu vòng cải cách mới đối với nông thôn; thứ tư, nổi bật trong cải cách các lĩnh vực dân sinh, xã hội; thứ năm, tích cực thúc đẩy cải cách thể chế tài chính và thuế. Trong cải cách thể chế hành chính, cuốn sách nhấn mạnh, có hai yêu cầu đối với một chính phủ tốt: một là hữu hạn, hai là hữu hiệu. Hữu hạn là một chính phủ cung cấp dịch vụ mà không phải là toàn năng, có thể xử lý toàn bộ các sự vụ kinh tế - xã hội. Hữu hiệu là “chính phủ liêm khiết, chính trực, làm việc có hiệu quả, cung cấp dịch vụ công cộng với giá thành thấp” [105, tr.33]. Theo đó, trọng điểm của cải cách thể chế hành chính được xác định: đẩy nhanh việc thay đổi chức năng của chính phủ; kiên trì tinh giản các tổ chức chính phủ; thúc đẩy cải cách cơ cấu nội bộ; tích cực tiến hành điều chỉnh phân vùng hành chính một cách hợp lý. “Trong cải cách lấy tối ưu hóa kết cấu, thay đổi chức năng, làm hài hòa các mối quan hệ, nâng cao hiệu quả, năng suất làm trọng tâm” [105, tr.34]. Lý Lương Đống (2019), Nghiên cứu vấn đề cải cách và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc [101]. Cuốn sách phân tích kinh nghiệm, bài học lịch sử về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của các nước xã hội chủ nghĩa; làm rõ những bất hợp lý của phương thức lãnh đạo, cầm quyền truyền thống và quá trình cải cách, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chưa hoàn thiện, chưa phát huy hiệu quả bắt nguồn từ việc đổi mới phương thức phát triển kinh tế, xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường, cải cách thể chế chính trị. “Hiện nay, nền kinh tế thị trường Trung Quốc còn chưa kiện toàn, nguyên nhân phát triển chưa đúng mức, cố nhiên rất phức tạp nhưng chắc chắn liên quan đến việc chưa hoàn thành cải cách thể chế chính trị” [101, tr.13]. Để hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể; trong đó, tập trung lãnh đạo CCHC, nhất là cải cách thể chế chính trị “đi sâu thúc đẩy cải cách thể chế chính trị, thúc đẩy cải cách thể chế quản lý hành chính, xây dựng Chính phủ theo mô hình dịch vụ công và Chính phủ pháp trị hiện đại” [101, tr.13].
  13. 13 Manivong Bongsouvanh (2021), Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức ở tỉnh Savanakhet, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào [12]. Luận án cho rằng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò quan trọng trong xây dựng nền hành chính quốc gia, “nguồn nhân lực chính là công cụ để thực hiện các mục tiêu chức năng hành chính, do vậy năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những điều kiện quan trọng, cần thiết để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn” [12, tr.37]. Khẳng định, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trực tiếp góp phần hoàn thiện chất lượng dịch vụ cung cấp cho công dân; giảm chi phí hoạt động, giảm những sai phạm không đáng có; tăng sự hài lòng của công dân đối với tổ chức nhà nước; tạo ra cơ hội để cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và nền hành chính nói riêng. Viện Nghiên cứu Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (2022), Quản trị Đảng nghiêm minh toàn diện, thành tựu và kinh nghiệm trong công tác tổ chức và xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII [177]. Cuốn sách đã tập trung khái quát những thành tựu đạt được, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và đúc rút những kinh nghiệm trong công tác tổ chức và xây dựng Đảng Cộng sản, thể chế chính trị của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII. Một trong kinh nghiệm được rút ra là cần tập trung đi sâu thực hiện chiến lược cường quốc nhân tài; thu hút, sử dụng anh tài trong thiên hạ. Để thực hiện được vấn đề này, nhiều biện pháp đã được chỉ ra, trong đó “tăng cường đi sâu cải cách cơ chế, thể chế của Đảng và chính quyền nhà nước là biện pháp quan trọng, cấp bách” [177, tr.22]. Trong cải cách thể chế, nhất là của hệ thống chính quyền cần chú trọng đi sâu cải cách thủ tục hành chính, nhất là “phải giảm bớt hoạt động hội họp, thiết thực cải tiến cách hội họp và giảm bớt văn bản báo cáo; thiết thực cải tiến văn phong, bỏ tất cả những văn bản, báo cáo không có nội dung thực chất, ban hành hay không ban hành cũng được” [177, tr.376].
  14. 14 1.1.2. Các công trình nghiên cứu về hành chính, cải cách hành chính, lãnh đạo và chất lượng lãnh đạo cải cách hành chính trong quân đội A.I. Ki-tốp, V.N. Cô-va-lép, V.K. Lu-gie-ren-cô (Đồng Chủ biên, 1982), Quân đội hiện đại và kỷ luật [130]. Cuốn sách đã chỉ ra những kinh nghiệm tăng cường hoàn thiện hệ thống thể chế, tổ chức và hoạt động quản lý, chỉ huy, điều hành trong quân đội. Nêu rõ, để xây dựng quân đội hiện đại, có kỷ luật nghiêm minh, sẵn sàng chiến đấu cao cần phải NCCL xây dựng chính quy của các đơn vị và ý thức kỷ luật tự giác của các quân nhân; bởi, “ý thức kỷ luật tự giác là khả năng quân nhân tự quản lý mình, quản lý hành động của mình, biết kiềm chế và tự làm chủ, kịp thời nhận ra sai lầm, khuyết điểm của mình và khắc phục chúng” [130, tr.80]. Để có ý thức kỷ luật tự giác cần “tăng cường giáo dục tinh thần thực hiện vô điều kiện luật pháp Xô - Viết, lời thề của quân nhân và điều lệnh của quân đội” [130, tr.116]. Do vậy, người chỉ huy là nhân vật chủ đạo trong tăng cường xây dựng chính quy, duy trì, quản lý kỷ luật; cùng với đó cần đề cao vai trò của các tổ chức đảng, đoàn, sự gương mẫu trong ý thức chấp hành chính quy, kỷ luật của đảng viên, đoàn viên. Phát huy tốt vai trò giáo dục kỷ luật của tập thể quân nhân, sự đoàn kết tập thể quân nhân là một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường kỷ luật. Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (2015), “Thực hiện toàn diện chiến lược thông qua cải cách để xây dựng quân đội hùng mạnh” [10]. Bài viết khẳng định, đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội là yêu cầu thời đại, là con đường tất yếu để xây dựng quân đội hùng mạnh. Nêu rõ, trong quá trình tiến hành cải cách quốc phòng và quân đội cần thực hiện tốt phương châm chiến lược quân sự trong tình hình mới: “Toàn diện thực hiện chiến lược thông qua cải cách để xây dựng quân đội hùng mạnh, dốc sức giải quyết những trở ngại mang tính thể chế, mâu thuẫn mang tính kết cấu, vấn đề mang tính chính sách đang hạn chế công cuộc xây dựng quốc phòng và quân đội” [10, tr.594]. Đồng thời, bài viết nhấn mạnh,
  15. 15 quá trình cải cách quân đội cần và phải đạt được mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của Quân ủy, làm cho quyền lãnh đạo và quyền chỉ huy tối cao của quân đội tập trung tốt hơn vào Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương. “Đảng ủy các cấp cần đưa các biện pháp cải cách vào thực tế, trở thành trách nhiệm chính trị. Các mặt công tác xây dựng Đảng trong quân đội cần bám sát cải cách để đặt nhiệm vụ, biện pháp mạnh, bảo đảm cải cách tiến hành thuận lợi” [10, tr.599-600]. Phu Vy Kẹo Pang Khăm (2017), Các đảng bộ học viện Quân đội nhân dân Lào lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn hiện nay [128]. Luận án đã xây dựng, làm rõ khái niệm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ học viện Quân đội nhân dân Lào, là: Tổng thể các nội dung, phương thức hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc các đảng bộ học viện trong xác định nghị quyết, chủ trương; quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện nghị quyết nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các học viện Quân đội nhân dân Lào trong từng giai đoạn cách mạng [128, tr.55]. Luận án khẳng định, lãnh đạo CCHC, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là nội dung trọng tâm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng các đảng bộ học viện Quân đội nhân dân Lào trong sạch, vững mạnh giai đoạn hiện nay; chỉ ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ học viện Quân đội nhân dân Lào, gồm: một là, phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Quân đội nhân dân Lào; hai là, phải trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Lào; ba là, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; bốn là, các đảng bộ học viện Quân đội
  16. 16 nhân dân Lào lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên cơ sở giữ vững, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với quần chúng, phát huy quyền làm chủ của quần chúng [128, tr.65-68]. Tập Cận Bình (2018), “Thúc đẩy sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh không ngừng tiến lên” [11]. Bài viết khẳng định, muốn thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, nhân dân Trung Quốc có cuộc sống tốt đẹp hơn cần phải đẩy nhanh xây dựng quân đội nhân dân thành quân đội hàng đầu thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết phải kiên trì không dao động dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quá trình xây dựng quân đội hùng mạnh không ngừng tiến lên; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là gốc rễ, nhân tố có ý nghĩa quyết định đến quá trình xây dựng, phát triển của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. “Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội là đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là ưu thế chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Bất luận thời đại phát triển như thế nào, tình hình biến đổi ra sao, Quân đội chúng ta vĩnh viễn là quân đội của Đảng, quân đội của nhân dân” [11, tr.607]. Cùng với đó, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, hoàn thiện thể chế, tổ chức hoạt động chỉ huy, điều hành trong quân đội. Học viện Khoa học quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (2018), Lý luận chiến lược quân sự Trung Quốc [114]. Cuốn sách tổng kết thực tiễn, làm rõ, bổ sung, phát triển lý luận cơ bản về chiến lược, đổi mới tư duy chiến lược, tư duy xây dựng Quân đội hiện đại đặc sắc Trung Quốc, phù hợp điều kiện mới. Khẳng định, trước đây, Quân đội Trung Quốc xác lập và kiên trì thực hiện phương châm chiến lược quân sự là phòng ngự tích cực trong bảo vệ Tổ quốc; tuy nhiên, trong điều kiện mới, để hoàn thành sứ mệnh cao cả, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa Trung Quốc đến hùng cường, thịnh vượng cần phải đổi mới tư duy chiến lược trong xây dựng Quân đội, phải phát triển chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân; tăng cường nghiên cứu, đổi mới, hiện đại
  17. 17 hóa vũ khí trang bị, đi đôi với CCHC, tập trung cải cách biên chế, thể chế quân đội để thích ứng với xu thế phát triển quân sự thế giới; đặc biệt chú trọng “đổi mới cơ chế, thể chế hòa hợp quân dân” [114, tr.75], coi đó là giải pháp tất yếu, tiên quyết để xây dựng Quân đội hùng mạnh, không ngừng tiến lên. Tạ Xuân Đào (2019), Vì sao Trung Quốc cải cách thành công [38]. Cuốn sách làm rõ và khẳng định vai trò quan trọng của quân đội trong sự nghiệp cải cách, mở cửa, “Quân đội là trụ cột kiên cường của chuyên chính dân chủ nhân dân, gánh vác sứ mệnh vinh quang để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc xây dựng bốn hiện đại hóa, vì vậy phải xây dựng quân đội thành quân đội cách mạng hiện đại hóa, chính quy hóa hùng mạnh” [38, tr.261]. Từ đó, khẳng định tính tất yếu khách quan, phương hướng, mục tiêu của công cuộc cải cách quốc phòng và quân đội. Về mục tiêu: “Cải cách quốc phòng và quân đội đạt được đột phá mang tính lịch sử trên phương diện cải cách thể chế lãnh đạo, chỉ huy, hình thành nên hệ thống chỉ huy tác chiến Quân ủy - Chiến khu - Bộ đội và hệ thống lãnh đạo, quản lý Quân ủy - Quân chủng - Bộ đội” [38, tr.284]. Trọng tâm cải cách được xác định là: cải cách thể chế lãnh đạo, chỉ huy; cải cách bộ máy hành chính quân sự và cải cách chế độ, chính sách. Sử Hiểu Đông (2020), “Đứng trên đỉnh cao lịch sử mới đi sâu cải cách công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ” [100]. Bài viết lược sử quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi thành lập đến nay, khẳng định, một trong những thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội, coi đó là “công việc hàng đầu” [100, tr.404] của Đảng, của Quân đội Trung Quốc. Để làm tốt công tác giáo dục đào tạo cán bộ của Đảng nói chung, của Quân đội nói riêng trong thời đại mới cần phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; theo tác giả “cải cách, đổi mới là con đường tất yếu để công tác giáo dục, đào tạo cán bộ duy trì sức sống” [100, tr.413]. Để đẩy mạnh cải cách, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thành công, tác giả nhấn mạnh: Kiên trì định hướng vấn đề, nâng cao tính mục tiêu
  18. 18 trong công tác giáo dục, đào tạo cán bộ là biện pháp quan trọng, mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn. Theo đó, cần phải phân loại, phân cấp, căn cứ vào đối tượng đào tạo để thiết kế các lớp đào tạo, thực hiện đào tạo khác biệt, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách biên chế, thể chế, xây dựng quân đội trong tình hình mới. Khamsing Xaymonty (2023), “Nâng cao chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của các đảng ủy học viện trong Quân đội nhân dân Lào hiện nay” [178]. Bài viết khẳng định “ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết là một phương thức lãnh đạo đặc biệt quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp” [178, tr.1]; đồng thời đánh giá, những năm qua chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của các đảng ủy học viện Quân đội nhân dân Lào đã được nâng lên; tuy nhiên “nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số cấp ủy còn chung chung, dàn trải, chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm” [178, tr.2]. Để khắc phục những hạn chế, bài viết đề xuất 5 giải pháp góp phần nâng cao chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của các đảng ủy học viện Quân đội nhân dân Lào. Một trong những giải pháp được tác giả nhấn mạnh là cần phải đổi mới tư duy, cải cách việc ban hành nghị quyết theo hướng “Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả” [178, tr.4]. Đồng thời phải có quyết tâm chính trị cao, đổi mới quy trình, thủ tục quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết và phương pháp tổ chức thực hiện theo hướng quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. 1.2. Các công trình nghiên cứu ở trong nước liên quan đến đề tài luận án 1.2.1. Các công trình nghiên cứu về hành chính, cải cách hành chính nhà nước và lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước Trần Đình Thắng (2011), Đảng Cộng sản Việt Nam với việc cải cách nền hành chính nhà nước [151]. Cuốn sách khẳng định, để NCCL, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo CCHC nhà nước, trước hết Đảng phải “Nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của CCHC, đồng thời lựa chọn nội dung, hình thức, bước đi, cách làm phù hợp trong quá trình cải cách nền hành chính nhà nước” [151, tr.283].
  19. 19 Để thực hiện được điều đó, tác giả cho rằng, Đảng cần đổi mới tư duy, nhận thức đúng về vai trò của CCHC, gắn CCHC với các quá trình kinh tế - xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về CCHC trong toàn xã hội. Cùng với đó, cần phát triển tư duy lý luận, hoạch định đường lối, chủ trương và lãnh đạo nhà nước triển khai thực hiện CCHC kiên quyết, triệt để, hiệu quả. Nguyễn Hữu Nhân (2012), Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay [137]. Luận án đã xây dựng quan niệm lãnh đạo CCHC của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là “tổng thể các hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình Thành ủy sử dụng để tác động vào Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm thực hiện thắng lợi nội dung lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước của Thành ủy” [137, tr.80]. Đồng thời, chỉ ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong lãnh đạo CCHC của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 5 nguyên tắc đã chỉ ra, bên cạnh nguyên tắc tuân thủ, thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương của Đảng về CCHC; tiến hành đồng thời và tăng cường vai trò, sức mạnh, hiệu quả hoạt động của Chính quyền Thành phố; luận án cho rằng “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, nắm chắc những vấn đề cần giải quyết và những bức xúc của nhân dân để đề ra chủ trương, nghị quyết lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước sát thực tế, hợp nguyện vọng chính đáng của nhân dân; dựa vào nhân dân để lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước” [137, tr.82] là nguyên tắc quan trọng, cốt lõi, mang lại hiệu quả thiết thực. Nguyễn Hữu Hải (2014), Cơ sở lý luận và thực tiễn về hành chính nhà nước [104]. Cuốn sách làm rõ sự cần thiết nâng cao hiệu lực, hiệu quả hành chính nhà nước, “khi môi trường thay đổi, phương thức quản lý cũng phải điều chỉnh, thay đổi. Chính vì vậy, việc thay đổi, điều chỉnh phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước là một đòi hỏi tất yếu” [104, tr.195]. Cuốn sách cũng cho rằng, trong cải cách, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, cần thực hiện nhiều nội dung, trong đó, CCHC là trọng tâm. “Nền hành chính là bộ máy trực tiếp thực thi quyền hành
  20. 20 pháp, tổ chức và điều hành mọi hoạt động trong đời sống xã hội theo pháp luật. Do đó, cải cách hành chính được coi là nội dung trọng tâm trong cải cách bộ máy nhà nước của hầu hết các nước trên thế giới” [104, tr.197]. Trần Nghị (2017), Trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước [138]. Cuốn sách khẳng định vai trò của công chức trong thực thi công vụ, “trong cải cách hành chính nhà nước, dù ở bất kỳ quốc gia nào thì yếu tố con người (trong đó có đội ngũ công chức) luôn đóng vai trò là yếu tố mang tính quyết định” [138, tr.30]. Đồng thời nêu rõ “để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước và thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính nhà nước cần phải quan tâm đến nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ” [138, tr.53]. Theo đó, để nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu CCHC cần tập trung hoàn thiện pháp luật, quy định về đánh giá trách nhiệm của công chức; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức; NCCL, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng và NCCL thực hiện văn hóa công sở; quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công chức. Nguyễn Đăng Thành (Chủ biên, 2020), Lãnh đạo, quản lý và cải cách hành chính nhằm phát triển bền vững tỉnh Đăk Nông [150]. Cuốn sách làm rõ lý luận chung về lãnh đạo, quản lý, sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lý, theo đó, “lãnh đạo là người đưa ra quan điểm, định hướng cũng như cách thức hành động, tạo ảnh hưởng và niềm tin cho mọi người để đạt mục tiêu; còn quản lý nghĩa là người cai quản, điều hành công việc, đảm bảo những công việc được diễn ra theo đúng định hướng” [150, tr.31]. Đồng thời khẳng định “Lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia và địa phương” [150, tr.34]. Cùng với đó, cuốn sách làm rõ vai trò, tầm quan trọng của CCHC đối với sự phát triển bền vững đất nước, địa phương; khẳng định “cải cách hành chính - phương thức nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhằm phát triển bền vững” [150, tr.71]; góp phần nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước đối với phát triển bền vững; NCCL phục vụ của chính quyền; NCCL đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện phát triển bền vững.