Khóa luận Một số biện pháp hướng dẫn học sinh trung học phổ thông viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận

pdf 139 trang thiennha21 6723
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Một số biện pháp hướng dẫn học sinh trung học phổ thông viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_mot_so_bien_phap_huong_dan_hoc_sinh_trung_hoc_pho.pdf

Nội dung text: Khóa luận Một số biện pháp hướng dẫn học sinh trung học phổ thông viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN    H’ LÊ NA NIÊ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐỀ TÀI: MỘT SỐ BIỆN PHÁP HƯỚNG DẪN HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH CÓ LỒNG GHÉP YẾU TỐ NGHỊ LUẬN Chuyên ngành: Lí luận và Phương pháp dạy học Ngữ văn Thành phố Hồ Chí Minh – 7/2020
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN    KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐỀ TÀI: MỘT SỐ BIỆN PHÁP HƯỚNG DẪN HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH CÓ LỒNG GHÉP YẾU TỐ NGHỊ LUẬN GVHD: ThS. Lê Thị Ngọc Chi SVTH: H’ Lê Na Niê MSSV: 42.01.601.150 Thành phố Hồ Chí Minh – 7/2020
  3. LỜI CẢM ƠN Khóa luận tốt nghiệp này là thành quả của một quá trình tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, để hoàn thành công trình này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ nhiều cá nhân và tập thể. Đây vừa là sự hỗ trợ trực tiếp, vừa là động lực để tôi thực hiện khóa luận một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Đầu tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Chi – giảng viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của tôi. Trong suốt quá trình thực hiện khóa luận, kể từ khi xác định đề tài nghiên cứu, xây dựng đề cương đến khi thực nghiệm và hoàn thành khóa luận, cô đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, giúp đỡ và khích lệ tôi rất nhiều. Nếu không có sự hướng dẫn tận tình và cách làm việc nghiêm túc của cô, với khả năng của một sinh viên còn nhiều hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm triển khai một công trình khoa học, tôi sẽ không thể hoàn thành được khóa luận. Vì vậy, tôi muốn dành lời tri ân đầu tiên và đặc biệt nhất đến giảng viên hướng dẫn của tôi. Tôi xin cảm ơn Thạc sĩ Huỳnh Thị Ngọc Yến, quý Thầy, Cô trong tổ bộ môn Ngữ văn và các em học sinh lớp 11B10, 11B16, 11B17 trường THPT Trần Phú đã nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ tôi qua việc trả lời bảng câu hỏi khảo sát để tôi có thể thực hiện khóa luận một cách thuận lợi nhất. Tôi xin cảm ơn các giáo viên Ngữ văn đã hỗ trợ tôi trong việc trả lời câu hỏi khảo sát thực nghiệm, qua đó giúp tôi kiểm chứng và đánh giá lại các nhận định của mình về vấn đề nghiên cứu. Tôi cũng xin được cảm ơn quý Thầy, Cô khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để tôi có thể thực hiện đề tài một cách thuận lợi nhất. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã luôn ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng tôi trong suốt quá trình thực hiện khóa luận vừa qua.
  4. LỜI CAM ĐOAN Đối với việc thực hiện đề tài nghiên cứu này, tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng chúng tôi (sinh viên thực hiện và giảng viên hướng dẫn). Các số liệu và kết quả nghiên cứu được trình bày trong khóa luận tốt nghiệp này là trung thực và chưa từng công bố trong bất kì công trình khoa học nào khác. Sinh viên thực hiện H’ Lê Na Niê
  5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG KHÓA LUẬN Viết tắt Viết đầy đủ GV Giáo viên HS Học sinh KHDH Kế hoạch dạy học SGK Sách giáo khoa THCS Trung học cơ sở THPT Trung học phổ thông VB Văn bản VBTM Văn bản thuyết minh YTNL Yếu tố nghị luận
  6. DANH MỤC CÁC BẢNG TRONG KHÓA LUẬN Bảng Tên bảng Trang Bảng 1.1 Các kiểu cấu trúc VBTM 18 Bảng 1.2 Yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết VBTM ở cấp THCS và THPT 21 trong Chương trình Ngữ văn 2018 Bảng 1.3 Các hình thức biểu hiện của YTNL trong VBTM 28 Bảng 1.4 Kết quả khảo sát HS về cách hiểu khái niệm VBTM, YTNL và 29 tác dụng của việc lồng ghép YTNL vào VBTM Bảng 1.5 Kết quả khảo sát HS về việc viết VBTM có lồng ghép YTNL 33 Bảng 1.6 Kết quả khảo sát GV về các kiến thức cần được triển khai để đảm 34 bảo hiệu quả cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM. Bảng 1.7 Kết quả khảo sát GV về những thuận lợi, khó khăn khi hướng dẫn 35 HS viết VBTM có lồng ghép YTNL Bảng 2.1 Mẫu sơ đồ nội dung các kiểu cấu trúc của VBTM 41 Bảng 2.2 Một số biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL 49
  7. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Lí do chọn đề tài 1 2. Lịch sử nghiên cứu 2 2.1 Những nghiên cứu về văn bản thuyết minh 2 2.1.1 Một số nghiên cứu nước ngoài 2 2.1.2 Một số nghiên cứu trong nước 4 2.2 Những nghiên cứu về dạy viết văn bản thuyết minh 6 2.2.1 Một số nghiên cứu nước ngoài 6 2.2.2 Một số nghiên cứu trong nước 7 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 8 3.1 Mục đích nghiên cứu 8 3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu 9 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 9 4.1 Đối tượng nghiên cứu 9 4.2 Phạm vi nghiên cứu 9 5. Giả thuyết nghiên cứu 9 6. Phương pháp nghiên cứu 10 7. Bố cục khóa luận 11 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC DẠY VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH CÓ LỒNG GHÉP YẾU TỐ NGHỊ LUẬN 12 1.1. Cơ sở lí luận 12 1.1.1. Văn bản thuyết minh 12 1.1.1.1 Khái niệm 12 1.1.1.2 Đặc điểm văn bản thuyết minh 13 1.1.2. Yếu tố nghị luận 19 1.1.2.1 Khái niệm yếu tố nghị luận 19 1.1.2.2 Các yếu tố nghị luận 20
  8. 1.1.3. Việc viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận 21 1.1.3.1 Cơ sở để lồng ghép yếu tố nghị luận vào văn bản thuyết minh 21 1.1.3.2 Những điều cần lưu ý khi lồng ghép yếu tố nghị luận vào văn bản thuyết minh 22 1.1.3.3 Các yếu tố nghị luận có thể lồng ghép vào văn bản thuyết minh 23 1.2. Cơ sở thực tiễn 29 1.2.1. Quan niệm của giáo viên và học sinh trung học phổ thông về yếu tố nghị luận 29 1.2.2. Thực trạng về việc dạy viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận 36 Tiểu kết Chương 1 37 CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH CÓ LỒNG GHÉP YẾU TỐ NGHỊ LUẬN 38 2.1. Nguyên tắc đề xuất các biện pháp 38 2.1.1. Đảm bảo bám sát đặc điểm của văn bản thuyết minh 38 2.1.2. Đảm bảo tính trực quan 38 2.1.3. Đảm bảo tính tích cực, chủ động của học sinh 39 2.1.4. Đảm bảo tính sáng tạo của học sinh 39 2.2. Một số biện pháp đề xuất 39 2.2.1. Hướng dẫn học sinh nhận diện yếu tố nghị luận trong văn bản thuyết minh 39 2.2.1.1 Sử dụng bảng biểu, sơ đồ 40 2.2.1.2 Sử dụng bài tập 42 2.2.1.3 Sử dụng câu hỏi 43 2.2.2. Hướng dẫn học sinh lựa chọn nội dung thuyết minh có thể lồng ghép yếu tố nghị luận 44 2.2.2.1 Sử dụng câu hỏi 44 2.2.2.2 Sử dụng bài tập 46 2.2.3. Hướng dẫn học sinh viết đoạn văn thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận 46
  9. 2.2.3.1 Sử dụng đoạn văn mẫu 46 2.2.3.2 Sử dụng bài tập 48 2.3. Điều kiện thực hiện các biện pháp đề xuất 51 Tiểu kết Chương 2 52 CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM 53 3.1. Mục đích thực nghiệm 53 3.2. Đối tượng và thời gian thực nghiệm 53 3.2.1. Đối tượng thực nghiệm 53 3.2.2. Thời gian thực nghiệm 53 3.3. Tiến trình thực nghiệm 53 3.4. Thiết kế kế hoạch dạy học thực nghiệm 54 3.4.1. Các bước thiết kế kế hoạch dạy học thực nghiệm 54 3.4.2. Kế hoạch dạy học thực nghiệm 54 3.4.2.1 Mô tả kế hoạch dạy học thực nghiệm 54 3.4.2.2 Kế hoạch dạy học thực nghiệm 55 3.5. Kết quả thực nghiệm 55 3.6. Đánh giá kết quả thực nghiệm 58 Tiểu kết Chương 3 60 KẾT LUẬN 62 TÀI LIỆU THAM KHẢO 64 PHỤ LỤC 68
  10. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Môn Ngữ văn trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông là một môn học “vừa có tính cách Nghệ thuật (tác phẩm nghệ thuật ngôn từ) vừa có tính cách Khoa học (Ngữ học, Văn học sử, Lí luận văn học)” (Nguyễn Đức Can, Lê Thời Tân, 2018), có nhiệm vụ hình thành và phát triển hai năng lực chuyên biệt bao gồm năng lực tiếp nhận VB và năng lực tạo lập VB cho HS. Trong đó, dạy Viết là công việc có đóng góp quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển năng lực tạo lập VB bởi tính thực hành cao của nó. Những sản phẩm được tạo ra trong quá trình dạy Viết chính là biểu hiện của sự tổng hợp kiến thức thu nhận được trong quá trình học và luyện tập kĩ năng Đọc hiểu của HS. Qua hệ thống các bài tập tạo lập VB, việc dạy Viết sẽ tạo nên những nền tảng cơ sở giúp GV có cái nhìn vừa bao quát vừa cụ thể về mức độ phát triển và hoàn thiện các năng lực chung và năng lực chuyên biệt của HS trong quá trình học. Do đó, nó có vị trí quan trọng trong việc đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn. Các kiểu VB thông dụng mà HS được học viết trong chương trình phổ thông xét theo phương thức biểu đạt bao gồm văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính. Trong đó VBTM được xem là kiểu VB thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống với tác dụng cung cấp những tri thức về đặc điểm, tính chất, của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu giải thích. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018, VBTM bắt đầu đưa vào dạy ở chương trình lớp 6, sau đó được tiếp tục dạy đến lớp 7, 8, 9, 10 và 11 với nội dung và yêu cầu ngày càng được nâng cao theo từng lớp học. Cụ thể trong chương trình, VBTM được đưa vào từ cấp THCS với các bài học cung cấp những kiến thức nền tảng cơ sở và những bài học thực hành luyện tập đơn giản, sau đó đến cấp THPT, VBTM được học ở lớp 10 và 11 với những bài học có độ khó và những bài tập thực hành có tính chất tổng hợp cao hơn. Trong đó, ở lớp 11, HS được yêu cầu phải “Viết được bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận” (tr. 69). Đây là một kiểu bài thuyết minh tổng hợp; 1
  11. và lần đầu tiên được đặt ra một cách rõ ràng trong yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết VBTM. So với YTNL, các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm là những yếu tố khá quen thuộc với HS, HS có thể dễ dàng nhận biết hơn, và vì thế, việc lồng ghép vào bài văn thuyết minh cũng thuận lợi hơn. Còn YTNL, với tính chất nghị luận đặc trưng, có những hình thức biểu hiện riêng, có thể gây khó khăn cho HS trong việc nhận biết cũng như lồng ghép vào VBTM. Mặc dù vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu cần đạt nói trên, bên cạnh việc dạy HS lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự và biểu cảm, GV cũng phải dạy HS kĩ năng lồng ghép YTNL vào VBTM. Việc hướng dẫn HS xác định những yếu tố như thế nào thì được gọi là YTNL và lồng ghép vào VBTM ra sao thực sự là một vấn đề có tính thử thách đối với GV. Từ những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Một số biện pháp hướng dẫn HS THPT viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận” để nghiên cứu hi vọng có thể góp phần vào việc định hướng cũng như lựa chọn các biện pháp hướng dẫn HS lồng ghép YTNL trong bài văn thuyết minh của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu Khi thực hiện đề tài “Một số biện pháp hướng dẫn HS THPT viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận”, chúng tôi đã tìm hiểu và tập hợp các tài liệu nghiên cứu trong nước và quốc tế ở hai khía cạnh là VBTM và dạy viết VBTM. 2.1 Những nghiên cứu về văn bản thuyết minh 2.1.1 Một số nghiên cứu nước ngoài VBTM không phải là một kiểu VB mới, sự xuất hiện và sử dụng rộng rãi trong thực tế đời sống đã cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của việc dạy kiểu VB này cho HS phổ thông. Tài liệu của Smith, Busch và Guo (2015) đã trình bày khái niệm VBTM, khái quát về các kiểu cấu trúc và dấu hiệu nhận biết cho từng kiểu cấu trúc của VBTM. Bằng việc so sánh VBTM với văn bản tự sự, nghiên cứu này cũng chỉ ra những điểm nổi bật của kiểu VB này về ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp Ngoài ra, một số công trình khác cũng góp phần làm rõ khái niệm, các đặc điểm cơ bản của 2
  12. VBTM ở các mặt như: mục đích, ngôn ngữ, các phương tiện phi ngôn ngữ của VB như các tài liệu của Ephraim (2009), Fountas và Pinnell (2012), Richard (2016). Về cấu trúc VBTM, tài liệu Expository text in the classroom của Smith (trên website của Đại học Western, Canada) đã mô tả từng kiểu cấu trúc VBTM, đưa ra các từ dấu hiệu để nhận diện và sơ đồ tổ chức nội dung của VBTM đồng thời làm rõ trình tự tổ chức và sắp xếp các nội dung thuyết minh của từng kiểu cấu trúc cụ thể, bao gồm: (1) cấu trúc mô tả/tổng hợp, (2) cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian, (3) cấu trúc so sánh/tương phản, (4) cấu trúc vấn đề/giải pháp, (5) cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng. Các nhà nghiên cứu khác như Harvey (1998), Ephraim (2009), Akhondi, Malayeri và Samad (2011), Fountas và Pinnell (2012), Smith, Busch và Guo (2015) đều có cùng quan điểm với tài liệu nói trên. Nhóm tác giả Wilder và William (2007) và Richard (2016) thì có cách phân loại khác. Theo Wilder và William (2007), VBTM có bảy kiểu cấu trúc bao gồm: định nghĩa, mô tả, quy trình (trình tự), phân loại, so sánh, phân tích (ví dụ: nguyên nhân/kết quả) và thuyết phục (Wilder và William, 2007, tr. 478). Còn Richard (2016) cho rằng, VBTM có sáu kiểu cấu trúc bao gồm: định nghĩa, quy trình (trình tự), phân loại, so sánh/tương phản, nguyên nhân/ảnh hưởng, vấn đề/giải pháp (Richard, 2016, tr. 148). Về đặc trưng của VBTM, Features in expository texts: instructional practices của Williams (2014) là tài liệu xác định các đặc trưng của VBTM một cách bài bản và tương đối đầy đủ nhất. Theo tìm hiểu của tác giả, VBTM có hai nhóm đặc trưng là đặc trưng trực quan và đặc trưng không trực quan. Trong đó, đặc trưng trực quan là những đặc trưng được thể hiện ngay trên bề mặt trang viết (tức VB) như sự tương phản kiểu chữ, màu chữ, kích cỡ chữ; đặc trưng không trực quan là những đặc trưng được đưa vào phần chính của VB, cụ thể là từ các diễn ngôn thực tế trên VB như cấu trúc, yếu tố biện luận, tính mạch lạc, từ vựng và ngữ pháp. Theo tác giả, các đặc trưng này có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người đọc tiếp cận và hiểu được các thông tin được trình bày trong VBTM. Fountas và Pinnell (2012) cũng có cùng 3
  13. quan điểm với Williams (2014) về vai trò của các đặc trưng trong việc tìm hiểu VBTM, đặc biệt là các đặc trưng không trực quan. Như vậy, có thể thấy một số công trình nước ngoài đã nghiên cứu, xây dựng các nền tảng lí thuyết và đưa ra những lí giải, đánh giá về những vấn đề cơ bản của VBTM như khái niệm, đặc điểm, đặc trưng và các kiểu cấu trúc. 2.1.2 Một số nghiên cứu trong nước VBTM không phải là đề tài mới tuy nhiên các tài liệu nghiên cứu trong nước về đề tài này còn tương đối ít. VBTM được định nghĩa trong SGK Ngữ văn 8 tập 1 như sau: “Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống nhằm cung cấp những tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu giải thích” (Ngữ văn 8 tập 1, 2019, tr. 117). Tài liệu Làm văn của Lê A (chủ biên), Nguyễn Trí (2001), VBTM được nhắc đến cùng với các kiểu văn bản khác như nghị luận, miêu tả, tự sự Tài liệu này đã xác định và làm rõ những đặc điểm cơ bản của kiểu VBTM, như chỉ ra mục đích của VBTM là “nhằm làm cho người đọc biết và hình dung rõ một đối tượng nào đấy bằng cách trình bày, miêu tả, phân tích, đánh giá các khía cạnh và các biểu hiện cụ thể của chúng.” (Lê A (chủ biên), 2001, tr. 252); yêu cầu của VBTM là “chính xác, nhất quán, rõ ràng, rành mạch và liên kết chặt chẽ” (Lê A (chủ biên), 2001, tr. 253) đồng thời đưa ra phương pháp làm bài văn thuyết minh với các bước cụ thể như sau: (1) định hướng bài làm, (2) sưu tầm, ghi chép và lựa chọn các tư liệu cho bài viết, (3) lập dàn ý, (4) viết, (5) kiểm tra, sửa chữa lại bài viết. Tuy nhiên, các vấn đề mà nhóm tác giả đề cập chỉ mới được trình bày ở mức độ khái quát chứ chưa có sự khai thác sâu sắc và bàn bạc cụ thể. Trong bài viết Những điểm mới ở phần tập làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn 8, khi trình bày về những điểm mới và khó của phần Tập làm văn trong SGK Ngữ văn 8 hiện hành, đối với kiểu VBTM, Nguyễn Thanh Bình (2006) đánh giá rằng đây là kiểu VB hết sức cần thiết vì nó đáp ứng các nhu cầu thực tế đời sống cho HS như việc đọc hiểu được thông tin được trình bày trên nhãn thuốc, chú dẫn 4
  14. trong SGK hay các tài liệu giới thiệu các danh lam thắng cảnh Cùng trình bày về đặc điểm, tính chất, công dụng, của đối tượng nên người học thường dễ nhầm lẫn VBTM và văn bản miêu tả. Tác giả chú ý và chỉ rõ một vài khác biệt giữa hai kiểu VB này. Theo người viết “Thuyết minh khác miêu tả ở chỗ là khi thuyết minh yêu cầu người viết tuyệt đối trung thành với hiện thực khách quan, còn miêu tả thì sự trung thành với hiện thực khách quan mang tính tương đối.” (Nguyễn Thanh Bình, 2006, tr. 26). Lê Xuân Soạn (2006) trong tài liệu Giảng dạy Tập làm văn ở trường Trung học cơ sở đã định nghĩa VBTM là kiểu VB được viết ra nhằm “giúp HS làm quen với lối làm văn có tư duy, mang tính khách quan, khoa học, chính xác.” (Lê Xuân Soạn, 2006, tr. 251) từ đó đưa ra vị trí, đặc điểm của VBTM và sau đó trình bày tóm tắt nội dung giảng dạy VBTM ở lớp 8 và lớp 9. Ở lớp 8, HS được học và tìm hiểu các nội dung cơ bản của VBTM như khái niệm, đặc điểm, vai trò, phương pháp thuyết minh và học cách làm một số kiểu dạng thuyết minh như thuyết minh về danh lam thắng cảnh Đến lớp 9, HS được ôn lại các kiến thức cơ bản về VBTM và nâng cao kĩ năng viết VBTM với các bài học về sử dụng một số yếu tố nghệ thuật (kể chuyện, ẩn dụ, nhân hóa, ), sử dụng yếu tố miêu tả (để gợi lên hình ảnh cụ thể về đối tượng) trong VBTM. Đồng quan điểm với Lê Xuân Soạn về các tính chất, đặc điểm của VBTM Nguyễn Thanh Hùng (2008) trong Giáo trình Phương pháp dạy học Ngữ văn ở Trung học cơ sở cũng chỉ ra rằng thuyết minh là nói rõ ràng tường tận về đặc điểm nội dung, hình thức của một đối tượng trong tự nhiên và trong đời sống xã hội; đặc điểm của VBTM là phải bám sát và trình bày cho người đọc hiểu rõ những nét tiêu biểu riêng biệt của đối tượng; nội dung thuyết minh phải đảm bảo tính khách quan khoa học về đối tượng để người đọc hiểu đúng và toàn diện đối phương. Tuy nhiên ở đây, theo chúng tôi, tác giả chỉ mới dừng lại ở bề rộng còn bề sâu về nội dung thuyết minh vẫn còn bị bỏ ngỏ và YTNL mà chúng tôi muốn nói đến trong đề tài nghiên cứu của mình chính là một phương cách để bổ sung cho vấn đề đang còn khuyết thiếu này. 5
  15. Có thể thấy, những tài liệu về VBTM ở trong nước còn hạn chế và hầu như nội dung này chỉ được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu chung về các kiểu VB chứ chưa được nghiên cứu một cách độc lập trong một công trình cụ thể. Các nội dung nghiên cứu có liên quan đến VBTM cũng chỉ dừng ở cấp độ khái quát cơ bản như làm rõ khái niệm, đặc điểm, của VBTM. 2.2 Những nghiên cứu về dạy viết văn bản thuyết minh 2.2.1 Một số nghiên cứu nước ngoài Tài liệu Expository Writing của Southall (2001) là một trong những tài liệu đã trình bày một cách khá đầy đủ, bài bản về những hướng dẫn dạy cách viết VBTM như: cách dạy tổ chức và cấu trúc VBTM; cách dạy viết đoạn văn giới thiệu: dẫn dắt và trình bày câu chủ đề; cách viết các câu thể hiện ý tưởng chính, viết các chi tiết hỗ trợ, viết đoạn văn kết luận. Nghiên cứu này cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho GV về cách dạy HS nắm vững các kĩ thuật cần thiết để hoàn thành một bài thuyết minh được tổ chức tốt bao gồm: (1) Đoạn giới thiệu rõ ràng với một dẫn dắt thu hút sự chú ý và một câu chủ đề rõ ràng, súc tích; (2) Ba đoạn triển khai được vạch rõ, mỗi đoạn thể hiện một ý chính riêng biệt và một loạt các chi tiết hỗ trợ như trích dẫn, thống kê, sự kiện thú vị, giai thoại hoặc mô tả; (3) Một đoạn kết luận tóm tắt các ý chính. Tài liệu Improving expository writing skills of preservice teachers in an online environment của Wilder và William (2007) cũng là một công trình đáng lưu ý. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất sử dụng công nghệ trực tuyến để hướng dẫn dạy viết VBTM. Họ đã mô tả một thử nghiệm các quy trình đặc biệt được sử dụng trong trải nghiệm viết VBTM trực tuyến và đưa ra đánh giá về việc sử dụng công nghệ trực tuyến trong hướng dẫn viết VBTM. Theo nhóm tác giả, “công nghệ không chỉ có khả năng làm cho quá tình sáng tác, đánh giả và sửa đổi dễ dàng hơn mà còn cung cấp các cách thức để người học chia sẻ bài viết của mình với số lượng đối tượng đa dạng phong phú hơn và sử dụng phản hồi để hiểu chính xác hơn về đối tượng mà người viết giả định” (Wilder và William, 2007, tr. 477). Nghiên cứu này đánh giá cao khả năng tương tác của VB trực tuyến với người đọc, cho phép người 6
  16. viết có thể tham gia mọi lúc mọi nơi và nhanh chóng nhận được sự phản hồi của người đọc một cách trực tiếp thông qua công cụ bình luận, đánh giá. Ephraim (2009) đề xuất các chiến lược dạy đọc VBTM mà GV có thể sử dụng là: giảng dạy đối ứng (đàm thoại), mối quan hệ giữa câu hỏi và câu trả lời (QAR), hoạt động Đọc – Suy nghĩ có hướng (DR – TA), tổ chức đồ họa và ngữ nghĩa, phương pháp K – W – L. Tương tự, Johnson (2015) đã xác định ba loại chiến lược cơ bản mà GV có thể sử dụng khi hướng dẫn HS đọc VBTM, đó là: (1) Chiến lược đọc trước để chuẩn bị cho HS đọc VBTM; (2) Chiến lược kĩ năng học tập cụ thể để đọc VBTM và (3) Chiến lược sư phạm để tăng cường và phát triển quá trình nhận thức liên quan đến sự hiểu biết; Ukrainetz (2016) thì trình bày hai chiến lược dạy VBTM là: xem trước VB và xem lại VB. Khác với các tác giả trên, Akhondi, Malayeri và Samad (2011) chủ trương nghiên cứu dạy đọc VBTM thông qua việc dạy cấu trúc VB. Lí giải cho điều này, nhóm tác giả chỉ rõ vai trò của cấu trúc trong việc giúp đỡ người đọc xác định những thông tin quan trọng khi đọc VBTM. Theo họ mỗi cấu trúc đều yêu cầu sự mạch lạc và chính sự mạch lạc này giúp người đọc có thể tiếp cận và hiểu các thông tin được đưa ra trong VB. Như vậy, nhìn chung việc dạy VBTM trên thế giới đã được nghiên cứu và vận dụng phổ biến trong cả dạy đọc và dạy viết. 2.2.2 Một số nghiên cứu trong nước Ở trong nước có rất ít công trình nghiên cứu về dạy học VBTM, đặc biệt là dạy viết VBTM. Trong quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi chỉ ghi nhận được Luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Thu Nga (2014) với đề tài Tích hợp liên môn trong Dạy học Làm văn thuyết minh ở lớp 10 THPT là nghiên cứu về dạy viết VBTM. Trong tài liệu này, tác giả đã đề xuất một vài biện pháp thực hiện dạy viết VBTM theo hướng tích hợp liên môn và mỗi biện pháp đều có những hướng dẫn và ví dụ minh họa cụ thể. Tài liệu Phát triển năng lực tạo lập văn bản thuyết minh cho HS thông qua phân tích mẫu trong dạy đọc hiểu của Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Đỗ Thanh An (2019) đã đưa ra quy trình dạy đọc hiểu và tạo lập VBTM với bốn bước: (1) chọn 7
  17. mẫu, (2) phân tích và khái quát mẫu đã chọn, (3) tạo lập văn bản từ mẫu đã phân tích, (4) đánh giá văn bản tạo lập. Có thể thấy, nghiên cứu dạy viết VBTM trong nước còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu có liên quan đến nội dung này hầu như chỉ tập trung khai thác một vài yếu tố hoặc là một phương pháp/biện pháp dạy học cụ thể chứ chưa nghiên cứu một cách tổng quan, toàn diện. Trên đây, chúng tôi vừa điểm qua một vài công trình nghiên cứu liên quan đến VBTM, dạy viết VBTM ở trong và ngoài nước. Từ việc khảo sát trên, chúng tôi rút ra một số nhận xét khái quát như sau: Thứ nhất, qua các nghiên cứu về VBTM, chúng tôi nhận thấy các tác giả đều thống nhất với nhau về vai trò của VBTM trong đời sống: đó là kiểu VB được viết ra nhằm cung cấp cho người đọc/người nghe kiến thức/tri thức về đặc điểm, tính chất, của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội, qua đó giúp con người hiểu rõ và sử dụng được chúng. Thứ hai, ở nước ngoài có khá nhiều nghiên cứu về VBTM và dạy viết VBTM. Các công trình đã làm rõ được khái niệm, đặc điểm, đặc trưng, cấu trúc của VBTM và đề xuất các phương pháp dạy đọc và dạy viết VBTM khá đa dạng và phong phú. Thứ ba, ở Việt Nam, dù rất ít nhưng đã có một vài công trình nghiên cứu về VBTM và dạy viết VBTM.Tuy nhiên, các công trình này chỉ mới dừng lại ở việc khai thác một vài phương pháp tổ chức dạy học VBTM. Nói tóm lại, chúng tôi nhận thấy vấn đề nghiên cứu VBTM và dạy viết VBTM đã có được một vài thành tựu nhất định song vẫn còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu. Trong khóa luận này, chúng tôi kế thừa và phát huy những thành tựu nghiên cứu đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các công trình đi trước nhằm đề xuất một số biện pháp hướng dẫn HS lồng ghép YTNL vào VBTM để đáp ứng yêu cầu trong việc dạy học viết VBTM ở Chương trình Ngữ văn 2018. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1 Mục đích nghiên cứu 8
  18. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đề xuất một số biện pháp hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL. 3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, chúng tôi tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau: Thứ nhất, xây dựng cơ sở lí luận về VBTM, YTNL và dạy viết VBTM có lồng ghép YTNL. Thứ hai, khảo sát thực tiễn hiểu biết của GV và HS về YTNL nói chung và YTNL trong VBTM nói riêng để xây dựng cơ sở thực tiễn. Kết quả khảo sát thực tiễn cùng với cơ sở lí luận là căn cứ để chúng tôi đề xuất một số biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL. Thứ ba, đề xuất một số biện pháp hướng dẫn viết VBTM có lồng ghép YTNL cho HS THPT. Thứ tư, thiết kế KHDH và tiến hành thực nghiệm – xin ý kiến GV Ngữ văn ở trường THPT để đánh giá tính khả thi của các biện pháp hướng dẫn viết VBTM có lồng ghép YTNL được đề xuất. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1 Đối tượng nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi xác định đối tượng nghiên cứu chính là các các biện pháp hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL. 4.2 Phạm vi nghiên cứu Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu một số biện pháp hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt về kĩ năng viết VBTM ở lớp 11, trong Chương trình Ngữ văn 2018. 5. Giả thuyết nghiên cứu Với đề tài nghiên cứu là Một số biện pháp hướng dẫn học sinh trung học phổ thông viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận, người viết đặt ra giả thuyết như sau: 9
  19. Nếu các biện pháp hướng dẫn học sinh viết VBTM có lồng ghép YTNL được vận dụng thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả viết VBTM nói chung và viết VBTM có lồng ghép YTNL nói riêng. 6. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn và áp dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu khác nhau, phù hợp với đề tài. 6.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu Chúng tôi tiến hành phân tích và tổng hợp các nguồn tài liệu như sách, tạp chí, các nghiên cứu trong và ngoài nước, các bài viết khoa học, để thu thập các thông tin có liên quan đến đề tài. Qua đó, chúng tôi khái quát và hệ thống hóa thành cơ sở lí luận để định hướng cho việc đề xuất các biện pháp hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL và thiết kế KHDH thực nghiệm. 6.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi Phương pháp này được chúng tôi sử dụng ở giai đoạn trước khi thực nghiệm. Chúng tôi đã thiết kế hai bộ câu hỏi dành cho GV và HS, có nội dung tìm hiểu thực trạng dạy và học viết VBTM có lồng ghép YTNL. Kết quả thu được từ các bảng hỏi sẽ được chúng tôi phân tích để xây dựng cơ sở thực tiễn cho đề tài. 6.3. Phương pháp phỏng vấn chuyên gia Chúng tôi đã thiết kế phiếu xin ý kiến GV về tính khả thi của các biện pháp hướng dẫn viết VBTM có lồng ghép YTNL được thể hiện trong KHDH thực nghiệm. Các GV được chúng tôi xin ý kiến đều là những GV đã có kinh nghiệm trong việc dạy viết VBTM. 6.4. Phương pháp thực nghiệm Phương pháp này được chúng tôi sử dụng để kiểm tra tính khả thi của các biện pháp hướng dẫn viết VBTM có lồng ghép YTNL đã đề xuất. Chúng tôi vận dụng các biện pháp đã đề xuất để thiết kế KHDH thực nghiệm, sau đó kiểm tra tính khả thi của KHDH bằng cách phỏng vấn GV. Cuối cùng, chúng tôi tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện KHDH thực nghiệm và đưa ra các khuyến nghị cần thiết đối với GV khi dạy viết VBTM có lồng ghép YTNL. 10
  20. 7. Bố cục khóa luận Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, nội dung nghiên cứu chính của khóa luận được thể hiện thành 3 chương: - Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc dạy viết VBTM có lồng ghép YTNL Nội dung chính của chương này là trình bày cơ sở về lí luận và thực tiễn làm cơ sở để đề xuất các biện pháp hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL. - Chương 2: Một số biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL. Nội dung chính của chương này là trình bày các nguyên tắc đề xuất biện pháp và các biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép VBTM trên cơ sở lí luận và thực tiễn ở Chương 1, bao gồm: + Hướng dẫn HS nhận diện YTNL trong VBTM. + Hướng dẫn HS lựa chọn nội dung thuyết minh có thể lồng ghép YTNL. + Hướng dẫn HS viết đoạn văn thuyết minh có lồng ghép YTNL. - Chương 3: Thực nghiệm sư phạm Nội dung chính của chương này là thực nghiệm để kiểm chứng tính khả thi của các biện pháp hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL đã đề xuất. 11
  21. CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC DẠY VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH CÓ LỒNG GHÉP YẾU TỐ NGHỊ LUẬN 1.1. Cơ sở lí luận 1.1.1. Văn bản thuyết minh 1.1.1.1 Khái niệm Lê A (Chủ biên), Nguyễn Trí (2001) quan niệm rằng VBTM là VB được viết ra “nhằm làm cho người đọc biết và hình dung rõ một đối tượng nào đấy bằng cách trình bày, miêu tả, phân tích, đánh giá các khía cạnh và các biểu hiện cụ thể của chúng.” (Lê A (Chủ biên), 2001, tr. 252); Lê Xuân Soạn (2006) cho rằng VBTM là VB được viết ra ra nhằm cung cấp thông tin về một đối tượng cụ thể nào đó, VB này “giúp HS làm quen với lối làm văn có tư duy, mang tính khách quan, khoa học, chính xác.” (Lê Xuân Soạn, 2006, tr. 251); SGK Ngữ văn 8 tập 1 định nghĩa: “VBTM là kiểu VB thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống nhằm cung cấp những tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu giải thích” (Ngữ văn 8 tập 1, 2019, tr. 117); SGK Ngữ văn 10 tập 1 xác định: “Văn thuyết minh nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị, của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề thuộc tự nhiên, xã hội và con người.” (Ngữ văn 10 tập 1, 2017, tr. 165). Ephraim (2009) định nghĩa VBTM là loại VB được viết ra nhằm cung cấp thông tin cho người đọc về vấn đề hoặc một chủ đề cụ thể nào đó và được phân thành ba thể loại cơ bản là: tiểu sử, tự truyện và sách thông tin (Ephraim, 2009, tr. 4). Đồng quan điểm với Ephraim, Smith (trên website của Đại học Western, Canada) cho rằng VBTM hay còn được gọi là VB thông tin, là VB phi hư cấu cung cấp những dữ kiện và thông tin về một chủ đề được sử dung phổ biến trong các môn như khoa học tự nhiên, lịch sử và khoa học xã hội (Smith, tr. 4). Fountas và Pinnell (2012) định nghĩa VBTM là một loại VB thông tin cung cấp các thông tin thực tế về một vấn đề nào đó một cách rõ ràng, cấu trúc tổ chức không có tính tường thuật với một vấn đề chính và các thông tin hỗ trợ kèm theo (Fountas và Pinnell, 12
  22. 2012, tr. 1). Smith, Busch và Gou (2015) quan niệm rằng VBTM là VB cung cấp thông tin như sự kiện, sự giải thích hay lí do cho hiện tượng trong đời sống thực tế (Smith, Busch và Guo, 2015, tr. 96). Richard (2016) cho rằng VBTM là VB trình bày lí do, giải thích các bước thực hiện trong một quy trình (Richard, 2016, tr. 147). Từ những điểm chung của các tài liệu trên, có thể rút ra được khái niệm VBTM như sau: VBTM là VB được viết ra nhằm cung cấp thông tin về những sự vật/hiện tượng trong tự nhiên/xã hội; các thông tin này phải có độ chính xác cao và được trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu để người đọc/người nghe biết và hiểu đúng về đối tượng được nói đến, từ đó sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người. 1.1.1.2 Đặc điểm văn bản thuyết minh Lê Xuân Soạn (2006) và Nguyễn Thanh Hùng (2008) đều cho rằng VBTM phải bám sát và trình bày cho người đọc hiểu rõ những nét tiêu biểu riêng biệt của đối tượng, nội dung thuyết minh phải đảm bảo tính khách quan khoa học về đối tượng để người đọc hiểu đúng và toàn diện về đối tượng. SGK Ngữ văn 8 tập 1 trình bày hai đặc điểm của VBTM, bao gồm: (1) “Tri thức trong VBTM đòi hỏi khách quan, xác thực, hữu ích cho con người”, (2) “VBTM cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.” (Ngữ văn 8 tập 1, 2019, tr. 117). Fountas và Pinnell (2012) cho rằng đặc điểm của VBTM bao gồm: (1) Mục đích: cung cấp thông tin về một vấn đề/chủ đề nào đó, bao gồm một vấn đề/chủ đề lịch sử hoặc vấn đề/chủ đề khoa học (Fountas và Pinnell, 2012, tr. 2); (2) Ngôn ngữ VBTM: chính xác, tập trung vào chủ đề, sử dụng từ vựng của một lĩnh vực cụ thể thay vì ngôn ngữ tượng hình (Fountas và Pinnell, 2012, tr. 2); (3) Hình thức VBTM: thường viết thành các đoạn văn, một số ví dụ có thể kể đến về các dạng VBTM như: sách thương mại, bài báo, báo cáo, phỏng vấn và bài tiểu luận (Fountas và Pinnell, 2012, tr. 2). Richard (2016) thì nhấn mạnh vào mục đích của VBTM đó là cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về một chủ đề/vấn đề cụ thể, đó có thể là giải thích một quy trình hoặc giải thích nguyên nhân/ảnh hưởng hoặc so sánh/đối chiếu hoặc phân tích diễn giải hoặc cung cấp vấn đề/giải pháp (Richard, 2016, tr. 147). Từ mục đích này, 13
  23. tác giả lưu ý rằng việc trình bày VB theo một thứ tự logic cần được sử dụng với trình tự phù hợp các ý tưởng hoặc các bước trong một quy trình. Một nội dung thuyết minh hiệu quả nên bao gồm một ý chính, các chi tiết hỗ trợ và kết luận. Smith, Busch và Guo (2015) thì tập trung vào các đặc điểm: cấu trúc VB, ngôn ngữ và thiết kế trực quan của VBTM. Trong đó, về cấu trúc VB, theo nhóm tác giả, VBTM tổ chức VB thành các cấu trúc cụ thể để hiển thị các kết nối trong nội dung của VB (Smith, Busch và Guo, 2015, tr. 96). Các cấu trúc đó thường là: cấu trúc trình tự, cấu trúc mô tả, cấu trúc so sánh/tương phản, cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng và cấu trúc vấn đề/giải pháp. Về ngôn ngữ, từ ngữ được sử dụng trong VBTM có xu hướng kĩ thuật (từ ngữ có tính chất chuyên ngành liên quan đến chủ đề/vấn đề đang thuyết minh) cao hơn (so với từ ngữ trong VB tự sự) (Smith, Busch và Guo, 2015, tr. 96). Về thiết kế trực quan, các VBTM thường bao gồm mục lục, tiêu đề, sơ đồ và hình ảnh; trong đó, mục lục và tiêu đề giúp tổ chức nội dung thuyết minh thành các chủ đề nhỏ và thông báo cho người đọc về thông tin được đưa vào VB, sơ đồ và hình ảnh cung cấp hỗ trợ trực quan cho VB (Smith, Busch và Guo, 2015, tr. 96). Từ những điểm chung của VBTM được trình bày trong các tài liệu trên, chúng tôi khái quát và rút ra các đặc điểm của VBTM như sau: Thứ nhất, về nội dung thông tin: các thông tin được trình bày trong VBTM phải khách quan và có độ chính xác cao. VBTM gắn liền với tư duy khoa học vì vậy, muốn viết được VBTM, người viết phải có ý thức tìm hiểu, điều tra, nghiên cứu, thu thập các thông tin có liên quan đến đối tượng được thuyết minh, tổng hợp lại và tổ chức bố cục bài viết sao cho thật rành mạch, chặt chẽ để người đọc hiểu đúng, hiểu rõ và hiểu toàn diện những nét tiêu biểu riêng biệt của đối tượng. Thứ hai, về phương pháp thuyết minh: để đạt được mục đích là truyền đạt thông tin khách quan, khiến cho người đọc/người nghe biết, hiểu về sự vật/hiện tượng trong tự nhiên/xã hội thì khi viết VBTM, người viết thường phải sử dụng các phương pháp như trình bày – nói một cách rõ ràng, đầy đủ cho người khác hiểu rõ; giới thiệu – cho biết các thông tin như tên gọi, nguồn gốc, đặc điểm, của đối tượng đang được nói đến; hay giải thích – làm cho hiểu rõ một điều gì đó. 14
  24. Thứ ba, về ngôn ngữ thuyết minh: ngôn ngữ trong VBTM phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu. Từ ngữ được sử dụng trong VBTM hầu hết là từ đơn nghĩa. Người đọc khi đọc VB sẽ tiếp cận ngay với ý nghĩa bề mặt của từ và thu nhận thông tin về đối tượng ngay từ nội dung nghĩa của từ mà không phải qua suy luận hay diễn giải nào. Đặc biệt, trong VBTM còn có thể có những từ ngữ chuyên ngành liên quan đến đối tượng được thuyết minh. Ngoài ra, để tạo sự hấp dẫn, sinh động cho VBTM, người viết có thể sử dụng một số từ ngữ giàu tính hình tượng và vận dụng các biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hóa, (Ngữ văn 9 tập 1, 2018, tr. 13), những sự tích, truyền thuyết thích hợp (Ngữ văn 10 tập 2, 2017, tr. 27), các kiểu câu như câu nghi vấn, câu cảm thán, câu trần thuật, Song, mục đích của việc lồng ghép vào VBTM các yếu tố nói trên là để góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng được thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc. Vì vậy, khi lồng ghép vào VBTM các yếu tố này, người viết cần cân nhắc kĩ càng và sử dụng với tỉ lệ hợp lí để tránh làm mất đi tính chất thuyết minh của VB. Thứ tư, về cấu trúc VBTM: trong Chương trình Ngữ văn hiện hành, khái niệm cấu trúc VB tương đương với khái niệm kết cấu VB. SGK Ngữ văn 10 tập 1, định nghĩa kết cấu VB là “sự tổ chức, sắp xếp các thành tố của VB thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa” (Ngữ văn 10 tập 1, 2017, tr. 167). Như vậy, có thể hiểu cấu trúc (hay kết cấu) VBTM là mối quan hệ bên trong của các thành phần tạo nên một VBTM hoàn chỉnh. Theo SGK Ngữ văn 10 tập 1, VBTM có bốn kiểu cấu trúc (hình thức kết cấu) bao gồm: (1) cấu trúc theo trình tự thời gian, (2) cấu trúc theo trình tự không gian, (3) cấu trúc theo trình tự logic, (4) cấu trúc theo trình tự hỗn hợp (Ngữ văn 10 tập 1, 2017, tr. 168). Ở những tài liệu nghiên cứu nước ngoài mà chúng tôi thu thập được, các tác giả đều có cách phân loại các kiểu cấu trúc của VBTM khác nhau. Theo Ephraim (2009), VBTM có các kiểu cấu trúc là: cấu trúc mô tả/tổng hợp, cấu trúc so sánh/đối chiếu, cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng, cấu trúc vấn đề/giải pháp. Đây cũng là quan điểm của Harvey (1998), Akhondi, Malayeri và Samad (2011), Fountas và Pinnell (2012), Smith, Busch và Guo (2015). Các tác giả đều khẳng định cấu trúc có vai trò 15
  25. quan trọng trong việc giúp đỡ người đọc xác định những thông tin quan trọng khi đọc VBTM. Mỗi cấu trúc đều yêu cầu sự mạch lạc và chính sự mạch lạc này giúp người đọc có thể tiếp cận và hiểu các thông tin được đưa ra trong VB. Theo những nghiên cứu này, VBTM có các kiểu cấu trúc sau: mô tả/tổng hợp, so sánh/đối chiếu, nguyên nhân/hậu quả, vấn đề/giải pháp và khác với Ephraim (2009), những tác giả này đưa thêm một cấu trúc nữa đó là cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian (Fountas và Pinnell, 2012, tr. 1). Cùng bàn về cấu trúc VBTM và đều phân chia cấu trúc VBTM thành năm kiểu cấu trúc nhưng nghiên cứu của Smith (trên website của Đại học Western, Canada) có phần cụ thể, chi tiết hơn. Ngoài việc mô tả từng kiểu cấu trúc, đưa ra các từ dấu hiệu để nhận dạng và sơ đồ tổ chức nội dung của VBTM, Smith còn trình bày trình tự tổ chức và sắp xếp các nội dung thuyết minh của từng kiểu cấu trúc cụ thể như sau: Cấu trúc mô tả/tổng hợp là kiểu cấu trúc mà người viết mô tả một chủ đề, người, địa điểm hoặc sự vật bằng cách liệt kê các tính năng đặc trưng của nó hoặc đưa ra các ví dụ để cung cấp thông tin bổ sung về một người, một địa điểm hoặc một sự vật nào đó như chúng vốn là. Trình tự tổ chức và sắp xếp các nội dung thuyết minh theo kiểu cấu trúc này như sau: (1) Xác định hiện tượng cần mô tả, (2) Mô tả các bộ phận, tính chất, công dụng hoặc đưa ra ví dụ minh họa. Các từ là dấu hiệu nhận biết cho kiểu cấu trúc này là: ví dụ, nét đặc trưng, như là, bao gồm, để minh họa, Cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian là kiểu cấu trúc mà người viết sử dụng thứ tự số hoặc trình tự thời gian để liệt kê các mục hoặc sự kiện hoặc giải thích các bước cần phải tuân theo để thực hiện hoặc tạo ra một thứ gì đó. Cách thức tổ chức các nội dung thuyết minh theo kiểu cấu trúc này là: lần lượt liệt kê theo thứ tự tuyến tính các bước hoặc hành động trong một quy trình hoặc sự kiện. Các từ là dấu hiệu nhận biết cho kiểu cấu trúc này là: đầu tiên, thứ hai, thứ ba, sau đó, trước đây, kết thúc, cuối cùng, bây giờ, kế tiếp, bắt đầu, 16
  26. Cấu trúc so sánh/đối chiếu là kiểu cấu trúc mà người viết đưa ra hai hay nhiều sự kiện, chủ đề hoặc đối tượng và chỉ ra chúng giống và khác nhau như thế nào. Cách thức tổ chức các nội dung thuyết minh theo kiểu cấu trúc này là: (1) Giới thiệu các chủ đề được so sánh/đối chiếu, (2) Sự tương đồng – liệt kê những điểm tương đồng trong nội dung mà các chủ đề thể hiện, (3) Sự tương phản – liệt kê những khác biệt phân biệt giữa các chủ đề. Các từ là dấu hiệu nhận biết cho kiểu cấu trúc này là: tuy nhiên, tuy vậy, song, giống, tương tự như, khác, cả hai, cũng như, cũng, tương phản, Cấu trúc vấn đề/giải pháp là kiểu cấu trúc mà người viết mô tả một vấn đề sau đó đưa ra một hoặc nhiều giải pháp hợp lệ liên quan đến vấn đề đó. Cách thức tổ chức các nội dung thuyết minh theo kiểu cấu trúc này là: (1) Phác thảo vấn đề cần giải quyết trong VB, (2) Xác định (các) giải pháp tiềm năng, (3) Giải thích tại sao (các) giải pháp tiềm năng vừa đưa ra là hợp lệ. Các từ là dấu hiệu nhận biết cho kiểu cấu trúc này là: bởi vì, vấn đề là, vậy nên, kết quả là, vì thế, giải quyết, trả lời, câu hỏi, Cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng là kiểu cấu trúc mà người viết mô tả mối quan hệ giữa một hay nhiều nguyên nhân (sự kiện) mà những ảnh hưởng, tác động tiếp theo (xảy ra do sự kiện) sẽ giải thích về cách sự kiện này dẫn đến sự kiện kia. Cách thức tổ chức các nội dung thuyết minh theo kiểu cấu trúc này là: (1) Giới thiệu sự kiện ban đầu – nguyên nhân kích hoạt sự kiện tiếp theo, (2) Mô tả những ảnh hưởng mà sự kiện đó gây ra. Tuy nhiên không cố định trình tự xuất hiện giữa nguyên nhân và ảnh hưởng được nêu trong VB, người viết có thể linh hoạt sắp xếp thứ tự giữa chúng tùy theo mục đích thuyết minh. Các từ là dấu hiệu nhận biết cho kiểu cấu trúc này là: nếu/thì, lí do vì sao, bởi vì, dẫn đến, kết quả là, hậu quả là, Từ những điểm chung của các tài liệu trên, chúng tôi khái quát và rút ra nhận xét về cấu trúc của VBTM như sau: Cấu trúc trong VBTM là mối quan hệ bên trong của các thành phẩn tạo nên một VB hoàn chỉnh. Xét về mặt hình thức, cấu trúc của VBTM bao gồm: tiêu đề, câu chủ đề, sự sắp xếp và tổ chức các luồng thông tin trong bài viết, chú thích, biểu đồ, sơ đồ (nếu có). 17
  27. Xét về mặt nội dung, cấu trúc của VBTM được thể hiện qua sự sắp xếp trình tự các nội dung thuyết minh về đối tượng (nguồn gốc, đặc điểm, tính chất, công dụng, vai trò, ) và mối quan hệ giữa các nội dung này. Dựa trên sự sắp xếp trình tự các nội dung thuyết minh và mối quan hệ giữa các nội dung này, có thể chia các dạng cấu trúc của VBTM như sau: (1) cấu trúc so sánh/đối chiếu giữa hai hoặc nhiều đối tượng giống hoặc khác nhau; (2) cấu trúc mô tả/tổng hợp trình bày, phân loại, định nghĩa đối tượng; (3) cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian thể hiện hiện trình tự hoặc các bước của một quá trình; (4) cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng trình bày các ý tưởng, các sự kiện có tính thời sự hoặc các sự kiện như là nguyên nhân và kết quả hoặc sự kiện xảy ra do kết quả của một vấn đề nào đó; (5) cấu trúc vấn đề/giải pháp trình bày một vấn đề và một hay nhiều giải pháp cho vấn đề đó. Xét về mặt hình thức, các dạng cấu trúc có những dấu hiệu nhận biết riêng về mặt hình thức, cụ thể là qua các từ ngữ được sử dụng trong VB. Như cấu trúc so sánh/đối chiếu thường sử dụng các từ/cụm từ như: trái với, cả hai, trái lại, tương đồng với, ; cấu trúc mô tả/tổng hợp thường sử dụng các từ/cụm từ như: ví dụ, nhận dạng, như là, để làm rõ, ; cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian thường sử dụng các từ/cụm từ như: đầu tiên, kế đến, trước đó, về sau, trong suốt, ngay lập tức, trước đây, cuối cùng, Có thể tổng hợp các kiểu cấu trúc VBTM thành bảng sau: Bảng 1.1. Các kiểu cấu trúc VBTM Kiểu Nội dung Từ ngữ để nhận biết cấu trúc Mô Người viết định nghĩa, phân loại, - Ví dụ - Như là - Để làm rõ, tả/tổng trình bày các đặc điểm, tính chất, hợp công dụng, của đối tượng. Trình tự/ Người viết liệt kê các mục hoặc sự - Đầu tiên - Thứ hai/Thứ ba - Chuỗi kiện theo trình tự số hoặc theo thời Cuối cùng - Tiếp theo - Trước thời gian gian một cách rõ ràng. đó - Sau đó - Từ khi - Bây giờ - Trước đây - Kế đến - Trong suốt 18
  28. So Các thông tin được trình bày một - Tuy nhiên - Mặt khác - Tương sánh/đối cách chi tiết hai hay nhiều sự kiện, tự - Mặc dù - Tương phản - chiếu khái niệm, lí thuyết hoặc các sự việc Khác nhau - Giống nhau - So giống nhau và/hoặc khác nhau. sánh Nguyên Người viết trình bày các ý tưởng, các - Nếu/thì - Bởi vì - Lí do là - nhân/ảnh sự kiện có tính thời sự hoặc các sự Câu trả lời là hưởng kiện như là nguyên nhân và kết quả - Dẫn đến - Do đó - Cho nên - hoặc sự kiện xảy ra do kết quả của Vì vậy - Dẫn đến một vấn đề nào đó. Vấn Người viết trình bày một vấn đề và - Vấn đề là - Khó khăn là - Câu đề/giải một hay nhiều giải pháp cho vấn đề hỏi/câu trả lời được giải đáp pháp đó. là Việc hiểu rõ các kiểu cấu trúc sẽ giúp cho người đọc tiếp nhận và hiểu thông tin trong VBTM nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn. 1.1.2. Yếu tố nghị luận 1.1.2.1 Khái niệm yếu tố nghị luận Theo Từ điển Tiếng Việt, yếu tố là “bộ phận cấu thành một sự vật, sự việc, hiện tượng” (Hoàng Phê, 2018, tr. 1483). Trong SGK Ngữ văn 9 tập 1, ở bài học Nghị luận trong VB tự sự, tác giả biên soạn đã xác định YTNL là một yếu tố được đưa vào VB tự sự để người đọc (người nghe) phải suy nghĩ về một vấn đề nào đó. YTNL thể hiện ý kiến, nhận xét đánh giá của người viết về một vấn đề trong VB tự sự và thường được biểu đạt bằng các hình thức lập luận như sử dụng các từ ngữ, câu văn có tính chất nghị luận (Ngữ văn 9 tập 1, 2018, tr. 138). Từ những điều trên, chúng tôi định nghĩa YTNL như sau: YTNL là một bộ phận nhỏ trong kết cấu VB, có nhiệm vụ trình bày ý kiến, nhận xét, quan điểm của người viết về một khía cạnh/một đặc điểm/một nội dung cụ thể nào đó trong VB. YTNL được sử dụng trong VB có tác dụng làm cho VB thêm phần triết lí, sâu sắc và thuyết phục hơn. 19
  29. Cùng là nghị luận nhưng YTNL trong VB nghị luận khác với YTNL trong các kiểu VB khác. Trong VB nghị luận, YTNL là yếu tố chính, xuất hiện xuyên suốt VB, thể hiện qua các luận điểm, luận cứ và hình thức lập luận. Trong các kiểu VB khác, YTNL chỉ là yếu tố phụ, đơn lẻ, biệt lập, chỉ xuất hiện trong một hoặc một vài nội dung cụ thể nào đó mà người viết muốn bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. 1.1.2.2 Các yếu tố nghị luận Các YTNL được lồng ghép các kiểu VB (khác VB nghị luận) thường được biểu hiện bằng các câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ có tính chất lập luận và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. (SGK Ngữ văn 9 tập 1, 2018, tr. 138). Cụ thể như sau: Thứ nhất, YTNL được thể hiện bằng các câu văn có tính chất nghị luận. Câu văn có tính chất nghị luận ở đây được hiểu là có nhân tố suy luận, luận lí được lồng vào, đặt vào nội dung câu văn. Câu văn mang tính chất nghị luận được đưa vào VB thường là những câu văn nêu lên ý kiến, quan điểm, suy nghĩ, nhận xét, thể hiện phán đoán của người viết về một đặc điểm/khía cạnh nào đó của đối tượng được nói đến trong VB và đi kèm theo nó là một vài lí lẽ, dẫn chứng. Những câu văn này thường có hình thức là những câu khẳng định hoặc phủ định, ngắn gọn, khúc chiết như diễn đạt chân lí. Thứ hai, YTNL được thể hiện bằng các từ ngữ có tính chất lập luận. Tính chất lập luận ở đây được hiểu là sự chặt chẽ, logic, rõ ràng, và hiệu quả thuyết phục của từ ngữ được sử dụng trong bài viết. Tính chất lập luận của từ ngữ này trong VB được thể hiện qua các phương diện sau: (1) các quan hệ từ và cặp quan hệ từ: nếu thì, không những mà còn, càng càng, vì thế cho nên, khi (A) thì (B), nên, có vai trò nối kết, gắn chặt các nội dung trong VB thành một thể thống nhất đồng thời thể hiện được lối tư duy, cách suy nghĩ của người viết về vấn đề đang trình bày; (2) các từ lập luận như: nhưng, vậy, tuy nhiên, tại sao, thật vậy, nói chung, tóm lại, do vậy có vai trò hỗ trợ người viết trong việc gợi dẫn hứng thú, kích thích sự tò mò của người đọc về đối tượng được thuyết minh; (3) từ ngữ có tính chất khẳng định hoặc phủ định như: luôn, chắc chắn, không hề, không bao giờ, có vai trò thể hiện 20
  30. nhận định, phán đoán của người viết về một khía cạnh/một đặc điểm nào đó của đối tượng thuyết minh. Thứ ba, YTNL được thể hiện bằng trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Trật tự sắp xếp theo hướng lập luận ở đây được hiểu là trình tự các câu văn được trình bày theo lối diễn giải của văn nghị luận, cụ thể là đầu tiên đưa ra vấn đề, sau đó phát triển vấn đề và cuối cùng là kết thúc vấn đề. Như vậy, có thể thấy rằng, YTNL được thể hiện trong VB bất kì (không phải là VB nghị luận) thường được thể hiện bằng các hình thức như: các câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ có tính chất lập luận và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Những yếu tố này được lồng ghép vào VB, góp phần làm cho VB thêm phần triết lí và nội dung diễn đạt được sâu sắc hơn, thuyết phục hơn. 1.1.3. Việc viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận 1.1.3.1. Cơ sở để lồng ghép yếu tố nghị luận vào văn bản thuyết minh a. Yêu cầu cần đạt về kĩ năng viết VBTM trong Chương trình Ngữ văn 2018 Trong Chương trình Ngữ văn 2018, ở cấp THCS và THPT, các yêu cầu cần đạt về dạy viết VBTM được nêu như sau: Bảng 1.2: Yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết VBTM ở cấp THCS và THPT trong Chương trình Ngữ văn 2018 Lớp Yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết VBTM 6 Bước đầu biết viết VB thuyết minh thuật lại một sự kiện. Bước đầu biết viết VB thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò 7 chơi hay hoạt động. Viết được VB thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới 8 thiệu một cuốn sách; nêu được những thông tin quan trọng; trình bày mạch lạc, thuyết phục. Viết được bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích 9 lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh họa. Viết được bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu 11 tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. 21
  31. Từ bảng 1.2, có thể thấy, yêu cầu cần đạt đối với kĩ năng viết VBTM được nâng cao dần qua các lớp học, từ biết viết, đến viết được và trình bày được những thông tin quan trọng, trình bày mạch lạc, rõ ràng; sử dụng sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh họa và cuối cùng là viết được một VBTM tổng hợp, có sử dụng một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Mặc dù đến lớp 11 HS mới học viết VBTM tổng hợp, nhưng trước đó, ở lớp 10, HS đã được làm quen với kiểu VB này trong kĩ năng đọc. b. Cấu trúc của VBTM thuận lợi để lồng ghép YTNL Các kiểu cấu trúc của VBTM đều có những dấu hiệu nhận biết riêng về mặt hình thức, cụ thể là các từ ngữ được sử dụng trong VB. Ví dụ như cấu trúc so sánh/đối chiếu thường sử dụng các từ/cụm từ như: trái với, cả hai, trái lại, tương đồng với, tuy nhiên, mặt khác, tương tự, mặc dù ; cấu trúc mô tả/tổng hợp thường sử dụng các từ/cụm từ như: ví dụ, nhận dạng, như là, để làm rõ, ; cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian thường sử dụng các từ/cụm từ như: đầu tiên, kế đến, trước đó, về sau, trong suốt, ngay lập tức, trước đây, cuối cùng, ; cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng thường sử dụng các từ/cụm từ như: vì thế, bởi vì, do Có thể thấy, các từ dấu hiệu này đều là những từ/cụm quan hệ từ và những từ ngữ có tính chất lập luận – một trong những biểu hiện của YTNL. Hầu hết các kiểu cấu trúc của VBTM đều đòi hỏi tính rõ ràng, logic, gắn kết chặt chẽ giữa các nội dung. Để tạo nên hiệu quả gắn kết như mong muốn, các YTNL đóng vai trò quan trọng. Sự góp mặt của YTNL sẽ làm cho các nội dung trong VBTM được gắn kết thành một thể thống nhất và trở nên mạch lạc hơn. Như vậy, từ đặc điểm và dấu hiệu nhận biết của từng kiểu cấu trúc của VBTM, có thể thấy rằng, cấu trúc của VBTM là một nhân tố thuận lợi cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM. 1.1.3.2. Những điều cần lưu ý khi lồng ghép yếu tố nghị luận vào văn bản thuyết minh Thứ nhất, YTNL trong VBTM chỉ là thành phần phụ, góp phần làm tăng tính thuyết phục của VBTM. Vì vậy, khi thực hiện lồng ghép yếu tố này vào VBTM cần 22
  32. lưu ý về dung lượng của chúng so với tổng thể VB. YTNL chỉ nên chiếm dung lượng vừa phải, nếu quá nhiều, VBTM sẽ trở nên khô khan, nặng tính triết lí và làm lu mờ, lấn át thậm chí làm mất đi mục đích chính của VBTM là truyền đạt tri thức khách quan về đối tượng được thuyết minh. Thứ hai, khi lồng ghép YTNL vào VBTM cần lưu ý chọn nội dung thuyết minh phù hợp. Không phải nội dung nào cũng có thể lồng ghép mà cần có sự chọn lọc, cân nhắc kĩ lưỡng. Tùy từng mục đích khác nhau mà ta lựa chọn nội dung thuyết minh để lồng ghép YTNL. Ví dụ, nếu nhằm mục đích dẫn dắt, gợi mở, kích thích sự chú ý và hứng thú của người đọc, có thể lồng ghép YTNL vào phần mở bài; nếu nhằm mục đích đúc kết, chốt lại nội dung thì có thể lồng ghép YTNL vào phần kết bài hoặc một hoặc một vài đoạn văn nào đó của phần thân bài Tóm lại, khi lồng ghép YTNL vào VBTM, người viết cần lưu ý về dung lượng của yếu tố này so với tổng thể bài viết và lựa chọn nội dung phù hợp để lồng ghép nhằm đạt được hiệu quả như mong muốn. 1.1.3.3 Các yếu tố nghị luận có thể lồng ghép vào văn bản thuyết minh VBTM có phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, ngoài ra, người viết còn có thể sử dụng các phương thức hỗ trợ như: miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Nếu như thuyết minh làm cho người đọc hiểu đối tượng, miêu tả khiến cho người đọc cảm thấy đối tượng, biểu cảm khiến cho người đọc rung động với đối tượng thì nghị luận khiến cho người đọc suy nghĩ về đối tượng. Chính bởi tác dụng khiến cho người đọc suy nghĩ, suy tư về đối tượng mà YTNL đã có những đóng góp quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm cho nội dung thuyết minh, khiến cho VBTM trở nên hấp dẫn và thuyết phục hơn. Hình thức thể hiện của các YTNL trong VBTM bao gồm: câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ có tính chất lập luận và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Các biểu hiện cụ thể của những hình thức này như sau: a. Câu văn có tính chất nghị luận Trong VBTM, ngoài những câu văn mang tính chất trình bày, giới thiệu để truyền đạt các thông tin về đối tượng được thuyết minh xuất hiện hầu khắp và gần 23
  33. như phủ trọn bài viết, còn có những câu văn mang tính chất nghị luận xuất hiện điểm xuyết ở một hoặc một vài nội dung nào đó trong bài viết. Tính chất nghị luận ở đây được hiểu là nhân tố suy luận, luận lí được lồng vào, đặt vào nội dung câu văn. Các câu văn có tính chất nghị luận trong VBTM thường là những câu văn nêu lên ý kiến, quan điểm, suy nghĩ, nhận xét, thể hiện phán đoán của người viết về một đặc điểm/khía cạnh nào đó của đối tượng được thuyết minh và đi kèm theo nó là một vài lí lẽ, dẫn chứng. Ví dụ, trong văn bản Vì sao cái diều có thể bay trên trời? (Phụ lục 2.1), ngoài việc trình bày và giải thích cơ chế bay của diều, người viết còn đưa vào bài viết của mình những câu văn thể hiện ý kiến, nhận xét chủ quan cá nhân như câu “Vào ngày thời tiết thuận tiện, đến đồng quê thả diều thật là một công việc thích thú”, “Vào lúc ấy bất kể là người thả diều hay là người xem diều đều cảm thấy đó là một sự hưởng thụ tốt đẹp không gì sánh nổi.”. Trong văn bản Sống với sách (Phụ lục 2.2), song song với việc trình bày các thông tin về nơi xuất bản, nhà xuất bản, kích thước sách, bố cục cuốn sách, nội dung cuốn sách, người viết còn lồng ghép vào văn bản những câu văn có tính chất nghị luận như: “Không chỉ gần gũi, thân quen với con người, sách còn là phẩm vật thông dụng nhất trong những đồ vật ở nhà và cũng là tài sản quý giá nhất được lưu giữ trong ngôi nhà của chúng ta.”, “Cuốn Sống với sách của tác giả Alan Powers do Trần Hoàng Dung biên dịch đã tìm tòi và khám phá những phương cách khác nhau để sách không những được lưu trữ một cách hợp lý mà còn đóng vai trò hoàn hảo trong việc tạo cá tính cho ngôi nhà hay căn hộ của chúng ta.”. Có thể thấy, trong VBTM, những câu văn có tính chất lập luận nêu lên ý kiến, đánh giá, nhận xét của người viết về một khía cạnh/một đặc điểm nào đó của đối tượng được thuyết minh đã góp phần làm cho bài viết thêm phần sâu sắc, tăng tính triết lí đồng thời gợi dẫn, tạo sự hứng thú, tò mò của người đọc đối với đối tượng được thuyết minh. b. Từ ngữ liên kết có tính chất lập luận Ngoài những câu văn có tính chất nghị luận, YTNL trong VBTM còn được thể hiện qua cách dùng từ ngữ có tính chất lập luận. Tính chất lập luận ở đây được 24
  34. hiểu là sự chặt chẽ, logic, rõ ràng, và hiệu quả thuyết phục của từ ngữ được sử dụng trong bài viết. Tính chất lập luận của từ ngữ này trong VBTM được thể hiện qua các phương diện sau: Thứ nhất là các quan hệ từ và cặp quan hệ từ. Các quan hệ từ và cặp quan hệ từ như: nếu thì, không những mà còn, càng càng, vì thế cho nên, khi (A) thì (B), nên, không chỉ có tác dụng nối kết, gắn chặt các nội dung trong VB thành một thể thống nhất mà còn thể hiện được lối tư duy, cách suy nghĩ của người viết về vấn đề đang trình bày. Ví dụ 1: “Vào lúc cái diều đưa mặt ra đón gió, không khí thổi vào mặt diều, do bị cản trở nên trong một thời gian ngắn tốc độ đã giảm xuống rất nhiều. Vào lúc tốc độ gió bị giảm đột ngột, áp lực của nó sẽ tăng lên đột ngột. Bởi vì mặt diều nghiêng xuống dưới, nên áp lực của gió vuông với mặt nghiêng đó. Lực này lớn hơn trọng lực của cái diều rất nhiều nên đã đẩy cái diều bay lên.” (Trích Vì sao cái diều có thể bay lên trời?, Phụ lục 2.1). Đoạn văn này đã sử dụng khá nhiều cặp quan hệ từ chỉ ý nghĩa nguyên nhân kết quả là: “do nên, bởi vì nên, nên”. Nhờ đó, nội dung thông tin được trình bày trở nên chặt chẽ, mạch lạc. Ví dụ 2: Sở dĩ chất diệp lục có màu xanh lục vì nó hút các tia sáng có màu khác, nhất là màu đỏ và màu lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục, và lại phản chiếu màu này, do đó mắt ta mới nhìn thấy màu xanh lục. Nếu ta chiếu chất diệp lục của lá cây bằng một nguồn sáng màu đỏ, chất này sẽ thu nhận tất cả các tia màu đỏ, nhưng vì không có tia sáng màu xanh lục để phản chiếu lại, nên kết quả ta nhìn vào lá cây chỉ thấy một màu đen sì Như vậy lá cây có màu xanh là do chất diệp lục trong lá cây. (Trích Tại sao lá cây có màu xanh lục?, Phụ lục 2.3). Trong VB trên, để giải thích việc lá cây có màu xanh lục tác giả đã sử dụng các tri thức khoa học khách quan về tế bào lá, về hiệu ứng phản quang ánh sáng trong tự nhiên và trình bày các nội dung này bằng các câu văn có tính chất lập luận với các 25
  35. quan hệ từ và cặp quan hệ từ như: vì, nhưng, do đó, nếu, sở dĩ vì, vì nên. Nhờ các quan hệ từ và các cặp quan hệ từ mà việc giải thích thông tin trở nên trở nên chặt chẽ, mạch lạc và rõ ràng. Thứ hai là các từ lập luận. Các từ ngữ có tính chất lập luận được đưa vào trong VBTM thường là: nhưng, vậy, tuy nhiên, tại sao, thật vậy, nói chung, tóm lại, do vậy Những từ ngữ này đã hỗ trợ rất tốt cho người viết trong việc gợi dẫn hứng thú, kích thích sự tò mò của người đọc về đối tượng được thuyết minh. Ví dụ: Đoạn văn“Sách cũng minh hoạ những công cụ bình thường dùng để tiết kiệm khoảng trống nhằm dành chỗ cho sách ở những nơi linh tinh như cầu thang, hành lang, lối đi lại. Trong một căn nhà có người ham đọc sách đương nhiên không có nơi nào là không thể chứa sách được. Nhưng không có nghĩa là bất cứ phòng nào, hay lối đi nào cũng đều có thể làm thư viện.” (Trích Sống với sách, Phụ lục 2.2), xét theo mạch nội dung đoạn văn, có thể thấy từ “nhưng” tạo hiệu ứng lật ngược, đào sâu vấn đề. Câu trước đó mang hàm ý khẳng định có với cụm từ “không có nơi nào là không” thì câu sau đã bắt đầu bằng hàm ý phủ định “nhưng không có nghĩa là”. Sự xếp đặt liên tiếp giữa hai hàm ý đối lập nhau này trong đoạn văn có tác dụng nhấn mạnh và lôi kéo sự chú ý của người đọc rất tốt. Nhờ hiệu quả này mà các thông tin mà tác giả đưa ra trong bài viết sẽ gây ấn tượng hơn và khắc sâu hơn vào tâm trí người đọc. Thứ ba là các từ/cụm từ khẳng định hoặc phủ định. YTNL trong VBTM còn được thể hiện qua những từ ngữ có tính chất khẳng định hoặc phủ định như: luôn, chắc chắn, không hề, không bao giờ, Các câu văn có sử dụng các từ ngữ này thường thể hiện nhận định, phán đoán của người viết về một khía cạnh/một đặc điểm nào đó của đối tượng được thuyết minh. Ví dụ: Đoạn văn: “Sách trong nhà bếp cần đặt xa chỗ làm thức ăn bề bộn. Sách làm tăng thêm vẻ thân mật và nhiều khi tựa đề và gáy sách có thể kích thích ăn ngon và khi ngồi ăn thấy vui. Đồ đạc khác trong bếp thì có thể giấu trong tủ chạn nhưng sách thì cần để chỗ dễ thấy. Điều đó chắc chắn sẽ giúp ngăn ngừa cảm giác quá sạch sẽ và hiệu quả từ cuộc sống đầy áp lực và tính cách cá nhân khỏi len vào 26
  36. phòng.”(Trích Sống với sách, Phụ lục 2.2). Từ chắc chắn thể hiện phán đoán của người viết về tác dụng của của việc sắp xếp sách trong nhà bếp “cần đặt xa chỗ làm thức ăn bề bộn” và đặt ở “chỗ dễ thấy”. Như vậy, có thể thấy, các từ ngữ có tính chất chất lập luận như quan hệ từ và cặp quan hệ từ, từ/cụm từ lập luận, từ/cụm từ khẳng định hoặc phủ định được sử dụng khá nhiều trong VBTM, góp phần tạo nên sự gắn kết trong mạch văn đồng thời làm phong phú thêm giọng điệu bài văn, khiến cho người đọc quan tâm, chú ý hơn về nội dung thuyết minh. c. Trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận Ngoài câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ liên kết có tính chất lập luận thì YTNL trong VBTM còn được thể hiện qua trật tự sắp xếp câu văn theo hướng lập luận. Trật tự sắp xếp theo hướng lập luận ở đây được hiểu là trình tự các câu văn được trình bày theo lối diễn giải của văn nghị luận, cụ thể là đầu tiên đưa ra vấn đề, sau đó phát triển vấn đề và cuối cùng là kết thúc vấn đề. Ví dụ: Trong VB Tại sao lá cây có màu xanh lục? (Phụ lục 2.3) trình tự các câu văn trong VB được sắp xếp theo hướng lập luận. Đầu tiên là nêu vấn đề lá cây có màu xanh lục vì các tế bào lá chứa nhiều lục lạp. Các câu văn tiếp theo đưa ra các thông tin khoa học về đặc điểm của lục lạp trong lá, hiệu ứng phản quang ánh sáng của chất diệp lục có trong lục lạp của lá để giải thích cho hiện tượng lá có màu xanh lục – tức là phát triển vấn đề. Và sau khi đã minh bạch các thông tin, đưa ra được lí giải cho vấn đề được nêu ra thì VB được kết thúc bằng câu khẳng định “Như vậy lá cây có màu xanh là do chất diệp lục trong lá cây.”. Đây có thể được xem như là phần kết thúc vấn đề. Tóm lại, các YTNL trong VBTM có thể được biểu hiện bằng các câu văn có tính chất nghị luận, các từ liên kết có tính chất lập luận và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Chúng tôi khái quát các biểu hiện của YTNL trong VBTM như bảng sau: 27
  37. Bảng 1.3: Các hình thức biểu hiện của YTNL trong VBTM Các hình thức biểu hiện Vai trò Ví dụ Các câu văn có tính chất Nêu lên ý kiến, quan điểm, Đây là , đây chính nghị luận. suy nghĩ, nhận xét, thể hiện là , có thể thấy phán đoán của người viết về là một đặc điểm/khía cạnh nào đó của đối tượng được nói đến trong văn bản. Các từ Các quan hệ từ Nối kết, gắn chặt các nội Nếu thì, không ngữ có và cặp quan hệ từ dung trong văn bản thành những mà còn, tính chất một thể thống nhất đồng thời càng càng, vì nghị thể hiện được lối tư duy, cách thế cho nên, khi luận: suy nghĩ của người viết về (A) thì (B), nên, vấn đề đang trình bày. Các từ có tính Hỗ trợ người viết trong việc Nhưng, vậy, tuy chất lập luận lập gợi dẫn hứng thú, kích thích nhiên, tại sao, thật luận sự tò mò của người đọc về đối vậy, nói chung, tóm tượng được thuyết mình. lại, do vậy Các từ có tính Thể hiện nhận định, phán Luôn, chắc chắn, chất khẳng định đoán của người viết về một không hề, không hoặc phủ định khía cạnh/một đặc điểm nào bao giờ, đó của đối tượng thuyết minh. Trật tự sắp xếp các câu văn Liên kết chặt chẽ các câu văn Các câu văn được theo hướng lập luận. trong đoạn văn, tạo sự thống sắp xếp theo trình nhất trong mạch văn và đảm tự sau: bảo sự mạch lạc trong nội Đầu tiên là đưa ra dung của văn bản. vấn đề, sau đó phát 28
  38. triển vấn đề và cuối cùng là kết thúc vấn đề. Có thể thấy, các YTNL này được lồng ghép vào VBTM có tác dụng như một sợi dây liên kết, làm cho các nội dung thuyết minh được gắn bó chặt chẽ với nhau; mạch văn trở nên mạch lạc hơn, rõ ràng hơn; đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm nội dung thuyết minh, tăng tính hấp dẫn, đem lại hiệu quả thuyết phục người đọc cao hơn. 1.2. Cơ sở thực tiễn Để xây dựng cơ sở thực tiễn cho đề tài nghiên cứu, chúng tôi đã thiết kế hai bảng hỏi (dành cho GV và HS) và tiến hành khảo sát 12 GV và 120 HS trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thu được từ việc khảo sát được phân tích như sau: 1.2.1. Quan niệm của giáo viên và học sinh trung học phổ thông về yếu tố nghị luận Thứ nhất, đối với HS. YTNL được lồng ghép trong các kiểu VB khác (không phải là VB nghị luận) là một nội dung không mới; nội dung này đã được đưa vào chương trình Ngữ văn 9 với bài học Nghị luận trong văn bản tự sự. Qua bài học này, HS đã được dạy những kiến thức cơ bản về YTNL, khái niệm YTNL, vai trò của YTNL và sự thể hiện của YTNL trong VB tự sự. Chúng tôi đã thực hiện khảo sát thực trạng cách hiểu của HS về khái niệm VBTM, YTNL và tác dụng của việc lồng ghép YTNL vào VBTM. Kết quả khảo sát cụ thể được thống kê như bảng sau: Bảng 1.4: Kết quả khảo sát HS về cách hiểu khái niệm VBTM, YTNL và tác dụng của việc lồng ghép YTNL vào VBTM STT Câu hỏi Đáp án Tỉ lệ Ở lớp 9, em đã từng A. Là các ý kiến, nhận xét về một 90,8% Câu 1 được học bài “Nghị vấn đề cần được suy nghĩ và (109 HS) luận trong VB tự sự”. những dẫn chứng, lí lẽ đi kèm. 29
  39. Vậy, em hiểu YẾU B. Là các câu văn được diễn đạt 42,5% TỐ NGHỊ LUẬN là bằng hình thức lập luận. (51 HS) gì? (Em có thể chọn C. Là các từ ngữ thể hiện tính chất 42,5% nhiều câu trả lời) lập luận như các cặp từ hô ứng: (51 HS) nếu thì, không những mà còn, càng càng, vì thế cho nên hoặc các từ như: tại sao, thật vậy, nói chung, tóm lại, D. Là một bộ phận nhỏ trong kết 21,7% cấu của VB. (26 HS) E. Là một bộ phận cần thiết để tạo 5,8% nên một VB hoàn chỉnh. (7 HS) Em hiểu thế nào là A. Là kiểu VB thông dụng trong 92,5% VB thuyết minh? mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung (111 HS) (Em có thể chọn cấp tri thức (kiến thức) về đặc nhiều câu trả lời) điểm, tính chất, nguyên nhân, của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải Câu 3 thích. B. Là kiểu VB trình bày những ý 15% kiến, quan điểm của người viết về (18 HS) môt vấn đề/một đối tượng nào đó. C. Là kiểu VB yêu cầu độ chính 65,8% xác cao đối với các thông tin (79 HS) được đưa ra trong VB. 30
  40. D. Là kiểu VB được dùng để trình 13,8% bày các sự việc, diễn biến, nhân (16 HS) vật theo một trình tự nhất định, đưa đến một kết thúc cụ thể. E. Là kiểu VB sử dụng các từ ngữ 56,7% khoa học, chính xác, dễ hiểu. (68 HS) F. Là kiểu VB trình bày các đặc 43,3% điểm, tính chất một cách chi tiết, (52 HS) cụ thể để người đọc/người nghe có thể cảm nhận được sự vật, con người một cách sinh động, rõ ràng. Theo em, việc lồng A. Thông tin về đối tượng được 63,3% ghép YẾU TỐ NGHỊ thuyết minh sẽ trở nên toàn diện (76 HS) LUẬN vào VB hơn, có chiều sâu hơn. thuyết minh sẽ có tác B. Thể hiện được chính kiến của 74,2% dụng như thế nào người viết về đối tượng được (89 HS) trong việc truyền đạt thuyết minh, người đọc sẽ dễ thông tin đến người Câu 4 dàng tin tưởng, tiếp nhận các đọc? (Em có thể chọn thông tin được đưa ra trong bài nhiều câu trả lời) viết. C. VB sẽ thêm phần triết lí, ấn 58,3% tượng về đối tượng được thuyết (70 HS) minh trong lòng người đọc cũng theo đó được tăng cao. 31
  41. D. VB sẽ trở nên sinh động, hấp 32,5% dẫn, thú vị hơn. (39 HS) Kết quả trên cho thấy, về khái niệm YTNL, có 109/120 HS (chiếm tỉ lệ 90,8%) hiểu YTNL là các ý kiến, nhận xét về một vấn đề cần được suy nghĩ và có những dẫn chứng lí lẽ, kèm theo. Có thể thấy, phần lớn các em đều hiểu và nhớ được bản chất của YTNL được đưa vào một kiểu VB (không phải là VB nghị luận). Tuy nhiên, về hình thức thể hiện của YTNL, còn khá nhiều em mơ hồ và chưa xác định được các YTNL này trong một VB cụ thể. Bằng chứng là khi trả câu hỏi cách hiểu về YTNL, chỉ có 51/120 HS (chiếm tỉ lệ 42,5%) lựa chọn đáp án B – Là các câu văn được diễn đạt bằng hình thức lập luận, 51/120 HS (chiếm tỉ lệ 42,5%) lựa chọn đáp án C – Là các từ ngữ thể hiện tính chất lập luận như các cặp từ hô ứng: nếu thì, không những mà còn, càng càng, vì thế cho nên hoặc các từ như: tại sao, thật vậy, nói chung, tóm lại, Về tác dụng của YTNL, hầu hết các em đều cho rằng, tác dụng của YTNL trong VBTM là thể hiện được chính kiến của người viết về đối tượng được thuyết minh, người đọc sẽ dễ dàng tin tưởng, tiếp nhận các thông tin được đưa ra trong bài viết (74,2% HS chọn đáp án B). Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn HS đánh giá được tác dụng của YTNL đối với VBTM (63,3% chọn đáp án A – Thông về đối tượng được thuyết minh sẽ trở nên toàn diện hơn, có chiều sâu hơn, 58,3% chọn đáp án C – VB sẽ thêm phần triết lí, ấn tượng về đối tượng được thuyết minh trong lòng người đọc cũng theo đó được tăng cao và 32,5% chọn đáp án D – VB sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn, thú vị hơn.) Trong phiếu khảo sát, chúng tôi thực hiện khảo sát cách hiểu của HS về VBTM và thấy được rằng hầu hết các em đều hiểu được khái niệm VBTM, bằng chứng là với câu hỏi về cách hiểu VBTM, có 111/120 HS (chiếm tỉ lệ 92,5%) lựa chọn đáp án A – là kiểu VB thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích; hiểu và nhớ được các đặc điểm của VBTM (65,5% HS chọn đáp án C – Là kiểu VB yêu cầu 32
  42. độ chính xác cao đối với các thông tin được đưa ra trong VB và 56,7% HS chọn đáp án E – Là kiểu VB sử dụng các từ ngữ khoa học, chính xác, dễ hiểu.). Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số HS vẫn còn nhầm lẫn giữa VBTM và VB miêu tả (43,3% HS chọn đáp án F – Là kiểu VB trình bày các đặc điểm, tính chất một cách chi tiết, cụ thể để người đọc/người nghe có thể cảm nhận được sự vật, con người một cách sinh động, rõ ràng. – đặc điểm của kiểu VB miêu tả), nhầm lẫn giữa VBTM và VB tự sự (13,8% HS chọn đáp án D – Là kiểu VB được dùng để trình bày các sự việc, diễn biến, nhân vật theo một trình tự nhất định, đưa đến một kết thúc cụ thể. – đặc điểm của VB tự sự), và nhầm lẫn giữa VBTM và VB nghị luận (15% HS chọn đáp án B – Là kiểu VB trình bày những ý kiến, quan điểm của người viết về môt vấn đề/một đối tượng nào đó. – đặc điểm của VB nghị luận). Về việc viết VBTM có lồng ghép YTNL, chúng tôi thu được kết quả như sau: Bảng 1.5: Kết quả khảo sát HS về việc viết VBTM có lồng ghép YTNL STT Câu hỏi Câu trả lời Tỉ lệ Em đã từng viết bài A. Đã từng và ý thức rõ 14,2% văn thuyết minh có đó là yếu tố nghị luận. (17 HS) lồng ghép YẾU TỐ B. Đã từng nhưng chưa ý 60% NGHỊ LUẬN chưa? Câu 6 thức được đó là yếu tố (72 HS) nghị luận. C. Chưa bao giờ. 25,8% (31 HS) Kết quả khảo sát trên cho thấy 72/120 HS (chiếm tỉ lệ 60%) đã từng viết VBTM có lồng ghép YTNL nhưng chưa ý thức được đó là YTNL; 17/120 HS (chiếm tỉ lệ 14,2%) đã từng viết VBTM có lồng ghép YTNL và ý thức rõ đó là YTNL; 31/120 HS (chiếm tỉ lệ 25,8%) chưa bao giờ viết VBTM có lồng ghép YTNL. Thứ hai, đối với GV. Chúng tôi đã thực hiện khảo sát thực trạng cách hiểu của GV về khái niệm YTNL. Kết quả khảo sát 12 GV giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở bậc 33
  43. THPT cho thấy khi trả lời câu hỏi về quan niệm của GV về YTNL, hầu hết các GV đều cho rằng YTNL là yếu tố cho thấy quan điểm, suy nghĩ, tư tưởng, triết lí của người viết về vấn đề thuyết minh và đây chỉ là yếu tố bổ trợ cho phương thức biểu đạt chính của VB. Tuy nhiên, các câu trả lời của GV còn mang tính khái quát, chung chung, chưa có sự cụ thể rõ ràng. Về các kiến thức cần được triển khai để đảm bảo hiệu quả cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM, chúng tôi thu được kết quả khảo sát như sau: Bảng 1.6: Kết quả khảo sát GV về các kiến thức cần được triển khai để đảm bảo hiệu quả cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM STT Câu hỏi Câu trả lời Tỉ lệ Theo Thầy/Cô, A. Khái niệm yếu tố nghị luận. 33,3% những kiến thức nào (4 GV) cần được triển khai B. Vai trò của yếu tố nghị luận. 50% để đảm bảo hiệu quả (6 GV) Câu 2 cho việc lồng ghép C. Dấu hiệu nhận biết yếu tố 66,7% YẾU TỐ NGHỊ nghị luận. (8 GV) LUẬN vào VB D. Cách lựa chọn nội dung 66,7% thuyết minh thuyết minh cần/có thể lồng ghép (8 GV) yếu tố nghị Kết quả khảo sát trên cho thấy, khi được hỏi các kiến thức cần được triển khai để đảm bảo hiệu quả cho việc lồng ghép YTNL và VBTM, các thầy cô phần lớn lựa chọn đáp án C – Dấu hiệu nhận biết yếu tố nghị luận (66,7%) và đáp án D – Cách lựa chọn nội dung thuyết minh cần/có thể lồng ghép yếu tố nghị luận. (66,7%), chỉ có 33,3% chọn đáp án A – Khái niệm yếu tố nghị luận và 50% chọn đáp án B – Vai trò của yếu tố nghị luận. Ngoài ra, một GV có đề xuất nên triển khai thêm nội dung các hình thức kết cấu của VBTM để đảm bảo hiệu quả cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM. Như vậy, có thể thấy, các thầy cô đánh giá cao tầm quan trọng và sự cần 34
  44. thiết của nội dung dấu hiệu nhận biết YTNL và cách lựa chọn nội dung thuyết minh cần/có thể lồng ghép YTNL. Về thuận lợi, khó khăn khi hướng dẫn HS viết VBTM, chúng tôi thu được kết quả khảo sát như sau: Bảng 1.7: Kết quả khảo sát GV về những thuận lợi, khó khăn khi hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL STT Câu hỏi Câu trả lời Tỉ lệ Theo A. HS đã hiểu rõ bản chất của VBTM 66,7% Thầy/Cô, nên sẽ tránh/hạn chế việc đưa quá (8 GV) khi hướng nhiều YTNL, làm biến đổi tính chất dẫn HS bài viết. viết VB B. HS đã có những kĩ năng viết 33,3% thuyết VBTM cơ bản và được luyện tập các (4 GV) minh có Thuận kĩ năng đó thường xuyên. lồng ghép lợi YẾU TỐ C. GV có thể tự do lựa chọn ngữ liệu 16,7% NGHỊ phù hợp với trình độ và hứng thú của (2 GV) LUẬN thì HS để triển khai bài học. Câu 3 sẽ có D. Đây là một nội dung mới nên sẽ 25% những gây được sự tò mò và hứng thú học (3 GV) thuận lợi, tập của HS. khó khăn A. HS chưa phân biệt rõ giữa VB nghị 83,3% nào? luận với YTNL được lồng ghép trong (10 GV) một VB bất kì không phải là VB nghị Khó luận. khăn B. HS còn lúng túng trong kĩ năng 17,4% diễn đạt, các thao tác viết VBTM còn (5 GV) chưa thành thục. 35
  45. C. Bản thân GV chưa hiểu rõ thế nào 0% là YTNL và cách thể hiện các YTNL (0 GV) trong VBTM. D. GV còn lúng túng trong việc lựa 0% chọn ngữ liệu phù hợp với yêu cầu bài (0 GV) dạy, thời lượng tiết học và trình độ cũng như hứng thú của HS. Từ kết quả khảo sát trên, có thể thấy rằng, khi được hỏi về thuận lợi và khó khăn trong việc hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL, phần lớn các thầy cô đều cho rằng thuận lợi lớn nhất sẽ là HS đã hiểu rõ bản chất của VBTM nên sẽ tránh/hạn chế việc đưa quá nhiều YTNL, làm biến đổi tính chất bài viết (66,7%) và khó khăn lớn nhất là HS chưa phân biệt rõ giữa VB nghị luận với YTNL được lồng ghép trong một VB bất kì không phải là VB nghị luận (83,3%). Như vậy từ thực tế khảo sát này, việc giúp HS phân biệt được sự khác biệt giữa VB nghị luận và YTNL được lồng ghép trong một VB bất kì không phải là VB nghị luận sẽ có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của việc hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL. 1.2.2. Thực trạng về việc dạy viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận Từ kết quả khảo sát GV giảng dạy bộ môn Ngữ văn và HS khối lớp 11, chúng tôi thấy rằng, việc dạy viết VBTM có lồng ghép YTNL ngày nay ở các trường THPT còn nhiều hạn chế. Các GV phần lớn chỉ hiểu một cách chung chung, khái quát về YTNL và chưa có những hướng dẫn cũng như cách đánh giá cụ thể cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM của HS (25%). Hầu hết các GV cho biết đã từng yêu cầu HS viết VBTM có lồng ghép YTNL nhưng không bắt buộc (58,3%) và có một vài GV chưa từng yêu cầu lần nào (16,7%). Điều này đã dẫn đến việc các HS cho biết rằng 36
  46. mình đã từng viết VBTM có lồng ghép YTNL nhưng chưa ý thức được đó là YTNL (60%). Như vậy, có thể thấy, việc dạy việc dạy viết VBTM có lồng ghép YTNL vẫn còn chưa được GV triển khai một cách đồng bộ và chưa có những biện pháp hướng dẫn và đánh giá cụ thể, rõ ràng. Tiểu kết Chương 1 Nói tóm lại, trong Chương 1, chúng tôi đã trình bày khái quát cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của việc hướng dẫn HS THPT viết VBTM có lồng ghép YTNL. Về cơ sở lí luận, Chương 1 đã giới thuyết về đối tượng nghiên cứu của đề tài là YTNL trong VBTM, trong đó làm rõ các vấn đề có liên quan là: VBTM và YTNL. VBTM là kiểu VB thông dụng trong đời sống, có tính ứng dụng cao; YTNL là một nhân tố góp phần làm tăng tính thuyết phục của nội dung được triển khai trong VBTM đồng thời khiến cho những nội dung này được liên kết chặt chẽ, mạch lạc, thể hiện một chủ đề thống nhất. Khóa luận đã minh định các khái niệm VBTM, YTNL, YTNL trong VBTM, chỉ ra và làm rõ các biểu hiện cụ thể của yếu tố này trong VBTM đồng thời nêu lên những điều cần lưu ý khi lồng ghép YTNL vào VBTM. Về cơ sở thực tiễn, chúng tôi nhận thấy một vài điểm bất cập trong cách hiểu của cả GV và HS về YTNL, đặc biệt là có một số HS còn nhầm lẫn VBTM với các kiểu VB khác và chưa có sự hiểu biết đầy đủ về YTNL được lồng ghép trong một VB bất kì (khác VB nghị luận) nói chung và trong VBTM nói riêng ở các mặt như khái niệm, biểu hiện, vai trò, tác dụng. Bên cạnh đó, việc dạy viết VBTM có lồng ghép YTNL vẫn còn tồn tại những thiếu sót về cách triển khai và hướng dẫn rõ ràng, cách đánh giá cụ thể dẫn đến việc hiệu quả dạy học chưa cao. Từ những cơ sở lí luận và thực tiễn như trên, chúng tôi tiến hành đề xuất một số biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL và trình bày ở Chương 2. 37
  47. CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH CÓ LỒNG GHÉP YẾU TỐ NGHỊ LUẬN 2.1. Nguyên tắc đề xuất các biện pháp Các biện pháp mà chúng tôi đề xuất sau đây là những hoạt động cụ thể mà GV có thể tiến hành để hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL, được thiết kế dựa trên các nguyên tắc như sau: 2.1.1. Đảm bảo bám sát đặc điểm của văn bản thuyết minh VBTM là một kiểu VB được viết ra nhằm cung cấp những thông tin/tri thức khoa học về một đối tượng nào đó trong tự nhiên, xã hội. Với vai trò này, VBTM có những đặc điểm riêng phân biệt nó với những kiểu VB khác về các phương diện: phương thức biểu đạt, cấu trúc VB, ngôn ngữ sử dụng và tính chất nội dung. YTNL là một thành phần được lồng ghép vào VBTM để tăng tính hấp dẫn và thuyết phục của VBTM. Yếu tố này có tính chất nghị luận đặc trưng rất khác với đặc điểm của VBTM. Vì vậy khi thực hiện lồng ghép vào VB cần lưu ý kĩ để tránh việc sử dụng quá nhiều, làm mất đi tính chất thuyết minh của VB. Để hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL có hiệu quả, các biện pháp đề xuất phải đảm bảo bám sát các đặc điểm của VBTM, cụ thể là: (1) đảm bảo phương thức biểu đạt chính vẫn là thuyết minh; (2) bám sát cấu trúc của VBTM; (3) đảm bảo yêu cầu về tính chính xác, khoa học của ngôn ngữ thuyết minh; (4) đảm bảo tính khách quan, xác thực của nội dung thuyết minh. 2.1.2. Đảm bảo tính trực quan So với các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm – những yếu tố khá quen thuộc với HS, HS dễ dàng nhận biết và lồng ghép vào VBTM thì YTNL là một yếu tố không dễ để HS nhận biết và theo đó, việc lồng ghép vào VBTM cũng trở nên khó khăn hơn bởi tính chất nghị luận đặc trưng và những hình thức biểu hiện riêng của nó. Bên cạnh đó, để viết được VBTM có lồng ghép YTNL có hiệu quả như mong muốn, HS cần phải phối hợp nhiều kĩ năng phức tạp như: kĩ năng nhận diện YTNL trong VBTM, kĩ năng lựa chọn nội dung thuyết minh để lồng ghép YTNL, kĩ năng lựa chọn các YTNL phù hợp với kiểu cấu trúc VBTM sẽ sử dụng Với tính chất khó khăn này, 38
  48. các biện pháp đề xuất phải là những hoạt động có tính trực quan cao như phân tích mẫu, sử dụng bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh, tác động trực tiếp đến tri giác của HS, giúp HS dễ dàng tiếp thu và vận dụng kiến thức, cụ thể là hiểu được YTNL và có thể lồng ghép được YTNL vào VBTM. 2.1.3. Đảm bảo tính tích cực, chủ động của học sinh Các biện pháp dạy học là những cách thức tác động và hành động cụ thể mà GV thực hiện nhằm giúp HS tiếp thu kiến thức và hình thành các kĩ năng học tập cụ thể. Để giúp HS viết được VBTM có lồng ghép YTNL đạt được hiệu quả như mong muốn, các biện pháp đề xuất cần phải khuyến khích được thái độ học tập tích cực của HS, tạo điều kiện để HS chủ động trong việc lồng ghép YTNL vào VBTM mà các em sẽ viết như: chủ động lựa chọn nội dung thuyết minh để lồng ghép YTNL, chủ động lựa chọn YTNL để lồng ghép vào VBTM, chủ động lựa chọn kiểu cấu trúc VBTM sẽ triển khai để viết VBTM có lồng ghép YTNL. 2.1.4. Đảm bảo tính sáng tạo của học sinh Một trong những năng lực nằm trong mục tiêu phát triển các năng lực chung của Chương trình Ngữ văn 2018 chính là năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Trong dạy viết, bài viết của HS là sự thể hiện mức độ tiếp nhận và vận dụng các kiến thức đã được học đồng thời thể hiện được khả năng sáng tạo của mỗi HS. Mỗi bài viết sẽ có những cách triển khai nội dung khác nhau thể hiện dấu ấn của người viết. Dấu ấn này chính là sự biểu hiện của tư duy và khả năng sáng tạo của người viết. Sáng tạo là một trong những năng lực có độ khó lớn và được đánh giá cao. Vì vậy, các biện pháp được đề xuất cần đảm bảo được tính sáng tạo, tạo điều kiện và khuyến khích HS thể hiện quan điểm, ý kiến riêng của mình qua việc lồng ghép các YTNL vào VBTM. 2.2. Một số biện pháp đề xuất 2.2.1. Hướng dẫn học sinh nhận diện yếu tố nghị luận trong văn bản thuyết minh Như đã trình bày ở Chương 1, các YTNL được thể hiện trong VBTM bao gồm: câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ liên kết có tính chất lập luận (quan hệ từ 39
  49. và cặp quan hệ từ, các từ lập luận, các từ/cụm từ khẳng định hoặc phủ định) và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Để giúp HS nhận diện các yếu tố này trong VBTM, chúng tôi đề xuất các biện pháp như sau: 2.2.1.1 . Sử dụng bảng biểu, sơ đồ Biện pháp này chúng tôi đề xuất dựa trên cơ sở cấu trúc của VBTM.  Về bảng biểu a) Cách sử dụng Trong giờ dạy viết, GV cung cấp cho HS bảng như Bảng 1.3: Các hình thức biểu hiện của YTNL trong VBTM, yêu cầu HS dựa vào bảng này, chú ý cột thứ 3 để tìm các YTNL thể hiện qua phương diện từ ngữ được đưa vào VBTM. b) Yêu cầu khi sử dụng GV cần giới thiệu và giải thích cho HS hiểu rõ các nội dung được trình bày trong bảng, hướng dẫn HS cách sử dụng bảng sao cho hiệu quả rồi sau đó mới cho HS thực hiện. c) Ví dụ GV cho ngữ liệu Vì sao không nên tưới nước cho hoa vào buổi trưa hè? (Phụ lục 2.4), yêu cầu HS đọc VB này và dựa vào bảng Các hình thức biểu hiện của YTNL trong VBTM đã giới thiệu trong giờ học lí thuyết, chỉ ra các YTNL có trong VB.  Về sơ đồ: a) Cách sử dụng GV cung cấp cho HS bảng Mẫu sơ đồ nội dung của các kiểu cấu trúc VBTM, hướng dẫn HS phân tích ngữ liệu mẫu của từng kiểu cấu trúc bằng sơ đồ thông tin tương ứng. Sau đó yêu cầu HS tự thực hiện phân tích một VBTM có lồng ghép YTNL bằng sơ đồ thông tin. Sơ đồ nội dung của từng kiểu cấu trúc cụ thể như sau: 40
  50. Bảng 2.1: Mẫu sơ đồ nội dung các kiểu cấu trúc của VBTM Kiểu cấu trúc Sơ đồ nội dung Nội dung 2 Nội Nội Mô tả/tổng hợp dung 1 Ý chính dung 3 Nội dung 4 Trình tự/Chuỗi thời Nội dung 1 gian Nội dung 2 Nội dung 3 So sánh/đối chiếu Giốngnhau Khác nhau Khác nhau Nguyên nhân và ảnh hưởng Ảnh hưởng 1 Ảnh hưởng 2 Ảnh hưởng 3 Nguyên nhân Nguyên Vấn đề và giải pháp Vấn đề Giải pháp 41
  51. b) Yêu cầu khi sử dụng GV cần giới thiệu và giải thích cho HS hiểu rõ các nội dung thuyết nào trong VBTM cần được đưa vào sơ đồ thông tin, hướng dẫn HS cách sử dụng rồi sau đó mới cho HS tự mình thực hiện. Bên cạnh đó, GV cũng cần tạo điều kiện và khuyến khích sự sáng tạo của HS trong việc thiết kế các hình thức biểu hiện của sơ đồ thông tin. c) Ví dụ GV cho ngữ liệu Vì sao gọi là cá mực? (Phụ lục 2.5), yêu cầu HS đọc VB này, xác định kiểu cấu trúc được sử dụng để viết một đoạn văn bất kì trong VB và trình bày các nội dung thông tin chính của đoạn văn đó theo sơ đồ thông tin của kiểu cấu trúc đó. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là các sơ đồ thông tin được đưa ra cho mỗi kiểu cấu trúc trên chỉ có tính chất làm mẫu/định hướng và không bắt buộc HS phải hoàn toàn tuân theo cách thể hiện của sơ đồ thông tin đó. HS có thể lựa chọn và thiết kế hình thức biểu hiện của sơ đồ thông tin theo sáng tạo riêng của mình, miễn là vẫn đảm bảo thể hiện được các thông tin quan trọng và hình thức lập luận của VBTM đang tìm hiểu. 2.2.1.2 Sử dụng bài tập a) Cách sử dụng GV có thể sử dụng bài tập dạng bài tập nhận diện này trong hoạt động hình thành kiến thức mới và trong hoạt động luyện tập. Đây là dạng bài tập có độ khó trung bình, vì vậy, GV có thể tổ chức cho HS làm việc theo từng cá nhân khi thực hiện bài tập. b) Yêu cầu khi sử dụng GV cần sử dụng các ngữ liệu thuộc nhiều kiểu cấu trúc và vấn đề/đề tài thuộc các lĩnh vực khác nhau trong tự nhiên và xã hội. Việc sử dụng đa dạng các ngữ liệu sẽ giúp HS ghi nhớ tốt hơn các kiểu cấu trúc và sự thể hiện của từng kiểu cấu trúc trong VBTM cũng như khợi gợi được hứng thú học tập, hiểu biết của HS về các vấn 42
  52. đề/đề tài trong thực tế đời sống. Bên cạnh đó, GV cũng cần lưu ý cần sử dụng bài tập hướng dẫn với số lượng hợp lí, tránh gây nhàm chán và nặng nề cho HS. c) Ví dụ: Một số bài tập giúp HS nhận diện YTNL trong VBTM 1. Đọc VB Vì sao không nên tưới nước cho hoa vào buổi trưa hè? (Phụ lục 2.4), hãy chỉ ra các YTNL được thể hiện trên phương diện từ ngữ được sử dụng trong VB. 2. Cho VB sau, (trích VB Vì sao không nên tưới nước cho hoa vào buổi trưa hè? (Phụ lục 2.4), theo em nội dung được thể hiện trong VB này có sự thống nhất và mạch lạc không? Dấu hiệu nào cho em biết điều đó? 3. Đọc VB Vì sao không nên tưới nước cho hoa vào buổi trưa hè? (Phụ lục 2.4) và nhận xét về sự liên kết giữa các nội dung được trình bày trong VB? Theo em, yếu tố nào đã tạo nên sự liên kết đó? 4. Đọc VB Vì sao không nên tưới nước cho hoa vào buổi trưa hè? (Phụ lục 2.4) và trả lời những câu hỏi sau: - Tác giả đã sử dụng những thông tin nào để giải thích vì sao không nên tưới nước cho hoa vào buổi trưa? - Các thông tin này được sắp xếp và tổ chức theo kiểu cấu trúc nào? Dựa vào đâu mà em biết được điều đó? - Hãy chỉ ra các YTNL được thể hiện trong VB. 2.2.1.3 Sử dụng câu hỏi a) Cách sử dụng GV xây dựng hệ thống câu hỏi hướng dẫn HS nhận diện các YTNL được lồng ghép trong VBTM có độ khó tăng dần. Giữa các câu hỏi có sự liên kết chặt chẽ với nhau, câu này là sự nối tiếp của câu kia. Tùy theo số lượng và độ khó của câu hỏi mà GV tổ chức cho HS làm việc cá nhân hay làm việc theo nhóm. Đây là một biện pháp có tính linh động cao vì vậy GV có thể sử dụng ở hầu khắp các hoạt động học tập như: hoạt động hình thành kiến thức mới, hoạt động luyện tập, hoạt động vận dụng. b) Yêu cầu khi sử dụng 43
  53. GV cần tập trung vào dạng câu hỏi suy luận thay vì sử dụng câu hỏi tái hiện. Tuy nhiên, cũng giống như biện pháp sử dụng bài tâp, GV cần đưa ra các câu hỏi với số lượng hợp lí, tránh gây nhàm chán và nặng nề cho HS. c) Ví dụ GV cho HS phân tích các YTNL được lồng ghép trong VB Vì sao nước lại không cháy? (Phụ lục 2.6) bằng hệ thống câu hỏi sau: 1. Phương thức biểu đạt chính của VB này là gì? 2. VB trên trình bày nội dung gì? Nội dung này được triển khai bằng kiểu cấu trúc nào? 3. Việc lựa chọn kiểu cấu trúc như vừa trình bày có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung VB? Nếu em là người viết, em có lựa chọn kiểu cấu trúc này để triển khai nội dung VB không? Hãy lí giải về sự lựa chọn của mình. 4. Các yếu tố nghị luận được sử dụng trong VB này là gì? Em có đánh giá gì về tác dụng của các yếu tố nghị luận vừa tìm được lồng ghép trong VB này? Có thể thấy, câu hỏi 1 và 2 là câu hỏi dễ, HS có thể tìm ra câu trả lời trực tiếp trên VB. Câu hỏi 3 và 4 là câu hỏi suy luận và mỗi câu sử dụng một hoặc kết hợp các dạng câu hỏi suy luận khác nhau. Ví dụ ở câu 3, ý 2 là dạng câu hỏi giả thuyết, ý 3 là dạng câu giải thích. Để trả lời những câu hỏi này, người học phải huy động các kiến thức nền – những điều đã biết trước đó, các kinh nghiệm của bản thân và những kiến thức mới vừa học để trả lời.Việc trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp HS xác định được các YTNL được đưa vào VBTM và đưa ra được những đánh giá về tác dụng của các yếu tố này trong việc thể hiện nội dung VB. 2.2.2. Hướng dẫn học sinh lựa chọn nội dung thuyết minh có thể lồng ghép yếu tố nghị luận 2.2.2.1 Sử dụng câu hỏi a) Cách sử dụng Với biện pháp sử dụng đa dạng các kiểu câu hỏi, như đã trình bày ở nội dung trên, chúng tôi sẽ sử dụng hai dạng câu hỏi là câu hỏi tái hiện và câu hỏi suy luận, trong đó tập trung vào câu hỏi suy luận. GV có thể đưa một vài chủ đề phù hợp với 44
  54. trình độ, lứa tuổi và mối quan tâm của HS như vật nuôi, món ăn truyền thống, trường học của em, tác giả văn học yêu thích, các hiện tượng tự nhiên, sau đó đưa ra các câu hỏi hướng dẫn HS xác định vấn đề thuyết minh và lựa chọn nội dung thuyết minh có thể lồng ghép YTNL. Cụ thể việc thực hiện như sau: Trước hết GV cần hướng dẫn HS xác định nhiệm vụ, mục đích viết bằng hệ thống câu hỏi sau: 1. Tôi chuẩn bị viết về vấn đề gì? 2. Tôi viết về vấn đề này làm gì? 3. Tôi cần sử dụng kiểu VB nào đề triển khai nội dung bài viết? 4. Tôi cần có những thông tin/kiến thức nào để viết về vấn đề được đưa ra? 5. Làm cách nào để có được những thông tin/kiến thức này. Sau đó, GV hướng dẫn HS tìm ý cho bài viết và lựa chọn nội dung có thể lồng ghép YTNL bằng hệ thống câu hỏi sau: 1. Bài viết của tôi cần triển khai những nội dung gì để đảm bảo yêu cầu của đề bài? 2. Trong các nội dung đó, tôi sẽ chọn nội dung nào để lồng ghép YTNL? 3. Vì sao tôi lại chọn nội dung đó? 4. Mục đích của việc lồng ghép YTNL vào nội dung đó là gì? 5. Tác dụng của việc lồng ghép YTNL vào nội dung đó là gì? 6. Nếu không lựa chọn nội dung đó mà chọn các nội dung khác để lồng ghép thì hiệu quả thuyết minh có thay đổi không? Nếu có thì thay đổi như thế nào? Nếu không, hãy giải thích lí do vì sao lại như vậy? Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp HS giới hạn được phạm vi kiến thức cần sử dụng trong bài viết và đảm bảo được việc thực hiện đúng yêu cầu của đề, tránh được các trường hợp viết lan man, không rõ ràng (điều tối kị đối với kiểu VBTM) hay lạc đề, b) Yêu cầu khi sử dụng GV cần triển khai các nội dung hướng dẫn theo trình tự hợp lí và hỗ trợ HS trong quá trình trả lời các câu hỏi gợi ý. Các câu hỏi hướng dẫn cần được trình bày 45
  55. bằng một hệ thống chặt chẽ và logic với các câu hỏi có độ khó tăng dần và giữa các câu đều có sự liên kết với nhau, câu này là sự nối tiếp của câu kia. c) Ví dụ GV cho HS thực hiện bài viết với đề bài: “Giới thiệu về một bãi biển mà em yêu thích”. Để thực hiện bài viết theo yêu cầu của đề bài này, HS cần tuần tự thực hiện các hướng dẫn trên và trả lời các câu hỏi. Khi trả lời các câu hỏi này, HS sẽ có những định hướng làm bài cụ thể và lựa chọn được nội dung thuyết minh phù hợp để lồng ghép YTNL. 2.2.2.2 Sử dụng bài tập a) Cách sử dụng: GV cung cấp cho HS ngữ liệu là bài văn hoặc đoạn văn thuyết minh có lồng ghép YTNL. Sau đó, yêu cầu HS đọc và phân tích/lí giải/đánh giá mục đích, vai trò, tác dụng của việc lồng ghép YTNL trong bài văn hoặc đoạn văn thuyết minh đó. Khi quan sát và tìm hiểu những ngữ liệu này, HS sẽ học được cách đưa YTNL vào (những) nội dung thuyết minh phù hợp nhằm tăng sức thuyết phục và hấp dẫn của bài viết, rèn luyện được kĩ năng lựa chọn nội dung thuyết minh để lồng ghép YTNL. b) Yêu cầu khi sử dụng Những ngữ liệu được sử dụng trong bài tập phải đa dạng về đề tài/chủ đề để tạo hứng thú học tập cho HS đồng thời giúp các em tiếp thu được kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, GV cần lưu ý về số lượng bài tập sẽ đưa vào tiết học, không sử dụng quá nhiều để tránh gây nhàm chán và áp lực cho HS. c) Ví dụ GV cho HS thực hiện bài tập sau: Đọc VB Giới thiệu chiếc mâm – một đồ dùng quen thuộc trong sinh hoạt (Phụ lục 2.7). Xác định (những) nội dung thuyết minh có lồng ghép YTNL và phân tích mục đích, vai trò, tác dụng của việc lồng ghép (các) YTNL đó trong VB. 2.2.3. Hướng dẫn học sinh viết đoạn văn thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận 2.2.3.1 Sử dụng đoạn văn mẫu 46
  56. a) Cách sử dụng GV thực hiện cung cấp đoạn mẫu, đặt câu hỏi để HS nhận diện cấu trúc đoạn văn thuyết minh. Hướng dẫn HS viết đoạn văn thuyết minh theo cấu trúc tương tự hoặc các cấu trúc khác đã học. b) Yêu cầu khi sử dụng GV cần giới thiệu các kiểu cấu trúc, dấu hiệu nhận biết và sơ đồ thông tin của từng kiểu cấu trúc. Sau đó GV cung cấp cho HS cơ hội phân tích các cấu trúc VB trong một VBTM bất kì. Ở giai đoạn này, HS xem lại các từ và cụm từ là dấu hiệu nhận biết của kiểu cấu trúc được sử dụng để triển khai nội dung VB mẫu hoặc có thể sử dụng sơ đồ thông tin để tóm lược lại nội dung thuyết minh được trình bày trong VB. c) Ví dụ GV cung cấp đoạn văn trong VB Vì sao Trái Đất luôn quay mà con người không bị văng ra? (Phụ lục 2.8) và yêu cầu HS trả lời các câu hỏi sau: 1. Phương thức biểu đạt chính của VB trên là gì? 2. VB trên viết về nội dung gì? 3. Nội dung này được triển khai bằng kiểu cấu trúc nào? Dấu hiệu nào cho em biết được điều đó? 4. Tác dụng của việc sử dụng cấu trúc này để diễn đạt nội dung thuyết minh là gì? 5. Có thể sử dụng (các) kiểu cấu trúc khác để diễn đạt nội dung thuyết minh trên không? Nếu được, em sẽ sử dụng kiểu cấu trúc nào? Nếu không, hãy lí giải nguyên nhân. 6. Nếu viết lại nội dung thuyết minh trên, em dự định sẽ lồng ghép YTNL nào trong đoạn văn? Có thể thấy, VB trên được viết theo cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng. Việc trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp HS định hình được sự thể hiện của cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng trong một VBTM và cách để viết đoạn văn thuyết minh theo kiểu cấu trúc đó. 47
  57. 2.2.3.2 Sử dụng bài tập a) Cách sử dụng - Đối với đoạn mở bài: GV nhắc lại nhiệm vụ của đoạn mở bài trong VBTM – giới thiệu về đối tượng được thuyết minh và hướng dẫn HS một số kĩ thuật viết đoạn mở bài có lồng ghép YTNL như kĩ thuật: đặt câu hỏi gợi mở Bạn có tin rằng, Có bao giờ bạn tự hỏi, Bạn có bao giờ nghĩ về; đưa ra một ý kiến độc đáo táo bạo; đưa ra một sự thật bất thường, đáng kinh ngạc Sau đó đưa ra các chủ đề/đề tài thuyết minh để HS lựa chọn và yêu cầu HS viết đoạn mở bài cho chủ đề/đề tài thuyết minh đã chọn. - Đối với đoạn trong thân bài: GV nhắc lại nhiệm vụ của các đoạn trong thân bài của bài văn thuyết minh – triển khai các nội dung chính của VBTM như đặc điểm, tính chất, vai trò, ý nghĩa, của đối tượng được thuyết minh; nhấn mạnh mỗi nội dung thuyết minh sẽ được triển khai thành một/một vài đoạn văn và hướng dẫn HS cách lồng ghép YTNL vào đoạn văn thuyết minh: lựa chọn YTNL sẽ lồng ghép, lựa chọn kiểu cấu trúc sẽ triển khai cho đoạn văn và viết đoạn văn thuyết minh theo cấu trúc đã chọn. Sau đó đưa ra các chủ đề/đề tài thuyết minh để HS lựa chọn và yêu cầu HS viết một đoạn văn thuyết minh triển khai một nội dung thuyết minh bất kì (đặc điểm, tính chất, vai trò, ý nghĩa, của đối tượng được thuyết minh) theo chủ đề/đề tài thuyết minh đã chọn. - Đối với đoạn kết bài: GV nhắc lại nhiệm vụ của đoạn kết bài trong VBTM – tóm tắt các nội dung chính/trình bày lại chủ đề chính của văn bản, bày tỏ thái độ đối với đối tượng được thuyết minh, và hướng dẫn HS một số kĩ thuật viết đoạn kết bài có lồng ghép YTNL như: liên hệ bản thân, sử dụng các lời mời gọi Sau đó đưa ra các chủ đề/đề tài thuyết minh để HS lựa chọn và yêu cầu HS viết đoạn kết bài cho chủ đề/đề tài thuyết minh đã chọn. b) Yêu cầu khi sử dụng GV cần giới thiệu cách viết VBTM theo từng kiểu cấu trúc cụ thể và các kĩ thuật viết hiệu quả cho từng phần mở bài, thân bài, kết bài. Đồng thời, GV cần cân 48
  58. nhắc sử dụng số lượng bài tập và độ khó bài tập phù hợp với trình độ nhận thức của HS, tránh gây nhàm chán, áp lực, mệt mỏi cho HS khi học. c) Ví dụ GV cho HS thực hiện bài tập sau: Chọn một trong các đề tài thuyết minh sau và viết đoạn mở bài cho đề tài thuyết minh đã chọn: - Thuyết minh về một cuốn sách/một tác phẩm văn học. - Thuyết minh một hiện tượng tự nhiên/xã hội - Thuyết minh một món ăn đặc sản của một vùng miền bất kì. Để thực hiện bài tập này, GV cần hướng dẫn HS các bước thực hiện như sau: - Xác định đối tượng cần thuyết minh. - Lựa chọn YTNL sẽ lồng ghép trong đoạn văn. - Lựa chọn kĩ thuật viết đoạn mở bài có lồng ghép YTNL. - Viết đoạn mở bài có lồng ghép YTNL và sử dụng kĩ thuật viết đoạn mở bài có lồng ghép YTNL đã chọn . Tóm lại, trên đây chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL theo ba nội dung cụ thể là: hướng dẫn HS nhận diện YTNL trong VBTM, hướng dẫn HS lựa chọn nội dung thuyết minh có thể lồng ghép YTNL và hướng dẫn HS viết đoạn văn thuyết minh có lồng ghép YTNL. Có thể khái quát lại các biện pháp hướng dẫn như sau: Bảng 2.2: Một số biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL Nội dung Biện pháp Yêu cầu khi sử dụng hướng dẫn - Giới thiệu và giải thích cho HS hiểu rõ các nội dung Hướng dẫn 1. Sử dụng được trình bày trong bảng. HS nhận bảng biểu - Hướng dẫn HS cách sử dụng bảng sao cho hiệu quả rồi diện YTNL sau đó cho HS tự thực hiện. trong 2. Sử dụng - Giới thiệu và giải thích cho HS hiểu rõ các nội dung VBTM sơ đồ nào trong VBTM cần được đưa vào sơ đồ thông tin. 49
  59. - Hướng dẫn HS cách sử dụng rồi cho HS tự mình thực hiện. - Tạo điều kiện và khuyến khích sự sáng tạo của HS trong việc thiết kế các hình thức biểu hiện của sơ đồ thông tin. - Sử dụng các ngữ liệu thuộc nhiều kiểu cấu trúc và vấn đề/đề tài thuộc các lĩnh vực khác nhau trong tự nhiên và 3. Sử dụng xã hội. bài tập - Sử dụng bài tập hướng dẫn với số lượng hợp lí, tránh gây nhàm chán và nặng nề cho HS. - Tập trung vào dạng câu hỏi suy luận; 4. Sử dụng - Số lượng câu hỏi hợp lí, tránh gây nhàm chán và nặng câu hỏi nề cho HS. Hướng dẫn - Triển khai các nội dung hướng dẫn theo trình tự hợp lí. HS lựa 1. Sử dụng - Hỗ trợ HS trong quá trình trả lời các câu hỏi gợi ý. chọn nội câu hỏi - Hệ thống câu hỏi chặt chẽ và logic với các câu hỏi có dung độ khó tăng dần. thuyết - Ngữ liệu được sử dụng trong bài tập phải đa dạng về minh có thể 2. Sử dụng đề tài/chủ đề. lồng ghép bài tập - Số lượng bài tập hợp lí, không quá nhiều để tránh gây YTNL nhàm chán và áp lực cho HS. Hướng dẫn - Giới thiệu các kiểu cấu trúc, dấu hiệu nhận biết và sơ 1. Sử dụng HS viết đồ thông tin của từng kiểu cấu trúc. đoạn văn đoạn văn - Cung cấp cho HS cơ hội phân tích các cấu trúc VB mẫu thuyết trong một VBTM bất kì. minh có - Giới thiệu cách viết VBTM theo từng kiểu cấu trúc cụ 2. Sử dụng lồng ghép thể và các kĩ thuật viết hiệu quả cho từng phần mở bài, bài tập YTNL thân bài, kết bài. 50
  60. - Sử dụng số lượng bài tập và độ khó bài tập phù hợp với trình độ nhận thức của HS, tránh gây nhàm chán, áp lực, mệt mỏi khi học. 2.3. Điều kiện thực hiện các biện pháp đề xuất Để thực hiện các biện pháp đã đề xuất, cần đảm bảo các điều kiện sau: Về phía GV: Thứ nhất, GV cần có năng lực chuyên môn tốt, nắm vững chương trình và SGK để triển khai có hiệu quả các nội dung dạy học và đảm bảo yêu cầu cần đạt về viết VBTM có lồng ghép YTNL. Thứ hai, GV cần hiểu rõ bản chất của YTNL nói chung và YTNL trong VBTM nói riêng để tổ chức các hoạt động học tập phù hợp và lựa chọn được những biện pháp hướng dẫn thích hợp để giúp HS viết được VBTM có lồng ghép YTNL. Thứ ba, GV cần có hiểu biết sâu rộng về các đề tài/chủ đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống để lựa chọn những nội dung học tập phù hợp với nhiều đối tượng HS. Thứ tư, GV cần có và thành thạo những kĩ năng nghiệp vụ sư phạm như kĩ năng nêu vấn đề để tạo hứng thú học tập cho HS, kĩ năng quản lí lớp và giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình dạy học để đảm bảo thời lượng và chất lượng tiết dạy, kĩ năng nắm bắt tâm lí HS để lựa chọn nội dung dạy học thích hợp, kĩ năng tạo bầu không khí tích cực và sôi động cho lớp học. Thứ năm, GV cần khuyến khích và tôn trọng sự sáng tạo của HS trong suốt quá trình dạy học. Về phía HS: HS cần có thái độ học tập tích cực, chủ động phối hợp với GV trong quá trình triển khai các hoạt động dạy học bằng việc tự giác tìm hiểu, thu thập các thông tin có liên quan nội dung bài học và nghiêm túc thực hiện các hoạt động học tập mà GV đã yêu cầu và triển khai. Trên đây là một số điều kiện để thực hiện các biện pháp đã đề xuất. Có thể thấy, GV là một nhân tố quan trọng trong việc định hướng và tổ chức các hoạt động học tập hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL một cách hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã đề ra. 51
  61. Tiểu kết Chương 2 Từ cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn trình bày ở Chương 1, chúng tôi tiến hành đề xuất các biện pháp hướng dẫn HS viết VBTM có lồng ghép YTNL theo ba nội dung: hướng dẫn HS nhận diện YTNL trong VBTM, hướng dẫn HS lựa chọn nội dung thuyết minh có thể lồng ghép YTNL và hướng dẫn HS viết đoạn văn thuyết minh có lồng ghép YTNL. Mỗi biện pháp chúng tôi đề xuất tuân theo các nguyên tắc như đã trình bày ở nội dung 2.1, cụ thể là: (1) đảm bảo bám sát đặc điểm của VBTM, (2) đảm bảo tính trực quan, (3) đảm bảo tính tích cực, chủ động của HS, (4) đảm bảo tính sáng tạo của HS. Đồng thời, với từng biện pháp, chúng tôi đều đưa ra những ví dụ cụ thể và các yêu cầu cần đảm bảo để GV có thể căn cứ vào đó lựa chọn các biện pháp hướng dẫn từ đó triển khai các hoạt động dạy học phù hợp nhằm đạt được hiệu quả như mong muốn. 52