Khóa luận Mộng trong thơ văn Tản Đà
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Mộng trong thơ văn Tản Đà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- khoa_luan_mong_trong_tho_van_tan_da.pdf
Nội dung text: Khóa luận Mộng trong thơ văn Tản Đà
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN NGUYỄN ANH THƯ MỘNG TRONG THƠ VĂN TẢN ĐÀ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2018
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐỀ TÀI: MỘNG TRONG THƠ VĂN TẢN ĐÀ GVHD: TH.S LÊ VĂN LỰC SVTH: NGUYỄN ANH THƯ MSSV: K40.606.043 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2018 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2018
- LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành khóa luận “Mộng trong thơ văn Tản Đà”, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến các thầy cô khoa Ngữ Văn đã tận tình giảng dạy tôi trong suốt những năm tôi theo học tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Và hơn hết, tôi xin tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với thầy Lê Văn Lực, người đã tận tâm giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện khóa luận. Sinh viên thực hiện Nguyễn Anh Thư
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Khóa luận tốt nghiệp này là do tự bản thân tôi thực hiện và có sự hỗ trợ từ giáo viên hướng dẫn, không sao chép các công trình nghiên cứu của người khác. Các dữ liệu thông tin thứ cấp sử dụng trong khóa luận là có nguồn gốc và được trích dẫn rõ ràng. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời cam đoan này! Sinh viên thực hiện Nguyễn Anh Thư
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3 3. Phạm vi nghiên cứu 6 4. Phương pháp nghiên cứu 7 5. Cấu trúc khóa luận 7 CHƯƠNG 1 : GIỚI THUYẾT VỀ MỘNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 9 1.1 Khái niệm mộng 9 1.2 Mộng trong thơ văn Việt Nam trước và sau Tản Đà 11 1.2.1 Mộng trong thơ văn trung đại 11 1.2.1.1 Mộng nhắm mắt – mộng tín ngưỡng 12 1.2.1.2 Mộng mở mắt – mộng tưởng 14 1.2.2 Mộng trong thơ văn đầu thế kỷ XX đến 1945 17 1.3 Tản Đà, về thân thế và cá tính 22 1.3.1 Một cuộc đời nhiều biến động 22 1.3.2 Một cá tính đặc biệt 26 1.4 Hiện tượng Tản Đà trong lịch sử văn học dân tộc 30 1.4.1 Tản Đà có tầm ảnh hưởng lớn và đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 32 1.4.2 Tản Đà đã để lại nhiều tác phẩm giá trị, đa dạng về thể loại 36
- 1.5 Cơ sở hình thành mộng trong thơ văn Tản Đà 38 1.5.1 Việc chép mộng từ chính sự lý giải của Tản Đà 38 1.5.2 Một thời đại “đáng chán” đối với Tản Đà 41 1.5.3 Những yếu tố từ gia đình và bản thân Tản Đà 43 Tiểu kết 46 CHƯƠNG 2: MỘNG TRONG THƠ VĂN TẢN ĐÀ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG 48 2.1 Tản Đà, từ giấc mộng “kinh bang tế thế” đến mộng làm nhà tư tưởng 50 2.1.1 Tản Đà và giấc mộng “kinh bang tế thế” 50 2.1.2 Tản Đà với thuyết “Thiên lương” và giấc mộng “đại đồng” 57 Tiểu kết 65 2.2 Tản Đà và giấc mộng thoát ly 66 2.2.1 Tản Đà từ quan niệm “nhân sinh như mộng” đến nỗi chán kiếp làm người 67 2.2.2 Mộng lên cung trăng 74 2.2.3 Mộng được lên trời, gặp tiên 78 2.2.4 Tản Đà và giấc mộng viễn du 84 2.3 Tản Đà và giấc mộng yêu đương 87 2.3.1 Tản Đà, từ con người đa tình đến giấc mộng yêu đương 87 2.3.2 Những mối tình trong cuộc đời thực 89 2.3.3 Ước ao được gặp tri kỷ 94 2.3.4 “Lăng kính phong tình ân ái” của Tản Đà 99
- CHƯƠNG 3: MỘNG TRONG THƠ VĂN TẢN ĐÀ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT 104 3.1. Thể loại 104 3.1.1 Thơ viết về mộng của Tản Đà đa dạng về thể 104 3.1.2 Văn xuôi viết về mộng của Tản Đà 111 3.2 Ngôn ngữ 116 3.2.1 Ngôn ngữ trong thơ viết về mộng của Tản Đà 116 3.2.1.1 Một số biện pháp tu từ nổi bật 117 3.2.1.2 Đại từ phiếm chỉ 125 3.2.2 Ngôn ngữ trong văn xuôi viết về mộng của Tản Đà 126 3.3 Không gian nghệ thuật của những giấc mộng trong thơ văn Tản Đà 129 3.3.1 Không gian thiên nhiên 130 3.3.2 Không gian con người 133 3.4 Thời gian nghệ thuật của những giấc mộng trong thơ văn Tản Đà 137 3.4.1 Thời gian quá khứ 139 3.4.2 Thời gian hiện tại 142 3.4.3 Thời gian tương lai 146 Tiểu kết 148 KẾT LUẬN 150 DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU 153 TÀI LIỆU THAM KHẢO 154
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài “Chiêm bao là khúc dạo đầu cho cuộc sống hoạt động” (Bachelard), “Người ta chỉ chiêm mộng trước tiên và hầu như chỉ về mình và thông qua mình” (C.G.Jung), “Mơ mộng là một sự chuẩn bị cho đời thực” (Moeder), “Tương lai được chiếm lĩnh bằng mộng mơ trước khi nó được chiếm lĩnh bằng những thí nghiệm” (Becker). Thật vậy, những giấc mộng luôn đóng vai trò thiết lập một kiểu cân bằng trong trong đời sống tinh thần của con người. Mộng được chia làm hai loại: mộng nhắm mắt (mộng mị) và mộng mở mắt (mộng tưởng), từ thưở hồng hoang cho đến thời đại văn minh, nhân loại có lẽ chưa bao giờ ngừng mơ mộng. Vậy, cõi mộng vẫn là một cõi mà chúng ta vẫn phải cần tìm hiểu, sâu hơn và rộng hơn. Những gì có ở đời sống, văn học có, những gì không có ở đời sống, văn học cũng có. Vậy còn đời sống nào phong phú và màu mỡ hơn đời sống văn học? Văn học Việt Nam qua các thời kỳ: trung đại (thế kỷ X đến thế kỷ XIX), Pháp thuộc, giao thời (đầu thế kỷ XX đến 1945), cách mạng (1945 – 1975), đổi mới (sau 1986), ấy là cách chia theo những biến chuyển của lịch sử - xã hội, đơn giản hơn, văn học Việt Nam có thể phân thành hai giai đoạn: trung đại và hiện đại. Chiếc cầu nối hai giai đoạn ấy là văn học giao thời (1900 – 1930) và người ngồi vắt vẻo trên cây cầu ấy, chúng tôi có thể khẳng định không ai nổi bật và xứng đáng hơn Tản Đà. Mười thế kỷ, ngót gần một ngàn năm văn học trung đại rồi cũng đi đến hồi kết, thời đại mới yêu cầu một nền văn học mới, và đó cũng là thời điểm văn học giao thời ra đời. Ba mươi năm đầu thế kỷ XX có thể nói là bước chuyển mình đầu tiên của văn học Việt Nam từ phạm trù trung đại sang hiện đại. Lúc này, nếu ví nền văn học nước nhà là một con sông, thì
- 2 con sông ấy đang có sự giao hòa giữa hai dòng chảy: dòng chảy trung đại và dòng chảy hiện đại, hai dòng chảy ấy len lỏi vào nhau, lấn chiếm và quấn lấy nhau, tạo nên sự phức tạp cho nền văn học giai đoạn này. Tản Đà trót sinh ra vắt vẻo giữa hai thế kỷ, ấy vậy mà đó cũng chính là yếu tố khiến thơ văn ông trở thành một hiện tượng phức tạp vào hàng bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Giáo sư Trần Đình Hượu trong bài nghiên cứu Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã cho rằng: “Trên bước đường văn học Việt Nam đi từ truyền thống đến cận – hiện đại, Tản Đà là nhà văn có vị trí đặc biệt” [7; tr. 572]. Về hiện tượng Tản Đà và thơ văn của ông, tuy đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu, nhưng thiết nghĩ với một người có vị trí rất đặc biệt trong văn học Việt Nam, hẳn sẽ còn khoảng trống cho chúng tôi tìm hiểu. Tản Đà là một nhà thơ lớn và có thể nói sự góp mặt của ông như một hồi chuông báo hiệu cuộc chuyển mình của văn học dân tộc. Trong bài viết Công của thi sĩ Tản Đà, Xuân Diệu nhận định rằng: “Say, ngông và mộng. ba điểm ấy của Tản Đà làm cho thơ ông nhẹ nhàng phóng khoáng” [7; tr. 229]. Như vậy, trong thơ của Tản Đà ắt hẳn có mộng, mà mộng còn là một trong ba đặc điểm chính trong thơ ông. Bên cạnh đó, trong nền văn xuôi quốc ngữ thời kỳ phôi thai, Tản Đà là người đầu tiên cho ra đời những áng văn xuôi mang phong cách hiện đại, đáng lưu ý là bộ ba tập giấc mộng: Giấc mộng con (1917), Giấc mộng con II (1932) và Giấc mộng lớn (1929) đã cho thấy trong văn Tản Đà thì mộng cũng chiếm ưu thế không kém gì trong thơ. Hay nói cách khác, thế giới mộng bao trùm trong sáng tác Tản Đà, ông quả thật là “người mộng trong cõi thực” tồn tại giữa một xã hội nhiều biến động. Vậy, Tản Đà đã mộng những gì trong thơ và trong văn xuôi? Những giấc mộng của ông có tính chất như thế nào? Ông đã dùng những phương thức nào để thể hiện những giấc mộng ấy? Hàng loạt câu hỏi ấy ra đời đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về “Mộng trong thơ văn Tản Đà”.
- 3 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu vốn thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình văn học, thế nên đề tài “Mộng trong thơ văn Tản Đà” thực sự không phải là một đề tài có quá nhiều cái mới. Ở từng mức độ và góc độ khác nhau thì mộng trong thơ văn ông ít nhiều cũng đã được nhắc tới trong các bài viết, các công trình nghiên cứu. Năm 2003, trong Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn, Văn Tâm viết: “về phương diện văn xuôi, Tản Đà cũng có những bước đi mới mẻ đầu tiên, cũng có một số đóng góp nhất định, đáng để chúng ta lưu tâm” [22; tr. 430]. Đây là một công trình khá chi tiết và chỉn chu về những mâu thuẫn trong tư tưởng của Tản Đà. Trong phần “Ước mơ về xã hội chủ nghĩa không tưởng”, Văn Tâm đã viết khá cụ thể về xã hội mơ ước của Tản Đà trong Giấc mộng con, đây là một công trình giá trị và hỗ trợ nhiều cho chúng tôi trong việc tìm hiểu đề tài. Một trong những công trình mang tính tập hợp đáng lưu ý là cuốn Tản Đà – về tác gia và tác phẩm, xuất bản năm 2007 của Trịnh Bá Đĩnh. Công trình là tập hợp 14 bài viết kỷ niệm về Tản Đà và 44 bài nghiên cứu, phê bình về Tản Đà và văn chương của ông. Tuy nhiên, hầu hết những bài viết đều được lấy từ cuốn Tản Đà trong lòng thời đại của Nguyễn Khắc Xương (1997), nhà xuất bản Hội nhà văn. Mở đầu công trình là Lời giới thiệu của Giáo sư Hà Minh Đức, có đoạn viết: “Khép lại thời cận đại, Tản Đà đã đến như sự báo hiệu cho những đổi thay trong thơ ở một chặng mới. Tản Đà chất chứa nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn của buổi giao thời mà ông là người quy tụ hơn là đổi thay. Thơ Tản Đà chứa đựng một tấm lòng, ông khao khát tìm một thế giới tốt đẹp ở trần giới hay nơi tiên cảnh, ông sống giữa mộng và đời nhưng cuộc đời thực vẫn day dứt tác giả khôn nguôi.” [7; tr.10]. Tài liệu trên chúng tôi tin là đắt giá, do độ chính xác cao (được biên soạn bởi con trai trưởng Tản Đà) và đã đóng góp khá sâu rộng trong việc tìm hiểu về Tản Đà cùng với sự nghiệp sáng tác của ông. Chúng
- 4 tôi xin điểm qua các bài viết có liên quan đến mộng của Tản Đà có trong tài liệu trên: Trên báo Nam phong số 7, năm 1918, Phạm Quỳnh cho đăng bài viết Mộng hay mị với những lời đả kích về Giấc mộng con của Tản Đà: “đem cái ngông ấy phô diễn trong mấy chục tờ giấy thì thực là quá đáng vậy! Người ta phi cuồng thì không ai trần truồng đi ngoài phố.”, Phạm Quỳnh trách Tản Đà đã “khởi ra cái mộng kỳ quặc” và “tự phô mình một cách sỗ sàng”, ông nói thêm: “nhất là trong buổi quốc văn mới nhóm thành này, cần phải giữ cho văn chương khỏi biến ra mộng mị” [7; tr. 167]. Năm 1939, trên báo Ngày nay số 167, Xuân Diệu viết Công của thi sĩ Tản Đà với nhận định: “Say, ngông và mộng. ba điểm ấy của Tản Đà làm cho thơ ông nhẹ nhàng phóng khoáng” [7; tr. 229]. Cũng trong năm 1939, trên báo Tao Đàn, Lê Thanh đăng bài Mộng và mộng viết về mộng của Tản Đà, có viết: “Ông mộng rồi lại mộng. Ông chỉ sống vì mộng mà thôi”, Lê Thanh cũng nhận xét thêm rằng: “Những bài thơ làm trong khi ông mộng, hoặc khi ông đã tỉnh mộng đều là những áng thơ tuyệt tác” [7; tr. 238]. Năm 1971, trên tạp chí Văn, số Tản Đà, Thi Vũ có bài Tản Đà, người thi sĩ của sự lên đường, trong đó có đoạn viết như sau: “Cõi đời mới trong Giấc mộng con của Tản Đà không chỉ là niềm mơ ước không tưởng của Thomas More trên đảo Utopia, hay của Tommazo Campanella trên Civitas Solis. Cõi đời mới mang ngôn ngữ tố cáo và phê phán một hiện trạng có thực, khuyên thỉnh từ khước, và lập tâm xây dựng.” [7; tr. 402]. Cũng trong tạp chí Văn số 1971, trong bài viết Người ghét Tản Đà của mình, Vũ Bằng có trích lời Ngô Tất Tố về Tản Đà rằng: “Nguyễn Khắc Hiếu là một nhà thơ, một nhà văn, nhưng lại không chịu sống trong quỹ đạo ấy, mà lại
- 5 nuôi một cái mộng làm nhà tư tưởng, cho nên tôi phải tranh luận nhiều lần về cái tính tự phụ vô độ của ông ta” [7; tr. 153]. Trên Tạp chí Khoa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 1, năm 1990, Văn Tâm có bài viết khá chi tiết về Tản Đà – nhà văn hóa tiền đạo, trong đó có đoạn: “Khả năng tưởng tượng mãnh liệt để đắm mình vào thế giới mộng ảo (Giấc mộng con I, Giấc mộng con II, Nói chuyện với bóng, Nói chuyện với ảnh ) trong đó ẩn hiện những giấc mộng giang hồ về sau cũng đã quyến rũ biết bao thi sĩ trẻ: Thế Lữ: “Rũ áo phong sương trên gác trọ”, Lưu Trọng Lư “nửa đời phiêu lãng”, Nguyễn Tuân “xê dịch chủ nghĩa” đi gần đi xa không phải có nơi để mà đến mà là có nơi để mà bỏ” [7; tr. 469]. Như vậy, qua sáu bài viết có nhắc đến mộng trong công trình này, ta có thể thấy các tác giả bên cạnh việc thể hiện thái độ của mình đối với mộng trong thơ văn Tản Đà thì còn có những nghiên cứu, song vẫn chỉ dừng ở những nhận định mang tính khái quát. Một công trình nữa có đoạn viết về mộng trong thơ văn Tản Đà là trong Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2000 của Nguyễn Đăng Mạnh: “Tản Đà là nhà thơ của sầu và mộng, của những mối tình vẩn vơ. Trí tưởng tượng hết sức phóng túng giúp ông tạo nên những giấc mơ khá ngông cuồng. Ông làm văn tế khóc nàng Chiêu Quân đời Hán bên Tàu, ông mơ gánh thơ lên bán chợ Trời và thực hiện những cuộc du hành ở cõi trời từ Âu sang Á” [15; tr.35]. Công trình là những nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn 30 – 45, Nguyễn Đăng Mạnh đã dành hẳn một tiểu mục để nói về Tản Đà, với những nhận xét xác đáng. Năm 2004, nhà xuất bản Thế giới cho ra mắt cuốn Từ điển văn học (bộ mới), vô cùng đồ sộ. Trong mục từ “Giấc mộng con”, Nguyễn Huệ Chi đã trình bày như sau: “Viết Giấc mộng con, Tản Đà muốn thực hiện mộng ước về một
- 6 xã hội lý tưởng, về một người mộng lý tưởng – những mộng ước mà suốt cuộc đời thực ông đã không tìm được. Về hình thức, đây là một giấc mộng mang khuynh hướng thoát ly lãng mạn hoàn toàn có tính chất cá nhân” [11; tr. 529]. Về đề tài nghiên cứu, năm 2007, Lu Mai Tâm thực hiện khóa luận tốt nghiệp Mộng và thực trong thơ văn Tản Đà (một đề tài khá gần với đề tài mà chúng tôi đang tìm hiểu). Tuy nhiên, với cách khai triển thành hai chương “Từ mộng đến thực” và “Từ thực đến mộng”, xét thấy chưa thể đi sâu vào tìm hiểu mộng trong thơ văn Tản Đà đúng với tính chất của nó mà chỉ chứng minh việc mộng trong thơ văn Tản Đà có mối liên quan mật thiết với hiện thực. Nhìn chung, những nghiên cứu trên đã có ít nhiều đề cập đến mộng của Tản Đà trong các sáng tác của ông, khen có, chê có. Cũng qua đó, mộng trong thơ văn Tản Đà đã được các nhà nghiên cứu xem là một trong những đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì đấy vẫn còn là những công trình riêng lẻ, hầu hết là những nhận định khái quát. Vì vậy, trên cở sở của những người đi trước và những nỗ lực của bản thân, chúng tôi hy vọng khóa luận này sẽ là một trong những chỉnh thể đầu tiên tìm hiểu về “Mộng trong thơ văn Tản Đà”. 3. Phạm vi nghiên cứu Để phục vụ đề tài này, nhằm làm sáng rõ mộng trong thơ văn Tản Đà, chúng tôi khảo sát toàn bộ các văn bản thơ Tản Đà được in trong cuốn Tản Đà toàn tập (tập 1) xuất bản năm 2002 của Nguyễn Khắc Xương và tham khảo thêm cuốn Văn học hiện đại – Tuyển tập Tản Đà do Xuân Diệu giới thiệu cũng trong năm 2002. Với các tác phẩm văn xuôi, chúng tôi giới hạn trong phạm vi gần nhất với đề tài, bao gồm: Tản Đà văn tập, Giấc mộng con, Giấc mộng con II, Khối tình, Đài gương kinh, Thần tiền, Tản Đà tùng văn, Thề non nước, Tản Đà xuân sắc, Giấc mộng lớn được in trong Tản Đà toàn tập (tập 2)
- 7 và một số bài báo được in trên An Nam tạp chí cũng do Nguyễn Khắc Xương biên soạn. 4. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp lịch sử: Chúng tôi tìm hiểu thời đại nhà thơ Tản Đà sinh sống, khảo sát về thân thế và sự nghiệp của ông. Đó là những phương diện cơ bản hình thành nên nhân cách, cá tính con người của Tản Đà, phong cách thơ văn của ông để từ đó dẫn đến việc hình thành mộng trong thơ văn ông. - Phương pháp thống kê – phân loại: Sau khi khảo sát tất cả những tập thơ và văn tập của tác giả, chúng tôi tiến hành chọn lọc những câu thơ, đoạn văn có nói đến mộng và phân loại thành những kiểu dạng của mộng một cách hợp lý nhất. - Phương pháp phân tích – tổng hợp: Chúng tôi tiến hành phân tích một số bài thơ, câu thơ, đoạn văn về mộng tiêu biểu của Tản Đà và trên cở sở những kết quả đã phân tích, chúng tôi tổng hợp lại những ý chính nhằm làm nổi rõ yêu cầu của đề tài. - Phương pháp so sánh: Phương pháp này sử dụng ở một mức độ nào đó để đối sánh mộng trong thơ văn Tản Đà với các tác giả trước và sau ông, từ đó chúng tôi đưa đến nhận xét về sự nổi bật trong thơ văn viết về mộng của nhà thơ núi Tản sông Đà. 5. Cấu trúc khóa luận Bên cạnh phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo thì phần nội dung của khóa luận sẽ được triển khai trong 3 chương: Chương 1: Giới thuyết về mộng và một số vấn đề liên quan
- 8 Chương 2: Mộng trong thơ văn Tản Đà nhìn từ phương diện nội dung Chương 3: Những phương thức thể hiện mộng trong thơ văn Tản Đà
- 9 CHƯƠNG 1 GIỚI THUYẾT VỀ MỘNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 1.1 Khái niệm mộng Mộng, có lúc còn được gọi là giấc mơ, mơ mộng, cơn mơ, cơn mê, chiêm bao, ước ao, mộng mị v.v Trong Từ điển Tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, dưới góc độ là một danh từ thì mộng là “hiện tượng thấy người hay sự việc hiện ra như thật trong giấc ngủ” hoặc là “điều luôn luôn được hình dung, tưởng tượng tới và mong muốn trở thành sự thật, ví dụ: người yêu trong mộng”. Còn khi là một động từ thì mộng chỉ việc “thấy người hay sự việc hiện ra trong giấc ngủ, ví dụ: mộng thấy chuyện chẳng lành” [19; tr.830]. Như vậy, những gì xảy ra trong giấc ngủ mỗi ngày của con người thì gọi là mộng, những mong muốn của con người cũng được gọi là mộng. Do đó, ta có thể tạm chia khái niệm “mộng” thành hai loại: mở mắt và nhắm mắt; trong đó, mộng nhắm mắt có thể hiểu là mộng theo kiểu tín ngưỡng, còn mộng mở mắt là thuộc về mộng tưởng, những khao khát trong đời sống tinh thần của con người. Bỏ qua những giấc mộng trong khi nhắm mắt, “mộng” mà chúng tôi muốn tìm hiểu ở đây hay nói cách khác, mộng ở trong thơ văn Tản Đà là những mộng ước. Về mộng lúc tỉnh này, nhà văn người Tây Ban Nha Maria Zambrano đã viết trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới rằng: “Trong trạng thái tỉnh, chiêm mộng đột ngột chiếm ta mà không biết được và tạo ra một kiểu quên lãng hay hồi tưởng mà sự diễn biến của nó có thể xô đẩy ta tới những bờ cõi mà ý thức không thể dung nạp được. Khi ấy thì chiêm mộng trở thành mầm mống của sự ám ảnh, sự bóp méo hiện thực. Nhưng ngược hẳn lại, nếu nó dẫn dắt sang một bình diện ứng hợp với ý thức, đến nới mà ý thức và tâm hồn cộng sinh, thì nó lại trở thành một hình thức sáng tạo đời sống cá nhân hoặc trong một sự nghiệp” [2; tr 166].
- 10 Trong văn chương, mộng là một khái niệm được sử dụng khá rộng rãi, với nhiều tầng nghĩa đa dạng nhưng tương đối thống nhất. Nằm trong cùng trường ngữ nghĩa với mộng là mê: một động từ chỉ sự “ham thích tới mức như bị cuốn hút hoàn toàn vào, không còn biết đến những cái khác” [19; tr. 813]; mơ là việc con người ta: “nghĩ tới và mong có được (những điểu tốt đẹp ở ngay trước mắt hoặc chưa hề có.” [19; tr. 833]; ước là một động từ chỉ việc “mong có được điều biết là rất khó hoặc không hiện thực” [19; tr. 1410]; tưởng: “nghĩ đến nhiều một cách cụ thể và với tình cảm thiết tha.” [11; tr. 1398]. Như vậy, năm từ này sẽ là dấu hiệu đầu tiên giúp ta nhận biết mộng trong thơ văn Tản Đà. Bảng 1.1 Thống kê tỷ lệ phần trăm số bài thơ có chứa những từ thuộc trường ngữ nghĩa “mộng” (gồm: mộng/mơ/mê/tưởng/ước) trong thơ Tản Đà. Tên tác phẩm Năm xuất Tổng số Tổng số bài thơ có Tỷ lệ bản hoặc bài thơ chứa những từ (%) in lần mộng/mơ/mê/tưởng/ ước Tản Đà văn tập 1912 - 8 3 37.5 1915 Khối tình con I 1916 35 5 14.3 Khối tình con II 1918 28 7 25 Còn chơi – Thơ 1920 – 32 11 34.4 Tản Đà 1925
- 11 Thơ (đây không Chưa rõ phải là tên tập thơ) xuất xứ, 24 8 33.3 nơi in, năm sáng tác Thơ trên báo và 1926 - 50 7 14 An Nam tạp chí 1939 (Văn bản thơ và sự phân chia tập thơ của Tản Đà chúng tôi dựa vào cuốn Văn học hiện đại – Tuyển tập Tản Đà, do Xuân Diệu biên soạn, xuất bản năm 2002.) Từ bảng thống kê 1.1 ta thấy, số bài thơ có chứa những từ: mộng, mê, mơ, tưởng, ước là 41 bài, chiếm 23.2% trên tổng số bài thơ của Tản Đà. Như chúng tôi đã nói, những từ này là dấu hiệu đầu tiên để nhận dạng thơ viết về mộng của ông, bên cạnh đó có khá nhiều bài Tản Đà viết về mộng mà không có những từ này. 1.2 Mộng trong thơ văn Việt Nam trước và sau Tản Đà Chuyện mộng mơ trong văn học từ Đông sang Tây không hề thiếu, chẳng hạn ở văn học Trung Quốc có Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ở văn học phương Tây thì đơn cử truyện ngắn Giấc mơ của Franz Kafka. Vậy thì trong văn học viết Việt Nam trước và sau Tản Đà, chuyện mộng mị, mộng tưởng đã tồn tại như thế nào? 1.2.1 Mộng trong thơ văn trung đại
- 12 1.2.1.1 Mộng nhắm mắt – mộng tín ngưỡng Trước Tản Đà ngót thế kỷ, văn học trung đại Việt Nam đã có những giấc mộng tồn tại như một nét đặc biệt của yếu tố kỳ ảo, và hơn thế “giấc mộng không chỉ mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới tâm linh của người Việt mà còn tạo nên một vùng không gian hư ảo để con người tự do bộc lộ những khát khao, mộng tưởng mà lúc tỉnh thức họ không cách nào thực hiện được.” [35; tr.131]. Nghiên cứu về mộng trong thơ văn Tản Đà mà không nhắc đến văn học trung đại thì quả là một thiếu sót, vì ông Nguyễn Khắc Hiếu có “cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa.” (Hoài Thanh). Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, mỗi dân tộc, mỗi tín ngưỡng đều có những câu chuyện khác nhau về mộng mị và thường lý giải ý nghĩa mộng từ sự tồn tại của linh hồn, thần linh. Mộng trong văn học trung đại Việt Nam cũng mang màu sắc tương tự. Nói đến văn học trung đại nước ta thì dĩ nhiên không thể bỏ qua tuyệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nhân vật chính là nàng Thúy Kiều qua hai lần tìm đến cái chết cũng chính là hai lần không thể chết mà đặc biệt là trong cơn mê, nàng đều gặp gỡ Đạm Tiên – một hồn ma. Trong tác phẩm, thì hồn Đạm Tiên đã xuất hiện năm lần, và những giấc mơ Đạm Tiên mang lại không chỉ là ám ảnh mà đó còn đánh thức những dự cảm về tương lai của Kiều:“Thấy người nằm đó biết sau thế nào” hay “Một dày một mỏng biết là có nên” và “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Trong thế giới kỳ ảo của những giấc mộng, dường như kết giới giữa thế giới loài người và thế lực siêu nhiên đã được phá vỡ. Và trong chiêm bao, thần linh thường mang đến cho loài người lời hứa hẹn hay các điềm báo và sự báo mộng này cũng chính là một cách thể hiện sự hiển linh của các bậc thần thánh hay người đã khuất. Hay như trong Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào, sau khi được thầy cho lên thiên tào một chuyến, hiểu rõ sự tình, “Tử Hư từ biệt
- 13 thầy trở về, sang năm đi thi quả đỗ tiến sĩ. Phàm những việc cát hung họa phúc nhà Tử Hư, thường được thầy về báo cho biết.” [4; tr. 150]. Trong Chuyện Lý tướng quân nói về Lý Hữu Chi người huyện Đông Thành, vốn là một nông dân khỏe mạnh, bản tính hung tợn nhưng giỏi đánh trận nên được Quốc công Đặng Tất tiến cử cho làm tướng quân. Có quyền chức trong tay, Lý tướng quân ngày một độc ác, chém giết vô tội vạ, đến năm 40 tuổi thì chết. Hắn có một người con trai tên Thúc Khoản, Thúc Khoản lại có một người bạn thân tên Nguyễn Qùy, đã chết ba năm rồi. Theo chỉ dẫn của bạn, con trai của Lý tướng quân chứng kiến được cảnh Diêm phủ xét xử cha mình vô cùng ghê rợn. “Quỷ sứ liền vào lôi Hữu Chi điệu đi. Bấy giờ Thúc Khoản ở khe tường dòm thấy, khóc thất thanh. Mấy người quỷ sứ liền lấy tay bưng miệng rồi đưa về nhà, ném chàng từ trên không xuống đất. Thúc Khoản giật mình tỉnh dậy, thấy người nhà đương ngồi chung quanh mà khóc, nói mình chết đã hai ngày rồi, chỉ vì thấy ngực hãy còn thoi thóp và hơi nong nóng, cho nên chưa dám đem chôn. Thúc Khoản bèn ruồng bỏ vợ con, đem của cải tán cấp cho mọi người và đốt hết những văn tự nợ, vào rừng hái thuốc tu luyện.” [4; tr.237]. Trong quan niệm của con người trung đại thì số mệnh con người căn bản đã được định sẵn từ trước khi đứa trẻ chào đời, thông qua hình ảnh mà người mẹ nhìn thấy trong chiêm bao trước khi thụ thai hoặc qua những tín hiệu từ đứa bé sau khi sinh ra. Có một điều dễ thấy trong truyện trung đại thì sự ra đời của những nhân vật chính thường được thần linh báo mộng như một sự dự báo xuất thân phi thường của họ. Trong truyện thơ Hoàng Trừu, sự thụ thai nàng công chúa nước Nam được tác giả dân gian giới thiệu như sau: “Đền Nghêu rủ áo thong dong, Một bà hoàng hậu mơ mòng giấc hoa. Chiêm bao thấy vị sao sa,
- 14 Hai tay hứng được thật là chẳng sai” (Hoàng Trừu) Như vậy, “những gì hiện ra trong giấc chiêm bao có thể là ảo nhưng bản thân giấc chiêm bao là thực. Văn học trung đại đã mang vào tác phẩm của mình những giấc chiêm bao, có chiêm bao thấy điều dữ nhưng cũng có chiêm bao thấy điều lành và quan trọng là những điều lành điều dữ ấy đều ứng vào cuộc đời thật của những nhân vật” [35; tr.142]. Điều đó lí giải vì sao người trung đại nói chung và văn học trung đại nói riêng đều coi trọng những gì diễn ra trong giấc chiêm bao. Đối lập với quan niệm xem giấc mộng chỉ là những gì thuộc về ý thức của con người, văn học trung đại sùng kín những giấc mộng như một cách thiêng liêng nhất, thần bí nhất và đáng tin cậy nhất để con người kết nối với các thế lực siêu nhiên. Đó là niềm tin của người đời xưa và cũng là chất xúc tác tạo nên màu sắc huyền ảo vô cùng hấp dẫn trong văn học trung đại. 1.2.1.2 Mộng mở mắt – mộng tưởng Phải có lý do khiến mộng mị kiểu tín ngưỡng chiếm số lượng lớn trong văn học trung đại. Theo Lê Trí Viễn, “mỗi thời đại đều có cách cảm thức thế giới của riêng mình. Văn học là một hình thái hoạt động lựa chọn, đánh giá, phản ánh, sáng tạo thế giới” [28; tr. 49] và ở “thời trung đại, trừ cái mê tín vô nghĩa – người ta trộn lẫn cái trừu tượng, cái hoang đường với cái hiện thực: linh hồn là khẳng định, ma quỷ có mặt ở quanh mình, thần thánh, tiên, Phật giáng lâm là chuyện thật.” [28; tr. 76]. Thế nên việc Tản Đà từng than rằng: “Trời đất từ nay xa cách mãi” (Tống biệt) cũng chính vì “nếp cảm thức trung đại” vẫn luôn ngự trị trong ông. Những giấc mộng chỉ mang tính chất bị động, điềm báo cũng từ đó mà bao phủ chuyện chiêm bao trong văn học trung đại. Chúng ta không thể trách người trung đại hay mơ mộng một cách bị động như
- 15 vậy, vì trong khoảng thời gian ấy rõ ràng cái Tôi vẫn chỉ là một thứ gì đó rất mờ nhạt. Nói như vậy, không phải trong thời kỳ văn học trung đại hàng ngàn năm không tồn tại một thứ mộng mà ta gọi là mộng mơ, mộng tưởng. Tuy nhiên, chỉ đến giai đoạn hạ kỳ trung đại (thế kỷ XVIII – thể kỷ XIX) thì cái Tôi cá nhân mới có cơ hội phát triển, với khuynh hướng văn học lãng mạn thoát ly bàng bạc một nỗi sầu chủ quan, một nỗi chán cảnh thực tại. Vì thế mà có nỗi tiếc nhớ ngày xưa mà ta thấy trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia Dừng chân đứng lại, trời non nước Một mảnh tình riêng, ta với ta. (Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan) Hay việc con người mơ đến một thế giới khác – cõi tiên trong Bích câu kỳ ngộ, truyện thơ dài 678 câu thơ lục bát, kể về sự tích một người học trò tên là Trần Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu. Đây là một câu chuyện tình mang màu sắc hoang đường giữa người và tiên. Nhưng ẩn sau đó là mong muốn thoát ly thế giới thực tại của con người trước một xã hội không mấy tốt đẹp: Bồng lai riêng một bầu trời, Màn hoa, cầu đá, mấy nơi thiên thành. (Bích câu kỳ ngộ)
- 16 Cũng chính ở những năm đầu thế kỷ XIX, ta bắt gặp một hồn thơ mang nặng nỗi ưu sầu mà theo Huy Cận thì cụ Nguyễn Du là nhà thơ lãng mạn đầu tiên của Việt Nam: Tri giao quái ngã sầu đa mộng Thiên hạ hà nhân bất mộng trung (Ngẫu đề) (Quách Tấn dịch: Người quen trách tớ hay sầu mộng Thiên hạ còn ai tỉnh táo không?) Ta cũng không quên ở giai đoạn này có một Nguyễn Công Trứ vừa nhập thế một cách tích cực nhưng có lúc cũng phải mơ tưởng đến kiếp sau vì chán ngán thực tại: Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo (Cây thông) Đến cuối thế kỷ XIX, cụ đồ mù Nguyễn Đình Chiểu cũng đã phát huy trí tưởng tượng của mình khi hư cấu nên cảnh thiên đàng – địa ngục trong truyện thơ Dương Từ Hà Mậu để truyền chính đạo, răn đời, dạy người: Trời đông một cửa xanh ngời, Có tấm biển trời, hai chữ Thanh Thiên. Hai cung Chấn, Tốn, đoàn viên, Mộc Tinh, các phủ nóc liền giăng giăng. (Dương Từ Hà Mậu)
- 17 1.2.2 Mộng trong thơ văn đầu thế kỷ XX đến 1945 Đầu tiên, chúng tôi muốn lí giải vì sao dừng ở mốc 1945 chứ không đi xa hơn nữa. Nguyên nhân nằm ở đặc điểm của nền văn học Việt Nam 1945 - 1975. Cái tôi cá nhân phát triển thì ai cũng có mộng, văn học sau 1945 vẫn có mộng, nhưng vì lúc này đất nước đang phải hứng chịu những cuộc xâm lược có quy mô lớn của các cường quốc trên thế giới, vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước được đặt lên hàng đầu. Cũng chính vì vậy mà nhiệm vụ của văn học giai đoạn 1945 – 1975 tập trung phục vụ cách mạng, văn học quay về đời sống, gần với đời sống và bám sát vào cuộc chiến tranh vệ quốc. Ở giai đoạn này, văn học vận động theo ý thức hệ vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nói như Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép // Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, tức văn học nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Thế nên, việc mộng theo khuynh hướng lãng mạn cũ không còn xuất hiện trong văn thơ nữa. Nếu có lãng mạn thì đó phải là lãng mạn cách mạng, nếu có mộng, thì đó không phải là mộng theo kiểu Tản Đà. Kết thúc thời kỳ trung đại kéo dài gần mười thế kỷ, văn học Việt Nam đã sang trang mới như một nhu cầu tất yếu của thời đại. Văn học đầu thế kỷ XX với muôn hình vạn trạng, Tản Đà cũng sớm ra đi. Song, làn gió cách tân văn học với đại diện là phong trào thơ mới đã kịp ghi dấu địa vị Tản Đà. Hoài Thanh đã mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam “Trên hội Tao đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc lớp người kế tiếp.” [24; tr. 5]. Do đó, chúng tôi đã quyết định tìm hiểu thế giới mộng mị trong một số tác phẩm của phong trào Thơ mới, để từ đó có sự so sánh với mộng trong thơ văn Tản Đà ở chương sau. Chuyện “cung nghênh” của Hoài Thanh là chuyện sau này, các nhà thơ mới buổi đầu đã lên án gay gắt Tản Đà – người mà họ cho là đại diện của lớp thơ cũ, với những dòng thơ:
- 18 Con cóc Nghè Huỳnh đuôi cọc lóc Nàng thơ Ấm Hiếu mũi thò lò Chai to chai nhỏ con cầy béo Câu thánh câu thần đĩa mực khô (Thơ thách họa các cụ đồ - Lưu Trọng Lư) Đó cũng là điểu dễ hiểu trên bước đường cách tân nền văn học dân tộc. Thơ ca truyền thống vốn có uy tín rất lớn, từng chiếm địa vị độc tôn, thế nên việc cách tân thể loại này khá chậm so với một số thể loại gần như không có truyền thống như văn xuôi. Công cuộc hiện đại hóa thơ khó khăn đến nỗi Nguyễn Đăng Mạnh phải nhận ra rằng: “Một tài năng lớn như Tản Đà với cái tôi hết sức lãng mạn và phóng túng cũng không đủ sức sáng tạo ra thơ mới. Phải đợi đến năm 1932, cuộc cách tân hiện đại hóa thơ ca gắn với phong trào Thơ mới lãng mạn mới thực sự được phát động. Với phong trào này, thơ ca Việt Nam mới thực sự bước vào phạm trù hiện đại.” [15; tr.25]. Tình hình chính trị và xã hội nước ta thời kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 vốn vô cùng phức tạp, với một xã hội tồn tại song song hai kiểu thống trị. Cùng lúc đó các tư tưởng Tây – Ta –Tàu, mới – cũ đan xen và tranh giành đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các sáng tác văn học thời kỳ này. Cũng chính từ sự tác động từ các yếu tố xã hội và sự tiếp xúc với văn học lãng mạn phương Tây đã đem đến cho lớp thanh niên tiểu tư sản thành thị những rung động mới và thơ mới ra đời cũng như một “sản phẩm tất yếu” của thời cuộc. Mộng luôn tồn tại trong đời sống con người, trong sinh hoạt, trong lao động và nghệ thuật từ bao đời. Vì thế mà Baudelaire từng nói: “Nghệ thuật trong mộng mơ và mộng mơ trong nghệ thuật”, như vậy nghĩa là thời gian nghệ thuật là thế giới mộng và mộng là trạng thái sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật.
- 19 Bàn về thế giới mộng trong thơ mới thì có thể nói rằng, để đối lập (có phần tránh né) thực tại xã hội chẳng mấy sáng sủa lúc bấy giờ mà các nhà thơ mới xây dựng cho mình “một thế giới có cấu trúc riêng, có nhân vật, cảnh vật, có thời gian, không gian, có hình khối, màu sắc, có âm thanh, hành động, có sự phong phú phức tạp của cuộc đời, có hạnh phúc tình yêu, có khổ đau tan vỡ, có lo âu trăn trở”[12; tr. 13]. Tình yêu và những giấc mộng trong thế giới ái tình là màu sắc khá đậm trong thơ mới, kéo theo đó là hàng loạt những người tình trong mộng. Có lẽ chỉ trong mộng với những người tình ấy thì thi nhân mới được thỏa mãn tình yêu. Với bài thơ Nhặt nắng, Nguyễn Bính đã tô nên trong thơ mình một tình yêu da diết với người tình trong mộng ảo, không được miêu tả dung nhan nhưng tình cảm lại sâu đậm vô cùng. Thế nhưng mộng vẫn là mộng, tình có sâu đậm lắm, tỉnh mộng thì cũng bằng không: Cô chẳng bao giờ biết đến tôi Mà tôi dan díu mấy đêm rồi Mấy đêm dan díu người trong mộng Mộng tỉnh, canh tàn, lệ ướt rơi (Nhặt nắng – Nguyễn Bính) Bên cạnh mộng tình yêu là mộng tìm về quá khứ để níu giữ những nét đẹp văn hóa đang trên đà mai một của dân tộc, với những tiếc nuối về quá khứ hào hùng, về một thời vàng son tươi đẹp đã trôi rất xa, Huy Cận viết Trời xa, Vũ Đình Liên viết Ông đồ. Hình ảnh ông đồ bán chữ trong dịp xuân về thoạt nhìn trông rất vui tươi, với những “mực tàu giấy đỏ”. Ấy vậy mà bên trong những nét chữ “phượng múa rồng bay” đó là một câu chuyện buồn. Kể từ khi kinh tế thị trường ra đời, đồng tiền dần chiếm lĩnh đời sống dân ta, cái chữ từng được
- 20 trao tay như một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa, nay lại trở thành một mặt hàng được bày bán tràn lan ngoài đường phố, không chạnh lòng sao được. Viết Ông đồ, có lẽ Vũ Đình Liên đã gửi cả một cái mộng hoài vọng quá khứ dân tộc vào đó, để rồi xót xa: Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? (Ông đồ - Vũ Đình Liên) Đi sâu vào một chút để tìm hiểu thế giới mộng trong thơ của một số nhà thơ tiêu biểu trong thơ mới, cái tên đầu tiên cần nhắc đến chính là Thế Lữ, người giành chiến thắng cho thơ mới trước thơ cũ. Theo Nguyễn Đăng Mạnh, “Thơ Thế Lữ cũng là thơ của sầu và mộng và cũng thường mơ tới cảnh Bồng lai với suối đào, hạc trắng và những nàng tiên nga.” [15; tr. 41]. Với Tiếng sáo thiên thai, thi nhân đã đưa hồn mình tới cảnh trong mơ, bay theo tiếng sáo dù thực chất những cô tiên nga ấy là những cô gái Hà Nội rất trần thế, nhưng qua đôi mắt của mình, Thế Lữ đã mộng hóa tất cả, thực thực ảo ảo xen lẫn vào nhau trong âm thanh huyễn ảo của tiếng sáo: Êm như lọt tiếng tơ tình, Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không. Thiên Thai thoảng gió mơ mòng, Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay (Tiếng sáo thiên thai – Thế Lữ) Đây thôn Vĩ Dạ có thể nói là một bài thơ được viết trong mộng, vì thi nhân nào có đên được thôn Vĩ đâu mà miêu tả y như thôn cách mình có vài
- 21 gang tấc. Như vậy, Vĩ Dạ thực ra chỉ là một cái cớ để chắp cánh cho ảo ảnh trong trái tim khắc khoải của Hàn Mặc Tử: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử) Cũng có khi Hàn Mặc Tử tự cho mình là một lãng tử, một vị “tiên hành khất” mải miết đi tìm “mộng tầm xuân”, một thứ mộng mà chắc chỉ có thi sĩ họ Hàn mới hiểu, cứ lang thang trong cõi mộng, lang thang như chính nhan đề bài thơ. Kỳ thực, thơ Hàn Mặc Tử đúng là cả một “thế giới kỳ dị” (chữ dùng của Hoài Thanh) và đầy mộng ảo: Lãng tử ơi! Mi là tiên hành khất, May không chết lạnh trước lầu mỹ nhân. Ta đi tìm mộng tầm xuân, Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây . (Lang Thang - Hàn Mặc Tử) Song, Hàn Mặc Tử đã từng phẩm bình rằng: “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu” [24; tr. 280] . Xét riêng về những bài thơ có nhắc đến từ “mộng” thì Bích Khê dường như thắng thế, thi nhân đã mang đến cho làng thơ mới một màu sắc rất riêng, đó là những mộng mị mang hơi hướng nhục cảm mà quyến rũ vô cùng: Người vợ trong thơ gần cách mộng Đêm nay chẳng biết có về không?
- 22 (Hồ Xuân Hương – Bích Khê) Ồ! Mộng đêm thu, mây vút xa, Say sưa lộ sắc cạnh đào hoa (Mộng – Bích Khê) Mộng sao mộng lạ - trắng như ngà Giai nhân hiện bóng dưới Hằng Nga (Mộng lạ - Bích Khê) Thơ mới là bằng chứng hùng hồn cho cái thời đại của cái tôi cá nhân đang trỗi dậy mạnh mẽ và thế giới mộng chiếm một địa vị quan trọng trong việc thể hiện cái tôi cá nhân của các thi nhân. Thông qua việc đề cập đến cõi mộng trong thơ của Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Huy Cận, ta phần nào thấy được tính phổ quát của vấn đề mộng trong văn học lúc bấy giờ. Đó cũng chính là xu hướng chung của nền văn học đầu thế kỷ XX đến 1945, mãi loay hoay vì “Cả đời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta” (Hoài Thanh). Như vậy, hành trình từ văn học trung đại đến văn học đầu thế kỷ XX – 1945, cõi mộng nhìn chung đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu như ở thời kỳ trung đại, con người còn nặng về tâm linh, cái Tôi chưa phát triển nên hay nghiêng về mộng mị, chỉ đến khi khuynh hướng văn học lãng mạn thoát ly xuất hiện ở thế kỷ XIX thì mộng tưởng mới bắt đầu có chỗ đứng. Sang đến giai đoạn Thơ mới ra đời, do yếu tố thời đại nên thế giới mộng đã khẳng định được vị trí trung tâm trong việc thể hiện cái tôi cá nhân của các thi nhân. 1.3 Tản Đà, về thân thế và cá tính 1.3.1 Một cuộc đời nhiều biến động
- 23 Trong lời nói đầu cuốn Tản Đà – về tác gia và tác phẩm (nhà xuất bản Giáo dục) có đoạn: “Tản Đà là một nhà thơ lớn nối hai thế kỷ - thế kỷ XIX và thế kỷ XX – người mở đầu trào lưu lãng mạn cũng như trào lưu hiện thực trong thơ và văn Việt Nam trước năm 1930. Ông được coi là nhà thơ có công gây dựng nghề sáng tác văn chương, và là một bản ngã thuần Việt, thuần dân tộc, gây nên một chấn động văn chương suốt ba mươi năm đầu thế kỷ XX.” [7; tr.10]. Vậy thì con người có công lớn với nền văn học nước nhà ấy có thân thế và cuộc đời như thế nào? Dựa theo niên biểu do Nguyễn Khắc Xương, người con trai trưởng của Tản Đà biên soạn thì Tản Đà sinh năm 1889 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Tản Đà đã sống những năm tháng êm đềm ở quê hương với khung cảnh thiên nhiên nên thơ: “Ba Vì ở trước mặt // Hắc Giang bên cạnh nhà”, điều này ắt hẳn đã nuôi dưỡng hồn thơ của cậu ấm Hiếu. Cha Tản Đà là cử nhân Nguyễn Danh Kế, một ông quan liêm khiết. Theo Ngô Quân Miện thì “Khê Thượng thường được cả vùng gọi là làng Khê văn vật vì có nhiều người đi học và đỗ đạt hơn các làng khác. Người làng gọi là họ nhà quan, dòng họ Nguyễn của Tản Đà mà ông tổ là Nguyễn Huy Túc đỗ Hương Cống vào thời Chiêu Thống, làm tới Binh bộ thị lang” [7; tr. 701]. Mẹ ông là bà Nhữ Thị Nghiêm, một đào hát tài sắc ở Hàng Thao - Nam Định, vợ ba ông Kế, Tản Đà là con trai út trong bốn người con của bà Nghiêm. Lúc mới lọt lòng, Tản Đà được cha mẹ đặt tên mụ là Cứu. (tên mụ còn được gọi là tên tục, được đặt cho đứa trẻ mới chào đời khi chưa có tên khai sinh). Cuộc đời Tản Đà nhìn chung khá long đong và vất vả. Người nghệ sỹ tiểu thuyết hóa cuộc đời mình, hay chính cuộc đời họ đã là một quyển tiếu thuyết? Với Tản Đà thì là trường hợp thứ hai, bởi vì chỉ cần dữ liệu từ một đoạn nhỏ trong cuộc đời Tản Đà, Thiếu Sơn đã có thể viết nên truyện ngắn Chu Kiều Oanh; và còn “biết bao nhiêu cử chỉ hành động khác
- 24 của Tản Đà đã trở nên những giai thoại. Vì vậy ta không lấy làm lạ khi thấy Tản Đà có thể tự xếp cuốn tự truyện Giấc mộng lớn vào loại tiểu thuyết.” [22; tr. 238]. Cuộc đời “ba chìm bảy nổi”, tuổi thơ của ông sớm gặp nhiều bất hạnh. Năm lên 3 thì cha mất, kinh tế sa sút, bốn anh chị em Tản Đà vẫn ở Khê Thượng với mẹ đẻ và hai vợ lớn của cha. Năm 4 tuổi, mẹ Tản Đà vì mâu thuẫn với gia đình chồng nên quay về nghề hát xướng, bỏ lại các con cho nhà chồng nuôi, điều này đã gây ra một niềm tổn thương lớn cho Tản Đà. Năm lên 5, người anh cùng cha khác mẹ mà ấm Hiếu xem như là một người cha, một người thầy là Nguyễn Tái Tích (ông Tích hơn ấm Hiếu những 35 tuổi) đón ông về Nam Định, cho đi học vỡ lòng và đặt tên là Nguyễn Khắc Hiếu. Do ông Kế làm án sát nên Tản Đà được gọi là ấm Hiếu. Tóm lại, có thế nói: “Tản Đà xuất thân từ một gia đình quan lại phong kiến đã đến lúc suy tàn” [18; tr. 85] và sớm phải trải qua những biến cố trong cuộc đời, đầu tiên là từ gia đình. Năm 1903, ấm Hiếu 15 tuổi thì theo anh Tích (hiện làm giáo thụ Quảng Oai) về phủ Quảng học, Hiếu nổi tiếng là một “thần đồng” ở tỉnh Sơn Tây. Năm ấm Hiếu 19 tuổi thì theo học trường Quy thức, học Hán văn lẫn quốc ngữ và các môn mới. Lúc này, ấm Hiếu bắt đầu biết yêu và yêu say đắm cô con gái nhà tư sản Đỗ Thận ở phố Hàng Bồ, một mối tình đầu sâu sắc. Ông ấp ủ giấc mộng cưới cô làm vợ nhưng ông Đỗ Thận yêu cầu Hiếu phải có chút công danh, tức phải thi đỗ thì mới gả con gái cho. Năm 20 tuổi, Tản Đà về phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên theo Nguyễn Tái Tích. Tại đây, cô út Vinh của tri huyện và cậu ấm có tình cảm với nhau, mối tình với cô gái nhỏ này được Tản Đà ghi lại trong Tản Đà văn tập và Khối tình, cũng là một tình yêu khắc cốt ghi tâm. Nếu không có sự xâm lược của thực dân Pháp thì có lẽ cậu ấm Hiếu đã thăng tiến trên quan lộ. Một năm sau, Tản Đà thi trượt khoa thi hương ở Nam Định: Sang năm hăm mốt học đi thi, Thi tại trường Nam lọt một kỳ.
- 25 Kỳ luận hỏng vì vua Hạ Võ, Hỏng thi càng học để đi thi. (Ngày xuân nhớ xuân) Năm 1912, Tản Đà tiếp tục thi trượt, vội về Hà Nội thì người yêu đầu đã đi lấy chồng. Vừa thất tình, vừa thất chí, ấm Hiếu trở nên điên loạn đến nỗi phải “tịch cốc” trong nửa năm, phải nói rằng sự việc này đã gây ra một nỗi tổn thương rất lớn cho ấm Hiếu. Đó là một việc làm thay đổi cả cuộc đời Tản Đà, khiến cậu Ấm vô cùng chán nản, “không màng thi cử, mang một gánh tình bước lên con đường văn chương và báo chí. [25; tr. 4]. Tản Đà dường như chưa bao giờ quên được mối tình đầu dang dở, và cái tâm sự thiếu người tri kỷ trong thơ văn ông có lẽ cũng xuất phát từ sự đời thật này: Đỗ cũng không mà cưới cũng không Còn đeo áo đoạn để ai trông. (Dạm bán áo đoạn) Có một giai thoại kể về ấm Hiếu rằng khi còn trẻ, cậu ấm có một chiếc áo đoạn mới rất đắt tiền và cất trong tủ để chờ mặc trong những ngày quan trọng của cuộc đời mình như ngày cưới hay lúc đăng khoa, ấy mà nay phải dạm bán vì cả hai điều ấy đều không thực hiện được. Phải đến gần ba năm sau đó, năm 26 tuổi, Tản Đà mới nguôi ngoai mà lấy vợ là bà Nguyễn Thị Tùng, con gái tri huyện làng Hội Xá, tỉnh Hà Đông. Bà Tản Đà là một người phụ nữ “da trắng tóc dài, quấn khăn đuôi gà, hằng ngày đi ra bờ sông giặt giũ, ít tiếp xúc với ai” [7; tr. 704]. Cũng trong năm này Tản Đà có bài in trong “Đông Dương tạp chí”. Một năm sau (năm 1916) Nguyễn Tái Tích ốm nặng nên qua đời, ấm Hiếu vô cùng đau xót và từ lúc này cậu ấm bắt đầu lấy tư hiệu là Tản Đà: Sông Đà núi Tản đúc nên ai
- 26 Trần thế xưa nay được mấy người? Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc Thanh cao phô trắng một cành mai (Tự vịnh) Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời và trong sự nghiệp, năm Kỷ Mão, Tản Đà 51 tuổi, ông dọn về đường Cầu Mới, Ngã Tư Sở, Hà Nội và qua đời ngày 7 tháng 6 năm 1939 trong cảnh thiếu thốn. Trước khi mất, ông đã kịp để lại cho đời cả một sự nghiệp văn chương quý giá, sự nghiệp ấy đã có lần ông kể cho Trời nghe: Bẩm con không dám man cửa Trời Những áng văn con in cả rồi Hai quyển Khối tình văn thuyết lí Hai Khối tình con là văn chơi Thần tiền, Giấc mộng văn tiểu thuyết Đài gương, Lên sáu văn vị đời Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch Đến quyển Lên tám nay là mười Nhờ Trời văn con còn bán được Chửa biết con in ra mấy mươi? (Hầu Trời) 1.3.2 Một cá tính đặc biệt
- 27 Về cá tính của Tản Đà, đã có không ít những nhà văn nhà thơ cùng thời thuật lại. Trong bài viết Bây giờ đây, khi nắp quan tài đã đậy lại, Lưu Trọng Lư kể tường tận rằng, có một buổi sáng nhà thơ xin vào “yết kiến nhà thi sĩ mà bấy giờ tôi coi như là một vị sứ giời sai xuống, hay là bị đày xuống cõi trần gian để làm một anh nhà nho ngông, một nhà thi sĩ nghèo, một ông chủ báo phiêu bạt, làm cái ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, mà khắp trần gian đều khét tiếng” [7; tr. 47]. Lưu Trọng Lư yêu quý Tản Đà là thế, nhưng thi nhân cũng phải thành thật mà kể lại rằng, Tản Đà là một người khá khó tính và cũng khá ngạo nghễ, “Chỉ ngay trong một việc nói chuyện, bất kỳ về một vấn đề gì, tiên sinh cũng chỉ cướp lấy hết lời mà nói và không bao giờ chịu để nghe ai nói bao giờ” [7; tr. 47]. Nguyễn Tuân cũng là một người khá quý mến ông Nguyễn Khắc Hiếu lúc bấy giờ, Nguyễn Tuân có lần gửi tặng nem và bó đóm cho ông, khiến Tản Đà cảm động vô cùng. Trước khi Tản Đà mất không lâu ông có ghé nhà thi sĩ, Nguyễn Tuân đã vô cũng xúc động và cảm mến trước “cái mừng rỡ xiết bao thành thực” trong câu “cố nhân lai” của Tản Đà tiên sinh. Nguyễn Tuân xót thương cho cái cảnh nghèo nàn của một con người tài hoa, ấy vậy mà “chỉ tay vào chồng sách cũ xếp trên cái ghế mọt dài, chỉ tay vào hai chiếc ghế mây đã gần thành bẩy chân choãi, ông Tản Đà vẫn còn hài hước: “Nhiều lắm mà làm gì. Hai chiếc ghế cũng đủ chán. Chủ ngồi một chiếc, khách ngồi một chiếc” [7; tr. 62]. Có lẽ nào, cái nghèo của thi nhân lâu nay đã trở thành một sự thật hiển nhiên, thế nhưng qua lời kể của Nguyễn Tuân, ta cũng có thể hình dung ra một Tản Đà tếu táo, hiền lành, không màng vật chất. Sống trong cảnh nghèo là thế, vui vẻ với cảnh nghèo là thế, nhưng Tản Đà tiên sinh cũng có lần viết trong Giấc mộng con rằng:“Có người, cho cái áo vải thì chê, đợi cho cái áo gấm mới mặc”. Tản Đà là người có cá tính đặc biệt như thế.
- 28 Trong giới văn nhân nghệ sĩ thì Ngô Tất Tố có một thời gian khá dài hợp tác và gần gũi với Tản Đà. Trong bài Tản Đà ở Nam Kỳ, Ngô Tất Tố có đề cập đến chuyện Tản Đà vào Nam tất thảy ba lần, lần thứ nhất cái cớ ông đi là vì sự thất bại của An Nam tạp chí, mà “nguyên nhân làm cho tờ tạp chí ấy phải chết là rượu. Đành rằng nếu không có rượu thì ông Tản Đà sẽ không phải là ông Tản Đà, nhưng khi nó làm cho ông Tản Đà thành ông Tản Đà thì chính nó cũng là thủ phạm làm cho An Nam tạp chí không có bài đưa đi in.” [7; tr. 51]. Tản Đà mê rượu lắm, nhưng cái khác người nhất của ông là “đức tiêu tiền”. Ngô Tất Tố kể rằng, Tản Đà tháng nào cũng phải chật vật chi tiêu dù lương bổng khá cao. Rượu và tiền là hai thứ đã phá hỏng mối quan hệ vốn rất tốt đẹp của hai người, song Tản Đà dường như chẳng quan tâm mấy đến chuyện ấy, Tản Đà vốn ngông. Ngô Tất Tố kể thêm về cái sự ngông lan truyền khắp trong Nam của ông Tản Đà và mọi người đều coi đó là sự dĩ nhiên, họ chấp nhận chứ không ai thắc mắc hay cưỡng lại. “Có lần ông cử Tùng Lâm đã bị mắng oan vì nó. Số là Tản Đà chịu phần phụ trương của Đông Pháp thời báo nhưng một hôm vì thiếu bài mà đã đến kỳ in nên ông cử Tùng Lâm đã cho bừa một bài thơ vào đó. Tản Đà vô cùng tức giận mắng rằng: “Nếu thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi. Không xin phép tôi mà cho bài thơ kia vào đấy, thế là ông hỗn” [7; tr. 53]. Cái ngông trong nghiệp làm báo của Tản Đà còn được Quách Tấn trong bài Kỷ niệm về Tản Đà viết rằng: Có lần Tản Đà vào Sài Gòn viết giúp cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ, sợ báo ra trễ vì cái ngông của Tản Đà, Diệp Văn Kỳ đến yêu cầu Tản Đà viết cho báo ra đúng kỳ, thì “tiên sinh liễm dung nói: Ông mướn tôi vào đây để viết văn hay để bửa củi? Nếu bửa củi thì lúc nào cũng được. Bằng viết văn thì phải đợi hứng, không hứng không thể viết” [7; tr. 131], hôm sau thì Tản Đà trả nhà, trở về Bắc mà không một lời từ giã.
- 29 Quách Tấn là một nhà thơ hàm ơn Tản Đà, cho nên đối với Tản Đà, Quách Tấn vẫn “một mực tôn kính vào bậc thầy”. Cũng trong bài ấy, nhà thơ đã bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu vô bờ với Tản Đà, người đã có công nâng đỡ cho mình trong nghiệp văn chương. Như vậy, Tản Đà ngông, nhưng cũng như Văn Tâm nhận xét: “về căn bản, cuộc sống của Tản Đà có một giá trị đạo đức.” [22; tr.263]. Hơn nữa, Phan Khôi, người anh em cột chèo với Tản Đà từng nhận xét ông là người “vui tính, hay cười và nhũn nhặn lắm”. Tản Đà nghèo, gia cảnh và tâm sự về cái nghèo túng của ông một phần lớn đã được phản ánh qua thơ văn. Thế nhưng từ năm 1935 trở về sau “nỗi sinh nhai thật khốn khó đến mức tận cùng! Nhất là về chỗ ở. Tiền nhà không trả kịp kỳ, tiên sinh thường phải chịu nhục!” [7; tr. 133]. Túng quẫn quá, Tản Đà còn phải bán bản quyền bộ Liêu trai chí dị cho nhà in Tân dân với giá tiền năm chục đồng. Khốn nỗi nhà in lại trả tiền thành nhiều lần nên mỗi lần chỉ được một ít. Cái sự cần tiền còn khiến Tản Đà phải chầu chực đợi tiền ở văn phòng báo Ngày nay của Nhất Linh và Khái Hưng. Nhưng theo lời của Quách Tấn thì “Tản Đà tiên sinh không hề giới ý. Thái độ của tiên sinh lúc bấy giờ thật khác hẳn mấy năm trước. Đó là do tuổi tác hay do nghèo?”. Bản thân chúng tôi khi đọc đến những dòng này, tự bản thân cảm thấy thương xót cho Tản Đà vô cùng. Một con người tài hoa, từng được biết bao người mến tài đón tiếp nồng hậu, nay vì lòng người thay đổi hay vì cao tuổi, vì nghèo mà phải chịu cảnh đứng đợi từng đồng bạc bán văn. Một Tản Đà ngông nghênh ấy vậy mà không hề ý giới chuyện “bọn trẻ” thất kính. Một Tản Đà thật lạc lõng và đáng thương ở những năm cuối đời. Và rồi, vị trích tiên ấy cuối đời chỉ còn “một tấm thân tàn phế, trên một căn gác nhỏ thiếu rượu, thiếu ăn, thiếu cả thuốc thang, bè bạn” [7; tr. 149]. Tản Đà mất, nhưng những người yêu mến ông, hiểu về ông sẽ nhận ra rằng: “Một thiên tài sống như thế, quá là bị đọa đày, cho nên một số lớn anh
- 30 em cho rằng ông chết đi như thế là may mắn và chủ trương rằng nên làm một cái lễ riêng ở nhà báo, mừng cho Tản Đà từ giờ trở đi không còn phải đau khổ nữa” [7; tr. 150] (theo Vũ Bằng trong bài viết Người ghét Tản Đà). Như vậy, cậu ấm Hiếu đã có một tuổi thơ khá vất vả, rày đây mai đó, cùng với những đổ vỡ, những thương tổn về gia đình, về tình yêu, có lúc tưởng có thể giết chết được cậu ấm. Nhưng, tất cả những trắc trở ấy không thể làm mờ đi một tài năng thiên phú cùng với cá tính vô cùng đặc biệt, khiến nhiều người kính mến đến mức tôn sùng, nhiều người kinh hãi. Trong hơn năm mươi năm sống trên cõi đời, nhà thơ núi Tản sông Đà thật đã có một cuộc đời đáng nhớ, đáng trân trọng. 1.4 Hiện tượng Tản Đà trong lịch sử văn học dân tộc Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, thì hiện tượng là một danh từ chỉ “hình thức biểu hiện ra bên ngoài của sự vật mà giác quan thu nhận được một cách trực tiếp” [19; tr. 157]. Riêng trong lĩnh vực văn học, số lượng các nhà thơ nhà văn được gọi là hiện tượng cũng không ít, nhưng đã được xem là một hiện tượng văn học thì nhà thơ nhà văn ấy phải gây được tiếng vang, được nhiều người quan tâm và nhất là trong lĩnh vực văn chương phải có tầm ảnh hưởng đáng kể. Sự xuất hiện của họ phải có một ý nghĩa đặc biệt, tác phẩm phải có tính chất đặc sắc, có dấu ấn sâu đậm. Năm 1917, Phạm Quỳnh sáng lập ra Nam Phong tạp chí, và bài của Tản Đà có trên tạp chí này từ số đầu tiên. Năm 1918, Phạm Quỳnh ca ngợi cuốn Khối tình con I và phê phán cuốn Giấc mộng con, cả khen lẫn chê đều dùng những lời lẽ sâu cay, vô tình hay hữu ý lại biến Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Thêm nữa, trong bài Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Đình Hượu cũng đã gọi Tản Đà là một hiện tượng. Bên cạnh Tản Đà, lịch sử
- 31 văn học Việt Nam đã từng ghi nhận những trường hợp nào cũng được gọi bằng danh xưng hiện tượng. Những trường hợp được gọi là hiện tượng văn học xuất hiện trong mỗi thời kỳ văn học. Thời trung đại, phải nói ngay đến “đại biểu dân chủ nhất của văn học cổ Việt Nam”: nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sự xuất hiện của bà đã mang đến cho nền văn học vốn cứng nhắc nay náo động bởi một phong cách tuyệt vời với những vần thơ ngồn ngộn sức sống mở ra trường liên tưởng sâu rộng: Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa, Duyên em dính dáng tự bao giờ. Chành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa, Mát mặt anh hùng khi tắt gió, Che đầu quân tử lúc sa mưa. Nâng niu ướm hỏi người trong trướng, Phì phạch trong lòng đã sướng chưa? (Cái quạt – Hồ Xuân Hương) Cùng hoạt động sáng tác trong khoảng đầu thế kỷ XX như Tản Đà, ở khu vực phía Nam có Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958), với 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, ông cũng được xem như một hiện tượng văn học Việt Nam. Gần đây hơn, nền văn học thời kỳ Đổi mới cũng đã xuất hiện những hiện tượng. Nguyễn Huy Thiệp, với truyện ngắn Tướng về hưu ra mắt độc giả trên báo Văn nghệ năm 1987 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng văn học. Bên cạnh Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư cũng là một hiện tượng nổi bật của văn chương 10 năm đầu thế kỷ XXI. Xuất hiện trên văn đàn
- 32 năm 2000 với truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Ngọc Tư ngay lập tức thu hút được sự chú ý của công chúng và nhận được Giải Nhất trong Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II. Với Tản Đà, ông trở thành hiện tượng theo chúng tôi bởi những lẽ sau đây: 1.4.1 Tản Đà có tầm ảnh hưởng lớn và đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam Nói về tầm ảnh hưởng của Tản Đà, dựa theo thư mục do con trai trưởng của Tản Đà, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương biên soạn trong cuốn Tản Đà về tác gia và tác phẩm thì chỉ xét riêng từ năm 1917 đến năm 1989, trên văn đàn đã có đến 299 bài viết của hơn 180 tác giả về Tản Đà bao gồm những kỷ niệm về Tản Đà và nghiên cứu, phê bình về tư tưởng, văn chương Tản Đà. Trích trong lời giới thiệu của Giáo sư Hà Minh Đức trong cuốn Tản Đà – về tác gia và tác phẩm: “Khép lại thời cận đại, Tản Đà đã đến như sự báo hiệu cho những đổi thay trong thơ ở một chặng mới. Tản Đà chất chứa nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn của buổi giao thời mà ông là người quy tụ hơn là đổi thay. Thơ Tản Đà chứa đựng một tấm lòng, ông khao khát tìm một thế giới tốt đẹp ở trần giới hay nơi tiên cảnh, ông sống giữa mộng và đời nhưng cuộc đời thực vẫn day dứt tác giả khôn nguôi.” Trong bài Công của thi sĩ Tản Đà, Xuân Diệu viết: “Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, một cái tôi”, “Tản Đà tiên sinh sinh vào hồi giao thời lúc thơ cổ tàn và thơ kim đang phôi thai. Tản Đà bắt đầu ca lên những điệu mới đầy rẫy hồn thơ” [7; tr. 227] và nhiều khi Nguyễn Khắc Hiếu đã “đứng ở vị trí tiền đạo: Phiêu lưu tên lính đội tiên phong”. Có thể kể ra sau đây một số biểu hiện của tính tiền đạo “tiên phong” ấy.
- 33 Đầu tiên, theo Văn Tâm trong bài viết Tản Đà – nhà văn hóa tiền đạo, thì Tản Đà chính là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ” (Hoài Thanh) của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thái độ khẳng định cái bản ngã trong các tập giấc mộng (Giấc mộng con, Giấc mộng con II, Giấc mộng lớn) của Tản Đà táo bạo đến nỗi Phạm Quỳnh so sánh sự phô bày cái tôi ấy với hành động của “người cuồng trần truồng đi ngoài phố”. Nhưng rồi những tác phẩm có đề tài “đời tư” như vậy sẽ khởi nguồn biết bao tác phẩm về sau. Văn Tâm gọi Tản Đà là “nhà văn hóa tiền đạo” và theo ông, Tản Đà có công lớn trong việc phá luật thơ cũ. Thơ mới chính thức được “trình chánh giữa làng thơ” năm 1932 nhưng trước đó hàng chục năm, ông ấm Hiếu đã sáng tác thơ mới rồi, với các bài thơ phá vỡ niêm luật thơ Đường như: “Hoa rụng”, “Còn chơi”, “Cảm thu tiễn thu”, “Thơ mới” v.v Năm 1934, Tản Đà thủ thỉ với mọi người trong Tiểu thuyết thứ bảy rằng: “Những điệu thơ đó thật tự tôi đặt ra, không theo niêm luật ở đâu hết, duy tôi không gọi nó là thơ mới mà thôi” [7; tr. 469] Thứ đến, có thể gọi Tản Đà là một cây bút “khai sơn phá thạch” trong văn xuôi quốc ngữ. Có thế thấy rằng trong nền văn xuôi quốc ngữ buổi phôi thai khoảng vài chục năm đầu thế kỷ XX, Tản Đà là người đầu tiên viết truyện dài: Giấc mộng con (1917), Thần tiền (1919), viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: Giấc mộng con II và viết tự truyện: Giấc mộng lớn (1929). Dương Bá Trạc đã khẳng định công lao của Tản Đà trong việc xây dựng nền văn xuôi quốc ngữ thưở ban đầu bằng nhận định: “Mời mươi mười lăm năm nay, sĩ phu trong nước mới có cái khuynh hướng về văn quốc âm Ông Nguyễn Khắc Hiếu chính là một tay kiện tướng trên trường hãn mặc ấy”[7; tr. 470]. Gọi Tản Đà là “một nhà báo kỳ cựu” (từ dùng của Văn Tâm) cũng không có gì sai. Bởi lẽ Tản Đà tham gia hoạt động báo chí rất sớm với những bài đăng
- 34 trên Đông Dương tạp chí (1915), làm chủ bút báo Hữu Thanh (1921), phụ trách phần văn chương của Đông Pháp thời báo (1927), chủ bút An Nam tạp chí (1926 – 1932). Trong Giấc mộng con II, Nguyễn Khắc Hiếu còn làm báo với cụ Hàn Thuyên trên thiên giới, được Trời khen là nhờ có sự giúp đỡ của Hiếu ở mấy mục “xã thuyết, văn uyển, thời sự, tiểu thuyết” mà Thiên triều nhật báo “tấn tới lắm”. Riêng về Tờ An Nam tạp chí, tờ báo Tản Đà làm chủ và dồn sức xây dựng nên. Tuy hoạt động thất thường (chủ yếu hoạt động mạnh vào năm 1930, 1931, 1932) nhưng vẫn được xem là một trong những tờ báo đầu tiên có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học Việt Nam thời cận đại theo khuynh hướng hiện thực. Trước Tản Đà, văn chương vẫn còn được xem là một thứ hàng hóa trong nền “kinh tế quà tặng”, thực tế là thì xã hội phong kiến vốn không có nghề văn, đến khi Pháp đặt nền đô hộ lên nước ta thì vẫn chưa có nhà văn chuyên nghiệp, do đó Tản Đà là nhà văn Việt Nam đầu tiên “đem văn chương ra bán phố phường”, dám sống bằng nghề văn. Cũng từ đó, văn chương được xem như một cái nghề, có thể kiếm ra tiền dù không nhiều nhặn gì vào lúc ấy. Một điều đáng lưu ý nữa ở thi sĩ núi Tản sông Đà, ông tuy là nhà thơ nhà văn những luôn ôm ấp một giấc mộng làm nhà tư tưởng, và ông thực hiện điều đó bằng việc rao giảng thuyết Thiên lương, một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng mà ông kể rằng có lần Trời đã giao cho ông: Trời định sai con một việc này Là việc “thiên lương” của nhân loại, Cho con xuống thuật cùng đời hay. (Hầu Trời) Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã đặt Tản Đà vào một vị trí đặc biệt, là một “bậc đàn anh” chứng giám cho cuộc đổi thay của lớp nhà thơ
- 35 mới. Rõ ràng, nếu không có Tản Đà thì các nhà thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận sẽ trở nên lạc loài, và nếu không có Tản Đà thì cả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương cũng sẽ trở thành những hiện tượng cá biệt. “Có Tản Đà, chúng ta mới thấy một mạch thơ từ cuối thế kỷ XVIII đến phong trào thơ mới.” [7; tr. 575]. Ảnh hưởng của Tản Đà đối với lớp tân học sau thật đã ra ngoài cái kết quả mong đợi, kế tục Tản Đà, những nhà thơ trẻ lãng mạn lớp sau như Thế Lữ cũng đã đi vào cái cảnh giới thần tiên, nghe lại cái “Tiếng sáo Thiên Thai”. Bắt đầu từ Tản Đà, cái Tôi mới “hiện ra sừng sững” qua các tập chép mộng và cũng bắt đầu từ Tản Đà, “trong văn chương lãng mạn Việt Nam mới có hình ảnh một lữ khách. Chẳng bao lâu, người lữ khách ấy đã quyến rũ được khá nhiều bạn đồng hành: “người bộ hành phiêu lãng” của Thế Lữ, khách “giang hồ” của Lưu Trọng Lư” [22; tr. 343]. Như vậy, sau những đả kích của phe thơ mới, Tản Đà lại được công nhận là nhà thơ nổi bật nhất trong 30 năm đầu thế kỷ XX, là người mở đầu. Năm 1939 sau khi Tản Đà mất, trên báo Ngày nay số 166, tờ Tao Đàn số đặc biệt, Tản Đà lại được đề cao. Vì vậy mà “Tản Đà có quyền tự hào: ông đã đến đúng lúc ở cái vạch dành cho ông, trao chiếc gậy cho Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tuân, cho Xuân Diệu và Tú Mỡ vút băng về phía trước trên con đường chạy tiếp sức hiện đại hóa văn học Việt Nam.” [7; tr. 504]. Như vậy, cũng có thể nói Tản Đà là “một trong những bàn tay đầu tiên khơi dòng văn học hiện thực phê phán” (từ dùng của Văn Tâm). Từ trước năm 1920, yếu tố hiện thực phê phán đã xuất hiện một cách đáng kể trong các tập văn xuôi của Tản Đà, cho tới khi An Nam tạp chí ra đời, Tản Đà liền cho mở hẳn hai mục: “Việt Nam nhị thập thế kỷ - xã hội thiển đàm” và “Việt Nam nhị thập thế kỷ - xã hội ba đào ký” với chủ trương rõ ràng muốn làm cái việc “thư ký của thời đại”. Nguyễn Công Hoan cũng thừa nhận bản thân ông chịu ảnh hưởng của Tản Đà rất nhiều. Trong văn xuôi, tuy thành công của Tản Đà không sâu rộng bằng,
- 36 nhưng cũng không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của ông với lớp nhà văn sau. Một ví dụ rõ rệt nhất là Nguyễn Công Hoan, bằng cuốn Kiếp hồng nhan, Nguyễn Công Hoan đã theo sau các “học trò chính tông” của Tản Đà. “Về tinh thần, thật ông Hoan là như cái quái thai của ông Hiếu. Vậy ông Hiếu chỉ cho ông Hoan cái hứng làm văn, mà văn ông Hoan lại hoàn toàn ở tài ông Hoan. Nhưng ông Hoan cũng chẳng thể bạc đến nỗi không nhận mình là học trò” (Tao Đàn, số đặc san về Tản Đà, 1939) [7; tr. 225]. 1.4.2 Tản Đà đã để lại nhiều tác phẩm giá trị, đa dạng về thể loại Không chỉ dừng lại ở các tập thơ, Tản Đà còn sở hữu số lượng văn tập khá đầy đặn và có giá trị, vậy nên nói về hiện tượng Tản Đà trong lịch sử văn học dân tộc là nói đến các sáng tác của ông. Sự nghiệp sáng tác của Tản Đà hết sức phong phú và đa dạng, có thể nói không ngoa rằng mấy mươi năm đầu thế kỷ XX, văn đàn Việt Nam không có một thi văn nhân nào được yêu mến và nổi tiếng như ông Hiếu. Với đa dạng thể loại, chỉ riêng về thơ, Tản Đà đã làm đủ thể. Từ thơ bát cú (Năm hết hữu cảm, Cái giống yêu hoa, Nhớ mộng ) thơ tứ tuyệt (Tết tự thuật, Thuật bút, Đi đêm đay bóng ), thơ tự do (Hoa rụng, Áo rách, Thơ mới ), thơ lục bát (Thơ rượu, Vô đề, Vui xuân ), thơ song thất (Nói chuyện với ảnh, Mưa thu đất khách, Ngẫu hứng ), thơ yết hậu (Tự thuật, Tình tiền, Sư cụ ), thơ dịch (Quan thư, Hoàng hạc lâu, Đăng cao ); đến câu đối (Câu đối Tết, Câu đối viếng, Viếng bạn rượu ); cho đến nhiều thể văn xuôi như truyện ngắn, tiểu thuyết, nghị luận, nhàn đàm và cả làm báo (Đông Pháp thời báo, An Nam tạp chí ) riêng với báo chí, Tản Đà làm chủ bút lẫn viết thuê. Bảng 1.2 Bảng thống kê những tác phẩm của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (tham khảo từ cuốn Tản Đà toàn tập (tập 1) của Nguyễn Khắc Xương)
- 37 STT Tên tác phẩm Thể loại Năm xuất bản 1. Khối tình con I thơ 1916 2. Giấc mộng con tiểu thuyết 1917 3. Tây Thi kịch 1917 (công diễn) 4. Dương Qúy Phi kịch 1917 (công diễn) 5. Thiên thai kịch 1917 (công diễn) 6. Khối tình (bản chính và bản phụ) luận thuyết 1918 7. Khối tình con II thơ 1918 8. Lên sáu thơ dạy trẻ 1919 9. Thần tiền văn truyện 1919 10. Đài gương truyện (Đàn bà Tàu) luận thuyết 1919 11. Đài gương (Đài gương kinh) luận thuyết 1919 12. Tây Thi tuồng 1920 13. Lên tám thơ dạy trẻ 1920 14. Còn chơi thơ 1922 15. Tản Đà tùng văn thơ, văn 1922 16. Đại học dịch 1922 17. Tỳ bà truyện kịch 1922 18. Truyện thế gian I và II văn 1923 19. Quốc sử huấn mông sử 1924 20. Trần ai tri kỷ truyện, thơ 1924 21. Kinh thi dịch 1924 22. Thơ Tản Đà thơ 1925 23. Nhàn tưởng văn 1928 24. Tam tự kinh An Nam thơ dạy trẻ 1928 25. Giấc mộng lớn tự truyện 1929 26. Khối tình con III thơ 1932
- 38 27. Giấc mộng con II tiểu thuyết 1932 28. Tản Đà văn tập văn 1932 29. Tản Đà vận văn thơ 1932 30. Thề non nước văn 1932 31. Tản Đà xuân sắc văn 1934 32. Liêu Trai chí dị dịch 1937 33. Vương Thúy Kiều chú giải tân khảo cứu 1940 truyện Như vậy, Tản Đà đã tạo nên một hiện tượng văn học, là “một nhà văn hóa tiền đạo” đã để lại cho đời những tác phẩm vô cùng giá trị và hơn hết, ông có những đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. 1.5 Cơ sở hình thành mộng trong thơ văn Tản Đà 1.5.1 Việc chép mộng từ chính sự lý giải của Tản Đà Trước khi tìm hiểu về mộng trong thơ văn Tản Đà, chúng tôi cho rằng việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của mộng và những vấn đề liên quan trong các sáng tác của thi nhân là một điều vô cùng cần thiết. Khảo sát các tập thơ, văn tập của Tản Đà, dưới đây là sự tự lí giải của chính Nguyễn Khắc Hiếu về việc vì sao bản thân lại chép mộng. Có một điều ta cần lưu ý, đó là Tản Đà rất hay tự ví mình là “mộng nhân” hay “người mộng”, trong Tản Đà văn tập và cả trong lời kết Giấc mộng con thì Tản Đà đều sử dụng hai cụm từ ấy. Do đó, cơ sở đầu tiên hình thành mộng trong thơ văn Tản Đà là do chính bản thân ông luôn xem mình là một người mộng, sống trong mộng, thế nên thi thoảng tỉnh dậy thì ông chép mộng. Trong “Bài chép mộng” (Tản Đà văn tập, tập 1, 1913), phần “Mộng tự”, Tản Đà tự lí giải như sau: “Có câu nói rằng: Các sự đã qua, nhiều cái như
- 39 mộng, mà ông Lý Bạch là một người đại nhân bên nước Tàu ngày trước cũng có bảo: Ở đời như một giấc mộng to”. Tản Đà ngẫm nghĩ thấy điều đó quả không sai, lại thêm chuyện “nhân lại ngồi mà nghĩ thời cảnh ngộ trong mộng cùng cảnh ngộ ở đời có khác nhau mấy nhẽ: cảnh ngộ trong mộng cùng cảnh ngộ ở đời có khác nhau mấy nhẽ: Cảnh ngộ ở đời dài, cảnh ngộ trong mộng ngắn, cảnh đời nhiều về phần ngày, cảnh ngộ mộng thường về phần đêm; cảnh ngộ đời nhiều người cùng biết, cho nên có chứng, cảnh ngộ mộng chỉ một mình biết cho nên không có chứng; cảnh ngộ đời mở mắt mà thấy, cảnh ngộ mộng nhắm mắt mà thấy. Cảnh ngộ mộng mở mắt thời mất, cảnh ngộ đời chắc cũng nhắm mắt mà thành không. Vậy thời mộng là cái mộng con, đời là cái mộng nhớn. Mộng con mình đã tỉnh, cho nên biết là mộng; mộng nhớn mình chưa tỉnh, cho nên chưa biết là mộng”, những lẽ so sánh ấy sau này được Tản Đà trích dẫn vào tựa của Giấc mộng con, để khẳng định thêm cho lí do chép mộng của mình, Tản Đà viết:“Vậy thời mộng là cái mộng con, đời là cái mộng nhớn. Mộng con mình đã tỉnh cho nên biết là mộng; mộng nhớn mình đã tỉnh nên chưa biết là mộng. Cũng là mộng cả mà người đời có chép sử, chép truyện, chép ký, chép hành trạng, thời mình cũng nên chép”. Tiếp đó, cũng trong Bài chép mộng, mục “Hết mộng”, Tản Đà lại một lần nữa tự lí giải vì sao bản thân lại chép mộng. Ông cho rằng mộng là biểu hiện của tư tưởng, vậy nên việc chép lại cơn mộng của ông là nhằm để “ai xem thấy tất có thể biết tư tưởng mình thời chẳng cũng là một sự đáng thẹn bụng”. Và vì “Tư tưởng đang vơ vẩn, ai đưa đường, ai chỉ nẻo” và “xem nhân tình lấy túng kiết làm khinh bỉ; ngoài sự đói rách chẳng ai cười ai. Thời mộng thế việc gì mà không chép”. Tản Đà lại xét thấy các ông như ông thánh hiền, ông anh hùng, ông quan lớn, ông nhà giàu, ông đi cày, ông buôn bán, ông tửu đồ đều có việc làm nên “sự như ý” mà “mình không vào hạng nào cho nên cũng khó có sự như ý. Ngoài sự tình thực cũng không có sự như ý, thời cũng nên chép lấy
- 40 gọi là một tí của nhân sinh, thời mộng thế lại có nhẽ rất đáng chép.”. Như vậy, trong đoạn văn xuôi này Tản Đà đưa ra hai lý do, thứ nhất là do tư tưởng, thứ hai là do mưu cầu sự như ý trong cuộc đời. Cuối cùng, “thời lại là một cái chứng cho câu nói của người đời xưa. Thời mộng thế sao có nhẽ bỏ đi mà không chép, chép không hết ý đành thêm bốn câu thơ: Đắc, táng, bi, hoan sự đã rồi! Mây tay, lửa dứt, cánh bèo trôi! Chiêm bao nào biết không hay có! Công việc trần gian thế đó thôi! Mộng đẹp đã chép, mà Tản Đà còn tiếc vì chép không hết ý. Năm 1917, Tản Đà cho xuất bản tác phẩm văn xuôi Giấc mộng con, ở phần lời tựa của tác phẩm, ông có viết rằng: “Mộng con mình đã tỉnh, cho nên biết là mộng; mộng nhớn mình chưa tỉnh, cho nên chưa biết là mộng”, “nay đã tỉnh cái mộng con thời chép lấy; còn cái mộng nhớn, đợi lúc tỉnh rồi sẽ hay”. Đó cũng chính là một lí giải nữa của chính ông cho việc vì sao mình lại chép mộng. Hơn mười năm sau đó, Tản Đà cho ra đời Giấc mộng lớn, ở lời tựa, Tản Đà nhắc lại lý do viết Giấc mộng con năm xưa để làm tiền đề cho việc lý giải vì sao mình chép luôn cả giấc mộng lớn, cái mộng mà từ thưở nào mình “đợi tỉnh” rồi mới chép. Ông chép: “Giấc mộng con thời đến lúc tỉnh mới chép; còn giấc mộng lớn mà nếu cũng đợi đến khi tỉnh, thời thì giờ biết có hay không? Lại ông Trang Chu có nói rằng: Có sự tỉnh lớn, mà rồi mới biết giấc mộng lớn. Nay dẫu chưa tỉnh, cũng đã biết là mộng, thời cần gì phải đợi đến lúc tỉnh mới chép. Chép giấc mộng lớn.” Thêm nữa: “Giấc mộng con chép, thời giấc mộng lớn sao không chép. Nghĩ như người ta sinh ra đời, không ai dễ có mấy thân,
- 41 cho nên mình yêu mình, là cái tình chung của nhân loại Cho nên đối với mình mà giấc mộng lớn chép.” Hơn thế, việc “mình yêu mình, không cứ đẹp hay xấu, hay hay dở; người ta yêu nhau, thường cũng không cứ đẹp hay xấu, hay hay dở, mà yêu thời cứ yêu ai yêu ta, ta chẳng được yêu cùng, thời, ai yêu ta cũng ơn lòng, lấy chi báo đáp tấm lòng ai yêu. Cho nên đối với xã hội mà giấc mộng lớn chép.”. Như vậy, chép giấc mộng lớn là vị hai lẽ: vì bản thân mình và vì xã hội. 1.5.2 Một thời đại “đáng chán” đối với Tản Đà Phàm đã là con người, ít nhiều cũng chịu tác động từ môi trường mà bản thân sinh ra và lớn lên, Tản Đà cho dù nhận mình là “trích tiên” thì có lẽ chính ông cũng không thể phủ nhận được những tác động của hoàn cảnh lịch sử - xã hội đến suy nghĩ. Vậy, Tản Đà đã sống trong một thời đại “đáng chán” như thế nào, mà đến nỗi ông không chỉ chán đời mà còn “ngán” cả đời. Ngày 31 tháng 8 năm 1858, Pháp nổ súng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng, Việt Nam) mở ra một cuộc xâm lược quy mô và lâu dài. Phẫn nộ, làn sóng khởi nghĩa trong quần chúng càng được đẩy cao hơn bởi thái độ vô cùng bạc nhược của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Thế nhưng, nông dân anh hùng cũng không lay được thế nước, một xã hội thực dân nửa phong kiến ra đời kéo theo những xáo trộn không thể tránh khỏi. Kinh tế tư bản, sự chiếm lĩnh của đồng tiền và những lợi nhuận đã mang đến một xã hội rối ren chưa từng thấy, thậm chí có những giá trị đạo đức cũng có thể mua bằng tiền, đồng tiền có thể nói đã thay đổi cục diện đất nước ta một cách sâu rộng, người ta có thể “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Bên cạnh đó, sự sụp đổ của những chế độ phong kiến, của những giềng mối tưởng chừng như chẳng thể rạn nứt đã mang đến cho văn học giai đoạn này những thay đổi đáng kể. Hàng loạt tác phẩm văn học giàu tính chiến đấu ra đời mà nổi cộm trong số đó phải nói đến các tác phẩm của thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu
- 42 như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thào thử hịch, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh Nói về giai đoạn ấy, trong Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn, Văn Tâm có viết: “Trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, do chính sách bóc lột tận xương tủy và những chủ trương thâm độc về văn hóa, chính trị của đế quốc Pháp, những con người tiểu tư sản Việt Nam nếu không bị phá sản để rớt xuống hàng ngũ lao động chân tay, nếu không bị lưu manh hóa, thì cuộc sống của họ, nói chung (nhất là ở các tầng lớp tiểu tư sản lớp dưới), chỉ là một chuỗi dài những ngày tháng chạy vạy miếng cơm manh áo, những ngày tháng đầy rẫy lo âu khổ cực và những chuyện eo sèo thảm hại. Tình trạng bất ổn về sinh hoạt vật chất và nhức nhối về tinh thần đó đã khiến những con người tiểu tư sản, nói chung, rất chán ghét thực tế xã hội đương thời.” [22; tr. 268]. Những biến chuyển về chính trị đã kéo theo những thay đổi trong các mặt của đời sống, tiêu biểu nhất là sự sụp đổ của chữ nho, hay nói rộng hơn là nền Hán học đã ngự trị trong văn hóa và văn học Việt Nam hằng bao nhiêu thế kỷ. Thời đại này là lúc mà như Trần Tế Xương nói, những người từng rất được trọng dụng trong chế độ cũ, nay “cũng nằm co”: Nào có ra gì cái chữ nho, Ông nghè ông cống cũng nằm co (Chữ nho) Một thời đại mà đất nước phải chịu cảnh xâm lược, dân tộc phải chịu ách nô lệ, không hề có một lối thoát. Tản Đà mộng, âu cũng là một điều hoàn toàn dễ hiểu và dễ chấp nhận. Hơn nữa Tản Đà yêu nước nhưng thực chất ông bất lực trước thời cuộc, thế nên ông mộng mị nhiều, mà cũng bế tắc nhiều. Cũng từ thực tế đáng buồn của đất nước mà cái sầu và cái chán bắt đầu hình thành và trở thành “nhịp cầu” đưa Tản Đà đến những giấc mộng thoát tục và tươi đẹp:
- 43 Kiếp sau xin chớ làm người, Làm đôi chim nhạn giữa trời mà bay. (Hơn nhau một chén rượu mời) Thơ văn Tản Ðà nói nhiều đến chữ sầu, có thể nói Tản Ðà đã xướng lên một nỗi buồn đặc biệt, lãng mạn. Cái buồn của Tản Ðà là nỗi buồn thầm kín, như nằm tận đáy sâu của lòng người có thể bật dậy bất cứ lúc nào. Nó không sầu não, tang tóc nhưng da diết, khó nguôi. Tản Ðà buồn, thứ nhất là buồn về thân phận mình và buổi cho những người cùng cảnh ngộ : “Ngắn dài sáu lớp mươi câu hát Vui khóc năm canh một cuộc đời Cũng muốn thôi đi thôi chửa dứt Tài tình lụy lắm bạn tình ơi!” (Ðề tuồng Tây Thi) Nằm trong khuynh hướng chung của giai đoạn văn học giao thời, khi mà văn hóa, tư tưởng, văn học phương Tây bắt đầu thổi vào văn học Việt Nam những làn gió mới với đặc điểm “mỗi người là một thế giới” của chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi cá nhân được dịp bùng phát, thực sự trở thành cái tôi trong văn học. Bên cạnh đó, không khí thời đại đau buồn bởi biến cố chính trị, tình hình còn sầu thảm hơn bởi những tác phẩm văn học lãng mạn của Tây cổ, Tàu cổ nổi bật như Hồng lâu mộng du nhập vào và được dịch. Vậy nên ba mươi năm năm đầu thế kỷ XX đã nhen nhóm và hình thành khuynh hướng văn học lãng mạn mà bên cạnh Tản Đà còn có Trần Tuấn Khải với Duyên nợ phù sinh, Đông Hồ với Cô gái xuân, Tương Phố với Giọt lệ thu 1.5.3 Những yếu tố từ gia đình và bản thân Tản Đà
- 44 Có thể nói tuổi thơ Tản Đà không mấy hạnh phúc, thậm chí còn long đong và đáng thương vô cùng. Bỏ qua việc gia thế khi ông Kế còn tại thế, Tản Đà đã phải sống cảnh mồ côi mồ cút từ khi còn rất nhỏ, phải sống dựa vào người anh cùng cha khác mẹ, rày đây mai đó. Ngay sau khi cha mất thì gia cảnh cũng sa sút, sự thiếu thốn bủa vây, cái sự nghèo ấy không những đã chặn đứng con đường hôn nhân lẫn quan trường mà Tản Đà ấp ủ từ thưở thiếu thời mà còn khiến ông khổ sở vô cùng trong những năm tháng còn lại của cuộc đời: Gạo tẻ đong chịu nếp thời không Áo vợ rách tan, chồng cũng hết Con theo cạnh nách mếu môi sò Nợ réo ầm tai câm miệng hến Trời còn để sống đến trăm năm Lại mấy mươi bài thơ khóc tết! (Thơ khóc Tết của hai ông đồ) Đã thế, khi cha mất, mẹ Tản Đà là bà phủ Ba vì bất hòa với gia đình mà đã bồng theo cô út Trang xinh xắn, chị ruột cậu ấm Hiếu trở lại chốn Bình Khang. Việc này Tản Đà không muốn nhắc đến, nhưng chẳng thể tránh khỏi đau lòng khi nghĩ đến cảnh mẹ và em đem lời ca tiếng hát kiếm sống ở nơi son phấn. Hơn thế, trong một gia đình danh giáo như gia đình quan án, ấm Hiếu không khỏi mặc cảm, thấy mình bơ vơ vì là phận con lẽ, lại là con của một ca kỹ, nay mẹ và chị lại bỏ đi khiến Hiếu trở nên lạc lõng hơn bao giờ hết. Một tình yêu đầu đời sâu đậm tan vỡ, một giấc mộng sự nghiệp không thành, một nỗi đau của tình cảm gia đình thiêng liêng, Tản Đà đi qua những đớn đau của cuộc đời, với một tài năng chưa bao giờ thui chột, với cái ngông của một bậc trượng phu. Cũng vì thực tế cuộc sống của chính Tản Đà lúc bấy
- 45 giờ rất khó khăn, bế tắc nên có lẽ ông luôn muốn được vượt thoát, muốn tìm quên. Và Tản Đà chọn cách thoát ly vào trong cái mộng. Ông cho rằng trong đời người ta có hai thứ mộng: mộng con là những điều ta thấy trong chiêm bao, mộng lớn là cuộc đời ta. Có thể nói mộng là lối thoát gần như duy nhất cho tâm hồn mơ mộng và bế tắc của Tản Đà. Như vậy, Tản Đà mộng còn vì nỗi sầu từ gia đình, từ những thất bại của bản thân và hơn hết là cá tính của ông, một chữ “ngông”. Thực tế thật rất đáng sầu, vậy nên cái “bằng sức mạnh của đôi cánh tưởng tượng, ông đã cấu tạo nên một thế giới xa lạ, thế giới mộng sự để sống. Từ ấy, mộng cũng là một tính chất đặc biệt của thi văn Tản Đà” [7; tr. 413]. Về cái ngông, ông từng tự cho mình vốn là “trích tiên”, và văn thơ ông thì chỉ có người trên thiên đình mới có thể thưởng thức mà thôi, chính Trời cũng đã nói với ông rằng: Văn đã giàu thay, lại lắm lối Trời nghe Trời cũng bật buồn cười! Chư tiên ao ước tranh nhau dặn: - “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!” (Hầu Trời) “Nhìn chung, chỉ vì cái ngông ấy, Tản Đà hình thành cả một thế giới mộng riêng” [7; tr. 417] và bằng mộng, ông muốn thoát ra khỏi cuộc đời chật chội, u tối. Cũng vì vậy mà Phạm Văn Diêu mới nói rằng: “sau Tú Xương, có lẽ Tản Đà là một nhà thơ ngông hơn cả trên văn đàn giao thời hai thế kỷ XIX – XX” [7; tr. 415]. Còn Lê Thanh thì cho là: “cái động lực nó bắt ông mộng mị luôn có lẽ là tính ngông của ông. Cái gì thuộc của ông, là ông muốn cho khác đời” [7; tr. 236].
- 46 Một năm trước khi mất, trong ngày cuối năm tiễn ông Táo về trời, Tản Đà đã có bài thơ tự kiểm định lại cuộc đời mình, đó là những dòng thành thật nhất mà cũng xót xa nhất: Qua hết đông này năm chục tuổi Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng Văn chương quẩn mãi cùng thân thế Sự nghiệp mong gì với núi sông! (Tiễn ông Công lên trời) Phải chăng chính mạch sầu này trở thành điểm nhìn nghệ thuật để Tản Đà viết Giấc mộng lớn, ta tạm gọi đó là một cuốn tự truyện về cuộc đời ông. Minh chứng là sự bao trùm của những đổ vỡ trong những năm tháng mà Tản Đà đã sống lên tác phẩm, những sự kiện khác chỉ mang tính điểm qua. Và cứ sau mỗi thất bại, vấp ngã, anh Nguyễn Khắc Hiếu ôm ấp đầy hoài bão năm nào càng lúc càng lu mờ, nhường chỗ cho ông Tản Đà có tuổi với những mệt mỏi, bế tắc như chính điều mà Tản Đà viết trong Giấc mộng lớn về An Nam tạp chí: “Mỗi một phen ra đời lại một phen thất bại; mỗi một phen thất bại, đầu tóc lại bạc thêm” [3; tr. 304]. Như vậy, bên cạnh việc tự nhận mình là một “mộng nhân”, Tản Đà đã có những lý giải cho việc chép mộng của mình khá chi tiết và hợp lý thì cơ sở hình thành mộng trong thơ văn Tản Đà còn ở những yếu tố từ thời đại, gia đình và bản thân ông. Qua đó có thể thấy rằng, để khởi nên cái mộng, Tản Đà hoàn toàn có những lý do mà chúng tôi cho là chính đáng. Tiểu kết Mộng có mộng mở mắt và mộng nhắm mắt; mộng nhắm mắt là mộng theo kiểu tín ngưỡng, mộng mở mắt là thuộc về mộng tưởng. Mộng trong thơ
- 47 văn Tản Đà là kiểu mộng thứ hai; nằm trong cùng trường ngữ nghĩa với mộng tưởng là mê, mơ, ước, tưởng. Ấy là về khái niệm mộng, mộng trong văn học trước và sau sự xuất hiện của Tản Đà, ta có hai giai đoạn cần tìm hiểu, đó là văn học trung đại và văn học đầu thế kỷ XX đến 1945. Mộng trong thơ văn trung đại vẫn còn tồn tại kiểu mộng tín ngưỡng (chiêm bao) do nếp cảm thức trung đại khiến con người mơ mộng một cách bị động. Sang đến nửa cuối thế kỷ XVIII, cái tôi bắt đầu có chỗ đứng thì cũng là lúc xuất hiện khuynh hướng lãng mạn thoát ly mà tiêu biểu là qua sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan. Trong thơ văn đầu thế kỷ XX đến 1945, Thơ mới ra đời cũng như một sản phẩm tất yếu của thời cuộc với một cõi mộng vô cùng đa dạng trong thơ với những giấc mộng tình yêu, mộng thoát ly hoặc mộng tìm về quá khứ. Như vậy, có một đường dây mộng tưởng nối từ trung đại sang hiện đại mà Tản Đà chính là điểm ở giữa. Tản Đà có một tuổi thơ không vẹn tròn, một cuộc đời như tiểu thuyết và một cá tính đặc biệt. Cái cá tính ấy đã được những người yêu quý ông kể lại, rằng Tản Đà vừa ngông nhưng cũng rất vui tính và nhũn nhặn. Về sự nghiệp văn chương, Tản Đà đã tạo nên một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn học dân tộc với tầm ảnh hưởng lớn với lớp tân học sau này và những đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Tác phẩm ông để lại cho đời không chỉ nhiều về số lượng mà còn có giá trị lâu dài. Về cơ sở hình thành mộng trong thơ văn Tản Đà, chúng tôi nhận ra có ba điểm mấu chốt: thứ nhất do chính bản thân ông tự nhận mình là “mộng nhân” với công việc là “chép mộng”, thứ hai do chán ngán xã hội thực dân nửa phong kiến và nằm trong khuynh hướng chung của giai đoạn văn học giao thời mà sinh ra mộng, cuối cùng là từ những bất hạnh tuổi thơ và trắc trở trong cuộc đời của cậu ấm Hiếu, nhưng hơn hết, ông mộng vì một chữ “ngông”. Như vậy, Tản Đà mộng là để khẳng định cái Tôi và phủ định thực tại và mộng trong thơ văn ông là hoàn toàn có cơ sở.
- 48 CHƯƠNG 2 MỘNG TRONG THƠ VĂN TẢN ĐÀ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG Trước hết, ta cần nói đến việc mộng trong quan niệm của Tản Đà có hai điểm đặc biệt quan trọng. Thứ nhất: mộng thuộc về cõi tinh thần, mà cõi tinh thần là không có giới hạn, vậy nên, thế giới mộng của ông là không có giới hạn. Thứ hai: mặc dù không thuộc về thế giới thực nhưng những trải nghiệm trong cõi mộng cũng là một hiện thực vì Tản Đà đã khẳng định “Thật hồn Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể! (Hầu Trời). Hai thuộc tính ấy giúp Tản Đà được sống với những gì mình ước mong, và cũng với những thuộc tính như vậy, thế giới mộng trong thơ văn Tản Đà được biểu hiện rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu chúng tôi nhận thấy rằng có ba giấc mộng chiếm đa số thời lượng sáng tác của Tản Đà. Đó là: giấc mộng thoát ly, giấc mộng yêu đương và giấc mộng làm nhà tư tưởng. Cũng chính ở đây ta bắt gặp ở ông một trí tưởng tượng vô cùng phong phú, bay bổng. Bảng 2.1 Bảng thống kê số lượng bài thơ liên quan đến ba loại giấc mộng trong toàn bộ 177 bài thơ Tản Đà được in trong cuốn Văn học hiện đại – Tuyển tập Tản Đà, do Xuân Diệu biên soạn, xuất bản năm 2002. Mộng thoát ly Mộng yêu đương Mộng tư tưởng Tên bài Tiếc của đời; Thương ai; Nhớ ai; Mị Châu Trọng thơ Muốn làm thằng Tình sắc; Văn tế Thủy; Phong dao; Cuội; Tây hồ vọng Chiêu Quân; Chơi Sẩm chợ; Con chim nguyệt; Cảm thu, Hòa Bình; Nhớ chị khôn; Tự thuật; Nói
- 49 tiễn thu; Hơn nhau hàng cau; Tây hồ về liệt đại anh hùng một chén vọng nguyệt; Cái nước ta; Thề non rượu mời; Trông giống yêu hoa; Nhớ nước; Hầu Trời; hạc bay; Cánh bạn; Nói chuyện Khai bút; Con cuốc bèo; Say; Tống với ảnh; Vô đề; cùng con chẫu biệt; Chơi Huế; Phong dao; Câu hát chuộc; Chim họa mi Còn chơi; Hầu dậm đò; Năm canh trong lồng; Ếch mà; Trời; Nhớ mộng; mối tình; Ve người Đời đáng chán; Nói Vợ chồng người đá; Trời mắng; Thư chuyện với bóng; đốt than; Lưu đưa người tình nhân Xuân tứ; Tiễn ông Nguyễn vào thiên có quen biết; Thư Công lên trời; Xuân thai; Nói chuyện đưa người tình nhân sầu; Cảm xuân; Thơ với ảnh; Đời đáng không quen biết; thẩn; Ngày xuân thơ chán; Tiễn ông Thư trách người rượu; Năm hết hữu Công lên trời; tình nhân không cảm; Đêm tối; Đời Phong dao; Lo văn quen biết; Thư lại Hậu Trần; Đời lắm ế; Mấy vần ngẫu trách người tình việc; Đêm đông hoài hứng; Trời mắng; nhân không quen cảm; Khuyên người Thơ rượu; Thú ăn biết; Thơ đề vở giúp dân lụt; Thơ chơi; Đời lắm tuồng Tây Thi; Hỏi mừng Tết; Cảm việc; Khách giang gió; Đời đáng chán; hứng; Vịnh bức địa hồ; Phong dao. Trần ai tri kỷ; Rau đồ rách; Tiếp theo sắng chùa Hương; bài vịnh bức địa đồ Thăm mả cũ bên rách; Địa đồ rách thứ đường; Nhắn người ba; Địa đồ rách thứ trong Thanh; Năm tư; Cảm hoài An hết hữu cảm; Cảnh Nam tạp chí lại ra
- 50 đêm nhà ẩn sĩ; đời; Hủ nho lo việc Ngày xuân tương đời; Chiếc tàu An tư; Lại tương tư; Nam; Cảnh đêm nhà Phong thi. ẩn sĩ; An Nam tạp chí lại ra lần thứ năm cảm tác; Xuân hứng; Bài hát chúc báo sống; Ba Đình ký. Tổng số 27 31 40 bài thơ Tỷ lệ trên tổng số 15.3 17.5 22.6 bài thơ (%) Từ bảng thống kê trên, có thể thấy số lượng bài thơ có liên quan đến mộng chiếm 98 bài thơ tương đương 55.4% (một số bài thơ có liên quan đến 2 hoặc 3 kiểu mộng). Như vậy ta có thể kết luận hơn một nửa thơ Tản Đà là viết về mộng với giấc mộng về tư tưởng chiếm ưu thế. 2.1 Tản Đà, từ giấc mộng “kinh bang tế thế” đến mộng làm nhà tư tưởng 2.1.1 Tản Đà và giấc mộng “kinh bang tế thế” Được nuôi dưỡng trong khuôn khổ đạo học Khổng – Mạnh, Tản Đà trước sau vẫn sống trong tâm trạng của bậc tài danh thuộc thời đại trước, nuôi nấng giấc mộng lập thân bằng con đường khoa cử như tất cả nho sinh trong xã hội phong kiến với cái viễn cảnh “ngựa anh đi trước võng nàng theo sau”. Thế nhưng, những biến cố chính trị đã dẫn đến sự tàn lụi của một chế độ tuyển chọn nhân tài bằng con đường khoa cử tồn tại hàng mấy thế kỷ. Nổi tiếng là một
- 51 “thần đồng” của tỉnh Sơn Tây từ những năm mới mười lăm tuổi, sự đổ vỡ của nền Hán học đã đặt dấu chấm hết cho giấc mộng công danh của Tản Đà. Song, điều đáng quý ở nhà thơ núi Tản sông Đà là ở chỗ ông mộng công danh không phải là để vinh thân phì gia mà cái chí công danh ấy được tạo dựng nên bằng ước vọng phụng sự cho quốc gia, cho dân tộc. Cái chí hướng cao cả, cái hoài bão đẹp đẽ ấy đã được ươm mầm ngay từ khi cậu ấm Hiếu còn trai trẻ. Nhớ lại ngày đó, Tản Đà từng ôm ấp giấc mộng lập nên nghiệp lớn để xứng đáng với thân nam nhi đứng trong trời đất: Phận nam nhi tang bồng là chí, Chữ trượng phu ý khí nhường ai. Non sông thề với hai vai, Quyết đem bút sắt mà mài lòng son. Dư đồ rách, nước non tô lại, Đồng bào xa, trai gái kêu lên. Doanh hoàn là cuộc đua chen, Rồng Tiên phải giống ngu hèn mãi ru. (Xuân sầu) Nói về mộng lập nghiệp của mình, trong Tản đà nhàn tưởng (tư tưởng do lúc nhàn tĩnh suy ra) Tản Đà cũng có viết: “Ở đời mà không có sự nghiệp, như suốt đời đi ở trọ mà không có nhà” và “Người đàn ông quý ở tài, mà cũng phải ở đức; người đàn bà quý ở đức, mà không cần có tài”. Trần Đình Hượu cho rằng cái mộng nghiệp lớn của cậu Nguyễn Khắc Hiếu lúc bấy giờ “đó là một sự nghiệp vì dân vì nước, có đủ màu sắc yêu nước và duy tân, nhưng vẫn
- 52 là một sự nghiệp cá nhân và dựa vào tài văn chương” [7; tr. 535]. Và An Nam tạp chí chính là “cả hy vọng lập sự nghiệp vì đời” của Tản Đà: Một giải sông Đà vạn cổ lưu! Ba Vì núi Tản thiên niên thọ! An Nam tạp chí vạn thiên thu! Cùng nước An Nam thiên vạn cổ! (Thơ mừng Tết) Thế nhưng, trót sinh trong xã hội mà văn chương đã không còn là một sản phẩm cao quý, không còn được đặt vào vị trí cao nhất mà cũng chẳng thể đổi lấy được công danh, Tản Đà gần như vỡ mộng. Người đàn ông có tài, biết mình có tài, hiển nhiên có sự mơ ước được đem cái tài ra để phục vụ đất nước để “đường mây bay bổng cánh hồng, dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi” nhưng mọi sự lại không thành, mộng tan vì thời thế, Tản Đà tự than rằng: Sự nghiệp ngàn năm xa vút mắt Tài tình một gánh nặng trên vai. (Năm hết hữu cảm) Xã hội Việt Nam trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX vô cùng phức tạp, tình hình tư tưởng trong xã hội còn phức tạp hơn với ba ý thức hệ: phong kiến, tư sản, vô sản tồn tại cùng lúc và tranh giành ảnh hưởng với nhau. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hiển nhiên trở thành tấm gương phản chiếu xã hội với “khối mâu thuẫn lớn” trong tư tưởng. Khối mâu thuẫn ấy là sản phẩm của con người Tản Đà (sinh ra trong gia đình quan lại phong kiến và được nuôi dạy từ bé theo tư tưởng phong kiến Nho gia) với thành phần bản thân (giai cấp tiểu tư sản) và ý thức hệ xã hội mới, trong hoàn cảnh nước ta bị Pháp xâm lược. Do đó, Tản
- 53 Đà dần rời xa kiểu nhà nho chính thống mà trở thành nhà nho tài tử sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Song, Tản Đà trước sau vẫn không rời bỏ hoàn toàn giấc mộng “kinh bang tế thế” mà bản thân đã được hấp thụ từ gia đình từ tấm bé, và rồi khi tiếp thu được tư tưởng duy tân phương Tây, thi sĩ núi Tản sông Đà cuối cùng đã quyết định “thực hành một giấc mộng kinh bang tế thế kiểu mới: cải cách xã hội bằng văn thơ. Vì thế, bên cạnh những hình thức biểu hiện của một cái tôi ngông, thơ văn ông còn đề cập đến lòng thương dân, chí lo đời, tinh thần bất bình với xã hội ô trọc, lên án tệ tham nhũng, đục khoét của quan lại, tố cáo sức mạnh tha hóa ghê gớm, nhiều mặt của đồng tiền” [11; tr. 1592]. Tản Đà vốn tôn thờ học thuyết Khổng Tử, một học thuyết cho rằng “phụ nhân nan hóa”, trước tình hình chính trị xã hội rối ren, những giá trị đạo đức lâu đời có nguy cơ bị đồng tiền phá vỡ, ông có ý muốn răn dạy phụ nữ nhằm bảo vệ gia đình, bảo vệ luân thường. Trong Đài gương kinh, Tản Đà viết: “Gương đã là một đồ dùng để soi mà phần nhiều cần hơn cho bên người đàn bà” thế nên “Muốn biết đức hạnh ăn ở trí khôn suy xét; phận sự làm ăn để sửa cho được tốt thời phải dùng một thứ gương bằng chữ”. Ông Nguyễn Khắc Hiếu dùng tác phẩm này trước nhằm răn dạy đàn bà, sau là chấn chỉnh lại trật tự xã hội. Từ “thì con gái” phải biết hiếu thuận với cha mẹ, có tình với anh chị em, biết gìn giữ phẩm hạnh và hiểu rõ trách nhiệm của mình. Đến “thì làm dâu cùng là lúc có chồng” thì phải biết hiếu thuận với cha mẹ chồng, giữ cái phẩm hạnh, lo việc nội trợ, cái chức nghiệp của mình và phải biết yêu thương, kính chồng. Sau, “thì làm chủ nhà cùng là lúc có con” phải làm tròn phận sự với cha mẹ hai bên, giữ chữ hạnh và chăm lo răn dạy con cái. Cuối đời, đến “thì tuổi già”, “người đàn bà từ thì con gái, thì làm dâu, thì làm chủ nhà cho đến thì tuổi già mà đức hạnh, trí khôn, phận sự không nhầm lỗi là chân tu.”. Phận làm đàn bà con gái, những tưởng không giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất
- 54 nước nhưng lại có tác động vô cùng lớn với gia đình, như việc Mạnh Kha vâng lời mẹ hiền dạy mà quyết dựng nên nghiệp lớn vậy. Bên cạnh việc răn dạy đàn bà, Tản Đà còn nhận ra sự ra đời của đồng tiền đã tác động đáng kể đến những giá trị đạo đức ở đời, mà một người tự nhận mình là một “nhà văn kiêm nhà tư tưởng” như ông thì công tác tư tưởng sẽ được biểu hiện qua văn chương. Nổi bật nhất, Thần tiền là một tác phẩm thuộc thể tiểu thuyết đối thoại của Tản Đà được viết vào khoảng năm 1917. Tác phẩm kể về hai đồng bạc (Tản Đà gọi là hai cô gái) nói chuyện với nhau về mặt lợi và mặt hại của đồng tiền. Mở đầu là vài dòng thơ tác giả nói về đồng tiền: Có nhiều là giầu, Có ít là nghèo, Ai mà không có, Khốn khó trăm chiều (Thần tiền) Tản Đà, qua nhân vật đồng tiền trong Thần tiền, đầu tiên đã chứng minh việc đồng tiền mang đến những cái lợi rõ ràng, “đại khái thời như các người sung sướng, hiển vinh, tài trí, công nghiệp trên thế gian đều có là nhờ chị em mình mà được như thế cả”, nhưng cũng gây nên những tội ác như việc đồng tiền chị kể rằng có chuyện hai anh em tranh chấp tài sản bố mẹ, bèn dùng đồng tiền để đêm đi đút lót quan “Sau rút lại, đứa thời mất ruộng mất nương, đứa thời mất nhà mất cửa mà sinh ra oán thù nhau suốt đời. Như thế thời chị em mình chẳng làm khổ người ta là sao?”. Cuối cùng, hai đồng tiền đưa đến kết luận là đồng tiền không có lỗi, lỗi ở người sử dụng không giữ được đạo đức: “Không trừ bỏ chị em mình, chỉ lấy chất đạo đức tiêm vào lòng người đời cho
- 55 biến hóa tính nết ở trong lòng người, cho mất những cái tính nết xấu ấy đi thời chị em mình không có chỗ di duyên mà làm hại”. Tản Đà còn mong mỏi có thể dùng văn chương của mình chấn chỉnh lại lương tri của quốc dân, thế nên ông đã viết những tác phẩm nghiêng nặng về khuyên dạy quốc dân như Khuyên người giúp dân lụt hay bài xẩm chợ Khuyên thanh niên học hành: Hỡi ai ơi là những người Ông trên mạn ngược, bà vùng xuôi Có nhiều cho nhiều, ít cho ít Cứu kẻ bần dân lúc thủy tai Lúc thuỷ tai, này ai ơi! Quý tiếc thương yêu lấy giống nòi Con cháu Rồng Tiên khi đã bĩ Đừng nên rẻ rúng, bỏ nhau hoài! (Khuyên người giúp dân lụt) Hội gió mây xoay vần mấy lúc, Bực tài danh ta cố học mà nên. Thanh niên, hỡi bạn thanh niên! Cùng nhau ta cố gắng để tiến lên cho kịp người. Ít câu ta hát vui chơi, Anh em ghi nhớ mà vui học hành. Chớ quên cái chí đua ganh.
- 56 (Khuyên thanh niên học hành) Trong mộng ước trở thành một nhà cải cách, có thể dùng ngòi bút của mình (chủ yếu là qua sự nghiệp báo chí) để chấn hưng đất nước, mở mang cho dân tộc, Tản Đà đã cho ra đời những tác phẩm nghiêng nặng về sự giáo lý, mà ông cho là văn “vị đời”. Trong Tản Đà tùng văn tổng cộng có bốn bài: “Ở đời thế nào là phải?”, “Ba đức riêng” (gồm Tự ái, Tự trọng, Tự tôn), “Lòng thương xót” và “Cái lo”. Cụ thể hơn, Tản Đà cho rằng to lớn nhất trong lòng người là tấm lòng biết thương xót, có lẽ nhằm kêu gọi sự tự thức tỉnh của thanh niên trước tình hình đáng thương xót của đất nước. ông giảng giải: “Phàm người, ai muốn học làm thánh hiền hào kiệt, phải nên mở rộng lòng thương xót. Lòng thương xót mà có mở rộng được thời mới bao dung được nhiều cái khổ sở, tội ác của nhân thế.”. Về sự tự tôn, Tản Đà lấy gương của những bậc thánh hiền như ông Y Doãn, vua Lê Thái Tổ, phật Thích Ca, ông Lư Thoa, Lâm Khẳng, đức Khổng Tử để minh chứng rằng: “cái đức tự tôn là rất sang” và “sau đức tự ái, đức tự trọng mà tiến được đức tự tôn thời thánh hiền hào kiệt cách gang tấc.”, “chúng ta nếu đã biết tự ái, tự trọng, tự tôn thời thời tức là tự ta yêu tiếc nhà, tôn trọng nước”. Như vậy, chung quy lại tư tưởng của Tản Đà vẫn là kêu gọi lòng yêu nước của quốc dân. Chính vì Tản Đà luôn cố gắng sống giữa cuộc đời trong sự vật lộn, dù có lúc ông chán đời đến mức phát “ngán” lên, nhưng cuối cùng thi sĩ cũng chẳng thể rời bỏ cuộc đời. Lo sợ trước sự đổi thay, và hơn hết là trước cảnh mình ngày một già đi mà sự nghiệp cải cách xã hội về mặt tư tưởng cho quốc dân vẫn chưa hoàn thành, trong bài thơ cuối cùng của cuộc đời mình in trên báo Ngày nay vào mùa xuân 1939, Tản Đà viết: Làng văn mấy bạn văn chương Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu
- 57 Tiểu thư ai đó tựa lầu Thơ đào chưa vịnh, mai hầu bảy ba Trời xanh, trời cũng khi già Xuân xanh, xanh mãi đâu mà, hỡi ai! (Vui xuân) Qua những tác phẩm văn chương vị đời, Tản Đà hy vọng có thể đánh thức nhân tâm con người, giúp họ không bị tha hóa bởi xã hội đồng tiền cũng như gìn giữ cái Thiên lương cao cả ở con người. 2.1.2 Tản Đà với thuyết “Thiên lương” và giấc mộng “đại đồng” Trong “Bài chép mộng” (Tản Đà văn tập), có đoạn ông Nguyễn Khắc Hiếu viết như sau: “Mộng thường hiện ra bởi tư tưởng. Tư tưởng đi mặt nào, mộng đón mặt ấy. Cho nên ông Khổng Tử có tư tưởng hành đạo thời mộng thấy ông Chu Công; ông Văn Vương có tư tưởng Hưng Chu thời mộng được ông Lã Vọng. Xem mộng ai thế nào biết tư tưởng thế ấy.”. Như vậy, cái tư tưởng của Tản Đà đã được bộc lộ rõ qua đêm ông mộng được lên Trời, đó chính là mong muốn truyền bá thuyết Thiên lương: Thiên tào tra sổ xét vừa xong Đệ sổ lên trình Thượng đế trông - “Bẩm quả có lên Nguyễn Khắc Hiếu Đày xuống hạ giới vì tội ngông.” Trời rằng: “Không phải là Trời đày. Trời định sai con một việc này Là việc “thiên lương” của nhân loại,
- 58 Cho con xuông thuật cùng đời hay.” (Hầu Trời) Trong chuyến lên thiên đình ở Giấc mộng con II, Trời đã căn dặn Nguyễn Khắc Hiếu rằng: “Ta sai con trần giới, chỉ cốt có một việc đó; còn như các việc làm văn khác, chẳng qua là ta cho con có cái sinh kế ở dưới trần. Vậy từ nay con phải để thì giờ mà làm dần việc “thiên lương” đó đi, thời con sẽ được sớm trở về tiên giới.”. Tản Đà đã luận giải về thuyết Thiên lương của mình rất chi tiết trong Khối tình (bản chính) mục số 22. Bao gồm: thứ nhất, “Thiên lương có nhất định”: “Thiên lương là một vật đứng đầu loài vô hình, là cái hay của Giời cho tự nhiên trong loài người, phàm người ai cũng có”, Tản Đà chia các vật trên thế giới thành hai loại: loại hữu hình và loại vô hình. Loại vô hình thuộc về sự suy xét của các nhà triết lý. Thiên lương sẵn có, tùy theo con người có tư chất hay không, có biết gìn giữ thiên lương hay không mà thôi. Thứ hai, về “Nguyên chất của thiên lương”: “Thiên lương có ba chất: 1. Lương tri, là cái tri giác của Giời cho, để cảm biết các sự vật. 2. Lương tâm, là cái bụng dạ của giời cho, để tiếp nhận các sự vật. 3. Lương năng, là cái tài giỏi của giời cho, để làm theo các sự vật.” “Đó là ba nguyên chất của thiên lương, ba chất điều hòa là thiên lương toàn vẹn”. Thứ ba, “Sức vận động của Thiên lương”: “Thiên lương càng lớn, sức vận động càng mạnh, thường làm ra lắm sự phi thường”, Tản Đà dẫn chứng như việc Khổng Tử vì muốn truyền đạo học mà trải qua biết bao khổ cực nào có ai bắt phải làm thế. Hay những việc khí tiết của Trương Tuần, Mã Chí Ni, Ba Luật Tây, nàng Mỵ Ê, nàng Lục Châu đều là do sự thúc bảo của Thiên lương mà làm ra bao nhiêu việc hậu thế phải kinh ngạc. Thứ tư là “Công dụng của thiên lương”: “Ông Lương Khải Siêu có nói rằng: Thế giới là gì? Là hào kiệt đó thôi. Ta muốn nói thêm rằng: Hào kiệt là gì? Là thiên lương đó thôi. Thế giới được thành ra thế giới là nhờ có thiên lương của những người hào kiệt trên thế giời ”. Cuối cùng, về “Trọng giá của
- 59 thiên lương”, Tản Đà cho rằng: “thực giá của người toàn ở thiên lương cả” và “thiên lương càng tốt, càng trọng thiên lương. Cho nên ông Bàng Manh bỏ quan mà giữ lấy thiên lương, ông Lê Gíac bỏ mình mà giữ lấy thiên lương” ấy cũng là vì quý cái thiên lương. Như vậy, văn chương là phương tiện để Tản Đà rao giảng “thuyết Thiên lương”, ông sớm nhận ra rằng: “Văn chương có trọng giá, không phải là một sự chơi riêng trong ý thú, không phải là một sự đua vui trong phẩm bình, mà phải có bóng mây hơi nước đến dân xã” (Giấc mộng con). Năm 1938, chỉ một năm trước khi mất, Tản Đà vẫn cứ “nặng nợ” với tư tưởng Thiên lương mà cả đời ông mộng ước có ngày thực hiện được: Chút lòng tri kỷ xin ông giúp Minh bạch tâu lên đến cửu trùng Hai chữ “Thiên lương” thằng Hiếu nhớ, Dám mong không phụ Trời trông mong. (Tiễn ông Công lên trời) Các nhà nghiên cứu nhìn nhận về thuyết Thiên lương mà Tản Đà đã hao tốn biết bao tâm sức để xây dựng nên như thế nào? Theo Nguyễn Huệ Chi thì: “Thực chất, nội dung Thiên lương của Tản Đà chỉ là sự hỗn hợp chữ Tâm của Mạnh Tử, của Vương Dương Minh, với lý thuyết của những nhà dân chủ tư sản phương Tây thế kỷ XVIII, chủ yếu là Ruxô.” [11; tr. 1592]. Văn Tâm trong Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn thì cho rằng: “qua thuyết Thiên lương, một công trình suy tưởng mà Tản Đà rất lấy làm trân trọng, ta thấy được thấp thoáng một phiên bản thu nhỏ lại của toàn bộ tư tưởng Tản Đà” [22; tr. 427]. Còn Phạm Văn Diệu kết luận: “bằng thuyết thiên lương, Tản Đà vẫn canh cánh bên lòng một giấc mơ đẹp đẽ về cõi thế người đời” [7; tr. 414].
- 60 Giấc mơ đẹp về thế giới người mà Phạm Văn Diêu nói đến ấy là một xã hội chủ nghĩa không tưởng trong thơ văn Tản Đà. Trong bài thơ Đời lắm việc ông đã gợi mở tư tưởng đại đồng như sau: Giàu sang chưa dễ ai nhàn Nghèo hèn ai chớ phàn nàn làm chi Vui buồn ai cũng có khi Có hoan lạc, có sầu bi lẽ thường Trăm năm một giấc mơ màng Nghĩ chi cho bận gan vàng hỡi ai! (Đời lắm việc) Khổng Tử đã khởi xướng “thuyết đại đồng” và truyền bá sự bình đẳng về tài sản là nền móng của xã hội ổn định. Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử tiếp tục tư tưởng này và đề ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sản xuất và tiêu thụ, bảo vệ sự phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động đối với người lớn, sự nghỉ ngơi với người già. Tản Đà “Nghĩ cho cái tư tưởng đại đồng ở hạ giới mà có ngày được thực hiện như thế chăng, thời thật là hạnh phúc cho nhân loại biết bao!” mà “Đã đại đồng thời cũng có lẽ hòa bình” (Giấc mộng con). Tư tưởng đại đồng và ước mơ xã hội chủ nghĩa không tưởng được miêu tả khá chi tiết trong “cõi đời mới” trên vùng Bắc Cực ở Giấc mộng con. Trong đoạn đi đến “cõi đời mới”, Tản Đà vô cùng ngạc nhiên lẫn thích thú khi thấy một xã hội: “không có sự thiên tai, không có sự địa biến, không có sự trộm cướp, không có sự án tù, không có sự kiện cáo, không có sự buôn danh bán lợi, không có câu thế thái nhân tình”, và nguyên do của những cái không ở trên là ở sự “không có tiền bạc gì cả”.
- 61 Có thể thấy rằng càng về sau, giai cấp tư sản càng tỏ ra phản bội những lý tưởng đặt ra trước đó, và sự ra đời của đồng tiền, theo Tản Đà đã làm thay đổi cục diện đất nước rất sâu rộng. Suy tưởng theo lương tâm chủ quan, thương xót trước cảnh thiếu thốn phổ biến trong xã hội đương thời, Tản Đà đã đề cao một “thế giới đại đồng” với “thủ chi bất cấm, dụng chi bất kiệt” (tha hồ lấy không cấm, tha hồ dùng không hết). Như vậy, “giấc mơ đại đồng thô sơ của Tản Đà đã bao hàm những đặc tính của một xã hội cộng sản chủ nghĩa: tất cả mọi người đều làm việc; tài sản là của chung và hưởng thụ theo nhu cầu.” [22; tr. 378]. Khuynh hướng phát triển của “cõi đời mới” là quay về thời thái cổ nhưng lại có nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm con đường tiến hóa thiên nhiên để có “tự do trong sạch” và “độc lập thanh thản”. Giấc mộng xã hội của Tản Đà, theo Trần Đình Hượu, “Tản Đà quả là người có lòng với đất nước và tiến hóa nhưng cách suy nghĩ chắp vá và hời hợt chỉ đưa ông đến những ảo tưởng, vừa làm ông thất vọng trong thực tế, vừa tạo ra một nét đặc sắc trong cách yêu nước của Tản Đà.” [7; tr. 559]. Vậy, khi viết Giấc mộng con, Tản Đà muốn thực hiện mộng ước về một xã hội lý tưởng. Chán ghét thực tại, ấp ủ một tinh thần yêu nước, mong muốn một xã hội lý tưởng, nhưng vì bất lực nên đành gửi tâm ý của mình vào văn chương, vào rượu say, và vào mộng mị mà thôi. Nhưng cay đắng thay, lối thoát này cũng chẳng thể giúp thi nhân tồn tại, thỏa mãn. Có thể nói theo Nguyễn Phương Chi là :“từ Giấc mộng con thứ nhất đến Giấc mộng con thứ hai là một sự bế tắc hoàn toàn.” [11; tr. 529]. Suy cho cùng, động lực của tất cả thuyết Thiên lương, tư tưởng đại đồng lẫn chủ nghĩa xã hội không tưởng của thi sĩ núi Tản sông Đà là từ lòng yêu nước với mong muốn được dùng cái tài của mình canh tân đất nước. Năm 1926, ông có thay đổi, từ chỗ tự coi mình là nhà triết học hoạt động lý luận, ông ngả sang hoạt động xã hội. Trên tờ An Nam tạp chí đã không còn những bài ca tụng
- 62 “nhà nước bảo hộ” mà thay vào đó là những bài bàn về trách nhiệm của quốc dân đối với đất nước. Yêu nước, Tản Đà hoài niệm lại quá khứ vẻ vang của dân tộc với niềm tự hào và nỗi tiếc nhớ: Trưng thị quần thoa, Mê Linh tướng tài. Đời Đông Hán, Hán quan vô loài, Riêng thù chị, làm bận lòng ai. Núi sông thề nguyền Yên ngựa cành mai; Cơ đồ bá vương, gái tài trai. (Nói về liệt đại anh hùng nước ta): Các anh hùng được nhắc đến trong bài ca cổ bản này là: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Quang Trung. Có thể thấy rằng những cái tên ấy không chỉ là những “liệt đại anh hùng” mà còn là vua, họ là những vị vua vô cùng tài giỏi, có công đánh tan quân xâm lược giành lại độc lập cho dân tộc: Trưng Nữ Vương, Ngô Vương, Triệu Việt Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, vua Quang Trung. Bên cạnh đó, còn có bài thơ Tản Đà làm để ca ngợi những danh tướng đời Hậu Trần: Quân cơ sau trước nối thay nhau Hai bố, hai con một dạ sắt Khí thiêng đúc lại bốn anh hào Trời có thương Trần chưa vội mất. (Đời Hậu Trần)