Luận án Đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong tiến trình hội nhập quốc tế

pdf 24 trang yendo 7910
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong tiến trình hội nhập quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfluan_an_dam_bao_nhu_cau_nang_luong_dau_khi_cho_su_tang_truon.pdf

Nội dung text: Luận án Đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong tiến trình hội nhập quốc tế

  1. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Năng lượng nói chung và năng lượng dầu khí nói riêng là nhân tố rất quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững đối với mọi quốc gia. Ngày nay để đảm bảo cung cầu của bất kỳ một loại hàng hóa nào đó kể cả năng lượng, hầu hết các quốc gia đều thông qua hoạt động của thị trường. Vì tính quan trọng và thiết yếu của dầu khí, nên vấn đề cung cầu của nó luôn được sự quan tâm và chi phối của các chính phủ trên thế giới. Sau hơn hai thập niên song hành cùng tăng trưởng kinh tế, lượng dầu khí được sử dụng ở Việt Nam không ngừng tăng nhanh và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Từ khi chuyển đổi mô hình kinh tế vào đầu thập niên 90, Việt Nam luôn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao, nhưng không mang tính bền vững. Giá dầu thô thế giới hiện nay luôn có xu hướng tăng cao, theo dự báo của IEA giá dầu thô sẽ tăng lên 215 USD/ thùng vào năm 2035 (năm 2011 chỉ là 125 USD/ thùng). Trong khi đó nguồn cung dầu khí thế giới ngày nay thường xuyên bị đe dọa vì những nguyên nhân sau: tài nguyên này đang dần cạn kiệt; sự độc quyền của OPEC và các công ty dầu khí đa quốc gia; bất ổn về địa chính trị tại các nơi có trữ lượng dầu khí cao v.v Trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thì những khó khăn mang tính toàn cầu sẽ tác động càng mạnh mẽ đến kinh tế trong nước đặc biệt là ngành dầu khí, lĩnh vực mà hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2/3 lượng xăng dầu và khí sử dụng (trước năm 2009 là gần 100%). Việt Nam là một quốc gia có trữ lượng dầu khí thuộc loại khá, nhưng các mỏ có trữ lượng lớn khai thác mạnh trước đây nay dần cạn kiệt, trong khi các mỏ mới phát hiện lại khó khai thác vì vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Trong khi đó việc sử dụng năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng ở Việt Nam còn rất lãng phí và kém hiệu
  2. 2 quả. Nếu thực trạng cung cầu dầu khí nêu trên vẫn tiếp diễn, thì nguy cơ thiếu hụt năng lượng dầu khí để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực ! Vì những lý do nêu trên, tác giả chọn đề tài “Đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong tiến trình hội nhập quốc tế ” làm luận án tiến sĩ. 2. Mục đích nghiên cứu của luận án Từ cách đặt vấn đề, các câu hỏi nghiên cứu của luận án bao gồm: 1. Ước lượng các hệ số co giãn cầu dầu khí nói chung và một số sản phẩm quan trọng (xăng, dầu DO và dầu FO) ở Việt Nam theo thu nhập bình quân đầu người và giá dầu khí thế giới ? Dự báo nhu cầu sử dụng dầu khí ở Việt Nam đến năm 2030 ? Ước lượng hệ số co giãn cung dầu khí ở Việt Nam theo giá dầu khí thế giới ? 2. Thực trạng cung cầu dầu khí ở Việt Nam hiện nay ? Khả năng sản xuất dầu khí của Việt Nam có đảm bảo cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2030 ? 3. Những mục tiêu và giải pháp cần thực hiện để đảm bảo cung cầu năng lượng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam ? 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Luận án tập trung nghiên cứu cung và cầu năng lượng dầu khí và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của luận án: không gian nghiên cứu của luận án là toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và thời gian nghiên cứu từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước đến năm 2013. Luận án chỉ tập trung nghiên cứu đến dầu khí và một phần về nhiên liệu sinh học (trong vai trò nhiên liệu thay thế dầu khí), mà không nghiên cứu sâu vào các nguồn năng lượng khác. 4. Những điểm mới và ý nghĩa của luận án
  3. 3 Nhìn chung cho đến nay những nghiên cứu về đề tài năng lượng của Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là của các tác giả trong nước. So với các nghiên cứu trước, luận án sẽ có điểm khác biệt cơ bản là về cách tiếp cận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. Nếu luận án này được bảo vệ thành công, những đóng góp mới: Về mặt lý luận, lượng hóa mối quan hệ giữa năng lượng dầu khí sử dụng và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, theo khung lý thuyết cầu và tăng trưởng kinh tế. Các kết quả ước lượng hệ số co giãn cầu và cung là cơ sở cho những nghiên cứu về năng lượng dầu khí ở Việt Nam. Về mặt thực tiễn, đóng góp của luận án là hỗ trợ cho các nhà hoạch định, có cơ sở khoa học để xem xét và ban hành các chính sách liên quan đến vấn đề đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí ở Việt Nam. 5. Kết cấu của luận án Mở đầu Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của đề tài Chương 2: Cơ sở lý thuyết về đảm bảo năng lượng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế Chương 3: Thực trạng đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Chương 4: Giải pháp đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đến năm 2030. Kết luận Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của đề tài 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
  4. 4 Đề tài nghiên cứu của luận án liên quan đến 2 vấn đề chính: (i) xây dựng và lựa chọn mô hình để dự báo nhu cầu sử dụng dầu khí ở Việt Nam (ii) phân tích thực trạng cung cầu dầu khí ở Việt Nam trong những năm qua kết hợp với các kết quả dự báo cung và cầu, đưa ra các giải pháp thực hiện để đảm bảo nhu cầu dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tổng quan về những nghiên cứu dự báo nhu cầu dầu khí của các quốc gia, nhiều chuyên gia trên thế giới sử dụng mô hình hồi quy đa biến để ước lượng các hệ số co giãn cầu dầu khí, từ đó dự báo nhu cầu dầu khí theo GDP bình quân theo đầu người và giá. Mô hình hồi quy có dạng : cc c lnEt a b ln Y t c ln P t e t ( I ); với E t : lượng dầu khí sử dụng tính c theo đầu người trong năm t; Y t : tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người trong năm t ; Pt : giá bình quân của các sản phẩm dầu khí chủ yếu trong năm t; et : phần dư . Mô hình kinh tế lượng nêu trên đã được nhiều chuyên gia, tiêu biểu là Subhes C. Bhattacharyya và Andon Blake (2009); Dermot Gately và Hillard G. Huntington (2001); Masayasu Ishiguro và Takamasa Akiyama (1995) sử dụng để nghiên cứu về cầu dầu khí và các loại xăng dầu cụ thể tại nhiều quốc gia, trong từng lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, hộ gia đình và dịch vụ thương mại. Kế thừa kinh nghiệm của các chuyên gia, trong luận án tác giả cũng sử dụng mô hình trên để dự báo nhu cầu năng lượng dầu khí ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu của Tien Minh Do và Deepak Sharma (2011), “ Vietnam’s energy sector: A review of current energy policies and strategies ” dự báo đến năm 2025 nhu cầu về xăng dầu của Việt Nam là 43,7 triệu tấn (bình quân 877.939 thùng/ngày) khả năng sản xuất trong nước 19,9 triệu tấn (bình quân 399.794 thùng/ngày). Theo dự báo này đến năm 2025, Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu.
  5. 5 Tác giả Nguyễn Anh Tuấn (2011) Viện Năng lượng – Bộ Công Thương Việt Nam trong tài liệu nghiên cứu “ Một số giải pháp về an ninh năng lượng Việt Nam ” dự báo khả năng sản xuất dầu khí của Việt Nam vào năm 2020 là 32,486 triệu tấn (bình quân 652.648 thùng/ngày). Để đảm bảo an ninh năng lượng tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã đề xuất 5 giải pháp. Công trình nghiên cứu của Asia Pacific Energy Research Centre (2009), “ APEC Energy Demand and Supply ” dự báo trong giai đoạn 2005 – 2030 ở Việt Nam tỉ lệ tăng nhu cầu sử dụng năng lượng bình quân theo đầu người mỗi năm 3,4%. Theo công trình nghiên cứu “ Energy Sector Situation in Vietnam ” của Shinji Omoteyama (2009), thuộc Viện nghiên cứu kinh tế năng lượng của Nhật Bản, nếu tính quy đổi tương đương và bù trừ giữa lượng xuất khẩu dầu thô và lượng xăng dầu nhập khẩu để sử dụng trong giai đoạn 1990 – 2014, thì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu ròng dầu mỏ cho đến năm 2015, sau đó sẽ phải nhập khẩu ròng dầu mỏ. 2. Phương pháp nghiên cứu của đề tài Phương pháp luận nghiên cứu theo kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc về các vấn đề của lý thuyết cung cầu dầu khí (hàng hoá thiết yếu và không tái tạo), lý thuyết tăng trưởng (với năng lượng là một trong những nhân tố đầu vào quan trọng của sản xuất). Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để ước lượng các hệ số co giãn cung cầu dầu khí ở Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng để phân tích những vấn đề: (i) đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng; (ii) thực trạng cung cầu dầu khí ở Việt Nam và (iii) những tác động của Chính phủ đến thị trường xăng dầu và khí ở Việt Nam. Từ các kết quả phân tích và dự báo sẽ kiến nghị giải pháp để đảm bảo nhu cầu sử dụng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
  6. 6 Chương 2: Cơ sở lý thuyết về đảm bảo năng lượng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế Theo các lý thuyết kinh tế học hiện đại và thực tế của thế giới cho thấy, để đảm bảo cung cầu của bất kỳ một loại hàng hóa nào đó kể cả năng lượng, hầu hết các quốc gia đều thông qua hoạt động của thị trường. Tuy nhiên do thị trường năng lượng dầu khí ở hầu hết các quốc gia đều gặp những vấn đề như độc quyền, ô nhiễm môi trường khi sử dụng nên việc can thiệp của chính phủ là rất cần thiết. Ngoài ra vì dầu khí là nguồn năng lượng rất quan trọng, là đầu vào không thể thiếu của các hoạt động kinh tế, nên vấn đề định giá bán, trợ cấp và thuế đánh vào xăng dầu luôn là mối quan tâm của hầu hết chính phủ các quốc gia. Do đó cơ sở lý thuyết để tác giả vận dụng trong luận án này chính là lý thuyết phân tích cung cầu và những tác động của chính phủ đối với thị trường dầu khí, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng đến cung và cầu như: kiểm soát giá, trợ cấp và thuế. Những kinh nghiệm Việt Nam cần học hỏi ở các nước ( Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc và Indonesia ) để đảm bảo nhu cầu dầu khí cho tăng trưởng kinh tế là: (i) sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng; (ii) nhanh chóng xoá bỏ trợ cấp xăng dầu; (iii) xây dựng và tạo nguồn cung ổn định dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ; (iv) xây dựng thị trường xăng dầu trong nước cạnh tranh. Các mô hinh để ước lượng các hệ số co giãn cầu dầu khí ở Việt Nam và lượng hóa mối quan hệ giữa năng lượng dầu khí sử dụng và tăng trưởng kinh tế: 1. Mô hình lượng hóa theo cơ sở của lý thuyết cầu cc ln(Et ) ln a b ln( Y t ) c ln( P t ) e t ( I ) mô hình tĩnh
  7. 7 c c c ln(Et ) ln a b ln( Y t ) c ln( P t ) d ln( E t1 ) e t ( II ) mô hình động c c E t , E t-1 lượng dầu khí sử dụng tính theo bình quân đầu người năm thứ c t, (t-1); Y t: GDP/ người (giá trị thực) ở Việt Nam tại năm thứ t;Pt: giá bán FOB bình quân (xăng, DO, FO) tại năm thứ t ở thị trường Singapore. 2. Mô hình lượng hóa theo cơ sở của lý thuyết tăng trưởng ln(Yt ) ln a b ln( K t ) c ln( L t ) d ln( E t ) e t ( III ) Yt ,Kt ,Lt tổng sản phẩm quốc nội, tổng vốn đầu tư, lượng lao động năm t. Et tổng lượng dầu khí sử dụng trong năm t. b, c, d : hệ số co giãn của Y theo K, L, E. 3. Mô hình lượng hóa mối quan hệ giữa năng lượng dầu khí sử dụng và tăng trưởng xanh dầu khí cc ln(Et ) ln a b ln( Y g, t ) c ln( P t ) e t ( IV ) c Y gt: GDP xanh dầu khí/ người ở Việt Nam tại năm thứ t. GDP xanh dầu khí = GDP - chi phí tiêu dùng tài nguyên dầu khí và mất mát về môi trường do sử dụng dầu khí. Chương 3: Thực trạng đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua 3.1 Tình hình sử dụng năng lượng của Việt Nam Xét cường độ năng lượng theo chỉ số E/Y, hàm lượng năng lượng trong 1$ (2005) của Việt Nam cao thứ nhì trong các quốc gia so sánh, chỉ sau Trung Quốc (được ví là một công xưởng của thế giới). Nghĩa là để tạo ra cùng một giá trị GDP (1$), Việt Nam phải hao tốn năng lượng hơn Thái Lan 22,0%; Malaysia 44,4%; Singapore 27,3%. Xét cường độ năng lượng theo chỉ số E/N mức độ trang bị năng lượng cho lao động, Việt Nam ở mức thấp nhất trong các quốc gia so sánh. Người lao động Việt Nam ít được trang bị năng lượng so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, lao động
  8. 8 phụ thuộc nhiều vào sức lực con người, do vậy năng suất lao động rõ ràng kém hơn. Như vậy qua so sánh các chỉ số về cường độ năng lượng cho thấy thực trạng sử dụng năng lượng của Việt Nam hiện nay là kém hiệu quả và lãng phí rất nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó trong tương lai Việt Nam cần thực hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 3.2 Kiểm định mô hình và dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng dầu khí ở Việt Nam 3.2.1 Kết quả kiểm định và ước lượng các hệ số của mô hình (I) và (II) cc ln(Et ) 2,467 0,613ln( Y t ) 0,136ln( P t ) e t ( I ) c c c ln(Et ) 0,409 0,163ln( Y t ) 0,043ln( P t ) 0,710ln( E t1 ) e t ( II ) So sánh kết quả kiểm định và ước lượng hệ số co giãn cầu dầu khí của Việt Nam trong cả 2 mô hình tĩnh và động là tương đồng với các kết quả nghiên cứu của thế giới trước đó. Như vậy, từ kết quả kiểm định và ước lượng cho thấy trong giai đoạn 1990 – 2012, cầu dầu khí ở Việt Nam theo thu nhập và giá thế giới phù hợp với lý thuyết cầu. Cụ thể, (i) cầu đồng biến với thu nhập, và nghịch biến với giá thế giới; (ii) cầu theo thu nhập và giá trong dài hạn và ngắn hạn đều không co giãn, nhưng xét chi tiết thì cầu trong dài hạn co giãn nhiều hơn. Theo dự báo của APEC trong giai đoạn từ 2005 – 2030, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng bình quân 5%/ năm [43, p. 22], từ kết quả ước lượng hệ số co giãn cầu dầu khí theo thu nhập (0,613) có thể dự báo nhu cầu sử dụng dầu khí bình quân theo đầu người ở Việt Nam sẽ tăng khoảng 3,1%/ năm. Kết quả này cũng phù hợp với tài liệu nghiên cứu của APEC dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2030 tăng bình quân khoảng 3,4%/ năm. Kiểm định và ước lượng các hệ số co giãn của mô hình ( III )
  9. 9 ln(Yt ) 13,863 0,685ln( K t ) 2,015ln( L t ) 0,232ln( E t ) e t (III) Theo kết quả kiểm định mô hình (III) trong giai đoạn 1990 – 2012 hệ số co giãn của GDP theo năng lượng dầu khí sử dụng ở Việt Nam có giá trị âm, nghĩa là ở Việt Nam tỉ lệ sử dụng dầu khí vẫn gia tăng mặc dù có suy giảm tăng trưởng kinh tế. Từ kết quả này và kết quả so sánh cường độ năng lượng của Việt Nam và các nước trong khu vực, cho thấy việc sử dụng năng lượng dầu khí ở Việt Nam rất lãng phí và kém hiệu quả. Kiểm định và ước lượng các hệ số co giãn của mô hình ( IV ) cc ln(Et ) 1,757 0,615ln( Y t ) 0,136ln( P t ) e t ( IV ) Kiểm định mô hình tăng trưởng xanh dầu khí cho thấy, hệ số co giãn cầu dầu khí của Việt Nam theo thu nhập và giá gần như không đổi so với khi không tính chi phí sử dụng quá mức tài nguyên và chi phí xử lý ô nhiễm do sử dụng dầu khí, mặc dù tổng các chi phí này bình quân hàng năm chiếm khoảng 2,1% GDP trong giai đoạn 1991 – 2012. 3.2.2 Kiểm định và ước lượng hệ số co giãn một số sản phẩm dầu khí thông dụng Kết quả kiểm định mô hình đối với một số sản phẩm dầu khí quan trọng, cho thấy hệ số co giãn cầu của xăng, DO, FO theo thu nhập nhỏ hơn 1 cho thấy đây là những loại nhiên liệu thiết yếu. Hệ số co giãn cầu xăng theo giá ở Việt Nam mang giá trị dương, trong giai đoạn 1990 – 2010 cho thấy Chính phủ đã có sự kiềm giữ và trợ cấp khá mạnh nên giá xăng trong nước thường thấp hơn so với giá thế giới và các quốc gia láng giềng. 3.3 Cung năng lượng dầu khí ở Việt Nam Hiện nay đối với đa số các quốc gia trên thế giới, năng lượng dầu khí được cung cấp chủ yếu từ 2 nguồn: sản xuất trong nước và nhập khẩu. Để sản xuất các sản phẩm xăng dầu, một quốc gia cần phải có các nhà máy
  10. 10 lọc hoá dầu và nguồn nguyên liệu dầu thô. Để có nguyên liệu dầu thô, phải khai thác các mỏ dầu khí trong nước, hoặc mua nguyên liệu từ các quốc gia khác, hoặc sử dụng nguyên liệu trong nước kết hợp mua của các quốc gia khác. Ngoài 2 nguồn cung nêu trên, đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển còn có một nguồn cung quan trọng khác để bổ sung, đó là: kho dự trữ dầu khí chiến lược của quốc gia, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp rất quan trọng như: chiến tranh, thiên tai nặng nề với phạm vi rộng lớn, khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. 3.3.1 Phân tích tình hình cung năng lượng dầu khí ở Việt Nam Mặc dù đã khai thác được dầu thô từ năm 1986, nhưng đến năm 2005 Việt Nam mới có nhà máy chế biến khí thiên nhiên hoá lỏng Dinh Cố (Bà Rịa – Vũng Tàu) với công suất khoảng 20.000 thùng/ngày. Mãi đến năm 2009 nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, Bình Sơn (Dung Quất – Quảng Ngãi) bắt đầu sản xuất thử nghiệm và năm 2010 chính thức cung cấp các sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước với công suất sản xuất khoảng 140.000 thùng/ ngày (tương đương 6,5 triệu tấn/ năm). Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống kho dầu khí dự trữ chiến lược quốc gia, dự trữ xăng dầu của Việt Nam chủ yếu là hình thức dự trữ thương mại (tại kho của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu) và cho quốc phòng (tại các kho của quân đội) với tổng mức dự trữ không cao. Năm 2010 lượng cung từ sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sử dụng xăng dầu và khí, đây là tỉ lệ cao nhất có thể đạt được trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy lọc hoá dầu số 2 (Nghi Sơn – Thanh Hoá) và số 3 (Long Sơn – Bà Rịa, Vũng Tàu), nếu tiến độ xây dựng vẫn rất chậm chạp như khi xây dựng nhà máy lọc hoá dầu số 1, thì khả năng cung ứng xăng dầu và khí từ sản xuất trong nước khó được nâng lên,
  11. 11 điều này sẽ khiến cho cung xăng dầu và khí của Việt Nam tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu trong hơn một thập niên nữa. 3.3.2 Đánh giá trữ lượng tài nguyên dầu khí của Việt Nam Theo đánh giá mới nhất của EIA mức trữ lượng của Việt Nam được nâng lên đáng kể là 4,4 tỉ thùng, đứng hạng 3 trong các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương sau Trung Quốc, Ấn Độ. Trữ lượng khí thiên nhiên của Việt Nam cũng khá dồi dào là 24,7 ngàn tỉ cf3, nếu tính quy đổi tương đương khoảng 4,38 tỉ thùng dầu. Theo kết quả dự báo tỉ lệ tăng hàng năm nhu cầu sử dụng dầu khí bình quân đầu người ở Việt Nam là 3,1% và giả sử tỉ lệ tăng dân số 1%/ năm, dự kiến thời gian sử dụng cạn kiệt trữ lượng là 104 năm (đến đầu năm 2114), nếu chỉ tính riêng dầu mỏ thì 87 năm (đến giữa năm 2097). 3.3.3 Ước lượng hệ số co giãn cung dầu khí ở Việt Nam Nhận xét các kết quả ước lượng cung: hệ số cung dầu khí theo giá ở Việt Nam rất ít co giãn. Trong dài hạn cung co giãn hơn so với ngắn hạn. Đánh giá chung mặc dù đều rất ít co giãn, nhưng xét chi tiết trong nhiều giai đoạn thì cầu dầu khí ở Việt Nam ít co giãn hơn cung. Nhận định quan trọng này cho thấy gánh nặng về thuế trong dầu khí nghiêng nhiều về phía cầu (người tiêu dùng). 3.4 Thị trường xăng dầu và khí ở Việt Nam 3.4.1 Thị trường khí ở Việt Nam Thị trường tiêu thụ khí trong nước bao gồm 2 thị trường bộ phận: (i) thị trường tiêu thụ LPG tại hộ gia đình và cơ sở sản xuất; (ii) thị trường tiêu thụ tại các nhà máy điện khí, tiêu thụ khí thiên nhiên (NGL), khí đồng hành và khí dầu mỏ hóa lỏng đang trong giai đoạn phát triển. 3.4.2 Thị trường xăng dầu ở Việt Nam
  12. 12 Khiếm khuyết lớn nhất của thị trường xăng dầu Việt Nam là tình trạng độc quyền nhóm và khả năng cạnh tranh với nhau về giá bán lẻ. Để thị trường xăng dầu Việt Nam thực sự cạnh tranh, Chính phủ cần tái cấu trúc lại thị trường xăng dầu, tăng cường kiểm soát độc quyền nhóm và thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau về giá bán lẻ. 3.5 Những ảnh hưởng do sự can thiệp của chính phủ đến thị trường xăng dầu ở Việt Nam Việc quản lý thị trường xăng dầu của Chính phủ thời gian qua có nhiều bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nói riêng nền kinh tế nói chung, đặc biệt trong các vấn đề quan trọng như: kiểm soát và điều tiết giá; trợ cấp giá xăng dầu và thuế phí xăng dầu. 3.5.1 Kiểm soát và điều tiết giá bán lẻ xăng dầu Sau khi không còn sử dụng ngân sách để trợ cấp giá, Chính phủ thường áp dụng biện pháp giá trần - giá sàn để lấy lãi thời kỳ sau, bù cho thời kỳ trước. Hạn chế của chính sách này là khó xác định được mức lãi, lỗ của các thời kỳ, vì vậy việc bù lỗ khó thực hiện công bằng cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đầu mối, nhưng điều quan trọng là khi áp dụng chính sách giá trần – giá sàn trong thời gian dài sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nặng. Ngoài mục đích kiểm soát giá, Chính phủ thường áp dụng chính sách giá trần – giá sàn của xăng dầu, với mong muốn ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng thực tế cho thấy khi thực hiện chính sách này giá thị trường càng bị bóp méo, dồn nén lâu ngày phải bung ra, tạo cú sốc lớn khiến cho kinh tế vĩ mô càng bất ổn và dễ tổn thương hơn. 3.5.2 Trợ cấp xăng dầu ở Việt Nam Trong thập niên 90 và những năm đầu thế kỷ 21 (1991 – 2003) Chính phủ Việt Nam đã áp dụng chính sách chi trợ cấp cho xăng dầu khá
  13. 13 nhiều. Chính phủ Việt Nam bắt đầu giảm dần trợ cấp giá xăng dầu trong nước từ năm 2004 và đến giữa năm 2008 chính thức tuyên bố ngừng trợ cấp. Tuy nhiên ảnh hưởng bỡi khủng hoảng kinh tế tài chính và nợ công của thế giới từ 2008 cho đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng mạnh, tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát tăng cao nên Chính phủ Việt Nam trở lại trợ cấp cho xăng dầu (một cách không chính thức) với mức độ thấp hơn nhiều so với trước đây. Trước đây nguồn tài chính để Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách trợ giá xăng dầu là từ ngân sách quốc gia (chủ yếu từ nguồn thu khai thác và xuất khẩu dầu thô), hiện nay để thực hiện chính sách trợ cấp xăng dầu Chính phủ chủ yếu sử dụng nguồn thu từ Quỹ bình ổn xăng dầu, đồng thời kết hợp với chính sách giá trần - giá sàn để lấy lãi thời kỳ sau, bù lỗ cho thời kỳ trước (đã trình bày ở phần trên). 3.5.3 Thuế và phí đối với xăng dầu ở Việt Nam Thuế và phí liên quan đến xăng dầu ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều loại so với các nước trong khu vực. Mặc dù so sánh với thế giới thì tỉ lệ thuế so giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, nhưng với một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp và nền kinh tế đang trong giai đoạn có nhiều khó khăn và bất ổn, thì mức chịu thuế xăng dầu như vậy là rất nặng, gây ảnh hưởng rất lớn cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Vì ở Việt Nam cung co giãn hơn cầu, nên gánh nặng thuế sẽ ảnh hưởng người tiêu dùng nhiều hơn. Khó khăn càng thêm chồng chất vì cách tính thuế hiện nay có tình trạng thuế chồng thuế. Việc thực hiện chính sách thuế xăng dầu ở Việt Nam hiện nay mang tính chất tận thu với nhiều loại thuế, nhưng việc chi để phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông và giải quyết ô nhiễm môi trường do sử dụng xăng dầu chưa tương xứng.
  14. 14 Chương 4: Giải pháp đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đến năm 2030 4.1 Dự báo và định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam Dự báo khả năng sản xuất dầu khí của Việt Nam đến năm 2030 Như vậy qua phân tích các số liệu và kịch bản dự báo, chúng ta nhận thấy Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai nhà máy lọc hóa dầu số 2 và 3 để chủ động đảm bảo nhu cầu sử dụng từ nguồn sản xuất trong nước và tăng khả năng xuất khẩu các sản phẩm dầu khí. Với sự bổ sung hai nhà máy lọc hóa dầu, Việt Nam sẽ đảm bảo nhu cầu sử dụng từ nguồn sản xuất trong nước đến hết năm 2023. Do đó để tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất dầu khí, trong giai đoạn 2020 – 2025 Việt Nam cần sớm xây dựng thêm một hoặc hai nhà máy có công suất tương đương nhà máy lọc dầu số 2. Khi đó năng lực sản xuất dầu khí sẽ đạt 750.000 – 950.000 thùng/ngày, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ này. Mặc dù phải nhanh chóng phát triển ngành sản xuất dầu khí, nhưng Việt Nam cũng cần có chiến lược phát triển ngành phù hợp, tránh tình trạng quá dư thừa công suất sản xuất và quan tâm đến các vấn đề về môi trường. Quan điểm đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí ở Việt Nam Thứ nhất, đối với hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí Để chủ động tạo nguồn dự trữ dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc hoá dầu, Việt Nam cần tích cực hợp tác với các quốc gia trong khối ASEAN để đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm và khai thác ở biển Đông. Ngoài ra Việt Nam cần sớm thoả thuận và ký kết các hiệp định với các quốc gia có nhiều trữ lượng dầu khí và quan hệ tốt về chính trị với Việt Nam (Nga,
  15. 15 Kazakhstan,Venezuela, các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi) để mua dầu thô hoặc khai thác các mỏ dầu khí ở các quốc gia này. Đối với tài nguyên dầu khí trong nước, mặc dù phải đẩy mạnh việc tìm kiếm để nâng trữ lượng, nhưng Việt Nam cũng cần vận dụng lý thuyết Hotelling (lợi nhuận biên của người sở hữu nguồn tài nguyên sẽ tăng dần theo thời gian), để khai thác tiết kiệm và hiệu quả, nhằm kéo dài thời gian sử dụng. Thứ hai, đối với hoạt động phân phối kinh doanh xăng dầu và khí trong nước Vấn đề trọng tâm của hoạt động phân phối, chính là thị trường xăng dầu và khí. Phát triển thị trường xăng dầu và khí trong nước cạnh tranh, chính là yếu tố quyết định để đảm bảo cung cầu dầu khí ở Việt Nam. Cụ thể là, Chính phủ cần tái cấu trúc lại thị trường xăng dầu bằng cách: đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc doanh đầu mối kinh doanh xăng dầu; mở cửa thị trường xăng dầu trong nước cho các tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thì thị trường xăng dầu Việt Nam cũng cần hội nhập vào thị trường xăng dầu thế giới, đó là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên quá trình tái cấu trúc thị trường xăng dầu không thể diễn ra nhanh chóng, ngoài ra do đặc thù của ngành kinh doanh xăng dầu là luôn tồn tại sự độc quyền nhóm, vì vậy Chính phủ phải tăng cường kiểm soát, đặc biệt trong vấn đề giá bán. Với tiềm lực kinh tế hạn hẹp Việt Nam không thể mãi trợ cấp giá xăng dầu thông qua hình thức này hoặc hình thức khác, vì vậy giá bán xăng dầu trong nước cần được điều chỉnh (tăng hoặc giảm) theo giá thế giới. Để tránh việc tăng đột biến gây sốc về giá, khoảng cách thời gian điều chỉnh không nên quá dài hoặc quá ngắn, với độ dài từ 10 đến 15 ngày, mức điều chỉnh tăng giảm sẽ linh hoạt và có biên độ nhỏ phù hợp với khả năng chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam. Đối với vấn đề thuế phí sử dụng xăng dầu
  16. 16 cần “khoan thư sức dân”, đặc biệt trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, suy thoái. Nhằm giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, Chính phủ nên giảm mức thu các loại thuế nội địa, tăng thuế khai thác và xuất khẩu dầu thô, để bù vào phần giảm của thu thuế nội địa. Việc chi các khoản thu từ thuế xăng dầu, phải tập trung cho phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông và giải quyết ô nhiễm môi trường do sử dụng xăng dầu. Thứ ba, đối với hoạt động sử dụng dầu khí Nhằm nâng cao năng suất lao động, trình độ sản xuất và hiệu quả sử dụng năng lượng dầu khí Việt Nam cần: (i) thay đổi các công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu bằng các công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại, ít hao tốn năng lượng; (ii) thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường phát triển các ngành dịch vụ, viễn thông, ngân hàng và cân đối lại việc phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như: xi măng, luyện kim, gốm sứ, giấy v.v (iii) đẩy mạnh thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ tư, phát triển các loại nhiên liệu sinh học để thay thế nhiên liệu hóa thạch Nhiên liệu sinh học là một dạng năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường (khi cháy sinh ra ít hàm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính). Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế trong việc sản xuất các loại nguyên liệu (sắn, mía, dầu thực vật, mỡ cá v.v ) để phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế dần nhiên liệu hoá thạch truyền thống. 4.3 Những mục tiêu cần thực hiện để đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế Thứ nhất, mục tiêu phát triển thị trường xăng dầu và khí trong nước
  17. 17 Đây là mục tiêu chính yếu để đảm bảo sự ổn định cung cầu xăng dầu và khí trong nước. Thị trường xăng dầu và khí trong nước phải có tính cạnh tranh cao, thích ứng linh hoạt với các biến động của thị trường thế giới. Thứ hai, mục tiêu nâng cao khả năng cung ứng xăng dầu và khí sản xuất từ trong nước Đây là mục tiêu cơ bản để đảm bảo nguồn cung trong nước đối với dầu khí. Ngoài ra, do dầu khí là một trong những ngành kinh tế mạnh, quan trọng và cung cấp nguyên liệu cho một số ngành khác Thứ ba, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phải đạt được mục tiêu trong vòng một thập niên, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng sử dụng hàng năm giảm từ 5% - 8%. Để hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần nhanh chóng xóa bỏ trợ giá cho tất cả các loại năng lượng: xăng dầu, than, điện. Thứ tư, mục tiêu phát triển các loại nhiên liệu sinh học Đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật hoặc mỡ động vật phải đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2030, tỉ lệ này là 10%. Thứ năm, kiểm soát sự ô nhiễm trong quá trình sử dụng dầu khí Đây là mục tiêu quan trọng để đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, Việt Nam cần đạt mục tiêu giảm lượng thải ra các loại khí CO2, CO, SO2, NO2 , cụ thể đến năm 2020 giảm 20% và đến năm 2030 giảm 30% so với năm 2010. 4.4 Giải pháp đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đến năm 2025 4.4.1 Nhóm giải pháp phát triển thị trường xăng dầu và khí trong nước 4.4.1.1 Tái cấu trúc thị trường kinh doanh xăng dầu Chính phủ cần tái cấu trúc thị trường xăng dầu, bằng cách đẩy mạnh cổ phần hoá đối với doanh nghiệp nhà nước đầu mối xăng dầu, đặc
  18. 18 biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc có thị phần quá nhỏ. Ngoài ra Chính phủ phải khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân và nước ngoài, đặc biệt là các công ty xăng dầu lớn của nước ngoài (có kinh nghiệm, vốn và trình độ quản lý tiên tiến) tham gia. 4.4.1.2 Tăng cường kiểm soát độc quyền trong kinh doanh xăng dầu Để kiểm soát hành vi tăng, giảm giá bán lẻ của các doanh nghiệp đầu mối, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định về điều chỉnh giá, lợi nhuận định mức, định mức thù lao đại lý, đồng thời bổ sung các mức xử phạt tiền thật nặng đối với việc vi phạm. Nếu doanh nghiệp đầu mối vi phạm nhiều lần việc điều chỉnh giá bán lẻ thì phải chịu sự giám sát thường xuyên hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh (có thời hạn hoặc vĩnh viễn). 4.4.1.3 Hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường cạnh tranh và chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu Việt Nam cần lập một cơ quan quản lý cạnh tranh, có vị trí hoàn toàn độc lập với các bộ trong chính phủ (hiện nay cơ quan này thuộc Bộ Công Thương). Để tăng cường khả năng chống độc quyền, Chính phủ cần có kênh thông tin chính thức để minh bạch thị trường xăng dầu. Chính phủ cần hỗ trợ cho các tổ chức phi thị trường, phi chính phủ (ví dụ như Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng) phát triển ở Việt Nam và có năng lực hoạt động để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. 4.4.1.4 Đẩy mạnh phát triển thị trường kinh doanh khí trong nước Trong công nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh việc cung cấp khí cho nhiều nhà máy điện và trong giao thông vận tải, cần có chính sách hỗ trợ cho các công ty vận tải sử dụng LPG/CNG thay xăng dầu, vì đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu các chất độc hại trong khí thải.
  19. 19 4.4.1.5 Phát triển các giao dịch phái sinh trong thương mại xăng dầu Trong tương lai khi Việt Nam không còn trợ cấp giá thì giá bán lẻ trong nước sẽ thường xuyên thay đổi theo biến động của giá thế giới. Do vậy rất nhiều doanh nghiệp sử dụng xăng dầu với số lượng lớn (các doanh nghiệp vận tải, các nhà máy sản xuất) sẽ có nhu cầu phòng ngừa rủi ro hoặc bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp trước biến động của giá xăng dầu. Hedging là giao dịch phái sinh trong kinh doanh xăng dầu đáp ứng được nhu cầu đó. Vì vậy Việt Nam cần sớm có một hệ thống văn bản pháp lý quy định kinh doanh xăng dầu thông qua các giao dịch phái sinh. 4.4.2 Nhóm giải pháp liên quan đến trợ cấp và thuế xăng dầu 4.4.2.1 Giảm mạnh và tiến đến xóa bỏ trợ cấp xăng dầu Với ngưồn lực kinh tế hạn hẹp Việt Nam không nên đeo đuổi mãi chính sách trợ cấp xăng dầu, để phát triển thị trường xăng dầu bền vững và giảm gánh nặng chi ngân sách, Chính phủ cần giảm mạnh và tiến đến xóa bỏ trợ cấp giá xăng dầu. Ngoài ra khi xóa trợ cấp giá, sẽ khuyến khích việc sử dụng xăng dầu trong nước hiệu quả, tiết kiệm. Để đồng bộ Việt Nam cũng cần xóa trợ cấp giá đối với các loại năng lượng khác như: điện, than. 4.4.2.2 Quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu Quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp, phải được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên. Tình hình trích lập, sử dụng và số dư của quỹ phải được thông tin minh bạch và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. 4.4.2.3 Tăng thuế khai thác và xuất khẩu dầu thô Chính phủ cần tăng thuế đối với các hoạt động upstream (khai thác, xuất khẩu dầu thô) để bù đắp cho các hoạt động downstream (phân phối và sử dụng xăng dầu). Ngoài việc giảm gánh nặng thuế đối với người tiêu
  20. 20 dùng, việc tăng thuế đối với hoạt động upstream còn hạn chế việc khai thác và xuất khẩu dầu thô quá mức. 4.4.2.4 Giảm mức thu điều tiết của các nhà máy lọc hóa dầu Trước đây nhằm thu hút đầu tư, Việt Nam đã cho phép thu điều tiết, trong thời gian tới Chính phủ cần giảm thời gian thu điều tiết và mức thu xuống đối với các loại sản phẩm từ các nhà máy lọc dầu. Khi giảm thu, giá xăng dầu sản xuất trong nước sẽ thấp hơn so với giá nhập khẩu. 4.4.3 Nhóm giải pháp nâng cao khả năng cung ứng xăng dầu, khí từ trong nước 4.4.3.1 Gia tăng trữ lượng dầu khí Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ASEAN cùng chia sẽ quyền lợi và thống nhất ý kiến với nhau để thoả thuận với Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, mở ra những cơ hội hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí ở biển Đông, được dự báo có trữ lượng rất lớn. Để gia tăng trữ lượng dầu khí cần thực hiện các giải pháp sau: (i) không ngừng mở rộng khu vực tìm kiếm, thăm dò; (ii) tăng cường hợp tác, ký hợp đồng liên doanh khai thác dầu khí với các công ty dầu khí của các quốc gia; (iii) đưa nhanh các mỏ đã phát hiện vào khai thác và áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao sản lượng. 4.4.3.2 Tăng tốc phát triển ngành sản xuất dầu khí. Để đảm bảo ổn định nhu cầu dầu khí đến năm 2025 tổng công suất phải đạt mức 750.000 thùng/ngày. Hiện nay hoạt động khai thác dầu khí còn gặp nhiều khó khăn hạn chế, để có nguồn dầu thô cho các nhà máy, Việt Nam cần tích cực đàm phán ký các hiệp định hợp tác đổi lương thực lấy dầu thô với các quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn ở Trung Đông.
  21. 21 4.4.3.3 Phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu bao gồm: dự trữ thương mại, dự trữ sản xuất và dự trữ quốc gia. Vai trò của hệ thống dự trữ: (i) bình ổn thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước; (ii) giảm thiểu các tác hại đối với nền kinh tế trong trường hợp nguồn cung dầu khí thế giới có sự giảm bất thường hoặc/và giá dầu trên thế giới tăng đột biến. 4.4.4 Nhóm giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Theo kinh nghiệm của các nước chi phí để sản xuất ra cùng một đơn vị năng lượng đắt hơn ít nhất 2,5 lần so với chi phí đầu tư để tiết kiệm hay nâng cao hiệu quả sử dụng. 4.4.4.1 Thay đổi công nghệ, phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 4.4.4.2 Hợp lý hoá cơ cấu năng lượng sử dụng 4.4.4.3 Nhanh chóng xóa bỏ cơ chế trợ cấp các loại năng lượng 4.4.5 Nhóm giải pháp phát triển nhiên liệu sinh học Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt buộc các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sinh học. Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam cũng phải phát triển các loại nhiên liệu sinh học 4.2.5.1 Đẩy mạnh chính sách khuyến khích sử dụng và kinh doanh các loại nhiên liệu sinh học 4.4.5.2 Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng sản xuất các loại nhiên liệu sinh học 4.4.6 Nhóm giải pháp kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng dầu khí
  22. 22 Để giảm tình trạng ô nhiễm, đánh thuế môi trường vào xăng dầu là cần thiết nhưng chưa đủ, cần kết hợp với nhiều giải pháp bổ sung sau đây: 4.4.6.1 Tiêu chuẩn môi trường 4.4.6.2 Tăng cường kiểm soát công nghệ sản xuất 4.4.6.3 Phát triển hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển công cộng 4.4.6.4 Phát triển sử dụng các loại năng lượng: gió, sinh khối, mặt trời và tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ than sạch Để thực hiện tốt các nhóm giải pháp, yếu tố mấu chốt chính là vai trò của Chính phủ. Vai trò của Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường giám sát để đảm bảo các hoạt động từ khai thác, sản xuất đến phân phối, kinh doanh xăng dầu và khí phải theo cơ chế thị trường. Những khâu nào mà thị trường thực hiện tốt chức năng của nó, thì Chính phủ cần tránh can thiệp và chỉ tác động ở những khâu thị trường gặp thất bại. KẾT LUẬN Dầu khí là loại năng lượng vô cùng quan trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, để đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần thực hiện thành công các mục tiêu sau: (1) phát triển thị trường xăng dầu và khí trong nước; (2) nâng cao khả cung ứng xăng dầu và khí sản xuất từ trong nước; (3) sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (4) phát triển các loại nhiên liệu sinh học; (5) kiểm soát sự ô nhiễm của quá trình sử dụng dầu khí. Phát triển thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh là yếu tố quan trọng để đảm bảo cung cầu dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
  23. 23 Trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, theo xu hướng chung của các quốc gia Việt Nam cần nhanh chóng mở cửa thị trường xăng dầu trong nước để hội nhập với thị trường xăng dầu thế giới, nhằm tạo động lực mới cho các hoạt động cạnh tranh. Ngoài ra để phát triển thị trường, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu kém hiệu quả, đồng thời giảm mạnh và tiến đến xoá bỏ các hình thức trợ cấp giá xăng dầu. Để đồng bộ, đối với các thị trường cung cấp năng lượng khác (điện, than), Chính phủ cũng cần xoá bỏ trợ cấp giá và khuyến khích nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Xoá bỏ trợ giá tất cả các loại năng lượng, sẽ làm cho việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam tiết kiệm và hiệu quả hơn. Chính phủ phải minh bạch hoá những thông tin liên quan đến thị trường xăng dầu (giá xăng dầu khí thế giới, các mức thuế phí trong giá xăng dầu, tình hình tồn và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu). Để kiểm soát tình trạng độc quyền và lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu, Chính phủ cần quy định về khoảng thời gian điều chỉnh giá bán lẻ (giữa 2 lần liên tiếp); giá cơ sở (nên tính giá cơ sở theo giá bình quân thế giới trong 10 ngày, hiện nay là 30 ngày); lợi nhuận định mức của doanh nghiệp đầu mối; định mức thù lao đại lý. Chính phủ nên tránh can thiệp sâu vào thị trường bằng cách tự quy định giá bán lẻ xăng dầu, mà thay vào đó cho các doanh nghiệp được tự định giá. Tuy nhiên để kiểm soát, Chính phủ phải thường xuyên và tăng cường kiểm tra việc tuân thủ những quy định về kinh doanh của các doanh nghiệp và sẽ xử phạt tiền thật nặng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các vi phạm tái diễn nhiều lần.
  24. 24 Đối với chính sách thuế xăng dầu, để ổn định đời sống người dân và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ cần giảm các mức thuế phí đối với việc sử dụng xăng dầu. Để bù đắp phần thiếu hụt thu ngân sách từ thuế phí xăng dầu, Chính phủ cần “điều tiết” các khoản lợi nhuận rất lớn thu được từ việc khai thác (tăng thuế khai thác và xuất khẩu dầu thô) và giảm mức trợ giá sản phẩm cho các nhà máy lọc hoá dầu. Việc san sẽ lợi nhuận của khâu “upstream” cho “downstream”, sẽ giúp giá bán lẻ xăng dầu trong nước giữ ở mức hợp lý (không quá cao hoặc thấp so giá với thế giới). Việt Nam có trữ lượng tài nguyên dầu khí tương đối khá, nhưng hoạt động khai thác đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu sử dụng lại không ngừng gia tăng. Để tăng khả năng cung ứng dầu khí đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng các nhà máy lọc hoá dầu và thực hiện chiến lược đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, thông qua các hiệp định hợp tác chiến lược mua dầu thô hoặc trao đổi gạo, nông sản (thế mạnh của Việt Nam) với các quốc gia có quan hệ tốt và trữ lượng dầu khí lớn như: Arab Saudi, Kuwait, Iraq, Nga, Kazakhstan, Venezuela. Ngoài ra để đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, Chính phủ phải tăng cường kiểm soát ô nhiễm do sử dụng dầu khí. Chính phủ cần thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học, nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm phụ thuộc quá nhiều vào dầu khí. Điều cuối cùng, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp và cố gắng hoàn tất với thời gian ngắn nhất, để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong thế kỷ 21 ./.