Khóa luận Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư

pdf 51 trang thiennha21 16/04/2022 21941
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_van_hoa_nam_bo_trong_truyen_canh_dong_bat_tan_cua.pdf

Nội dung text: Khóa luận Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN TRẦN THỊ QUYÊN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TRUYỆN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam HÀ NỘI – 2016
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN TRẦN THỊ QUYÊN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TRUYỆN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Người hướng dẫn khoa học TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT MINH HÀ NỘI - 2016
  3. LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới cô giáo - TS Nguyễn Thị Tuyết Minh đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình thực hiện khóa luận. Tôi chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo trong khoa Ngữ văn, đặc biệt là các thầy, cô giáo trong tổ Văn học Việt Nam đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành khóa luận. Tôi xin chân thành cảm ơn! Hà Nội, tháng 5 năm 2016 Tác giả khóa luận Trần Thị Quyên
  4. LỜI CAM ĐOAN Khóa luận tốt nghiệp này được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của cô giáo - TS Nguyễn Thị Tuyết Minh. Tôi xin cam đoan: Đây là kết quả nghiên cứu tìm tòi của riêng tôi. Đề tài không trùng với kết quả có sẵn của bất cứ tác giả nào khác. Hà Nội, tháng 5 năm 2016 Tác giả khóa luận Trần Thị Quyên
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Lịch sử vấn đề 1 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5 5. Phương pháp nghiên cứu 5 6. Đóng góp của khóa luận 5 7. Bố cục của khóa luận 5 NỘI DUNG 6 CHƯƠNG 1. TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯTRONG BỐI CẢNH VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 6 1.1. Giới thuyết về truyện ngắn 6 1.2. Diện mạo truyện ngắn trong văn xuôi Việt Nam đương đại 8 1.3. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong đời sống văn xuôi đương đại 10 1.3.1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 10 1.3.2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ngọc Tư 11 1.3.3. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận 13 CHƯƠNG 2. NHẬN DIỆN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TRUYỆN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ 16 2.1. Không gian Nam Bộ 16 2.1.1. Không gian “cánh đồng bất tận” 17 2.1.2. Không gian kênh rạch của đất phương Nam 20 2.2. Cuộc sống của những cư dân du mục 23 2.2.1. Những người đàn ông 23 2.2.2. Những người đàn bà 26
  6. 2.2.3 Những đứa trẻ 30 2.3. Ngôn ngữ đậm màu sắc văn hóa Nam Bộ 34 2.3.1. Lớp ngôn ngữ định danh vùng sông nước 35 2.3.2. Lớp ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật 37 KẾT LUẬN 42 TÀI LIỆU THAM KHẢO
  7. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Văn học biểu hiện văn hóa, là tấm gương của văn hóa. Văn học có khả năng nhận thức, phản ánh, sáng tạo, chuyển tải và giữ gìn văn hóa. Ngược lại, văn hóa tác động đến văn học không chỉ ở đề tài mà còn ở toàn bộ quá trình sáng tạo của nhà văn và hoạt động tiếp nhận của độc giả. Tác phẩm văn chương vì thế, cũng phải thể hiện được những dấu ấn văn hóa nhất định. Giữa văn hóa và văn học có mối quan hệ hữu cơ mật thiết nên việc tìm hiểu văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng đi cần thiết và có triển vọng. Thực tế trong văn học Việt Nam hiện đại, xuất hiện khá nhiều sáng tác văn chương mang đậm dấu ấn văn hóa, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và hấp dẫn. Có thể kể đến những sáng tác tiêu biểu như: Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Và không thể không kể đến Cánhđồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng bất tận là một thành công đáng ghi nhận cho sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ngọc Tư. Truyện ngắn đã vinh dự nhận Giải nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Sức hấp dẫn của truyện chính là nét đặc trưng văn hóa đất và người phương Nam. Tiếp xúc với tác phẩm, bạn đọc hiểu biết thêm những tri thức quý giá về lịch sử, phong tục, tập quán của con người Nam Bộ. Từ đó, thêm hiểu thêm yêu con người và Tổ quốc Việt Nam. Đó là những lí do khiến chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. 2. Lịch sử vấn đề Cánh đồng bất tận vinh dự nhận giải nhất Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Từ khi ra đời đến nay,tác phẩm đã thu hút sự quan tâm đáng kể của giới nghiên cứu, phê bình và bạn đọc yêu thích văn chương. 1
  8. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Cánh đồng bất tận là một truyện hay, nó chứng tỏ bút lực của Nguyễn Ngọc Tư trong việc đào sâu vào thể hiện cuộc sống và khơi sâu vào thân phận con người. Viết được một truyện như thế chứng tỏ Tư có tài năng văn chương và có lòng thương người” [18]. Ông khẳng định nỗ lực, tìm tòi trong sáng tạo văn chương của Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm đặt ra những vấn đề nhân sinh, nhân bản của con người. Sự vững vàng, chuyên nghiệp về tay nghề viết văn của Nguyễn Ngọc Tư là một bức phá mới của văn đàn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh khẳng định: “Tới Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là người kể chuyện có duyên với những tình tự quê hương Nam Bộ mà đã tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật riêng, không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà thể hiện một cách nhìn cách nghĩ, cách cảm về con người và cuộc đời”[25]. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư khi ra mắt bạn đọc đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Theo khảo sát chúng tôi nhận thấy đã có hai luồng ý kiến: Một bên là ủng hộ lối viết dữ dội đến khốc liệt, ủng hộ việc khai thác và phản ánh một cách trần trụi, nghĩa là ủng hộ một Nguyễn Ngọc Tư “mới”. Còn phía bên kia lại cảm thấy tiếc nuối vì chị đã đánh mất đi chất trong trẻo, nhẹ nhàng, nhân hậu, ân tình của mình trong các sáng tác trước đó. Năm 2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị Hội Văn học nghệ thuật Tỉnh kiểm điểm Nguyễn Ngọc Tư về nội dung trong Cánh đồng bất tận. Sự kiện này đã tạo cho tác phẩm có sức hút lớn hơn và là cơ hội để giới nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và phê bình văn học một lần nữa khẳng định giá trị vững vàng của truyện Cánh đồng bất tận. Trong cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh với Chu Lai và Trung Trung Đỉnh về truyện Cánh đồng bất tận, nhà văn Chu 2
  9. Lai khẳng định: “Cánh đồng bất tận viết về những con người Nam Bộ với tính cách đặc thù: chân thực, hồn nhiên, chất phác và bản năng. Cốt truyện mang tính chất cổ điển, không có gì mới nhưng tác giả viết bằng thứ ngôn ngữ và hơi văn lạ, tạo được sự rung chuyển thẩm mĩ. Cái hồn khí của truyện chứng tỏ nhà văn là người yêu vùng đất và con người miền Tây chứ không hề có gì xúc phạm, bóp méo sự thực. Người miền Trung, miền Bắc đọc tác phẩm này sẽ cảm thấy yêu mến mảnh đất Cà Mau hơn”[12]. Trong bài Cánh đồng bất tận lệ rơi sau những khuôn hình, tác giả Hồ Kiên Giang đánh giá: “Một câu chuyện hay về cuộc sống trôi dạt trên sông nước với những cảnh đời vươn từ nghịch cảnh đói nghèo của con người miền Tây Nam Bộ mộc mạc, chân quê”[8]. Hồ Kiên Giang còn nhấn mạnh: Trong tác phẩm, cuộc sống và văn hóa của con người Nam Bộ hiện lên với tất cả vẻ nguyên sơ, chân thực mà không có lấy chút hư cấu, gọt rũa của người viết. Ngoài ra, còn một số bài nghiên cứu, phê bình về Cánh đồng bất tậnđược đăng rải rác trên các báo, tạp chí, các trang Web điện tử, Tuy nhiên, các bài viết chủ yếu đề cập đến giá trị văn học của truyện Cánh đồng bất tận mà chưa đi sâu tìm hiểu về giá trị văn hóa mà tác phẩm chuyển tải. Tiếp thu từ gợi ý của các nhà nghiên cứu, khoá luận của chúng tôi tập trung nghiên cứu Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Thông qua đề tài, chúng tôi muốn khẳng định giá trị của tác phẩm, đặc biệt là đóng góp của Nguyễn Ngọc Tư trong việc thể hiện những nét văn hóa Nam Bộ, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. 3
  10. - Khóa luận có nhiệm vụ nghiên cứu để làm nổi bật những nét đặc trưng văn hóa của đất và người Nam Bộ hàm chứa trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. 4
  11. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là truyệnngắn Cánh đồng bất tận (được in trong Tập truyện Cánh đồng bất tận) của Nguyễn Ngọc Tư, do nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2014. - Trong phạm vi của khóa luận tốt nghiệp, chúng tôi tập trung nghiên cứu một số bình diện cơ bảnđể làm rõ văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận như: không gian sông nước, cuộc sống của những cư dân du mục, ngôn ngữ đậm màu sắc văn hóa Nam Bộ. 5. Phương pháp nghiên cứu Khóa luận tập trung sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp hệ thống. - Phương pháp so sánh - đối chiếu. - Phương pháp phân tích văn học. - Phương pháp khái quát tổng hợp. 6. Đóng góp của khóa luận Khóa luận là công trình tìm hiểu chuyên sâu về Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận. Từ đó, góp thêm tiếng nói khẳng định đóng góp của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đối với việc thể hiện nét đặc sắc văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Nam Bộ. Khóa luận khẳng định các giá trị văn hóa Nam Bộ cần được giữ gìn và phát huy trong bối cảnh đời sống đương đại. 7. Bố cục của khóa luận Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Nội dung chính của khóa luận được chia làm 2 chương: Chương 1: Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam đương đại Chương 2: Nhận diện văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. 5
  12. NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ TRONG BỐI CẢNH VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 1.1. Giới thuyết về truyện ngắn Truyện ngắn là một thể loại cơ bản của văn học. Khi bàn về truyện ngắn, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều định nghĩa khác nhau về truyện ngắn. Giáo trình Lí luận văn học định nghĩa: “Truyện ngắn đích thực xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ con người hay đời sống tâm hồn con người” [21, 397]. Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: “Khác với tiểu thuyết, truyện ngắn là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng đến việc khắc họa một hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người”[10,371]. Victor Sawdon Pritchett coi truyện ngắn là “một điều gì đó thoáng trông thấy khi ta đi ngang qua”. Còn John Updike thì nói: “Đấy là các tác phẩm dài vài ngàn từ, được viết trên cơ sở kinh nghiệm trực tiếp của tôi hơn là tiểu thuyết. Chúng chứa đựng những cuộc phiêu lưu, những khó khăn, những giây phút khủng hoảng và niềm vui của chính tôi”. Qua việc tìm hiểu một số quan niệm về truyện ngắn của các nhà văn trong và ngoài nước, chúng ta nhận thấy truyện ngắn là một thể tài có hình thức nhỏ nhưng chứa đựng nội dung lớn lao. Được sinh ra từ những câu chuyện kể hàng ngày rất tự nhiên, truyện ngắn hình thành và phát triển vượt 6
  13. bậc với sức dẻo dai phi thường qua sự sáng tạo của nhiều thế hệ nhà văn. Hình hài của truyện ngắn hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Đến nay, truyện ngắn đã ngày một khẳng định vị trí và ưu thế của mình trong hệ thống loại hình tự sự của văn học thế giới. Trên văn đàn Việt Nam, tác phẩm Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn được đánh giá là mốc xuất hiện đầu tiên của truyện ngắn. Tác phẩm được in trên báo Nam Phong tháng 12 năm 1918. Đây được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối Tây phương của nền văn học Việt Nam hiện đại. Từ những trải nghiệm thực tế với trận lũ lịch sử ở Bắc Kì mà Phạm Duy Tốn từng miêu tả trong bài báo nổi tiếng “Hoạn nạn tương cứu” đã trở thành cảm hứng, chất liệu dồi dào để nhà văn viết nên Sống chết mặc bay. Tác phẩm đánh dấu sự xuất hiện của thể loại truyện ngắn trên diễn đàn văn xuôi Việt Nam cũng là sự kết thúc hoàn hảo trong sự nghiệp văn học của Phạm Duy Tốn ở mảng truyện ngắn. Mặc dù ông không viết truyện ngắn nữa nhưng trên văn đàn Việt Nam đã có sự kế tiếp của nhiều nhà văn tài năng đã đưa truyện ngắn bước thêm một bước tiến mới trên bục đài vinh quang như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Sau giai đoạn “buổi đầu” với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, truyện ngắn việt Nam có bước phát triển mới trong giai đoạn 1945 – 1975, phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, truyện ngắn gặt hái thành tựu với nhiều cây bút tài năng như Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ba mươi năm đất nước có chiến tranh, truyện ngắn ghi dấu ấn ở những tên tuổi như Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Ma Văn Kháng, Thời kì đổi mới, truyện ngắn tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình với một đội ngũ, người viết văn đông đảo. Trong số 7
  14. đó đặc biệt phải kể đến vai trò của các nhà văn nữ như Phan Thị Vàng Anh, Đoàn Lê, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ , Nguyễn Ngọc Tư, Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, văn học cũng cần phải có sự đổi thay để đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Theo quy luật ấy, truyện ngắn cũng có sự vận động, phát triển riêng qua từng giai đoạn. Sau 1975, cùng với sự vận động đổi mới của các thể tài khác, truyện ngắn đã có bước chuyển mình lớn lao. Các nhà văn đã dũng cảm nhìn vào sự thật, viết về sự thật. Truyện ngắn từ đó mở rộng biên đọ phản ánh, có cái nhìn đa diện về đời sống và con người nên đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những đổi mới của truyện ngắn đương đại đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của độc giả. 1.2. Diện mạo truyện ngắn trong văn xuôi Việt Nam đương đại Sau năm 1975, cùng với sự đổi mới về tư duy chính trị - kinh tế, không khí dân chủ được mở rộng và cũng là thời kì giao lưu văn hóa đa chiều. Thời tiết chính trị là tiền đề cho sự xuất hiện một loạt tác phẩm viết theo phong cách “cởi trói”. Và thông qua giao lưu hội nhập, văn học nước ta có điều kiện để tiếp xúc, lĩnh hội những giá trị đích thực của văn học thế giới. Các nhà văn cũng có cơ hội để bộc lộ quan điểm và cá tính sáng tạo của mình. Bên cạnh những cây bút đã trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến xuất hiện những cây bút mới hăm hở, xông xáo, tài năng và nhiều hoài bão.Quan niệm văn học thời kì này cũng cởi mở hơn, gắn với cá tính sáng tạo của người viết. Không đơn điệu, một chiều, các nhà văn dám đối mặt với thực tế đời sống, văn chương phản ánh chân thực tâm lý phức tạp của con người, qua đó can dự trực tiếp vào đời sống xã hội. Các nhà văn không thần thánh hóa văn chương, không đặt vào đó quá nhiều hi vọng cao siêu. Văn chương cũng như một hiện tượng của đời sống. “Văn chương sẽ sống cái sức sống của nó. Nhưng như tất cả mọi việc trên đời này, văn chương cũng có giới hạn, có sự sáng lên, sự mất đi, có cái cao cả cũng như cái bình thường” (Lê Minh 8
  15. Khuê). “Với tôi văn chương là một tôn giáo, nó không mang màu sắc chính trị nào cả. Nó là nỗi đau, là khát vọng của con người” (Thái Thăng Long). Như vậy, cách nhìn văn học như một vũ khí tuyên truyền về cơ bản đã được giải tỏa. Văn học đã được nhìn nhận trong bản chất đặc thù của nghệ thuật ngôn từ, xuất phát từ quan niệm của người cầm bút. Từ đây nhà văn chủ động và tự do hơn trong sáng tạo của mình. Nhà văn tôn trọng năng lực “đồng sáng tạo” ở bạn đọc và đôi khi họ còn dành quyền quyết định cuối cùng cho người đọc đối với tác phẩm của mình. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, trong khả năng tiếp nhận và lí giải thế giới nghệ thuật nhà văn với bạn đọc luôn bình đẳng nhau: “Người viết chỉ nên làm một người bạn tâm tình với người đọc chứ đừng là người dạy người đọc vì chưa chắc cứ nhà văn giỏi đã có văn hóa”. Nhiệm vụ của nhà văn không phải là nói ra chân lí mà thức tỉnh ý thức, hướng về chân lí hoặc thức tỉnh lương tri hoặc ý thức con người “Nhà văn giữ vai trò là người đối thoại, đưa ra những nhận xét, đề nghị với người đọc để cùng suy nghĩ, tìm kiếm, có thể cả tranh luận” (Lê Minh Khuê). Người đọc ngày nay không còn thụ động trong việc tri nhận giá trị tác phẩm, không quá lệ thuộc vào tư tưởng của nhà văn. Qua đó, bạn đọc cũng phát huy được năng lực sáng tạo nghệ thuật của mình trong việc nhận thức, lí giải thực tại đời sống. Có thể thấy, sau 1975 truyện ngắn Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. “Chỉ tính riêng ba cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức đã có gần 7000 truyện ngắn dự thi. Nếu tính cả truyện ngắn đăng trên báo tạp chí trong năm, con số lên hàng vạn”. Theo nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng “Cuộc thi truyện ngắn 2001-2002 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức có gần 2000 tác phẩm dự thi, bằng số lượng của bốn năm 1978 – 1979, 1983 – 1984”. Điều đó cho thấy tiềm lực của thể loại tự sự cỡ nhỏ. Có thể nói, chưa 9
  16. bao giờ truyện ngắn lại phát triển phong phú về số lượng lẫn hiệu quả như thời kì này. Truyện ngắn thời kì đổi mới đi vào mọi vấn đề của cuộc sống thường nhật. Các tác giả đã cố gắng mổ xẻ những mối quan hệ phức tạp, chằng chịt cùng nhiều vấn đề mới nảy sinh, điều mà trước đây, do nhiều nguyên cớ chưa phản ánh được, hay đúng hơn chưa có điều kiện suy ngẫm, nhìn lại. Bao nhiêu phức tạp ồn ào, bao nhiêu dư vị đắng chát của cuộc sống thời đổi mới được truyện ngắn phản ánh chân thực.“Văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa”[4, 130]. Truyện ngắn giờ đây không còn là sự mô phỏng, sao chép hiện thực đời sống nữa mà nó đã mang sức nặng của sự khái quát qua mỗi câu chuyện có thể thấy cả một cuộc đời, một kiếp người, một vận hội, một thời đại. Có những truyện ngắn còn nặng hơn cả một cuốn tiểu thuyết như Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Chứa đựng trong đó là bao ẩn ức của con người được tác giả phản ánh chân thực và sâu sắc. Cho tới nay, các nhà văn cũng ngày càng khẳng định được những nỗ lực, tìm tòi trong trải nghiệm sáng tạo văn chương của mình. Họ chấp nhận đương đầu với thử thách khó khăn, vượt lên mọi dư luận khen chê bằng tài năng và bản lĩnh của mình đem đến một lối nghĩ mới, một cách nhìn mới, một phương thức miêu tả mới về hiện thực. Văn học giai đoạn này ghi nhận sự hình thành của nhiều phong cách truyện ngắn độc đáo như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, 1.3. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong đời sống văn xuôi đương đại 1.3.1.Tiểu sử nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tên thật là Nguyễn Ngọc Tư, sinh năm 1976, tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Học đến lớp 10 Ngọc 10
  17. Tư đã phải nghỉ học giữa chừng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông ngoại bị bệnh nặng không ai chăm sóc. Chị đã từng tâm sự: “Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, mình đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm”[6]. Dù vậy, Ngọc Tư vẫn không ngừng từ bỏ ước mơ trở thành nhà báo của mình. Thời gian chăm sóc ông bệnh, Tư không có người để cùng chia sẻ, tâm sự, chỉ có tưởng tượng là người bạn đồng hành duy nhất. Chị bắt đầu viết văn một cách đơn giản, chỉ bằng thói quen nguệch ngoạc những chữ vô nghĩa bằng tay vào không gian qua những tưởng tượng của mình. Những năm tháng trải nghiệm làm văn thư cho tạp chí Bán đảo Cà Mau là bước nhảy vọt quan trọng để Ngọc Tư chính thức bước chân vào giới văn học nghệ thuật. Mốc son đánh dấu sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Tư trên diễn đàn văn học là lúc truyện ngắn đầu tay có tên Đổi thay được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Cũng từ đây, Nguyễn Ngọc Tư bước vào một môi trường mới, khác xa với những gì chị vốn quen sống. Đi làm báo, viết văn, Ngọc Tư vừa làm vừa học bổ túc, vừa chăm chỉ đọc sách báo để trang bị cho mình sự vững vàng về kiến thức. Càng đi nhiều nơi, đọc nhiều sách báo Ngọc Tư càng thêm trăn trở, suy tư về cuộc sống và con người. Và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ngọc Tư thực sự bắt đầu khi chị 20 tuổi. Nguyễn Ngọc Tư hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ tỉnh Cà Mau và Hội văn học nghệ thuật Cà Mau. Chị được đánh giá là một trong những gương mặt nhà văn trẻ tài năng của Việt Nam và “là một cây bút đặc biệt của miền Tây Nam Bộ”[13]. 1.3.2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ngọc Tư Nguyễn Ngọc Tư là một đại diện xuất sắc cho thế hệ các nhà văn trẻ và cũng là một cây bút tiêu biểu có nhiều đóng góp lớn cho văn học đương đại Việt Nam. Đằng sau mỗi tác phẩm luôn là những thông điệp giàu ý nghĩa mà Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi gắmtới bạn đọc. Qua đó, tác phẩm thể hiện được 11
  18. vốn hiểu biết phong phú của nhà văn về cuộc sống, đặc biệt là thiên nhiên và sinh hoạt của người phương Nam. Các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư phần lớn viết về nông thôn, nông dân, dân nghèo và lớp nghệ sĩ. Nhưng đó không hoàn toàn là những câu chuyện vui, những lời rô hò lạc quan mang chất người Nam Bộ mà đó thường là những câu chuyện buồn, ứa ra nước mắt bởi chị cho rằng nỗi buồn và số phận con người dễ tác động lòng người. Những tác phẩm chính của Nguyễn Ngọc Tư bao gồm: - Ngọn đèn không tắt (2000) - Ông ngoại (2001) - Biển người mênh mông (2003) - Giao thừa (2003) - Nước chảy mây trôi (2004) - Cái nhìn khắc khoải (2005) - Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005) - Cánh đồng bất tận (2005) - Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (2005) - Sầu trên đỉnh Puvan (2007) - Ngày mai của những ngày mai (2007) - Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (2008) - Biển của mỗi người (2008) - Sông (2012) Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ngọc Tư trở nên rạng ngời hơn khi nhà văn được trao nhiều giải thưởng, trong đó có: Giải nhất cuộc vận động “Sáng tạo văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản Trẻ, Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (2000). Giải B tặng thưởng các tác phẩm Văn học nghệ thuật xuất sắc của năm 2003 do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam 12
  19. tặng và Nguyễn Ngọc Tư được bình chọn là một trong “Mười gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2003”. Năm 2006, Nguyễn Ngọc Tư cho xuất bản tập truyện Cánh đồng bất tận và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất. Là một nhà văn trẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã cống hiến cho văn đàn đương đại Việt Nam một phong cách văn xuôi đậm chất văn hóa Nam Bộ đã và đây là cây bút đang chiếm được tình cảm và sự mến mộ của đông đảo bạn đọc. 1.3.3 .Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận Năm 2005 – 2006, Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến một “hơi gió mát” (chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc) cho văn xuôi đương đại với các tác phẩm như: Hiu hiu gió bấc, Thương quá rau răm, Mối tình năm cũ, Có thể nói, nếu coi tập kí sự Nỗi niềm sau cơn bão của Nguyễn Ngọc Tư là tác phẩm đánh dấu bước khởi đầu trong hành trình tiến vào làng văn thì tập truyện Cánh đồng bất tận được xem như một ngã rẽ đầu tiên đưa nhà văn bước vào một con đường dài rộng hơn. Với thành công mang một tiếng vang lớn, Cánh đồng bấttận đã một lần nữa khẳng định tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư trong giới văn nghệ sĩ trẻ thập niên đầu thế kỉ XXI. Tập truyện Cánh đồng bất tận được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2005. Tập truyện là tập hợp của 14 truyện ngắn khác nhau: - Cải ơi - Thương quá rau răm - Hiu hiu gió bấc - Huệ lấy chồng - Cái nhìn khắc khoải - Nhà cổ - Mối tình năm cũ - Cuối mùa nhan sắc 13
  20. - Biển người mênh mông - Nhớ sông - Dòng nhớ - Duyên phận so le - Một trái tim khô - Cánh đồng bất tận Tập truyện ngắn với những câu chuyện gợi số phận con người khác nhau, là mười bốn bức vẽ xoay quanh cuộc sống con người vùng nông thôn miền Tây Nam Bộ. Cuộc sống làng quê Nam Bộ gắn liền với sông nước mênh mông hiện lên một cách chân thực qua giọng văn trau chuốt, mạch lạc của Nguyễn Ngọc Tư. Tác giả sử dụng lớp từ ngữ đậm chất Nam Bộ tạo nên một văn phong đặc sắc, không dễ nhầm lẫn. Trong số những truyện trên, Cánh đồng bất tận là truyện ngắn xuất sắc nhất và mở ra một thế giới hoàn toàn khác. Khác với những hình ảnh vùng quê Nam Bộ trù phú với những người dân phóng khoáng, giàu nghĩa khí nhưng vẫn vô tư, hồn nhiên mà chúng ta được tiếp xúc qua sách vở, phim ảnh thì ở đây, Cánh đồng bất tận lại mở ra trước mắt độc giả một thế giới đầy rẫy khắc nghiệt, con người đang quằn quại trong những đớn đau, tội lỗi, cô đơn. Ở thế giới tàn khốc ấycon người là nạn nhân của đói nghèo, của hoàn cảnh. Có người phụ nữ nghèo đến mức phải đánh đổi thân xác của mình chỉ vì một mảnh vải đẹp, còn có người bị đánh đuổi tím tái mặt khi “làm đĩ” để mưu sinh. Có hai đứa trẻ suốt đời theo cha rong ruổi trên khắp các cánh đồng phương Nam, chúng thèm khát những tình cảm ngay bên đường mà cũng không được. Còn có người chồng sống trong thù hận khi bị vợ phản bội đi theo người đàn ông khác Xuyên suốt nội dung câu chuyện là hình ảnh những cánh đồng bất tận, cũng là nỗi cô đơn bất tận của con người. 14
  21. Truyện ngắn Cánh đồng bất tận chuyển tải thông điệp về số phận của những thân phận long đong, chìm nổi ở nơi sông nước miền Tây Nam Bộ. Câu chuyện là những cuộc hành trình bất tận trong cuộc đời của họ trên từng cánh đồng không tên với biết bao bi kịch đau thương vẫn cứ tiếp nối. Nhưng trong nỗi sợ hãi, khắc khoải của bi kịch ấy vẫn ánh lên tình người ấm áp, những con người tưởng như ở tận đáy xã hội vẫn mang trong mình vẻ đẹp cao thượng, cũng như sự trong trắng của những đứa trẻ lớn lên ở vùng sông nước “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”[26, 218]. Câu chuyện đã đánh thức trong lòng độc giả khát vọng yêu thương bất tận. Đây cũng là giá trị nhân bản sâu sắc nhất màNguyễn Ngọc Tư gửi gắm qua tác phẩm. 15
  22. CHƯƠNG 2 NHẬN DIỆN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TRUYỆN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ 2.1. Không gian Nam Bộ Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, không gian nghệ thuật là yếu tố quan trọng để tô đậm “cái tình” của nhân vật. Không gian nghệ thuật in một dấu ấn cá nhân sâu đậm. Đồng thời nó còn làm chức năng “phông nền” giúp nhà văn có thể khai thác thế giới tâm hồn nhân vật. Nếu các nhà văn hiện thực trước đây như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, thường lựa chọn một môi trường chứa đựng nhiều mâu thuẫn xã hội phức tạp để tô đậm kịch tính của tác phẩm, thì không gian trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư không chứa đựng nhiều mâu thuẫn xã hội phức tạp. Không gian ấy cũng không được định vị cụ thể như làng Đông Xá (Tắt đèn), làng Vũ Đại (Chí Phèo) mà là không gian thường xuyên được dịch chuyển với một vùng sông nước, con thuyền, bến đò mang đậm dấu ấn đặc trưng của vùng không gian văn hóa Nam Bộ. Không gian thiên nhiên nói chung và không gian vùng sông nước nước miền nhiệt đới đặc trưng Nam Bộ nói riêng đã từng xuất hiện trong tác phẩm của Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Tư đã tiếp nối mạch văn truyền thống của thế hệ đi trước và nhanh chóng tạo cho mình một không gian nghệ thuật vừa đặc thù, vừa hấp dẫn. Thực ra, ngay từ những sáng tác đầu tay, Nguyễn Ngọc Tư đã gắn bó với không gian sông nước – nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. Điều này tạo ưu thế cho chị khi nhận thức và phản ánh cuộc sống từ chiếc nôi văn hóa của mình. Nhà văn có lần chia sẻ: “Ở Nam Bộ, nhà quay được ra mặt sông cũng như nơi khác nhà mặt phố nhà mà quay ra mặt sông thì cũng kể như trúng lộc. Chả hiểu nghề thợ bạc của 16
  23. chồng Tư có làm ăn được gì khi nhà quay ra mặt sông không, chứ nghề của Tư dứt khoát là có. Bao nhiêu số phận, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu dâu bể trên ấy, bao nhiêu cốt truyện từ cái dáng ngồi hắt hẻo mỗi chiều nhìn ra sông ấy ” [15,22]. Vùng sông nước đã trở thành không gian văn hóa đặc trưng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư và truyện ngắn Cánh đồng bất tận không nằm ngoài quy luật ấy. Qua tác phẩm, nhà văn đã dẫn ta đến vùng đất cực Nam của Tổ quốc với “cánh đồng bất tận”, sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt mang hơi thở cuộc sống của con người nơi đây. 2.1.1. Không gian “cánh đồng bất tận” Truyện ngắn Cánh đồng bất tận cho người đọc cảm nhận được vẻ đặc trưng riêng của thiên nhiên một vùng sông nước với vị mặn chát của đất, mùi nồng nặc của đất chua loét vì phèn và cái nóng nực của mùa hạn hung hãn, tiếng kêu khan của bầy vịt tranh nhau tìm kiếm thức ăn Đó là những ấn tượng mang đậm dấu ấn của vùng nhiệt đới Tây Nam Bộ. Bạn đọc không khỏi ám ảnh bởi không gian rộng lớn của những cánh đồng phương Nam. Đó là những cánh đồng không tên được hai chị em Nương, Điền đặt cho những tên gọi gắn liền với những kỉ niệm: “Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỉ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng”[26, 167]. Trên nền không gian mênh mông ấy, nhà văn đã miêu tả hành trình phiêu bạt vì mưu sinh của các nhân vật Út Vũ, Nương, Điền Bắt đầu từ chỗ họ có một mái ấm gia đình trong căn nhà nhỏ bé đơn sơ, cho tới khi người vợ bội bạc chồng con đi theo người đàn ông khác, là ba cha con cùng sống nổi trôi trên khắp các cánh đồng không tên với nghề nuôi vịt chạy đồng, mong chạy trốn thực tại phũ phàng: “Đàn vịt đưa chúngtôi đi hết cánh đồng nầy đến cánh đồng khác. Đôi khi không hẳn vì cuộc sống, chúng là cái cớ để 17
  24. chúng tôi sống đời du mục, tới những chỗ vắng người” [26, 180]. Nghề nuôi vịt chạy đồng khiến họ phải di chuyển hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, cứ ở cánh đồng nào mùa vụ sắp tới là ba cha con lại cất lều cùng bầy vịt tới đó để nhặt nhạnh những bông lúa còn sót lại. Không gian di chuyển vô định, là minh chứng cho cuộc sống không có bến đậu của con người. Lênh đênh trên những cánh đồng mênh mông, bất tận, cư dân nơi đây không thể tìm được một nơi sống ổn định. Những cánh đồng được nhắc đến trong truyện ngắn này không còn gợi cho người đọc thấy hình ảnh của một vùng quê Nam Bộ trù phú trước đây với những cánh đồng lúa mênh mông, xanh ngắt mà là hình ảnh của những cánh đồng“hoang lạnh”,“vắng ngắt” đầy khó khăn, khắc nghiệt: “Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao ( ) Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm” [26,201]. Rõ ràng, cảnh vật gợi cảm giác u buồn, tĩnh mịch làm lòng bâng khuâng, u hoài. Không gian cánh đồng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, mỗi lần xuất hiện lại được miêu tả khác nhau: Chỗ này“con kinh nhỏ vắt qua một cánhrộng đồng”, chỗ kia“cánh đồng không có tên chua loét vì phèn” Những cánh đồng đã gợi tả một môi trường sống tạm bợ, xa vắng, sơ khai, nghèo nàn, nghiệt ngã mà con người nơi đây vẫn phải bám víu để sống còn. Đặc biệt, không gian mở, di động này bao gồm những cánh đồng nối tiếp nhau bất tận bằng những đường sông ngòi, vừa chia tách vừa nối buộc. Mở vì tạm bợ, luân lưu trong cô lập, thiếu bóng dáng người, thiếu cuộc sống cố định, thiếu sự nuôi dưỡng của làng ấp, cày bừa, trồng trọt. Đó dường như là những mảnh đất, những cánh đồng hoang dã, ngoài lề xã hội. Ở đó con người sống lẩn trốn, lang bạt trong cảnh du mục, sinh sống nhờ lượm nhặt, chăn 18
  25. nuôi di động. Một thế giới hoang vu với cảnh sống theo“bản năng hoang dã” mộc mạc nhưng cũng kinh dị khi con người bị tới cảnh đường cùng. Sống đời phiêu dạt cùng cha trên những cánh đồng bất tận, hai chị em Nương và Điền không cho phép mình yêu bất cứ cảnh vật, con người nơi nào để khi cất lều đi tới cánh đồng khác, chúng không phải lưu luyến, xốn xang. Chúng nhớ đến những cánh đồng mình đã từng đi qua nhờ vào những kỉ niệm: “Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kì kinh nguyệt đầu tiên ”[26, 167]. Trong số đó, cũng có cánh đồng ghi dấu sự ra đi không trở lại của Sương và thằng Điền được Nương gọi là cánh đồng “Chia Cắt”. Trên cánh đồng “chia cắt” ấy, có bóng dáng của một đứa con gái đang ngóng trông, chờ đợi đứa em trai quay về. Có người cha “lạnh lùng”, ơ hờ trước sự ra đi của đứa con trai: “Những lần dọn cơm tôi hay lấy chén đũa cho cả bốn người. Cha tôi rất khó chịu, ông ngán ngẩm đứng dậy. Tôi ngồi một mình, chan nước vào chén cơm như chan nỗi trống trải khủng khiếp. Đi qua những xóm kinh chộn rộn ánh đèn, tôi thườngngóng lên bờ mong có thể gặp được thằng Điền và chị” [26, 210]. Và sau cùng cái tên “Bất Tận” được nhân vật “tôi” nghĩ ra để gắn với một cánh đồng. Những cánh đồng lúa đang rộ bông: “Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận (tên nầy tôi tự dưng nghĩ ra). Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa. Rất thính nhạy, (như kên kên ngửi được xác chết) đám thợ gặt đánh hơi kéo đến, những người nuôi vịt chạy đồng lục tục ở đằng sau” [26,213]. Trên cánh đồng “Bất Tận” ấy còn có nỗi đau đớn bất tận của đứa con gái khi bị đám thanh niên đè ghì thân xác xuống mặt nước bì bõm. Và nó đánh thức lương tâm, trách nhiệm của người cha, Út Vũ cảm thấy hối hận tột cùng vì cách sống của mình dành cho con trước đây. Tận mắt chứng kiến con gái mình bị hãm hiếp, ông hối hận nhưng đã quá muộn màng. 19
  26. Cánh đồng bất tận là không gian những cánh đồng mênh mông nhưng hoang vắng, ở đó diễn ra cuộc sống lênh đênh của những kiếp người lam lũ, khổ cực và cô đơn được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả sâu sắc và chân thực. Những cánh đồng hoang sơ, trống vắng càng làm cho cuộc sống người dân nơi đây trở nên nghèo nàn, cơ cực: “Những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống” [26, 213]. Đó là những cánh đồng mênh mông rất đặc trưng cho không gian đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Nếu đồng bằng miền Bắc san sát xóm làng với những bờ đê chắc chắn bảo vệ, thì xóm làng Nam Bộ thường ở men theo kênh rạch, không có những con đê che chắn. Vì vậy, những cánh đồng nơi đây dường như càng rộng lớn mênh mông hơn. Nhưng điều quan trọng là hình ảnh trù phú, màu mỡ của đồng bằng Nam Bộ trước kia giờ đây không còn nữa. Thay vào đó là cảnh tượng hạn hán, đất nhiễm mặn, bởi biến đổi thời tiết, bởi con người tác động vào tự nhiên khiến cư dân nơi đây đang phải vật lộn đầy nhọc nhằn, thậm chí có cả những bi kịch đau thương bất tận để tìm kế mưu sinh. Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa rất chân thực hình ảnh nông thôn Nam Bộ của thế kỉ XXI này. 2.1.2. Không gian kênh rạch của đất phương Nam Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Hậu Giang, vì vậy những dòng sông, con kênh, rạch nước đều in dấu ấn trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là không gian đặc trưng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Nó làm nền cho những rung cảm và suy nghĩ của nhà văn. Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận cuộc sống sinh hoạt, cuộc đời của mỗi nhân vật đều có sự gắn bó sâu nặng với không gian sông nước. Biểu hiện sâu sắc nhất của vùng sông nước là những hình ảnh trở đi trở lại như: dòng sông, con kinh, con thuyền rất đỗi quen thuộc với mảnh đất 20
  27. miền Tây Nam Bộ. Ở nơi đây, ghe như đôi chân của con người để đi lại, làm ăn, chợ búa, gặp gỡ, giao lưu Ghe đồng thời là nơi cư trú của người dân. Vì vậy, hình thức tồn tại của con người vùng sông nước này chủ yếu là chiếc ghe, bến đò vốn khác không gian sống của người dân vùng đồng bằng miền Bắc. Tuy nhiên, cuộc sống lênh đênh trên sông nước không có bến đậu, cũng là biểu hiện cho cuộc sống bị tách khỏi cộng đồng. Vì thế, chiếc ghe cũng là không gian của những con người cô độc.Trong Cánh đồng bất tận, hành trình chiếc ghe của cha con Út Vũ cũng như vậy. Chiếc ghe không gắn kết ấy đưa ba cha con lênh đênh hết cánh đồng này đến cánh đồng khác: “Những cánh đồng hoang”,“cánh đồng hoang lạnh”,“cánh đồng vắng ngắt” để khi nhân vật Sương tỉnh lại ở chiếc ghe đã cứu mình, cô phải kêu lên:“Trời đất ơi, chỗ nào mà vắng tanh vậy nè?”[26, 167]. Chiếc ghe của gia đình có ba người đơn độc ấy đến rồi đi bất thường giữa cánh đồng cô liêu. Và cái không gian dập dìu chiếc ghe xuất hiện trên những kênh rạch, dòng sông ấy đậm đặc chất liệu Nam Bộ. Tuy vậy,những chiếc ghe ở đây không còn là biểu tượng cho không gian của những nhà nổi, làng nổi thân mật như trong nhiều tác phẩm văn học trước đây. Trong truyện Nguyễn Ngọc Tư, hình tượng kênh rạch, chiếc ghe lại nói lên sự bất thường, không có sự bình yên, con người thiếu vắng sự giao cảm. Khát khao lớn nhất của chị em Nương và Điền là được giao tiếp với con người, được sống một cuộc sống bình thường. Niềm mong ước ấy thật giản dị, thiết thực nhưng cũng khó có thể thực hiện. Ngoài hình ảnh chiếc ghe gợi mở không gian sông nước, ta cũng không thể bỏ qua hình ảnh dòng sông. Đây không phải là hình ảnh lạ. Trước Nguyễn Ngọc Tư, đã có rất nhiều nhà văn sử dụng hình ảnh dòng sông như một chất liệu nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Nguyễn Tuân đã có một bút kí về Sông Đà, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về dòng Sông Hương thiết tha, mượt mà với bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? Còn dòng sông trong Cánh đồng 21
  28. bất tận của Nguyễn Ngọc Tư mang tên: Bìm Bịp. Con sông ấy không có vẻ đẹp nên thơ mà là dòng sông khô hạn, thiếu nước: “khô trơ lòng”. “Mùa hạn hung hãn dường như cũng đang gom hết nắng đổ xuống nơi nầy. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn” [26, 163]. Điều đó khiến người dân không thể trồng được bất cứ loại cây nào, thậm chí còn thiếu nước để sinh hoạt, bởi:“Từ bên kia của sông Bìm Bịp là vùng đệm cho những cánh rừng tràm lớn. Mùa nầy, người ta lấy nước từ tất cả những dòng sông nhỏ, các con kinh để bơm vào rừng, chống cháy” [26, 171]. Ngay đến những cái đầm ao: “Đó là một hố bom cũ, bình bát mọc quanh, rau muống chằng chịt phủ kín mặt nước,cặng rau ốm nhằng, đỏ au” [26, 167]. Đàn vịt được nuôi trong sự mòn mỏi: “Không có nước, chúng bìbạch, chậm rì và chẳng thể đi xa ( ). Ngay cả nước để chúng tắm táp cũng chua loét vì phèn”[26, 171]. Nơi xóm nhỏ bên bờ sông lớn mênh mang mà người dân cũng không có nước để dùng: “Người họ đầy ghẻ trốc, những đứa trẻ gãi đến bậtmáu. Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo,nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài vì đường xa, nước mắc. Buổi chiều đi làm về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua loét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, rửa rau xong dành rửa cá ” [26; 170]. Nước ngọt đối với cư dân nơi đây quý giá vô cùng. Con người sống ở vùng sông nước, vậy mà nghịch lí thay, họ luôn phải đối mặt với những khắc nghiệt về nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai Kênh rạch, sông nước mênh mông giờ đây đã khô trơ lòng. Không gian kênh rạch rộng lớn, chằng chịt làm cho con người cảm thấy mình nhỏ bé, cô đơn và dòng sông lúc êm xuôi lúc lượn khúc quanh co cũng như cuộc đời con người lúc sóng yên biển lặng, có lúc đầy biến cố thăng trầm. Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng không gian sông nước vùng đồng bằng Sông Cửu Long thành bối cảnh của truyện, đó 22
  29. là khung nền làm nổi bật những tình tiết, diễn biến bi kịch của gia đình Út Vũ. Dòng sông chứng kiến tất cả hạnh phúc và khổ đau của gia đình du mục này. Sống giữa những “cánh đồng bất tận” và những dòng sông, con kinh nhưng những nhân vật trong truyện dường như không tìm thấy sự hòa điệu với thiên nhiên. Lặn lội trong kế mưu sinh, con người như cô đơn hơn bởi không có niềm vui, bởi tự thấy xa cách nhau. Trên vùng không gian sông nước với những con kênh, rạch chằng chịt xối về, mỗi con người đều là một cá nhân riêng biệt. Không gian rộng lớn càng làm cho con người có cảm giác cô đơn, lạc lõng. Hơn nữa, không gian sông nước vô định và luôn đổi thay gợi ám ảnh về một cuộc sống phiêu bạt, lênh đênh. 2.2. Cuộc sống của những cư dân du mục Những mảnh đời tăm tối, lênh đênh đôi lúc dường như bị xã hội lãng quên đã được Nguyễn Ngọc Tư lựa chọn và xây dựng nên một thế giới nhân vật đông đảo, đa dạng với nhiều tính cách, số phận khác nhau. Cuộc sống của người dân vùng sông nước nghèo khổ, lam lũ, nổi trôi nhưng sâu thẳm tâm hồn họ lại là những nỗi niềm không ai giống ai. Trong Cánh đồng bất tận những cư dân du mục đang từng ngày phải đối mặt với những khắc nghiệt, khó khăn của cuộc sống. 2.2.1. Những người đàn ông Những người đàn ông du mục đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc trên những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư. Họ lênh đênh trên sông nước và sống cuộc sống nay đây mai đó trên mọi nẻo đường để mưu sinh. Một phần cuộc sống đã xô đẩy những người đàn ông ấy phải rời bỏ quê hương của mình để tìm kiếm kế sinh nhai, một phần khác họ muốn trốn tránh hiện thực phũ phàng của số phận cá nhân. Hình ảnh Út Vũ - cha của hai đứa trẻ đã trở thành nỗi ám ảnh về người đàn ông du mục trên cánh đồng quê hương trong Cánh đồng bất tận. Như 23
  30. những mảnh ghép rời rạc, cuộc đời của nhân vật phải xâu chuỗi ghép lại thì ta mới thấy được toàn bộ chân dung cuộc đời. Út Vũ là một người thợ mộc, cuộc sống quanh năm trôi nổi trên ghe để tìm công việc. Ngay từ ban đầu cuộc sống của ông ta đã không cố định, nay thêm sự phản bội của người vợ càng khiến ông ta thêm đau đớn hơn: “Cha cười cay đắng khi thấy quần áo của má còn treo trong nhà, còn cả cái khăn tắm và đôi dép Lào cũ, như thể má đi chơi bên hàng xóm ”[26, 179]. Vậy là, cái gia đình vốn yên ấm trước đây, nay đã tan vỡ theo sự ra đi của người đàn bà “có nụ cười lấp lánh cả khúc sông”. Út Vũ cười cay đắng, khóc hận và ông ta đã lựa chọn con đường phiêu dạt để khỏa lấp cú sốc tinh thần ấy. Nỗi hận thù đã đeo đuổi người đàn ông này suốt cuộc đời. Nó cũng là khởi đầu và kết thúc cho mọi khổ đau của những nhân vật khác, đặc biệt là hai đứa trẻ - con của Út Vũ. Những gì gợi nhớ đến người vợ đều khiến ông ta căm ghét. Căn nhà đơn sơ trước đây đầy ắp tiếng cười đã bị ông ta đốt trụi như xóa đi những kỉ niệm về một mái ấm gia đình. Út Vũ đau đớn dắt hai đứa nhỏ xuống ghe, xuôi ngược khắp những cánh đồng không tên cùng với bầy vịt. Nghề chăn vịt chạy đồng càng làm cho cuộc đời của ba cha con vốn đã lênh đênh nay còn vô định hơn: “Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Đôi khi không phải là vì cuộc sống, chúng là cái cớ để chúng tôi sống đời du mục, tới chỗ vắng người. Vì ở đó ít ai phát hiện ra sự khác thường của gia đình tôi và ít hỏi cái câu: - Má mấy đứa nhỏ đâu? Để cha tôi phải buộc lòng nói - Chết rồi”[26, 180]. Đàn vịt như là cái cớ để ba cha con chạy trốn hiện tại phũ phàng. Nhưng dù có đi khắp những cánh đồng không tên ấy, người đàn ông này vẫn không thể quên được vợ mình. Vì vậy, trong lòng ông vẫn luôn tồn tại khối cô đơn, vẫn ôm nỗi hận về người vợ bội bạc. Út Vũ trở nên cục cằn, lạnh lùng 24
  31. đến mức tàn nhẫn. Hận thù ấy không chỉ làm khổ đau những người phụ nữ sau này đã trót đem lòng yêu Út Vũ, mà hơn nữa nỗi hận thù ấy đã ảnh hưởng tới cách sống của ông ta. Người đàn ông này tàn nhẫn với chính những đứa con của mình và vô tình đẩy hai đứa trẻ vào cuộc sống hoang dã để chúng tự học cách sống, tự bươn trải cuộc đời khi còn quá nhỏ tuổi: “Những gì không biết chúng tôi thử. Những gì không hiểu chúng tôi chất thành khối trong lòng. Nhiều khi thấu đáo một điều gì đó chúng tôi phải trả giá cao”[26, 183]. Thậm chí, Út Vũ còn thường xuyên đánh đập bọn trẻ chỉ vì lí do chúng là con của người đàn bà bội bạc ấy, vì hai đứa giống má chúng: “Cha thường đánh chị em tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy ”. Người đàn ông ấy đánh con chỉ vì quá hận vợ, hận người đàn bà đã gieo cho ông niềm tin: “Chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng”[26, 179]. Mỗi lần nhìn thấy con bé Nương thì hình ảnh người vợ bội bạc lại hiện ra trước mặt và Út Vũ lại đánh con vô cớ. Con bé Nương chấp nhận điều ấy như một lẽ thường, giống như định mệnh đã sắp đặt nó là con của người đàn bà bội bạc với chồng: “Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau chút lòng. Sau nầy chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi”[26, 183]. Sự tàn nhẫn của người cha là nguyên nhân đẩy bọn trẻ rơi vào sự cô đơn đến tột cùng. Trên ghe chỉ có ba người nhưng cả ngày không có lấy một cuộc trò chuyện, ai làm việc ấy. Họ dật dờ như những chiếc bóng thành ra cái ghe nhỏ nhưng khoảng cách ba cha con lại rộng lớn vô cùng. Người đàn ông này trở nên trơ lì theo thời gian và theo sự phiêu dạt của cuộc đời. Thời gian hằn lên khuôn mặt ông những vết nhăn tuổi tác, nhưng nó không thể tẩy sạch được nỗi hận trong lòng. Út Vũ càng chạy trốn thực tại bao nhiêu thì tự ông như càng vùi mình vào sâu quá khứ nghiệt ngã ấy bấy nhiêu. Ba cha con đi cùng với bầy vịt “từ mùa mưa sang mùa nắng”và “chiếc ghe, cánh đồng, 25
  32. dòng sông cứ thênh thang mãi ”. Cuộc sống phiêu dạt ấy kéo dài cũng giống như nỗi đau không điểm dừng trong lòng Út Vũ. Người đàn ông du mục này bỏ mặc chính những đứa con của mình. Ông ta thờ ơ, vô cảm với tất cả. Cuộc sống của cha con ông ta lạnh lùng thật đáng sợ: “Chiếc ghenhỏ bé chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường. Nó chỉ đủ xoay lưng để nằm co, để cúi người mà cũng dài, cũng rộng vô phương" [26, 195].Sau nhiều năm sống lạnh lùng, tàn nhẫn với con cái,Út Vũ đã tự đẩy mình xa con hơn. Cuối cùng sự ra đi của thằng Điền như một lời cảnh tỉnh thái độ sống của Út Vũ, và đau xót nhất là hình ảnh con bé Nương bị đám thanh niên hãm hiếp đã thức tỉnh trong ông ta nỗi ân hận muộn màng: “Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời " [26, 218]. Có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả rất chân thực tính cách của những người đàn ông du mục vùng sông nước Nam Bộ, đặc biệt là ở điểm tận cùng của đất nước- vùng sông nước Cà Mau: những người đàn ông chất phác, sống đơn giản, bộc trực nhưng cũng nóng nảy. Đặc biệt khi bị tổn thương thì đầy bản năng hung hãn. Đây cũng là một thực trạng khiến người đọc day dứt về mảnh đất tận cùng của phía Nam Tổ quốc ngày nay - một mảnh đất vốn rộng lớn trù phú trước đây nhưng đồng thời cũng là một “vùng trũng” về văn hóa và xảy ra bao nhiêu điều bất ổn trong cuộc vật lộn mưu sinh ngày nay. 2.2.2. Những người đàn bà Cánh đồng bất tận khắc họa những người đàn bànhư vợ Út Vũ, cô gái điếm tên Sương, những người tình của Út Vũ, những người đàn bà khốn khổ vì mưu sinh, những cô gái điếm tràn về làng quê khi đến mùa gặt Vì nhiều lí do khác nhau, nhiều người trong số họ mang theo mình thứ tội đã được định danh là tội ngoại tình. Đây là căn nguyên gây ra sự đổ nát của bao gia đình và đáng bị lên án. Nhưng xét cho cùng, Nguyễn Ngọc Tư viết về những người 26
  33. đàn bà ấy không phải để lăng mạ, dằn mặt kẻ bội bạc mà chỉ muốn nói khách quan về một thực trạng đáng buồn bởi nghèo đói và tăm tối của nông thôn Nam Bộ đương đại. Số phận những người đàn bà ấy đều bất hạnh. Cuộc đời họ đầy rẫy khổ đau và đi vào ngõ cụt “thoát khỏi vũng lầy này lại sa vào vũng lầy khác”. Nội tâm họ luôn tồn tại mâu thuẫn giữa hiện tại với mơ ước về tình yêu và lý tưởng. Họ sống với tâm trạng nửa chờ đợi, nửa buông xuôi, chấp nhận và cũng có phần hối tiếc. Những người đàn bà ấy sống hết mình vì tình yêu, khắc khoải chờ đợi ngóng trông những người đàn ông du mục của mình để rồi vô tình tự đẩy mình vào vòng luẩn quẩn, bị kịch và tự biến mình thành “một trái tim khô”. Những người đàn bà trong Cánh đồng bất tận sống cô đơn, tủi nhục và bi đát trong một thế giới đói nghèo luẩn quẩn với những cánh đồng “trống trơn”, “giữa mùa hạn hung hãn”, những con kênh “nước đã sắc lại thẫm một màu vàng u ám”.Má của cái Nươngvà thằng Điền“có khuôn mặt đẹp và có làn da trắng như bông bưởi”. Cuộc sống quanh năm khổ cực, má luôn thở dài khi nhìn vào hai túi áo“kẹp lép”và khi vá bộ quần áo cũ “tiếng thở thườn thượt nghe buồn mênh mông như nhữnghàng nước mắt chảy từng giọt”[26,178].Người đàn bà ấy thấp thỏm ngóng trông trước những chuyến đi mới của chồng và luôn gặng hỏi: “Đi chuyến này nữa là đủ tiền mua tivi màu, phải hôn anh?”. Chị ta cũng giống như những người đàn bà lam lũ quê mình ngày ngày trông ngóng “chiếc ghe chở đầy vải vóc”, rồi họ “trở thành trẻ thơ” khi bước chân lên ghe vải ấy, tíu tít háo hức, thèm muốn đến bồn chồn khi ướm lên người mình tấm vải màu đỏ, màu xanh, nhưng cuối cùng dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng đầy tiếc nuỗi, ngậm ngùi khi sờ vào túi áo “kẹp lép” của mình. Sống giữa mênh mông đồng ruộng nhưng khí hậu phương Nam giờ đây khắc nghiệt, mùa gặt về thấy lúa hao hụt đi từng ngày khiến những nguời vợ 27
  34. “đau đáu khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà hay dựng vợ gả chồng cho con cái”[26, 175]. Út Vũ đã cố gắng trong mọi việc để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho vợ con nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ở vùng quê làm lụng vất vả quanh năm này, những người chồng luôn khô khan về tình cảm. Họ không biết lắng nghe những khát khao, niềm mong ước và tình yêu của vợ mình. Dường như cái đói và miếng ăn là mối quan tâm lớn nhất trong đời họ. Lo cơm áo mưu sinh đã mệt mỏi, nói chi tới việc người ta ngọt ngào động viên nhau. Và những người đàn ông “thích uống say, thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền” với người vợ của mình. Sự thực, cho tới nay dù cuộc sống đã hiện đại và đủ đầy hơn, nhưng vẫn còn không ít những gia đình nông dân ở miền đất cực Nam của Tổ quốc sống rất nghèo khổ, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Vì vậy, việc biết quan tâm đến vợ con xem ra là thứ xa xỉ. Và những cặp vợ chồng ngày càng xa cách nhau và hơn ai hết phụ nữ là người chịu khổ đau tinh thần. Hình ảnh người đàn bà ở Bàu Sen đã ám ảnh độc giả. Đau lòng trước sự bội bạc của người chồng, chị ta “cắp nón đi suốt tìm ông thầy này, bà cốt kia, để thỉnh bùa chú cho ông chồng quay lại". Song tê tái hơn, chồng chị ta"bỏ ngay cô nhân tình này” nhưng “anh ta lại chạy theo cô khác". Kết quả là "ba mùa lúa rồi chị ra đồng một mình. Một mình nuôi con. Một mình ngắm gương,tự vuốt ve và yêu lấy mình " [26, 187]. Một thời gian sau, chị ta cũng đi theo một người đàn ông khác, bỏ lại tất cả “xóm làng, ngôi nhà, vườn tược, trôi tuột lại phía sau”. Nhân vật cô Chín trong truyện ngắn này cũng là một người đàn bà đã từng bị chồng ruồng bỏ. Cho tới khi gặp được Út Vũ, cô ta tưởng rằng đã tìm được tình yêu. Cô Chín bỏ lại hai đứa con nhỏ, nguyện cùng Út Vũ trôi dạt đây đó, nhưng thật bẽ bàng, người đàn bà này cũng bị Út Vũ bỏ rơi giữa đường trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng. Có rất nhiều người đàn bà phận 28
  35. bạcđược miêu tả trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, trong đó, bẽ bàng nhất là thân phận những cô gái điếm. Sương - cô gái điếm có giọng nói “trong vắt và ngọt ngào” cùng con mắt “đung đưa” như để gợi tình, mời tình đã bị người ta đánh ghen đến mức “môi sưng vểu ra, xanh rờn, những mảnh thịt người ta cấu véo tím ngắt”, “đôi vú rách bươm và khoảng đùi rớm máu”, “những chân tóc trên đầu chị cũng đang tụ máu, người ta đã lòn tay ngoay cúng để kéo lê lết một quãng đường xóm, trước khi dừng chân một chút ở nhà máy chà gạo. Họ giằng ném quăng quật chị trên cái nền vương vãi trấu ( ) họ dùng dao phay chặt mái tóc dày kia, dục dặc hì hục như phạt nắm cỏ cứng và khô”. “Người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị”[26, 164]. Thời nay mà vẫn còn những cách trả thù nhau dã man như thế? Điều đó làm người đọc vừa sợ hãi vừa xót xa trước một vấn nạn xã hội. Đau đớn, cô độc giữa “biển người mênh mông”, người đàn bà này được ba cha con du mục cứu thoát. Vừa mang ơn, vừa muốn thay đổi lối sống, Sương mong muốn được chung sống cùng ba cha con Út Vũ. Nhưng rồi chiếc ghe nhỏ có ba cha con ấy đã không thể “dung nạp” thêm được một người đàn bà xa lạ, Sương lại ra đi trong niềm tuyệt vọng tột cùng, khuất theo những “cánh đồng bất tận”. Nơi thôn quê nghèo nàn ở cực Nam Tổ quốc này, cái nghề “làm đĩ” không còn là khái niệm xa lạ với người dân chân lấm tay bùn. Theo cha lênh đênh trên cái ghe nhỏ để tự “nước chảy mây trôi”, hai đứa trẻ Nương và Điền đã thấy có rất nhiều phụ nữ giống chị- Sương. Họ “chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê cất cái quán nhỏ giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực chất là làm nghề” [26, 169]. Thậm chí “cứ mỗi mùa gặt họ lại dập dìu trên đê lượn lờ quanh lều của những thợ gặt, những người đàn ông giữ lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng. Họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão nhìn kỹ phát ứa nước mắt. Đêm đến sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn man lên trời, làm nhiều người đàn bà đang cắm cúi 29
  36. nấu cơm, cho con bú trong lều cũng phải thắt lòng lại”[26, 168]. Kiếm tiền từ những cuộc mua vui thân xác, những người đàn bà ấy buộc phải trơ mặt trước người đời và chuốc nhận nỗi ê chề nhục nhã. Cảnh tượng này đã phản ánh chân thực một hiện thực nhức nhối của mặt trái cơ chế thị trường hiện nay. Rõ ràng không còn một nông thôn bình yên như thuở trước, Nguyễn Ngọc Tư đã phản ánh những tệ nạn, những bất ổn của một nông thôn Nam Bộ ngày nay. 2.2.3 Những đứa trẻ Truyện ngắn Cánh đồng bất tận xoáy sâu vào nỗi đau khổ và cả những mê muội của những cư dân du mục vùng sông nước, trong đó, hình ảnh những đứa trẻ để lại cho người đọc nhiều nỗi ám ảnh. Điền và Nương là hai đứa trẻ chịu nhiều đau khổ thiệt thòi, thiếu hụt cả vật chất lẫn tình cảm gia đình. Chúng bị cha mẹ bỏ bê như thuyền không lái, bám víulấynhau trong một thứ trực giác hoang dại: tự mày mò, chống lại những yếu kém tinh thần, tự dạy dỗ nhau, tự bảo vệ nhau. Hai đứa trẻ lớn lên như cỏ dại, luôn rơi vào trạng thái cô đơn. Không phải vì chúng ý thức về thân phận bị xã hội xa lánh, hắt hủi, cũng không phải vì định mệnh không thể xoay chuyển mà những đứa trẻ lam lũ ấy còn cảm thấy cô đơn vì chính bản thân mình không tự hiểu hết về mình. Hai đứa trẻ đã tận mắt chứng kiến sự bội bạc của má. Sự ra đi của má nó không chỉ làm thay đổi tâm tính của cha nó, mà còn để lại nỗi ân hận giày vò trong lòng con bé Nương. Người cha đã đốt trụi căn nhà đơn sơ ấy và rời bỏ quê hương, dắt díu hai đứa trẻ xuống ghe, xuôi ngược chăn vịt chạy đồng. Sống cuộc đời du mục cùng người cha lạnh lùng, tàn nhẫn, hai chị em giống như những đứa trẻ bị bỏ hoang. Thằng em hỏi chị: “Người ta thương mẹ ra làm sao?” Rồi chúng phải tưởng tượng ra tình yêu. Chúng sống thiếu đi tình cảm của má và ở với cha, nhưng sự lạnh lùng của cha đã đẩy hai đứa trẻ vào trạng thái bi kịch cô đơn, trống trải. Hai đứa nhỏ thèm một ánh mắt yêu 30
  37. thương trìu mến của cha. Chúng thèm những thứ mà phận làm con chúng đáng được thừa hưởng. Hai đứa nhỏ thèm được cha nó sai bảo: đi mua rượu hay nướng vài con cá khô để cha ngồi hàn huyên với bạn bè. Nhưng một người lạnh lùng như cha chúng thì lấy đâu bạn để chuyện trò. Thành ra những lời sai bảo vặt vãnh ấy với chúng là hiếm hoi vô cùng. Thậm chí, Nương còn thèm được cha đánh, mắng, la hét, bởi như thế, ít ra, chúng còn được giao tiếp giữa người với người. Nhưng với hai đứa trẻ, ước mong nhỏ nhặt ấy cũng không thể có được. Sống cùng với cha nhưng hai chị em Nương và Điền hầu như chỉ biết “giao tiếp” với đàn vịt mà chúng chăn thả trên những cánh đồng không tên. Thế giới của hai đứa trẻ lam lũ chỉ là bầy vịt, chúng gọi thành tên là bạn là bè. Hai đứa trẻ học ngôn ngữ của động vật để giao tiếp và hiểu bầy vịt muốn gì, nói gì. Khi Điền và Nương “đắm đuối với loại ngôn ngữ mới”, ngôn ngữ của loài vịt, vô tình chúng đã quên đi tiếng nói của con người. Hai người với nhau cũng có thể tạo nên cuộc hội thoại nhưng ở đây, hai đứa trẻ chẳng cần thốt lên nửa lời mà chúng vẫn hiểu nhau, đến mức chúng giật mình thốt lên: “Ủa, tụi mình hổng nói tiếng người? Tôi nhận ra nó chẳng hề máy môi, tôi đọc được những ý nghĩ trong Điền”[26, 198]. Người thủy thủ Robinson trong sáng tác của nhà văn Anh Daniel Defoe khi lạc vào đảo hoang, để không làm mất đi tiếng mẹ đẻ, chàng đã tự mình trò chuyện với mình ngày này qua ngày khác suốt hai mươi năm và chàng đã chiến thắng hoàn cảnh. Nó khác hẳn với con người được nói tới trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Do hai đứa trẻ quá gắn bó với nhau hay do không gian cô quạnh nơi đây nên chúng không buồn nói chuyện, mấp máy môi mà vẫn hiểu nhau. Chính điều này càng dồn đẩy chúng vào cô đơn. Chúng tự “giã từ” thế giới của con người để lao mình vào thế giới của bầy vịt, bởi ở thế giới ấy mọi sự ghen tuông, hờn giận và ích kỉ hoàn toàn không có. Ở đó cũng không 31
  38. tồn tại những đứa trẻ tên Hận, tên Thù, thành ra mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống càng trở nên xa lạ với hai đứa trẻ. Nương thườngtìm đến con vịt mù trong đàn để trút hết những nỗi niềm tâm sự, để tìm kiếm sự chia sẻ trò chuyện người - vật. Chi tiết này làm đau đớn lòng người. Hóa ra trẻ em nơi đây không chỉ đói khổ về vật chất mà còn nghèo nàn cả về tình cảm của con người. Sự lạnh lùng, thờ ơ của người cha chính là nguyên nhân đưa đẩy những đứa trẻ rơi vào trạng thái cô đơn. Bọn trẻ không dám lại gần, không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt hằn học của cha, chúng“chỉ dám đứng xa nhìn cha”bởi chúng sợ hãi, sợ sự lạnh lùng đến “Ơ thờ, lạt lẽo, chuyện gì cần nói thì nói vài câu nhát gừng”của ông. Điều đó khiến bọn trẻ nhiều khi thấy“nhớ con người”. Không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa đã là thiệt thòi, nhưng hai đứa trẻ này còn không được nuôi dạy. Chúng có cha có mẹ nhưng cũng giống như những cây cỏ dại mọc ven bên đường, chúng phải “tự mình học lấy cách sống”. Cây xương rồng để sống được ở môi trường khắc nhiệt như sa mạc, lá nó đã hóa thành gai để thích nghi. Nương và Điền cũng vậy, hai đứa trẻ trải qua bao gai góc cuộc đời bằng cách tự thân vận động. Nương đã khóc hết nước mắt và tưởng tượng tới nấm mồ khi một lần bị lạc giữa cánh đồng mênh mông. Và hai chị em phải học cách xác định phương hướng bằng mặt trời, bằng sao, bằng gió và bằng ngọn cây Hay chỉ cần nghe tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng là thằng Điền biết chắc được thời tiết sẽ đổi thay như thế nào hay “chúng tôi phán đoán ở đâu vụ mùa đến sớm, vùng nào lại trễ tràng để rời cánh đồng này, chúng tôi đến một cánh đồng khác, ngaykhi lúa vừa chín tới”[26, 184]. Hai đứa nhỏ biết được những điều đó không qua sách vở, chúng học bằng chính trải nghiệm bản thân. Đôi khi để học được điều gì đó chúng phải đánh đổi, trả giá rất cao, có khi bằng cả tính mạng mình. Cuộc sống du mục cùng người cha tàn nhẫn buộc chúng phải thế! 32
  39. Hai đứa trẻ cô đơn ngay chính trong gia đình mình. Tình yêu gia đình là thứ quá xa vời với chúng. Chơi vơi giữa cuộc đời, Nương và Điền chỉ ước mong có cuộc sống “bình thường” và được gọi là con người. Khi chào đời, đứa trẻ nào cũng được cha mẹ đặt cái tên gửi gắm biết bao tình cảm. Nhưng cái câu gọi “Nương à”, “Điền ơi, Điền!” đã từ lâu lắm rồi kể từ ngày má hai đứa nhỏ bỏ đi là chúng không còn được nghe cha gọi. Cái tên định danh hai con người ấy lâu rồi không được cất lên từ miệng cha. Chúng thèm lắm điều này! Hai đứa trẻ lam lũ “trượt dài vào nỗi thiếu thốn triền miên”, nhưng vật chất không làm chúng sợ hãi, khổ đau bằng thiếu thốn tình cảm con người. Nương như thấu hiểu một điều cay đắng:“Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác. Chúng tôi vô định hơn bất cứ người nuôi vịt chạy đồng nào”[26, 195]. Chúng đánh mất quyền được yêu, được xao xuyến khi chia tay một nơi nào đó. Điều này càng dồn đẩy hai đứa trẻ vào trạng thái cô đơn, bế tắc. Kiếp người lam lũ ấy đang bị đẩy vào chân tường, sống không có cảm xúc con người, tiếng nói, hoạt động mang tính con người. Chúng sống theo bản năng hoang dại của mình. Ở gần người nhưng lại khác người, chị em chúng luôn có cảm giác cô đơn và xa cách: “Nhiều khi tôi hơi nhớ con người. Họ ở trong cái xóm nhỏ kia, chỉ cách chỗ chúng tôi dựng trại vài ba công đất. Họ lúc nhúc trên thị trấn kia, nơi chúng tôi vẫn thường ghé lại mua gạo, cám, mắm muối dự trữ cho những chuyến chạy đồng xa. Và họ ở gần ngay đây, họ vừa gặt lúa vừa nói chuyện tục tĩu rồi cười vang bên bầy vịt đang rúc rích tìm thức ăn nhưng tôi vẫn nhớ Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không” [26, 184]. Nhận ra được điều này, Điền và Nương đã cay đắng biết bao nhiêu, tinh thần của chúng như đang vướng vấp vào cơn lốc xoáy của nỗi bi kịch cô đơn, lạc lõng. 33
  40. Bị xa lánh đồng loại, sống với người cha vô tâm, Điền và Nương đã phải chịu nhiều cay đắng cực cùng. Ngay cả đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên, con bé Nương cũng không được ai dạy bảo để nhận biết. Khi “máu chảy giữa hai đùi không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Thằng Điền với bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy bã rịt lại chỗ máu”[26, 205]. Con bé chỉ biết khóc và sợ hãi đến mức “mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc giường giữa bốn bề đồng nước ”. Cuộc sống lênh đênh, nổi trôi trên khắp "cánh đồng bất tận", hai đứa trẻ không người dạy dỗ, không được đến trường. Sống với cha nhưng chúng không dám khóc, cười thoải mái theo cảm xúc của mình, cũng chẳng dám nhìn thẳng vào khuôn mặt cha, đứng từ xa chúng “nghe tiếng đằng hắng và ho để đoán coi xem tía muốn gì”. Hai đứa trẻ lam lũ lớn lên như những cây đước, cây tràm hoang dại ở Nam Bộ. Giá như thiếu vắng má, nhưng bù lại được cha yêu thương, dạy bảo thì có lẽ hai đứa trẻ lam lũ này cũng không đến mức đáng thương đến vậy. Cánh đồng bất tận đóng lại nhưng sẽ mở ra cho người đọc những liên tưởng, những âu lo dự cảm về thân phận con người. Tác phẩm không chỉ là tâm huyết mà còn gói ghém biết bao tình cảm, niềm yêu thương trìu mến của Nguyễn Ngọc Tư dành tặng cho những cuộc đời nghèo khổ, lênh đênh vùng sông nước, đặc biệt là những đứa trẻ như con bé Nương, thằng Điền phải hứng chịu bao gió sương cuộc đời, đủ làm đau đớn lòng người. Những day dứt về thân phận con người, đặc biệt là thân phận những đứa trẻ là câu hỏi tiếp tục được đặt ra. Ở Nam Bộ hiện vẫn còn bao nhiêu đứa trẻ lam lũ, cô đơn như Điền và Nương? Cộng đồng phải làm gì để bảo vệ những đứa trẻ như thế? Đó là giá trị nhân bản khiến tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư khơi dậy được xúc cảm mãnh liệt nơi người đọc. 2.3. Ngôn ngữ đậm màu sắc văn hóa Nam Bộ Cùng với cốt truyện và nhân vật thì ngôn ngữ là một đặc trưng quan trọng của thể loại tự sự, bởi nó vừa là công cụ vừa là phương tiện giúp nhà 34
  41. văn tạo lập nên tác phẩm. Nguyễn Ngọc Tư đã tạo cho mình một phong cách riêng từ những trang văn thấm đẫm chất Nam Bộ, vừa ngọt ngào, truyền cảm, vừa diễn tả đúng cái thần, cái hồn của con người nơi đây. Nếu khẳng định ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu tư duy của con người thì ngôn ngữ trong Cánh đồng bất tận đã thể hiện rõ tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư về cách tiếp cận hiện thực đời sống từ góc nhìn văn hóa. Khảo sát truyện ngắn Cánhđồng bất tận, về phương diện ngôn ngữ, chúng tôi nhận thấy, ấn tượng đầu tiên dễ nhận thấy nhất trong truyện là ngôn ngữ đậm màu sắc văn hóa Nam Bộ. Không chỉ riêng Cánh đồng bất tận mà bất cứ truyện ngắn nào của Ngọc Tư khi đi sâu vào khai thác đời sống hàng ngày của người dân Nam Bộ với những câu chuyện xoàng xĩnh, những ước mơ bình dị, những khung cảnh thôn quê, tình cảm nam nữ tất cả đều được thể hiện với lớp ngôn ngữ đời thường mang màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc. 2.3.1. Lớp ngôn ngữ định danh vùng sông nước Không gian chủ yếu trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư nói chung và Cánh đồng bất tận nói riêngchính là không gian miệt vườn sông nước. Chúng tôi nhận thấy số từ ngữ thể hiện đặc trưng địa hình văn hóa vùng đồng bằng Sông Cửu Long thể hiện rất rõ. Việc sử dụng những từ này làm nổi bật bức tranh hiện thực và đời sống con người nơi đây. Nguyễn Ngọc Tư đã vận dụng nhuần nhị và hiệu quả một hệ thống từ ngữ mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ để phản ánh chân thực, sinh động về cuộc sống con người nơi đây. Chị thừa nhận:“Riêng tôi, ngôn ngữ, không khí Nam Bộ đã thấm vào tôi từ môi trường sống. Bây giờ muốn gột bỏ cũng không dễ”[2]. Nhà văn cũng từng trải một cuộc sống rất gần gũi với người dân ở các địa phương vùng Nam Bộ. Hơn nữa, nơi đây còn là quê hương, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của Tư, nơi chị cất tiếng khóc chào đời và trưởng thành, 35
  42. cho nên những loài cây, điạ danh như tên đất, tên làng cũng được Ngọc Tư sử dụng một cách khéo léo và thành công. Lớp ngôn ngữ đời sống bình dị hàng ngày “cứ thế mà ùa vào trang viết”của Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đánh giá cao giá trị sử dụng ngôn ngữ trong truyện Cánh đồng bất tận: “Với một giọng văn mộc mạc, bình dị, ngôn ngữ đời thường, đã tạo nên một không khí rất tự nhiên về màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc - mũi Cà Mau Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, giản dị, bộc trực ấy chứa bên trong cả một tâm hồn nhân hậu tinh tế qua cách đối nhân xử thế ”[20, 52]. Tiến sĩ Huỳnh Công Tín nhận xét: “Người đọc sẽ cảm nhận thấy chất Nam Bộ thể hiện khái quát ở nhiều phương diện của tác phẩm Trong tác phẩm của chị có một không gian Nam Bộ với những loài cây, tên gọi nghe quen, dân dã “mắm, đước, sú, vẹt, bần, tra, tràm, choai, quao, ô rô, dừa nước ” với những vầm, kinh, rạch, xẻo, tắt chằng chịt, mà tên gọi cũng gợi trí tò mò, tìm hiểu ở người đọc:“Vàm Cỏ xước, Vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh 12, kinh thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch Ruông, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao ” hay những tên ấp, tên làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ” [22,150]. Vốn là nhà nghiên cứu phương ngữ Nam Bộ, Huỳnh Công Tín tiếp tục khẳng đinh: “Ở góc nhìn của người Nam Bộ vốn quan tâm đến lĩnh vực từ ngữ Nam Bộ trong sáng tác văn chương hiện nay, tôi vẫn nghĩ chị là nhà văn hiếm, vì còn giữ được cốt cách diễn đạt của người Nam Bộ trong sáng tác văn chương”[23]. Cánh đồng bất tận sử dụng một hệ thống từ ngữ thể hiện rõ đặc trưng địa hình và văn hóa vùng đồng bằng Sông Cửu Long như: con kinh, rạch, nghề nuôi vịt chạy đồng Những từ ngữ chỉ địa danh nơi đây như: Bàu Sen, Bìm bịp, Đất cháy Những địa danh này đi vào trang viết của Nguyễn Ngọc Tư như sự tri ân của tác giả đối với mảnh đất quê nhà. Tác giả viết bằng một niềm tự hào của đứa con đối với đất mẹ quê hương. 36
  43. Ngoài ra,còn có lớp từ chỉ sản vật, sự vật chỉ có ở vùng sông nước như:ghe hàng bông, cây sào (chăn vịt), hoa mưa Những từ ngữ này làm cho trang văn của Nguyễn Ngọc Tư mang phong vị miền sông nước. Nó tạo cho người đọc cảm giác thích thú, tò mò muốn khám phá. Hơn hết, giúp người đọc hiểu hơn những đặc trưng về địa hình, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt ở miền Tây và góp phần làm cho bức tranh hiện thực đời sống con người trong truyện ngắn của Ngọc Tư thêm chân thực và sống động. Cánh đồng bất tận còn xuất hiện một hệ thống từ biến âm thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ vùng sông nước Cà Mau. Đó là những cách phát âm phổ biến trong phong cách khẩu ngữ phương Nam như:“ổng”(ông ấy), “sanh”(sinh), “chả”(cha), “kinh” (kênh), “thiệt”(thật) Điều này thể hiện sinh động cách nói năng của người dân Nam Bộ. Nhìn ở một phương diện nào đó, chính đặc điểm này đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng miền. Bao trùm truyện ngắn này là hiện thực cuộc sống con người trên mảnh đất Nam Bộ với cánh đồng lúa mênh mông, những con sông uốn quanh hay những bờ kênh, con mương và vô số đầm, đìa, rạch Truyện được triển khai trên cái nền của “bức tranh” sinh hoạt văn hóa ở làng quê Nam Bộ nên cách miêu tả và sử dụng từ ngữ của nhà văn ở đây chính là thể hiện ý thức trân trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 2.3.2. Lớp ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ trong truyện Nguyễn Ngọc Tư còn được thể hiện qua các đối thoại và độc thoại nội tâm của nhân vật. Cánh đồng bất tận sử dụng nhiều kiểu ngôn ngữ khác nhau, có ngôn ngữ người kể chuyện, có ngôn ngữ nhân vật. Đa phần các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư ít hành động nên lời đối thoại chiếm số lượng ít hơn so với lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật. 37
  44. Đây là lời đối thoại của nhân vật: “- Hồi chiều má con không nấu cơm. - Vậy sao? - Má con nằm trên giường thở dài - Vậy hả? Thở ra làm sao?” [26,178]. Những lời đối thoại kiểu này thường kèm với những từ nghi vấn“vậy sao”,“vậy hả” vừa thể hiện được tính chất đối thoại dân dã mang màu sắc địa phương, vừa bộc lộ tâm trạng của các nhân vật. Có khi lời nhân vật và lời người kể chuyện gắn với nhau. Qua lời cắt nghĩa của người kể chuyện - nhân vật “tôi” thì việc bộc lộ tâm trạng của các nhân vật trở nên sâu sắc hơn, từng cử chỉ, nét mặt của người tham thoại cũng như được tái hiện trước mắt người đọc: “Chị hỏi “tắm ở đâu, mấy cưng? Tôi chỉ xuống kinh. Chị ngó những váng phèn, ngao ngán. Điền nói, đằng kia có một cái ao” [26, 167] Không gai góc, sắc sảo, quyết liệt hay nhiều triết lí như ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện Tạ Duy Anh, Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Ngọc Tư mang màu sắc tâm lí, biểu cảm. Có những lời đối thoại tưởng như rời rạc, vô nghĩa, không ăn nhập gì với nhau nhưng lại cho thấy khía cạnh khác của nội tâm nhân vật. Có những đối thoại mang tính chất độc thoại, người nói sao nhãng người nghe hoặc người nghe không hồi đáp một phát ngôn cụ thể nào. Người nói phát ngôn như một nhu cầu bộc lộ cảm xúc, giãi bày tâm trạng mà không quan tâm đến phản ứng của đối tượng tiếp nhận. Ví dụ:“- Mấy cưng thương chị thiệt hả? Tội chưa ! Chị ngạc nhiên, thấy nước mắt ràn rụa trên má thằng Điền”[26, 170]. Rõ ràng, những từ như: cưng, thiệt hả, tội chưa mang đậm màu sắc phương ngữ Nam Bộ.Nhìn chung, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong Cánhđồng bất tận không nhiều nhưng được tác giả lựa chọn, cân nhắc kĩ càng nên rất đắc địa, thể hiện được 38
  45. đặc trưng giao tiếp của người dân Nam Bộ và bộc lộ được chiều sâu tâm lí, trạng thái tình cảm của nhân vật. Truyện Cánh đồng bất tậnđược Nguyễn Ngọc Tư lựa chọn điểm nhìn trần thuật qua nhân vật “tôi” – con bé Nương. Những dòng tâm trạng của nhân vật trong truyện đều được phác họa qua lớp ngôn ngữ độc thoại, chủ yếu là độc thoại nội tâm. Đây là một biện pháp nghệ thuật được nhiều nhà văn sử dụng khi cần phân tích thế giới nội tâm nhiều day dứt của nhân vật. Trước đây Nam Cao, Thạch Lam đã rất thành công với việc vận dụng ngôn ngữ độc thoại của nhân vật. Nguyễn Ngọc Tư cũng vận dụng nó hiệu quả trong truyện ngắn của mình. Đây là ngôn ngữ độc thoại của con bé Nương cho thấy nỗi khao khát tình cảm và sự quan tâm của cha: “Nhiều lúc tôi không giấu được thảng thốt, cứ nghĩ mình đã gặp lại cha của ngày xưa. Nhiều lúc tôi ngồi trông người trong xóm đi thăm lúa ghé qua chòi, lúc ấy, cha sẽ kêu“Nương à, nướng mấy con cá khô, cha lai rai với mấy bác ”. Em tôi cũng sướng ran xách chai ra tiệm mua rượu, nó khoái chí nghe cha gọi “Điền ơi! Điền ”[26, 195]. Hai đưa nhỏ khát khao được cha gọi tên nhưng cũng không có được càng khiến lòng chúng cô đơn, trống trải. Ngôn ngữ độc thoạinội tâm của nhân vật chiếm số lượng lớn, qua đó cho thấy thế mạnh, sở trường của Nguyễn Ngọc Tư trong nghệ thuật viết truyện là miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật- những nét tâm lí mang đậm khí chất của người Nam Bộ. Trong các đoạn hội thoại của Cánh đồng bất tận, nhân vật tham gia còn sử dụng khẩu ngữ. Những từ như: “lạnh trơ”, “lãng òm”, “sạch trơn”, “đói rã ruột”, “buồn dữ lắm” là những khẩu ngữ được người dân Nam Bộ sử dụng quen thuộc và lớp từ này cũng phần nào thể hiện được những cung bậc tình cảm, sắc thái đối với sự vật, sự việc và với con người. Ngoài việc sử dụng khẩu ngữ ở dạng thức thêm yếu tố vào từ gốc, Nguyễn Ngọc Tư còn sử 39
  46. dụng những từ ngữ có cấu tạo lặp lại bộ phận của từ gốc như: “nhớ đau nhớ đớn”, “ngán thấy ông thấy cha”, “nghèo rơi nghèo rớt" Nó nhấn mạnh vào tính chất sự vật, sự việc được đề cập đến trong ngữ cảnh. Lời hội thoại của nhân vật trong Cánh đồng bất tận còn sử dụng hệ thống những từ chêm xen như:“á”,“à”,“hen”,“hôn”,“vậy nghe”, “nghen”, “vầy”, “chớ bộ”, “mắc gì”,“vậy cà”,“hả”,“bộ”,“thiệt hả”, “phải hôn” đã góp phần tạo nên đặc trưng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn văn hóa Nam Bộ. Đây là lớp từ nhà văn thường xuyên sử dụng trong sáng tác nhằm diễn tả cảm xúc của nhân vật. Nó tạo cho câu văn Nguyễn Ngọc Tư một trạng thái cảm xúc rõ rệt. Đó cũng là dấu ấn của phong cách tác giả. Sắc màu văn hóa phương Nam được khẳng định ở đây khiến cho lời văn sinh động hơn, giàu ngữ điệu hơn và đặc biệt là thể hiện sinh động lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người vùng sông nước. “Tôi nói má nặng quá hà, nhìn không ra. Má mừng quýnh thiệt hả? Tôi muốn khóc quá chừng, má con xa lạ với nhau mà sao lại mừng”. Những từ này góp phần làm tăng thêm giá trị biểu cảm của câu, giúp cho người nói đạt được mục đích khi giao tiếp. Nó vừa thể hiện sự ngạc nhiên của Điền khi má thay đổi, vừa cho thấy sự mừng vui của nhân vật má khi mình đẹp lên nhờ tấm vải. Ngoài ra khi nhân vật sử dụng những từ chêm xen trong giao tiếp và những từ đó thường được đặt ở cuối câu cảm thán hay câu nghi vấn với mục đích để hỏi và cũng thể hiện sắc thái biểu cảm của người nói. Đây là lời người vợ hỏi Út Vũ: “Đi chuyến này nữa là đủ tiền mua tivi màu, phải hôn anh?”[26, 180]; hay “Mấy cưng thương chị thiệt hả, Tội chưa?” Những từ này thể hiện được thái độ tình cảm của người phát ngôn và khiến cho câu văn trở nên sinh động hơn. 40
  47. Nói tóm lại, màu sắc văn hóa Nam Bộ in đậm nét qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư. Bên cạnh việc ngôn ngữ cho thấy tư duy nghệ thuật về cách tiếp cận đời sống từ góc nhìn văn hóa, nó còn cho thấy được khả năng vận dụng sáng tạo lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Nam Bộ của nhà văn. Sử dụng hiệu quả lớp ngôn ngữ định danh vùng sông nước và hệ thống ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đã đem đến cho người đọc một cái nhìn chân thực, sinh động về cảnh và người vùng sông nước Nam Bộ. Đồng thời, góp phần khẳng định phong cách riêng của nữ nhà văn. Ngọc Tư đã mang một hơi thở riêng, rất lạ cho văn học Việt Nam đương đại và tạo cho mình một thế giới riêng - thế giới đặc quánh chất miệt vườn. 41
  48. KẾT LUẬN Nghiên cứu truyện Cánh đồng bất tận từ góc nhìn văn hóa là con đường tiếp cận khoa học và hiệu quả nhằm ghi nhận đóng góp của cây bút này đối với văn đàn đương đại. Bên cạnh một số nhà văn "gạo cội" như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư chỉ là gương mặt trẻ, là thế hệ thứ ba trên văn đàn hôm nay. Kiên định trên con đường sáng tác, Ngọc Tư nỗ lực hết mình để sáng tạo nên những truyện ngắn hay, hấp dẫn người đọc, và Cánh đồng bất tận là một minh chứng. Ngay tiêu đề truyện ngắn Cánh đồng bất tận đã hé mở cho người đọc một không gian rộng lớn mênh mông của những cánh đồng cứ nối tiếp nhau. Hình ảnh những cánh đồng bất tận ấy là một biểu tượng “đắt giá” cho không gian sông nước văn hóa Nam Bộ. Bên cạnh đó, không gian kênh rạch chằng chịt cũng tạo nét riêng cho địa hình sông nước Nam Bộ. Nó đã lôi cuốn được sự thích thú, ấn tượng nơi độc giả. Mỗi trang viết của chị là một bức tranh sống động về cuộc sống vùng Nam Bộ với thiên nhiên sông nước khắc nghiệt, với những con người Nam Bộ bộc trực, dễ mến nhưng chịu nhiêu đau thương cuộc đời. Bằng tài năng của mình Nguyễn Ngọc Tư bước đầu có sự khám phá và kiến giải riêng về những sáng tạo nghệ thuật của mình. Trên khung nền rộng lớn của không gian sông nước Nam Bộ, truyện Cánh đồng bất tận đã mở ra trước mắt người đọc một thế giới tàn khốc và khắc nghiệt. Đó là thế giới nhân vật đông đảo, đa dạng. Ở đó mỗi con người là một số phận, một bầu trời riêng tư. Thế giới nhân vật ấy đã phản ánh chân thực đời sống sinh hoạt và góc sâu thẳm tâm hồn người dân Nam Bộ. Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, cuộc sống người dân nơi đây hiện lên đầy đủ, sinh động. Đó là cuộc sống của những cư dân du mục với những người đàn 42
  49. ông làm lụng trên các “cánh đồng bất tận”, những người đàn bà bất hạnh, những đứa trẻ lam lũ, thiếu thốn và cô đơn sống rong ruổi trên khắp các cánh đồng phương Nam. Đây cũng là đời sống, tình cảnh chung của nhiều người dân miền Tây Nam Bộ. Họ nghèo khổ, lam lũ. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thân phận con người được cất lên cũng chính là tấm lòng của nhà văn dành cho con người, nhân vật trong truyện. Hình ảnh gợi cảm giác đau thương về những kiếp người trôi dạt như thuyền không bến, tâm hồn họ bị rạn nứt bởi những đau thương cuộc đời để lại những ám ảnh sâu sắc nơi người đọc. Về phương diện ngôn ngữ nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Tư đã vận dụng khéo léo và thành công lớp ngôn ngữ định danh vùng sông nước và lớp ngôn ngữ đối thoại, độc thoại của nhân vật để tạo nên đặc trưng màu sắc văn hóa phương Nam. Lời văn trong truyện đầy khẩu ngữ, đậm đà phong vị dân gian Nam Bộ chân chất, hồn nhiên và trở thành phong cách riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Viết tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tư có dịp để “tiếp thị”, quảng bá về mảnh đất quê hương mình với bạn đọc cả trong và ngoài nước. Tác phẩm như một lời mời gọi: hãy đến và cảm nhận về thiên nhiên, con người đất phương Nam. Nghiên cứu Văn hóa Nam Bộ trong truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư cho thấy được phần nào nét độc đáo trong phong cách văn chương và tấm lòng, tình cảm của Ngọc Tư dành cho con người Nam Bộ. Chúng tôi hi vọng ở những chặng đường tiếp theo sẽ được nghiên cứu sâu hơn về Nguyễn Ngọc Tư và các sáng tác của nhà văn, để chúng ta có thêm cơ sở vững chắc trong việc đánh giá tài năng sáng tạo và có một cái nhìn toàn diện về những đóng góp của Nguyễn Ngọc Tư đối với nền văn học nước nhà. 43
  50. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Thị Vàng Anh (1993), Khi người ta trẻ, NXB Hội nhà văn. 2. Hạ Anh (2006), Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư: Nguyễn Ngọc Tư quen mà lạ, báo Thanh Niên. 3. Thanh Bình (2009), Tìm hiểu ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4/2009. 4. Nguyễn Minh Châu (1987), Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa (2 kì), Văn nghệ số 49 và 50. 5. Bùi Hữu Dũng (2005), Nguyễn Ngọc Tư – đặc sản Miền Nam, Báo diễn đàn, tháng 2/2005. 6. Phong Điệp (06/11/2005), Nguyễn Ngọc Tư: Tôi viết trong nỗi im lặng, Báo Văn nghệ Trẻ (số 45). 7. Đinh Văn Đông (2014), Thế giới nghệ thuật trong văn xuôi Nguyễn NgọcTư, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ và văn hóa Việt nam, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2. 8. Hồ Kiên Giang (2010), Cánh đồng bất tận lệ rơi sau những khuôn hình, Văn nghệ quân đội số 716/2010. 9. Lê Thị Hường (1994), Quan niệm về con người cô đơn trong truyện ngắnhiện nay, Tạp chí văn học số 2. 10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. 11. Thụy Khuê (2011), Không gian sông nước trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Báo Thanh Niên. 12. Chu Lai (2004), Đối thoại với Cánh đồng bất tận, Báo tuổi trẻ, ngày 12/04/2004.
  51. 13. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung vàphong cách, NXB Văn học. 14. Dạ Ngân (2004), Nguyễn Ngọc Tư điềm đạm mà thấu đáo, 15. Dạ Ngân (2006), May mà có Nguyễn Ngọc Tư, Báo Tuổi trẻ cuối tuần 16/4/2006. 16. Hoàng Thiên Nga (2005), Đọc Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận, Báo Văn nghệ, số 6/2005. 17. Phạm Xuân Nguyên (2005), Khi cánh đồng mở ra, http: //www.tuoitreonline.com.vn. 18. Phạm Xuân Nguyên (2005), Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay, Tạp chí văn học số 2. 19. Hoàng Phê (2016), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng. 20. Nguyễn Quang Sáng (2005), Nỗi nhớ qua Cánh đồng bất tận, Báo Tuổi Trẻ. 21. Trần Đình Sử (chủ biên, 2007), Giáo trình Lí luận văn học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. 22. Huỳnh Công Tín (2006), Cảm nhận bản sắc Nam Bộ, NXB Văn hóa thông tin. 23. Huỳnh Công Tín (2006), Nguyễn Ngọc Tư – nhà văn trẻ Nam Bộ, 24. Nguyễn Tý (2006), Ngày đầu năm đọc Cánh đồng bất tận với sức hút kỳ lạ, Báo công an thành phố Hồ Chí Minh, số 7/2006. 25. Nguyễn Mạnh Trinh (2006), Của vịt và người, thế giới bất hạnh trong Cánh đồng bất tận, Tạp chí diễn đàn văn hóa. 26. Nguyễn Ngọc Tư (2014), Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ. 27. Website – studies.info/NNTu/(chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lí).