Khóa luận Thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền người Việt

pdf 53 trang thiennha21 16/04/2022 5521
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền người Việt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_thoi_gian_nghe_thuat_trong_ca_dao_the_nguyen_nguoi.pdf

Nội dung text: Khóa luận Thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền người Việt

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN ===o0o=== PHÙNG THỊ HIÊN THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO THỀ NGUYỀN NGƯỜI VIỆT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam HÀ NỘI, 2017
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN ===o0o=== PHÙNG THỊ HIÊN THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO THỀ NGUYỀN NGƯỜI VIỆT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Người hướng dẫn khoa học TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LAN HÀ NỘI, 2017
  3. LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, cùng các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này. Hà Nội, tháng 5 năm 2017 Sinh viên Phùng Thị Hiên
  4. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan khóa luận: Thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền người Việt là kết quả nghiên cứu của riêng tôi. Khóa luận không sao chép từ một tài liệu, công trình nghiên cứu nào đã công bố. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hà Nội, tháng 5 năm 2017 Sinh viên Phùng Thị Hiên
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Lí do chọn đề tài 1 2. Lịch sử vấn đề 2 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 6 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 6 5. Phương pháp nghiên cứu 7 6. Cấu trúc của khóa luận 7 NỘI DUNG 8 Chương 1. GIỚI THUYẾT VỀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO THỀ NGUYỀN 8 1.1. Khái niệm thời gian và thời gian nghệ thuật 8 1.2. Biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền 14 1.2.1. Công thức miêu tả thời gian 15 1.2.2. Từ ngữ biểu thị thời gian 22 Chương 2. CÁC SẮC THÁI BIỂU ĐẠT CỦA THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO THỀ NGUYỀN NGƯỜI VIỆT 30 2.1. Thời gian biểu đạt sự gắn kết tình yêu 30 2.2. Thời gian biểu đạt tình yêu vĩnh hằng, bất diệt 33 2.3. Thời gian biểu đạt khát vọng tình yêu chung thủy 39 KẾT LUẬN 45 TÀI LIỆU THAM KHẢO
  6. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Ca dao Việt Nam được xem là tấm gương phản ánh trung thực hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Đó là kho tài liệu phong phú về phong tục, tập quán trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Trong đó, những câu hát thề nguyền trong hệ thống ca dao giao duyên chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng ca dao của dân tộc. Tìm hiểu ca dao thề nguyền, ta sẽ thấy những biểu hiện độc đáo và sâu sắc của đời sống tâm hồn con người Việt Nam qua bao thế hệ. Thời gian được diễn tả trong những câu hát thề nguyền là thời gian nghệ thuật. Mỗi thể loại văn học đều mang nét đặc thù riêng về thời gian nghệ thuật. Nếu như trong sử thi là thời gian “khuyết sử”, mang đậm chất thần thoại; thời gian trong cổ tích là thời gian của quá khứ không xác định, mang tính hoang đường thì thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng có nghĩa là “thời gian của tác giả và thời gian của người đọc (người thưởng thức) hòa lẫn với thời gian của người diễn xướng”. Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về yếu tố thời gian trong ca dao thề nguyền. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn: Thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền người Việt làm đề tài nghiên cứu của khóa luận tốt nghiệp. Xuất phát từ thực tế, chúng tôi nhận thấy ca dao chiếm một số lượng khá lớn so với các thể loại văn học dân gian khác trong chương trình Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Lựa chọn đề tài này, người viết bước đầu được làm quen với các thao tác tư duy trong nghiên cứu khoa học, mặt khác đây chính là cơ hội tốt để trau dồi kiến thức về văn học dân gian, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy sau này. Đồng thời khi tìm hiểu nhóm ca dao thề nguyền, ta có thể nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người bình dân xưa. Lời ca giản dị nhưng chứa đựng những 1
  7. tình cảm rất đời, rất người, mang giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, hơn thế, nó còn nói lên được những quy luật có tính phổ quát muôn đời của lòng người. Chính các yếu tố đó đã tạo niềm say mê muốn khám phá, tìm hiểu của chúng tôi. 2. Lịch sử vấn đề Qua việc khảo sát, chúng tôi nhận thấy ca dao có chủ đề “thề nguyền” từ lâu đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu. Năm 1973 trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, khi viết về mảng ca dao tình yêu đã khái quát: “Ca dao - dân ca trữ tình về tình yêu nam nữ có nội dung phản ánh được mọi biểu hiện của tình yêu trong tất cả các chặng đường của nó: giai đoạn gặp gỡ ướm hỏi, giai đoạn gắn bó trao đổi những lời thề nguyền, những tặng vật cho nhau, giai đoạn hạnh phúc với những niềm ước mơ ” [8]. Đây là những ý kiến chính xác, song còn dừng lại ở những thông tin sơ lược. Năm 1978 trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (tái bản lần thứ 8) Vũ Ngọc Phan khi nói về tình yêu lứa đôi cũng đã khẳng định:“Có thể nói ca dao đã ghi lại tất cả các chặng đường của tình yêu, các khía cạnh của tình yêu, các trạng thái tình cảm của nam nữ thanh niên với những trắc trở khó khăn do đời sống và chế độ phong kiến gây nên trong cảnh lầm than, tình yêu của nhân dân lao động Việt Nam vẫn thắm thiết, có khi còn gắn bó bằng lời keo sơn, cho nên trong sinh hoạt khó khăn và gian khổ, họ vẫn hăng hái và bền bỉ. Những câu biểu hiện ý chí sắt đá của những người bạn tình có rất nhiều trong ca dao Việt Nam” [14]. Trong cuốn sách này, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu mang tính chất dẫn dắt, khơi gợi mà chưa đặt ra vấn đề nghiên cứu, xem xét nội dung biểu hiện của câu hát thề nguyền trong ca dao tình yêu một cách cụ thể. Năm 1991, trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, tập 2, tác giả 2
  8. Hoàng Tiến Tựu căn cứ vào chủ đề đã chia ca dao tình yêu thành bốn bộ phận chính: ca dao tỏ tình, ca dao tương tư, ca dao thề nguyền và ca dao hận tình [18]. Ở đây tác giả chỉ dừng lại ở việc phân loại mà chưa đi vào phân tích các phương diện biểu hiện của ca dao thề nguyền. Năm 1992, với chuyên luận Thi pháp ca dao, Nguyễn Xuân Kính đã có những phân tích chuyên sâu về các vấn đề ngôn ngữ, hình tượng, kết cấu, thể thơ, thời gian và không gian nghệ thuật của ca dao truyền thống. Theo tác giả: “Thời gian và không gian là những mặt của hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm tạo thành thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật một mặt thuộc phương diện đề tài, mặt khác thể hiện nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức tác phẩm của từng tác giả, từng thể loại, từng hệ thống nghệ thuật” [9;28]. Năm 1992, tác giả Hoàng Tiến Tựu trong cuốn Bình giảng ca dao [19] có những phát hiện chính xác, độc đáo về nội dung biểu hiện câu hát thề nguyền trong ca dao tình yêu thông qua một đơn vị cụ thể: Rủ nhau lên núi đốt than Anh đi Tam Điệp, em mang nón Trình Củi than nhem nhuốc với tình Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên Đó là lời nhắn nhủ giữ vững tình yêu thủy chung. Tác giả đã cụ thể hóa nội dung này qua việc phân tích câu chữ “rủ nhau”, “chớ quên”, “nhem nhuốc”, “lời vàng đá”. Tuy nhiên đây cũng chỉ mới là bài viết được trình bày dưới dạng cảm nhận chứ chưa thực sự là công trình nghiên cứu chuyên biệt. Năm 1994, Nguyễn Thị Quỳnh Liên trong luận văn thạc sĩ Sự thể hiện của trạng thái nghệ thuật trong ca dao trữ tình [10] qua việc tìm hiểu các cụm từ cố định, đã nhận diện được một số công thức thường được sử dụng trong câu hát thề nguyền như: Dẫu cũng chờ, Dù cũng thương Đây là 3
  9. công thức điều kiện giả thiết. Công thức này nêu lên một điều kiện không thuận lợi, bất thường nhằm khẳng định, nhấn mạnh rằng điều kiện được nói đến (chờ đợi, thương) vẫn xảy ra, vẫn đúng ngay cả trong điều kiện đó. Trong quan hệ với trạng thái nghệ thuật, công thức biểu đạt một lời thề chung thủy. Đấy mà xử ngãi vuông tròn Dẫu ngàn năm li biệt đây vẫn còn đợi trông Hay một công thức khác: duyên đợi chờ cũng biểu đạt lời thề, lời khẳng định lòng chung thủy: Trăm năm tượng rách còn thờ Lỡ duyên chịu lỡ cũng chờ đợi anh Đó là những kết quả nghiên cứu bước đầu, mang lại những gợi ý quan trọng cho chúng tôi trong việc triển khai đề tài. Năm 1998, trong Những thế giới nghệ thuật ca dao, tác giả Phạm Thu Yến đề cập vấn đề “Thời gian và không gian nghệ thuật trong ca dao”. Viết về vấn đề này tác giả khẳng định mỗi thể loại văn học mang nét đặc thù về thời gian nghệ thuật, trong đó thời gian trong ca dao là phương tiện biểu đạt trạng thái tâm hồn của con người. Khi khảo sát thời gian nghệ thuật, tác giả nhận định thời gian nghệ thuật trong ca dao có thể phân thành hai mảng: thời gian sự kiện và thời gian tâm lý. Đồng thời, đưa ra một số công thức miêu tả thời gian: công thức chỉ thời điểm, thời gian để chỉ các trạng thái tình cảm thay đổi thường được miêu tả đối lập quá khứ và hiện tại, thời gian là phương tiện biểu hiện lời thể nguyền, ước hẹn hoặc ước mơ cháy bỏng của tình yêu hoặc lời đùa vui đố hỏi [23] Năm 1998 trong cuốn Văn học dân gian Việt Nam (sách Cao đẳng sư phạm) tác giả Hoàng Tiến Tựu căn cứ vào đề tài và chủ đề chia ca dao tình yêu thành bốn bộ phận chính: ca dao tỏ tình, ca dao tương tư, ca dao thề nguyền và ca dao hận tình [20]. Nếu như ở cuốn dành cho đại học sư phạm 4
  10. chỉ dừng lại ở việc phân loại thì cuốn dành cho cao đẳng sư phạm tác giả nói rõ hơn về ca dao thề nguyền với nội dung chủ yếu: “Khác với ca dao tỏ tình và tương tư, ở bộ phận ca dao thề nguyền lại toát lên sức mạnh phi thường của nghị lực và ý chí. Ở đây các chàng trai, cô gái thể hiện rõ sự tỉnh táo, sáng suốt, dám nhìn thẳng vào thực tế khó khăn, chấp nhận mọi thử thách vượt qua mọi trở lực để thực hiện tình yêu”. Sau khi đưa ra nhận định, tác giả đưa ra các dẫn chứng để làm rõ vấn đề này: - Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua. - Đôi ta đã quyết thi hành Đã đốn thì vác cả cành lẫn cây Năm 2003, trong báo cáo khoa học Một số phương thức nghệ thuật biểu đạt nội dung thề nguyền trong ca dao trữ tình người Việt [7], tác giả Phùng Thị Thanh Huyền tiến hành khảo sát một số phương thức nghệ thuật biểu đạt như: thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, một số biện pháp như ẩn dụ, biểu tượng, kết cấu, ngôn ngữ Theo tác giả “Vẻ đẹp của mỗi bài ca dao kết tinh ở nghệ thuật và nội dung, chính nghệ thuật là phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển tải nội dung và ta có thể khẳng định rằng nội dung đầy giá trị nhân văn, nhân bản của ca dao thề nguyền đã được truyền tải qua những hình thức thật đẹp, thật độc đáo, hấp dẫn”. Qua đó, tác giả đánh giá cao giá trị của ca dao thề nguyền trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Đây là một trong những gợi ý quan trọng để chúng tôi giải quyết các vấn đề của đề tài đang nghiên cứu. Năm 2006, trong kỷ yếu Hội nghị khoa học sinh viên tác giả Vũ Thị Nga có báo cáo Câu hát thề nguyền trong ca dao về tình yêu đôi lứa [13]. Với dung lượng của một bài báo cáo, tác giả mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu một số bài ca dao thề nguyền tiêu biểu để từ đó khẳng định giá trị của ca dao thề nguyền trong đời sống cũng như như vai trò của nó trong thể loại ca dao. 5
  11. Năm 2008, khóa luận tốt nghiệp với đề tài Câu hát thề nguyền trong ca dao tình yêu người Việt [12] của sinh viên Phạm Thu Minh khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội 2 đã có sự nghiên cứu khá hệ thống về câu hát thề nguyền. Tác giả chủ yếu khảo sát câu hát thề nguyền trong hệ thống ca dao tình yêu và nội dung biểu hiện của nó. Ở chương 3 của khóa luận, tác giả đã chỉ ra một số phương thức nghệ thuật nổi bật trong việc biểu đạt nội dung “thề nguyền” như: ẩn dụ, biểu tượng, yếu tố không gian và thời gian nghệ thuật . Tuy nhiên tác giả mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, chưa đi sâu vào việc phân tích, lí giải. Song đó vẫn là những gợi ý quan trọng để chúng tôi mở rộng vấn đề nghiên cứu trong khóa luận của mình. Qua việc khảo sát các công trình nghiên cứu trên, ta thấy các bài viết, giáo trình cũng đã có sự quan tâm tới yếu tố thời gian trong ca dao trữ tình song chưa đi vào khảo sát yếu tố này trong một nhóm bài ca dao cụ thể - ca dao thề nguyền. Vì vậy, đây là một vấn đề có ý nghĩa khoa học, cần được nghiên cứu một cách cụ thể, kỹ lưỡng hơn nữa. 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu + Mục đích: Làm rõ biểu hiện của các dạng thời gian, lớp từ ngữ chỉ thời gian và nội dung biểu đạt của nó trong ca dao thề nguyền. + Nhiệm vụ: Khảo sát yếu tố thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền và phân tích các biểu hiện của nó thông qua các công thức, từ ngữ chỉ thời gian; thấy được các nội dung biểu đạt của thời gian nghệ thuật trong việc diễn tả các sắc thái tình cảm của con người. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu + Đối tượng: Thời gian nghệ thuật – một trong những yếu tố thi pháp nổi bật trong bộ phận ca dao thề nguyền người Việt. + Phạm vi: - Về tư liệu: Chúng tôi tiến hành khảo sát một số công trình sưu tầm, 6
  12. tuyển chọn ca dao người Việt đã được xuất bản và thống kê được 241 lời ca dao có nội dung thề nguyền, trong đó 168 bài xuất hiện yếu tố thời gian. - Về nội dung: Tìm hiểu yếu tố thời gian trong bộ phận ca dao thề nguyền với các biểu hiện cụ thể: dạng thức, công thức miêu tả thời gian và nội dung, ý nghĩa biểu đạt của nó trong ca dao thề nguyền. Trong quá trình triển khai các nội dung khóa luận, chúng tôi có sự so sánh với ca dao dân ca của một số dân tộc thiểu số. 5. Phương pháp nghiên cứu Do đặc điểm, yêu cầu và mục đích của đề tài chúng tôi sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp tiếp cận hệ thống - Phương pháp phân tích, tổng hợp - Phương pháp so sánh, đối chiếu 6. Cấu trúc của khóa luận Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung chính của khóa luận được triển khai thành hai chương. Chương 1. Giới thuyết về thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền Chương 2. Các sắc thái biểu đạt của thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền 7
  13. NỘI DUNG Chương 1. GIỚI THUYẾT VỀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO THỀ NGUYỀN Trong thế giới khách quan, mọi sự vật, hiện tượng đều được gắn với hệ tọa độ không gian - thời gian xác định, nên những cảm nhận của con người về thế giới đều bắt đầu từ sự đổi thay của không gian, thời gian. Từ sự đổi thay của không gian, thời gian, con người nhận ra sự đổi thay trong chính mình. Vì vậy, bên cạnh không gian, thời gian trở thành một trong những đối tượng phản ánh phổ biến của tác phẩm văn học, một phạm trù thẩm mỹ. Không có hình tượng nghệ thuật nào lại không tồn tại trong không gian, thời gian của chủ thể sáng tạo. “Nếu hiểu thơ ca là sự cảm nhận thế giới và con người thì thời gian, không gian chính là hình thức để con người cảm nhận thế giới và con người” [16]. Thời gian trong nghệ thuật cũng được coi là một hiện tượng nghệ thuật. Thời gian gắn với những quan niệm về nghệ thuật, về con người, về thế giới của chủ thể. Thời gian là sản phẩm của nghệ sĩ nhằm biểu hiện về con người, về thế giới, đồng thời thể hiện quan niệm nhân sinh. Thời gian còn là một yếu tố quan trọng làm nền cho tác phẩm, góp phần bộc lộ chủ đề tác phẩm. Thời gian trong nghệ thuật có mô hình và ngôn ngữ riêng của mình vì nó thể hiện quan niệm về trật tự thế giới, về sự lựa chọn của con người. 1.1. Khái niệm thời gian và thời gian nghệ thuật Ngay từ thời xa xưa, con người đã hiểu rằng, bất kì khách thể vật chất nào cũng chiếm một vị trí trong khoảng không gian, thời gian nhất định A.JaGurevich trong cuốn Các phạm trù văn hóa trung cổ đã chỉ ra cách lý giải của người trung cổ về khái niệm thời gian: “Thời gian và không gian có tính chất khách quan, những phẩm chất của chúng độc lập với chất liệu được chứa trong chúng” [4]. Chính vì vậy, thời gian đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, trong đó có thi pháp học. 8
  14. Trong lịch sử triết học, thời gian (cùng với không gian) là một phạm trù xuất hiện sớm. Cùng với không gian, thời gian gắn liền với vật chất và là phương thức tồn tại của vật chất. Không có một dạng vật chất nào tồn tại ở bên ngoài thời gian và không gian. Ngược lại, cũng không thể có thời gian và không gian ở bên ngoài vật chất. Lê nin cho rằng: “Trong thế giới khách quan không có gì khác tồn tại ngoài vật chất chuyển động và vật chất không thể chuyển động ở đâu khác ngoài không gian và thời gian”. Ăng ghen cũng khẳng định: “Các hình thức cơ bản của mọi tồn tại là không gian và thời gian. Tồn tại ngoài thời gian thì cũng hết sức vô lý như tồn tại ngoài không gian”[17]. Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Duy vật, thời gian và không gian tồn tại hoàn toàn khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người và là những khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Theo cuốn Hán Việt - giản yếu từ điển (Đào Duy Anh biên soạn): “Thời gian chỉ ba trạng thái quá khứ, hiện tại và vị lai lưu chuyển với nhau vô cùng” [2] Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê đã cắt nghĩa: “Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục, không ngừng” [15]. Theo thi pháp học, thời gian là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Thời gian nghệ thuật thể hiện quan niệm về trật tự, thế giới và sự lựa chọn của con người. Như vậy, mỗi ngành khoa học có một phương pháp, mục đích nghiên cứu khác nhau nên có cách nhìn nhận, quan niệm không giống nhau về thời gian. Thi pháp học xem xét thời gian trong tác phẩm văn học với tư cách là một phạm trù nghệ thuật nên cũng sẽ có những đặc thù riêng. Bên cạnh thuộc 9
  15. tính vật lý tự nhiên, thời gian trong tác phẩm văn học còn mang tính biểu trưng và tính quan niệm. Bàn về thời gian nghệ thuật, Giáo sư Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học đã khẳng định: “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai” [16;77]. Trên thực tế không có hình tượng nghệ thuật nào không tồn tại trong thời gian và bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật bằng một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người đọc thưởng thức, cảm nhận được hoặc hồi hộp chờ đợi hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ. Thiếu sự cảm thụ, tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật là sáng tạo khách quan trong chất liệu. Nếu như mọi tác phẩm có thể gây hiệu quả hồi hộp, đợi chờ thì đối với ai, lúc nào khi cảm thụ thời gian ấy đều xuất hiện. Như vậy, có thể thấy rằng thời gian nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc biệt, có quan hệ mật thiết với thời gian vật lý. Nếu như thời gian vật lý tồn tại một cách khách quan bên ngoài ý thức của con người thì thời gian nghệ thuật lại mang đậm dấu ấn chủ quan của chủ thể sáng tạo. Đó là thời gian tinh thần của con người, là thời gian sống mà con người cảm nhận. Hay nói cách khác, thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ, nó gợi lên trong trí tưởng tượng của chúng ta qua các tín hiệu ngôn từ và mang tính vận động rõ nét. 10
  16. Ví dụ: Hôm qua tát nước đầu đình Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà Thời gian trong bài ca dao Tát nước đầu đình đều là thời gian mang tính chất phiếm chỉ: hôm qua, đã lâu, mai, đến khi lấy chồng mà tác giả dân gian sử dụng làm phương tiện để giãi bày, thể hiện tình cảm của mình một cách ý nhị, sâu sa, nhưng cũng vô cùng thông minh, dí dỏm. Để có dịp thổ lộ tình yêu với cô gái, chàng trai mượn cớ quên áo, hỏi xin, nhân đó gợi chuyện làm thân rồi lân la ngỏ ý cầu hôn. Câu chuyện bỏ quên áo trong bài ca dao Tát nước đầu đình trên là hoàn toàn hư cấu. Hư cấu từ thời gian nghệ thuật cho đến các tình tiết diễn ra trong bài ca dao. Nhưng cũng chính nhờ vào tài đặt chuyện và dẫn chuyện một cách khéo léo, dí dỏm ấy mà chàng trai ở đây đã bộc lộ được một sự thực, rất thực, là tình yêu trong sáng, thơ mộng, lãng mạn và cũng rất trân trọng, đằm thắm của chàng đối với người bạn gái mà chàng muốn cưới làm vợ. Có thể thấy bài ca dao trên đã rất thành công về nghệ thuật dựng chuyện, cũng như nghệ thuật sử dụng những phương thức diễn đạt, trong đó có thời gian nghệ thuật Các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học cũng khẳng định thêm rằng: “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật” [5]. 11
  17. Tiến sĩ N.K. Gây đã nói về vai trò của thời gian nghệ thuật như sau: “Tọa độ không gian và thời gian không chỉ ảnh hưởng đến khung tác phẩm mà còn là một trong những phương tiện hoạt động của việc tổ chức nội dung tác phẩm”[Dẫn theo tài liệu số 22] Trong ca dao trữ tình, thời gian nghệ thuật là một yếu tố của chỉnh thể nghệ thuật, Trần Thị An trên Tạp chí văn học số 6, 1990 đã viết về thời gian nghệ thuật của ca dao như sau: “Dựa trên lối nói, lối nghĩ quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta, nó góp phần làm cho tâm trạng ấy trở thành phổ biến cho tất cả mọi người, ở mọi thời điểm. Có thể nói thời gian nghệ thuật là một tín hiệu thẩm mĩ quan trọng, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về ca dao tình yêu nói chung và ca dao thề nguyền nói riêng” [1]. Thời gian nghệ thuật là một phạm trù thi pháp ngày càng quan trọng bởi vì con người muốn cảm nhận toàn bộ thế giới qua thời gian và trong thời gian. Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và thay đổi của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian và xuyên suốt toàn bộ nền văn hóa. Sự thụ cảm thời gian gắn liền với ý thức về ý nghĩa của cuộc đời, với quan niệm về thế giới và lịch sử, với ước mơ, lí tưởng và năng lực hoạt động của con người. Một cuộc đời có thể trôi nhanh như một giấc mộng, một phút chờ đợi có thể dài như trăm năm, có kẻ say sưa quên năm tháng, có người mãi mãi thiếu thời gian, lịch sử có khi hàng trăm năm giẫm chân tại chỗ, có khi vùn vụt một ngày bằng hai mươi năm , ý thức về thời gian là ý thức về sự tồn tại của con người, phát hiện về thời gian giúp con người nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, về con người. Mỗi thời kì văn học, mỗi dòng văn học, mỗi thể loại văn học khác nhau lại có những cách cảm nhận và biểu hiện thời gian khác nhau. Song về cơ bản có thể thấy thời gian nghệ thuật bao giờ cũng gắn liền với hình thức tổ chức 12
  18. bên trong của hình tượng nghệ thuật. Nếu như ngòi bút chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại Cùng với không gian nghệ thuật thì thời gian nghệ thuật là phạm trù cơ bản trong thi pháp và thi pháp học. Thời gian nghệ thuật không đồng nhất với thời gian trong cuộc sống mặc dù xuất phát điểm của nó là từ đời sống. Thời gian nghệ thuật là sự phản ánh thời gian thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ . Nó phụ thuộc vào điểm nhìn nghệ thuật, quan niệm, sở thích, ý muốn chủ quan của tác giả. Ví dụ: Trăm năm đành lỗi hẹn hò Cây đa bến cũ, con đò khác đưa Cây đa, bến cũ còn lưa Con đò năm ngoái, năm xưa đâu rồi? “Năm ngoái” - thời gian mới đây, khi trở về, cô gái vẫn là của chàng trai. Vậy mà cái “năm xưa” lại được đặt ở sau gây ra một nỗi buồn hun hút, một sự hụt hẫng không diễn tả thành lời. Tóm lại, qua một số ý kiến trên, có thể hiểu thời gian nghệ thuật là một phạm trù của thi pháp học, thể hiện cái nhìn mang màu sắc tâm lý chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy nó mang tính chất đa dạng, phong phú, biểu hiện chất sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, cách cảm nhận, ứng xử đối với cuộc sống theo quan điểm, ý đồ của tác giả. Trong thế giới nghệ thuật của nhà văn thì thời gian là một trong những phương tiện hữu hiệu để tổ chức nội dung của nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, nó là thuộc tính tất yếu của hình tượng nghệ thuật. Vận động trên cả ba chiều: quá khứ - hiện tại - tương lai, nhưng thời gian nghệ thuật không nhất thiết phải theo trật tự vốn có của nó mà có thể đảo ngược trình tự thời gian, thay đổi nhịp độ, thậm chí có thể bỏ qua một hay hai chiều vận động của 13
  19. nó. Có nhiều cách chiếm lĩnh thời gian khác nhau. Như vậy, là một phạm trù của thi pháp học, thời gian nghệ thuật là yếu tố quan trọng góp phần thể hiện tư tưởng, tư duy, cái nhìn của tác giả về cuộc đời. 1.2. Biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền Nếu như chúng ta quan niệm thơ là sự cảm thụ về thế giới và con người, thì thời gian, không gian nghệ thuật chính là hình thức để con người cảm thụ thế giới. Thời gian trong thơ ca cũng như trong các thể loại khác tuy có độ dài ngắn, có quá khứ, hiện tại, tương lai nhưng đều là một phạm trù nghệ thuật. Nó mang đầy tính ước lệ, chủ quan và thể hiện cách hiểu về thế giới con người. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật của một hiện tượng văn học chính là tìm hiểu cách cảm nhận cuộc sống một cách nghệ thuật và thẩm mĩ trong đó. Thực tế ấy cho thấy ở mỗi nền văn hóa, mỗi hiện tượng văn học đều có các hình thức biểu hiện thời gian đặc trưng. Để thấy hết cái đặc sắc của ca dao cũng như tiếng lòng của người bình dân xưa trong ca dao chúng ta không thể không tìm hiểu về các hình thức biểu hiện thời gian. Nếu như thời gian trong sử thi là thời gian “khuyết sử”, thời gian lịch sử đã được hư cấu, nhào nặn trở thành thời gian mang tính khái quát hàng trăm, hàng nghìn năm đậm chất thần thoại. Thời gian trong truyền thuyết là thời gian quá khứ xác định (“Vào thời An Dương Vương, vào thời Hai Bà Trưng” ) Thời gian trong truyện cổ tích là thời gian quá khứ phiếm định (“Ngày xửa ngày xưa”, “đã lâu lắm rồi” ). Còn trong ca dao, thời gian là phương tiện biểu đạt trạng thái tâm hồn của con người nên mang tính phiếm chỉ và nói chung nó vừa là thời gian hiện thực khách quan vừa là thời gian của sự tưởng tượng, hư cấu mang tính chủ quan của nhân vật trữ tình. Sự có mặt của thời gian nghệ thuật trong nhóm ca dao thề nguyền không tách rời đặc điểm chung của thể loại, song nó còn mang nét riêng khác với các bộ phận ca dao trong hệ thống. 14
  20. 1.2.1. Công thức miêu tả thời gian 1.2.1.1. Thời gian hiện tại Trong thơ ca dân gian, thời gian của tác giả và thời gian của người đọc hòa lẫn với thời gian diễn xướng. Thời gian ở đây là thời gian hiện tại. Đó thời điểm, hay một khoảng thời gian xác định mà trạng thái nhân vật trữ tình được bộc lộ. Thời gian hiện tại có thể là thời điểm bắt đầu của trạng thái hoặc thời gian được tính đếm bằng con số cụ thể. Qua khảo sát nhóm ca dao thề nguyền, chúng tôi thấy rằng thời gian hiện tại có tần số xuất hiện ít, chỉ một vài câu. Ca dao nói chung và nhóm ca dao thề nguyền nói riêng đều lấy thời gian hiện tại (tức là thời gian của tác giả và thời gian của người đọc - người thưởng thức, hòa lẫn với thời gian của người diễn xướng) làm thời gian nghệ thuật của mình. D.X. Likhatrôp trong cuốn sách Thi pháp văn học Nga cổ [22] đã cho rằng đối với thơ ca dân gian, một điều cần được chú ý đặc biệt khi nghiên cứu thời gian nghệ thuật đó là thời gian diễn xướng. Tính chất độc đáo ở cách thể hiện thời gian là tác giả với tư cách một cá thể, là một cái tôi trữ tình không được biểu lộ ra mà vai trò của người diễn xướng rất quan trọng. Điều này cũng dễ hiểu, trước hết là vì lời ca dao sáng tác là để diễn xướng trong một môi trường thời gian và không gian nhất định. Người bình dân nhìn nhận thời gian như là phương tiện để bộc lộ tình cảm. Cho nên, nhiều bài ca dao mà nhân vật trữ tình mượn thời gian như một cái cớ để giãi bày, thổ lộ tình cảm. Cái hiện tại của thời gian trong ca dao thề nguyền thường được đánh đấu bằng các công thức, mô típ như: hôm nay, bây giờ, sáng ngày Cũng có khi nó là thời gian của quá khứ hoặc của tương lai, nhưng dù là lúc nào thì cũng luôn được soi chiếu với hiện tại, do đó bài ca dao có cả sự vận động cảm xúc, vận động thời gian: 15
  21. Hôm nay sum họp trúc mai Tình chung một khắc ngãi dài trăm năm Vì ca dao là xúc cảm nên có lẽ trong cái hiện tại của thời gian nhiều lúc nó lại chỉ là cái hiện tại của bề mặt ngôn từ. Khi nhìn nhận dưới góc độ của tâm lý và cảm xúc, ta nên nhìn thời gian ở góc độ thời gian hiện tại (thời gian gắn với các sự kiện) và thời gian tâm lý (thời gian ước lệ, thời gian trong tâm tưởng, trong cảm xúc của con người). Thường thì trong ca dao cái gọi là thời gian vật lý, thời gian sự kiện xuất hiện rất ít, sẽ là vô duyên nếu nó xuất hiện chẳng để làm gì khác ngoài chức năng thông báo thời gian. Ví dụ: Hôm nay mười bốn mai rằm Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ Trăm năm quyết đợi, quyết chờ Dẫu mà tóc bạc như tơ cũng đành. Thời điểm gặp gỡ đầu tiên hay thời điểm bắt đầu một tình yêu thường khó quên. Đó cũng là thời điểm của sự lựa chọn. Từ khi gặp mặt giữa đàng Thiếp quyết thương chàng cha mẹ nào hay Tuy vậy “hôm nay” hay “từ khi” chỉ là những cụm từ mang tính chất phiếm chỉ, diễn tả một quãng thời gian của hiện tại, của sự gặp gỡ và chia ly, của những mối tình sống mãi với thời gian. Cũng có khi thời điểm được liệt kê ra như một cái mốc của cuộc đời những cái mốc của thời gian biểu thị sự chấp nhận: Khi xưa gánh nặng anh chờ Qua cầu em đợi, bây giờ quên nhau Tuy nhiên, thời gian ở đây cũng không hoàn toàn là thời gian nào cụ thể trong thực tại. Đó là do bản chất của tình yêu, tình yêu là cảm xúc mà cảm xúc thì rất khó có thể nắm bắt được. Câu hát thề nguyền cất lên khi tình yêu 16
  22. đã đạt đến độ chín muồi, vượt qua ranh giới của tình cảm nam nữ thông thường, chính vì thế không thể có một giới hạn xác định nào về thời gian. Như vậy có thể nói đặc điểm lớn nhất của thời gian nghệ thuật trong ca dao tình yêu là ước lệ, nhằm diễn tả tâm lý và những diễn biến tình cảm nội tâm của nhân vật. 1.2.1.2 Thời gian vĩnh hằng Thời gian vĩnh hằng là thời gian trong sự kết hợp với con số phóng đại hoặc trong cấu trúc giả thiết chỉ sự không giới hạn, để biểu đạt sự vĩnh cửu của một trạng thái tình cảm nhân vật trữ tình. Thời gian vĩnh hằng được biểu thị bằng các cụm từ: “ngàn năm”, “trăm năm”, “ngàn đời”, “một trăm năm”, Thời gian trong cấu trúc giả thiết chỉ sự không giới hạn được biểu hiện bằng các cụm từ: “chín thu cũng , mười năm cũng ”, “chín trăng cũng , mười năm cũng , mấy trăng cũng ” thời gian vĩnh hằng thường được dùng để biểu đạt lời thề thủy chung đợi chờ. Hầu hết các lời ca này đều nêu lên điều kiện hay nguyên nhân đưa tới sự thề nguyền đó. Thời gian ở đây vừa là một con số trừu tượng lại vừa cụ thể. Đó là “trăm năm”- giới hạn của một đời người hay “ngàn năm”- cấp số nhân của thời gian trăm năm ấy. Con số “trăm ngàn” bản thân nó đã chứa đựng số lượng lớn, nhiều, tròn trịa, đầy đủ nên dùng là phương tiện biểu đạt thời gian, thước đo sự son sắt, bền chặt của tình cảm. Trong ca dao nguời Việt, thời gian vĩnh hằng được coi là phương tiện hữu hiệu để biểu đạt lời thề thủy chung, chờ đợi: Trăm năm ước nguyện chung tình Trên trời dưới đất có mình có ta Đôi khi nó cũng thể hiện tình cảm không thay đổi: Trăm năm nát đá phai vàng Nghìn năm ai có quên ai bao giờ 17
  23. Câu ca dao trên có ba lần yếu tố thời gian xuất hiện, làm nên cấu tứ của tác phẩm. Ở đây trăm năm, nghìn năm không còn là con số đơn thuần như trong toán học, mà nó trở thành phương tiện để khẳng định sự thủy chung trong tình yêu. Qua thời gian trăm năm những sự vật vốn rất khó thay đổi cũng phải “nát”, phải “phai”. Vậy mà trải qua “nghìn năm” lòng người vẫn chung thủy, vẹn nguyên. “Nghìn năm” là vô hạn, phải lấy đơn vị thời gian lâu dài thăm thẳm ấy mới có thể đo được sự thủy chung của con người. Thời gian và tình yêu giống nhau ở sự vĩnh hằng, vĩnh cửu. Sự vĩnh cửu của thời gian đã trở thành minh chứng cho những mối tình thủy chung. Nó trở thành thước đo của lòng người. Nếu bỏ đi yếu tố thời gian, bài ca dao sẽ không còn ý nghĩa, nó sẽ không diễn đạt hết được tâm tư tình cảm của người bình dân xưa. Đồng thời tác giả dân gian còn sử dụng yếu tố thời gian để thể hiện sự gắn bó, ước hẹn của lứa đôi: Hỏi thử anh biết tình nhân ngãi Em đâu có ngại sự đợi chờ Một lời hứa căn vặt tóc tơ Trăm năm cũng chẳng hững hờ dạ riêng Hay Trăm năm giữ trọn lời nguyền Sóng xô mược sóng, đảo thuyền mược ai Tình em nghĩa rộng lâu dài Lòng em nào phải hoa lài trôi sông. Trong cách cảm, cách nghĩ và cách thể hiện của tác giả dân gian, những cụm từ thời gian ngàn năm, trăm năm thường diễn đạt khái niệm trường cửu. Vì vậy yếu tố thời gian vĩnh hằng xuất hiện tương đối phổ biến trong ca dao thề nguyền. 18
  24. - Trăm năm quyết đợi quyết chờ Dẫu mà tóc bạc như tơ cũng đành. Sông dài cá lội biệt tăm Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ. - Trăm năm ai chớ bỏ ai Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim - Trăm năm dạ ở đinh ninh, Nào ai phụ ngãi quên tình mặc ai. Ngoài ra còn có những từ, cụm từ dùng để chỉ tính vững bền dài lâu, có khi vô hạn của thời gian cũng xuất hiện khá nhiều. - Con đò với gốc đa Cây đa muôn thuở chẳng xa con đò. - Mục bất kiến nhĩ tằng văn Thấy em có nghĩa mấy trăng anh cũng chờ. - Anh về học lấy chữ nhu Chín trăng em đợi, mười thu em chờ. - Dây tơ hồng ai khéo vấn vương Gặp nhau một bữa mà thương đời đời. - Muối ba năm, muối đang còn mặn Gừng chín tháng gừng hãy còn cay Đôi ta nghĩa nặng tình dày Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa. Ca dao thường dùng các khoảng thời gian mặc dù mang tính cụ thể, định lượng rõ ràng nhưng trên thực tế chỉ là những hình ảnh bóng bảy, đầy tính ẩn dụ nhằm mục đích biểu đạt suy nghĩ, tình cảm của người bình dân. Quãng thời gian ba năm, chín tháng, ba vạn sáu ngàn ngày hay chín trăng, mười thu nhằm khắc họa một khoảng thời gian có tính chất lâu dài, bền vững, ẩn dụ cho tình cảm con người bền chặt, khó phai. Việc sử dụng các từ ngữ chỉ thời gian kết hợp với các từ ngữ chỉ thuộc tính bền vững, hiển nhiên của sự 19
  25. vật như: muối mặn, gừng cay và khoảng thời gian được tính bằng độ dài đời người được sử dụng như khẳng định chân lý về sự thủy chung, son sắc trong tình cảm con người. Tình yêu trong những câu ca thề nguyền dường như muốn vượt ra ngoài sự hữu hạn của thời gian. Các chàng trai, cô gái thiết tha khẳng định tình cảm son sắt không bao giờ thay lòng đổi dạ của mình. Họ khao khát trường tồn hóa, bất tử hóa tình yêu của mình trong thời gian vĩnh cửu của vũ trụ. Tầm vóc tư tưởng con người trong tình yêu bỗng trở nên lớn lao và đẹp vô cùng. Những cụm từ khi đăng đối, luyến láy, khi tăng tiến tiếp nối không ngừng vừa nhấn mạnh mức độ sâu sắc của tình cảm lứa đôi, vừa khẳng định sự bền vững lâu dài của nó giữa sự dòng chảy vô cùng, vô tận của thời gian cuộc đời. Cũng có khi thời gian ấy còn được đo bằng tuổi tác: Trăm năm thề những bạc đầu Chớ tham phú quý, chớ cầu trăng hoa Dẫu cho tuổi già có đến với con người theo quy luật sinh - lão -bệnh – tử không gì có thể cưỡng nổi, nhưng tình yêu sẽ mãi trong sự nồng nàn, đằm thắm, thủy chung. Đó là sức sống vĩnh hằng của tình yêu, là giá trị sâu sắc mà ca dao thề nguyền đã đem đến cho chúng ta. Như vậy dù dùng khái niệm thời gian vĩnh hằng để thề nguyền và khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu, dân gian đã lấy thời gian làm thước đo của tình cảm. Khẳng định tình yêu và lòng chung thủy không chỉ là thề mà còn là nhu cầu được giãi bày, được khẳng định và mong ước về sự thủy chung của những đôi lứa yêu nhau. 1.2.1.3. Thời gian lặp lại Thời gian lặp lại là thời gian biểu thị dòng chảy diễn ra liên tục và lặp lại nhiều lần của những khoảng thời gian trong một ngày. Ví dụ như sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Nếu như khoảng thời gian ngày ngày thường gắn với những 20
  26. hoạt động thường nhật nhưng có tính chu kỳ, sự lặp đi lặp lại thể hiện một tình cảm da diết, một ý chí quyết tâm, một sự mong mỏi. Thì khoảng thời gian đêm có sức biểu cảm mạnh nhất trạng thái tâm hồn. - Ngày ngày ra đứng đầu đình Chuyện trò to nhỏ có mình có ta - Đêm qua mới thực là đêm Ruột xót như muối dạ mềm như dưa Qua việc khảo sát nhóm ca dao thề nguyền, chúng tôi nhận thấy rằng thời gian lặp lại có tần số xuất hiện khá dày, đặc biệt là khoảng thời gian đêm hay đêm khuya. Bởi, theo lẽ tự nhiên khi con người ta thề thốt thường có người hay vật chứng giám. Vào khoảng thời gian đêm hay đêm khuya dưới bầu trời, ánh trăng và những vì sao những đôi trai gái cùng nhau thề nguyền gắn bó thủy chung. Họ nhờ thiên nhiên, vũ trụ làm chứng cho tình yêu của mình. - Gió vàng hiu hắt đêm thanh Đường xa dặm vắng xin anh đừng về. - Đêm hè gió mát trăng thanh Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng Lạt chẳng mỏng, sao thừng được tốt? Duyên đôi ta đã trót cùng nhau Trăm năm thề những bạc đầu Chớ tham phú quý, đi cầu trăng hoa Cũng giống như không gian nghệ thuật, yếu tố thời gian trong ca dao thề nguyền cũng mang tính phiếm chỉ. Nó thích hợp với những gì chung nhất của cảm xúc tâm lí con người trong tình yêu. Thời gian được tính bằng con số, được dùng như một đại lượng để đong đếm, giãi bày, chứng minh cho tình yêu, nỗi buồn và sự chờ đợi. Thời gian lặp lại có ý nghĩa biểu thị dòng chảy 21
  27. diễn ra liên tục và lặp lại nhiều lần của những khoảng thời gian trong một ngày. Dòng chảy thời gian vật lí đồng thời cũng là dòng chảy của cảm xúc nhân vật trữ tình với nỗi nhớ, sự mong đợi và những lời thề nguyền thủy chung. 1.2.2. Từ ngữ biểu thị thời gian Trong đời sống hàng ngày, để diễn đạt các đơn vị thời gian, người ta sử dụng hệ thống từ ngữ rất phong phú. Ví dụ: ngày, tháng, năm, thập niên, thập kỉ, thế kỉ Trong các đơn vị thời gian đó lại có những chiết đoạn nhỏ hơn để diễn đạt các mốc thời gian cụ thể. Ví dụ: trong ngày có: sáng, trưa, chiều, chập tối, tối, đêm ; trong từng đơn vị nhỏ ấy lại có những mốc thời gian: giây, phút, giờ để xác định thời gian một cách cụ thể, chính xác hơn. Còn trong ca dao, thời gian nghệ thuật là thời gian được tái tạo, tổ chức theo một dụng ý nghệ thuật nào đó. Trong ca dao về lao động sản xuất, các tác giả bình dân thường sử dụng các từ ngữ chỉ thời gian gắn liền với hoàn cảnh lao động của nhân dân. Ví dụ: Cày đồng đang buổi ban trưa Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày Hay các mốc thời gian gắn liền với mùa vụ, thể hiện kinh nghiệm lao động sản xuất của nhân dân lao động: Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng. Ai ơi cùng vợ cùng chồng Chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay Trong nhóm ca dao thề nguyền, từ ngữ chỉ thời gian thường được sử dụng nhiều là các từ ngữ khắc họa khoảng thời gian có tác động đến tâm 22
  28. trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình. Đó có thể là một khoảnh khắc gợi nhiều suy tư của buổi chiều hoàng hôn, là thời điểm đêm khuya thanh vắng đem lại biết bao xúc cảm yêu đương nồng thắm, hoặc đó cũng có thể là quãng thời gian được đo bằng cả một đời người. Xét về nguồn ngốc, trong nhóm ca dao thề nguyền từ ngữ chỉ thời gian cũng rất đa dạng có thể là từ thuần Việt hay từ Hán Việt. Trong đó, số lượng các từ thuần Việt chiếm tỉ lệ tương đối lớn 108/126, chiếm 85,7%. Việc sử dụng các từ thuần Việt góp phần tạo nên sắc thái bình dị, mộc mạc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người của ca dao thề nguyền nói riêng và ca dao nói chung. Ví dụ: - Chừng nào núi Bụt hết cây Lại Giang hết nước dạ này hết thương. - Trăm năm lòng gắn dạ ghi Dù ai đem bạc đổi chì cũng không. - Trăm năm quyết chí một chồng Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai Xét về từ loại của từ ngữ chỉ thời gian trong ca dao thề nguyền có thể thấy sự hiện diện nhiều từ loại khác nhau. Nhưng phổ biến hơn cả là danh từ, có một phần nhỏ là đại từ và các từ loại liên quan như: động từ, số từ, tính từ Thống kê về danh từ chủ yếu, chúng tôi có bảng tổng kết sau Bảng thống kê các danh từ chỉ thời gian tiêu biểu trong Ca dao thề nguyền STT Từ ngữ chỉ thời gian Lượt từ 1 Bao giờ 48 2 Bây giờ 6 3 Bấy lâu 4 4 Đêm 14 5 Hôm qua 4 6 Hôm nay 7 7 Trăm năm 43 23
  29. Các danh từ bao giờ, bây giờ, bấy lâu, hôm qua là những khoảnh khắc trữ tình thường gặp và trở thành mô típ quen thuộc trong ca dao nói chung và ca dao thề nguyền nói riêng. Nếu như bao giờ, bấy lâu thường diễn đạt những ý muốn xa xôi thì bây giờ lại phản ánh cái hiện thực đời sống cũng như tâm trạng của nhân vật trữ tình. - Bao giờ cạn nước Đồng Nai Sụt chân đất Tháp mới sai lời nguyền. - Trời xanh đất đỏ mây vàng Anh đi thơ thẩn gặp nàng thẩn thơ Bấy lâu loan đợi phượng chờ Loan sầu phượng ủ biết cơ hội nào? Mong chờ rồng cá kết giao Thề nguyền đông liễu tây đào phòng chung Bây giờ kể đã mấy đông Thuyền quyên sầu một, anh hùng sầu hai. Còn non còn nước còn dài Còn về còn nhớ tới người hôm nay Cũng như một số ngôn ngữ khác, trong tiếng Việt, thời gian có thể được biểu thị bằng nhiều từ ngữ khác nhau. Để định vị và định lượng thời gian (tức xác định thời điểm và thời lượng), người Việt thường dùng các từ ngữ chỉ thời gian, trong đó thông thường là các danh ngữ mà thành phần trung tâm là các danh từ chỉ thời gian. Có thể thấy rằng, trong ca dao thề nguyền, các từ ngữ chỉ thời gian là danh từ hoặc cụm danh từ chiếm 90% được thể hiện theo các nhóm chính là danh từ biểu thị thời gian xác định và danh từ biểu thị thời gian phiếm định. 24
  30. Nhóm danh từ, cụm danh từ biểu thị thời gian xác định Thời gian xác định là thời gian có thể đo, đếm được bằng năm, tháng, ngày, giờ, phút giây Các từ biểu thị thời gian xác định thường gặp trong Ca dao thề nguyền như: hôm qua, hôm nay, bây giờ, ba năm, mười bốn, hôm rằm * Các danh từ chỉ thời điểm: tức là những từ ngữ dùng để định vị thời gian như: sáng, trưa, chiều, tối, đêm Ví dụ: Ngày quạt ước khi phong khi cất Đêm chén thề khi rót khi vơi Đâu ngày dựa bóng trăng trời Đinh ninh hai miệng một lời song song * Các danh từ chỉ thời đoạn, tức là những từ ngữ dùng để định lượng thời gian, gồm: ngày, đêm, buổi (bữa), tuần, tháng, năm, mùa, sớm, khuya, Trong số các từ được dùng để chỉ thời đoạn nêu trên, chỉ có những từ nào có khả năng kết hợp với những định ngữ đứng sau (thường là những từ chỉ định này, kia, đó, trước, sau hoặc một số định ngữ khác) và các số từ để định lượng thời gian, ví dụ như: năm canh, sáu khắc, ngày mười bốn, tháng thì mới được xem là những từ ngữ chỉ thời điểm có khả năng định vị thời gian cụ thể. Trong ca dao thề nguyền cũng xuất hiện danh từ chỉ thời đoạn loại này. Ví dụ: - Muối ba năm muối đang còn mặn Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay Đôi ta nghĩa nặng tình dày Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa. - Hôm nay mười bốn mai rằm 25
  31. Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ Trăm năm quyết đợi, quyết chờ Dẫu mà tóc bạc như tơ cũng đành. Qua thực tế khảo sát về từ ngữ chỉ thời gian trong ca dao thề nguyền cho thấy, rất nhiều từ ngữ chỉ thời gian xác định nhưng lại mang ý nghĩa phiếm định. Các từ chỉ thời gian như: ba năm, mười bốn, hôm rằm, ngày, đêm, bản thân nó dùng để định lượng một khoảng thời gian xác định, nhưng khi đặt nó vào ngữ cảnh cụ thể của các bài ca dao thì mốc thời gian đó không chỉ đơn thuần để chỉ một khoảng thời gian vật lí cụ thể mà lại mang ý nghĩa phiếm định nhằm diễn đạt những sự chuyển biến sâu sắc trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Người đọc cũng khó có thể xác định rõ ràng hôm qua, hôm nay là hôm nào, ngày mười bốn, hôm rằm là của tháng nào, năm nào. Hay như thời gian trăm năm được nhắc đến trong ca dao là thời gian của đời người và thời gian của sự vĩnh cửu gắn liền với những hứa hẹn tình cảm lâu dài, thắm thiết của nhân vật trữ tình Như vậy, ta thấy rằng, thời gian trong ca dao thề nguyền dù là xác định hay phiếm định cũng đều mang tính phiếm chỉ. Nó không có giá trị chỉ rõ hay ghi lại một mốc thời gian chính xác mà góp phần tạo nên ngữ cảnh sinh động cho lời ca và thể hiện cách nghĩ, cách cảm của người bình dân xưa. Bên cạnh đó còn xuất hiện nhóm danh từ, cụm danh từ biểu thị thời gian không xác định. Thời gian không xác định là thời gian không đo đếm được, không được tính bằng năm, tháng, tuần, ngày, giờ, phút, giây Các từ ngữ biểu thị thời gian không xác định thường gặp trong ca dao thề nguyền như: xưa kia, bao giờ, bấy lâu, từ thuở, hồi trước, một mai, mai sau - Một mai nên vợ nên chồng Ta đi một lối, về chung một đường Mình đưa khăn trắng cho tôi gắn chữ đồng 26
  32. Mai sau mình có thác trước, tôi trọn lòng để tang. - Chén tình là chén say sưa Nón tình em đội nắng mưa trên đầụ Lược tình em chải trên đầu Gương tình soi mặt làu làu sáng trong. Ngồi buồn nghĩ đến hình dong Con dao lá trúc cắt lòng đôi tạ Duyên đôi ta thề nguyền từ trước Biết bao giờ ta được cùng nhau? Tương tư mắc phải mối sầu Em đây vẫn giữ lấy màu đợi anh. - Bao giờ cạn lạch Đồng Nai Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền. - Biết nhau từ thuở buôn thừng Trăm chắp nghìn nối xin đừng quên nhau. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy ngoài danh từ và cụm danh từ chỉ thời gian, trong ca dao thề nguyền còn xuất hiện các đại từ đi với từ ngữ chỉ thời gian và các từ loại khác liên quan đến thời gian như: động từ, tính từ, số từ. Các đại từ: đây, này, kia, đấy, ấy, đó được dùng để đi với cả các từ ngữ chỉ thời gian xác định và không xác định. Lạ cho đêm ấy mới thành Nhớ ai ai nhớ biết mình nhớ ai Gương Tư Mã trăm năm treo từ đó Nghĩa đá vàng quyết hẹn từ đây Đại từ đi với từ ngữ chỉ thời gian không xác định, nghi vấn về thời gian: ngày (nào), năm (nào), khi (nào) 27
  33. - Chừng nào cho mõ xa đình Hạc xa hương án, chung tình mới xa. - Khi nào An Lão hết cây Sông Lại Giang hết nước, thì qua đây mới dứt tình. - Chừng nào trời nọ bể hai Bông vông màu trắng mới phai lời thề. Từ ngữ chỉ thời gian khi kết hợp với đại từ nghi vấn“nào” để diễn tả một khoảng thời gian ở thời điểm tương lai xa xôi hoặc quá khứ đã trở nên xa xăm, không xác định rõ ràng là bao giờ. Các từ ngữ ấy diễn tả ước nguyện được gắn bó, thủy chung bên nhau của các chàng trai, cô gái. Trong nhóm những bài ca dao thề nguyền, thời gian không xác định hay nghi vấn về thời gian tạo nên một nét độc đáo trong việc diễn tả nội dung trữ tình. Bên cạnh thời gian vật lý, xác định, hữu hạn, tác giả dân gian đã đưa vào sáng tác của mình thời gian không xác định, vô hạn. Đó là thời gian tồn tại trong xúc cảm của nhân vật trữ tình. Có thể thấy, đại từ đã góp phần làm nên sự đặc sắc về thời gian: thời gian vừa xác định, vừa không xác định. Cách diễn đạt này tạo nên nét mộc mạc, bình dị cho ca dao nói chung và ca dao thề nguyền nói riêng. Dù không phản ánh trực tiếp một mốc thời gian cụ thể nào nhưng đại từ đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho từ ngữ chỉ thời gian trong ca dao. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những từ loại khác liên quan đến thời gian như số từ, tính từ, động từ tuy nhiên những từ loại này xuất hiện không nhiều, chỉ một vài câu như: - Bao giờ sum hiệp trước mai Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm. - Em thương anh từ chín tháng nay Còn ba tháng nữa là đầy một năm 28
  34. Buồn sao buồn tối buồn tăm Buồn ăn không đặng, buồn ngồi không yên Ví dù cha dứt mẹ riềng Khổ em em chịu cũng nguyền theo anh. Có thể thấy các từ ngữ chỉ thời gian và các từ loại liên quan đến thời gian trong nhóm ca dao thề nguyền được sử dụng hết sức sinh động. Từ thời gian cụ thể, xác định, đến thời gian không xác định, thời gian ước lượng nhằm diễn đạt những sắc thái đa dạng trong tâm tư, tình cảm của người bình dân. Tiểu kết: Trong chương 1, chúng tôi đã trình bày một số vấn đề mang tính lý thuyết và thực tiễn có liên quan đến đề tài. Đó là các quan niệm về thời gian nghệ thuật và sự biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền. Về thời gian nghệ thuật, đây là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai thế giới nghệ thuật. Trong nhóm bài ca dao thề nguyền thời gian nghệ thuật bao gồm thời gian hiện tại, thời gian vĩnh hằng, thời gian lặp lại. Từ ngữ biểu thị thời gian trong ca dao thề nguyền cũng rất đa dạng, bao gồm các từ chỉ thời gian xác định và không xác định. Trong ca dao thề nguyền, các công thức và từ ngữ chỉ thời gian không chỉ làm nên cấu trúc tác phẩm mà còn góp phần không nhỏ trong việc thổ lộ thế giới tâm hồn của con người. 29
  35. Chương 2. CÁC SẮC THÁI BIỂU ĐẠT CỦA THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO THỀ NGUYỀN NGƯỜI VIỆT Trong ca dao thề nguyền, yếu tố thời gian không chỉ được xác định bởi những dấu mốc, thời điểm, thời đoạn có tính chất vật lý, mà còn được xác định qua những cảm nhận vô cùng tinh tế của người bình dân. 2.1. Thời gian biểu đạt sự gắn kết tình yêu Gắn kết là làm cho các thực thể tách biệt trở thành một khối, một thực thể mới. Thực thể này tích hợp các đặc trưng của các cá thể thành phần, tức thực thể này có nhiều đặc tính trội hơn các thực thể tách biệt [Dẫn theo tài liệu số 25]. Bằng những trải nghiệm của mình, người Việt coi tình yêu như các thực thể có khả năng gắn kết. Thực thể đó có thể là những vật, mà trong tiềm thức con người, hoặc có khả năng kết dính (keo, sơn ), hoặc thường tồn tại có nhau (trúc - mai, bát - đũa, thuyền - bến, rồng - mây, cá - nước ), có thể là sợi dây ràng buộc những người yêu nhau lại với nhau (chỉ điều, tơ tằm, chỉ hồng ). Chúng có thể là thực thể hữu hình và cũng có thể là thực thể vô hình: Chỉ điều ai khéo vấn vương Mỗi người một xứ mà thương nhau đời Chữ tình ai bứt cho rời Tơ hồng đã định, đổi dời đặng đâu. Tình yêu vốn có nhiều cung bậc, có buồn vui, ngọt bùi, đắng cay và cũng có sự bất hạnh nữa. Nếu tâm hồn con người có bao nhiêu “nốt nhạc thăng trầm” thì tình yêu cũng thế. Sau những lần “e ấp làm quen”, sau những lời tỏ tình vừa dễ thương, hóm hỉnh, hài hước, thông minh, tài tình, táo bạo và cũng không kém phần tha thiết thì cả hai cùng hướng về một tương lai thật đẹp. Để củng cố niềm tin và tăng thêm sức mạnh, cả hai cùng muốn thể hiện tấm chân tình của mình và những lời thề đã được thốt ra. Chàng trai nói một cách mạnh mẽ: 30
  36. Yêu nhau mấy núi cũng leo Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua Yêu nhau chẳng ngại đường xa Một ngày không đến thì ba bốn ngày. Tình yêu trong ca dao luôn gắn liền với lời thề nguyền, thể hiện mơ ước bên nhau trọn đời của những đôi lứa yêu nhau. Có những mơ ước hết sức giản dị, được thể hiện rất cụ thể, rõ ràng qua những mốc thời gian: mai, mốt, tháng chạp, tháng giêng, đó là những ước mơ rất gần trong tầm tay với: Ta yêu mình lắm ta thắm mình phai Xin đừng ăn ở ra hai tấm lòng. Mặc người bẻ lá ngăn sông Đôi ta cứ giữ tấm lòng chớ phai Xin nàng chớ có nghe ai. Chẳng trong tháng chạp thì ngoài tháng giêng. Trong xã hội phong kiến có rất nhiều nguyên nhân, trở lực khiến cho tình yêu của những đôi trai gái lâm vào cảnh chia lìa, xa cách. Nguyên nhân lớn nhất là do lễ giáo phong kiến quá khắt khe, những triết lí, giáo điều cột chặt con người ta khiến họ không thể tự do yêu đương, không cho họ sự lựa chọn. Tuổi thanh niên là tuổi thiết tha yêu đương, nhưng đối với tình yêu nam nữ kỉ cương phong kiến rất độc đoán. Việc hôn nhân, việc lập gia đình của họ hoàn toàn do cha mẹ định đoạt. Chính vì vậy, những đôi trai gái luôn khát khao một tình yêu tự do, gắn kết trong tình yêu. Giữa vòng vây của thứ lễ giáo nghiệt ngã ấy, vang lên những lời thề, biểu hiện ý chí sắt đá của họ. - Dầu cho cha đón ngả đình Mẹ ngăn ngả chợ đôi mình cũng thương. - Cha mẹ anh có đánh quằn đánh quại Bắt anh ra treo tại nhành dương 31
  37. Biểu từ ai anh từ đặng Chớ biểu anh từ người thương anh không từ. “Đình, chợ” là nơi gặp gỡ hẹn hò, là nơi để trai gái trao gửi những lời yêu đương. Nó như chứng nhân cho tình yêu đôi lứa. Vậy mà mọi ngả đường yêu nhau của họ đã bị “đón”, “ngăn”. Tuy nhiên, với họ dù tình yêu không tròn vẹn, không đến được với nhau thì họ vẫn không nản lòng, vẫn vững tin khẳng định rằng “đôi mình cũng thương”. Và dù có bị cha mẹ “đánh quằn đánh quại” nhưng “biểu anh từ người thương, anh không từ”. Như vậy ta thấy rằng một trong những thế lực cản trở lớn nhất để chàng trai, cô gái không đến được với nhau chính là sự ngăn cấm của cha mẹ. Trong xã hội cũ không có hôn nhân tự do, nam nữ không có quyền quyết định hạnh phúc riêng của mình, họ phải sống trong vòng cương tỏa của quan niệm “môn đăng hộ đối”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Chính điều này đã đẩy tình yêu của họ rơi vào những nghịch cảnh éo le, ngang trái. Nhưng chính từ hoàn cảnh này mà tình yêu của họ càng trở nên gắn bó hơn. Họ vẫn cùng nhau thề thốt, nhắn nhủ với nhau: Bao giờ sum hiệp trúc mai Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm Có những mơ ước thật lớn lao phản ánh khát vọng được gắn bó dài lâu, mãi mãi với người mình yêu thương: - Bao giờ cho mõ xa đình Hạc xa hương án chúng mình mới xa nhau. - Bao giờ lở núi Do Xuyên Cạn sông Lạch Bạng, lời nguyền mới phai. Trong những bài ca dao trên, cụm từ chỉ thời gian phiếm định “bao giờ”, “chừng nào” được gắn với các sự vật, địa danh có tính chất gắn bó, ổn định nhằm thể hiện ước mơ của nhân vật trữ tình trong tình yêu, một tình cảm 32
  38. sẽ trường tồn cùng với sự vĩnh hằng của thiên nhiên, vạn vật. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì các yếu tố thời gian này đều góp phần thể hiện ước nguyện gắn bó trong tình yêu của người bình dân xưa. Qua đó ta sẽ thấy được nét đẹp trong tâm hồn họ, đó là lối sống trọng tình nghĩa, ước mơ về hạnh phúc gia đình. 2.2. Thời gian biểu đạt tình yêu vĩnh hằng, bất diệt Tình yêu vĩnh hằng là khát vọng muôn đời và tâm lý chung của những người đang yêu, là niềm khao khát gìn giữ cho tình yêu bất tử. Ca dao xưa cũng mang trong mình tinh thần nhân bản ấy, khi có rất nhiều câu, bài thể hiện ước nguyện gắn kết của tình yêu chung thủy trọn đời. Và cái đích cuối cùng mà những lời thề nguyền hướng tới: ấy là khát khao một tình yêu chung thuỷ, gắn bó keo sơn, một sự gắn kết bền vững giữa những trái tim yêu thương. Dưới cặp mắt của những người đang yêu, đến cả những con số tưởng như cứng nhắc bỗng trở nên mềm mại xiết bao, và một điều tưởng như không thể cũng đã đi vào trong câu hát thề nguyền. Một thuyền, một bến, một dây Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay ta chịu cùng. Bài ca dao nghe như một khúc tâm tình. Phải chăng đó là lời thủ thỉ tâm tình của đôi lứa đang yêu, lời thề nguyền về một tình yêu thủy chung bền chặt. Với cách ngắt nhịp chẵn 2/2/2: một thuyền/ một bến/ một dây- nhịp điệu mạnh mẽ, dứt khoát như một lời khẳng định mãnh liệt về tình yêu. Hình ảnh “thuyền và bến” là hình ảnh quên thuộc trong ca dao tình yêu, nó là biểu tượng cho người con trai và người con gái, còn sợi dây kia chính là sợi dây tơ hồng mà ông Tơ bà Nguyệt đã se, sợi dây ấy gắn kết thuyền và bến, anh và em với nhau thành một. Để rồi từ đó “ngọt bùi ta hưởng, đắng cay ta chịu cùng”. Bài ca dao ấy toát lên nội dung thật nhân bản, đó là lời thề nguyền bên nhau của đôi trai gái, họ nguyện cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn, cùng 33
  39. nhau trải qua những cay đắng, ngọt bùi trong cuộc sống. Tình yêu của họ thật đẹp, thật đáng trân trọng. Nhân dân ta đã tìm được niềm lạc quan trong cuộc sống của mình thông qua những câu ca dao thấm đẫm ân tình được thể hiện qua những hình ảnh, con số ấy. Bên cạnh việc sử dụng hình ảnh, con số thì yếu tố thời gian nghệ thuật cũng là một phương diện quan trọng để biểu đạt tình yêu vĩnh hằng, bất diệt của những người đang yêu. Thương em hồi áo mới may Bây giờ áo rách thay tay vá quàng Trăm năm duyên nghĩa vẹn tròn Đã thương áo rách vá quàng cũng thương Thời gian “trăm năm”, tức thời gian của đời người, bản thân nó đã nói lên một thái độ khẳng định về tình yêu. Một sự khẳng định tình yêu không thay đổi dù hoàn cảnh có thể thay đổi. Dù cho chiếc áo em mặc khi mới thương đã “rách”, đã “vá quàng” thì anh vẫn thương em như hồi ấy. Một cách nói giản dị, mộc mạc nhưng chan chứa ân tình. Tình yêu là tuyệt đối, là bất diệt. Không chỉ hứa hẹn lúc còn sống mà họ còn thề nguyền sẽ yêu nhau cả khi không còn trên đời. - Thương anh cốt rã xương mòn Thương anh đến thác cũng còn thương anh. - Thủy chung em giữ lấy lời Chết thời chịu chết, lìa đôi em không lìa. Sức mạnh của tình yêu thật lớn lao, tình yêu có thể cứu rỗi một kiếp người giống như mối tình Thị Nở - Chí Phèo, tình yêu tiếp thêm sức mạnh để con người vượt qua khó khăn, thử thách để có được hạnh phúc. Với những người đang yêu, tình yêu là tuyệt đối, yêu nhau lúc trẻ, yêu nhau đến khi già và yêu nhau ngay cả khi chết đi rồi. Đó là tiếng nói cất lên từ trái tim đôn hậu, 34
  40. thật thà. Qua những lời thề nguyền đó, ta thấy được lối sống thủy chung nghĩa tình của người bình dân xưa. Có quan niệm cho rằng, khi yêu người con gái thường hay nhạy cảm, tình yêu của họ mãnh liệt đến vô cùng. Cho nên nhu cầu gắn kết hoặc mong muốn một tình yêu bất diệt luôn thường trực trong họ: Trót lời đã bén duyên chàng Dù cho nát đá phai vàng mới thôi Hòn đá cách Hàn xếp đổ lò nôi Cạn lòng con sông Cái Thì tôi mới quên nghĩa chàng Người con gái đã lấy những vật có sức trường tồn là đá và vàng để nói về tình yêu của mình. Đặc biệt là việc lấy hình ảnh con sông Cái để thể hiện sự bất di bất dịch tình yêu của mình. Qua thời gian vật đổi sao dời, đá có nát, vàng có phai, nước sông có cạn thì em vẫn không quên nghĩa chàng. Hay: Một lời thề không duyên thì nợ Hai lời thề không vợ thì chồng Ba lời thề khơi núi lấp sông Em quyết theo anh đi cho trọn đạo Kẻo luống công anh chờ. Có khi thề nguyền một cách quyết liệt dứt khoát như một sự kiên định về tình yêu chung thuỷ suốt đời không đổi thay. Chừng nào núi Bụt hết cây Lại Giang hết nước, dạ này hết thương. Cây núi Bụt, nước sông Giang thì không thể nào hết và không thể xác định hay cân, đo, đong, đếm được. Và như thế, đem tình cảm của chính mình ra mà thề nguyền là một minh chứng rõ nhất, đáng quý nhất của tình yêu đôi 35
  41. lứa.Thứ tình cảm ấy là tình cảm gắn cốt ghi tâm, khắc sâu vào trong da thịt của người con gái. Dù cho vật đổi sao dời, dù cho thế giới xoay chuyển, vận thế đổi thay nó cũng không hề xê dịch. - Trăm năm lòng gắn dạ ghi Dù ai đem bạc đổi chì cũng không - Trăm năm quyết chí một chồng Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai Dầu cho đá nát vàng phai Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào Trăm năm không bỏ người chồng Vải thưa nhuộm lấy màu đen Vải thưa mặc vải màu xinh khen màu Trăm năm tạc một chữ đồng Dầu ai thêu phụng vẽ rồng cũng không Trăm năm trăm tuổi một chồng Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai Người con gái thề nguyền trong tình yêu là vậy. Còn chàng trai thì sao? Chàng trai cũng mạnh mẽ không kém, dù biết rằng trong tình yêu không có khái niệm: ai yêu ai nhiều hơn. Chính vì vậy, để đáp lại ân tình của người con gái, chàng trai thường đưa ra những lời thề thốt, hứa hẹn một tương lai cho mối tình của họ. - Chừng nào cho sóng bỏ gành Cù lao bỏ biển, anh đành bỏ em - Bao giờ cạn lạch Đồng Nai Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền Biển đông sóng gợn cát đùa Sánh đôi không đặng lên chùa anh tu 36
  42. Hay: Chừng nào hòn chữ bể tư Cửa Nha Trang cạn nước, anh mới từ nghĩa em Và cũng như người con gái, chàng trai đem cả tính mạng của mình ra để thề nguyền. Cùng nguyền một tấm lòng son Anh dẫu có phụ keo sơn có hồi Sống dương gian hai đứa hai nơi Thác xuống âm phủ cũng lời thề xưa Lời thề nguyền của chàng trai không chỉ là minh chứng cho tình yêu chung thuỷ của chàng trai đối với người con gái ở kiếp này, mà sức mạnh của tình yêu nó làm cho lời thề nguyền ấy có sức lan toả đến cả kiếp sau và mãi mãi. Chính vì vậy mà ta có thể bắt gặp những câu ca dao thể hiện sự thề nguyền chung của hai người; lời thề đó không thể tách biệt rõ ràng ai thề với ai, bởi lúc này cả hai người con trai và người con gái như hoà làm một, ở họ chỉ còn chỗ cho một tiếng nói chung. Đó là tiếng nói của tình yêu. Thương nhau cắt tóc mà thề Khó nghèo cũng chịu chớ hề bỏ nhau Thương nhau tạc một chữ tình Trăm năm thề quyết, bạn mình có nhau. Hay đó còn là lời nhắn nhủ của đôi lứa yêu nhau: Nước non non nước khơi chừng Ái ân đôi chữ xin đừng xa nhau Trăm năm lòng gắn dạ ghi Dầu ai đem bạc đổi chì mặc ai Có khi trong lời thề nguyền ấy, vừa là một sự nhắc nhở, vừa có phần khuyên răn, song hết sức ý nhị, tinh tế mà chàng trai và cô gái thầm gửi đến 37
  43. nhau. Nó như một bức thông điệp về tình yêu đôi lứa vậy: Giếng khơi gầu múc lưng chừng Nếu mà vụng liệu xin đừng trách đây Cầm đàn mà bỏ quên dây Bỏ công ao ước, bỏ ngày ước ao Sông sâu em sẽ cắm sào Miếu thiêng em sẽ tìm vào cắm nhang Vì dù không lấy được nàng Mang thân đi xuống suối vàng cho xong Yêu nhau cho trọn chữ tròn Kẻo mai thẹn với nước non ở đời Thà rằng thác xuống giếng khơi Còn hơn sống ở trên đời xa nhau Trong ca dao thề nguyền bên cạnh việc sử dụng những con số biết nói thì thông thường người ta còn sử dụng những vật vĩnh cửu tồn tại bền vững để đem ra thề thốt như: sông, núi, trăng, sao - Bao giờ đổ núi Tản Viên cạn sông Tô Lịch Thiếp mới quên nghĩa chàng. - Bao giờ cạn lạch Đồng Nai Nát chùa Thiên Mụ mới sai tấc lòng. Núi Tản Viên, sông Tô Lịch, lạch Đồng Nai, chùa Thiên Mụ là những vật to lớn vững chắc có tính chất bền vững vĩnh cửu. Núi Tản Viên khi nào thì đổ, sông Tô Lịch biết đời nào nguồn nước cạn đây! Lạch Đồng Nai quanh năm nước chảy, chùa Thiên Mụ - nơi tôn kính trang nghiêm là nơi “cõi lòng con người được thanh tịnh yên bình” lẽ nào lại “nát” được; sóng bỏ gành - đâu còn là sóng, cù lao bỏ biển đâu gọi là “cù lao”. Lấy những hình ảnh những sự vật mang tính chất bền vững ấy ra thề nguyền- chẳng phải là khẳng 38
  44. định sự trường tồn bất diệt của tình cảm mà hai người đang yêu dành cho nhau đấy sao. Trong ca dao tình yêu, không chỉ có người Việt mới thề nguyền, hẹn ước mà các dân tộc thiểu số cũng có những câu hát thề nguyền. Người Mông quan niệm nếu không lấy được nhau ở cõi trần thì mong muốn “chúng ta chết đi nắm tay nhau trẩy chợ thong dong”. Thậm chí họ còn mang tính mạng của mình ra để thề thốt. Núi đá đè núi hang đổ Nếu gầu Mông chết đi Hãy nhớ làm khóm trúc khóm mai Cho tôi làm con chim con bướm bay đến có nơi ở Núi đá đè núi hang sắp vỡ Nếu gầu Mông chết đi Hãy nhớ làm khóm mai khóm trúc Cho tôi làm con chim con bướm có nơi trú Như vậy có thể thấy, dù ở phương trời, sắc tộc nào thì ước mong tình yêu vĩnh hằng, bất diệt vẫn luôn gắn liền với mỗi cuộc tình có chăng chỉ khác nhau về cách diễn đạt. Qua việc tìm hiểu một số bài ca dao thề nguyền ta nhận thấy sự vĩnh cửu của tình yêu là mong ước của mọi kẻ yêu đương. Khát vọng về một tình yêu vĩnh hằng, vĩnh cửu luôn thường trực trong họ. Ta xúc động nhận ra rằng thời gian và tình yêu đều giống nhau ở hai chữ “vĩnh hằng”, “bất tử”. Lời thề nguyền giống như sợi dây vô hình nối hai trái tim lại với nhau. Nó sưởi ấm và tiếp thêm sức mạnh cho các chàng trai và cô gái trên con đường tình yêu. 2.3. Thời gian biểu đạt khát vọng tình yêu chung thủy Tình yêu chung thủy là tình cảm yêu đương nồng nàn, thắm thiết gắn bó giữa nam và nữ. Tình cảm ấy được biểu hiện vô cùng rõ nét và sinh động trong ca dao tình yêu và câu hát thề nguyền. 39
  45. Tình yêu luôn là dấu chấm lửng đặt giữa hai tâm hồn. Có lẽ chưa một ai có thể giải thích một cách hoàn chỉnh nhất về tình yêu. Bởi tình yêu luôn là thứ gì đó diệu vợi và khó nắm bắt một cách trọn vẹn. Người được mệnh danh là ông hoàng của thơ tình cũng không ít lần băn khoăn: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Trong cuộc đời mỗi con người, chắc hẳn cũng phải một lần rung động trước một bóng hình. Giống như Trương Chi từng nổi sóng tình trước nhan sắc kiều diễm của Mỵ Nương, như Kim Trọng cũng say đắm trước sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thúy Kiều. Tình yêu không quy định tuổi tác, nhưng nó luôn gắn liền với tuổi trẻ. Bởi ở lứa tuổi đó, tình yêu căng tràn nhất, khiến trái tim trong ngực trẻ lúc nào cũng thổn thức, nhớ mong. Tình yêu là câu chuyện của hai người, đôi lúc mơ mộng, thoát tục song không tách khỏi cái đời thường, mà đời thường lại nhiều dâu bể, ngọt bùi, cay đắng. Vì vậy, những người đang yêu ngoài sự say mê còn thấp thoáng dự cảm lo âu. Bởi lẽ tình yêu nào cũng sẽ có những sóng gió, phải trải qua thử thách, thăng trầm. Chẳng phải vì lẽ đó mà nữ sĩ Xuân Quỳnh đã viết: Hôm nay yêu mai có thể xa rồi Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn Nếu ta tạm gọi tình yêu là quy luật muôn đời thì chung thủy chính là quy luật của tình yêu. Lời thề nguyền chính là minh chứng cho tình yêu thủy chung, gắn bó keo sơn bền vững giữa những người đang yêu. Nước non, non nước khơi chừng Ái ân đôi chữ xin đừng quên nhau Tình nghĩa thủy chung là vẻ đẹp trong sáng, cao quý của tình yêu lâu đời, của tâm hồn người Việt Nam. Trong những hoàn cảnh khó khăn, tình nghĩa thủy chung của vợ chồng là sức mạnh, là niềm tin hạnh phúc đầy tự hào. Tiếng gọi tình nghĩa yêu thương ấy đã vang vọng và thấm thía vào tâm hồn người đã bao đời nay: 40
  46. Rủ nhau xuống bể mò cua Đem về nấu quả mơ chua trên rừng Em ơi chua ngọt đã từng Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau Bài ca dao trên không chỉ muốn nhắn nhủ đến người đọc về sự kiên trì, tinh thần tương thân tương ái, niềm tin tưởng, lạc quan trong cuộc sống để có được thành quả lao động, để giành lấy hạnh phúc mà còn gửi gắm bài học đạo lí về tình nghĩa vợ chồng. Hai tiếng “em ơi” cất lên ngọt ngào, tha thiết như nâng đỡ con người ta trong lúc khó khăn, gian khổ. Với bút pháp tượng trưng, tác giả đã sáng tạo nên những hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa. “Chua ngọt” tượng trưng cho những sướng/khổ, đói/no, vui/buồn mà hai vợ chồng đã từng trải qua trong những năm tháng “lên rừng”, “xuống bể”. “Non xanh nước bạc” là biểu tượng cho một cuộc đời mưu sinh vô cùng khó nhọc, vất vả. Bốn chữ “ta đừng quên nhau” là lời nhắn gọi lay động lòng người đừng quên những ngọt bùi cay đắng, hãy giữ trọn mối tình thủy chung son sắt bên nhau. Tình nghĩa thủy chung vợ chồng đã khắc sâu vào tâm hồn người như một lời thề đinh ninh. Cảm hứng thủy chung vợ chồng còn được thể hiện rất hay, rất phong phú trong nhiều bài ca dao khác như: - Trót đã mang vào kiếp bềnh bồng Xuống ghềnh lên thác, một lòng ta thương nhau. - Em ơi! Ta nguyện cùng nhau Răng long đầu bạc ta đừng quên nhau. Xã hội xưa với lễ giáo khắc nghiệt đã tước bỏ quyền tự do hạnh phúc của mỗi người. Cùng đường, người ta chỉ biết tìm đến cái chết. Họ coi “thế giới âm” là thế giới duy nhất mà họ có thể tự do yêu đương, tự do lựa chọn hạnh phúc. Họ tin rằng chỉ chết mới hết khổ, chết chưa phải là hết. Họ tin tưởng, hi 41
  47. vọng vào hạnh phúc ở một thế giới khác. Vì thế họ thề nguyền chung thủy cả khi sống đến cả khi chết: Thủy chung em giữ trọn lời Chết thời chịu chết, lìa đôi em không lìa. Sống dương gian hai đứa hai nơi Thác xuống âm phủ cũng lời thề xưa. Hay: Yêu nhau ruột héo xương mòn Yêu nhau đến thác hãy còn yêu nhau. Chàng trai và cô gái khi yêu nhau đã trao gửi cho nhau những tình cảm chân thành, đằm thắm nhất. Và họ cũng ý thức được là phải giữ gìn cho tình yêu ấy mãi bền chặt. Trong tiềm thức của người Việt Nam mái tóc là một dấu hiệu của thời gian. Trong các đặc điểm hình dáng của con người (mắt, miệng cười, hàm răng ) thì mái tóc là dấu hiệu thể hiện rõ nhất sự biến đổi, tác động của thời gian. “Mái tóc xanh”, “tóc chấm ngang vai”, “tóc thề”, “tóc mây”, “tóc đuôi gà” là biểu hiện của tuổi trẻ: Yêu nhau thì giữ lấy màu Răng đen nhưng nhức tóc đầu xanh xanh Hỡi người tóc tốt xanh non Lưng ong thắt đáy như con tò vò Còn khi “Mái tóc điểm sương”, “tóc hoa râm”, “tóc bạc”, “tóc lòa xòa tổ chim” báo cho ta biết con người đã bước qua cái dốc bên kia của cuộc đời, thậm chí “gần đất xa trời”: Non xanh bao tuổi mà già Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu Chính vì lẽ ấy mà tác giả dân gian đã mượn biểu tượng mái tóc để nói về sự thủy chung trong tình yêu. 42
  48. Trăm năm thề những bạc đầu Chớ tham phú quý đi cầu chăng hoa Không chỉ riêng ca dao người Việt mà trong ca dao dân ca của người dân tộc thiểu số cũng có những lời ca dao thể hiện ước nguyện thủy chung. Ví dụ trong dân ca Thái: Đôi ta yêu nhau đến khi tóc đỏ Yêu nhau đến khi tóc trắng Hay: Không được lúc tóc ngắn, ta quyết lúc tóc dài, Không được lúc em là con gái Anh quyết đợi em lúc gái góa chết chồng Với cấu tứ giản dị nhưng lời ca dao trên đã nói lên một tiếng nói táo bạo của nhân vật trừ tình. Đó là khát khao được yêu và thủy chung trọn đời, lúc trẻ (khi tóc đỏ, tóc ngắn) không đến được với nhau nhưng họ vẫn quyết tâm chờ đợi đến khi tóc trắng, tóc dài. Như vậy ta có thể thấy rằng ở đâu có tình yêu thì ở đó có những lời thề nguyền thủy chung. Có lẽ thủy chung là giá trị cao nhất của tình yêu mà muôn đời ta hướng tới. Nếu như ca dao tỏ tình mang sắc thái hóm hỉnh, vui tươi , ca dao tương tư với trạng thái nhớ nhung thì đọc ca dao thề nguyền, ta thấy toát lên sức mạnh phi thường của nghị lực và ý chí. Những người đang yêu họ quyết tâm vượt qua thực tế khắc nghiệt, vượt qua mọi trở lực để giữ cho tình yêu chung thủy và trọn vẹn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, song với niềm tin, sự lạc quan yêu đời, họ vẫn cất lên những lời ca thật hóm hỉnh nhưng không kém phần ý nhị, sâu sa: Chừng nào muối ngọt chanh thanh Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng. Tác giả dân gian đã sử dụng cách nói ngược một cách sáng tạo, vì theo 43
  49. quy luật tự nhiên muối phải có vị mặn chứ không thể ngọt, chanh có vị chua mà không phải vị thanh. Cùng với từ chỉ thời gian không xác định “chừng nào” vừa giống như một lời từ chối nhưng đồng thời cũng khẳng định sự chung thủy, lối sống nghĩa tình bao đời của dân tộc ta. Hay: Ăn cà ngồi cạnh vại cà Lấy anh thì lấy, đến già thì thôi Qua phân tích một số câu hát thề nguyền, chúng ta càng khẳng định chắc chắn rằng sự thủy chung, gắn bó là khát vọng muôn đời của người bình dân xưa. Ta nhận ra vẻ đẹp tâm hồn vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa giản dị mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế của người lao động. Tiểu kết: Đi sâu tìm hiểu các sắc thái biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong ca dao thề nguyền, có thể thấy thời gian nghệ thuật có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc diễn tả tiếng lòng, tình cảm của con người một cách tự nhiên nhất. Dù biểu đạt cung bậc tình cảm nào thì câu hát thề nguyền khi cất lên vẫn chan chứa ân tình. Qua đó cho thấy lối sống, lối sinh hoạt lành mạnh, yêu đời của người dân lao động. Những câu hát thề nguyền cất lên vừa thể hiện sự gắn bó thủy chung và khát vọng giữ cho tình yêu vĩnh hằng, bất diệt. Nó để lại cho người đọc dư vị sâu lắng, ngọt ngào về sức mạnh của tình yêu, những bài học nhân sinh quý giá, cao đẹp. 44
  50. KẾT LUẬN Qua việc khảo sát, phân tích các biểu hiện của thời gian trong ca dao thề nguyền người Việt, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau: Trong ca dao thề nguyền người Việt, lớp từ ngữ biểu thị thời gian rất đa dạng và phong phú. Thời gian trong ca dao thề nguyền không chỉ là thời gian xác định mà phổ biến hơn là thời gian không xác định, thời gian hiện tại (thời gian diễn xướng), thời gian tâm lý con người. Hai loại thời gian này có khi được phân tách rõ ràng, có khi có sự thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau. Về nguồn gốc từ ngữ: Có thể nói trong các bài ca dao thề nguyền, tác giả dân gian đã sử dụng hầu hết là từ thuần Việt (chiếm 85,7 %) và một số từ Hán Việt tạo nên sự phong phú cho từ chỉ thời gian, làm nổi bật đặc trưng về thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm ca dao thề nguyền nói riêng và ca dao nói chung. Nhìn từ góc độ từ loại, vốn từ chỉ thời gian hầu như là danh từ và cụm danh từ. Các từ loại khác như: động từ, tính từ, số từ, không trực tiếp chỉ thời gian nhưng khi đi với các từ ngữ chỉ thời gian thì lại biểu thị trực tiếp nhất những ý nghĩa gắn với thời gian. Chúng góp phần làm nên những hình thức biểu đạt phong phú, thể hiện nhiều dụng ý nghệ thuật của tác giả dân gian. Mặc dù, có nhiều từ ngữ chỉ thời gian được tác giả dân gian sử dụng lại rất nhiều lần nhưng đặt vào những ngữ cảnh khác nhau nên chúng lại mang những giá trị nghệ thuật và giá trị biểu cảm khác nhau. Cùng với từ ngữ chỉ thời gian là sự xuất hiện của các công thức miêu tả thời gian bao gồm: thời gian hiện tại, thời gian vĩnh hằng, thời gian tổng thể và lặp lại. Trong đó thời gian vĩnh hằng có tần số xuất hiện nhiều nhất với các mô típ: “trăm năm”, “ngàn năm”, “đời đời” nhằm khẳng định sự thủy chung, gắn bó trong tình yêu. 45
  51. Có thể nói, yếu tố thời gian có mặt trong nhiều bài ca dao thề nguyền. Với 168 bài ca có sự xuất hiện của từ ngữ chỉ thời gian trên tổng số 241 bài ca dao đã khảo sát. Điều đó càng khẳng định vai trò quan trọng của thời gian nghệ thuật trong việc biểu đạt tiếng lòng, tình cảm của con người. Trong những lời thề nguyền của đôi trai gái, yếu thời gian xuất hiện như một minh chứng cho ước nguyện gắn bó trong tình yêu, biểu đạt tình yêu vĩnh hằng, bất diệt và thể hiện khát vọng tình yêu thủy chung. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì các yếu tố thời gian gấy đều góp phần bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn, lối sống tình nghĩa, ước mơ hạnh phúc của người bình dân xưa. Đọc ca dao về tình yêu đôi lứa nói chung và nhóm bài ca dao thề nguyền nói riêng chúng ta bắt gặp rất nhiều những kết hợp ngôn ngữ độc đáo mang đậm dấu ấn chủ quan của tác giả dân gian gắn với những quan niệm nghệ thuật về thế giới, về con người và tình yêu. Khóa luận này sẽ góp thêm một nguồn ngữ liệu cho việc giảng dạy các tác phẩm ca dao thề nguyền nói riêng và các tác phẩm ca dao trong sách Ngữ văn ở nhà trường nói chung dưới góc nhìn thi pháp học. 46
  52. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Thị An (1990), Về một phương diện nghệ thuật của thơ ca tình yêu, Tạp chí văn học, số 6. 2. Đào Duy Anh (2005), Hán Việt giản yếu từ điển, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 3. Vũ Quốc Anh, Hà Bình Trị, Tống Trần Ngọc (1997), 20 bài văn chọn lọc lớp 10, Nxb Giáo dục. 4. Nguyễn Thiện Giáp (2001), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Lê Bá Hán Chủ biên (1999), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 6. Tạ Đức Hiền (2002), Bình luận, bình giảng tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Hà Nội. 7. Phùng Thanh Huyền (2003), Một số phương thức biểu đạt nội dung “thề nguyền” trong ca dao trữ tình người Việt, Báo cáo khoa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 8. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1973), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp. 9. Nguyễn Xuân Kính (1992) Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội. 10. Nguyễn Thị Quỳnh Liên (1994) Sự thể hiện của trạng thái nghệ thuật trong ca dao trữ tình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. 11. Lê Đức Luận (2005), Cấu trúc ca dao trữ tình người Việt, Nxb Đại học Huế. 12. Phạm Thu Minh (2008), Câu hát thề nguyền trong ca dao tình yêu người Việt, Khóa luận tốt nghiệp, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. 13. Vũ Thị Nga (2006), Câu hát thề nguyền trong ca dao dân ca về tình yêu 47
  53. đôi lứa, Báo cáo khoa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. 14. Vũ Ngọc Phan (1978), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb Giáo dục. 15. Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển, Nxb Đà Nẵng. 16. Trần Đình sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục. 17. Lê Doãn Tá (2003), Một số vấn đề triết học Mac- Lenin, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội. 18. Hoàng Tiến Tựu (1991), Văn học dân gian, tập 2, Nxb Giáo dục. 19. Hoàng Tiến Tựu (1992), Bình giảng ca dao, Nxb Giáo dục. 20. Hoàng Tiến Tựu (1998) Văn học dân gian (sách Cao đẳng Sư phạm), Nxb Giáo dục. 21. Nguyễn Kim Thản (1977), Động từ trong tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 22. D. X. Likhatrôp (1979), Thi pháp văn học Nga cổ, Nxb Matxcơva. 23. Phạm Thu Yến (1998) Những thế giới nghệ thuật ca dao, Nxb Giáo dục. 24. 25. gian-nghe-thuat-trong-ca-dao-tinh-yeu-doi-lua-o-phu-yen-38261.html. 48