Khóa luận Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy

pdf 62 trang thiennha21 11460
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Khóa luận Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoa_luan_ngon_ngu_nghe_thuat_tho_nguyen_duy.pdf

Nội dung text: Khóa luận Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy

  1. LỜI CẢM ƠN Trong quá trình triển khai đề tài Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, tác giả khóa luận đã nhận được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo trong khoa Ngữ Văn, các thầy, cô trong tổ Văn học Việt Nam và đặc biệt là TS - GV. La Nguyệt Anh - người đã tận tâm, chu đáo trong hướng dẫn tôi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này. Tác giả khóa luận xin được bày tỏ lòng biết ơn và gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới các thầy cô. Do năng lực nghiên cứu có hạn, khóa luận chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong sự chỉ bảo, góp ý của các thầy, cô và các bạn đồng nghiệp. Xin trân trọng cảm ơn. Hà Nội, tháng 5 năm 2014 Sinh viên Nguyễn Thị Hoài Thu i
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan: Khóa luận Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, có tham khảo ý kiến của những người đi trước, dưới sự giúp đỡ khoa học của TS - GV. La Nguyệt Anh. Khóa luận không sao chép từ một tài liệu, công trình có sẵn nào. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này! Hà Nội, tháng 5 năm 2014 Sinh viên Nguyễn Thị Hoài Thu ii
  3. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Lịch sử vấn đề 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5 5. Phương pháp nghiên cứu 5 6. Đóng góp mới của khóa luận 6 7. Cấu trúc của khóa luận 7 NỘI DUNG 8 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 8 1.1. Giới thuyết chung về ngôn ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật 8 1.1.1. Khái niệm ngôn ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật 8 1.1.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ 10 1.2. Nguyễn Duy và quá trình sáng tạo nghệ thuật 15 1.2.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Duy 15 1.2.2. Quá trình sáng tạo nghệ thuật 18 CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN DUY 24 2.1. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy giản dị, đời thường 24 2.1.1. Kết hợp ngôn ngữ thơ ca dân gian và ngôn ngữ đời sống 24 2.1.2. “Lạ hóa” ngôn ngữ đời thường 33 2.2. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy giàu tính nhạc và tính tạo hình 37 2.2.1. Ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc 37 2.2.2. Ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình 44 iii
  4. 2.3. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp tài tình các thủ pháp nghệ thuật 48 2.3.1. Thủ pháp liệt kê, trùng điệp 49 2.3.2. Thủ pháp so sánh, ẩn dụ 52 KẾT LUẬN 55 TÀI LIỆU THAM KHẢO iv
  5. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Từ lâu, thơ ca đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn và cả lối sống của người Việt Nam. Một trong những giá trị làm nên điệu tâm hồn Việt khiến thơ ca gắn bó sâu sắc với con người và cuộc sống hàng ngày, đó chính là ngôn ngữ. Thơ ca được xem là hiện tượng độc đáo của văn học ở cơ chế vận hành bộ máy ngôn ngữ của nó. Khác với văn xuôi, thơ ca là thể loại chỉ dùng một lượng hữu hạn các đơn vị ngôn ngữ để biểu hiện cái vô hạn của cuộc sống bao gồm các sự kiện tự nhiên và xã hội cũng như những điều thầm kín trong tâm hồn con người. Để thực hiện sứ mệnh đó, từ hệ thống ngôn ngữ tự nhiên vô cùng phong phú, người nghệ sĩ đã sáng tạo một thế giới ngôn từ mới. Đó cũng là căn nguyên tạo nên biết bao cuộc tranh luận gay gắt và thú vị ở nhiều thời đại. 1.2. Trên thi đàn thơ Việt Nam hiện đại, Nguyễn Duy là một tiếng nói quan trọng góp phần làm nên diện mạo riêng của thế hệ thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau chiến tranh, trở về với đời thường, Nguyễn Duy vẫn chứng tỏ được bút lực dồi dào của mình. Theo thời gian, sức sống của thơ Nguyễn Duy dường như mỗi lúc một mãnh liệt và toả sáng, được bạn đọc cũng như giới nghiên cứu - phê bình văn học quan tâm và đón nhận nồng nhiệt hơn. Đặc biệt, những sáng tạo của ông về ngôn từ nghệ thuật luôn hấp dẫn độc giả - những người thưởng thức và cả những người nghiên cứu về thơ ca. Sẽ rất thiếu xót nếu chúng ta bỏ qua yếu tố ngôn từ nghệ thuật như một sức sống tiềm ẩn trong thơ ca của Nguyễn Duy. Đi sâu tìm hiểu về ngôn ngữ trong thơ ca Nguyễn Duy sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về nhà thơ này. Đồng thời, phần nào thấy rõ hơn những giá trị đặc trưng của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Mặt khác, thơ Nguyễn Duy đã được lựa chọn và đưa vào chương trình giảng văn ở bậc phổ thông, vì vậy, việc tìm hiểu ngôn từ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu 1
  6. giảng dạy, học tập trong nhà trường, đặc biệt là những sáng tạo của nhà thơ trên phương diện ngôn ngữ. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài Ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy. 2. Lịch sử vấn đề Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ những năm bảy mươi, Nguyễn Duy đã trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình yêu thích thơ ông. Có thể nói người có công phát hiện và giới thiệu thơ Nguyễn Duy đầu tiên là Hoài Thanh. Bằng con mắt “tinh đời” Hoài Thanh đã nhận định: “Thơ Nguyễn Duy thể hiện được cái cao đẹp của những người không tuổi, không tên”, đồng thời ông cũng nhận ra cái “chất quê đằm thắm” từ những điều “quen thuộc mà không nhàm” của thơ Nguyễn Duy. Trải qua hơn một phần tư thế kỷ, đã có nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ viết về cuộc đời cũng như tác phẩm của Nguyễn Duy với quy mô và hướng tiếp cận, nghiên cứu khác nhau. Trong phạm vi giới hạn của đề tài, chúng tôi sẽ hệ thống những ý kiến nổi bật, những nhận định quan trọng liên quan đến ngôn từ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy. Viết về thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy, ngôn ngữ cũng được xem là yếu tố quan trọng làm nên vẻ đẹp riêng trong thơ ca của ông, vì vậy, có rất nhiều ý kiến đánh giá cũng như những bài viết, bài nghiên cứu có liên quan đến ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy, mặc dù vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn. Theo Phạm Thu Yến: thơ Nguyễn Duy là sự kết hợp giữa “ngôn ngữ đời thường” và “ngôn ngữ đậm màu sắc hiện đại” [31, tr.79], Nguyễn Quang Sáng lại có ý kiến khác: “Thơ Nguyễn Duy đượm tính dân tộc và nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian” [19, tr.96]. Còn với Vương Trí Nhàn, thơ Nguyễn Duy là “bản hợp xướng của những chữ lạ” [17, tr.283], Hồ Văn Hải thì khẳng định: “Sáng tạo từ láy là điểm nổi bật nhất trong lục bát Nguyễn Duy” [10, tr.6]. Đặc biệt với sự xuất hiện của tập thơ Ánh Trăng (1985) - tập thơ đoạt 2
  7. giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Duy mới thực sự được giới nghiên cứu phê bình quan tâm tìm hiểu. Nguyễn Bùi Vợi nhận xét: “Viết về ánh trăng mà để nói chuyện đời, chuyện tình nghĩa. Tác giả chọn một lối viết giản dị, dễ hiểu. Đọc xong bài thơ, những người thích ngôn ngữ tân kỳ có thể cho là không có gì, những người ưa loại văn trau chuốt, tỉa tót đến tinh xảo có thể thất vọng, những người thích lối nói ồn ào đại ngôn có thể ngỡ ngàng” [29, tr7]. Lê Quang Hưng trong bài Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng (tạp chí văn học số 3/1986) có nhận xét đáng chú ý về nội dung và nghệ thuật thơ Nguyễn Duy: “Nguyễn Duy muốn đứng giữa hôm nay và nhìn lại hôm qua từ tâm trạng riêng, tiếng thơ anh như một lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở Không chỉ qua thể thơ, giọng điệu mà chất dân gian của thơ Nguyễn Duy ngấm trong cả cách cảm lối nghĩ, trong quá trình “dàn dựng” hình tượng thơ. Tất cả những cái đó vừa rất dân tộc, rất truyền thống lại vừa khá hiện đại, khá mới ” [12, tr.156]. Có thể nói, sự ra đời của Ánh Trăng đánh dấu bước trưởng thành mang tính chất quyết định trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy. Vương Trí Nhàn trong bài viết Một bản sắc đã đến lúc định hình khẳng định: “Sự tìm tòi kéo dài liên tục qua các tập thơ Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đường xa (1989), Qùa tặng (1990), và với tập thơ Về (1994), từ chỗ pha giọng chập chững, mày mò nhà thơ đã đi tới một giọng điệu có nhiều phẩm chất thuần nhất, dân dã mà hiện đại, từng trải dạn dày song lại run rẩy tinh tế, cay đắng ngậm ngùi ngay trong khi cười cợt đắm say, lam lũ dông dài mà vẫn có những nét cao sang riêng ” [17, tr.3]. Bài viết còn đề cập đến một vài đặc điểm ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy: “Sự đắm đuối đi tìm những chữ lạ”, “ăn chịu với truyền thống - thơ lục bát” [17, tr.8] Từ Sơn trong bài Thơ Nguyễn Duy vui mừng nhận thấy: “điều đáng mừng là thơ ông đã góp phần vào kho tàng thơ Xã hội chủ nghĩa hiện đại những bài thơ hay mang dáng vẻ riêng, nồng nàn hơi thở đời sống, giàu hương vị dân tộc và dào dạt một tình yêu cuộc sống trong dáng hình bình dị, chân chất, dân dã ” [21, tr.2]. 3
  8. Nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy còn phải kể đến một bài viết rất công phu của Chu Văn Sơn là Nguyễn Duy - Thi sĩ thảo dân, bài viết không chỉ khám phá hành trình thơ Nguyễn Duy mà trên chặng đường ấy, Nguyễn Duy đã tìm ra “trọn vẹn cái tôi của mình” - cái tôi “thảo dân chính hiệu”. Tác giả còn cho rằng: “Duy phải lòng lục bát” nhưng “cây đàn này của Duy chơi điệu mới, nhịp mới, hồn mới”. Duy còn thích “xài thứ ngôn từ hồn nhiên”, “khoái lối ghẹo dân gian”, đặc biệt là sự dung nạp “thứ ngôn từ dính bụi mà lấp lánh chất folklore” vào thơ [20, tr.38-53]. Ngoài ra còn rất nhiều bài viết tìm hiểu thơ Nguyễn Duy qua phân tích, bình giảng một tác phẩm cụ thể: Lê Trí Viễn khi nói về bài Tre Việt Nam trong cuốn Đến với thơ hay [30, tr.289]. Hoàng Nhuận Cầm khi nói về bài Áo trắng má hồng (Báo Tuổi trẻ hạnh phúc số 5/1996) Một số bài viết nhỏ của các tác giả như Trần Hòa Bình, Vũ Quần Phương, Tế Hanh đã phát hiện nhiều khía cạnh đặc sắc của thơ Nguyễn Duy. Tổng quan về lịch sử nghiên cứu thơ Nguyễn Duy, chúng ta thấy đã có một số bài viết nghiên cứu thơ ông dưới góc độ ngôn ngữ nhưng chưa phải là nhiều. Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thơ Nguyễn Duy, chúng tôi nhận thấy vấn đề về ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy còn nhiều vấn đề chưa được triển khai, làm rõ. Trong phạm vi khóa luận tốt nghiệp này, chúng tôi mong muốn tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy để thấy được nét riêng trong thơ ông, khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của Nguyễn Duy trên thi đàn. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Đi sâu vào đề tài này, mục đích của chúng tôi là hướng vào tìm hiểu những đặc điểm nổi bật về hình thức ngôn ngữ của thơ Nguyễn Duy, để từ đó có được cái nhìn tổng quát về đặc trưng phong cách ngôn ngữ thơ ông, góp phần vào việc khẳng định vị trí của Nguyễn Duy trên thi đàn. 4
  9. So sánh đối chiếu ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy với ngôn ngữ thơ của các tác giả khác, đặc biệt là các tác giả cùng thời với ông để tìm ra những đặc điểm chung nhất và những đặc trưng riêng của thơ ca mỗi người. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Khóa luận đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau: - Tìm hiểu cơ sở lý luận về ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật thơ. - Tìm hiểu những nét chính về tác giả Nguyễn Duy và quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông. - Tìm hiểu những đặc trưng nổi bật về ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Khóa luận nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi nội dung: Các yếu tố ngôn ngữ đặc trưng trong thơ Nguyễn Duy. - Phạm vi tư liệu: Để thực hiện việc nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy, chúng tôi chủ yếu khảo sát, nghiên cứu sáng tác của ông trong tuyển tập Thơ Nguyễn Duy, Nxb Giáo dục, 1998. Bên cạnh việc khảo sát chủ yếu ở tuyển thơ trên, chúng tôi sử dụng tư liệu trong các tập khác của Nguyễn Duy. Khi cần thiết, khóa luận có so sánh, mở rộng với thơ của các nhà thơ khác. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên, chúng tôi vận dụng các phương pháp chủ yếu sau đây: 5
  10. 5.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp Đây là phương pháp cơ bản và phổ biến trong nghiên cứu văn học nói chung. Chúng tôi vận dụng phương pháp này để phân tích các câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, bài thơ có tính chất tiêu biểu, điển hình để minh họa cho các luận điểm của khóa luận. 5.2. Phương pháp thống kê, so sánh Phương pháp này giúp chúng tôi thống kê và phân loại các đặc điểm ngôn từ nghệ thuật trong thơ của Nguyễn Duy, từ đó làm cơ sở để triển khai các luận điểm cho khóa luận. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh là để khẳng định nét độc đáo, đặc sắc của phong cách thơ Nguyễn Duy trong mối tương quan so sánh với các tác giả, tác phẩm khác. Với việc sử dụng phương pháp này chúng tôi có cơ sở để tìm hiểu, lí giải và xác định rõ những giá trị cũng như đóng góp của thơ Nguyễn Duy trên nhiều bình diện khác nhau. 5.3. Phương pháp cấu trúc - hệ thống Ngôn từ nghệ thuật là một hệ thống cấu trúc bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Khóa luận chú trọng việc tìm ra những yếu tố cơ bản để tạo nên những chỉnh thể thống nhất. Mặt khác, sử dụng phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận một cách hệ thống các yếu tố cấu thành nên chỉnh thể ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. Mọi đối tượng, mọi vấn đề khảo sát được chúng tôi đặt trong tương quan hệ thống, trong quy luật cấu trúc này. 6. Đóng góp mới của khóa luận Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. Khóa luận đã tìm hiểu thơ Nguyễn Duy trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật, những đặc điểm nổi bật về ngôn ngữ trong thơ ông, để từ đó khẳng định bản sắc riêng độc đáo của ngòi bút Nguyễn Duy và vị thế của ông 6
  11. trong tiến trình vận động và phát triển của thơ Việt Nam hiện đại. Kết quả của khóa luận sẽ góp một phần vào việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập về thơ Nguyễn Duy trong nhà trường. 7. Cấu trúc của khóa luận Ngoài phần mở đầu, kết luận, và tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của khóa luận được triển khai gồm hai chương sau: Chương 1: Những vấn đề chung. Chương 2: Đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. 7
  12. NỘI DUNG CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Giới thuyết chung về ngôn ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật 1.1.1. Khái niệm ngôn ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật 1.1.1.1. Khái niệm ngôn ngữ Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt và quan trọng bậc nhất của loài người, là phương tiện tư duy và công cụ giao tiếp của xã hội. Ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, trong thời đại hiện nay, nó là công cụ quan trọng nhất của sự trao đổi văn hoá giữa các dân tộc. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, ngôn ngữ là: “công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách và tài năng của nhà văn, mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác” [9, tr.215]. Tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và tính biểu cảm là những thuộc tính của ngôn ngữ văn học. 1.1.1.2. Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật Theo Từ điển thuật ngữ văn học, ngôn ngữ nghệ thuật là: “Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa học” [9, tr.215]. Ngôn ngữ chính là cái vỏ của tác phẩm. Bạn đọc muốn khám phá thế giới bên trong thì trước hết phải bóc tách được cái vỏ bên ngoài. Vì thế, khi đến với bất kì một tác phẩm nào, khám phá ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm 8
  13. chính là yêu cầu đầu tiên và tất yếu để bạn đọc đi sâu tìm hiểu những giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật và cả những giá trị thẩm mĩ mà tác giả gửi gắm. Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Bàn về ngôn từ trong văn học, M.Gocki cho rằng: “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” [9, tr.310]. Ngôn ngữ trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học (phi ngôn ngữ bất thành văn). Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ là phương tiện để cụ thể hóa và vật chất hóa sự biểu hiện chủ đề và tư tưởng tác phẩm, tính cách nhân vật và cốt truyện Nguyễn Tuân đã định nghĩa về nghề văn như sau: “Nghề văn là nghề của chữ - chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh” [18, tr.68]. Ngôn ngữ nghệ thuật còn được gọi là ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm văn chương. Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ toàn dân đã được nghệ thuật hóa. Ngôn ngữ ấy đã được chọn lọc, gọt rũa, trau chuốt, và đặc biệt ngôn ngữ ấy phải đem lại cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ, xúc cảm được nhận biết thông qua những rung động tình cảm. Điều này khác hẳn với những xúc cảm khoa học - những rung động thông qua suy lý và chứng minh. Ngôn ngữ của tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng đều được viết hoặc được kể bằng lời (văn học viết hoặc văn học dân gian - truyền miệng). Ở phương diện thể loại, văn học có lời thơ, lời văn. Ở phương diện chức năng và các thành phần cấu tạo của lời văn nghệ thuật có lời tác giả, lời nhân vật, lời trực tiếp, gián tiếp nói chung gọi là lời văn. Lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. 9
  14. Khác với các loại hình nghệ thuật khác, văn học sử dụng chất liệu là ngôn từ (chất liệu phi vật thể). Sở dĩ văn học sử dụng chất liệu đó là do sự chi phối của phương thức thể hiện, phương thức phản ánh đời sống. Như ta đã biết, văn học phản ánh đời sống bằng hình tượng, thông qua hình tượng đó mà tác giả thể hiện tâm tư, tình cảm, thái độ và cách đánh giá của mình đối với đời sống. Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là: tính hình tượng, tính tổ chức cao, tính hàm súc, tính biểu cảm, tính chính xác Nhờ những thuộc tính đó mà văn học phản ánh cuộc sống theo đúng đặc trưng của nó, không giống bất kì một loại hình nghệ thuật nào khác. Căn cứ chủ yếu để phân biệt ngôn ngữ nghệ thuật với các hình thái của hoạt động ngôn ngữ chính là ở chỗ, ngôn ngữ nghệ thuật là hình thái hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẩm mĩ. Nó được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm là xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật. Vì vậy, tính hình tượng, tính thẩm mĩ là thuộc tính bản chất, xuyên thấm vào mọi thuộc tính khác và quy định những thuộc tính ấy. Trên đây là vai trò của ngôn ngữ nghệ thuật đối với tác phẩm văn học. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò rất lớn đối với người nghệ sĩ. Bởi lẽ, việc phân biệt rõ ràng về thơ văn của mỗi tác giả là nhờ vào hệ thống ngôn ngữ mà các tác giả đã sử dụng. Như vậy, ta không thể phủ định vai trò to lớn của ngôn ngữ nghệ thuật đối với sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Nó vừa là hình thức của tác phẩm vừa là đối tượng mà người nghệ sĩ hướng tới. Vai trò của nó thể hiện từ việc sáng tác và tiếp nhận tác phẩm đến chính phong cách của tác giả. 1.1.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người. Chính vì vậy mà có một thời gian rất dài, thuật ngữ thơ được dùng chỉ chung cho văn học. Từ thời cổ đại, Aristote trong công trình Nghệ thuật thơ ca đã tổng kết 10
  15. kinh nghiệm nghệ thuật Hy Lạp và dành nhiều chương viết (chương XIX, XX, XXI) bàn về “loại nghệ thuật mà chỉ dùng ngôn từ”, về “cách diễn đạt bằng ngôn từ” [1, tr.82]. Trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa, quan niệm về thơ đã được đề cập từ rất sớm. Trong cuốn Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã đề cập đến các phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ là: “tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn)”. Nhà thơ Bạch Cư Dị cũng nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ: “Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa”. Đây là một trong những quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa. Ở Việt Nam, quan niệm về thơ cũng đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến với nhiều ý kiến, nhiều khuynh hướng khác nhau. Nhà thơ Tố Hữu quan niệm: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống” [23, tr.73]. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc lại gợi ra một trường nghiên cứu thơ hết sức rộng rãi: thơ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần túy mà chủ yếu là hiện tượng giao tiếp nghệ thuật, một phát ngôn trong ý nghĩa đầy đủ của từ này. Ông cho rằng: “Thơ là hình thức tổ chức ngôn ngữ quái đản nhất” [16, tr.41]. Nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu” [9, tr.310]. Có thể thấy, qua các định nghĩa về thơ, các tác giả đã rất coi trọng vị trí của ngôn ngữ trong quá trình sáng tạo thơ. Ngôn ngữ nghệ thuật được xem là yếu tố đầu tiên (“chẳng gì đi trước được ngôn ngữ”- Bạch Cư Dị), có hình 11
  16. thức tổ chức đặc biệt (“thơ là hình thức tổ chức ngôn ngữ quái đản nhất” - Phan Ngọc) và có đặc trưng riêng (“ngôn ngữ hàm súc giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu” - Nhóm tác giả Từ điển thuật ngữ văn học). Ngôn ngữ nghệ thuật thơ là ngôn ngữ được dùng trong sáng tác nghệ thuật, cụ thể là thơ. Vì thơ là hình thức văn học thể hiện cảm xúc, tâm trạng nên ngôn ngữ nghệ thuật thơ là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, hàm súc, gợi cảm, có nhịp điệu. Sóng Hồng cho rằng: “Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng” [17, tr.41]. Nhà thơ Hoàng Đức Lương đã rất đề cao nàng thơ: “Thơ là sắc đẹp ở ngoài sắc, vị ngọt ở ngoài vị, không thể trông bằng mắt thường được, chỉ có thi nhân trông thì mới thấy đẹp, nếm mới thấy ngon” [17, tr.41] Về lao động nghệ thuật thơ, Mai-a-côp-ski - nhà thơ Nga đã viết: Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ Mới thu về một chữ mà thôi Những chữ ấy làm cho rung động Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài. Không phải ngẫu nhiên Trần Dần lại gọi các nhà thơ là “phu chữ”. Các nhà thơ đã lựa chọn từ ngữ để đưa vào bài thơ cho đúng lúc, đúng chỗ nhằm chuyển tải được những cảm xúc, ý nghĩ của mình đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Một bài thơ hay không dễ gì ta cảm nhận được ngay, có khi chỉ bằng linh cảm mà nhận ra. Đọc rồi, đọc nữa, suy ngẫm, liên tưởng ta mới nhận ra thứ ánh sáng, màu sắc, hương thơm man mát bên trong hình tượng thơ. Vì vậy để hiểu được bài thơ hay, viết được bài thơ đẹp, nhà thơ không thể không khổ công đi tìm ý, tứ, câu, chữ và bao yếu tố khác trong thơ và ngoài thơ. Tìm hiểu về khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ, bên cạnh đó, chúng tôi thấy được những đặc điểm khái quát và điển hình của ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ không chỉ có những điểm chung tương đồng mà bên cạnh đó có sự khác biệt so với ngôn ngữ trong văn xuôi. 12
  17. Cả thơ và văn xuôi đều dùng chất liệu chính là ngôn ngữ để xây dựng tác phẩm. Trong kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú của toàn dân, nhà thơ hay nhà văn lựa chọn những từ ngữ cần thiết nhất để đưa vào tác phẩm. Đó là quá trình khổ luyện, tìm tòi, tích lũy vốn sống mới có được những chữ “thần” để có thể “lóe sáng” lên ở câu thơ, câu văn làm cho tác phẩm “nổi gió”, “cất cánh”. Song, do đặc trưng của mỗi thể loại trữ tình hay tự sự mà ngôn ngữ văn học được các tác giả sử dụng khác nhau. Ở văn xuôi, do nhà văn phải xây dựng nhân vật điển hình trong những hoàn cảnh điển hình nên việc miêu tả ngoại hình, nội tâm nhân vật, bối cảnh xã hội thường phải cụ thể qua nhiều tình tiết, mâu thuẫn. Ở mỗi đoạn, mỗi chương lại có sự phát triển tâm lý nhân vật một cách trực tiếp hay gián tiếp. Số câu chữ có thể giãn ra hay co lại theo ý dồ tác giả. Nhưng nhìn chung là nó không có sự cô đúc như ngôn từ thơ ca. Bàn về đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật thơ, Hữu Đạt nhận định: “Khác với văn xuôi, thơ ca chỉ dùng một lượng hữu hạn các đơn vị ngôn ngữ để biểu hiện cái vô hạn của cuộc sống bao gồm các sự kiện tự nhiên và xã hội cũng như những điều thầm kín trong tâm linh con người” [6, tr.63]. Do vậy, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ chính xác, hàm súc, giàu hình tượng, biểu cảm và giàu sức tưởng tượng. Các yếu tố đó hòa quện vào nhau tạo nên hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa. Đó là thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm góp phần tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Nó biến hóa qua nhiều sắc thái ảo thực bất ngờ, thú vị. Tính chính xác khiến mỗi từ ngữ trong câu thơ phải diễn tả được đúng điều mà nhà thơ nhìn thấy, cảm thấy và những điều sẽ thấy. Lựa chọn được một từ ngữ “đắt” để diễn đạt một ý không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trong một trường liên tưởng của từ ngữ có nhiều từ cùng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa , người viết cần liệt kê vài từ để chọn. Tản Đà đã suy nghĩ rất nhiều 13
  18. khi chọn từ “khô” để đưa vào câu thơ: Non cao những ngóng cùng trông Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày (Thề non nước) Nếu như nhà thơ thay từ khô bằng từ tuôn, hay từ trôi thì hiệu quả sẽ như thế nào? Cũng có khi những từ ngữ trong câu thơ là những hư từ hoặc từ địa phương, từ khẩu ngữ rất bình thường nhưng được đặt đúng vào vị trí câu thơ thì nó vẫn tỏa sáng, diễn tả được đúng ý định của nhà thơ, khắc họa rõ nét nhân vật trữ tình. Tính hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, được nhận thức trực tiếp bằng cảm tính (chung cho các loại hình nghệ thuật). Ngôn ngữ mang tính hình tượng là ngôn ngữ gợi hình cụ thể. Nhà thơ không nói bằng hạm trù của tư duy logic như trong các môn khoa học tự nhiên mà thông qua hình ảnh cụ thể để diễn đạt những ý niệm trừu tượng. Ví dụ, ở bài thơ Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, nhà thơ Đồng Đức Bốn đã có liên tưởng như các cô vẫn còn sống đâu đây giữa cỏ cây, hoa lá: Cầm cỏ thì thấy mồ hôi Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng Sông La tóc sóng bềnh bồng Cầm mây, áo gái chưa chồng còn thơm. Tính biểu cảm là sự bộc lộ cảm xúc trực tiếp hay gián tiếp qua mỗi từ ngữ thơ với các cung bậc: ái, ố, hỉ, nộ của lòng người. Nhà thơ Vũ Cao đã nói hộ người chiến sĩ nỗi đau xé ruột gan khi nghe tin sét đánh - người yêu mất: Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói Núi vẫn đôi mà anh mất em! (Núi Đôi) 14
  19. Chế Lan Viên viết về nỗi nhớ một cách trực tiếp qua một loạt hình ảnh so sánh trùng điệp gợi trường liên tưởng rộng: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. (Tiếng hát con tàu) Tính biểu cảm của ngôn ngữ thơ trước hết phải xuất phát từ xúc cảm chân tình, dào dạt của nhà thơ. Việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để biểu đạt chỉ là phương tiện, là chất liệu. Nếu cố tạo ra niềm vui hay nỗi buồn giả tạo thì chỉ đánh lừa được những người không có năng lực thẩm định văn chương. Tóm lại, đọc bài thơ hay, câu thơ hay ta như không còn thấy câu chữ nữa. Cái hay nằm trong sự giản dị. Nếu cố làm duyên làm dáng, điểm phấn tô son, đánh bóng ngôn từ sẽ sa vào xu hướng “vị nghệ thuật” thuần túy. Nguyễn Du từng nói: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có xúc cảm tốt, tìm được tứ thơ mới lạ nhưng nếu vốn ngôn ngữ nghèo nàn thì khó có được thơ hay. Có thơ hay toàn bài, có thơ chỉ hay ở một câu, một chữ. Song, có một điều không ai chối cãi là chất liệu đầu tiên, duy nhất để làm nên bài thơ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng quý báu và lâu đời của dân tộc (Bác Hồ). Mỗi nhà thơ có cách tiếp cận, sử dụng riêng vốn ngôn ngữ toàn dân để làm giàu có vốn ngôn từ của mình. Khi trở lại với con người và cuộc sống thơ ca lúc này sẽ góp phần làm cho tiếng Việt ngày thêm giàu có, trong sáng. 1.2. Nguyễn Duy và quá trình sáng tạo nghệ thuật 1.2.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Duy Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh ngày 07-12-1948 tại 15
  20. Thanh Hóa. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi ra trường, ông về làm việc tại Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam và là Trưởng Đại diện Báo văn nghệ phía Nam. Nguyễn Duy làm thơ từ khi đang còn là học sinh trường cấp III Lam Sơn - Thanh Hóa. Năm 1973, anh đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam trong tập Cát trắng. Nguyễn Duy viết nhiều thể loại nhưng nhiều nhất, tiêu biểu nhất vẫn là thơ. Thơ Nguyễn Duy cũng nhiều loại từ thơ ngắn, tự do, lục bát đến thơ dài. Những tập thơ chính gồm: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1978), Đãi cát tìm vàng (1987), Mẹ và em (1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990), Về (1994), Sáu & Tám (1994), Vợ ơi (1995), Tình tang (1995), Bụi (1997), Thơ với tuổi thơ (2002), Thơ trữ tình (2004), 36 bài thơ (2007), Thơ Nguyễn Duy (2010) ). Nói về con người và thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhận xét: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó” [4, tr.82]. Hơn ai hết, Nguyễn Duy có cái ngang tàng, cái chiêm nghiệm đi cùng sự điềm tĩnh trong thơ. Thơ Nguyễn Duy, vì thế chăng, mang cái duyên riêng của thứ cây quý mọc tự nhiên, khỏe khắn. Thơ ông cứ ngấm vào người đọc và có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ. Nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích: Tre Việt nam, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Ca dao vọng về, Lời ru đồng đội, Sông Thao, Em ơi gió Bên cạnh thơ năm tiếng, xen kẽ giữa bảy và tám tiếng, thể bảy tiếng, tám tiếng, thơ tự do, ai cũng biết Nguyễn Duy khá “ăn chịu” với thơ truyền thống, thơ lục bát. Song có thứ lục bát của ca dao Bắc bộ nuột nà óng ả, lại có thứ lục bát của câu đố, của xẩm, dông dài, tàng tễu, ở đó con người thường 16
  21. thích cười cợt và chỉ thỉnh thoảng mới thoáng qua một chút rưng rưng để rồi lại tự giấu đi rất nhanh sau tiếng cười. Thơ Nguyễn Duy chính là ngả sang loại lục bát thứ hai này, nó hợp với cốt cách bình dân, bụi bặm của thơ ông, mặt khác, lại tạo được cái vẻ đẹp kỳ dị mà chỉ thơ hiện đại mới chấp nhận. Thơ lục bát - một thể thơ dễ viết nhưng viết được cho hay lại là việc rất khó. Thơ lục bát của Nguyễn Duy có phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ. Nhiều câu thơ lục bát của ông khiến người đọc giật mình. Ngôn ngữ thơ ông vừa bình dân, hiện đại lại mang tính cách tân đổi mới. Nguyễn Duy được giới phê bình đánh giá là người đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này. Phong cách thơ Nguyễn Duy là sự thống nhất của nhiều yếu tố đối lập: mộc mạc, dân dã mà tinh tế sâu sắc, ngang tàng tếu táo mà thiết tha sâu lắng nhân tình, tự nhiên ngẫu hứng mà trau chuốt công phu. Chiếc áo mộc mạc, giản dị đã khiến sự ngang tàng tếu táo trong thơ ông không phải là biểu hiện của cái tôi cá thể ngông nghênh mà nặng trĩu nỗi đau nhân thế, khiến chất hiện đại trong thơ ông mang hơi thở của cuộc sống đời thường. Với phong cách độc đáo ấy, Nguyễn Duy đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và thuộc hàng ngũ các nhà thơ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng “làm thay đổi thi pháp của thơ, tạo nên gạch nối giữa thơ hậu chiến và thơ hiện đại” và là “lực hấp dẫn” [24, tr.27] thúc đẩy ý thức cách tân ngày càng mạnh mẽ hơn của thơ trẻ chúng ta hôm nay. Tìm hiểu về ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy, tác giả khóa luận còn nhận thấy Nguyễn Duy ngoài sáng tác thơ trữ tình, ông còn làm báo, viết tiểu thuyết, phóng sự, sáng tác lịch thơ, tranh thơ, tổ chức những cuộc triển lãm thơ “độc nhất vô nhị” tạo nên những hiện tượng văn hoá độc đáo. Đây cũng là một phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy cần được tiếp 17
  22. tục nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện hơn về những đóng góp và vị thế của ông trong nền thơ Việt Nam hiện đại. 1.2.2. Quá trình sáng tạo nghệ thuật Để tìm hiểu ngôn từ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy, không thể xem xét từng tác phẩm của ông mà phải nhìn nhận sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy trong gần bốn mươi năm qua như một hành trình mà mỗi tác phẩm chỉ là một sự kiện, một mắt xích, một cột mốc trong quá trình đó. Hướng tiếp cận này sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng thể, là cơ sở quan trọng để đi sâu khám phá sáng tạo trên phương diện ngôn từ nghệ thuật trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ. Do sự tác động của hoàn cảnh lịch sử và sự vận động trong ý thức của chủ thể nhà thơ, hành trình sáng tạo của Nguyễn Duy có thể chia làm hai giai đoạn: trước 1975 và sau 1975. Sở dĩ chúng tôi phân chia như vậy là vì sau những năm tám mươi, thơ Nguyễn Duy mới thực sự có những chuyển biến đáng kể. Sự chuyển biến đó thể hiện ở tất cả các cấp độ: đề tài, hình tượng nghệ thuật, thể loại, ngôn ngữ và giọng điệu, ở bài viết này, tác giả khóa luận chỉ chú ý đến cấp độ ngôn ngữ, nhưng cũng xin lưu ý là: sự chuyển biến trong sáng tác của Nguyễn Duy trước và sau năm 1975 chỉ là sự chuyển biến mang tính tiếp nối, không phải là những bước ngoặt đưa thơ ông rẽ sang những hướng đi khác, bởi về cơ bản, quan niệm nghệ thuật của ông luôn nhất quán dưới sự chi phối mạnh mẽ của triết lý nhân sinh: “Ta là dân - vậy thì ta tồn tại”. 1.2.2.1. Giai đoạn trước 1975 Khi đang theo học năm thứ nhất tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1971-1972), Nguyễn Duy đã lọt vào “con mắt xanh” của nhà phê bình Hoài Thanh và được ông chọn một chùm thơ giới thiệu trên Tuần báo Văn Nghệ. Đó chính là chùm thơ sau này đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ 1972-1973 của Tuần báo Văn nghệ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre 18
  23. Việt nam (sau đó in trong tập Cát trắng), đã được đưa vào sách giáo khoa học sinh phổ thông. Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Nguyễn Duy: “ Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại ” [25, tr.36] (Báo Văn nghệ, ngày 14-4-1972). Lời nhận xét đó của Hoài Thanh vừa như là nói ra cái đặc điểm của thơ Nguyễn Duy vừa như là một định hướng nghệ thuật cho thơ của ông. Nguyễn Duy chỉ có một tập thơ được xuất bản trong thời gian chiến tranh, đó chính là tập Cát trắng (1973). Theo đó có thể chia thơ Nguyễn Duy thành hai phần: phần viết về chiến tranh và phần viết về cuộc sống thời bình. Trong chiến tranh, thơ ông luôn có mặt ở những nơi địa đầu tuyến lửa: ngã ba Đồng Lộc, địa đạo Vĩnh Linh, thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Đầu Mầu Dù “bom đạn thi nhau vằm mặt đất” nhưng “sâu trong lòng đất” Nguyễn Duy vẫn làm thơ (Bên hàng rào Ai Tử), vẫn cao khúc hát “bài hát của cây”, “bài hát của trời”, “bài hát của sông”,”bài hát của ta” (Lời ru trong bão) Nỗi khổ tâm lớn nhất của nhà thơ trẻ khoác áo lính khi ấy là: Thần chiến thắng tung cánh bay phản lực thần thi ca lóc cóc vó ngựa già thơ hổn hển bơi theo dòng sự kiện sự kiện khổng lồ nuốt chửng mọi lời ca (Theo dòng thời sự) Cũng như những nhà thơ cùng thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, thơ Nguyễn Duy giai đoạn này có những hạn chế nhất định, đó là sự “bề bộn, ngồn ngộn chất liệu của hiện thực”, “có khi vì thế mà nó ôm đồm, 19
  24. tham lam, thậm chí còn sống sượng, còn bê nguyên xi sự kiện nguyên mẫu vào trong thơ như quặng chưa kinh qua lò luyện ở nhiệt độ cao” [3, tr.104]. Nhưng trong hoàn cảnh đối mặt với cái chết, hơn bao giờ hết, mỗi bài thơ của Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh thực sự “được bảo đảm bằng máu” (Hữu Thỉnh, là “một sự dấn thân hết mình” [15, tr.45]. Sau này, khi viết về Thế hệ những nhà thơ Cách mạng, Thanh Thảo đã tâm sự: “Chiến tranh là một trải nghiệm khốc liệt mà chắc chắn không ai muốn, nhưng rồi khi phải đối đầu với nó, phải ngập chìm trong nó, người ta có thể coi những bài thơ rất bình thường viết được trong chiến tranh như những bát cơm đã nuôi mình khi đói, như hớp nước cuối cùng trong bi đông mà mình đã xẻ chia cùng đồng đội, lại như một ân sủng mà mình tình cờ nhận được” [16, tr.4]. Tiếng nói của người trong cuộc giúp ta càng thấm thía hơn sự kiên trì bền bỉ vượt lên bom đạn của những nhà thơ chiến sĩ và giá trị của những bài thơ ra đời trong khói lửa chiến tranh. Trong tập thơ viết về chiến tranh, Nguyễn Duy thiên về lối thơ chính luận. Dù đã có nhiều sáng tạo và cũng để lại một số bài thơ đặc sắc (Tre Việt Nam, Đò Lèn, Hơi ấm ổ rơm ) nhưng thơ Nguyễn Duy giai đoạn này có đặc điểm là ngay ngắn, nghiêm túc, chuẩn mực, chưa thể hiện hiện đúng phong cách đặc trưng của Nguyễn Duy. Ngay chính tác giả cũng không vừa ý với lối thơ đó của mình: “Ta quàu quạu học đòi triết gia táo bón - những câu thơ nhăn nhó nhọc nhằn” (Bao cấp thơ). Tuy vậy, ở giai đoạn này Nguyễn Duy vẫn để lại dấu ấn rất riêng, đó là sức sống mãnh liệt của một hồn thơ luôn gắn bó với đồng ruộng, cỏ cây và khả năng nhạy cảm đặc biệt trước cái đẹp. 1.2.2.2. Giai đoạn sau 1975 Chuyển sang thời bình, Nguyễn Duy phải đối mặt với một thử thách khác: sự ngổn ngang, bề bộn, phức tạp của cuộc sống đời thường. Những câu thơ sau của Nguyễn Duy đã ghi lại được phần nào những “ngày gian khổ” ấy: 20
  25. Lương tháng thoảng qua một chút hương trời đồng nhuận bút hiếm hoi gió lọt vào nhà trống vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm không có cái sợ nào bằng cái sợ sinh con (Bán vàng) Nguyễn Duy không thuộc loại nhà thơ “ngợi ca” hay “im lặng”. Ông không tiếp tục sống trong hào quang của chiến thắng vì ông quan niệm “tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng”, nhưng ông cũng không thu mình vào cuộc sống gia đình, lãnh đạm với thế sự bởi điều ông sợ nhất là “lòng trống trải dửng dừng dưng ” (Từng trải). Ngược lại, với ông, người cầm bút không thể “nhỏ giọt dòng thơ không dễ dãi” mà phải “đêm đêm thao thức như cây chổi quét đường” (Mười năm bấm đốt ngón tay). Mà ngòi bút của Nguyễn Duy tựa như cây chổi thật, bởi ông đã “quét” ra ánh sáng những sự thật đau lòng của xã hội ta lúc bấy giờ: con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng thóc bỏ mục ngoài mưa thiếu xăng dầu vận chuyển phà Cần Thơ lê lết người ăn xin (Đánh thức tiềm lực) Sau 1986, phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên sự chuyển động mới của văn học. Trong điều kiện mới ấy, thơ Nguyễn Duy lại càng là “cây chổi” không mệt mỏi. Bài thơ Nhìn từ xa Tổ quốc của ông thực sự là những “câu thơ tuẫn tiết” vì đã tháo tung mọi ràng buộc, để sự thật đắng cay trần trụi phơi bày trước mắt mọi người: “Xứ sở thông minh / sao thật lắm trẻ con thất học / lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương / Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt / tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp / tuổi thơ bay như lá ngã tư đường”.Nguyễn Duy đã viết nhiều những câu thơ như vậy ngay 21
  26. trong thời buổi “tờ giấy mỏng manh che chở làm sao được / mỗi câu thơ chống đỡ mấy mạng người” (Bán vàng). Đúng là ông đã lấy sinh mạng chính trị của bản thân và gia đình để bảo đảm cho thơ. Như vậy, quá trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Duy là một hành trình kiên trì bền bỉ trước sau như một, luôn vượt lên mọi hoàn cảnh để sáng tác. Một trong những yếu tố quan trọng giúp ông có được sự bền lòng ấy chính vì ông luôn xác định vị thế của mình: “Cứ chìm nổi với đám đông” (Bao cấp thơ), nghĩa là khi cất lên tiếng nói của người dân, ông luôn tin tưởng vào sự tồn tại của đời mình, của thơ mình: “Ta là dân - vậy thì ta tồn tại”. Quá trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Duy còn là cuộc hành trình từ “xó bếp” đến thế giới hay hành trình của “giọt nước” ra “biển cả” (Dòng sông Mẹ). Đó cũng là hành trình từ xứ lạ trở về với quê nhà hay hành trình của “dòng nước trôi đi giọt nước lại rơi về” (Sông Thao). Vương Trí Nhàn gọi đây là: “Cuộc trở về không ảo tưởng” - “trở về với giá trị cội nguồn” [17, tr.262]. Ngay từ năm 1986, ông đã viết: “Giọt nước có biệt tăm ngoài biển cả / Ngày ngày / Làm mây bay về nguồn” (Dòng sông Mẹ). Nhưng trong và sau những chuyến đi xa quê hương đất nước, môtíp “trở về” xuất hiện nhiều hơn: “Thôi ta về với mình thôi / Chân trời đành để chim trời nó bay” (Đường xa); “Rơm rạ ơi ta trở về đây” (Về đồng) Cái đích trở về thì chỉ có một: gia đình, quê hương, nhân dân, Tổ quốc, nhưng con đường trở về của mỗi người thường không ai giống ai. Ở Nguyễn Duy, sự trở về ấy đã diễn ra như thế nào? Muốn hiểu rõ hơn về một Nguyễn Duy trong Đường về, không thể không bắt đầu từ một Nguyễn Duy trong Đường xa. Bàn về quá trình sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, Nguyễn Duy - người làm thơ ấy đã được biết tới rộng rãi trong những năm từ 1975 về trước, nhưng chỉ đến giai đoạn sau, cái “tiềm lực” trong thơ Nguyễn Duy mới thực sự được đánh thức. Đó là cái chất tài tử, chất bụi bặm, là khả năng điều khiển ngôn từ 22
  27. như một diễn viên xiếc tài năng đang điều khiển cây gậy để lấy thăng bằng Nói như thế không có nghĩa rằng thơ Nguyễn Duy ở giai đoạn sau lại kém chất triết lý, những câu thơ hay, còn lại với đời luôn bao hàm những ý nghĩa triết lý sâu sắc, chỉ có điều những triết lý ấy không còn bộc lộ dưới dạng trực tiếp, khô khan mà đã được chuyển hóa qua ngôn ngữ của đời thường, nhiều khi mang vẻ nôm na nhưng vẫn không kém phần thâm thúy. Đúng như người bạn vong niên của tác giả là nhà văn Nguyễn Quang Sáng (trong bài viết in ở cuối tập Mẹ và em) đã nhận xét: “thơ Nguyễn Duy hồi ấy còn non nớt, mà tác giả thì còn trong cơn trăn trở tìm tòi”. Cuộc tìm tòi này kéo dài liên tục qua các tập Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đường xa (1990). Giờ đây, với tập Về từ chỗ pha giọng, chập chững, mày mò, nhà thơ đã đi tới một giọng thơ có nhiều phẩm chất thuần nhất: Dân dã mà hiện đại, từng trải dạn dày song lại run rẩy tinh tế, cay đắng ngậm ngùi ngay trong khi cười cợt đắm say, lam lũ dông dài mà vẫn có những nét cao sang riêng, thơ Nguyễn Duy từ sau những năm 90 gợi ra một bản sắc đã chín, đã định hình ở đó có tất cả những phóng túng nồng nàn, lẫn những ngang trái khó chịu mà đã yêu thơ Nguyễn Duy người ta phải biết chấp nhận. 23
  28. CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN DUY 2.1. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy giản dị, đời thường 2.1.1. Kết hợp ngôn ngữ thơ ca dân gian và ngôn ngữ đời sống Như chúng ta đã biết, xét về phương diện ngôn ngữ, các nhà thơ trẻ trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước vốn có nhiều tìm tòi và sáng tạo mới, họ đã thực sự đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ thơ ca hiện đại Việt Nam. Trong đó, ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy cũng là một hiện tượng nổi bật. Bàn về ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy không thể không xét đến yếu tố giản dị, đời thường trong thơ ông. Có thể nói, những cách tân từ phong trào Thơ mới đã mở đường cho thơ ca Việt Nam tiến đến gần gũi với ngôn ngữ đời thường, những giao tiếp hàng ngày. Lời thơ không còn xa lạ, khoảng cách, mà ngược lại đã gần hơn với văn xuôi, với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nguyễn Duy đã tiếp nhận lối nói của thơ ca dân gian, của đời sống để làm giàu có cho ngôn ngữ thơ mình: Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm Bà mẹ đón tôi trong gió đêm - Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ (Hơi ấm ổ rơm) Trả về cho thơ cái giản dị của ngôn ngữ đời thường, Nguyễn Duy còn giúp bạn đọc có thể hình dung ra cái tự nhiên, giản dị về một “biểu tượng” của làng quê Việt: Tre xanh Xanh tự bao giờ? Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh 24
  29. Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên lũy nên thành tre ơi? Ở đâu tre cũng xanh tươi Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu (Tre Việt Nam) Đó là những câu thơ mang chất liệu của khẩu ngữ tự nhiên, nhưng không hề thô, bởi lẽ, nó được kết nối chặt chẽ theo một tư tưởng chủ đạo của nhà thơ. Nhờ có sự gia công nghệ thuật được thể hiện ở cách lập tứ thơ, ở cách chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu, điển hình, những câu thơ ấy đã chuyển hóa thành ngôn ngữ thi ca thực sự. Đó không phải là những kiểu nói nôm na thông thường, mà đằng sau những ngôn từ bình dị, tự nhiên ấy là cái đẹp cao cả: sự gan dạ, kiên cường, dũng cảm bất chấp mọi khó khăn của tự nhiên, nhưng những hàng tre ấy vẫn luôn kiên cường mãi xanh tươi, nên thành, nên lũy và đằng sau “biểu tượng” của làng quê Việt ấy nhà thơ muốn nói đến là vẻ đẹp cao cả của người dân Việt, cũng kiên cường, bất khuất như chính lũy tre xanh kia. Nguyễn Duy còn đưa vào thơ rất nhiều những ngôn ngữ của cuộc sống hàng ngày, với lối diễn đạt khẩu ngữ và lối đối thoại trong thơ. Nhờ đặc điểm này, thơ ông trở nên bình dị, mang nét khỏe khoắn, trong sáng, hồn nhiên gần gũi với lối nói dân gian. Hơn nữa, nhờ đối thoại, thơ ông vừa tự nhiên, vừa có chiều sâu tâm trạng. Trong rất nhiều bài thơ, Nguyễn Duy đã thể hiện được đặc điểm này: Chiều đang xanh thẳm một màu tự dưng lộp độp ngang đầu - ồ mưa tiếng em như tiếng gió lùa (Mưa trong nắng, nắng trong mưa) 25
  30. Lời đối thoại dùng cả khẩu ngữ đem lại cho bài thơ nét khỏe khoắn, tự nhiên, giúp cho việc biểu lộ tâm trạng nhân vật trữ tình được sinh động. Trong thơ Nguyễn Duy, có những bài thơ ông tạo ra những giọng nói khác nhau, khiến cho thơ mang dáng dấp như những cuộc tranh cãi đối thoại hàng ngày ở chính ngoài đời sống thực, tất nhiên trong thơ, nó thể hiện trong phạm vi ước lệ của ngôn ngữ thơ. Nói như Nguyễn Quang Sáng: “Lời thơ đơn sơ, gần với khẩu ngữ. Kỹ thuật trong nghệ thuật ngôn từ là ở chỗ nó xuyên qua, bay qua khoảng nhiễu xạ rối rắm của hình thức khoa trương, hoa mỹ và giả rỗng để đạt tới sự giản dị trong sáng vốn là chuẩn mực”. Nguyễn Duy đã kết hợp ngôn ngữ thơ ca dân gian xưa và ngôn ngữ đời sống để tạo nên một bản ngôn từ mới, độc đáo, khác lạ nhưng phù hợp với cái “xô bồ” đang diễn ra ở hiện tại. Đọc thơ Nguyễn Duy nhiều khi ta thấy ông dùng lối nói dân gian đến độ chua ngoa: Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ ợ lên thum thủm cả tim gan (Nhìn từ xa Tổ Quốc) Trong ngôn ngữ dân gian xưa thường lựa chọn các hình ảnh tượng trưng, dù là mạnh bạo cũng chỉ đến mức: Hôm qua tát nước bên đình bỏ quên cái áo trên cành hoa sen. cũng lối nói ấy khi đưa vào trang thơ Nguyễn Duy thì không chỉ là mạnh bạo, mà trở nên chua ngoa, đanh đá hơn. Cái lối nói chua ngoa đầy dân dã của Nguyễn Duy cũng không phải bằng những ngôn từ truyền thống mà bằng ngôn từ rất hiện đại. Có thể nói không ngoa rằng đó là lối nói của dân bụi, dân @ thứ thiệt: Lại đi đưa những đám ma từ ngữ xác chữ chôn đầy nghĩa địa giấy vô hình (Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ) 26
  31. Ngoài ra, Nguyễn Duy còn rất thích dùng lối ẩn dụ. Đôi khi, nói trực tiếp không đem lại hiệu quả bằng cách nói ẩn dụ này của ông: Thuyền vỏ trấu mỏng manh ba chìm bẩy nổi khúc dân ca cũng bèo dạt mây trôi hạt gạo nõn nà gày đi vì thiên tai (Đánh thức tiềm lực) Các cụ ta xưa dùng lối nói ẩn dụ, mượn cây đào, cây mận để nói về tình yêu một cách trang trọng và tế nhị nhưng không kém mượt mà tha thiết: Bây giờ Mận mới hỏi Đào vườn hồng đã có ai vào hay chưa. Trong khi đó, Nguyễn Duy mượn cái bóng của mình để nói cái sợ hãi vô hình theo gót, ám ảnh con người ta suốt những năm tháng muốn nói, muốn thét lên sự thật mà không dám: “A xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng/ bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà”. Rồi anh tự hỏi: “Ai? Không ai/ Vết bầm đen ngửa mặt lên trời” “Ai? Không ai/ Vết bầm đen tọa thiền”. Lối nói ẩn dụ của Nguyễn Duy khác hẳn các cụ ta trước đây, nó bặm trợn, ngổ ngáo, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại: “Đêm huyền hoặc/ dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác/ mắt xanh lè lạnh toát lửa ma trơi” (Nhìn từ xa Tổ Quốc). Trong kho tàng ngôn ngữ thơ ca dân gian tồn tại nhiều cách nói, lối nói, trong đó có kiểu nói ghẹo. “Ghẹo” vốn là một thể trong lối hát dân gian (hát xoan, hát ghẹo), đi vào thơ Nguyễn Duy đã trở nên biến hóa lạ thường. Trong cuộc sống lao động, lối hát ghẹo, nói ghẹo chính là tiếng cười tạo nên sự lạc quan của con người. Còn gì vui vẻ hơn khi đang lao động mệt nhọc lại được nghe những lời chòng ghẹo, đùa cợt ưỡm ờ rồi bật lên những tràng cười sảng khoái. Nguyễn Duy cũng thế, cái lối nói “cà chớn” ấy ngấm vào ông, ông đùa cợt với cả thánh thần, với cả những vật vô tri và cợt nhả với ngay chính mình: 27
  32. Ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở (Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ) Có thể thấy rằng, lối nói cà chớn (ghẹo) của Nguyễn Duy đậm chất bụi của thời đại. Ông đã làm cho tiếng Việt trở nên sống động, lạ lùng: Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra Mắt vấn đề tét tai vấn đề ù bất an vấn đề giấc ngủ Hoặc trong bài Xẩm ngọng, trên cái nền nhạc “tưng tửng từng tưng”, “tinh tỉnh tình tinh”, “tang tảng tàng tang” nửa như đùa cợt, nửa như phá phách, Nguyễn Duy đã liệt kê mười lăm kiểu xúc phạm ngược đời: “Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm”, “Kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng”, “Người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau” Đó là sự khái quát, cách điệu hiện thực xô bồ, phức tạp mà nhà thơ phải đối mặt. Không thể trần trụi, gay gắt, mạnh mẽ quyết liệt như phóng sự ra đời trong những năm tám mươi của thế kỷ XX, nhưng cũng không như các nhà thơ khác thường chú trọng đến nội dung trữ tình, với những bài thơ trên, Nguyễn Duy đã làm sống lại, làm mới lại loại lục bát tuyền thống thể hiện tinh thần phản kháng của ông cha ta thuở trước, đem vào lục bát thời hiện đại một nội dung mới: nội dung thế sự, để song hành cùng những ngôn từ rất “đời” kia là những vấn đề cũng rất “đời”. Vận dụng ngôn ngữ thơ ca dân gian vào trong sáng tác của mình, Nguyễn Duy không chỉ thể hiện tài tình ở các thể thơ 5 chữ, 7 chữ hay thể thơ tự do, mà đặc biệt, ngòi bút của Nguyễn Duy đã sử dụng thành công khi đưa ngôn ngữ dân gian kết hợp với thơ lục bát của ông. Cũng như lục bát của Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tố Hữu, lục bát Nguyễn Duy cũng đậm đà chất ca dao dân ca. Cùng sinh ra từ nguồn cội ấy, 28
  33. nhưng nếu lục bát Tản Đà chắt lọc chất ỡm ờ tình tứ, lục bát Huy Cận trở về với âm điệu nhẹ nhàng trầm lắng, lục bát Nguyễn Bính thừa hưởng trọn vẹn cả giọng than lẫn giọng ghẹo cùng cách đo đếm thời gian bằng thước đo “từ trừu tượng đến siêu hình” [18, tr.180] và cách đan chữ nhuần nhụy, lục bát Tố Hữu kế thừa giọng tâm tình ngọt ngào thiết tha thì lục bát Nguyễn Duy đậm đà chất ca dao bởi lối “tập ca dao” độc đáo. Qua cách mượn ý hoặc dùng nguyên vẹn cả câu ca dao xưa, Nguyễn Duy đã trộn lẫn thơ ông vào ca dao, tạo nên những ý thơ vừa quen thuộc vừa mới lạ: “Nhìn về quê mẹ xa xăm / lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa / ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa / miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Ông còn vận dụng linh hoạt lối “nói ngược” của thơ ca dân gian vừa tinh nghịch vừa chua cay: “Siêng làm xúc phạm phàm ăn / kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng” (Xẩm ngọng) và sử dụng phép trùng điệp vốn thường gặp trong ca dao để thể hiện những xúc cảm mãnh liệt: “Rừng xanh chết trắng một thời / cây giơ xương trắng lên trời mà ghê” (Giấc mộng trắng) Như vậy, trong khi các nhà thơ khác thường nghiêng về phía uyển chuyển, mềm mại, óng ả của ca dao thì Nguyễn Duy lại có xu hướng chọn sự gai góc, táo bạo của ca dao truyền thống để viết những Khúc dân ca của riêng mình. Nhưng với Nguyễn Duy, sự trở về với cội nguồn chỉ là chiếc neo nối cánh diều lục bát Nguyễn Duy với mặt đất truyền thống. Những cách tân độc đáo “cãi lại vẻ êm dịu mượt mà vốn có của câu hát ru truyền thống” [2, tr.202] mới chính là yếu tố quan trọng tạo nên nét riêng độc đáo của lục bát Nguyễn Duy. Như vậy, việc vận dụng lối nói của thơ ca dân gian vào trong sáng tác của mình, đặc biệt là đưa vào trong ca dao càng làm cho ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy trở về gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Điều đó tạo nên chất thơ giản dị mà khỏe khoắn, tự nhiên. Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy không những giản dị, đời thường mà 29
  34. thậm chí có lúc trở nên táo bạo. Cách sử dụng từ ngữ của Nguyễn Duy vừa có hiệu quả cao trong cách thể hiện lại vừa khẳng định tài năng của nhà thơ. Những đại từ được dùng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày như: mình, ta, anh, em, ai, đó, đây vốn xuất hiện nhiều trong ca dao nay lại được Nguyễn Duy sử dụng. Các đại từ này vừa gần gũi lại khiến thơ ông in đậm dấu ấn làng quê, tạo cho người đọc cảm giác như thấy nhà thơ đang trò chuyện với chính mình, vừa giúp cho đối tượng được miêu tả trực tiếp có giá trị biểu hiện cao hơn. Chẳng hạn các đại từ “anh”, “em”, “mình”, “ta” giúp nhà thơ thể hiện tình cảm vợ chồng thủy chung, gắn bó, hương vị tình yêu say đắm, ngọt ngào: em vẫn nơi đầu trời đợi anh nơi cuối đất (Tình ca nơi cuối đất) Trong thơ Nguyễn Duy, đại từ “ai” xuất hiện rất nhiều. Nó được dùng cho cả đối tượng cụ thể và phiếm chỉ. Cụ thể như đại từ “ai” chỉ người lính: Tôi giật mình nghe có ai nói ở cành me: Sắp về! (Nghe tắc kè kêu trong thành phố) “ai” là người dân: Nhà tôi đó, không cổng và không cửa ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào (Cầu Bố) Ở một số bài thơ khác, “ai” lại được dùng với ý nghĩa phiếm chỉ: Bưởi nhà ai nở sau vườn gió bâng quơ thả làn hương giữa trời (Xuồng đầy) 30
  35. Có những đại từ xuất hiện với tần số tương đối cao, tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Duy cũng có những đại từ xuất hiện rất ít nhưng lại để được ấn tượng vô cùng độc đáo: Quán cơm âm phủ còn không - cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa (Hỏi thăm) chỉ một đại từ “cô” xuất hiện nhưng đã thể hiện được nét hóm hỉnh, dân dã. Như vậy, việc sử dụng nhiều đại từ trong thơ cũng là cách đưa thơ về gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, nhờ đặc điểm này mà thơ Nguyễn Duy trở nên dễ hiểu, bình dị mà sâu lắng. Với Nguyễn Duy, hiện thực cuộc sống đất nước chính là chiếc nôi nuôi dưỡng hồn thơ ông, cho ông vốn ngôn từ phong phú, đa dạng và trong sáng, đậm đà màu sắc dân gian. Ông không những đưa vào trong thơ những lời ăn, tiếng nói hàng ngày của nhân dân, mà còn tái hiện lại bức tranh đời sống bằng những ngôn từ hết sức dân dã, đời thường. Cùng với hướng tiếp cận đời sống và thể hiện cảm xúc, ta còn bắt gặp trong thơ Nguyễn Duy những từ ngữ chỉ địa danh, những tên đất, tên sông, tên làng,tên cầu, tên người cụ thể: sông Lam, Bến Thủy, Cam Lộ, Long Hưng, Đông Hà, Đò Lèn, Cầu Bố, Lam Sơn, mẹ Triệu Phong, cô gái Hải Lăng Thứ ngôn ngữ định danh này có sắc thái biểu cảm đặc biệt, người đọc như được cùng hòa mình vào cảm xúc chung của dân tộc trên bao vùng đất. Nói như Chế Lan Viên: “chỉ có cái tên thôi cũng đủ chấn động lòng rồi”. Đó có khi là một Hà Nội uy nghiêm, cổ kính, thanh lịch, nhưng cũng có lúc lại là một xứ Huế trầm tư, thơ mộng: Tôi về xứ Huế mưa sa Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa (Nhớ bạn) 31
  36. Hay hình ảnh Đò Lèn trong thơ Nguyễn Duy hiện lên với bao nỗi vất vả, nhọc nhằn, cơ cực của người bà và đã gợi lại trong độc giả một tuổi thơ êm đềm của nhân vật trữ tình: Bà mò cua bắt tép ở Đồng Quan Bà đi gánh chè xanh Ba Trại (Đò Lèn) Chất văn xuôi trong thơ Nguyễn Duy cũng được gia tăng, tạo cho ngôn ngữ thơ sắc thái mới, nói như Anh Ngọc: “Những câu thơ mấp mé văn xuôi nhưng vẫn ở bên này ranh giới, mang theo đặc điểm thẩm mỹ riêng của hiện thực lại vừa của chất thơ thi vị”. Trong thơ Nguyễn Duy lại có những bài thơ được hình thành là do nội dung tình cảm quyết định. Đọc lên nghe thoải mái, người đọc hình như lãng quên đi hình thức câu của câu thơ mà chỉ chăm chú theo dõi sự diễn biến của cảm xúc trong đó. Phụ thuộc vào những cung bậc tình cảm khác nhau, nên những câu thơ của ông có nhiều dạng thức và không sa vào công thức. Có những bài thơ mang dáng dấp văn xuôi, nhưng đọc lên người ta thấy vẫn chan chứa chất thơ. Bài Hơi ấm ổ rơm Nguyễn Duy với cách kể nhẹ nhàng, tự nhiên, bài thơ tưởng như rất gần với văn xuôi nhưng vẫn chan chứa chất thơ trong đó: Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng Tóm lại, bằng cách kết hợp ngôn ngữ thơ ca dân gian Nguyễn Duy đã đưa vào thơ những ngôn ngữ rất gần gũi, giản dị, đời thường, những đại từ xưng hô rất quen thuộc của lời ăn, tiếng nói hàng ngày. Từ đó tạo cho thơ khả năng tái hiện hiện thực thật sinh động, phong phú và khơi nguồn cho những giá trị dân tộc được phát huy. Nguyễn Duy đã đưa bạn đọc đến một thế giới vừa bình dị, trong sáng, vừa sinh động, gợi cảm. 32
  37. 2.1.2. “Lạ hóa” ngôn ngữ đời thường Sáng tạo ngôn ngữ thơ ca là sự phấn đấu không ngừng của mỗi nhà thơ chân chính. Đồng thời đó cũng là một công việc vô cùng gian khổ. Nói như Maiacopxki: quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng Radium lọc lấy tinh chất, tìm ra trong cái bề bộn của những tấn quặng những từ đẹp, ánh sắc kim cương Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ luôn có ý thức trong việc sáng tạo ngôn ngữ thơ và thực sự ông đã có những đóng góp nhất định đối với nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Thực tiễn sáng tạo ngôn ngữ thơ rất đa dạng và phong phú, nổi lên trong thơ Nguyễn Duy là sự vận dụng những yếu tố truyền thống như thể thơ, giọng điệu, các thủ pháp tu từ nghệ thuật để làm mới cho thơ mình, nổi bật, đó là sự sáng tạo làm “lạ hóa”, “thơ hóa” ngôn ngữ đời thường. Khi nghiên cứu ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy trong khoảng mười năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã rất chú ý đến sự cập nhật loại ngôn ngữ có tính chất “cơm bụi”, “vỉa hè” trong thơ ông và cho rằng đây là một đột biến mới lạ, thể hiện khuynh hướng “cơm bụi hoá” trong thơ. Thực ra đây không phải là sự chuyển biến bất ngờ, mà chỉ là sự nối dài khuynh hướng đưa ngôn ngữ thơ trở về gần với ngôn ngữ đời thường vốn đã xuất hiện trong thơ ông từ những giai đoạn đầu của hành trình sáng tạo. Chỉ có điều, trước đây, các yếu tố của ngôn ngữ đời thường xuất hiện trong thơ ông thường là những thán từ: ơ hay, ơ kìa, chao ; những từ hô gọi: ai ơi, em ơi, tre ơi, lúa ơi, người ơi ; những từ đưa đẩy: cho dù, là thế đấy, đã đành ; phương ngữ của nhiều miền đất: siêng, ước chi, hà tiện, không răng, xả láng ; hoặc sự vận dụng rất nhuần nhuyễn thành ngữ, ca dao: Năm qua đi, tháng qua đi Tre già măng mọc có gì lạ đâu (Tre Việt Nam) 33
  38. Và nhiều khi là nguyên vẹn những đối thoại đời thường: - Răng mà khóc, con ơi (Bà mẹ Triệu Phong) - Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ (Hơi ấm ổ rơm) Những năm sau này, ông lại tiếp tục đưa thơ về gần với cuộc sống đời thường hơn nữa bằng việc cập nhật rất nhiều những từ ngữ mang tính chất “bụi bặm”, “vỉa hè” như động cỡn: “vu vơ động cỡn tâm thần tâm linh” (Bao cấp thơ), siêu: “yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người” (Kính thưa Thị Màu), vô tư: “vô tư thế chấp đời người” (Vô tư), ngoẻo: “loài Thánh ngoẻo lâu rồi” (Thắp nhang và khấn), cực kỳ, cực nhớ, cực thèm, cực ngon, cực nhẹ (Cơm bụi ca), miếng ăn chùa (Ngọt ngào) Và có nhiều câu thơ của ông như là sự lắp ghép ngôn ngữ đời thường bởi như còn giữ nguyên sự thô tháp, sống sít, chua ngoa, sỗ sàng của thứ ngôn ngữ nơi vỉa hè, chợ búa: Giường bụi vãng lai chợ đài thọ Chí Phèo yêu Thị Nở Phản hàng thịt tênh hênh nhằng nhịt vết dao nhờn nhợn mỡ (Liền anh đi chợ) Với loại ngôn ngữ trên, thơ Nguyễn Duy không chỉ nằm trong khuynh hướng chung “đưa ngôn ngữ thơ trở về gần với ngôn ngữ đời sống” (Trần Đăng Suyền), “gần với tiếng nói hàng ngày tự nhiên, bình dị, sinh động” (Nguyễn Văn Long) của thơ Việt Nam hiện đại mà ông còn đưa thơ về gần hơn nữa với một lớp người vốn chiếm số lượng không nhỏ trong thời buổi hiện nay đang lấm trong trong cuộc mưu sinh bên lề công cuộc đô thị hoá, công nghiệp hoá. Họ là những nông dân ở vùng quê nghèo khó lên thành phố thử vận may, những cư dân ở đô thị nhưng không chen chân vào ngạch công chức, trong đó có không ít những cử nhân, tú tài thất cơ lỡ vận. Ngôn ngữ của họ không hoàn toàn thuần nhất mà mang tính hỗn hợp : vừa quê mùa vừa phố 34
  39. thị, vừa hài hước, ngang tàng ngổ ngáo vừa uyên thâm. Nếu Lê Đạt khổ công săn tìm “bóng chữ”, thì Nguyễn Duy đã nhặt nhạnh chính thứ ngôn ngữ đời thường ấy để viết nên những trang thơ. Với Nguyễn Duy, đây không phải là trò chơi ngôn ngữ mà xuất phát từ tâm niệm: “Với tôi, làm thơ là sự góp nhặt ngôn ngữ đời thường bởi vì một trong những tiêu chuẩn của ngôn ngữ văn học là phải tự nhiên”. Đây cũng là một hướng thử nghiệm kiên trì, bền bỉ: Tôi nhặt nhạnh li ti bụi chữ Đốt lò tâm linh chơi trò chơi luyện thơ (Rơi và nhặt) Em ạ người thơ chịu án khổ sai thơ Nhạc hư ảo khiêu vũ từ ngữ (Khiêu vũ) Sự “góp nhặt”, trò chơi “luyện thơ”, cuộc “khiêu vũ với từ ngữ” ấy thực chất chính là sự thơ hoá ngôn ngữ đời thường. Đây là loại ngôn ngữ rất sinh động nhưng được sử dụng trong diện rộng nên dễ “đóng băng”, sớm trở nên công thức, đơn điệu, và nếu nhà thơ không khéo léo trong việc dụng chữ, lời thơ sẽ trở nên nôm na, dễ dãi, thậm chí còn trở thành trò đùa suồng sã khó lòng được chấp nhận. Nhưng Nguyễn Duy đã vượt qua rào cản ấy bằng cách tái tạo lại, cấp cho những từ ngữ đời thường ấy những nghĩa mới. Những từ đưa đẩy vốn chỉ có chức năng tạo nét dư trong giao tiếp khi đi vào thơ Nguyễn Duy bỗng trở nên nặng trĩu cảm xúc, suy tư: Này em buồn mà làm gì Thời trong leo lẻo lỡ đi qua rồi Cái thời loang lổ đang trôi Thôi thì thong thả tới thời trắng tinh (Thời gian) 35
  40. Nếu không có những từ “này em”, “thôi thì”, làm sao Nguyễn Duy có thể tạo ra một giọng điệu tâm tình vừa điềm đạm vừa pha chút đắng cay tiếc nuối khi ông chiêm nghiệm về thời gian. Đối với những ngôn ngữ có tính chất “bụi bặm”, “vỉa hè”, Nguyễn Duy lại tiếp tục làm người đọc ngỡ ngàng vì nhà thơ đã thổi vào tính “cực bụi” những cảm xúc “cực nghiêm” nhưng cũng thật mãnh liệt, chân thành. Đó là sự giật mình sực tỉnh giữa cuộc vui: Mải ham hố chén u mê Hư vô chặn mất lối về như chơi (Chút thu vàng) Nguyễn Duy thực sự đã “thơ hoá” được ngôn ngữ “cơm bụi” trong sáng tác của mình. Nhiều khi, ngôn ngữ ấy trở nên “đắc địa” đến mức dường như không thể dùng từ ngữ nào khác để thay thế nó. Chẳng hạn như từ “quá trời” trong câu: Mùa đông đi để lại rùng mình Em để lại tôi quá trời sương muối (Vết thời gian) Nếu thay từ “quá trời” bằng các từ khác như: quá nhiều, một trời, cả trời thì làm sao diễn tả được tiếng kêu bàng hoàng, thảng thốt, đau đớn của người đàn ông thất tình. Tuy nhiên, không phải lúc nào Nguyễn Duy cũng thành công trong vai trò của nhà “luyện thơ” giàu kinh nghiệm và một vũ công tài hoa, bởi vì đã có lúc thơ ông trở nên nôm na dễ dãi. Cũng có khi, vì bỏ qua mối quan hệ với ngữ cảnh, nên cách nói năng đời thường ấy lại tạo nên một sự phản cảm đáng tiếc. Có thể nhận thấy, sự “lạ hóa” ngôn ngữ đời thường nêu ở trên đã được nhà thơ Nguyễn Duy vận dụng một cách sáng tạo, sự sáng tạo về ngôn ngữ thơ ấy không những đem lại cho thơ ca Nguyễn Duy một cách nói mới mẻ, độc đáo mà còn đem lại cho thơ ông mang đậm hơi thở của đời sống mới, phù hợp với nhu cầu của thời đại. 36
  41. 2.2. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy giàu tính nhạc và tính tạo hình Tác phẩm văn học là nghệ thuật ngôn từ, là một bản hòa tấu vang lên từ các loại âm thanh của ngôn ngữ. Sinh thời, Hàn Mạc Tử từng tâm sự: “Tôi làm thơ? Nghĩa là đã nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”. Trong công trình Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975, Vũ Duy Thông cũng khẳng định: “Thơ sở dĩ không phải là văn xuôi, thơ là thơ bởi cách tổ chức ngôn ngữ của nó” [27, tr.129]. Sáng tạo ngôn từ thuộc về tài năng nghệ thuật của tác giả, cho nên tìm hiểu thơ Nguyễn Duy không thể không bàn đến tính nhạc và tính tạo hình trong sáng tạo ngôn ngữ thơ ông. 2.2.1. Ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc “Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Ngôn ngữ thơ là một phương tiện hình thức luôn được coi trọng, là một giá trị không thể phủ nhận trong yếu tính thơ, vì “thơ tức là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ”. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ biểu hiện tập trung nhất tính hàm xúc phong phú của ngôn ngữ, vừa giàu hình ảnh, sắc màu (tính họa) vừa giàu nhạc điệu (tính nhạc). Các đặc điểm trên hòa quyện với nhau tạo nên hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa. Nếu ngôn ngữ và hình ảnh là những yếu tố song hành thì âm điệu cũng là yếu tố đồng hành với tính nhạc. Nói một cách khác, nếu ngôn ngữ là sợi dây đàn thì nhạc tính và âm điệu là những cung bậc thanh âm ngân lên từ sợi dây đàn ấy. Việc kiến tạo âm điệu trong thơ cũng chính là kiến tạo nhạc tính. Và âm điệu cũng là chiếc cầu nối thơ với người đọc, dẫn dắt người đọc đi vào thế giới màu nhiệm của thơ ca. Là một nhà thơ ngay từ khi mới cầm bút đã khao khát muốn giãi bày những “cảm xúc và suy nghĩ trước những chuyện lớn chuyện nhỏ quanh mình”, trước những điều “người khác có thể cho là chuyện thoáng qua thì ở anh nó lắng sâu và dường như chưa dừng lại” (Hoài 37
  42. Thanh) và luôn tâm niệm thơ mình phải như tiếng đàn bầu gẩy lên “những tâm tình ở đằng sau tâm tình” (Đàn bầu), nên mặc dù ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy chứa đựng nhiều từ ngữ mang tính chất “bụi bặm”, “vỉa hè” thì ngôn ngữ thơ ông vẫn tràn trề tính nhạc. Các câu thơ của Nguyễn Duy sở dĩ “đầy nhạc” chính vì sự tập trung với mật độ cao của các “từ láy”. Nguyễn Duy đã dung hợp vào lục bát những từ láy ba, láy tư “kềnh càng” như: ngấp nga ngấp ngoáng, phấp pha phấp phới, xất bất xang bang, tưng tửng từng tưng, ngứa nga ngứa ngáy, thất tha thất thểu, toác toàng toang, mòm mom móm, xỉnh xình xinh, ễnh ềnh ệnh nhiều từ khiến Vương Trí Nhàn hồ nghi “không rõ tác giả bịa ra hay nhặt ở đâu không biết”: Ðàn kêu tưng tửng từng tưng con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu Ðàn kêu tinh tỉnh tình tinh (Xẩm ngọng) Từ láy trong thơ Nguyễn Duy xuất hiện rất nhiều, có khi một câu thơ mà dùng tới ba từ láy: Dùng dằng gió dập dềnh sương tửng tưng xe điện giật chuông cà tàng Cách dùng từ láy của Nguyễn Duy rất đặc biệt, bên cạnh những từ láy thường xuất hiện trong văn tả cảnh (lơ thơ, bùi ngùi ), Nguyễn Duy rất ưa dùng những từ láy “bụi”: thong thẹo, léng phéng, phều phào, Ngay cả khi diễn tả những tâm trạng tưởng như không lấy gì làm vui, Nguyễn Duy vẫn có thể “chèn” vào đó những từ láy rất “nghịch”: Gió chi chợt lạnh toát trời chợt khành khạch khóc, chợt cười hu hu (Washington, 12.7.1995) 38
  43. Có thể thấy từ láy trong thơ Nguyễn Duy không những xuất nhiều, mà những từ láy ấy còn luôn vận động, cựa quậy, có lúc tả cảnh, lúc lại tả tình làm cho cả cảnh và tình đều hiện lên trước mắt bạn đọc thật hấp dẫn, sinh động, thiên nhiên trong thơ dường như có linh hồn: Ban ngày chiếc lá màu xanh bóng đêm nhuộm chiếc lá thành màu đen Trăng đầy ăm ắp không trung cành cong tí tách rơi từng giọt trăng (Trăng) Phối hợp với các từ láy đó là một loạt điệp âm ở nhiều cấp độ: “ú ơ ú ớ ù ờ” (Tập ru con), “tâm toang hoác rỗng rối tinh hình hài” (Mỗi), “trời lao đao đất lao đao lờ đờ” (Thuốc lào), “yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa” (Được yêu như thể ca dao) Những từ láy và điệp âm ấy đã phá vỡ sự ngắt nhịp, phối thanh vốn cân đối hài hoà của thể thơ lục bát, khiến nhịp thơ lướt qua cả điểm dừng ngữ pháp lẫn ngữ lưu tạo nên một sự “phá phách” vỏ bọc âm luật truyền thống, in đậm dấu ấn sáng tạo hiện đại. Như vậy, sử dụng các từ láy trong thơ, Nguyễn Duy bằng cảm nhận tinh tế của mình, ông đã lắng nghe được hơi thở của thiên nhiên, nắm bắt được nhịp điệu của cuộc sống, vận dụng khéo léo, tài tình những vật liệu, hình ảnh, âm thanh để viết nên những vần thơ, câu thơ giàu hàm súc, giàu tính nhạc và đặc biệt giàu sức truyền cảm. Tiếng Việt vốn rất giàu nhạc tính. Trong nhiều yếu tố quan trọng tạo nên âm hưởng nhạc điệu trong thơ phải kể đến vần, thanh và nhịp. Trong câu thơ cũng như toàn bộ bài thơ vần, thanh và nhịp giữ một vai trò quan trọng, là biểu hiện rất đặc thù của thơ: “Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa” (Valery - nhà thơ Pháp). Thơ ca sử dụng vần lưng và vần chân, thanh bằng, thanh trắc và nhịp 39
  44. chẵn, lẻ nên thể hiện được sinh động tình cảm tha thiết, ngọt ngào của chủ thể trữ tình. Điều quan trọng là qua việc tổ chức lời thơ, tác giả thể hiện được phong cách riêng và khẳng định bản sắc của cá nhân cũng như của dân tộc mình. Nguyễn Duy bằng cảm nhận tinh tế đã lắng nghe hơi thở của thiên nhiên, nắm bắt được sự vận động của cuộc sống nên thơ ông có nhịp điệu rất riêng, tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đó có thể là vần lưng với lời thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển trải dài theo vần thơ, khiến người đọc cảm nhận được một nỗi buồn dịu nhẹ mà sâu lắng: Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ Để mang về nỗi nhớ bâng quơ (Sông Thao) Có khi đó là vần chân với cách ngắt nhịp câu thơ và lối gieo vần truyền thống, tạo được điểm nhấn cho toàn bài: Vẫn là em cứ chậm chậm mà thân Vẫn là em cứ lạ lạ mà gần (Làm quen) Có khi nhà thơ kết hợp cả vần lưng và vần chân: Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi dầu chúng ta cứ việc già nua tất xin thương mến đến tận cùng chân thật (Tuổi thơ) Nhờ cách gieo vần linh hoạt này mà tuổi thơ của bao bạn đọc như từng bước được hiện ra, trỗi dậy, đầy gợi cảm. Cách gieo vần như thế làm chất dân gian trong thơ Nguyễn Duy trở nên sâu đậm hơn. Ngoài ra, Nguyễn Duy sử dụng hệ thống thanh điệu vào trong sáng tác của mình một cách nhuần nhuyễn, khiến giọng thơ trở nên mênh mang, nhẹ nhàng. Đó có khi là thanh bằng: 40
  45. Nước chè tươi rót vàng mơ Đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng (Thuốc lào) Nhưng đôi khi thanh trắc cũng được sử dụng nhiều, tạo cảm giác mạnh, nhạc điệu cao đầy ấn tượng: Vợ ta càu nhàu con ta chán học Nước mắm gắt góc bếp ám khói (Nhớ nhà) Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ luôn trăn trở và luôn tìm cách đổi mới giọng điệu để thích hợp với thời đại. Trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề hiện đại hóa thơ ca, ông đã tìm ra được hướng đi riêng của mình, khẳng định được phong cách cá nhân giữa bối cảnh thơ ca khá phức tạp hiện nay. Nhà thơ ý thức sâu sắc tầm quan trọng của bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Chính vì vậy, bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ, chất liệu hình ảnh gần gũi, nhà thơ còn tìm về lục bát - một thể thơ truyền thống của dân tộc, ông nâng niu và biến lục bát thành “thương hiệu riêng” của mình. Nguyễn Duy thổi vào nó tính nhạc để tạo sự hấp dẫn riêng đối với từng câu thơ, từng con chữ. Những câu thơ lục bát ấy có sự phối hợp hài hòa giữa dòng 6 chữ và dòng 8 chữ. Sự dung dị, mềm mại và khả năng dung nạp được cùng lúc nhiều nội dung đa dạng của đời sống đã khiến cho thể thơ này có sức sống trường tồn. Chỉ hai câu lục bát, cũng đã là một câu chuyện hoàn chỉnh: Hồn tôi như hoa cỏ may Một chiều cả gió bay đầy áo em (Nguyễn Bính) Về nhịp - vốn được xem là một yếu tố rất quan trọng trong sáng tạo thơ ca, đặc biệt là thể thơ lục bát. Việc can thiệp, thay đổi nhịp lục bát truyền 41
  46. thống có thể tạo ra tiết tấu mới lạ, đồng thời tạo hiệu quả làm nên tính nhạc cho thơ ca. Chuyển đổi nhịp linh hoạt: câu lục thường dùng nhịp 3/3 hoặc 2/4 nhưng câu bát có thể ngắt theo nhiều cách: 4/4 “biệt tăm con cá/ lông nhông thuyền chài”, nhịp 3/3/2 “vài tia nắng/ gãy loe ngoe/ góc vườn”, nhịp 2/6 “nằm nghe/ chim lả lơi cây tiêu huyền”, hay nhịp 3/2/3 “người xa quê/ léng phéng/ người xa quê” Có khi trong một đoạn thơ 8 câu, nhịp điệu thay đổi liên tục: Em đi / bỏ lửng sân đình trống chèo / ngắc ngoải / thùng thình / gọi ai Chòng chành / kiếp nón không quai hai mà một / một mà hai / một mình (Mỗi) Với cách phối thanh và ngắt nhịp trên, lục bát Nguyễn Duy phần nào đã phá vỡ âm hưởng nhịp nhàng, mềm mại của lục bát truyền thống, gửi vào đó yếu tố nhạc tính tạo nên âm hưởng mới phù hợp với xu thế hiện đại. Nói đến yếu tố tạo tính nhạc cho thơ phải kể đến vai trò của nhịp điệu, âm luật. Maiacopxki từng khẳng định: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ”. Câu thơ và vần có một cái duyên mà thậm chí khi lời, ý dở, nhà thơ vẫn quyến rũ người nghe bằng nhịp điệu và sự cân đối”. Theo giáo sư Hà Minh Đức: “Nhịp điệu là kết quả của một sự chuyển động nhịp nhàng, sự lặp lại đều đặn những âm thanh nào đó ở trong thơ” [7, tr.45]. Nhịp thơ có thể dài, ngắn, đọc lên có thể nhanh hay chậm phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc: Có gì đâu, / có gì đâu Mỡ màu ít, / chắt dồn lâu / hoá nhiều. Rễ siêng / không ngại đất nghèo (Tre Việt Nam) 42
  47. Không biết đây là lời của tác giả hay chính là lời của tre. Có thể là những suy tư của tác giả về sức tre mãnh liệt, cũng có thể là lời tâm tình của tre. Câu thơ lục bát ở khổ thơ đầu theo nhịp 2/2, đến khổ thơ này đổi thành nhịp 3/3 (Có gì đâu hoá nhiều). Nhịp điệu có vẻ như gấp gáp cùng với việc lặp lại: Có gì đâu / có gì đâu thể hiện phần nào đức tính khiêm nhường và lạc quan của tre. Trong hành trình sáng tạo của mình, Nguyễn Duy sử dụng thành công các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa để “làm mới” ngôn ngữ. Bằng phương thức so sánh hay ẩn dụ, Nguyễn Duy đã góp thêm vào kho tàng ngôn ngữ dân tộc những từ mới như “bầu trời vuông”: mái tăng, “võng trăng”: võng của bộ đội Trường Sơn; bổ sung thêm những nét nghĩa mới cho những từ vốn trở nên quá quen thuộc như cây tre: Lưng trần phơi nắng phơi sương có manh áo cộc tre nhường cho con (Tre Việt Nam) hay cây ngô: Cây ngô đứng nắng vẹo hông Cho con bát nước ngon lành mẹ ơi (Bát nước ngô của bà mẹ Việt ở Cam Lộ) và tạo nên những kết hợp từ lạ như: mưa dùng dằng” (Sông Thao), “lục bình trôi mộng du” (Trăng sông Tiền), “tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh” (Gửi Huế) thể hiện một trí tưởng tượng thật phong phú, bay bổng của Nguyễn Duy, ông đã đem đến cho thơ những kết hợp từ thật lạ, cấp cho từ “những nghĩa mới, thoát ra khỏi sự ràng buộc về mặt vật chất (chữ) và chứa đựng, toả ra những lớp nghĩa mang tính biểu trưng” [11, tr.86] giúp người đọc nắm bắt được những cái vô hình quanh họ với một cái nhìn mới, lãng mạn hơn, tinh tế hơn. 43
  48. Tóm lại, có thể khẳng định rằng, tính nhạc là một đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ thơ ca. Ngyễn Duy đã vận dụng thành công việc đưa từ láy, sử dụng cách ngắt nhịp, âm điệu để làm mới ngôn ngữ thơ của mình, khiến thơ ông lúc nào cũng bay bổng, tràn đầy nhạc tính. Chính vì đặc điểm này mà rất nhiều trường hợp các nhạc sĩ sử dụng ngay những bài thơ có sẵn làm chất liệu sáng tác cho bài hát của mình. Vô số những bài thơ phổ nhạc được nhiều người yêu thích và có sức sống khá bền lâu như: Vàm cỏ đông (Thơ Hoài Vũ), Tình ca Tây Bắc (thơ Cẩm Giàng), Tiếng đàn bầu (Thơ Lữ Giang), Bóng cây kơnia (dịch thơ dân tộc Hrê) 2.2.2. Ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình Quan trọng không khác gì tính nhạc, trong ngôn ngữ thơ người ta cũng thường chú ý nhiều đến tính tạo hình. Tính tạo hình làm cho cảm xúc trong thơ trở thành một thế giới các hình ảnh có đủ sắc màu, hình khối đang vận động, cựa quậy trước mắt chúng ta. Nhờ thế mà ta có thể tri giác được màu thời gian hư ảo trong thơ Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian không xanh Màu thời gian tím ngắt Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh Hơn hết, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ giàu hình ảnh, sắc màu. Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng nghệ thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. Vì thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng hình ảnh là điều kiện của thơ, lý do tồn tại của thơ, biểu tượng chính của thơ. 44
  49. Nhà thơ Tố Hữu viết về bốn mùa (đông, xuân, hè, thu) ở Việt Bắc bằng ngôn ngữ giàu tính họa (có người gọi đây là bức tranh tứ bình): Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Nguyễn Duy là một trong số những nhà thơ sử dụng những từ ngữ chỉ hình ảnh, màu sắc rất đa dạng, phong phú. Ông sử dụng nhiều từ ngữ giàu tính tạo hình. Việc làm mới cho ngôn từ thơ ca của mình, điều này khẳng định khẳ năng tìm tòi, khám phá của Nguyễn Duy trong biển ngôn ngữ dân tộc, mặt khác chứng tỏ nhà thơ đã có công đưa vốn từ này lên vị trí xứng đáng trong nền văn học nước nhà với sức sống tiềm tàng, lớn lao của nó. Trước hết đó là những từ ngữ chỉ màu sắc, có giá trị lớn trong việc cụ thể hóa những đặc điểm riêng của thiên nhiên, con người. Đó là hình ảnh cụ thể hóa, khắc sâu vào tâm trí con người: Mẹ tôi gồng gánh thay chồng da bánh mật mòn tre bánh tẻ (Dòng sông mẹ) Rơm rạ ơi ta trở về đây gió sùng sục mùi bùn nằng nặng ngấu mộc mạc tím cánh hoa bìm bờ dậu (Về đồng) Các từ ngữ chỉ màu sắc cũng rất đa dạng. Có những từ miêu tả màu sắc ở mức độ biểu cảm trung hòa: Đất bày biện phơi - cỏ xanh - hoa thắm - cành chồi (Tí tẹo Bắc Âu) Hoặc đó là màu sắc trong tâm tưởng: 45
  50. Hồ gươm xanh màu xanh cổ tích (Một góc chiều Hà Nội) Các màu sắc ở đây không chỉ miêu tả màu sắc của cảnh vật tôn vẻ đẹp của thiên nhiên, con người mà còn bộc lộ tình cảm của con người trong đó. Thơ Nguyễn Duy có cốt cách của thơ ca Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng: “thi trung hữu họa”, “ý tại ngôn ngoại”. Việc kiệm lời, kiệm chữ là một yêu cầu tối quan trọng đối với nhà thơ. “Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu sa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời hết mực song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt” (Hải Thượng Lãn Ông). Mỗi từ ngữ trong câu thơ phải diễn tả được đúng điều mà nhà thơ nhìn thấy, cảm thấy và những điều sẽ thấy. Lựa chọn được một từ ngữ “đắt” để diễn đạt một ý không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nói như Maiacôpxki, quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium: Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ Chính vậy nên thơ ca Nguyễn Duy không cần cầu kì, trang trọng, chỉ ít lời mà nói lên được tâm trạng cũng như cảm xúc cùa nhà thơ - nhân vật trữ tình. Màu sắc trong thơ ông có khi diễn tả tâm trạng, tinh thần lạc quan, tin tưởng của người chiến sĩ: Mặt trời mọc trong lòng tay đỏ rực từ gương mặt hồng hào bụi đất nắng lên lấp ló sau hàng mi những dải tóc dính bết (Chiến hào) Ngoài từ ngữ chỉ màu sắc, Nguyễn Duy sử dụng các từ ngữ để khắc sâu khoảng không gian, thời gian. Qua đó nhà thơ bày tỏ được tâm trạng cũng 46
  51. như nỗi nhớ với quê nhà: Đường ta xa lắc xa lơ đường người ảnh ảo bến bờ mờ xa (Đường xa) Ngoài làm giàu tính nhạc, Nguyễn Duy còn sử dụng nhiều từ láy giàu tính tạo hình. Nhà thơ sử dụng từ láy đặc tả, xuất hiện trong đời sống hàng ngày: Lép kẹp, lưa thưa, lờ đờ ông còn sáng tạo ra các từ láy phái sinh như: Phấp pha phấp phới, thấp tha thấp thoáng để nhấn mạnh các đặc điểm, trạng thái, hành động của đối tượng: Thất tha thất thểu văn chương Kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài (Xin đừng buồn em nhé) Từ láy có khi tả cảnh, có khi tả tình: Cành cong tý tách rơi từng giọt trăng (Trăng) Nhà thơ còn khắc họa hình ảnh, tính cách con người qua những từ láy tạo hình rất đặc sắc: Cha ta cầm cuốc trên tay Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa Lưng trần bạc nắng thâm mưa Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì (Về làng) Ngoài ra Nguyễn Duy sử dụng chất tạo hình của khẩu ngữ có vẻ “xô bồ”, “bụi bặm”, nhưng lại rất “lạ”. Nhiều bài thơ là một bản hợp xướng của những chữ lạ: "ngấp nga ngấp ngoáng kêu ma", "đàn kêu tang tảng tàng tang", "ỡm ờ dở dói dồn ghe dạt bèo", "Phang anh xất bất xang bang sao đành" v.v Có nhiều bài thơ như các bài: Nợ nhuận bút, Trở gió, Em đi, Gió 47
  52. gần như câu nào cũng có một chữ lạ đặc kiểu Nguyễn Duy như vậy. Đã bao nhiêu người tả “gió”, nhưng đến Nguyễn Duy, người ta mới bắt gặp một thứ "hội hóa trang" của gió, hết gió cong queo lại gió tuây huây, gió loang toang, gió vùng vằng, rồi đến gió rờn rợn và cả gió tâm thần nữa. “Ngày” trong thơ ông là ngày ngun ngủn, “trăng” là trăng rỗng tuếch (trong một câu thơ đẹp một vẻ đẹp cổ điển Đêm suông rỗng tuếch trăng tà), “mây” là thứ mây tướp, “thời gian” thì trôi thườn thượt và con người nếu không là rơm rạ, không hóa đá, thì cũng lẫn với ma, cùng là các loại người đi như xác chết trôi giữa đường Đến đây, lại càng thấy rõ trong một nền thơ, cuộc khiêu vũ ngôn từ trải ra trên cả một vũ trường hết sức rộng rãi, có người chỉ nhảy theo nhịp cổ điển, có người thích lao vào những thể nghiệm hoàn toàn mới. Về phần mình, Nguyễn Duy ở vào giữa hai đám chúng sinh đó. Tìm đến đâu ông vận dụng ngay đến đó. Sở dĩ đôi khi ông đưa ra những chữ lạ, không phải vì ông bị chúng quyến rũ, hoặc ham chơi quá, sẵn sàng "thể nghiệm để thể nghiệm", mà đơn giản chỉ vì phải những chữ ấy mới diễn tả hết cái vẻ riêng của thế giới ông quen hình dung. Chữ vẫn trong tay ông sai khiến. Tóm lại thơ Nguyễn Duy rất giàu tính tạo hình, dù sử dụng từ láy hay các tính từ khác thì cái đích cuối cùng cũng là để giúp nhà thơ bộc lộ tư tưởng thẩm mĩ của mình. Có thể nói rằng, chính lời ăn tiếng nói dân tộc đã tạo nên trong thơ Nguyễn Duy sự sinh động, phập phồng hơi thở dân gian. 2.3. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp tài tình các thủ pháp nghệ thuật Ở phương diện ngôn ngữ, tài năng của nhà thơ không phải chỉ thể hiện ở sự dung hợp nhiều phương tiện ngôn ngữ thuộc nhiều phong cách chức năng khác nhau, mà quan trọng hơn là nhà thơ phải tái tạo ngôn ngữ để “cống hiến thêm vào cho biểu tượng của người đọc một sự thật mới, một hiện thực mới qua một ngôn từ nghệ thuật mới có sức biểu hiện cao” (Hoàng Trinh), bởi 48
  53. vì “xét cho cùng, lao động của nhà thơ chính là lao động kiếm chữ tìm từ, chế tác ngôn ngữ, tạo nghĩa mới” [14, tr.28-29]. Để tái tạo lại ngôn ngữ, tuỳ theo hoàn cảnh sáng tác, sở thích, đặc điểm tâm lý mỗi nhà thơ thường chọn cho mình những phương thức nghệ thuật nhất định. Trong hành trình sáng tạo của mình, những phương thức cơ bản thường được Nguyễn Duy sử dụng để “làm mới” ngôn ngữ là: phương thức tự sự hóa và phương thức so sánh, ẩn dụ và trùng điệp. 2.3.1. Thủ pháp liệt kê, trùng điệp Trước hết để phản ánh cái hiện thực nghiệt ngã mà nhân dân đang gánh chịu, Nguyễn Duy dùng thủ pháp liệt kê để nhằm phơi bày hiện thực xã hội ấy. Ông từng kể: Tôi lớn lên trên bờ bãi sông Hồng trong màu mỡ phù sa và máu loãng giặc giã từ con châu chấu con cào cào Nguyễn Duy dùng lối điệp ngữ để kể và nhấn mạnh cái ý “Tiềm lực còn ngủ yên” đến tám lần. Mỗi lần Nguyễn Duy lại chỉ ra một nguyên do để cho tiềm lực của đất nước bị lãng quên. Thực chất đó là những tội lỗi được ông gọi tên, chỉ mặt. Rồi sau khi chỉ ra nguyên nhân để cho đất nước lâm vào cành nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân đói khổ, ông lại cảnh giác chỉ ra bằng một loạt sự “Cần lưu ý”: Cần lưu ý lời nói thật thà có thể bị buộc tôi Cần lưu ý cái miệng làm chức năng cái bẫy Cần lưu ý có lắm sự nhân danh lạ lắm mượn áo thánh thần che lốt ranh ma Trong “Nhìn từ xa Tổ quốc”, Nguyễn Duy đau đớn ngẫm về đất nước, về nhân dân. Ông liệt kê ra sáu xứ xở quê nhà: Xứ xở nhân tình sao lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu /nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng Xứ xở linh thiêng 49
  54. sao lắm đình chùa làm kho hợp tác thiện ác nhập nhằng /công lý lênh phênh Xứ xở thông minh sao lắm trẻ con thất học Thủ pháp liệt kê cho phép người viết kể được nhiều, nói được nhiều những điều mắt thấy tai nghe. Bên cạnh đó còn có thể bình luận thể hiện sự đánh giá, nhận xét của mình trước những điều đã thấy đó. Cái khác biệt ở đây là Nguyễn Duy đã dùng sự đối lập của ngôn từ và hình ảnh để nói về cái lầm than, cái chua xót khi liệt kê. Câu thơ đọc lên như “nhát dao cứa vào lòng” vậy. Một thủ pháp nổi bật khác trong nghệ thuật mà Nguyễn Duy hay sử dụng đó chính là thủ pháp trùng điệp. Trùng điệp là sự luân phiên, lặp lại của một số đơn vị ngôn ngữ nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật. Thơ Nguyễn Duy dùng rất nhiều biện pháp trùng điệp trên các cấp độ: điệp thanh, điệp phụ âm đầu, điệp vần, điệp từ, điệp ngữ tạo nên những cách kết hợp độc đáo. Trong bài “Nhìn từ xa Tổ Quốc”, ông dùng 30 lần chữ “Ai”, bài “Đánh thức tiềm lực” trong một đoạn gồm 15 câu thì có đến 6 câu “Tiềm lực còn ngủ yên”, bài “Với đồng bằng” bài thơ có 8 câu thì chiếm 3 câu “ cúi lom khom tìm gì trong đất kia” và 3 câu “tìm hột gạo” Những từ ngữ lặp lại này đã giúp nhà thơ thể hiện một ý nhấn mạnh nào đó hay có khi diễn tả một sự băn khoăn, trăn trở, day dứt trong tâm trạng tác giả hoặc nhân vật trữ tình. Nhưng có lẽ sáng tạo từ láy mới là điểm nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Duy khi sử dụng biện pháp trùng điệp. Cũng như các nhà thơ khác, khi sử dụng từ láy, Nguyễn Duy đã khai thác triệt để tính chất tượng hình và tượng thanh của từ láy để thể hiện thái độ, cảm xúc. Bên cạnh những từ quen thuộc như: rung rinh, thì thầm, ngỡ ngàng ông còn tạo ra nhiều từ khá mới lạ như: lênh thênh, long thong, nhỏng nhảnh,ngấp nga ngấp ngoáng, xất bất xang bang Không chỉ dừng lại ở việc khéo léo tạo nên những từ láy mới lạ, 50
  55. Nguyễn Duy còn sử dụng phối hợp phép trùng điệp ở nhiều cấp độ. Tiêu biểu cho đặc điểm độc đáo này là dòng thơ: “Muối lung linh cùng nắng lung linh trắng lấp cái nhìn” (Muối trắng). Cả dòng thơ gồm mười một chữ, nhưng từ láy “lung linh” được sử dụng hai lần, phụ âm “l” được lặp lại năm lần, khi đọc lên, sự trùng điệp ấy như lần lượt hắt lên cái lấp lánh của muối trắng dưới ánh mặt trời, giúp người đọc như nhận ra nét duyên thầm của muối trắng. Ngoài ra, Nguyễn Duy còn mượn hình thức phổ biến trong dân gian là dùng từ láy phụ âm đầu để thiết lập nên những phát ngôn có nghĩa: Hớ hênh hau háu hao hao hung hăng hừng hực hồng hào hân hoan (Thử chơi xem sao) Tất cả sự trùng điệp đó biến các câu thơ thành một dòng âm thanh kết dính, phá vỡ nhịp điệu hài hòa vốn có của thể lục bát nhưng lại diễn tả tài tình trạng thái phấn khích của nhân vật trữ tình. Trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến và rất nhiều nhà thơ khác những tổ hợp từ trùng điệp kiểu như: “lửa lựu lập lòe”, “lóng lánh ánh trăng loe” xuất hiện thật hiếm hoi thì trong thơ Nguyễn Duy chúng lại xuất hiện với tần số khá cao. Ngoài ra, ta còn bắt gặp trong thơ ông những kết hợp khác như: Ngắn ngun ngủn ngày người Gió chi mà gió thế (Trở gió) Khi bắt gặp những câu thơ ấy của ông, người đọc vừa có cảm giác như Nguyễn Duy đang hồn nhiên chơi trò ghép chữ, lại vừa nhận thấy đây là sự thể nghiệm công phu của nhà thơ, cứ như ông đang xáo tung cả kho ngôn ngữ lên, sắp xếp lại theo ngẫu hứng của mình để tạo nên những tiếng vang bên trong chữ. Sử dụng những phép điệp này còn đem đến cho thơ Nguyễn Duy một nhạc điệu thật lạ, các âm các từ như dính vào nhau, ngân nga theo một 51
  56. âm hưởng chủ đạo, nếu âm, từ được láy lại có âm điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, thì câu thơ có nhạc điệu du dương, mềm mại: Gió chiều náo động trong tôi long lanh ánh lá lặng rồi lại lay (Người đang yêu) Có thể thấy, Nguyễn Duy trong việc sử dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật ngôn từ không chỉ khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà thơ, mà còn thấy được một giọng điệu rất riêng, rất độc đáo của ông và tạo nên sự khác lạ cho phong cách thơ Nguyễn Duy. 2.3.2. Thủ pháp so sánh, ẩn dụ So sánh là phương thức biểu đạt bằng ngôn từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia. So sánh tạo nên sức mạnh nhận thức và phát hiện. Nhận thức ở đây được hiểu là những hiểu biết mới, những cách nhìn mới về sự vật, hiện tượng thông qua thao tác liên tưởng, đối chiếu giữa chúng với nhau. Cho nên, vẫn cùng là so sánh, nhưng ở mỗi nhà thơ cách biểu hiện, cách khai thác lại có những dáng vẻ khác nhau. Đọc những bài thơ của Nguyễn Duy, ta thấy ông hay dùng thủ pháp nghệ thuật này nhưng với lối diễn đạt khá mới lạ: Mắt em trong đến ngây thơ trong như nắng giữa mịt mù mưa giăng (Mưa trong nắng nắng trong mưa) ở câu thứ nhất, người đọc đang hình dung nhân vật “em” có đôi mắt với ánh nhìn trong trẻo, ngây thơ chợt phải khựng lại, suy tư trước cách so sánh của tác giả ở câu thứ hai: “trong như nắng giữa mịt mù mưa giăng”. “Trong như nắng” thì có thể hình dung được cụ thể “độ trong” của mắt, nhưng khi nói 52
  57. “nắng giữa mịt mù mưa giăng” tính chất của nó lại khác: nhòe ướt và không phải là không biết ưu tư, trăn trở. Còn trong bài “Âm thanh bàn tay”, Nguyễn Duy cũng có cách so sánh khá bất ngờ: Tôi lớn lên với ruộng với đồng Nghe giao hưởng khác nào nghe xay thóc Em dạy nhạc cho tôi khác nào đi vỡ đất Hình ảnh được đem ra so sánh thật giản dị đến ngỡ ngàng. Dường như nó đi theo cái chiều ngược lại của lối so sánh thông thường. Nhưng chính vì thế mà nó đọng lại trong tâm trí người đọc bởi sự chân thành trong cảm xúc, suy nghĩ của cái tôi trữ tình. Bước chân vào cuộc chiến đấu, những người lính đã phải đối mặt với bao chông gai thử thách, khó khăn gian khổ và cũng từng ít nhất một lần bị cơn sốt rét rừng hành hạ, dày vò, tàn phá cơ thể, Nguyễn Duy đã cảm sâu sắc điều này khi viết: Oái oăm sốt rét rừng già Trong lòng gió bấc ngoài da gió lào (Người đang yêu) Bằng các hình ảnh so sánh “gió bấc” và “gió lào”, nhà thơ đã nói được đầy đủ nhất cái cảm giác oái oăm, khổ sở mà người lính phải chịu đựng của những cơn sốt rét nơi rừng già. Lối ví von so sánh tạo liên tưởng này ta còn gặp khá nhiều trong thơ Nguyễn Duy: “được yêu như thể ca dao, thực hư như thể con đường trong mơ, chìa ra như thể thừa ra bên đường ” đã tạo ra nét độc đáo cho thơ ông. Nguyễn Duy cũng hay dùng biện pháp ẩn dụ để tạo nên những kết hợp từ lạ như: “mưa dùng dằng” (Sông Thao), “lục bình trôi mộng du” (Trăng sông Tiền), “tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh” (Gửi Huế), “râm ran gió kể chuyện” (Võng trăng) khiến các sự vật, hiện tượng được nhân hóa trở nên 53
  58. sống động, có hồn. Phương thức này còn được ông sử dụng để bổ sung thêm những nét nghĩa mới cho những từ vốn trở nên quá quen thuộc như cây tre, cây ngô: Lưng trần phơi nắng phơi sương có manh áo cộc tre nhường cho con (Tre Việt Nam) Cây ngô đứng nắng vẹo hông cho con bát nước mát lòng mẹ ơi! (Bát nước ngô) Từ việc sử dụng một cách tài tình thủ pháp nghệ thuật so sánh và ẩn dụ, không chỉ cho ta thấy một trí tưởng phong phú, nhạy cảm, tinh tế của hồn thơ Nguyễn Duy. Mặt khác, nhà thơ đã tạo ra một thứ ngôn ngữ sinh động để dựng lên trước mắt bạn đọc những tình, những cảnh, những chi tiết ở hình thái trực tiếp và gợi cảm. Có thể thấy, Nguyễn Duy trong việc sử dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật ngôn từ không chỉ khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà thơ, mà còn thấy được một giọng điệu rất riêng, rất độc đáo của ông và tạo nên sự khác lạ cho phong cách thơ Nguyễn Duy. 54
  59. KẾT LUẬN 1. Là một thành tố văn học, ngôn ngữ văn chương đã tồn tại như một phương tiện bảo tồn gìn giữ và sáng tạo văn hoá hữu hiệu. Thơ Nguyễn Duy được bắt nguồn từ ngôn ngữ trong văn hoá dân gian miền Trung Bắc Bộ. Qua lăng kính chủ quan của mình, Nguyễn Duy đã không bộc lộ khuynh hướng theo đuổi những vấn đề mang tính chất nghề nghiệp thuần túy, như đào sâu, trau dồi việc thực hiện ngôn ngữ, không mê mải với những cách tân siêu thực, tượng trưng Ông chọn cho thơ mình một lối cảm hứng bám sát hiện thực đời thường, bám sát thời cuộc, với những vấn đề tâm lý “nóng bỏng” của toàn xã hội cũng như những day dứt và trưởng thành của mỗi cá nhân. Xuất phát từ việc tìm hiểu giới thuyết chung về ngôn ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật, tác giả khóa luận đã vận dụng vào thơ Nguyễn Duy để thấy được những đặc trưng cơ bản về phương diện ngôn ngữ trong thơ ca của ông. 2. Trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Duy, triết lý nhân sinh: “Ta là dân - vậy thì ta tồn tại” (Nhìn từ xa Tổ quốc) có ý nghĩa như một “mẫu gốc”. Quan niệm đó của ông không chỉ thể hiện tư tưởng trọng dân, tình cảm gắn bó máu thịt với nhân dân lao động mà còn thể hiện hướng đi trong sáng tạo nghệ thuật: Hoà mình vào nhân dân, cất lên tiếng nói của chính họ trong cuộc đời - đấy chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của ngòi bút thơ Nguyễn Duy. Triết lý nhân sinh này đã được chuyển hoá nhuần nhuyễn vào quan niệm thẩm mỹ và quan niệm sáng tác của ông. Ông đã hiện thực hoá quan niệm nghệ thuật ấy của mình qua quá trình sáng tạo nghệ thuật. Một trong những thành tố được Nguyễn Duy áp dụng quan niệm nghệ thuật trên đó chính là ngôn ngữ. Vì vậy, tìm hiểu những đặc trưng ngôn ngữ trong thơ ca Nguyễn Duy không thể không xét đến yếu tố “giản dị, đời thường” trong thơ ông. Để đưa thơ về gần hơn với đời sống, nhà thơ đã vận dụng sự “kết hợp ngôn ngữ 55
  60. thơ ca dân gian với ngôn ngữ đời sống”, và yếu tố “lạ hóa” ngôn ngữ đời thường. Nhờ đặc điểm này mà ngôn ngữ thơ ông dễ hiểu, bình dị, những ngôn từ gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy là ngôn ngữ giản dị, được chắt lọc từ ngôn ngữ đời thường, dân dã của nhân dân nhưng lại không hề khô khan, cộc lốc mà ngược lại rất bay bổng, sinh động, phập phồng hơi thở dân gian, đó là nhờ tính nhạc và tính tạo hình trong ngôn ngữ thơ. Nhờ thế mà bạn đọc như tìm thấy tiếng nói của mình trong đó, đồng thời vẫn nhận ra những điều mới mẻ, thú vị qua những dòng triết lý, chiêm nghiệm của chủ thể trữ tình. 3. Để vượt lên những lối mòn ngôn ngữ, Nguyễn Duy đã sử dụng kết hợp nhiều phương thức nghệ thuật độc đáo, nổi bật là phương thức: tự sự hóa và phương thức so sánh, ẩn dụ, trùng điệp. Với vai trò của người kiên trì “luyện thơ” từ “bụi chữ” (Rơi và nhặt) đồng thời cũng là một vũ công tài hoa “khiêu vũ từ ngữ” (Khiêu vũ), Nguyễn Duy đã giữ được ngôn ngữ thơ ở giới hạn cheo leo giữa các đối cực: mộc mạc và tinh tế, bỡn cợt và nghiêm túc, nhẹ nhàng và sâu cay Tuy nhiên, Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy còn chứa đựng nhiều yếu tố mà người viết trong khuôn khổ khóa luận chưa có điều kiện đi sâu khai thác một cách triệt để. Vì vậy khóa luận khó tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả khóa luận hi vọng khi có điều kiện sẽ trở lại vấn đề này để có cái nhìn đầy đủ hơn về ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Duy. 56
  61. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Arixtot - Lưu Hiệp (1961), Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa - Nghệ thuật, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (1986), “Tìm giọng nói thích hợp với thời mình”, Báo văn nghệ, (15), tr.11. 3. Lại Nguyên Ân (2004), “Nhà quê” và thơ lục bát”, Báo văn nghệ, (1+2), tr29. 4. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ văn hóa thông tin và thể thao, Hà Nội. 5. Nguyễn Duy, (Bản thảo), Tuyển tập thơ Nguyễn Duy 6. Hữu Đạt, (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. Hà Minh Đức (1999), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Hồ Thế Hà (2005), “Nghĩ về tính triết lý trong thơ”, Nghiên cứu văn học (9), tr.110. 9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007) Từ điển Thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục. 10. HồVăn Hải (2001), “Từ láy trong lục bát Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ và đời sống, (4), tr.6-8. 11. Bùi Công Hùng (2000), Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội. 12. Lê Quang Hưng (1986), “Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng”, Tạp chí Văn học, (3), tr.155. 13. Tố Hữu (1973), Xây dựng một nển văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội. 14. Mã Giang Lân (1986), “Thơ hôm nay”, Tạp chí văn học (1), Hà Nội. 15. Phương Lựu (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục. 16. Phương Lựu (2002), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  62. 17. Vương Trí Nhàn (2001), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. 18. Nhiều tác giả (1985), Thơ Việt Nam 1945 - 1985, Nxb Giáo dục. 19. Nguyễn Quang Sáng (1987), Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy, Nxb Thanh Hóa. 20. Chu Văn Sơn (2003), Ba đỉnh cao mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 21. Từ Sơn (1985), “Thơ Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ (30), tr.2. 22. Trần Đình Sử (1993), Giáo trình Thi pháp học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 23. Trần Đình Sử (1995), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục. 24. Nguyễn Trọng Tạo (1998), Văn chương - cảm và luận, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 25. Hoài Thanh (1972), Chuyện thơ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội 26. Nguyễn Đức Thọ (2003), “Nguyễn Duy - Thi sĩ đồng quê”, Nhà văn trong mắt nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.82- 90. 27. Vũ Duy Thông (1998), Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 - 1975, Nxb Giáo dục 28. Lê Quang Trang, Đọc Ánh trăng, Báo Nhân dân, 26-3-1985. 29. Nguyễn Bùi Vợi (1986), “Ánh Trăng”, Báo Văn nghệ (16), tr.7. 30. Lê Trí Viễn (1997), Đến với thơ hay, Nxb Giáo dục. 31. Phạm Thu Yến (1998), “Ca dao vọng về trong thơ Nguyễn Duy”, Tạp chí văn học, (7), tr.76-82.